Tạp chí Sông Hương - Số 340 (T.06-17)
Mười nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa siêu hiện đại
09:18 | 19/06/2017

SETH ABRAMSON

Chủ nghĩa siêu hiện đại (metamodernism) được nhìn nhận như là một hệ hình văn hóa phản ứng lại với chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó được định nghĩa như là sự hòa giải giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại.

Mười nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa siêu hiện đại
Giáo sư Seth Abramson - Ảnh: internet

Thông thường, nó còn được gọi với tên gọi khác là chủ nghĩa hậu-hậu hiện đại (post-post-modernism). Thuật ngữ “siêu hiện đại” xuất hiện vào năm 1975, đến năm 1999, nó được định nghĩa như là một sự mở rộng đồng thời thách thức cả chủ nghĩa hiện đại lẫn chủ nghĩa hậu hiện đại, trong một chuỗi mục đích chung nhất, đó là: vượt qua, bẻ gãy, phá vỡ, lật đổ, truy vấn tính hiện đại và tính hậu hiện đại.
Seth Abramson là giáo sư trợ giảng môn tiếng Anh ở Đại học New Hampshire và là đồng biên tập viên của tờ Best American Experimental Writing.

Tuệ Đan (giới thiệu và dịch)  



Chủ nghĩa siêu hiện đại được gọi bằng rất nhiều cái tên như hệ hình văn hóa, triết học văn hóa, cấu trúc cảm nghĩ và hệ thống quan niệm. Tất cả cách gọi này thực sự có nghĩa rằng, giống với các tiền thân của nó - chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa siêu hiện đại là một thấu kính đặc biệt dành cho việc suy tư về cái tôi, về ngôn ngữ, về văn hóa, và ý nghĩa, v.v.

Khi mà chủ nghĩa siêu hiện đại không được coi là một trào lưu hay một tuyên ngôn về đời sống, thì nó vẫn có thể được tìm thấy ở các cá nhân, các nhóm và thậm chí các thiết chế xã hội, các thiết chế chính trị, ở đó chủ nghĩa siêu hiện đại được trưng dẫn bởi các nguyên lí siêu hiện đại. Những người theo chủ nghĩa siêu hiện đại tin rằng điều này ngày một gia tăng mặc cho chúng ta có muốn như thế hay không; các nhà triết học và các nhà lý thuyết cho rằng chủ nghĩa siêu hiện đại đã trở thành một hệ hình “ưu trội” (dominant) ở nhiều nơi, điều đó đơn giản có nghĩa rằng các sự vụ và các thiết chế ở những nơi đó bị điều dẫn một cách tự nhiên về đến một tình thế siêu hiện đại.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại đã biến mất như những khái niệm thực hành về mặt văn hóa. Điều đó đơn giản có nghĩa rằng, theo quan niệm của chủ nghĩa siêu hiện đại, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại vào thời điểm này không còn là thứ triết học văn hóa tích cực nhất của nhiều nền văn hóa nữa. Trong khi một số người theo chủ nghĩa siêu hiện đại quan niệm rằng chủ nghĩa siêu hiện đại đã có được một sức mạnh văn hóa ưu trội kể từ giữa những năm 1970 - xuất hiện trong một sự phản ứng lại với những biến động về tài nguyên thiên nhiên, về kinh tế, về chính trị vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 - các nhà lý thuyết khác cho rằng quá trình hình thành chủ nghĩa siêu hiện đại trở nên thịnh hành lần đầu tiên vào những năm 1980, 1990 hoặc 2000, chủ nghĩa siêu hiện đại thường thông qua việc nhấn mạnh đến phản ứng cụ thể của nó về phía các cuộc khủng hoảng trong những thập niên đó.

Bất chấp cách đọc của một ai đó về lịch sử của chủ nghĩa siêu hiện đại ra sao thì một số lượng các nguyên lý chủ đạo đã xuất hiện rất gần với khá nhiều cách đọc quan trọng về thuật ngữ ấy.

