Tạp chí Sông Hương - Số 341 (T.07-17)
Giả vương nhập cận - một nhân vật khác
10:32 | 01/08/2017

NGUYỄN ĐÌNH ĐÍNH - VÕ VINH QUANG

Năm 1790 có một sự kiện ngoại giao tốn nhiều giấy mực, tâm sức của những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà giai đoạn Tây Sơn, mà chính sử triều Nguyễn gọi: Giả vương nhập cận.

Giả vương nhập cận - một nhân vật khác
Nhà thờ họ Nguyễn Cửu, làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế

Sự kiện nói đến chuyện vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã cử người đóng giả mình sang nhà Thanh triều kiến vua Thanh Cao Tông (Càn Long), năm Canh Tuất (1790). Lâu nay, chính sử triều Nguyễn viết rằng, người đóng giả vua Quang Trung để “nhập cận” là Phạm Công Trị, tuy nhiên, có một nguồn thông tin khác, cho thấy một nhân vật khác đã thực hiện việc này. Trong đó, phải kể đến bản gia phả Vân Dương kinh phổ của họ Nguyễn Cửu (làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sự kiện ngoại giao có một không hai thời Trung đại nước Việt

Đại Nam chính biên liệt truyện của triều Nguyễn, quyển 30, trang 39, cho biết rằng: “Mùa xuân năm Canh Tuất, Phúc Khang An giục Huệ (Nguyễn Huệ) chuẩn bị hành trang (Huệ trả lời lấy cớ mẹ chết xin được cho con là Quang Thùy thay mình nhập cận; Khang An không chịu, bí mật sai người đến cửa quan dặn dò hơn thiệt, bảo rằng nếu cực chẳng đã thì kiếm người bề ngoài giống mình thay mặt mà đi). Huệ mới sai Phạm Công Trị mạo tên mình, sai bầy tôi là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tuấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công. Ngoài lệ thường còn cống thêm hai voi đực, cung ứng trên đường khổ sở, đi đường rất là khó nhọc”. Cùng với sử liệu Việt, sử liệu Trung Hoa cũng ghi chép về sự kiện này với hoạt động của cả hai bên, gồm cả những văn thư ngoại giao. Lần đầu tiên giữa hai nước, có một sự kiện ngoại giao như vậy.

Chưa bàn đến việc có phải Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung Nguyễn Huệ hay không, sự kiện này vẫn cho thấy rằng, quan hệ ngoại giao Thanh - Tây Sơn có một sự tiến triển một mức độ cao hơn so với những triều đại trước đó. Với những ghi chép của nhà Thanh, sự biệt đãi dành cho vua Quang Trung (chưa nói đến vua thật hay vua giả) khi thực hiện chuyến đi này quả là vượt qua những biệt đãi mà nhà Thanh dành cho các lân bang, các thân vương của mình. Thậm chí, cho đến hơn 100 năm sau ngày vua Quang Trung mất (năm 1792). Bởi lẽ, nếu là thật, thì chỉ đến thời Khải Định nhà Nguyễn, nhân cuộc “Đấu xảo Thuộc địa” (Exposition Coloniale) được tổ chức tại Marseille (Pháp) vào năm 1922, vua Khải Định (nhà Nguyễn) mới thực hiện một chuyến Tây du từ tháng 5 đến tháng 9 để đi thăm thú nhiều nơi ở nước Pháp, kể cả Paris. Trước đó, có một người nữa là Trần Nhân Tông đi thăm Champa năm 1301, nhưng lúc đó, ngài đã là Thái Thượng hoàng. Cả Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Khải Định đến Champa, đến Pháp trong một tình thế, một khung cảnh rất khác so với vua Quang Trung.

