Tạp chí Sông Hương - Số 341 (T.07-17)
Đôi nét về thể tài Du ký trên “Nam phong tạp chí”
14:27 | 10/08/2017


TRẦN THỊ TÚ NHI - TRẦN THỊ ÁI NHI

Đôi nét về thể tài Du ký trên “Nam phong tạp chí”
Bộ Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam phong (1917 - 1934) - Ảnh: sachxua.net

1. Du ký được xếp vào một trong mười bốn bộ môn mà nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên gọi là du hành. Đọc du ký Nam phong tạp chí, độc giả được mở rộng tầm mắt cũng như mở rộng tấm lòng để gắn bó thân thiết với con người ở nhiều vùng miền của Tổ quốc. Du ký không như thơ mới, tiểu thuyết du nhập từ phương Tây, nó kế thừa cách viết kết hợp giữa tư duy truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Vì thế, du ký vẫn có câu văn nhịp nhàng đăng đối, biền ngẫu, nặng về lối sử dụng từ Hán Việt bên cạnh câu văn sinh động, giàu hình ảnh, những câu đùa vui dí dỏm, lối văn pha tiếng Pháp của tác giả Tây học... Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá khi đọc bộ Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam phong (1917 - 1934) đã nhận định: “Về mặt văn chương, cứ tưởng rằng non một thế kỷ qua đi, người đọc hôm nay khó mà cảm được lối văn cổ kính, biền ngẫu, nhịp nhàng đăng đối. Hóa ra không phải. Đọc lại văn chương quốc ngữ đầu thế kỷ XX của Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Trọng Thuật, Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng như đọc Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Nguyễn Chánh Sắt (Nam Bộ) về cơ bản ta vẫn có khát khao tri âm, tri kỷ với văn chương”(1)…

2. Xét về phương diện nội dung, các tác phẩm du ký trên Nam phong tạp chí thường được viết trong hoặc sau những chuyến đi, kể về những điều tai nghe mắt thấy. Đó là những điều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả. Các tác giả Nam phong tạp chí có ý thức trong việc giới thiệu địa danh, con người, phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên với mục đích giới thiệu lại cho nhiều người cùng biết, thỏa mãn nhu cầu được kể, được tả của mình hoặc lưu lại kỷ niệm về vùng đất mà mình đã đặt chân đến, những con người đã gặp qua, khung cảnh thiên nhiên để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng.

Nội dung của du ký Quốc ngữ trên Nam phong tạp chí thường mô tả cặn kẽ, tỉ mỉ hành trình đến một di tích, danh thắng, một địa phương nào đó, mô tả lịch sử, kiến trúc, quang cảnh lễ hội… Cũng có khi đó là một bài điều tra xã hội học hoặc điền dã dân tộc học có cứ liệu và số liệu cụ thể kèm theo những trang khảo cứu, miêu tả kỹ lưỡng về phong tục, tập quán, về trang phục hay sinh hoạt văn hóa của một dân tộc…

Cảm nghĩ của tác giả trên Nam phong tạp chí được khắc họa rõ nét trong tác phẩm. Họ luôn có mặt ở mọi lúc mọi nơi, dùng cách tư duy, phân tích, nhận xét chủ quan để nói về những gì mình đang chứng kiến, đang cảm nhận được. Các tác giả sử dụng linh hoạt các hình thức thể hiện nhằm tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Tác giả thấy, thích gì viết nấy miễn làm sao tác phẩm trở nên sinh động, thu hút người đọc. Vì vậy, có thể tìm thấy ở du ký Nam phong tạp chí nhiều dạng thức thể hiện khác nhau. Dạng nhật ký như Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh. Dạng hồi tưởng như Bà Nà du ký của Huỳnh Thị Bảo Hòa… Theo nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên, với số lượng phong phú, du ký trên Nam phong tạp chí đã dựng nên bức tranh sinh động về đất nước mình, dân tộc mình: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng... Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hóa đối với chúng ta... Trong mục Du ký này, phải kể bài Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Lại tới Thần kinh của Nguyễn Tiến Lãng; Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, và nhất là Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh”(2). Hơn thế nữa, qua du ký Nam phong tạp chí, nhiều chân trời mới lạ đã được mở ra.

3. Xét về phương diện nghệ thuật, nhìn từ phương thức tự sự, du ký Nam phong tạp chí thường ghi chép, kể, tả một cách khách quan, chân thật những điều mắt thấy, tai nghe.