1. Chủ nghĩa siêu hiện đại như là sự điều đình giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại

Bởi vì chủ nghĩa hậu hiện đại là một phản hồi trực tiếp lại với chủ nghĩa hiện đại, hai hệ hình triết học văn hóa này có một số các nguyên lý căn bản đối lập nhau gay gắt. Ví dụ, chủ nghĩa hiện đại đặt ra ít nhất cái khả năng cho một thứ chân lý phổ quát (universal), trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại loại bỏ đi khả năng đó, và thay vào là một thứ niềm tin cho rằng ý nghĩa và chân lý là các giá trị chủ quan (subjective), chúng luôn mang tính “ngẫu nhiên” (contingent) (nghĩa là, chúng được đặt trong một trạng thái chuyển động hay lưu chuyển liên tục). Chủ nghĩa siêu hiện đại tiến hành điều đình (negotiate) giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại qua việc trình ra các nguyên lý căn bản cho chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại mà chúng không cần được xem xét trong thế đối lập lẫn nhau, thế nhưng trên thực tế có thể cả hai đều đồng thời có tác dụng ở trong cùng một cá nhân đơn lẻ hoặc một nhóm các cá nhân.

2. Đối thoại vượt qua biện chứng

Chủ nghĩa hậu hiện đại đã cổ xúy “biện chứng” (dialectics) hơn hẳn đối thoại (dialogue), trong khi chủ nghĩa siêu hiện đại đưa ra một cách rõ ràng căn nguyên của đối thoại. Ở đâu tư duy “biện chứng” của các nhà hậu hiện đại giả định rằng mọi tình huống chỉ bao gồm hai thế lực đối lập chủ đạo với nhau thì ở đó diễn ra trận đấu mãi cho đến khi một bên thắng còn bên kia bị tiêu diệt; tư duy đối thoại loại bỏ quan niệm ấy và cho rằng có một nền tảng trung lộ (middle ground) hay những phương cách điều đình giữa các vị thế đối lập nhau. Ví dụ, trong khi thuyết Marx mới (neo-Marxism), một quan niệm hậu hiện đại nổi tiếng, giả định một cuộc đấu tranh lâu dài về mặt kinh tế - xã hội giữa giai cấp “vô sản” và giai cấp “tư sản”, đến hồi chung cuộc của cuộc đấu tranh ấy chỉ có duy nhất một bên còn lại nguyên vẹn, chủ nghĩa siêu hiện đại cho rằng cuộc đấu tranh biện chứng dẫn đến triệt hủy toàn bộ thành phần tham gia ở trong đó và không cho phép có một sự thay đổi vĩnh viễn nào nữa cả. Đối thoại siêu hiện đại không trải thảm qua những sự khác nhau giữa các thành phần và các vị thế, nó chỉ đơn giản nhấn mạnh đến những khu vực có sự khỏa lấp lên nhau giữa các quan niệm gây tranh cãi, rằng nó có thể dẫn đến hành động gây ra hiệu ứng tập thể (effective collective action) lên trên một loạt các vấn đề.

Một ví dụ cho điều này là tranh luận trong khuôn viên trường học, ở đó thường thì một vấn đề có trước được đem ra tranh luận bởi các nhóm đối lập nhau. Theo quan niệm hậu hiện đại, một bên hoặc là “theo” (for) cách giải quyết vấn đề có trước đó hoặc “chống” (against) lại cách giải quyết ấy, thậm chí cuộc tranh luận vượt qua mức thông thường khi có vấn đề khác nổi lên thì điều này phải được coi như là dấu hiệu cho thấy rằng bất kỳ người nào quan tâm đến cuộc tranh luận đó (nghĩa là, bất kỳ người nào quan tâm đến việc xác minh với tính chất riêng biệt mà ở mức độ thông thường một vấn đề nảy sinh) thực sự phải đối lập lại với cách giải quyết về toàn bộ vấn đề đó. Người theo thuyết siêu hiện đại trước tiên sẽ ủng hộ việc xác minh mang tính cộng tác (collaboratively) mà ở mức độ thông thường một vấn đề trước đó nảy sinh, và bản chất của vấn đề trong ví dụ đầu tiên, sau đó hình thành một sự liên kết giữa các cá nhân thông hiểu một cách đầy đủ về phạm vi của vấn đề, từ đó đi đến quyết định rằng họ muốn giải quyết nó - thậm chí nếu một trong số họ vẫn không nhìn thấy tận mắt một loạt các vấn đề khác. Ở đây, trên phương diện lý thuyết, điều đó có nghĩa rằng, trong kịch bản hậu hiện đại, chẳng có gì mãi mãi được giải quyết cả bởi vì các thế lực đấu tranh đối lập gay gắt với nhau và biếm họa kẻ khác cho đến khi (trên thực tế) cả hai bị suy biến và triệt hủy về số lượng lẫn về tinh thần. Trong khi, theo kịch bản siêu hiện đại, tối thiểu có một thứ gì đó vẫn còn đạt được, thậm chí nếu nó không giải quyết toàn bộ các tranh luận giữa hai nhóm và bảo đảm rằng chúng sẽ có thể thực hiện cùng với các vấn đề khác. Đối với những vấn đề khác đó, các liên minh siêu hiện đại khác (có lẽ giữa rất nhiều những nhóm thành phần khác nhau) sẽ được hình thành để trình bày chúng.