Một người đứng đầu nhà nước Việt Nam phong kiến lần đầu đến Trung Hoa là sự kiện chưa từng có, đã được ghi chép bởi nhiều bên, nhiều phe phái khác nhau lúc đó, với sử Trung Hoa, sử Việt, và với những nhân chứng của thế sự thời kỳ đó. Sự kiện này được nhìn nhận và ghi chép có sự khác nhau, tùy vào thiên kiến của người, thế lực viết về nó. Và lâu nay, vấn đề chỉ được nhắc đến bởi 3 nguồn sử liệu cơ bản là của nhà Thanh (Trung Hoa), nhà Nguyễn (Việt Nam), ghi chép của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và một vài người sĩ phu người Việt.

Phạm Công Trị là ai?

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện của triều Nguyễn viết, Phạm Công Trị là cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu (quyển 30, trang 38). Cả sách Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 4 cũng ghi như vậy: “…Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ sai người sang chầu nước Thanh, lại xưng tên là Nguyễn Quang Bình mà cầu phong với nhà Thanh. Vua Thanh cho, lại yêu cầu vào chầu. Huệ lấy người cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, nét mặt giống mình, sai đi thay, cùng đi với bọn Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích…”. Trong văn thư liên quan đến vấn đề ngoại giao Thanh - Tây Sơn, được viết lại trong cuốn sách Đại Việt quốc thư, ở quyển IV, có một bản sao tờ dụ của vua Càn Long gửi cho Phúc Khang An khi phái đoàn Tây Sơn trên đường lên Bắc Kinh, viết : “… Nguyễn Quang Thùy tuổi nhỏ, sức yếu, đang bị bệnh mà đi đường xa vạn dặm, không khỏi thêm phần mệt nhọc, nghe Phúc Khang An nói đã phái bồi thần Đặng Văn Chân cùng với cháu của quốc vương (ý nói Nguyễn Huệ) là Phạm Công Trị cùng đưa ra khỏi cửa quan, dặn là chữa trị cho chu đáo, việc đó rất đúng…”.

Như thế, Phạm Công Trị là cháu hay có quan hệ gì đó với vua Quang Trung là một nhân vật có khả năng có thật. Qua khảo cứu của mình, in trong sách Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn (1998), nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu cho rằng, Phạm Công Trị có tước hiệu là Trị An hầu, làm đến chức Đại đô đốc, con của Thái úy Phạm Công Hưng (người anh em ruột với bà Chánh cung Phạm Thị Liên của vua Quang Trung). Việc xác định của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu dựa trên 2 tấm bia đá khắc chữ Hán, dành cho một người phụ nữ có tên là Hoàng Thị Nghĩa, được phát hiện năm 1988, tại Cồn Nẫy (làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền). Trên một tấm có viết (dịch nghĩa) rằng: “Cha là Hoàng Văn Vũ, mẹ là Nguyễn Thị Chí, người thôn An Khang huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn ... (Bà được) gả cho ông họ Phạm, sinh con trai là Đại đô đốc Trị An hầu, đóng dinh tại kinh thành Phú Xuân...”. Bà này mất năm Đinh Tị. Qua đối chiếu, so sánh về chữ Hán, về năm Đinh Tị này cũng như quê quán của bà Nghĩa, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu xác định năm Đinh Tị đó là năm 1797, tức dưới thời Tây Sơn. Từ đó cho thấy, nhân vật Đại đô đốc Trị An hầu (đóng dinh tại kinh thành Phú Xuân) phải liên quan đến triều đại Tây Sơn.

Thông tin quý giá từ “Vân Dương kinh phổ”

Vừa qua, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi tìm thấy một gia phả có thông tin liên quan sự kiện Giả vương nhập cận. Đó là gia phả có tên “Vân Dương kinh phổ” của dòng họ Nguyễn Cửu, ở làng Vân Dương , xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúng tôi được tiếp cận gia phả qua sự giúp đỡ của hội đồng tộc trưởng Nguyễn Cửu. Và những thông tin từ gia phả này quả thật rất bất ngờ.
 

