Tạp chí Sông Hương - Số 341 (T.07-17)
Sự [tái] kiến tạo: “siêu việt” siêu hiện đại và bước trở lại với huyền thoại
09:54 | 27/07/2017

BRENDAN DEMPSEY

Thế kỷ XIX vẽ ra một bầu khí tôn giáo cựu truyền, ngột ngạt, và đại tự sự của nó, nói chung, đã đến hồi suy tàn - một hiện thực xã hội được phác họa bởi tuyên bố nổi tiếng của Friedrich Nietzsche “Chúa đã chết”(1).

Sự [tái] kiến tạo: “siêu việt” siêu hiện đại và bước trở lại với huyền thoại
Ảnh: metamodernism.com

Dĩ nhiên, khi phát biểu này thể hiện được những ý tưởng triết học của riêng Nietzsche (vào năm 1882, dù vẫn là một cách ngôn nhưng đủ để chấp nhận nó coi như một thách thức không thể xem nhẹ được), thì một trăm năm sau, tài tiên tri của Nietzsche dường như đã thực sự xảy ra. Tức là, quan niệm về hậu hiện đại, cụ thể, được đề ra bởi Lyotard, đã loại bỏ đại tự sự và, rộng hơn, là những tự sự siêu việt (transcendent narratives) lẫn các hệ thống huyền thoại (mythic systems).(2) Siêu hình học mà ở đó Chúa, tôn giáo, và các chuẩn mẫu hệ hình (paradigmatic models) khác trước đó đã tựu thành, nay bỗng dưng bị coi là đã mất tín nhiệm và bị loại bỏ dần.

Tuy vậy, ngày nay chủ nghĩa hậu hiện đại đã đem lại hướng đi cho một “cấu trúc cảm nghĩ” (structure of feeling) mới được gọi là chủ nghĩa siêu hiện đại, một động lực nguyên mẫu và siêu việt đang tìm thấy sự hồi sinh. Huyền thoại và các đại tự sự đang được tiếp nhận như là cái nhìn thứ cấp, từ việc tập trung như nhất vào tính ngẫu nhiên cũng như bối cảnh, quan tâm đến ‘sự vô tận’ (timeless) và ‘phổ quát’ (universal) một lần nữa đang tìm thấy một sức biểu hiện đầy mạnh mẽ. Siêu việt đã một lần nữa sống lại - hay nó đã được quan niệm lại?

Ở bài viết này, tôi lưu ý đến mối quan hệ của sự tái định giá triết học cho một tính hướng động ‘siêu hiện đại’ (‘metamodern’ sensibility) rõ ràng và mới mẻ. Đặc tính hậu-hậu hiện đại này tránh cả những hệ thống siêu hình học ngây thơ của quá khứ cũng như thuyết duy vật hời hợt của hậu hiện đại, đã xui nên một dự án tái kiến tạo (reconstruction) - một trong số đó là những huyền thoại mới và các chuẩn mẫu hệ hình hiện đang được gia công về mặt kĩ nghệ (artfully crafted) cho thế kỷ XXI.

Nội tại và Siêu việt: Một diễn giải hữu dụng

Để rõ ràng, từ ‘Chúa’ (God) ở trong ngữ cảnh này biểu đạt một hệ hình quan niệm hơn là được dùng theo cách dùng thông thường ở phương Tây (nghĩa là, ‘một đấng thần minh siêu tự nhiên’, một vị Thiên Chúa cụ thể). Ở đây, tôi định sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa rộng của nó - điều đó có lẽ đã được giải minh tốt hơn thông qua song luận trong triết học truyền thống: nội tại/siêu việt(3) (immanent/transcendent). Trong thế song luận này, nội tại, về bản chất, nhắm đến thế giới vật lý, lãnh địa của các hiện tượng thường nghiệm và các tri giác của chúng ta. Ngược lại, siêu việt thiết đặt một thực tại sau-vật lý, hiện hữu vượt qua và nằm bên ngoài thế giới vật chất, nó quan trọng hơn trong sự thâm căn lẫn về bản chất.

