NGUYỄN HÀNG TÌNH
“Mơ mộng” cũng là một đặc tính của giống loài này, người.
Có người quên, có người từ bỏ, có người lao vào.
Bứa luôn cô đơn giữa đám đông. Bứa nhiều lần muốn đi tu. Hễ cứ thấy chênh vênh, thất hẫng, buồn tủi là Bứa nghĩ đến nhà thờ, nhà chùa. Vấn đề là “đi tu” chứ không phải giáo lý của tôn giáo nào. Bứa đâu để ý là nhà thờ, nhà chùa người ta cũng có lề lối, nghiêm túc, mực thước của người ta, chứ nào phải cái sọt rác để mà hứng hết thảy mọi trạng thái bất chợt, ngẫu hứng, hay mưu đồ, cầu tính ta bà của thế nhân. Ấy là những lúc Bứa chủ trương đi lang thang trên đường, lòng kỳ vọng gặp được một Linh mục hay Hòa thượng nào đó bất kỳ, và họ chịu nhận mình vào nhà thờ, nhà chùa. Cả đời không quen biết Hòa thượng, Linh mục, tính lại nhát gan không dám tự tìm vào chùa, nhà thờ nên Bứa mới hy vọng kiểu thế. Nhưng đi tu thì không còn được mơ mộng và vẽ tranh nên hành trình đi tu của Bứa “dở dang” hoài.
Hài nhi
Bứa cho rằng cuộc đời mọi thứ đều phải đẹp, trong sáng, chân thật. Bứa tin cái xấu, cái ác, cái dối gian không thể tồn tại được trên đời; cái đẹp mới là trục chính, dẫn dắt cuộc sống này. Mà cái cõi người này thì nhiễu nhương, nhơ nhớp. Vì thế mà Bứa luôn cảm thấy mình lạc loài. Trong người Bứa dư thừa ưu tư. Bứa rất dễ vui, và cũng rất dễ buồn. Một kẻ to xác, nhiều tuổi, trong thân hồn đứa trẻ. Hở cái là Bứa khóc. Bứa có thể khóc bất cứ lúc nào, sụt sùi, tức nước mắt thành dòng hẳn hoi, và kéo dài. Muốn xem Bứa khóc dễ hơn xem trẻ con. Ấy là khi ta xới lên, gợi đến cái nghèo, về một bài thơ tâm tư, bức tranh vẽ nỗi sầu tư biện, hay về thuở sinh viên nông nổi, thời làm giáo sư trung học quá lý tưởng cuộc sống này, sự vật vã của những giá trị chân chính, tình người, hoặc sự khốn nạn sâu hiểm của phụ nữ, và về những kẻ tham lam, gian tà trong cõi đời này. Bứa nhạy cảm. Bứa thơ ngây. Bứa mong manh. Bứa như kẹt trên mây. Một Bứa với thời nào cũng… lạc thời.
Bứa là thế. Cứ thấy phụ nữ nào đẹp là Bứa rung động. Bứa say mê, chiêm ngưỡng, tự yêu thôi chứ chẳng bao giờ đụng vào họ, làm tổn thương họ. Bứa cao to điển trai, lãng tử, vẽ tranh tài hoa, nên xưa giờ gái nào cũng thích, muốn giao du. Nhưng chả em nào chọn Bứa làm chồng, hay gắn bó cả. Thời trai tơ, Bứa say đắm một Ma Souer trẻ ở phố lạnh Đà Lạt. Bứa cứ lang thang lẽo đẽo đi theo nàng lên các con dốc. Ngày Bứa tiếp cận được nàng, nói được lời yêu, thì nàng chuẩn bị vượt biên. Bứa gặp nàng, nàng bảo Bứa đưa cho ba cây vàng để nàng trả lại cho người thân thì sẽ ở lại gắn bó với Bứa, vì đã mượn số vàng này để chồng nạp cho bọn bán bãi dưới miền biển. Đời Bứa chỉ có mỗi tấm thân này thôi, sống bữa no bữa thiếu, luôn viêm túi, nói chi đến vàng, lại tính tới “cây”. Rồi thì cũng có một người phụ nữ nạ dòng khác vì thấy Bứa đẹp mã nên lấy. Lấy nhau không được hai năm, khi đứa con của hai người chưa đầy một tuổi, người phụ nữ kia bỏ Bứa tỉnh queo, đi lấy người đàn ông tiếp theo làm chồng. Bứa cô đơn. Lại lang thang. Càng lang thang, Bứa càng lên mây, mơ mộng. Bứa trầy trật sống. Một mình nuôi con. Bứa càng chăm thằng bé càng ốm yếu. Mẹ Bứa ở Huế nghe thấy, thương thằng cháu quá, lên đưa về chăm. Mẹ già chăm trẻ con cũng quá sức, đến lượt chị gái của Bứa ở Qui Nhơn ra tay rước thằng cháu vô nuôi.