3. Nghịch lý

Chủ nghĩa siêu hiện đại ôm ấp nghịch lý (paradoxical). Ví dụ, trong việc điều đình giữa niềm tin của chủ nghĩa hiện đại về tính phổ quát và niềm tin của chủ nghĩa hậu hiện đại về tính ngẫu nhiên, chủ nghĩa siêu hiện đại chỉ định rằng một quan niệm nào đó có thể đúng “về mặt khách quan” (objectively) dành cho một cá nhân mặc dù cá nhân cũng hiểu rằng quan niệm ấy không đúng về mặt phổ quát (universally). Nghịch lý của điều “đúng với tôi về mặt khách quan” đơn giản có nghĩa rằng mỗi một người trong số chúng ta, trên thực tế, thực hiện một phản ứng lại với việc hướng dẫn mà “các siêu tự sự” (metanarratives) (những câu chuyện mà chúng ta nói với chính chúng ta về cuộc sống của chúng ta và là cái mà những câu chuyện ấy muốn nói) vận hành như chúng luôn đúng một cách tuyệt đối với chúng ta thậm chí như chúng ta nhận thức rằng chúng không bị cổ phần hóa - hay thậm chí chúng được hiểu một cách tất yếu - bởi những người khác. Mối quan hệ đầy nghịch lý này, giữa việc làm thế nào chúng ta tiếp nhận chân lý “một cách cục bộ” (locally) và làm thế nào chúng ta tiếp nhận nó ở cấp độ xã hội, cho phép chúng ta luôn trưng ra và luôn tham dự vào trong các nghịch lý, như chúng ta nhận thức một cách đồng thời và chấp nhận việc làm thế nào chúng ta nhận diện được cá nhân chúng ta và làm thế nào chúng ta phân biệt được chính chúng ta trong một vở diễnvới những người khác.

4. Sự tương cận

Sự tương cận (juxtaposition) xảy ra khi có một vật được đặt lên trên chóp một vật khác, từ đó, như thường lệ, điều này có vẻ như chúng hoàn toàn riêng rẽ. Một ví dụ tiêu biểu về sự tương cận siêu hiện đại là sự tương cận giữa chân thật (sincerity) và châm biếm (irony) mà chúng ta thường tìm thấy trong văn học siêu hiện đại. Sự tương cận đặc thù này - cũng là một nghịch lý, như việc có thể cho rằng bằng cách gì mà bất kỳ một người nào hay một văn bản đồng thời có cả chân thật lẫn châm biếm hay không? - xảy ra khi mối quan hệ chân thật của một cá nhân với những cảm nghĩ của riêng họ đâm sầm vào để chống lại một sự nhận thức tức thời rằng những cảm nghĩ này là phi lý (preposterous) so với bao người khác. Hoặc, một cách luân phiên nhau, sự tương cận này có thể xuất hiện khi một cá nhân cảm nhận một sự tách rời mang tính châm biếm ra khỏi văn hóa của họ, thế nhưng sự tách rời này làm xuất hiện một loạt các quan niệm, các cảm xúc hoàn toàn đứng đắn. Ví dụ, những nhà văn sáng tác với thể loại phụ về tính “Chân thật Mới” (New Sincerity) của văn chương siêu hiện đại, đã rất nghiêm chỉnh một cách khó xử qua cách biểu đạt những tư tưởng, những cảm nghĩ của họ, mà với tư cách là những độc giả, chúng ta có thể xác quyết rằng việc họ nghĩ về điều như thế là phi lý nhưng lại đem chúng đến với độc giả. Vì thế chúng ta kinh nghiệm những bản văn như vậy, những cá nhân như thế như là những thứ có cả chân thật lẫn châm biếm.

