Tạp chí Sông Hương - Số 340 (T.06-17)
Thơ Huế thời đổi mới nhìn từ hệ hình hậu hiện đại
09:37 | 21/06/2017

PHAN TUẤN ANH

“Thái độ của nhà thơ vĩ đại chính là làm cho nô lệ vui vẻ, làm cho những ông vua tàn bạo sợ hãi”.
           (Walt Whitman)

Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, tức là khoảng mười lăm năm qua, thơ Huế trở dạ chuyển mình sang một hệ hình mới - hệ hình hậu hiện đại. So với mặt bằng cả nước, thơ hậu hiện đại Huế xuất hiện hơi trễ, nhưng bù lại, nền thơ ca xứ sở này lại có bản sắc riêng, có chỗ lại đi tiên phong so với toàn quốc. Đặc trưng thơ hậu hiện đại như đã trình bày ở trên, đó là sự dung hòa, tân chiết trung trong mối quan hệ giữa chữ <- -> nghĩa. Thơ hậu hiện đại như thế vẫn nhấn mạnh chữ hơn nghĩa, tức vẫn chú trọng đến trò chơi ngôn ngữ và khả năng đồng sáng tạo của người đọc hơn chủ ý có sẵn của tác giả, nhưng thơ hậu hiện đại không “đánh đố” người đọc vào “hũ nút”, ma trận chữ như thơ hiện đại. Một cách hòa hoãn hơn, thơ hậu hiện đại kết hợp những giá trị của hai hệ hình thơ trước nó. Tức là các văn bản thơ vẫn đem lại cho người đọc ý nghĩa nhất định, vẫn có sự tương hợp, logic giữa chữ và nghĩa. Tính chủ thể trong thơ không bị triệt hoán hoàn toàn, nhưng tính chủ thể trong thơ (đại diện cho tác giả) không đóng vai trò thượng đế, mà chỉ bình quyền với người đọc trong vai trò cấu trúc, diễn giải văn bản. Có thể nói trong thơ hậu hiện đại, người đọc được đặt vào vị trí trung tâm, nhưng dẫu sao họ cũng không thể thay thế được tác giả. Bởi vì văn bản là cái có sẵn, người đọc chỉ tự do thông diễn dựa trên khung sườn có sẵn đó của văn bản do tác giả tạo nên mà thôi.

Ý thức về thơ hậu hiện đại trong làng thơ Huế có lẽ xuất hiện sớm nhất ở những người viết được trang bị lí thuyết văn học một cách “vũ trang”, do đặc trưng hoạt động sáng tạo trong môi trường trường quy, hàn lâm đại học hay tạp chí văn nghệ. Nguyễn Lãm Thắng là một hiện tượng thú vị, bởi anh là người thơ trọn vẹn sống đam mê tận cùng với thơ ca. Nhìn nhận lại hành trình thơ Nguyễn Lãm Thắng, ta sẽ thấy sự nới rộng sân chơi chữ nghĩa của anh ra mọi loại thơ: thơ triết lý, thơ tình, thơ ẩn ức, thơ châm biếm, thơ nói lái… hay thậm chí là thơ thiếu nhi. Quá trình sáng tạo của anh cũng cho thấy sự chuyển biến khá rõ qua nhiều hệ hình thơ: tiền hiện đại - hiện đại - hậu hiện đại, và hệ hình nào cũng để lại ít nhiều dấu ấn, cho dù anh không phải là gương mặt nổi bật nhất trong từng hệ hình. Có thể thấy, từ tập thơ Họng đêm1, Nguyễn Lãm Thắng đã bước chân sang hiện đại và có dấu ấn hậu hiện đại với những trò chơi ngôn ngữ rất riêng.