Trang gia phả chép về Nguyễn Phúc Hoảng (Nguyễn Cửu Trị), 2 dòng  ở cột thứ 3 nói về sự việc “giả vương nhập cận” của Nguyễn Phúc Hoảng (Trị)

Ở mục phái 3, chi 5, của gia phả Vân Dương kinh phổ họ Nguyễn Cửu ghi rằng (bằng chữ Hán):

奐郡公第十二子: 內隊長治安侯阮福晃 (一名:治)

生壽失詳。公狀貌魁偉性尤乖巧。西賊阮光平窃據 使裝作假王入覲于清高尊。後留居河內。嘉隆年間,公 監徵宣光礦稅,不知所終

Dịch nghĩa: Nội Đội trưởng Trị An hầu NGUYỄN PHÚC HOẢNG (còn có tên là TRỊ), con thứ 12 của Hoán Quận công [NGUYỄN PHÚC (cửu) PHÁP]. Ông có dung mạo cao lớn đẹp đẽ, tính rất khéo léo. Lúc giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] chiếm cứ, [Nguyễn Quang Bình] sai ông cải trang làm “giả vương nhập cận” (vua giả [tức giả làm Quang Trung]) yết kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh. Về sau ông sống tại Hà Nội. Trong niên hiệu Gia Long (1802-1820), ông [làm quan] coi thuế khoáng sản ở Tuyên Quang, không biết chết như thế nào.

Với 4 chữ “假王入覲” (giả vương nhập cận), lại liên hệ đến việc Nguyễn Quang Bình (tức là Nguyễn Huệ), đã cho thấy, nhân vật có tên Nguyễn Phúc Hoảng (Trị) có liên quan đến sự kiện ngoại giao  năm 1790 giữa vua Quang Trung nhà Tây Sơn và  vua Càn Long nhà Thanh. Nguyễn Phúc Hoảng (Trị)  là người họ Nguyễn Phúc, về sau đổi thành Nguyễn Cửu. Họ này từ thời ông tổ tên là Kiều, khi xưa vượt sông Gianh vào Nam, làm quan dưới trướng Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) thì  đã được ban “quốc tính” là Nguyễn Phúc/Phước. Về sau, đến năm Minh Mạng thứ 1 (1820), được vua Minh Mạng ân tứ đổi thành “Nguyễn Cửu”. Vì thế, những ghi chép về các nhân vật của dòng họ này từ thời Gia Long trở về trước thường viết là Nguyễn Phúc/Phước.

Gia phả Vân Dương kinh phổ của họ Nguyễn Cửu (làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), được viết bằng chữ Hán vào năm 1850. Với thông tin trên gia phả này, ngoài một nhân vật lâu nay đã được “mặc định” trong sử sách Việt Nam rằng đã đóng giả vua Quang Trung sang triều kiến Càn Long năm 1790 là Phạm Công Trị, còn có một nhân vật khác cũng tên Trị nhưng họ Nguyễn Phúc (Cửu). Điều này lại ít nhiều có sự trùng hợp với một nhân vật là Phò mã Nguyễn Văn Trị - người trấn thủ ở cửa Tư Hiền để chống lại quân Nguyễn Vương tháng 5 năm Tân Dậu (1801). Tuy nhiên, có một số ý kiến khác cho rằng Phạm Công Trị được vua Quang Trung gả con gái và ban quốc tính nên đổi thành Nguyễn Văn Trị.

Với Vân Dương kinh phổ, các công trình khảo cứu thời gian qua, và công trình nghiên cứu gần đây mới được xuất bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính (Hoa Kỳ) có tên “Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không” (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2016), câu chuyện “Giả vương nhập cận” chưa có hồi kết. Quan trọng không kém, với nhân vật Nguyễn Cửu Trị, nếu có “giả vương nhập cận”, chưa hẳn chỉ riêng Phạm Công Trị làm giả vương mà còn có thể có một vài nhân vật khác nữa.

Điều đáng chú ý nhất chính là Vân Dương kinh phổ được viết bởi một danh gia vọng tộc, có huân công lớn với họ Nguyễn Đàng Trong và sự lên ngôi của triều Nguyễn sau này.

Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị: thành viên một danh gia vọng tộc

Dòng tộc Nguyễn Cửu ở Đàng Trong khởi nguồn từ Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều. Năm 1623, ông mang mật thư và ấn báu của Trịnh phi Ngọc Tú, vợ Thanh Đô vương Trịnh Tráng, chị của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, vào Nam dâng lên Chúa Sãi, được Chúa gả công nữ Ngọc Đỉnh và thăng làm Chưởng cơ. Từ đây, ông đã đóng góp tài năng và công sức của mình cho sự vững mạnh của triều đình Chúa Nguyễn Đàng Trong. Nhiều người con cháu của Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều là anh tài tuấn kiệt, nối đời làm quan chức ở Đàng Trong, trở thành một đại danh gia vọng tộc nổi tiếng và có sự đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ biên cương Tổ quốc, cũng như cho công cuộc khai phá mở mang vùng đất Nam Bộ. Cũng cần nhắc lại rằng, họ Nguyễn Cửu vốn họ Nguyễn gốc ở Tống Sơn (Thanh Hóa), được ban quốc tính Nguyễn Phước, là một dòng tộc anh em với họ Nguyễn Phước của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Đến năm Minh Mạng nguyên niên (1820), dòng họ này được vua Minh Mạng ân điển ban cho đổi họ thành Nguyễn Cửu.

Những người họ Nguyễn Phước (Cửu) có huân công đã được ghi nhận. Các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Vân Dương kinh phổ (gia phổ họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương)… đã dành nhiều trang để nói về hành trạng sự nghiệp của các danh thần của tộc họ này, như Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Ứng, Nguyễn Cửu Dực, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn… Suốt gần 2 thế kỷ XVII - XVIII, tộc Nguyễn Cửu vẫn vẹn toàn tấm lòng trung nghĩa, hết lòng đóng góp công sức của mình cho chính quyền Đàng Trong, cả trong thời kỳ thịnh vượng an bình lẫn giai đoạn gian nan biến loạn.
 

Gia phả họ Nguyễn Cửu

Gia phả của họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương có ghi 3 người có tên Nguyễn Cửu Trị gồm: Nội đội Tri Lễ hầu Nguyễn Cửu Trị - con thứ 7 của Kỉnh quận công Nguyễn Cửu Thông (chi anh); Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị - con thứ 12 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp (chi em) và Nguyễn Cửu Trị, con thứ 4 của Nhiệm Tài hầu Nguyễn Cửu Nhiệm. Ở đây, chúng tôi đề cập đến Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị, con thứ 12 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp.

Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị (?-?), theo Vân Dương kinh phổ, là con thứ 12 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp, dung mạo cao lớn khôi ngô, tánh tình khôn khéo. Thuở “giặc” Tây Sơn là Nguyễn Quang Bình (Nguyễn Huệ) chiếm cứ, khiến ông cải trang làm giả vương sang triều kiến vua Cao Tông (tức vua Càn Long) nhà Thanh. Dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820), ông coi thuế hầm mỏ Tuyên Quang, về sau, ông sống tại Hà Nội, không biết chết như thế nào.