5. Sự đổ vỡ của các khoảng cách

Khoảng cách (distance) giữa cái tôi và tha nhân và khoảng cách giữa cái tôi và xã hội là một, đó là điều mà chủ nghĩa hậu hiện đại tán dương qua việc tìm kiếm vô số phương cách để đặt cái tôi (hay nhóm các cái tôi) trong tính biện chứng với việc đối lập các cái tôi với các nhóm. Chủ nghĩa hậu hiện đại, đi từ Kỷ nguyên Vô tuyến (Radio), vì thế, chắc có lẽ đã nhấn mạnh đến việc làm thế nào ý nghĩa lại trở nên suy biến như khi nó chuyển động băng qua một sự khuếch đại rộng lớn trong không gian giữa các cái tôi và nhóm các cái tôi. Chủ nghĩa siêu hiện đại, đến từ Thời đại Kỹ thuật số (Digital), cho rằng đôi khi chúng ta cảm thấy xa rời với người khác - bởi vì trên Internet hầu hết mọi người là kẻ xa lạ, vì thế hằng ngày chúng ta được vây quanh bởi nhiều người lạ hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử - thế nhưng, qua đó nó cũng gắn kết một cách đáng kinh ngạc với người khác, như Internet cho phép chúng ta tạo ra những kết nối nhanh hơn so với trước đây. Tình trạng giấu tên cùng một lúc (simultaneous anonymity) và sự thân mật sai khác (false intimacy) của Internet cũng đã làm lẫn lộn tính đồng nhất của cái tôi (self-identity) khi mà nó khiến cho cái tôi khó khăn hơn và gian khổ hơn để phân biệt quan điểm của chúng ta về chính chúng ta từ các quan điểm của những người khác về chúng ta, hay phân biệt điều gì khiến chúng ta có thể tin hoặc phó thác niềm tin từ những điều mà người khác tin. Điều này có nghĩa rằng, cái tôi khó khăn hơn so với trước đó để đòi hỏi rằng chúng ta có ở trong một mối quan hệ biện chứng với người khác hay các quan niệm khác không - đúng hơn con người ở trong thế trung lộ (the midst) của một cái xoáy nước giữa điển dạng cá nhân (identity) và niềm tin mà chúng ta chỉ thỉnh thoảng cảm nhận là chúng ta điều khiển được nó.