cuộc đọ sức bằng pháp lý công lý rất có lý rất chi là chí lý & hợp lý nhưng e rằng khó xử lý - con chữ chết trên văn bản hấp hối từng giọt đạm thời gian vàng thau đối mặt” (Những cuộc đọ sức đứt sọ). Tôi xin lưu ý rằng hai câu thơ trên không bị đánh sai morasse, tức không hề bị lỗi space, mà do tác giả chủ ý viết nên như thế, như một cách “lạ hóa” ngôn ngữ mà không làm mất đi ý nghĩa. Bài thơ có hình thức tân kì, nhưng rõ ràng người đọc vẫn có cơ hội để tiếp nhận, hơn là bị đẩy vào một bài toán đố không hề có khả năng giải đáp. Cho đến tập thơ Đầu non cuối bãi, Nguyễn Lãm Thắng đã chính thức bước sang hệ hình thơ hậu hiện đại. Thơ anh, chính vì thế, cũng trở nên giản dị và dễ tiếp nhận hơn. Trong thơ, Lãm Thắng đưa vào nhiều chất liệu ngôn từ địa phương hơn, sử dụng nhiều phép chơi chữ hơn (đặc biệt là nói lái), nhằm tạo ra quan điểm mỹ học mới cho thơ, đó là cái hài trữ tình. “Co cái cẳng, gác cái tay - Phiêu phiêu, ta thích ngủ ngày với em - Kệ cha cơn gió khua rèm - Lá khô cứ rụng, chẳng phiền chúng ta…” (Đầu non cuối bãi), hoặc “May còn tâm sự cùng em - Dẫu cho cháy card, mòn sim cũng là…” (May còn tâm sự cùng em). Đọc thơ Lãm Thắng trong giai đoạn hậu hiện đại, có cảm giác đang gặp gỡ thi điên/tiên Bùi Giáng, hay gần gũi hơn, là thơ vui giễu và tự giễu của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Người thơ hậu hiện đại thứ hai có sự ý thức rõ ràng về lí thuyết là Hồ Thế Hà. Soi lại hành trình thơ của nhà giáo này, chúng ta sẽ thấy rõ bước ngoặt “quá độ” từ tư duy hệ hình tiền hiện đại, bước thẳng lên hệ hình hậu hiện đại mà bỏ qua tư duy hiện đại. Từ những tập thơ cách đây khoảng hai mươi năm như Nghìn trùng, Xác thu, Khoảnh khắc hay gần đây là tập Thuyền trăng2 vẫn còn được viết dưới tư duy thơ tiền hiện đại khá rõ, thì đến tập thơ Tơ sương3, nhà thơ đã dứt khoát chuyển mình sang tư duy thơ hậu hiện đại. Trong tập thơ này, dưới cảm quan mỹ học chiết trung hậu hiện đại, Hồ Thế Hà đã thực hiện sự đổi mới hình thức thơ một cách triệt để - đó là xây dựng thi pháp thơ mini, một bài chỉ mười mấy âm tiết. Kì thực đây là sự hỗn dung giữa hình thức thơ haiku truyền thống của Nhật Bản với quan điểm mới của chủ nghĩa cực hạn. Không chỉ đổi mới về cấu trúc hình thức thơ, Hồ Thế Hà còn thực hiện vô số phép chơi chữ (nói lái, ghép từ, tách từ, dung hợp ngoại ngữ, láy phụ âm…) trong tác phẩm, nhằm xây dựng quan niệm mỹ học mới cho thơ hậu hiện đại. “vó - vong - vách - vực / vóc - vai - vú - vọc / vòng - vui - vỗ - v” (phụ âm đầu). Những bài thơ trong Tơ sương dù rất ngắn, nhưng đều chuyển tải được quan điểm riêng về sáng tạo và bản chất văn chương của nhà thơ. Trong đó, nhà thơ đặc biệt chú ý đến sự quan trọng của chất liệu ngôn ngữ - tức mặt hình thức của thơ. Đó có thể là những từ nói lái chơi chữ:“nhà ai bốn lầu? - nhà ai lầu bốn? - nhà nào nghiêm chỉnh, lầu năm?” (Hỏi), có thể là những trăn trở, chất vấn về thơ “siêu thơ, siêu mẫu - siêu ngữ pháp - no comment! nothing” (No comment!). Với trường hợp của Hồ Thế Hà, chúng ta có thể thấy một nhà thơ thế hệ 5x có thể làm mới mình thông qua sự tiếp thu lí thuyết văn học như thế nào. Sáng tạo thơ trong thời điểm hiện tại không chỉ là trò chơi đơn thuần của cảm xúc và năng khiếu, mà là sự tích lũy tri thức thông qua quá trình tiếp nhận nhanh nhạy và thường xuyên với lí thuyết văn học phương Tây (hậu hiện đại). Trường hợp này cũng cho thấy bức tranh thơ hậu hiện đại của Huế giai đoạn đổi mới khá phong phú, có những người hoàn toàn khởi sự viết đã là hậu hiện đại như Fan Tuấn Anh, Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên, nhưng cũng có người hành trình qua nhiều hệ hình thơ như Nguyễn Lãm Thắng, Lê Vĩnh Thái, Hồ Đăng Thanh Ngọc, cũng có người quá độ thẳng từ tiền hiện đại lên hậu hiện đại như Hồ Thế Hà hay Võ Quê (trong những bài thơ nói lái).