Thật thế, nếu được mường tượng về mặt không gian, thì hình ảnh về nền tảng (foundation) này - về căn nền, về cơ sở này - sẽ đáp ứng tốt hơn. ‘Thế giới ngoại hiện’ (apparent world) mang tính nội tại có thể được suy tưởng như đang yên nghỉ trên một ‘thực tại’ siêu việt mà hầu hết đó như là một kiến trúc thượng tầng. Như vậy, thế giới nội tại là thứ cấp, phái xuất, ngẫu nhiên; nó trình ra một cái gì đó sâu hơn. Thông qua mối nối của cả hai - nghĩa là thông qua mối quan hệ của cái ngẫu nhiên đến cái nguyên mẫu - nó là các hiện tượng nội tại thuần túy được suy tưởng để ‘trình ra’ cái gì đó hay có ‘ý nghĩa’ sâu sắc như thế. Do đó, ‘Chúa’ là một từ, một dạng tốc ký cho bất kỳ một hệ hình siêu việt, một hệ hình sâu sắc hơn nào đó nhằm đem lại ý nghĩa và cảm thức cho những chiều kích sống động mang tính ngẫu nhiên, lẫn nội tại của chúng ta.

Chủ nghĩa hậu hiện đại: Hay, sự đánh mất chiều sâu

Quá trình qua đó siêu việt và các đại tự sự của niềm tin đã đánh mất đi giá trị hay thành lũy của chúng ở trong xã hội đương đại xuất hiện bắt đầu với tính hiện đại và công cuộc phê bình hiện đại về tôn giáo. Quá trình này lên đến đỉnh điểm trong lòng thế giới quan hậu hiện đại, đã xa lánh không chỉ chân lý tôn giáo mà toàn bộ các quan niệm về chân lý siêu việt, toàn bộ đại tự sự, các nguyên mẫu, các chuẩn mẫu hệ hình về đời sống.

Tuy nhiên, qua đó, chủ nghĩa hậu hiện đại đã tiến đến việc thu hẹp triệt để sự tập trung - có thể nói, là một sự đánh mất (a loss) - về tính chiều hướng (dimensionality). Chẳng có cái gì ‘sâu hơn’ cả, duy chỉ có bề nổi (surface) mà thôi: mặt phẳng một chiều của ở đây và ngay bây giờ. Chẳng có một bức tranh khách quan vĩ đại nào hết mà chỉ có duy nhất các thấu kính chủ quan không đếm hết mà thôi: không có sự thật, chỉ có các diễn giải (Nietzsche). Nói gọn lại, nền tảng bị tháo dỡ, chẳng có gì để làm móng, không có gì ‘sâu hơn’ cái trước đó. Ngay đây chỉ có sự nội tại phổ cập toàn bộ (total immanence). Như nhà phê bình Baudrillard đã chỉ ra, sự phát triển hậu hiện đại rõ ràng ấy đã đưa đến một mối bận tâm triết học về bề nổi thể ngụy tạo (simulacra) - về sự nông cạn và việc phân cấp.(4) Từ các hình tượng (tiền) hiện đại ((pre) modern icons) của sự siêu việt tâm linh chúng ta tiến đến các sự vật hào nhoáng hậu hiện đại (postmodern kitsch) của sự nội tại lấy vật thể làm chính, khiến cho cái biểu đạt không có cái được biểu đạt, cảm quan không có cảm giác, đời sống không có chiều sâu.

Michelangelo: Sự khai sinh của Adam


Lấy ví dụ, phân tích của David Harvey trong The Condition of Postmodernity  (Điều kiện hậu hiện đại). Harvey tiến hành đưa ra sự đánh giá của mình về tư tưởng hậu hiện đại và văn hóa hậu hiện đại xung quanh sự khẳng định của Baudelaire trong “Le Peintre de la vie moderne” (Nghệ sĩ của đời sống hiện đại) rằng “hiện đại là tạm thời, chóng vánh, ngẫu nhiên; nó là một nửa của nghệ thuật, nửa kia là thường hằng và bất biến.”(5) Ở đây, Baudelaire giải thích nghệ thuật và vai trò của nó ở thời hiện đại hoàn toàn theo kiểu hệ hình nội tại/siêu việt, việc gắn chính bản thân hiện đại với nội tại trong khi đề nghị rằng  nghệ thuật trình ra một sự tổng hợp mong manh của siêu việt. Thách thức dành cho nghệ sĩ hiện đại vì thế trở thành biểu thức của sự nội tại đang tiến triển của hiện đại xuyên qua nghệ thuật vẫn được phát minh với những tính lý tưởng của sự siêu việt. Tuy nhiên, ở đây, nó hoàn toàn có nghĩa rằng Harvey khu biệt sự gãy đổ hậu hiện đại, theo kiểu, trong khi chủ nghĩa hiện đại đã được nắm lấy trong chiều hướng này với ý nghĩa được thêm vào đó sức nặng của sự hiện đại hóa về cái nội tại thì chủ nghĩa hậu hiện đại phản ứng… trong một chiều hướng rất đặc biệt. Nó không cố gắng vượt bỏ nó, phản lại nó, hay thậm chí định tính cho các yếu tố ‘thường hằng và bất biến’ mà những thứ đó có thể nằm trong nó. Chủ nghĩa hậu hiện đại bơi lội, thậm chí sa lầy, trong sự vụn vỡ và trong dòng nước chao đảo của sự biến đổi như thể đó là toàn bộ những gì mà nó có vậy.(6)