6. Tính chủ thể đa bội

Chủ nghĩa hậu hiện đại đã xác nhận “sự chia để trị” (Balkanization) về tính đồng nhất của cái tôi, tức là bức vách ngăn của cái tôi và nhóm các cái tôi ở trong những chiếc hộp gọn ghẽ của chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tộc tính, quốc tịch, v.v… qua đó để thiết lập tính biện chứng của nó. Chung cuộc, bạn phải biết chắc nơi bạn đang đứng nếu bạn dự định phát biểu rằng một ai đó với điển dạng cá nhân khác biệt đứng đối lập với bạn và những thứ thuộc về bạn. Chủ nghĩa siêu hiện đại, thay vào đó, ấp ủ quan niệm về tính đa bội chủ thể (multiple subjectivities): quan niệm cho rằng, chúng ta không chỉ tìm thấy toàn bộ chính chúng ta trong vô số các phạm trù chủ quan vào một lần duy nhất, mà chúng ta thậm chí còn lưu trú về mặt thời gian và chia sẻ những tính chủ thể này với những người khác, có thể họ có vẻ rất khác so với chúng ta. Ví dụ, ở tình trạng giấu tên cùng một lúc và những không gian thân mật sai khác trên Internet, chúng ta thường tìm thấy chính chúng ta qua việc gia nhập những lời nói và những hành vi của chúng ta với mọi người mà chúng ta không hề biết gì về họ - ngoại trừ điều đó ra họ đồng ý với chúng ta trong một vấn đề mà chúng ta đang thảo luận vào thời điểm đó. Ở vào chiều hướng này, chúng ta có thể cảm nhận mặc dù chúng ta chia sẻ tính chủ thể với người khác, nếu chúng ta đã thật sự biết họ, thì chúng ta sẽ hiện thực hóa “nét khác biệt” (different) từ phía chúng ta (ví dụ) với chủng tộc của họ, tôn giáo, giới tính, tộc tính, quốc tịch, quan điểm chính trị của họ, v.v… Kinh nghiệm tính đa bội chủ thể có nghĩa là có quyền loại bỏ (reject) hay giải-nhấn-mạnh (deemphasize) một cách thường xuyên về tính chủ thể mà thông thường một người sẽ được coi là gắn với nó, tiến hành xoay chuyển những vị trí chủ quan như cảm nhận về mặt cảm xúc và/hoặc đánh giá về mặt lô-gíc, sẽ giúp mở ra những chủ thể tính nào đó về mặt thời gian để cộng tác với người khác, hoặc hoàn toàn tạo ra những chủ thể tính mới có nhiều ý nghĩa hơn so với một người mà các phạm trù đã được tiếp nhận về sự khác biệt hiện đang thống trị diễn ngôn công cộng (public discourse). Điều này cũng có nghĩa việc nhấn mạnh với tính đa bội của những người khác về các chủ thể tính thậm chí khi một người không chia sẻ toàn bộ chủ thể tính hoặc ngay cả phần lớn chủ thể tính, đúng ra việc xem xét những sự khác nhau như thế như là những định vị của sự tranh luận. Để cho rõ ràng, điều này chẳng phải phản ánh một ham muốn tẩy xóa (erase) hay cho ra ngoài lề (sideline) những phạm trù chủ quan đang hiện hữu, mà đơn thuần là nó làm phức tạp đi những mô hình của chúng ta về việc làm thế nào chúng ta phát triển, tương tác, giao cắt nhau, và cùng lúc đó giúp hình thành nên điển dạng cá nhân và những sự định tính tập thể của chúng ta.

7. Sự cộng tác

Chủ nghĩa siêu hiện đại không chỉ khuyến khích đối thoại mà còn có cả sự cộng tác (collaboration). Trong một thế giới, ở đó, chúng ta luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều các thế lực - một số, chúng ta nhận thấy như ảnh hưởng lên chúng ta, còn một số thì không - chủ nghĩa siêu hiện đại văn học hóa (literialize) thứ kinh nghiệm này qua việc khuyến khích chúng ta gia nhập một cách có ý thức những nỗ lực của chúng ta và những quan niệm của chúng ta cùng với những điều đó từ phía người khác. Những mô hình học tập siêu hiện đại, ví dụ, có vẻ như nhấn mạnh cách mà các học sinh làm việc cùng nhau để tạo ra các kế hoạch, qua đó đồng thời tự biểu đạt cho mỗi một thành viên cá nhân và cũng là một sự tự biểu đạt tương thích với cả nhóm, mặc dù có rất nhiều những quan niệm và các tính chủ thể có thể có khác. Trong phạm vi chính trị, chủ nghĩa siêu hiện đại khuyến khích các cá nhân và lưu tâm đến các nhóm nhằm tìm kiếm những khu vực có sự khỏa lấp mang tính sinh lời (generative overlap) bởi lẽ họ có thể cùng nhau làm việc cùng một dự án, chỉ một lần, qua đó nhằm mang lại nhiều giá trị hơn. Ở đây, quan niệm này có nghĩa rằng thậm chí nếu bạn không đồng ý với một ai khác đến những 99/100, nhưng nếu vấn đề thứ 100 đó rất quan trọng cho bạn và người khác thì bạn có thể thực hiện cùng với họ một cách vui vẻ trong cùng một đề tài đó. Trong thế giới siêu hiện đại, vì thế chúng ta gặp gỡ với những điều, và coi đó như là bình thường, chính là những “liên minh” kỳ dị (bizarre “alliances”) - ví dụ, khi các luật sư cánh tả ACLU biện hộ quyền của phía cánh hữu tân - Nazi lấy đi tài sản công cộng, như cả hai nhóm (trong ví dụ này) đều được khoác cho sự tác động của Cuộc cải tổ lần thứ nhất (the First Amendment). Điều này không có nghĩa ACLU “ủng hộ” tân-Nazi - hay ngược lại - mà thực hiện điều gì đó xác thực và được định giá bởi cả hai nhóm về mặt thời gian quan trọng hơn cho mỗi nhóm có những yếu tố khác từ những triết học văn hóa và triết học chính trị của họ.

