BÙI KIM CHI
“Tháng Tám năm Ất Dậu (1945)… Là công dân Việt Nam nên tôi đã tham gia phong trào chống xâm lăng…”. (Truyện ngắn Mũi Tổ).
Thật ra, đây cũng chính là tâm nguyện phát xuất từ tấm lòng yêu nước của chàng trai Nam bộ đất Đồng Nai Lý Văn Sâm. Ông sinh ngày 17/2/1921. Mùa xuân Đinh Dậu này ông tròn 96 tuổi. Lý Văn Sâm mất ngày 14/9/2000 tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Quê nội của ông ở làng Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (nay là xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Quê ngoại ở ấp Ông Lình, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ (nay là huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Tôi biết nhà văn Lý Văn Sâm qua tác phẩm Kòn Trô. Một truyện ngắn đường rừng hay, độc đáo đặc trưng Nam bộ với lối kể chuyện giản dị, duyên dáng, hấp dẫn và thế là Kòn Trô đã lôi cuốn tôi đi tìm tác giả. Năm ấy tôi 26 tuổi. Tôi đã gặp ông. Kín đáo. Chỉ đứng nhìn. Không tiếp cận. Đó là một người đàn ông nhỏ nhắn, gầy, gương mặt có phần khắc khổ. Thoáng nhìn thấy nghiêm nghị nhưng sau đó thì hiền lành, đằm thắm, chân chất của người Nam bộ. Những ngày tiếp theo và sau đó nữa Kòn Trô đã dẫn dắt tôi say sưa đến với văn chương của Lý Văn Sâm qua vùng đất và con người Đồng Nai của miền Đông Nam bộ. Đây là một vùng đất mang sắc thái văn học đặc biệt của nền văn học Việt Nam mà Đồng Nai là nơi đã sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ tài hoa. Đúng như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhận xét, Lý Văn Sâm sinh ra trên vùng đất địa linh nhân kiệt, chỉ một khúc sông Đồng Nai thôi mà đã sinh ra 4 bậc thi nhân lẫy lừng và hào sảng. Một thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chọc nước khuấy trời miền Đông một thuở, một nhà văn kể chuyện đường rừng Lý Văn Sâm, một cây viết cần cù, một nhà quay phim đầy trách nhiệm Hoàng Văn Bổn và một nhà văn đi giữa hai làn nước đục trong với những tác phẩm còn mãi với thời gian Bình Nguyên Lộc.
Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, Lý Văn Sâm có đủ điều kiện hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và đời sống của người Đồng Nai; từ đó ông đã có những trang viết xuất sắc đậm tình quê hương. Đồng Nai chính là không gian nghệ thuật đã giúp ông có chỗ đứng vững chắc trên văn đàn với những sáng tác văn học có giá trị tiêu biểu, mở đầu cho nền văn học miền Nam. Kòn Trô là truyện ngắn đầu tay rất nổi tiếng của Lý Văn Sâm. Một chi tiết khá thú vị, theo tâm sự của ông với bạn văn, Kòn Trô là truyện ngắn ông tâm đắc nhất ra đời trong hoàn cảnh lúc ông đang làm việc ở lò than do gia đình tạo dựng. Kòn Trô chính là mình và Thể Phụng là một cô gái xinh đẹp, trên đường đi ngắm cảnh thác Trị An thì xe ô tô bị hư. Cô gái đã nhờ ông tìm người sửa chữa, nghỉ nhờ và ăn cơm tại nhà ông. Từ đó nhà văn tưởng tượng, hư cấu và viết thành truyện. Hai nhân vật Thể Phụng và Kòn Trô một thời đã hấp dẫn trí tưởng tượng trong tôi về cảnh núi rừng thâm u, ma mị của Đồng Nai, những mảng mây trời bàng bạc màu khói hương ôm ấp một tình yêu lãng mạn…
Qua tìm hiểu tôi được biết, ngày ấy xóm Cây Chàm gần nhà tôi ở có nhà văn Lương Văn Lựu, một trong những cây bút trẻ đã cùng Lý Văn Sâm, Huỳnh Sanh và một vài người nữa hình thành Văn đàn Sông Phố. Mục đích của nhóm là bán những cuốn sách có nội dung tốt, tổ chức giao lưu với bạn đọc, kêu gọi các bạn trẻ đến với văn học. Chính từ văn đàn này, Lý Văn Sâm bắt đầu sáng tác. Tác phẩm được đăng báo đầu tiên của ông là Cây Nhị Sông Phố, trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. (Truyện ban đầu có tên là Cây Đàn Sông Phố nhưng nhà văn Vũ Bằng khi biên tập đã chỉnh lại là Cây Nhị Sông Phố). Sau truyện ngắn này Lý Văn Sâm trở thành cây bút quen thuộc của Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội, Sài Gòn và một số báo khác… Nhà văn Lý Văn Sâm sáng tác khá sớm (khoảng năm 1936 - 1939) với nhiều thể loại khác nhau. Truyện ngắn (42 truyện), truyện vừa (17 truyện), tuồng cải lương (1 tuồng), kịch (11 vở). Về thể loại ký, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai đã tuyển in trong các tập Bến Xuân (1980), Những bức chân dung (1983), Ngàn Sau Sông Dịch (1988); Tạp văn (20 bài); Thơ (hiện còn 3 bài).
Văn chương của Lý Văn Sâm ngày ấy đã dẫn dắt tôi, lôi cuốn tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và tôi đã lắng người “ngưỡng mộ” ông. Ông là một nhà văn có cá tính độc đáo, sáng tạo, tinh tường trong cách miêu tả và xây dựng nhân vật. Với tôi, Lý Văn Sâm là một nhà văn tài hoa của đất Đồng Nai. Ông đã được truy tặng Giải Thưởng Nhà Nước về Văn Học Nghệ Thuật năm 2006. Có một chi tiết đã làm cho tôi lắng lòng nể phục ông đó là đức tính khiêm tốn. Nhà văn Bùi Quang Tú, con trai của nhà văn Bùi Hiển thổ lộ: “Ông già rất khiêm tốn. Khiêm tốn tới mức không nhận mình là nhà văn. Cuối đời, trong tấm danh thiếp ông chỉ ghi: Lý Văn Sâm. Đảng viên. Hưu trí”.
Đồng Nai là quê hương thứ hai của tôi sau Huế. Với không gian hiền hòa, con người chân chất, hiền lành, tâm hồn đậm chất nghệ sĩ, Đồng Nai đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Tôi ngưỡng mộ nhà văn Lý Văn Sâm. Rất nhớ những ngày tháng đầu tôi lạ lẫm đến với Đồng Nai và nhân vật Kòn Trô là người đã mang tôi đến gần với văn chương của xứ Đồng Nai.
B.K.C
(SHSDB24/03-2017)