Về cha của Nguyễn Cửu Trị, theo Vân Dương kinh phổ, phò mã Hoán Quận công Nguyễn Cửu Pháp (1703 - 1775) là con thứ 4 của Trung Quốc công Nguyễn Cửu Thế. Ban đầu ông trấn ở Quảng Bình, kiêm lãnh chức Tham tướng Thủy binh, tước Doãn Đức hầu. Sau được triệu hồi về Kinh làm Phụ chính, cùng hai anh là Uyên Quận Công Nguyễn Cửu Quý và Kỉnh Quận Công Nguyễn Cửu Thông hết lòng lo việc nước, mỗi một việc đều khoan dung, công bình, người dân được nhờ. Lúc Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần kế vị, Trương Phước Loan chuyên quyền, ông muốn hạ mà không được. Khi anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Quang Bình dấy binh, ông khiến các con là Thạc quận công Nguyễn Cửu Sách (con đầu), Nguyễn Cửu Thân (con thứ 2), Nguyễn Cửu Dật (con thứ 4) ra lãnh việc quân. Năm Giáp Ngọ (1774), Hoàng Ngũ Phúc đánh kinh thành Phú Xuân, ông ra lệnh con bỏ nhà dắt gia đình vào Quảng Nam, bảo hai con là Cửu Thân và Cửu Dật phải hết lòng theo chúa, giúp nước. Năm Ất Mùi (1775), ông nhiễm bệnh không đi được, con trưởng là Nguyễn Cửu Sách đưa ông về Phú Xuân dưỡng bệnh. Năm đó ông mất, thọ 73 tuổi, chôn tại xứ Bàu Trai, làng Như Lệ, tỉnh Quảng Trị.

Trong số những người anh em của Nguyễn Cửu Trị (con của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp), thì anh đầu là Phò mã Thạc quận công Nguyễn Cửu Sách, anh thứ 2 là Nguyễn Cửu Thuật, con thứ 3 là Thận quận công Nguyễn Cửu Tự, anh thứ 4 là Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật, anh thứ 6 là Bố Chính dinh Trấn thủ Phó tướng Nguyễn Cửu Khương (Khang)… đều là các bề tôi trung thành của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong số đó, Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật được triều đình nhà Nguyễn ân sủng vinh danh, được tòng tự vào Thái Miếu.

Sự đứt đoạn khó hiểu

Với gia thế như vậy, Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị lại không rõ năm sinh năm mất. Đó là điều khá kỳ lạ, bởi lẽ, các đời sau đó của họ Nguyễn Cửu đều có người làm quan dưới triều Nguyễn, họ không thể không biết về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị. Trong đó, đáng chú ý là người cô ruột của vua Gia Long, bà vãi Vân dương - Hoàng nữ Ngọc Tuyên, vợ của Tiết chế chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống, một người bà con khác của Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị. Theo sách Tiên Nguyên loát yếu phổ Đại Nam liệt truyện, hoàng nữ Ngọc Tuyên có vai trò như một người cung cấp thông tin tình hình Tây Sơn ở Phú Xuân cho Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh), đến năm Gia Long năm thứ 8 (1809) bà mới mất, thọ 72 tuổi. Chẳng lẽ ngay cả hoàng nữ Ngọc Tuyên cũng không biết về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị?

Bên cạnh đó, từ khi ra làm quan coi thuế hầm mỏ ở Tuyên Quang, cho đến khi về ở Hà Nội, Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị và con cháu của ông gần như mất tung tích, không hề có sự liên hệ với đại tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương. Gia phả Vân Dương kinh phổ chỉ còn ghi vài dòng thông tin về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị như đã dẫn và con cháu (nếu có) cũng không thấy ghi chép. Tại sao lại như thế? Theo chúng tôi, có nhiều khả năng: hoặc là qua nhiều đời, giấy tờ của dòng tộc ở chi nhánh ngoài đó bị thất lạc, vả chăng với sự biến chuyển của xã hội Việt Nam trong khoảng 1 thế kỷ nay, nhất là việc phế bỏ vai trò của chữ Hán Nôm, thì việc những người đời sau thiếu am tường đối với các thông tin do tổ tiên ghi chép trong thư tịch là chuyện không hề ít.

Nhưng, cũng có một khả năng khác, vì theo ghi chép của gia phả Vân Dương kinh phổ, ông với tư cách là “Giả vương” (vua giả) để thế thân vua Quang Trung nhà Tây Sơn qua chầu hầu Thanh Cao Tông (Càn Long) vào cuối thế kỷ XVIII, nên ít nhiều ông và chi nhánh của ông cũng có mối liên hệ trực tiếp, hoặc gián tiếp đối với triều đại Tây Sơn. Bởi vậy, khi triều Nguyễn trị vì, có lẽ vì một số mặc cảm thời cuộc, nên ông không còn muốn liên hệ gì với tổ tiên ở Huế, mà gần như biệt tích.

