Kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh
BÙI KIM CHI
Đồng Khánh - Ngôi trường hồng
Cách đây 50 năm (1967). “Nàng trang điểm thật lộng lẫy. Nàng tạm từ bỏ nét trầm lặng thường nhật, giữ một vẻ mặt thật tươi để chung vui cùng đàn con nhỏ. Nàng đang sống trọn vẹn một ngày vui với những kỷ niệm đáng nhớ nhất của một đời người: Lễ sinh nhật mừng thọ năm mươi của Nàng, ngày đánh dấu sự trưởng thành trong lịch sử để sống mạnh với thời gian”.(*)
Một trăm năm (2017). Nàng, người “thiếu nữ lớn tuổi” ấy vẫn thế, dù đã vào tuổi hạc trăm năm. Duyên dáng, nền nã, đằm thắm, khiêm cung - một nét đẹp rất riêng của phụ nữ Huế. Gương mặt Nàng vẫn tươi, màu da hồng năm xưa có sạm đi chút ít vì thời gian và tuổi tác cũng như những đổi thay của cuộc đời Nàng, nhưng Nàng vẫn đẹp, vẫn tạo được cho mình một vị thế oai nghi, đài các giữa miền đất Cố đô. Hôm nay, Nàng không tự mình trang điểm “lộng lẫy” như xưa nhưng các con Nàng tất cả đã trưởng thành cùng nhau làm đẹp cho mẹ, khoác cho Nàng chiếc áo “nạm vàng” trong ngày mừng thọ mẹ trăm tuổi… Nàng vẫn đẹp - người phụ nữ không có tuổi đang thách thức với thời gian.
Ngược dòng thời gian…
Cũng như trường anh Quốc Học, trường em Đồng Khánh tọa lạc trên công thổ của trại Thủy Binh Võ Doanh Thủy Sư thời nhà Nguyễn nằm trên đường Lê Lợi, con đường tình của tuổi học trò có hai hàng lông não màu ngọc bích xanh um lao xao, thường xuyên nghe lén “chuyện học trò”. Trước mặt trường là vườn hoa. Chúng tôi đặt tên là vườn hoa Đồng Khánh, có giàn hoa “Tim Vỡ” sẻ chia bao chuyện tình của thuở còn đi học. Tôi cũng đã từng ngồi dưới giàn hoa này vu vơ vẽ hình “chiếc lá” trên đất. Sát với vườn hoa là bờ sông Hương thơ mộng, đẹp nhất lúc sáng sớm khi trời còn mờ hơi sương và lúc chiều về khi trời vội vàng trốn nắng thả màu khói hương phủ quanh sông. Nơi đây có bến đò Thừa Phủ đón và đưa “khách học trò” sang sông hàng ngày. Một trong những nét duyên của Huế một thời. Đồng Khánh trường tôi học được thành lập vào năm 1917 triều vua Khải Định, ngày 15/7 là ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường dưới thời Pháp thuộc. Ban đầu trường Đồng Khánh chỉ là trường nữ Tiểu học, về sau sĩ số học sinh gia tăng trường trở thành trường Trung, Tiểu học có tên mới là College Đồng Khánh, thêm các lớp Đệ Nhất cấp (từ Đệ Thất đến Đệ Tứ). Trường có màu hồng trang nhã, dáng dấp quý phái. Đến năm học 1956, trường bỏ bậc Tiểu học chỉ còn lại bậc Trung học Đệ Nhất cấp và đổi tên Việt là Trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Học xong Đệ Nhất cấp, nữ sinh phải sang trường anh Quốc Học để học nhờ ở các lớp Đệ Nhị cấp (Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất). Kể từ năm học 1962 - 1963 trường Nữ Trung học Đồng Khánh có đầy đủ các lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp. Vậy là Anh không còn cưu mang Em nữa. Những năm đầu tiên sau khi trường được thành lập, đồng phục của nữ sinh là áo dài màu tím, sau đó là màu xanh nước biển (bleu marine) và cuối cùng là màu trắng. Nữ sinh Đồng Khánh học giỏi, ngoan, dịu dàng, đằm thắm. Các vị hiệu trưởng của trường Đồng Khánh đều là nữ (kể cả thời Pháp thuộc). Ngoài sáu cô hiệu trưởng người Pháp, tiếp tục trường Đồng Khánh có các cô hiệu trưởng người Việt. Tất cả các cô đều là những nữ giáo sư giỏi, có trình độ, tư cách đạo đức tốt, mẫu mực được xã hội và học sinh tin yêu, kính trọng và ngưỡng mộ như các cô Võ Thị Thể, cô Hồ Thị Thanh, cô Đào Thị Xuân Yến, cô Nguyễn Thị Quýt, cô Nguyễn Thị Tiết, cô Đặng Tống Tịnh Nhơn, cô Tôn Nữ Thanh Cầm, cô Thân Thị Giáng Châu, cô Lê Thị Tường Loan và cô Phan Thị Bích Đào - nữ hiệu trưởng cuối cùng của trường Đồng Khánh.