Đại diện cho thế hệ nhà thơ hậu hiện đại ở Huế có sự ý thức rõ ràng về hệ hình này có lẽ là Fan Tuấn Anh. Là một nhà thơ thế hệ giữa 8x, Fan Tuấn Anh đồng thời là người nghiên cứu, phê bình văn học hậu hiện đại. Với tập thơ Đoản khúc4, Fan Tuấn Anh đã gây được sự chú ý với bạn đọc thông qua những cách tân mới trong thơ. Bằng lối viết liên văn bản, thơ Fan Tuấn Anh trong Đoản khúc là những bài thơ có tính chất “tự sự” đan dệt, viện dẫn vô số nền tảng văn hóa và các văn bản khác trên thế giới. “Anh đã chấp nhận rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể nào có được em - Như ông lão Santiago nhận ra niềm cay đắng khi mình đã đi quá xa trên biển cả, như Toru Okada không bao giờ có thể tìm lại được người vợ của mình, hoặc K không thể tìm được cho mình lối vào phía trong Lâu đài - Mỗi đêm, trong giai điệu của ca khúc Whiskey lullaby, anh biết em giờ đây đã không còn cần anh, đã lãng quên anh, hoặc giản đơn rằng, anh đã mất hết mọi ý nghĩa trong ý thức của em - Anh đã chết ngay từ khi mình đang sống, nơi giấc mơ là điều không bao giờ có thật, và mọi điều chúng ta sẽ làm từ đây về sau chỉ là để làm nhau đau” (Đoản khúc 121). Trong các bài thơ có hình dáng văn xuôi này, tâm thế hậu hiện đại của nhà thơ hiện lên khá rõ, với những đổ vỡ, hoài nghi về các đại tự sự, thậm chí, sự phản tư, tự giải chủ thể của chính mình. “Năm tôi sinh ra đời, khi tôi biết khóc lần đầu tiên trên mặt đất này… - Cũng là năm nhà văn Italo Calvino mất, thi sĩ Xuân Diệu ngừng thở, thi sĩ Robert Graves chết, nữ sĩ Taylor Caldwell lìa trần, nhà văn Heinrich Bưll vĩnh biệt cõi đời… - Thế giới đã đón chào tôi bằng những cái chết và những cuộc chia tay - Tôi đã khóc cho họ, cho nền văn chương suy tàn của chúng ta, cho kiếp người của tôi và một thế giới mất mát - Để “đổi lấy” tôi, thế giới đã vĩnh biệt danh họa Marc Chagall, nhà điêu khắc Jean Dubuffet, nhạc sĩ Zoot Sims, nữ diễn viên Karen Fredersdorf… - (Ai đó có thể nói cho tôi về sứ mệnh sự sống của tôi trên mặt đất này?)” (Đoản khúc 90). Bản thân mỗi đoản khúc cũng được viết dưới hình thức hậu hiện đại, tức là hướng suy tư về bản chất của ngôn ngữ, lấy chính ngôn ngữ làm trung tâm của văn bản, nhưng theo lối trình bày dễ tiếp nhận hơn thơ hiện đại:

Đời viếng mộ bằng vô vàn dấu (???)
Em không kịp về gửi (. . .) lệ ngang
Rồi ai cũng quay về sau dấu (,)
Để
mình
Anh
trơ
trọi
xuống
hàng
Sẽ có lúc anh gục đầu vào chữ
Tự đâm mình bằng dấu (/) em mang
Nghe tình đã bây giờ thành đóng ( )
(*) ngày xưa vội nở đến… bàng hoàng
Đoản khúc biết em đã không về nữa
Chỉ còn anh mang dấu (.) trĩu lòng
(\) cũng biết em đã quên ngoặc (“”)
Để tên riêng giờ hóa những kí tự chơi rong
Anh chỉ biết chôn mình dưới chữ
Cuối bài thơ cùng (~) khóc òa
Vì biết (./.) sau cùng là đã hết
Chỉ còn phía sau lưng mình là kí tự trắng____________đang trẩy hội mùa hoa _______”
[Đoản khúc 82]5.