Thằng bé con rồi cũng thành thiếu niên, được đưa quay lại Đà Lạt sống với bố. Cứ thế, hai cha con Bứa lây lất tiếp qua từng năm, từng năm, và tóc Bứa cũng bạc dần, bạc dần, rồi thằng Văn cũng bước vào tuổi lấy vợ, có con. Đến khi thằng Văn có con rồi, mà Bứa vẫn còn làm nũng với nó như khi nó còn nhỏ. Tôi là thằng giang hồ, chả máu mủ hay nợ nần gì với Bứa, chỉ là lâu không ghé thăm, vậy nhưng gặp tôi giữa đường, Bứa chận lại làm nũng ngon lành: “…Tao giờ chả cần thằng nào là bạn nữa!” Ông họa sĩ hài nhi, trẻ con đến thế thì hết biết, khó mà thấy trên đời này. Thằng Văn dĩ nhiên chững chạc hơn Bứa rồi, vì ngay tóc tai nó bao giờ cũng ngắn gọn, còn Bứa hết thả dài đến lưng quần, rồi cạo trọc, rồi chơi đầu đinh. Cứ nhìn Bứa bước ra khỏi nhà mà trước ngực còn đeo cái túi dây bé con hình quả dâu tây chín đỏ như bọn trẻ trường măng non thì mường tượng được bản thể ngài.
Những căn phòng thuê trọ Bứa trải qua, luôn ám ảnh tôi về sự chật chội, tạm bợ, nhếch nhác. Nhiều khi nhìn, tôi thấy mấy sinh viên khu ngả Năm đại học còn ăn ở trên Bứa một bậc.
Giao mộng cho tranh
Bứa là kẻ vụng về mọi chuyện đời; ngoại giao trên mây thế thì làm gì gặp được con người dưới trần, thiết lập được quan hệ, để người ta biết đến tranh mình, để bán. Thế gian mấy kẻ sống được bằng tranh, bằng thơ, mà lại ở cái xó núi Đà Lạt này. Trong các căn phòng trọ cũng là xưởng vẽ đó, Bứa nhìn tranh, và tranh nhìn Bứa.