8. Tính đồng thời và tính mờ đục phái sinh

Những mô tả trước đó về chủ nghĩa siêu hiện đại đã đề nghị rằng tư duy cá nhân về mặt siêu hiện đại “dao động” (oscillates) giữa các trạng thái tư duy, cảm giác và tồn tại - dẫu cho phần lớn các cá nhân là những con lắc đu đưa giữa rất nhiều những chủ thể khác nhau. Gần đây, hầu hết các cách hiểu về chủ nghĩa siêu hiện đại nhấn mạnh đến tính đồng thời (simultaneity) - quan niệm cho rằng cái tôi siêu hiện đại không chuyển động giữa các vị thế khác nhau, mà trong thực tế, sống ở toàn bộ các vị thế trong cùng một lần. Yếu tố nghịch lý của những sự tương cận siêu hiện đại được tạo ra thông qua tính đồng thời này; sau cùng, nếu một ai đã dao động một cách tự ý thức giữa các vị thế đối lập thì người đó sẽ chỉ, trên thực tế, công nhận sự lấn lướt của biện chứng hậu hiện đại (nghĩa là, những hệ thống nhị nguyên với “các cực” ở chặng cuối mà một người có thể đu đưa giữa chúng.)

Tính đồng thời và tính mờ đục (ambiguity) của chủ nghĩa siêu hiện đại cũng đem lại sự trỗi dậy mối quan tâm của nó về “xúc cảm” (affect) không thể phân biệt (như tính sướt mướt không có lý do, kỳ dị, và/hoặc những nhân vật không thể đọc được trong các bộ phim Wes Anderson hay Miranda July); lập luận 5 chiều và 6 chiều (như trong các lý thuyết khoa học giả định các thực tại đa tầng (multiple realities) là có thể có và thậm chí có thể cùng hiện hữu, ngay cả nếu một người duy nhất có thể được tiếp nhận) và tính cao cả theo trường phái tân-Kant (neo- Kantian sublimity) (niềm tin cho rằng chúng ta có thể được tràn ngập và được gợi hứng mang tính phái sinh bởi các thực tại đặt kề nhau và mang tính nghịch lý như nếu chúng ta, thậm chí, không hiểu cái mà chúng ta đang nhìn hoặc đang kinh nghiệm). Trong khi chẳng có phương tiện nào được kết nối một cách rõ ràng để làm tê liệt văn hóa, chủ nghĩa siêu hiện đại thường chiều theo các nghịch lý và những sự tương cận được quan sát dễ dàng hơn và được tiếp nhận trong một trạng thái đã bị biến đổi của ý thức, đó là lý do vì sao nhiều chương trình tivi và các quyển sách xuất hiện dạng nhân khẩu đang được sử dụng một cách chán ngáy (the drug-using demographic) - ví dụ, toàn bộ chương trình dưới biểu ngữ “Adult Swim” - có thể được coi là siêu hiện đại. Tương tự, các nghệ thuật văn chương và thị giác là “siêu” (meta-) theo nghĩa quy ước (giống chương trình tivi muộn Community, hay quan niệm về “tiểu thuyết không hư cấu” trong văn học) thường được coi là siêu hiện đại khi chúng chống lại năng lực của chúng ta nhằm xác định cái gì là thực hay không thực, là chân thật hay không chân thật.

