NGUYỄN HỮU SƠN
Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi.
Ông học thông tam giáo (Nho - Phật - Đạo), từng nhiệt thành giúp vua Lê Đại Hành chống ngoại xâm, dựng xây đất nước, sau lại khuông phò Lý Công Uẩn lên ngôi nên rất được kính trọng. Theo sách Thiền uyển tập anh (1337), ông còn để lại một số bài thơ, trong đó đặc biệt có bài Thị đệ tử (Bảo đệ tử) - nhan đề do người đời sau đặt. Sách Thiền uyển tập anh chép rõ: “Ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), sư không bệnh, gọi tăng chúng đến đọc bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch nghĩa:
Đời người như bóng chớp, có rồi không,
Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.
Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.
Ngô Tất Tố dịch thơ:
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Sư lại bảo các đệ tử: “Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ”... Một lát sau sư qua đời. Vua cùng các quan dân làm lễ hỏa táng, xây tháp chứa xá lợi để đèn hương phụng thờ”.
Đến với bài thơ, trước hết cần đặt thi phẩm này trong toàn cảnh kiểu truyện tiểu sử thiền sư, trong văn cảnh nhà sư làm ngay trước khi qua đời và tính chất một bài thơ - thi tụng - thơ Thiền - kệ thị tịch... Trên hết, đây là bài kệ do Vạn Hạnh đọc trước khi quy tịch và được Thiền sư giải thích rõ thêm về bản chất sự tồn tại cái bản ngã “không lấy chỗ trụ mà trụ”, “chẳng lấy chỗ vô trụ mà trụ”... Xét cho cùng, Phật giáo cũng chỉ là một cách nhìn, một cách hình dung về đời người và thế giới con người với tất cả những tham - sân – si - ái - ố - hỷ - nộ, bình đẳng cùng quan niệm và những cách giải thích khác nhau của tất cả các dòng phái triết học và tôn giáo khác trên cõi đời này.
Bài thơ mở đầu bằng sự khẳng định Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (Đời người như bóng chớp, có rồi không). Dịch chữ THÂN là “đời người” cho dễ hiểu nhưng mới đúng theo lẽ phải thông thường mà chưa hẳn đã sát nghĩa. Trong bản chất, “thân” là biểu thị của thân nghiệp, sắc tướng, pháp tướng, hiển lộ bằng hình hài con người. Nhưng cái thân con người đã đến từ đâu, do đâu mà có và rồi sẽ đi về đâu? Khoa học hiện đại đã minh chứng thân xác con người chiếm khoảng 95% là nước (H20). Trước khi ra đời, con người có chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ, trước đó là do những chủng tử gien XX (ở mẹ) và XY (ở cha) hợp thành. Trước nữa thì ở đâu? Chính là ở trong rau cỏ, nước, không khí hội hợp thành; rồi xa hơn nữa có cội nguồn từ ông bà, cụ kỵ, tổ tiên... Đứa bé được sinh ra với vài ba ký. Nó lớn lên bằng sữa mẹ. Rồi tập ăn sam, rồi nhờ gạo, khoai, sắn, mì tôm, cải bắp, su hào, rau muống, mồng tơi, rau đay... mà thành người lớn. Vậy bản quyền cái thân xác con người năm bảy chục ký với những nước là nước và cộng hưởng từ rau cỏ kia sẽ thuộc về đâu? Còn có cái “bản ngã” nào ẩn náu đằng những sau hợp chất thân xác của nước và rau cỏ kia?
Cái “thân” con người tồn tại trên cõi đời này chỉ như điện và ảnh, như ảnh của điện, như bóng chớp, hiện hữu rồi qua đi. Chữ điện ảnh đến nay vẫn được dùng để chỉ ngành nghệ thuật thứ bảy (gọi nôm na là chớp bóng, chiếu bóng, chiếu phim). Cái “thân” con người đang hữu (có) rồi tất yếu sẽ đến ngày trở về vô (không). Nhưng theo quan niệm của Phật giáo và theo Thiền sư Vạn Hạnh, cái “thân” con người không phải từ hữu tuần tự đi đến vô mà là hoàn vô, trở về vô, về cõi hư vô - về với “Tây phương Cực lạc”, “hạc giá vân du”, “thiên thu vĩnh quyết”...
Có thể hình dung cuộc sống đời người và sự tồn tại cái “thân” con người theo một sơ đồ đơn giản:
... ... ... A --- --- --- B --- --- --- C ... ... ...
Muôn kiếp con người có tự cõi vô thủy vô chung, từ quá khứ vô cùng (á) cho đến thời khắc sinh ra ở điểm A, cứ cho là thượng thọ đến 80 tuổi, tồn tại trong 80 năm trên cõi đời yêu dấu, rồi tạ từ cuộc sống ở điểm C và lại được trở về với cõi vị lai - vô cùng - vô chung vô thủy (á). Thế là trọn vẹn một kiếp con người.
Đời người hữu sinh hữu tử, có sinh tất có tử. Thế thì sau khi hân hạnh được sinh ra làm kiếp con người, mỗi ngày ta sống đây cũng tức là đang mất đi, đang xa dần điểm A, tóc ngày một bạc phai, mắt ngày một mờ, chân ngày một chậm. Mỗi ngày ta sống đây tức là đang thêm một ngày tiến dần về điểm C, quỹ tháng năm dần thu hẹp, “miếng da bò” thời gian dần khép lại.