Tranh Bứa y chang con người Bứa. Nó tinh khiết, trong vắt từ màu sắc, đường nét, đến chủ đề. Nó như thế không phải ở bây giờ mà từ bốn mươi năm qua. Bứa hay vẽ hình ảnh kẻ thi sĩ dưới vòm đời. Làm sao mà quên hình ảnh một anh nhà thơ gầy gò hiện ra bằng một hóa thân giữa con người với một loài thú mộng lành nào đó vác một cành lá xanh bé tẹo đi giữa sắc cam vàng trong trời đất. Khi Bứa bán bức tranh này cho một nhà sưu tập ở Hong Kong, họa sĩ Hồ Hữu Thủ ở Sài Gòn lúc này có mặt, đã nói với Bứa: “Ông bán cái chân dung ông rồi!” Sau bức đó, Bứa vẽ bao nhiêu là kẻ thi sĩ lang thang khác, chỉ có điều nhân vật không vác một cành lá như trong bức tranh kia thôi. Mỹ thuật của Bứa giống như âm nhạc của ông Trịnh Công Sơn vậy. Ông nhạc sĩ này viết nhạc trong thơ, thì Bứa vẽ “thơ” trong tranh, thành tranh. Gam màu chủ đạo của tranh Bứa là màu xanh lá non, màu cam vàng của lá đầu thu, cùng màu đỏ non của trạng thái bào thai. Người thì ưu tư nhưng chẳng hiểu sao tranh lại hồn nhiên, mông lung, và an lạc đến vậy. Tranh Bứa không có chỗ cho sự tù túng, dù bức của ba mươi năm trước, hay bức mới vẽ xong chiều qua. Xem tranh Bứa con người ta chỉ có thể bay lên, chứ chẳng thể chùng xuống. Dân tài chính, kế toán mà mê tranh Bứa thì chắc chắn trước sau gì việc tính toán cũng sẽ trật lất hết. Tranh “thiền” trong mộng, vì người vẽ ra nó như một đạo sĩ. Hình như Bứa có sự xung đột giữa thực tiễn đời và giấc mộng bên trong sáng tạo. Bứa không vẽ cuộc đời mà vẽ giấc mơ mà. Đời quá phàm tục nên Bứa vẽ cõi nào đó cứu cõi người. Nên trên thảo nguyên sắc màu kia, nhân vật cứ mãi là gã nhà thơ, gái đẹp, ngựa, chim, ánh mắt, núi đồi, trăng, chiếc lá. Thi sĩ trong tranh thì thánh thiện đến không cần quần áo; gái thì vọng về cõi ban sơ đến ngơ ngác; ngựa thì non tơ ngốc nghếch đến lạc bầy; chim thì u dại đến chơ vơ, lìa cây, mất tổ, không cần quê hương… Những trong sáng, hồn nhiên nguyên bản, từng là. Nếu bức hiếm hoi nào đó nào vẽ gam màu buồn, biểu đạt cái buồn, thì vẻ buồn ấy cũng thánh thiện, mênh mông, vang vọng.
Đang chung chạ với cõi trần mà mọi thứ ở Bứa cứ đòi thoát tục. Bứa nhận mình là “Con chim thi sĩ núi đồi”. Sự tự chuốt khác người này không chỉ ánh xạ xuyên suốt qua tranh, mà Bứa cũng từng ghi vào sổ: “Ngày ấy của tôi là cái túi xếch/ chất đầy gió mênh mông/ Ngày ấy của tôi là vầng trăng/ tôi lao vào cuộc chơi bốn mùa thi sĩ/ Tôi sẽ hái hoa trên trời vạn kiếp/ tôi chẳng bao giờ đánh mất một vầng trăng tôi yêu”. Chẳng ai như Bứa, ví như hồi vợ bội phản, bỏ mình, mà lại ngồi viết ra: “Tôi thấy em ngồi bên con suối vắng/ phân trần điều gì với hoa và trăng…”.
Bức tranh họa sĩ Bứa vẽ khi chưa liệt nửa người |
Loay hoay cánh tay còn lại
Một chiều cuối năm hai không mười hai, Bứa lang thang quanh hồ Xuân Hương. Đột nhiên, người khụy xuống. Người ta đưa Bứa lên bệnh viện. Cả người Bứa bất động, đột quị mà. Ba tháng, chuyển qua ba nhà thương, Bứa xuất viện với mất nửa người bên phải không còn cử động được. Con chim đã xệ cánh. Bại liệt nửa bên phải, tức cái tay phải Bứa cầm cọ coi như “xong”, hết tác dụng. Bứa đau khổ, vì từ nay không còn được vẽ. Mà không được vẽ, với Bứa là sự đau khổ còn hơn bị vợ bỏ, hay cơn nghèo khó triền miên. Hai cảnh trạng kia Bứa đã quen, còn xa rời cọ Bứa chưa từng tưởng tượng. Một năm rưỡi cố tập, nhưng vẫn không phục hồi được cánh tay phải, còn chân thì dĩ nhiên lết cà giựt cà giựt. Bứa lại khóc như trẻ thơ. Hàng ngày trong xưởng vẽ, Bứa ngồi nhìn đống sơn dầu dưới sàn kia như mèo nhìn mỡ để tủ kính. Bứa ngồi nhìn giá vẽ như nhìn thiên đường đã mất. Bứa nhìn những bức tranh dở dang mà tuyệt vọng.