Bạn đọc nếu tinh ý sẽ thấy tôi phải trích lại nguyên văn hình thức (xuống dòng) Đoản khúc 82 này mới không làm mất đi ý nghĩa của nó, khác với những trích dẫn thơ trước. Bởi vì, bản thân hình thức của đoạn thơ nó có ý nghĩa riêng, thậm chí là độc lập và quay sang quyết định đến nội dung của bài thơ. Nếu làm sai đi cấu trúc hình thức, bài thơ lập tức trở nên vô nghĩa. Đó cũng chính là đặc trưng xem trọng đổi mới hình thức, thi pháp thơ của hậu hiện đại. Đối lập với lối thơ “lắm lời” đến mức thậm phồn cái biểu đạt so với cái được biểu đạt của Fan Tuấn Anh, thơ Nhụy Nguyên là một cách tân theo lối kiệm lời cực hạn. Thơ Nhụy Nguyên là dạng thiền định trong thơ, được phát triển một cách mới mẻ. Mỗi bài thơ như một nhãn tự, nắm bắt lấy cái hồn của vạn vật trong sự vô ngôn, thu gọn tối đa sự diễn đạt về mặt hình thức. Một bài thơ có khi chỉ là hai câu, giản đơn như chiếc lá đa rơi vào thinh lặng trong góc chùa giữa đêm khuya: “đội mồ che những hồn oan - Mái hiên đời dột lệ tràn âm ty” (!)6. Ngay cả tên bài thơ cũng kiệm lời chỉ còn một kí tự dấu !. Không có/còn gì rõ ràng tường minh trong bài thơ, bạn đọc được toàn quyền lấp đầy khoảng trống chữ nghĩa ấy. Với tôi, Nhụy Nguyên luôn là một người đàn ông già trước tuổi có nội lực tư tưởng và thái độ sống chân nhân, giúp anh có thể đi lại lâu dài và đi xa trong thi giới. Thơ Nhụy Nguyên hậu hiện đại đầy bản sắc phương Đông, mang âm hưởng Đạo Phật. Hậu hiện đại mà không lai căng, sính ngoại, không bị nô lệ vào những thủ pháp tân kì nhưng thuần túy hình thức như một số người. Đọc thơ Nhụy Nguyên, bao giờ cũng chứng ngôn/nghiệm sự tuẫn tiết cái tôi của chủ thể tác giả trong nấm mồ chữ, nhằm phục sinh người đọc: “một ngày xác chữ lên ngôi - Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân” (Huyệt thơ).