Jeff Koons: Chú chó có hình bầu dục


Fredric Jameson vẽ ra một kết luận tương tự trong sự nhận định sơ khởi của ông, qua công trình Postmodernism, or, The Cultural Logic of Late Capitalism (Chủ nghĩa hậu hiện đại, hay, quan niệm văn hóa về chủ nghĩa tư bản hậu kỳ), tìm thấy trong lý thuyết hậu hiện đại, ví dụ, là một cuộc đổ vỡ toàn diện của “kiểu mẫu sâu sắc” (depth model) với những thế song luận vị từ của nó về bản chất ngược với hiện tượng, ngấm ngầm với biểu tỏ, chân thực với không chân thực và cái biểu đạt với cái được biểu đạt. Thật vậy, toàn thể “kiểu mẫu thông diễn” (hermeneutic model) đã bị loại bỏ như “sự sâu sắc được thay thế bởi bề nổi.”(7) Vì thế hậu hiện đại dường như có trước duy nhất với nội tại, với thế giới mà ở đó không có gì là ‘ở ngoài’ cả, không gì có thể ‘có nghĩa’ nào cả - và ‘Chúa’, sau cùng, đã chết.

Việc khởi tạo huyền thoại siêu hiện đại

Trong thời kỳ tàn tạ như hiện nay của những tính hướng động hậu hiện đại điển hình và sự nổi lên của một thế hệ mới - thế hệ phản ứng lại với cái không chỉ chống quan niệm đã bị đánh mất đi sự tín nhiệm về sự siêu việt mà còn chống lại sự nông cạn chưa hoàn thành và sự đánh mất định hướng hiện hữu xuất phát bởi bề nổi hậu hiện đại - chúng ta bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn siêu hiện đại, cấu trúc cảm nghĩ của nó được mô tả thông qua một phần của ‘sự dao động’ giữa các đối cực này. Được đề ra bởi lý thuyết gia văn hóa Timotheus Vermeulen và nhà triết học Robin van den Akker như là một ‘quan niệm văn hóa ưu trội về tính hiện đại’ mới, chủ nghĩa siêu hiện đại “viện dẫn đến một sự dao động liên tục giữa những chiến thuật dường như mang tính hiện đại và những cách thức có vẻ hậu hiện đại, cũng như viện dẫn đến một chuỗi các thực hành và tính nhạy cảm sau cùng vượt qua những điều này để khỏi phải bị vướng vào các phạm trù.(8) Thật vậy, ngoài cuộc thử thách đầy cam go này nó dường như là một loại hình hoàn toàn mới về mô hình sâu sắc đã bị xuyên tạc. Với một số người của thế hệ này đang dám đương đầu để hình dung về siêu việt thêm một lần nữa. Ở đó có sự sống lại của huyền thoại; tính cao cả, tự sự, chiều sâu, ý nghĩa, và sự tái định hướng, một lần nữa, đang được tìm kiếm và có thể được xem xét trong những hình thức nghệ thuật siêu hiện đại. Tuy thế, hoàn toàn là bởi vì người ta biết sự siêu việt này không thể được khẳng định một cách lập lờ (thật thế, hoàn toàn ngược lại), sự hoan nghênh của nó như là một quan niệm về phần khác nhau tinh yếu hơn cả tính ngây thơ (tiền) hiện đại ((pre) modern naiveté). Thật ra nó là một “tính ngây thơ sở tri”(9) (informed naiveté), một cảm thức về sự siêu việt xuất hiện từ (out of), và sau cùng, được hiểu ra trong một sự kiểm tra bởi bộ khung nội tại đã được đánh giá.