Tôi nhìn Bứa, thương đến chết lặng. Những lúc này, tôi thà đi quanh xưởng vẽ của Bứa, nhìn vào sự hoang tàn, đổ nát của một xưởng vẽ, còn hơn nhìn Bứa.
Bứa đến với hội họa như là cứu cánh cuối cùng cuộc đời mơ mộng bi khốn của mình. Từ khi đi dạy học Bứa đã vẽ. Vẽ màu nước thì ít tốn tiền. Chuyển sang sơn dầu, với nhiều người là bình thường, trong tầm tay, nhưng với Bứa vật liệu này là quá sức. Bứa từng ngồi chực trước một ngân hàng ở khu Hòa Bình - trung tâm Đà Lạt - để hy vọng gặp được một ông lãnh đạo ngân hàng xin vay năm trăm ngàn đồng mang về Sài Gòn mua sơn dầu. Cho đến khi gặp được họ, họ bảo phải thế chấp một cái gì đó mới vay được. Bứa vô sản, không nhà cửa, đất đai, khách sạn, cửa hàng, (và cả vợ) thì “thế” bằng cái gì. Bứa trách ngân hàng không có tâm hồn, không nghệ sĩ. Vậy đành thôi ý nghĩ nhờ đến ngân hàng. Rồi hai năm sau đó, có một ông quan hàng tỉnh biết Bứa từ hồi cùng “xuống đường” phản đối chính sách của chế độ cũ miền Nam, nên đứng ra tín chấp cho Bứa được vay với danh nghĩa “để lao động nghèo phát triển sản xuất”. Từ đó Bứa về Sài Gòn thành công, mua được sơn dầu. Bứa hứa sẽ trả nợ bằng tiền bán tranh. Bứa lao vào hội họa, và chuyên nghiệp từ đó.
Một cô gái bên bức tranh họa sĩ Bứa |
Bứa vẽ chuyên nghiệp, tranh lạ, đẹp, giá trị cao, một trong ba họa sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật Đà Lạt đương đại (cùng họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn và Nguyễn Minh Thành), nhưng xứ này mấy ai mua tranh treo đâu. Có giai đoạn Bứa mang tranh bán cho hãng bia hơi địa phương, cho Bưu điện, và đậm nhất là gá nợ cho một tay cáo già trùm kinh doanh tranh thêu ở Đà Lạt. Họ mua ép tranh Bứa, đưa năm bảy trăm ngàn cho một bức, ngay đến giai đoạn đồng tiền rớt giá thì chỗ trả khá nhất cũng chỉ vài triệu đồng. Bứa dựa vào tranh để sống mà, nên những lúc thèm uống tí rượu, Bứa đi uống và trả bằng… tranh. Hiếm lắm mới có quán chịu kiểu trả này, phần nhiều là không. Trong cuộc lê thê quẫy đạp giữa mơ mộng và áo cơm đó, Bứa đã làm năm cuộc triển lãm riêng ở Đà Lạt và hai cuộc chung ở Sài Gòn tại Gallery Tự Do và Không Gian Xanh kể từ ngày ấy đến giờ.