Ngoài ra, thơ hậu hiện đại của Huế còn chứng kiến nhiều nỗ lực cách tân của các nhà thơ nữ, biểu hiện cho ý thức mới về nữ quyền luận trong thơ. Bạch Diệp là nhà thơ nữ xuất hiện khá muộn trên thi đàn, nhưng chỉ qua tập thơ Vũ điệu lam7 đã sớm xác lập được giọng thơ riêng, vừa nữ tính lại vừa tân kỳ, mới lạ. Thơ chị bật lên nỗi khát khao thiên tính nữ: “Em khiêu vũ cùng mảnh trăng thượng tuần - đêm cô đặc màu im lặng - những chiếc lá vàng níu cành run rẩy - không còn anh ở đó… - ngôi sao nhỏ phía chân trời - Em khiêu vũ cùng nước mắt - bước chân này duyên dáng cho anh - ánh mắt này đắm đuối cho anh - nụ môi mềm khao khát chờ anh” (Vũ điệu lam). Châu Thu Hà trực diện hơn, thẳng thắn bộc lộ, tỏ bày khát khao ái ân và niềm hoan ca trong khoái lạc ân sủng của thượng đế. Thơ Châu Thu Hà không quá màu mè, dụng công, không làm dáng quá mức thành ra kĩ xảo như một vài người, mà bừng lên khát khao rất đời thường: “anh hãy nắm chặt em - để em làm người đàn bà yêu anh cuồng nhiệt - trong màn đêm - tìm về miền hoang vu nơi loài người chưa từng biết đến - cho anh khám phá từng ô từng ô bí mật - thiên đường mở đường anh em - không suồng sã không vồ vập không lạnh lùng - chỉ đôi bàn tay đan nhau rất chặt (…) - cổ vũ em bằng sự khích lệ - môi tê buốt nồng nàn - em chẳng dám mơ gì nhiều ngoài việc được yêu anh…” (Khoảng lặng). Ý thức về nữ tính và sự khát khao bình đẳng giới được thể hiện trong thơ nữ Huế khá rõ, như một nỗ lực dân chủ hóa xã hội. Ở mảnh đất nhiều thiết chế văn hóa phong kiến nặng nề còn rơi rớt lại như Huế, thì tiếng nói bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ thực sự là một bước tiến lớn, chỉ có thể khởi đi trong thời hậu hiện đại. Do đó, xét từ góc độ thi pháp hình thức, thơ của những nữ sĩ như Bạch Diệp, Châu Thu Hà, Đông Hà hay Lưu Ly là không mới, thậm chí khá cũ, nhưng ý thức giới tính của họ thực sự mang tinh thần hậu hiện đại. Đó là tinh thần đứng về những chủ thể bên lề, ngoại biên, bị xem nhẹ và loại trừ khỏi nền văn minh do nam giới thống ngự.

Xét một cách thật công bằng và tận căn cốt, thành tựu hậu hiện đại nói trên của thơ Huế thời kì đổi mới vẫn rất khiêm tốn, manh mún và chậm chạp so với tình hình phát triển của thơ hậu hiện đại trên toàn quốc. Những tác giả nói trên, chưa người nào xác lập được tầm ảnh hưởng trên thi đàn cả nước, cũng như thực sự là người đi tiên phong dẫn đầu cho thơ hậu hiện đại Việt Nam. Vậy, thơ Huế hậu hiện đại giai đoạn đổi mới có gì để đối thoại với bên ngoài? Xin trả lời ngay, Huế là mảnh đất lành ươm mầm và phát tích cho một dòng thơ hậu hiện đại đặc thù mang bản sắc Việt nhất: thơ Tân hình thức. Nếu như những dòng thơ hậu hiện đại khác trên thi đàn Việt Nam như thơ phụ âm (của Đặng Thân), thơ rác, thơ phản thơ trên mạng của một số nhóm thơ ngoại biên, thơ trình diễn, thơ mini… hoặc có phạm vi sáng tạo rất hẹp, chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm ban đầu của vài cá nhân, hoặc số lượng tác phẩm và tác giả đông đảo nhưng lại không được giới nghiên cứu thừa nhận, tạo ra các luồng ý kiến tranh luận trái chiều gay gắt, thậm chí nhiều người còn không xem đó là thơ. Cơ sở mỹ học và lí thuyết nền tảng có tính lập/tuyên ngôn của các trào lưu này rất mập mờ, chông chênh. Khác với những trường hợp trên, thơ Tân hình thức là một trào lưu/thể loại thơ hậu hiện đại có tầm ảnh hưởng rộng lớn, với sự tham dự của nhiều nhà thơ cả trong và ngoài nước. Theo Khế Iêm8, xét từ góc độ lí thuyết, năm 2000 có thể xem là năm khai sinh của thơ Tân hình thức Việt, với sự ra đời của tiểu luận quan trọng “Chú Giải Về Thơ Tân Hình Thức”, tác giả không ai khác hơn Khế Iêm - chủ soái của trào lưu này. Sau cương lĩnh có tính chất tuyên ngôn nghệ thuật ấy, có 11 nhà thơ đã hưởng ứng lời hiệu triệu nhằm viết nên những bài tân hình thức đầu tiên. Thơ Tân hình thức về bản chất nghệ thuật là một thể loại thơ hậu hiện đại của Mỹ, được các nhà thơ Việt Nam (trước tiên ở hải ngoại và sau này là trong nước) tiếp thu để xây dựng nên trào lưu riêng ở Việt Nam. Điều đặc biệt là thơ Tân hình thức chỉ có ở Mỹ và Việt Nam, chứ không xuất hiện tại các nước khác, kể cả Anh. Thơ Tân hình thức Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt so với thơ Tân hình thức Mỹ.