Sự siêu việt được định tính lẫn mới mẻ này đang loan báo một sự khởi tạo văn hóa. Thật thế, khi được bày tỏ một cách sôi nổi nhất, người ta thấy một loại hình của những sự sáng tạo huyền thoại siêu hiện đại (metamodern mythopoeia) nơi tác phẩm - nghĩa là, sự kiến tạo về các chuẩn mẫu hệ hình hoàn toàn mới, bởi vì chúng được tạo ra một cách có chủ ý, dường như hoạt động ngang bằng với các tác phẩm nghệ thuật như là huyền thoại. Sự sáng tạo siêu hiện đại này như thể bao gồm cả điều kiện hậu hiện đại của sự hoài nghi và sự hiểu biết cũng như một thuyết lạc quan mang tính hiện đại hơn, một niềm tin ngây thơ để tạo ra các hệ thống huyền thoại về ý nghĩa và vì thế đem lại một cảm thức sâu sắc vĩ đại hơn lẫn cao cả hơn. Trong sự sáng tạo huyền thoại siêu hiện đại, các huyền thoại được tạo ra như: nghi thức, thánh ca, nghi lễ, các vị thần, toàn bộ như một nhà họa sĩ phác ra phong cảnh. ‘Thần học’ trở thành một hoạt động sáng tạo, một hoạt động khai phá, được hoàn thiện cho cảm giác về chính bản thân sự vật có ở trong lãnh địa của sự nội tại. Những sự sáng tạo huyền thoại siêu hiện đại thành công nhất đang thúc ép, thật thế, chúng tạo ra một thứ cảm thức gần như tin tưởng về sự siêu việt. Thậm chí người ta hoan nghênh cái khả năng về thứ được biến đổi cho tôn giáo được hư cấu từ một người nào đó…

Tuy nhiên, những sự sáng tạo huyền thoại siêu hiện đại kiên quyết chấp nhận hoặc loại bỏ quan niệm về các đại tự sự của niềm tin và sự siêu việt. Thật vậy, nó hoàn toàn có một tính mờ đục, qua đó cho phép kinh nghiệm siêu việt ở vào vị thế đầu tiên: niềm tin siêu hiện đại phải coi như là một loại hình của thuyết vô thần (atheism) nếu người ta có quyền tự do tạo ra ‘Chúa’. Thế nhưng thuyết hữu thần yếu ớt (fragile theism) này mà các quan niệm tôn giáo siêu hiện đại phái xuất ra chẳng bao giờ giải quyết dựa trên một quan niệm được cố định lại, chẳng bao giờ bị đánh mất đi tính dễ dát mỏng (malleability) của nghệ thuật. Nó không thể cố định hoàn toàn vào trong những quan niệm tôn giáo ngây thơ theo tính cách đặc trưng trước nó, một lần nữa, nó vỡ vụn dưới sự chuyên cứu phê bình qua việc trở lại với thuyết vô thần. Thật thế, chỉ ở trong cơ chế này thì các huyền thoại mới có thể hiện hữu.

Sự tái kiến tạo

Ở trong chiều hướng này, những sự khởi tạo huyền thoại siêu hiện đại tái khẳng định về một hình thức của ‘sự siêu việt’ không bị tước đi sự nội tại hậu hiện đại như nó tái kiến tạo nên các chuẩn mẫu hệ hình giả lập dành cho thế kỷ XXI. Hệ quả là sự khởi tạo huyền thoại siêu hiện đại, một đặc tính của chủ nghĩa siêu hiện đại đã được chỉ ra bởi Vermeulen và van den Akker, họ cho rằng, “những nhà kiến trúc sư và những nhà nghệ sĩ ngày một từ bỏ những châm ngôn mỹ học của giải kiến tạo, của phép đẳng lập, và phỏng nhại, thay vào đó là những quan niệm đạo đức thẩm mỹ về sự tái kiến tạo, huyền thoại và sự cầm chừng (metaxis).(10)
 

Martin Wittfooth: Lòng mộ đạo (2011)

Thật vậy, hiện nay ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ như Adam Miller, Martin Wittfooth và Billy Norrby đã và đang bắt đầu thực hiện việc tạo dựng những hình tượng huyền thoại hoàn toàn mới. Nếu như những nhà nghệ sĩ đương đại như Jeff Koons hay Damien Hirst được đại diện cho “những tháng ngày hậu hiện đại của tính phong phú [và] sự phỏng nhại” (thai nghén nơi những cách nói của Vermeulen và van den Akker(11)), khi sự thành công có vẻ như lấy làm vui mừng của chủ nghĩa tư bản hậu kì đã tìm kiếm một sự biểu đạt thông qua “việc đằm mình” trong nội tại duy vật luận, thì những nhà nghệ sĩ “Hậu Đương đại” (Post Contemporary) này(12) đang bắt gặp một cuộc đổ vỡ của hệ thống cũ kỹ đó với những sự nhìn (lại) mang tính kiến tạo.