Bứa rầu rĩ suốt hai năm. Khi liệt mất cánh tay thuận, chính sự cô độc và cái nghèo tận đáy đã đẩy Bứa trỗi dậy. Vậy là Bứa bắt cái tay còn lại phải hoạt động mỹ thuật. Bứa khởi động lại từ đầu nghề hội họa. Những nét vẽ nhọc nhằn, xót xa. Mất thêm nửa năm để “đào tạo” cho tay trái nhuần, trên toan. Tay trái quá nghịch, nên Bứa vẽ chậm, kỹ, chăm chút hơn cánh tay thuận đang liệt. Những bức tranh bằng cánh tay trái ra đời. Quái lạ là tranh còn đẹp hơn trước kia. Chắc vì nỗi đau và sự cùng đường. Hai năm qua, Bứa đã vẽ ba mươi ba bức bằng cánh tay tội nghiệp đó, cho dù dân văn nghệ ở phố núi nghĩ mỹ thuật của Bứa đã “chết” lâm sàng rồi. Ngoài tôi ra, không ai biết Bứa đã làm nên điều kỳ diệu này. Cuối năm hai không mười sáu rồi, Bứa đã đưa số tranh kỳ diệu kia ra triển lãm ở trung tâm Hòa Bình, Tp. Đà Lạt. Mọi người nhìn một Bứa “tái sinh”. Ai nấy ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Những bức tranh đây dĩ nhiên càng có giá trị hơn những bức tranh trước kia của Bứa. Trước đó ít lâu, có kẻ tinh khôn đã dụ Bứa đưa số tranh đặc biệt này vào treo suốt sáu tháng ở điểm du lịch của mình để bán vé cho du khách vào xem và khoe về tình trạng bại liệt của tác giả, đổi lại cho Bứa ít tiển để sống, trước khi Bứa mở triển lãm công khai. Bứa nghèo khổ mãn tính mà.
Lạy “ Tự do”
Vậy là Bứa đã có 43 năm đến Đà Lạt. 43 năm có quê hương nhưng không có thật nhà. Căn nhà nay Bứa đang ở nhờ, trước cửa Bứa để hàng chữ đã như một bức tranh khi năn nỉ bọn thanh niên hư hỏng: “Chú làm thơ nghèo khổ, đừng lấy cắp của chú. Cần gì chú giúp”. Ký tên: “Chú Bứa”. Đứa nào đột nhập nhà Bứa thì có dại, vì có gì đâu ngoài mớ sơn dầu, tranh, và chiếc giá vẽ. Bứa thuê nhà trọ vòng quanh Đà Lạt. Bứa cũng ở nhờ khắp nơi, từ phòng ở chung cư của người ta, phòng khách cơ quan, phòng bảo vệ, đến phòng thừa ở trường học. Đã nghèo, lại nghệ sĩ tính quá cỡ nữa, sá chi mặc cảm. Bứa còn từng dám ở cả hốc cầu thang ở một trường trung học mà mình đang làm giáo viên kia mà, mặc cho đồng nghiệp và học trò hàng ngày bước lên xuống cầu thang. Không chân thật đố mà đủ nội lực, bản lĩnh để sống tới muốt thế này.
Bứa là họa sĩ nổi tiếng, nhưng không xuất thân từ trường mỹ thuật. Bứa có khả năng hội họa bẩm sinh, và tự học. Bứa tốt nghiệp ngành canh nông, sau khi học trường Cao đẳng sư phạm Nông Lâm Súc Sài Gòn, Bứa vào đời bằng nghề dạy học ở Tùng Nghĩa, Đơn Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng), với môn toán và văn chương, từ trước một chín bảy lăm đến sau này. Bứa nổi tiếng đi dạy không bao giờ có giáo trình, nhưng kiến thức trong đầu Bứa đủ làm hấp dẫn học trò. Không biết cái tên “Bứa” làm học trò dễ nhớ, hay vì kiểu dạy kia mà giờ gặp lại chúng đều tự hào về người thầy năm nào. Có người còn bảo, ngày đó chỉ có thầy Bứa là khi dạy hay tranh thủ “xúi” học trò đi biểu tình chống ông Thiệu. Bứa yêu cái đẹp, lý tưởng cái đẹp, tôn thờ tự do và điều thiện lành. Bứa nghĩ, không yêu tự do thì tranh cũng không đẹp, mà dạy học cũng chẳng thể nào hay, và chân lý không bao giờ ở trong xiềng xích. Ai nghĩ sao về Bứa cũng tốt cả. Mỗi khi Bứa vẽ, nếu không mở nhạc Kitaro, thì cũng phải Trịnh Công Sơn, chứ không thì Bứa vẽ không được. Bứa phải lạc trong âm nhạc như thế đường nét mới tứa ra. Đôi lần tôi lén thử tắt nhạc thì y như rằng Bứa buông cọ ngay. Bứa cầm cây cọ chạy quanh tìm tôi, tin tôi xuất hiện đâu đó, vì biết chỉ tôi nắm rõ “bệnh” này của mình.