9. Một phản hồi lạc quan về bi kịch qua bước chuyển thận trọng đến các siêu tự sự

Kể từ khi thuật ngữ “siêu hiện đại” được tạo ra vào năm 1975, các nhà lý thuyết siêu hiện đại đã đồng ý rằng chủ nghĩa siêu hiện đại được sử dụng bởi các cá nhân và các xã hội như một phản ứng phái sinh về bi kịch; thật vậy, cụm từ “một phản ứng lãng mạn về khủng hoảng” thường được dùng để mô tả chủ nghĩa siêu hiện đại. Những người theo chủ nghĩa siêu hiện đại nhận thức về chính trị, kinh tế, khí hậu và các hình thức khác của sự hỗn độn như bất kỳ người nào khác, nhưng họ chọn lựa kiểu nhìn lạc quan (optimistic) và khuyến khích những cộng đồng của họ đi tiên phong thực hiện, thậm chí khi nào và ở đâu họ cũng đều tin vào một nguyên nhân đã bị thất bại. Các nhà lý thuyết mô tả cách tư duy này như là một mô hình triết học “như thể” (as if); nghĩa là người theo chủ nghĩa siêu hiện đại chọn cách sống thay đổi tích cực “như thể” là có thể có, thậm chí khi chúng ta được quy định hằng ngày bởi những cái nhắc nhở rằng văn hóa con người, trên thực tế, đang ở trong một trạng thái của sự xáo trộn, và tương tự, thậm chí, suy tàn. Người theo chủ nghĩa siêu hiện đại không giả định rằng sự cam kết quyền công dân mang tính lạc quan sẽ bảo đảm thế giới - hay giải quyết một cuộc khủng hoảng cá nhân - đơn thuần là, a) nó không thể gây hại, b) nó đem cho một người cái lý do để hy vọng và năng lực để đè bẹp nỗi thất vọng, và c) trong các ví dụ hiếm hoi cảm thức của chúng ta về một mối thiệt hại là không thể bàn cãi và/hoặc không thể tránh khỏi là không xác thực. Phần này của cách ứng xử lạc quan thường xác nhận sự bao bọc của các siêu tự sự (the embrace of metanarratives) - ví dụ, ý tưởng cho rằng văn hóa con người có thể chứng minh mức độ công bằng và không thiên vị thể hiện trong suốt các thời kỳ - thậm chí trong sự chạm mặt của mối nghi hoặc của một người mà các siêu tự sự giống như điều này, sau cùng, là không thể ủng hộ được. Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại đã phủ định khả năng của các siêu tự sự cá nhân, cục bộ, phân khu, quốc gia, hay quốc tế hơn những cách khác rằng đã là/là (were/are) biện chứng một cách thẳng thừng thì chủ nghĩa siêu hiện đại cho phép chúng ta có khả năng lựa chọn và với đôi mắt rộng mở, trở lại (return to) những siêu tự sự như thế khi chúng giúp chúng ta bước ra khỏi nỗi buồn, tình trạng vô tổ chức, nỗi thất vọng hay sự uể oải về đạo đức lẫn luân lý.

10. Tính liên ngành (interdisciplinarity)

Lý do chủ nghĩa siêu hiện đại cứ một mực nhắm đến phản hồi về khủng hoảng bởi vì khuynh hướng của nó là muốn tháo dỡ và sắp đặt lại các cấu trúc coi như một sự thừa nhận ngấm ngầm rằng các cấu trúc đó - như chúng đã được bố trí trước đây - là điều có vẻ như đã gây ra cuộc khủng hoảng ngay từ thời điểm đầu tiên. Người theo chủ nghĩa siêu hiện đại, vì thế, giống như ủng hộ cho việc tháo dỡ, tái tổ chức, và tái phối trí (hoặc thậm chí đồng thời với sự loại trừ) các thuật từ đã được tiếp nhận như “giới tính”, “đảng phái”, “phân khoa”, “kỷ luật”, “định chế” và những sự phân định ranh giới tương tự của sự khác nhau và sự phân tách. Để rõ hơn, điều này không phải là một sự đối lập vô chính phủ để cơ cấu mà đúng hơn là một sự quan tâm có cân nhắc và một sự quan tâm từ tinh thần công dân đến sự tái định giá (reevaluation) triệt để về các thiết chế với một con mắt nhắm đến sự thay đổi mang tính tăng trưởng.

Tuệ Đan chuyển ngữ
(Nguồn: http://www.huffingtonpost.com)  
(TCSH340/06-2017)




 

Các bài mới
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Dã Quỳ hoa (30/06/2017)
Các bài đã đăng