Tân hình thức là trào lưu/thể loại thơ hậu hiện đại vừa cũ lại vừa mới, bởi thực chất nó là thể loại lai ghép giữa (các) hình thức truyền thống của thơ (bảy chữ, tám chữ, lục bát, tứ tuyệt…) với nội dung của tự sự (tính truyện, nhân vật, sự kiện, vắt dòng…). Mang mỹ học chiết trung, thơ Tân hình thức có đầy đủ đặc điểm của một thể loại văn học hậu hiện đại. Tôi đã từng tổng kết các đặc trưng mỹ học của thơ Tân hình thức trong một tiểu luận từng công bố: - Tính truyện; - Thi pháp đời thường; - Chú trọng đến nhịp điệp, thông qua thủ pháp bằng trắc, vắt dòng, lặp lại; - Không vần; - Thể luật truyền thống phương Đông. Có thể lấy một ví dụ về thơ Tân hình thức của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - người đi tiên phong và có nhiều thành tựu bậc nhất trong làng thơ Huế về Tân hình thức, để bạn đọc dễ hình dung:

Buổi sáng tôi thức dậy cùng
với ánh sáng của sa mạc
và với cái đuôi của cơn
ngái ngủ lì lợm đu theo

 
cái bướu lạc đà thơ em,
rồi tôi thấy em thức dậy
cùng với niềm hân hoan bình
minh đang lên tươi mươi ngày”


(Thức dậy giờ đó) - với thể thơ Tân hình thức này, mọi trích dẫn trình bày câu thơ cũng buộc phải tuân theo hình thức nguyên bản, mới có thể biểu đạt được kĩ thuật vắt dòng (enjambment) giữa từ cuối cùng của câu trên với từ đầu tiên của câu dưới.

Cho đến thời điểm này (2016), thơ Tân hình thức đã có 25 năm hình thành, xét từ góc độ sáng tạo, với bài thơ Tân hình thức đầu tiên với tựa đề Những Nụ Hồng của Máu ra đời năm 1991 của Nguyễn Đăng Thường. Trong khoảng thời gian ấy, thơ Tân hình thức đã có 4 công trình lí thuyết (do Khế Iêm viết), trên mặt thực hành sáng tác đã có 11 tập thơ, với 1500 bài thơ, 115 tác giả tham gia sáng tạo, trong đó nổi tiếng có Biển Bắc, Khế Iêm, Nguyên Quân, Inrasara, Lê Hưng Tiến, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trầm Phục Khắc, Đặng Xuân Hường, Hồ Đăng Thanh Ngọc… Nhưng một vài nhà thơ Huế được đưa vào tuyển thơ Tân hình thức có lẽ vẫn chưa thuyết phục được người đọc về vai trò quan trọng của văn học Huế đối với sự phát triển của thể loại/trào lưu thơ hậu hiện đại này. Bởi vì “Quanh quẩn mãi một vài ba dáng điệu - Tới hay lùi cũng chừng ấy mặt người” (Thế Lữ). Nhiều người có quyền đặt câu hỏi băn khoăn rằng thơ Tân hình thức là trào lưu/thể loại từ hải ngoại, chứ không phải “đặc sản” của văn học Huế. Hơn nữa, sáng tạo thơ Tân hình thức ngày nay trong nước đâu chỉ có những nhà văn của Huế, mà đã rải khắp toàn quốc, vậy thì tại sao lại tính thể loại/trào lưu này như một trong những thành tựu thơ ca Huế thời kì đổi mới? Liệu có phải đây là hiện tượng “thấy sang bắt quàng làm họ” hay không?