Xin hình dung tiếp, nếu một người hưởng thọ 80 tuổi, tương đương từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, thế thì năm tròn 40 tuổi anh ta đã đứng bóng, chính Ngọ, đúng 12 giờ trưa. Còn sau đó là sang chiều, xế chiều, xế bóng. Cảm giác buổi chiều thường hiu hắt, bâng khuâng, qua nhanh hơn, thương hơn: Tà tà bóng ngả về tây (Nguyễn Du), Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều (Xuân Diệu), Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng chiều (Tố Hữu)... Từ nay xin không ai nhắc đến tuổi, chỉ cần hỏi: “Thưa anh, mấy giờ rồi ạ?”.
Nên hiểu rằng Phật giáo và Thiền sư Vạn Hạnh thấu triệt bản chất giới hạn sự tồn tại của thân kiếp con người nhưng tuyệt nhiên không quan niệm cuộc đời là hư vô, hư ảo, vô nghĩa. Trong thực chất, việc Thiền sư nhấn mạnh sự thật Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô (Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo) chính là nhằm chỉ rõ chân lý và quy luật tồn tại của thế giới hữu hình muôn kiếp chúng sinh. Đời người có những tháng năm tuổi trẻ thì rồi sẽ đến ngày già nua, da mồi tóc bạc. Từ cuối chặng đường đời, chính Nguyễn Trãi cũng từng tiếc nuối “Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên” và nhắc nhở kẻ hậu sinh: “Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc - Đầu bạc xưa rày có thuở xanh” (Thơ tiếc cảnh)... Đời người cũng như muôn vật, có danh thì có hư, có trưởng thì có tiêu, có thừa thì có trừ, có thăng thì có giáng... Qui luật đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”, điều gì đến sẽ đến, có gì mà lo sợ.
Trước thực tại về cái hữu cái vô, cái còn cái mất, cái được cái không, Thiền sư Vạn Hạnh đề cao khả năng nhận thức và nắm bắt quy luật sự sống: Nhậm vận thịnh suy vô bố úy (Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi). Con người khi đã đạt đến trình độ “nhậm vận” tức là đã đạt ngộ, đạt tới vô cầu vô kỷ, thấu suốt trước sau, không gì làm cho bất ngờ, sợ hãi. Người “nhậm vận” hiểu rõ thời vận, quy luật cuộc đời và biết rõ ngay cả những thăng trầm số phận cũng chính là một phần tất yếu của sự sống.
Câu chuyện “Tái Ông thất mã” không chỉ nói lên tính tương đối của sự may rủi mà còn đem đến một phương thức xử thế và niềm an ủi lớn lao. Bản thân sự thịnh - suy có thể là hiện thực tất yếu nhưng thái độ “thông hiểu”, chủ động trước thịnh - suy cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Do đó người “nhậm vận” thắng không kiêu, bại không nản, không nịnh trên, không nạt dưới. Bậc đạt đạo có thể vô bố úy, không sợ thịnh, không sợ suy, tự chủ được cả khi suy cũng như khi hưng thịnh. Ngược trở lại, người đời quá “sợ suy” mà chưa biết đến “sợ thịnh”! Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều từng cảnh tỉnh: “Bả vinh hoa lừa gã công khanh... Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!”... Với tinh thần “nhậm vận”, dường như Thiền sư Vạn Hạnh đã cập bến bờ giác ngộ, vượt lên hai chiều suy - thịnh, thịnh - suy...
Đến câu kết Thịnh suy như lộ thảo đầu phô (Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ), Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ diễn giải bản chất thịnh suy giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ mà còn đặt sự thịnh suy trong quá trình biến đổi, từ phía cuối con đường, phía bên kia cuộc đời, phía sau của thực tại hôm nay. Nói khác đi, Thiền sư đặt mình ở điểm nhìn chung cuộc, kết cuộc, đặt mình vào cõi hư vô mà soi nhìn lại đời người và tháng năm quá khứ. Tất cả đời người và sự thịnh suy đều như giọt sương, sẽ tan đi trên đầu ngọn cỏ, tan đi dưới ánh ban mai, tan đi trước thời gian. Trong cuộc đời dài rộng chừng tám mươi năm, con người trải qua biết bao những sự thịnh suy lớn nhỏ khác nhau. Sự thịnh - suy nho nhỏ thì như một lần bốc thăm được cái quạt thanh lý, hai lần thăng lương sớm, ba lần cảm gió, năm lần trượt xổ số hai trăm triệu, một lần mất xe máy...; sự thịnh - suy lớn thì như một lần lấy vợ, một lần xây nhà ba tầng, một lần ngoi lên chức phó tổng, một lần đi Pháp, một lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, v.v. Nhưng sự hưng thịnh nào rồi cũng qua, khó khăn nào rồi cũng qua, nỗi buồn nào rồi cũng dứt: Ai nắm tay được suốt ngày; Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời; Bảy mươi chửa què chớ khoe làm tốt; Cười người hôm trước hôm sau người cười... Nếu biết vậy? Thì chính Thiền sư Vạn Hạnh đã tổng kết, chỉ rõ cái kết cục tất yếu để mỗi con người an nhiên hơn trước mọi sự thịnh suy trong hôm nay để đến ngày mai không bao giờ phải ân hận, tiếc nuối.
Theo Thiền sư Vạn Hạnh, khi còn có tấm thân và được làm một bóng chớp, làm một giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ giữa cõi đời này, con người cần phải biết quý từng phút từng giây. Thời gian rồi sẽ qua đi, đối diện với mọi lẽ thịnh suy, con người càng cần biết làm chủ chính mình, đạt đến “nhậm vận”, an nhiên tự tại trước mọi thăng trầm thế sự. Sống một ngày là lãi một ngày. Sống một ngày là thêm niềm vui và hạnh phúc. Có thể đó là thông điệp Thiền sư Vạn Hạnh gửi đến mọi chúng sinh trên cõi đời này.
N.H.S
(TCSH338/04-2017)