Bứa bảo người nghệ sĩ không có cách nào hơn là sự chân thật. Hãy thật tỉnh táo thì mới luôn sống chân thật được, giản dị được, chạm vào chân lý được. Bứa bảo vẽ tranh là lúc Bứa đi đến tận cùng rốt ráo nhất, cao viễn nhất, và thiêng liêng nhất. Bứa rằng, ấy là sự trở về trong cuộc đời cho dù đau thương, mất mát. Tôi nhớ mãi, có lần, trong một cuộc triển lãm tranh của mình, chả ai như Bứa, diễn từ khai mạc lại đọc rằng: “Tôi chúc tôi cô đơn. Tôi chúc tôi nghèo khổ. Tôi chúc tôi bệnh tật!” Bứa là thế, cứ nói cái gì theo ý lòng mình, từ trong ra, mà không theo khuôn mẫu của ai. Quái lạ là nó làm mọi người lịm đi, phòng tranh mênh mông ra.
Bứa sinh năm 1948 tại Huế; tốt nghiệp ngành canh nông Trường Cao đẳng Sư phạm Nông Lâm Súc Sài Gòn trước 1975. Bứa vào đời bằng nghề dạy toán ở Tùng Nghĩa, rồi văn chương Đà Lạt (Lâm Đồng), và bỏ nghề giáo từ cuối thập niên 80. Sau bốn mươi tám năm rời xa quê nghèo làng Thủy An, vùng Cầu Hai nước lợ dưới chân núi Bạch Mã của xứ Thừa Thiên, kết quả đời Bứa là… không có gì, ngoài những bức tranh. Dưới từng bức tranh của mình, Bứa ký nghệ danh Hoàng Như Thủy An - tên làng quê xứ cũ - thế mà ai cũng gọi chào là “anh Bứa”. Hình như cái âm thanh “Bứa” đã dễ thương, réo rắc nghệ thuật rồi, từ cái tên thật Hoàng Như Bứa của Bứa.
Nếu Bứa ham tiến thân thì sự cống hiến cho giáo dục cùng thành tích “xuống đường” đã đưa Bứa thành quan chức như nhiều người, chứ không phải kẻ không nhà cửa. Bứa bỏ đời công chức để tìm tự do mà, từ hai mươi chín năm trước, như thiên hạ cứ chân trong chân ngoài phải ổn chắc hơn không (!). Mà chắc gì mấy bức tranh ấy sẽ còn, bởi nó có thể “ra đi” bất cứ lúc nào như bao bức tranh trước đó, vì tranh thì chỉ độc bản, và vì Bứa thì bao giờ cũng thiếu tiền. Cũng chẳng ai như Bứa, khi người ta dụ thì có bao nhiêu tranh trong nhà bán sạch, đã nhiều lần bán một lúc hai ba chục bức. Tranh đặc biệt, có giá trị, mà bán như nông dân bán nông sản, bán “xô”. Bứa nghèo mà, vô sản mà.
Cái giá của sự chân chính, tự do, và mơ mộng.
N.H.T
(SHSDB25/06-2017)