Thực ra câu chuyện dài dòng và quanh co của thơ Tân hình thức tại Việt Nam lại luôn gắn liền với mảnh đất Cố đô Huế. Tân hình thức không ra đời ở đất Huế, nhưng đã được phục hưng một cách mạnh mẽ trên vùng đất này. Có thể nhận định không quá rằng, Huế là quê hương thứ hai của thơ Tân hình thức, nơi chứng kiến sự hưng thịnh của thể loại/trào lưu thơ này. Mặc dù ra đời đã gần 25 năm xét trên góc độ sáng tạo, hay 16 năm xét trên góc độ lí thuyết, nhưng thơ Tân hình thức trước thời điểm năm 2012 chỉ tồn tại chủ yếu ở hải ngoại, sự động vọng vào quá trình thực hành sáng tạo thơ ca trong nước là không nhiều, và cũng gần như chẳng ai biết đến. Thế rồi thơ Tân hình thức gặp gỡ, phải lòng rồi hôn phối với Huế, mà cụ thể hơn nữa là với tạp chí Sông Hương, thông qua tình bạn tri âm giữa nhà thơ Khế Iêm và nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc. Mối tình đẹp đẽ ấy sớm sinh tạo hình hài cho 2 số chuyên đề về thơ Tân hình thức trên tạp chí Sông Hương (số 280 và số đặc biệt thứ 7, xuất bản năm 2012). Từ đây, Tân hình thức mới thực sự phát triển bám rễ trong sinh thể văn học Việt Nam, được bạn đọc chú ý, giới nghiên cứu bắt đầu quan tâm và giới sáng tác bắt đầu thử bút. Một số nhà thơ Huế như Nguyên Quân, Phạm Anh Nga, Nguyễn Văn Vũ và Hồ Đăng Thanh Ngọc bắt đầu chuyển đổi hệ hình thơ, từ (tiền) hiện đại bước sang hậu hiện đại với thơ Tân hình thức. Trong đó, Hồ Đăng Thanh Ngọc với khoảng 50 thi phẩm có chất lượng, xứng đáng là một trong những tác giả quan trọng của thơ Tân hình thức. Còn Nguyên Quân đã rũ bỏ được phạm vi tư duy địa phương tỉnh lẻ, để đổi mới thi ca theo hướng toàn cầu hóa. Anh thực sự là một tài năng thi ca của Huế trong bất cứ hệ hình thơ nào:

trong danh bạ của em không
còn tên thằng bờm nên những gì anh
gởi đi không một lời hồi
đáp anh chừ thua thằng bờm có quạt

 
mo để đổi bây giờ anh
chỉ còn một trái tim rách rưới nắm
xôi xưa bờm ơi là những
lời hò hẹn nụ cười xưa bờm ơi”


Nhưng vai trò của Huế đối với thơ Tân hình thức không chỉ đóng góp trên phương diện tác giả và tác phẩm, đây còn là mảnh đất giúp phát hành, quảng bá các thi phẩm lí luận, phê bình và sáng tác thơ Tân hình thức. Dưới ảnh hưởng và sự nhiệt thành của Hồ Đăng Thanh Ngọc cùng tạp chí Sông Hương, đã có 2 tập thơ Tân hình thức và 2 công trình lý luận phê bình về thơ Tân hình thức của các tác giả hải ngoại đã được xuất bản ở Việt Nam, trong đó có những công trình lập thuyết hết sức quan trọng của Khế Iêm. Hai công trình nữa, một sáng tác, một lý luận về thơ Tân hình thức cũng sắp được xuất bản dưới sự giúp đỡ của Sông Hương. Huế còn là mảnh đất phát hành sách nghiên cứu đầu tiên của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về thơ Tân hình thức9. Bản thân tôi cũng có tham gia viết cuốn sách này, với một tiểu luận có tính ủng hộ nhưng cũng bao gồm các phản biện thẳng thắn cần thiết đối với thơ Tân hình thức. Sau này, cuốn sách quan trọng có tính khai sinh cho thơ Tân hình thức ấy ở Việt Nam đã được Tạp chí Sông Hương giới thiệu, quảng bá ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2014, gây được sự chú ý toàn quốc trong văn giới về thể loại thơ hậu hiện đại “mới mẻ” này. Như vậy, ngoài việc Sông Hương là một trong những tạp chí trong nước đăng thơ Tân hình thức sớm nhất (2010), ra nhiều số chuyên đề nhất về thể loại thơ này, các hoạt động quảng bá, nghiên cứu, thực hành sáng tạo thơ Tân hình thức do Sông Hương chủ trương đã tạo nên một trào lưu sáng tạo mới, làm lan tỏa tri thức và góp phần quan trọng cho việc xây dựng nền văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Do đó, nhắc đến thành tựu thơ viết theo hệ hình hậu hiện đại ở Huế trong giai đoạn đổi mới, sẽ là thiếu sót lớn nếu không tính đến ý nghĩa và vai trò của quá trình xây dựng trào lưu Tân hình thức ở Việt Nam, được khởi tích từ mảnh đất trầm mặc này. Mặc dù vẫn còn đó nhiều hạn chế, nhưng đến thời điểm này, với tất cả những gì đã trải qua, ta đã có thể khẳng định vai trò quan trọng của Huế đối với cả ba hệ hình thơ Việt Nam. Dẫu còn là trung tâm hay không, thì mọi sự phát triển, cách tân, chuyển đổi hệ hình của tiến trình thơ Việt Nam giai đoạn đổi mới đều ít nhiều phải liên đới đến Huế và ghi nhận những dấu ấn riêng, mang bản sắc địa phương của mảnh đất này trong quá trình hội nhập.

