Tạp chí Sông Hương - Số 340 (T.06-17)
Tác phẩm mới tháng 06/2017
09:32 | 19/06/2017

TA TÌM TA GIỮA ĐỜI (tập thơ), tác giả Triệu Nguyên Phong, Nxb. Hội Nhà Văn, 2017.

Tác phẩm mới tháng 06/2017

Tập thơ là những chiêm nghiệm của nhà thơ về giá trị cuộc hiện hữu đã bị khuyết-tròn theo năm tháng và bằng những lời thơ nhẹ nhàng pha chút sâu lắng, nhà thơ dường như đã bắt gặp ở đâu đó những sự mở ngõ để đi vào trong một khúc dạo đầu của bóng thời gian, để tìm về với hoài niệm, để nhặt nỗi đau đời mình cũng như để thao thức cùng với đêm trong một bầu âm hưởng thanh tao, trầm ấm mà dạt dào tình cảm. Hơn nữa, khi men theo lối gió để hứng trọn chính cái sự tròn-khuyết trong nhau ấy của một kiếp mây phiêu lãng, người đọc có thể mường tượng về ở trong nó những nỗi niềm ngổn ngang mà tâm khảm nhà thơ dường như đã chạm đến được một sự hòa điệu mang chút bâng khuâng từ những rung cảm khi ta tìm ta giữa những ngày tao động này.


TỪ THĂM THẲM LÃNG QUÊN (Tiểu thuyết), tác giả Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, Nxb. Hà Nội, 2015. Hoài niệm và sự ảo hóa của quá khứ vẫn luôn là những yếu tố điển hình thường hay xuất hiện trong văn của Modiano. Thế giới truyện của ông gắn liền với một vùng miền xa xăm của ký ức và luôn được đan quyện lẫn bện xoắn vào hiện tại như thể chúng vẫn thường xuyên xuất hiện trở đi trở lại trong tâm khảm của mỗi cá nhân. Ở tiểu thuyết này, cuộc gặp gỡ sau mười lăm năm đã gợi lại những kỷ niệm khó phai của nhân vật tôi với cô nàng Jacqueline trong những lần dạo bộ của hai người ở các đại lộ giữa thành phố Paris. Cô gái mà anh ta yêu mến từ cái buổi gặp gỡ ấy vẫn luôn đọng lại trong tâm trí của anh ta, cơ hồ như hình ảnh đó khó có thể tiêu biến đi được. Tự bản thân anh ta trở nên bị trôi dạt trong chính vùng không gian mà miền tâm tưởng đó có vẻ như đã phôi phai, mờ nhòa có khi vụn vỡ nhưng kỳ thực lại luôn dai dẳng và day dứt về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy’’ của một tâm hồn đầy nhạy cảm.


ĐỊNH CHẾ TÔTEM HIỆN NAY (Nhân học), tác giả Claude Lévi-Strauss, Nguyễn Tùng dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb. Tri Thức, 2017. Lévi- Strauss là nhà nhân học, nhà dân tộc học người Pháp. Tác phẩm của ông được giới khoa học xã hội nhân văn xem như là những công trình chủ đạo trong sự định hình và phát triển của cấu trúc luận, đặc biệt là nhân học cấu trúc. Ông cho rằng tư duy hoang dã có cùng cấu trúc với tư duy văn minh, tính cách của con người là giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Tác phẩm này được xem là một trong số những tác phẩm cơ bản được Lévi-Strauss thâm nhập vào phạm vi của nhân học tôn giáo - tín ngưỡng tôtem (vật tổ). Tôtem là những sự vật đại diện cho thần linh, những sự vật thiêng liêng, hoặc những biểu tượng mang màu sắc thánh linh được xem như là vật biểu trưng cho một nhóm người như gia đình, thị tộc, bộ lạc. Định chế tôtem được hiểu như là cách thức thờ phụng những loài động vật hoặc thực vật của một thị tộc hay một nhóm người nào đó. Theo Lévi-Strauss, định chế tôtem là một ảo tưởng mang tính dân tộc được tạo ra bởi sự sắp xếp theo mức độ, là vách ngăn phân chia và không ngừng bị nới rộng khoảng cách bởi những sự diễn giải từ phía các lý thuyết gia giữa tự nhiên (tôtem) và văn hóa (nhóm người). Để khắc phục tình trạng đó, theo ông, chúng ta phải viện dẫn đến một mức độ tổng quát và mang tính toàn thể trước sự đối lập giữa tự nhiên và văn hóa này.


CHẾT CHO TƯ TƯỞNG (Chuyên luận), tác giả Costica Bradatan, Trần Ngọc Hiếu dịch, Nxb. Tri thức, 2017. Quyển sách là một nghiên cứu thú vị về việc làm thế nào cái chết cũng có thể được xem như là một hành vi triết học. Qua việc khảo cứu về cuộc đời và cái chết của năm triết gia nổi tiếng Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno và Jan Patočka, Bradatan muốn minh họa một điều rằng làm thế nào cái chết vì triết học tự nó là một sự thuyết phục mang tính triết lý y như thể hành động đó của họ thống nhất với tư tưởng mà mỗi người theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình. Và cùng với những cái chết như thế, họ đã trở thành huyền thoại khi mà thông qua chúng, tự bản thân họ không chỉ là một thể thống nhất đối với các trước tác của họ mà còn không thể chia tách khỏi những công trình đó. Một “cái chết cho tư tưởng” là một phần của một tác phẩm triết học vĩ đại, như trong trường hợp của Socrates, cả cuộc đời ông chẳng viết nên một tác phẩm nào cụ thể, nhưng cái chết của ông từ lâu đã luôn được biết đến như là một trong những công trình triết học vĩ đại nhất mọi thời đại.  

(TCSH340/06-2017)




 

Các bài mới
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Dã Quỳ hoa (30/06/2017)
Các bài đã đăng