Xuất phát từ mối quan hệ họ tộc tận Gia Miêu (Thanh Hóa), quan hệ về mấy đời phò tá chúa Nguyễn, về sau là vua Nguyễn, bên cạnh đó là mối hận, là danh xưng triều Nguyễn dành cho Tây Sơn rằng “Ngụy Tây” thì việc những người đời trước họ Nguyễn Cửu ghi chép trong gia phả về ông Nguyễn Phúc/ Cửu Trị rằng đã từng làm “giả vương nhập cận” để thay thế vua Quang Trung nhà Tây Sơn triều kiến vua Cao Tông (vua Càn Long) nhà Thanh không hề đơn giản. Đồng thời, viết như thế là sự khẳng định về mặt họ tộc sự liên quan, hợp tác làm việc giữa ông Trị và vua Quang Trung nhà Tây Sơn.

Ẩn số cần giải đáp

Sự kiện ngoại giao Thanh - Tây Sơn năm 1790, vì còn nhiều uẩn khúc, như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, đó là một nghi án. Bởi lẽ, từ sự hồ hởi, trọng thị của hai triều đình, của hai nước Việt - Trung Hoa cho sự kiện ngoại giao hiếm có, với nghi thức hiếm có của hai người đứng đầu quốc gia mà về sau chúng ta thường thấy trong các nghi thức ngoại giao hiện đại. Theo sách Trung Quốc văn hóa đại điển, quyển 1, xuất bản năm 1999, trang 81, “Lễ bão kiến: Lễ tiết đời Thanh, người Mãn Châu dùng để giao thiệp. Dùng cho người thân xa ngày nay gặp lại hay khi cáo biệt. Khi hành lễ, người nọ ôm lưng người kia, mặt áp vào nhau là lễ rất trịnh trọng tôn quý…”. Điều này càng được khẳng định khi chính Thanh Cao Tông (vua Càn Long) cũng đã nói, sau này được dẫn lại trong sách Đại Việt quốc thư rằng: “…đại hoàng đế tiết thứ ban cho rất là ưu hậu, các nước phiên ở ngoài, từ thiên cổ cho đến bây giờ, chưa từng được như thế...”. Chứng tỏ, sự kiện ngoại giao này đã có sự tiến bộ khá lớn so với cách nghĩ của người đương thời.

Một vấn đề dần sáng tỏ của sự kiện ngoại giao này, qua khảo cứu của các nhà nghiên cứu về triều đại Tây Sơn, đó là sự kiện ngoại giao có thật, với vua Quang Trung thật và “bão kiến” như người Thanh làm chứ không phải “bão tất” như sử quan nhà Nguyễn viết. Điều này càng được khẳng định bởi chính Vân Dương kinh phổ khi gia phả này cũng viết rằng Nguyễn Phúc/Cửu Trị “…yết kiến vua Cao Tông (nhà Thanh)...”.

Nhưng điều khó lý giải ở chỗ, khi họ Nguyễn Cửu vốn là dòng anh em với họ Nguyễn Phúc, có công huân với họ Nguyễn Phúc, lại ghi khá lạ lùng trong gia phả của mình về một người trong họ làm giả vương nhập cận với hai thông tin ngược lại với sử quan triều Nguyễn như vậy. Phải chăng họ Nguyễn Phúc, sau này đổi là Nguyễn Cửu, có một nguồn thông tin khác về sự kiện ngoại giao năm 1790 giữa Việt và Trung Hoa? Những vấn đề cần các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ trong thời gian đến.

N.Đ.Đ - V.V.Q  
(TCSH341/07-2017)




 

Các bài mới
Làng (14/08/2017)
Các bài đã đăng
Chốn xưa (31/07/2017)
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Đêm sông Hương (24/07/2017)