Nhìn lại một chặng đường ba mươi năm phát triển thơ ca ở Huế, ở thời điểm đương đại có thể khẳng định rằng, bản mệnh thơ vẫn là bản mệnh viết của văn chương xứ sở này. Đó vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là bi kịch. Sứ mệnh “kinh đô” của “cường quốc thơ” trong cả ba hệ hình giúp văn học Huế tạo sự phát triển liên tục, với những thế hệ thi sĩ gối đầu nhau xuất hiện như sóng vỗ bờ, chưa bao giờ thiếu vắng nhân tài trong thi giới. Ngược lại, việc thơ quá áp đảo văn xuôi, đặc biệt là lí luận phê bình hay kịch đã khiến văn học nói chung và thơ Huế nói riêng thiếu đi những kiệt tác và tác gia mang tầm vóc quốc gia hay quốc tế, tầm cỡ Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà… hay thấp hơn một chút, là Nguyễn Ngọc Tư. Vì có một thực tế rằng, thơ chưa bao giờ là thể loại có thế mạnh nhằm chinh phục thị trường độc giả phổ thông10, cũng như không có lợi thế trong việc dịch ra ngoại ngữ nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế. Một vài nỗ lực thơ song ngữ của Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lưu Ly gần đây là rất đáng quý, nhưng rồi cũng như ném viên đá lên mặt hồ phẳng lặng, sóng lan ra một chút để rồi lại trở về với tĩnh lặng. Tân hình thức mới chỉ là câu chuyện khởi đầu, tuần trăng mật chưa hết nên các mâu thuẫn, tan vỡ (nếu có) sẽ chưa kịp xảy ra. Chúng ta sẽ chờ đợi gì ở thơ, và thơ sẽ chờ đợi gì ở các thể loại khác? Câu hỏi ấy có lẽ không cần thiết bằng ở thời điểm này, chúng ta sẽ băn khoăn như thế nào là thơ? Và thơ trên thế giới đang phát triển như thế nào? Cần làm gì để đạt tới trình độ ấy? Bởi vì, chẳng phải nói như Jean Cocteau, “Thi ca là một tôn giáo không kì vọng” đó hay sao?

P.T.A   
(TCSH340/06-2017)

--------------
1. Nguyễn Lãm Thắng (2012), Họng đêm, Nxb. Văn học, Hà Nội.
2. Hồ Thế Hà (2013), Thuyền trăng, Nxb. Văn học, Hà Nội
3. Hồ Thế Hà (2015), Tơ sương, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Fan Tuấn Anh (2013), Đoản khúc, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Fan Tuấn Anh (2013), Đoản khúc, Sđd, tr.65.
6. Nhụy Nguyên (2011), Khi người ta cúi mặt, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.
7. Bạch Diệp (2011), Vũ điệu lam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
8. Xin xem thêm Khế Iêm (2011), Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác, Nxb. Văn học, Hà Nội và Khế Iêm (2013), Thơ khác, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
9. Nhiều tác giả (2014), Thơ Tân hình thức Việt - tiếp nhận và sáng tạo, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
10. Trừ một vài trường hợp thơ thị trường đặc biệt như Nguyễn Phong Việt với hàng vạn bản in hay gần đây là tập thơ Quà cho con được mua với giá nửa tỉ đồng của Trần Đình Chính.  




 

Các bài mới
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Dã Quỳ hoa (30/06/2017)
Các bài đã đăng
Chiều Tím (20/06/2017)