Trong tác phẩm nghệ thuật của họ, Wittfooth và Miller, ví dụ, cả hai cùng sử dụng hình tượng huyền thoại truyền thống để dựng nên những phê bình của họ về cuộc khủng hoảng sinh thái. Tác phẩm Pieta (Lòng mộ đạo) của Wittfooth (2011), lấy tên của nó từ lối ẩn dụ trong truyền thống Thiên chúa giáo về Đức mẹ Mary bế một thân xác đã chết của Jesus, tác phẩm phác họa nên xác của một con chim mà bụng của nó mửa ra những chất thải ô nhiễm và các chất độc khác đã giết nó. Ở đây hình tượng cái cây dựa trên đó, được vẽ ra nhằm nhấn mạnh đến vai trò của Mary, và qua sự liên tưởng này dường như đã được nhân hóa đi. Một cái hố rất dễ thấy ở gần những cành cây phía trên nó xem như đó là một cái nhìn đầy hổ thẹn về truyền thống của đức Mẹ; giống như bà, nó đánh dấu từ bên ngoài bức vẽ để cho người xem biết được tội ác từ quyền lực của nó. Kiểu tự sự tôn giáo về tội lỗi và sự chuộc tội có thể đã đánh mất đi hiệu ứng tổng quan của nó, thế nhưng ở đây nó tìm thấy một sự thay thế. Ý nghĩa của điều được thần thánh hóa đã bị chuyển di thành Tự nhiên (Nature) - một sự thể nội tại viên mãn, qua đó đề ra một vài sự siêu việt mới mẻ, và cần phải hành động.

Tương tự, tác phẩm The Roses Never Bloomed So Red (Những bông hồng đỏ rực chưa bao giờ được nở) của Miller (2013) sử dụng những sự kết hợp truyền thống trong các bức tranh để vẽ nên sự thất bại của quỷ Satan bởi thiên thần Michael. Trong sự mô phỏng của Miller, một kẻ thợ săn có được vị thế của Michael, một vị thần dê của quỹ dữ. Thế nhưng sự thay thế đương đại đang làm náo loạn đi. Thần đồng áng ‘hoang dại’ bị chế ngự bởi thiên thần hung tợn của ‘sự phát triển’, và rồi sự ảm đạm của phong cảnh ‘đã phát triển’ làm nổi bật lên để cho chúng ta thấy sự thành công này như là một sự thất bại rất lớn về mặt tinh thần. Kiểu tự sự tôn giáo truyền thống vì thế bị đảo ngược về mặt văn học, và một lần nữa chúng ta tìm thấy những mối cảm thông ‘tôn giáo’ của chúng ta chung đụng với sự man dại và thuần tự nhiên.

Billy Norrby: Cuộc nổi dậy (2012)


Trong một cách gần như vậy, lối sử dụng của Billy Norrby về huyền thoại trong tác phẩm Rise (Cuộc nổi dậy) của ông (2012) nâng lên những cuộc nổi loạn vào đầu thế kỷ XXI - như Occupy, những sự phản đối của người Hy Lạp chống lại sự khổ hạnh, hay thậm chí ‘Arab Spring’ - nhắm đến mức độ của lòng anh dũng và tính lý tưởng. Bức tranh được coi như là một loại hình của “La Liberté guidant le people” (Quyền tự do được hướng dẫn của con người) đã được cập nhật, kẻ nổi loạn có mái tóc màu đỏ như là sức mạnh và là biểu tượng cho chất gây nghiện của Delacroix. Với toàn bộ những nhà nghệ sĩ này, biểu tượng và tính chính xác của kĩ nghệ truyền thống trở thành những chiến thuật của sự khiển trách thẩm mỹ và sự nổi loạn mỹ học chống lại tính hàng hóa và sự vật hào nhoáng kiểu hậu hiện đại, đem lại mối lợi nơi chúng về một sự biện minh cho thuyết tân lãng mạn siêu hiện đại (metamodern neo-Romanticism).