Cái tâm, cái đức của một hiệu trưởng
Chân dung cô hiệu trưởng Phan Thị Bích Đào |
Tôi là một trong những học trò Đồng Khánh âm thầm ngưỡng mộ cô Bích Đào từ thời đi học và ngay cả bây giờ. Cô đã vào độ tuổi U.80 nhưng hình như cô tôi không có tuổi. Cô còn linh hoạt lắm. Thời thiếu nữ cô là người đẹp của xóm Hạnh Hoa Thôn (nay là đường Nguyễn Công Trứ), của trường Đồng Khánh, của trường Quốc Học và là “hàng mẫu vô giá” của trường Đại học Sư Phạm Huế. Năm 1962, sau khi Tốt Nghiệp Đại học ban Pháp Văn cô được phân công về dạy Pháp Văn tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Cùng thời dạy với cô ở trường Đồng Khánh có các cô Phương Chi, cô Bạch Hạc, cô Vương Thúy Nga, cô Phương Lan, là những giáo sư dạy giỏi được học trò quí trọng, thương yêu. Tôi vẫn nhớ ngày ấy được học Pháp Văn, lớp Đệ Nhị C1, sinh ngữ chính với cô Bích Đào. Cô duyên dáng và đẹp. Rất sang trọng trong chiếc ô tô màu xanh ngọc, cô đã làm cho chúng tôi phải ngẩn ngơ, trầm trồ: “Cô của mình oai quá!” Thời ấy, phụ nữ Huế lái xe là rất hiếm. Trường Đồng Khánh có hai cô giáo lái xe hơi đi dạy là cô Tôn Nữ Phương Chi và Cô Phan Thị Bích Đào. Nay đã lớn tuổi nhưng cô Bích Đào vẫn còn lái ô tô từ nhà cô ở đường Trần Thúc Nhẫn, ra Lê Lợi về xóm Hạnh Hoa Thôn thăm mẹ và thỉnh thoảng cô lái xe chở học trò cũ dạo quanh thành phố - những “con đường tình ta đi” một thuở của Huế, mong tìm lại một chút “hương xưa”. Người Huế mình lãng mạn rứa đó. Năm 1969 cô được Bộ Giáo dục bổ nhiệm làm Giám học trường Đồng Khánh rồi 4 năm sau, năm 1973 cô lại được bổ nhiệm tiếp làm Hiệu trưởng. Một trách nhiệm nặng nề với chức vụ Giám học rồi Hiệu trưởng ở một trường Nữ Trung học lớn nhất miền Trung, có bề dày lịch sử, có truyền thống dạy và học tốt. Nhưng rồi với trình độ được đào tạo tốt, tư chất thông minh, đầu óc nhạy bén cùng sự giúp đỡ của đồng nghiệp (các cô phụ tá Giám học, Tổng Giám thị, các giáo sư có năng lực, kinh nghiệm), cô đã vạch ra được kế hoạch nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp Tú tài 1, Tú tài 2 nhằm mở lối vào đời tốt nhất cho học sinh. Đó là tâm nguyện của cô và cô đã đạt được. Từ năm 1970 và những năm tiếp theo, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của trường Đồng Khánh ngày càng nhiều và ở vị trí cao… Bây giờ ngồi nhớ lại cô vẫn thấy vui và mãn nguyện. Hạnh phúc nhất của cô cũng như kỷ niệm đẹp nhất của cô là những tháng năm sống dưới mái trường hồng Đồng Khánh cùng đồng nghiệp và học trò thân yêu. Cô đã từng theo 13 thế hệ học trò Đồng Khánh (từ 1962 - 1975) với tình cảm thương yêu và ngược lại, cô cũng đã đón nhận được rất nhiều cảm tình đặc biệt của nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh dành riêng cho cô.
Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, trường Nữ Trung học Đồng Khánh tạm đóng cửa. Cô cùng gia đình vào Sài Gòn. Trước ngày đi, cô ghé trường. Để tránh tình trạng thất lạc hồ sơ của nhà trường, cô nhanh chân vào văn phòng sắp xếp ngăn nắp 160 bộ hồ sơ của giáo sư và nhân viên cùng danh sách học sinh của 80 lớp để vào tủ khóa lại cẩn thận. Riêng tất cả học bạ của học sinh cô đóng gói mang theo vào Sài Gòn. Cô suy nghĩ, học bạ của học sinh vô cùng quan trọng, mất học bạ lấy đâu để đánh giá trình độ học vấn của học sinh khi các em tiếp tục học hay đi xin việc làm. Dù vất vả nhưng vì “đạo làm thầy” cô vẫn cứ vui vẻ làm. Khi trường ổn định và mở cửa trở lại, cô đã trở về Huế mang học bạ trao lại đầy đủ cho Ban Điều Hành mới của nhà trường. Nghe bạn bè kể lại tôi bùi ngùi, cảm động và thương cô quá. Việc làm của cô đã thể hiện cô là một hiệu trưởng có tâm, có đức và đầy trách nhiệm với học sinh của mình. Vì là nữ nên việc sắp xếp, di chuyển học bạ phải có sự trợ giúp của thầy, chồng của cô, cũng là một giáo sư đại học - thầy Trần Như Uyên. Thầy hiền lành, mẫu mực. Tôi cũng là học trò của thầy đã từng được thầy dạy bảo, truyền thụ kiến thức ở giảng đường Đại học Văn Khoa Huế. Cũng có thời gian cô Bích Đào dạy Sinh ngữ cơ bản Pháp Văn cho sinh viên năm thứ 1 ở trường Đại học Văn Khoa. Bạn bè tôi nói vui, cứ hết giờ thầy Uyên đi ra là cô Bích Đào đi vào… Hiện tại cô có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên hai người con thành đạt, một bác sĩ, một nha sĩ cùng các cháu nội ngoại dễ thương. Tiếc rằng thầy tôi đã sớm giã từ cõi tạm.
Gần năm mươi năm trôi qua, được gặp lại cô Phan Thị Bích Đào trong Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế tại Sài Gòn tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cô vẫn dáng dấp linh hoạt, đôi mắt tinh tường. Vẫn mái tóc cắt ngắn và nụ cười hiền luôn rạng rỡ trên gương mặt khả ái - người đẹp Hạnh Hoa Thôn một thời của Huế xưa.
B.K.C
(SHSDB25/06-2017)
.......................................
(*) Lê Thị Thu Nguyệt (Tập Văn Nữ sinh Đồng Khánh 1967).