Thêm một lưu ý nữa, nghệ thuật siêu  hiện đại đang nắm lấy ham muốn sung mãn  của nó dành cho cảm thức và sự sâu sắc như là một sự thừa nhận đầy ý chí của những ràng buộc để đi ngược lại sự giải phóng toàn thể của chủ nghĩa hậu hiện đại từ những hệ hình siêu việt. Những mối ràng buộc nghệ thuật này, như các huyền thoại mà chúng thể hiện, phải được thừa nhận như là mang tính giả lập (artificial) ngang ngửa với tính hữu dụng (useful) của chúng. Thật vậy, nếu chủ nghĩa hậu hiện đại được mô tả thông qua “sự nông cạn đã được tiên liệu” (contrived depthlessness) như Fredric Jameson khẳng định(13) thì có lẽ chủ nghĩa siêu hiện đại phản ánh một sự sâu sắc đã được tiêu liệu (a contrived depth).

Tuệ Đan chuyển ngữ
(Nguồn: http://www.metamodernism.com)
(TCSH341/07-2017)

-------------------------
(1) Friedrich Nietzsche, The Gay Science (Khoa học vui tươi), Walter Kaufmann dịch (New York: Vintage, 1974), tr.181.
(2)  Jean-François Lyotard, The Postmodern Condition: A Report on Knowledge(Hoàn cảnh hậu hiện đại: Bản tường  trình về tri thức), Geoff Bennington và Brian Massumi dịch, Theory and History of Literature, tập. 10 (Minneapolis:  University of Minnesota Press, 1984), tr.xxiv.
(3)  Trong một cuộc đối thoại gần đây với nhà triết học John Hare, tôi đã cho rằng song luận đến từ sức mạnh ngang  ngửa với thần học Thiên chúa giáo. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì hệ hình cơ bản có thể được chỉ ra từ phái  kinh viện trung cổ, qua Kant, Hegel và xa hơn nữa.
(4)  Jean Baudrillard, Simulacra and Simulation(Thể ngụy tạo và sự phỏng theo), The Body, In Theory: Histories of  Cultural Materialism, Sheila Faria Glaser dịch (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1995)
(5) David Harvey, The Condition of Postmodernity: An Enquiry into the Origins of Cultural Change (Điều kiện hậu  hiện đại: Một nghiên cứu về những nguồn gốc của sự biến đổi văn hóa) (Cambridge: Blackwell, 1989), tr.10.
(6) Tlđd., tr.44
(7) Fredric Jameson, Postmodernism, or, the Cultural Logic of Late Capitalism, Post-Contemporary Interventions  (Chủ nghĩa hậu hiện đại hay quan niệm văn hóa về chủ nghĩa tư bản hậu kỳ, những sự can thiệp hậu đương đại)  (Durham: Duke University Press, 1991), tr.12.
(8)  Timotheus Vermeulen and Robin van den Akker, “Notes on metamodernism” (Những ghi chú về chủ nghĩa siêu  hiện đại) Journal of Aesthetics and Culture 2, 2010.
(9)  Timotheus Vermeulen and Robin van den Akker, “metamodernism: A Brief Introduction”/Chủ nghĩa siêu hiện  đại: một dẫn nhập ngắn, 2015, http://www.metamodernism.com/2015/01/12/metamodernism-a-brief-introduction/.
(10)  Timotheus Vermeulen and Robin van den Akker, “What Is metamodernism?”, Notes on metamodernism“Chủ  nghĩa siêu hiện đại là gì?”, Những ghi chú về chủ nghĩa siêu hiện đại, 2010, http://www.metamodernism. com/2010/07/15/what-is-metamodernism/.
(11) Tlđd.
(12)  Brandon Kralik, “The Post Contemporary Paradigm,”/ “Hệ hình hậu đương đại” 2014, http://www.huffingtonpost. com/brandon-kralik/the-post-contemporary-par_b_5731594.html 
(13 ) Dẫn trong David Harvey, The Condition of Postmodernity: An Enquiry into the Origins of Cultural Change(Điều kiện hậu hiện đại: Một nghiên cứu về những nguồn gốc của sự biến đổi văn hóa) (Cambridge: Blackwell, 1989), tr.58.
 





 

Các bài mới
Làng (14/08/2017)
Chốn xưa (31/07/2017)
Các bài đã đăng
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Đêm sông Hương (24/07/2017)