Tác phẩm du ký cũng được khơi nguồn từ sự thật, sự chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống. Phạm Quỳnh trong chuyến thăm hội chợ triển lãm Marseille đã nhấn mạnh: “Tôi đi Tây chuyến này định quan sát được điều gì hay khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào. Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gửi về đăng báo trước, toàn là những lời ký thực, không có văn chương nghị luận gì; chẳng qua là những tài liệu để đến khi về nhà làm sách vậy”(3)…

Những lời “ký thực” trong du ký Nam phong tạp chí là nguồn tư liệu quý giá cung cấp nhiều thông tin khách quan cho các lĩnh vực khoa học nhân văn khác như dân tộc học, địa lý, lịch sử… Việc nêu bật nguyên nhân dẫn đến cuộc viễn du là một trong những cách thức nhằm làm tăng tính chân xác những điều kể, tả của các tác giả du ký như Huỳnh Thị Bảo Hòa mở đầu tác phẩm Bà Nà du ký: “Đương khi lửa hạ nấu nung, ở giữa chỗ bụi lầm xe ngựa, cái thú nước biếc non xanh dễ ai không mơ ước”(4). Du ký Quốc ngữ trên Nam phong tạp chí có lối văn miêu tả bóng bẩy, đầy biểu cảm. Ở buổi đầu của nền Quốc văn, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã khéo léo sử dụng ngôn từ để tạo nên những đoạn văn miêu tả đẹp đẽ: “Ngồi trên kiệu ngó xuống đường, bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao lớn mọc đầy la liệt, thành hàng ngay thẳng, ngó chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào, còn các thứ ký sinh trùng như dây tơ hồng, chàm gởi, khô mộc, ổ rồng bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, trông rất ngoạn mục, có chỗ đi qua mùi thơm sực nứt mà tìm không thấy hoa gì, có lẽ hoa lan mọc trong hang sâu chăng”. Sự chắp cánh của trí tưởng tượng giúp tác giả tạo ra nhiều hình ảnh ấn tượng: “binh lính đứng chào”, “treo đèn kết hoa”, hàng loạt từ láy xuất hiện khiến đoạn văn luyến láy, mượt mà: vắt vẻo, thăm thẳm, la liệt, lủng lẳng, sực nứt… Như vậy, sự góp phần của những câu văn miêu tả làm tác phẩm du ký không khô khan, cứng nhắc mà mềm mại, uyển chuyển đầy sức thu hút.

Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba, - một bút danh của học giả, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đặng Xuân Viện (1880 - 1958), con thứ tư cụ nghè Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) và là cha Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907 - 1988), quê sinh làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), - trong đó đan xen cả những hồi tưởng và những ghi chép tức thời. Tác giả kể chuyện lần đầu đến Huế vào năm 1906, còn chuyến đi đang được kể lại diễn ra vào năm 1916 và hơn mười năm sau đó mới in báo. Hãy xem Phục Ba Đặng Xuân Viện suy tư: “Chỗ kinh thành ta thường mộng tưởng đến như là treo ở trước mắt, in ở trong lòng, năm 1906 tôi đã vào chơi một lần, nhưng lúc ấy chí vào học Giám, chứ không chí đi du lịch; năm 1916 là ngày tháng chín năm Khải Định thứ mười, tôi cùng bạn đồng chí đi xe hỏa vào Nghệ An rồi lên ô tô tới Huế, lịch lãm các nơi danh thắng, nào hồ Tĩnh Tâm, lầu Minh Viên, nào các Phú Văn, nào Lĩnh Quan tiếng khánh, nào hồi chuông thiền mộ, nào bóng nguyệt Đông Lâm, nào sáng mây Tây Lĩnh, thần kinh thắng cảnh, dấu chân vết ngựa đã từng qua, hồi tưởng hai mươi sáu năm về trước đến bây giờ vẫn in sâu trong trí não, chửa bao lâu mà cái quang cảnh đã khác xưa, khác tự hoàn cảnh nó thay đổi... Cuộc đời kim cổ, bước khách giang hồ, ai giục ta đi, ai ngăn ta lại, thôi cũng phiếm du một dạo cho thỏa chí tang bồng”(5)... Sau khi tham dự tiệc vạn thọ nhân việc vua Khải Định đăng quang năm thứ mười, Phục Ba mô tả lại những ngày đến đọc sách ở thư viện của triều đình rồi kể lại kỷ niệm một đêm đi thuyền chơi sông Hương: “Gặp trời sáng trăng cùng bạn thuê chiếc thuyền nhỏ, phiếm chơi sông Hương để hấp không khí và ngoạn cảnh cho được thư thái tinh thần, nước xanh biêng biếc, mây trắng phau phau, thảnh thơi thơ túi rượu bầu. Trải cầu Gia Hội qua cầu Đông Ba, im trời lặng gió, cỡi con thuyền như ngồi chơi trong mặt trăng vậy. Đứng mạn thuyền trông bên hữu ngạn có tòa Khâm sứ, chung quanh lác đác có một hai cây thông cành lá rậm rạp, xao xác có tiếng gió lọt bên tai; bên tả ngạn kinh thành tráng lệ, thấp thoáng bóng trăng soi, coi như bức tranh sơn thủy, dẫu tay họa học vị tất đã vẽ được nét bút thiên nhiên như vậy. Gần bên sông có chợ gọi là chợ Gia Hội, chợ xây hai tầng, tầng trên cũng có thể họp chợ được. Bên sông dân cư và các nhà buôn, liền như bát úp; dưới sông san sát những thuyền đậu, bóng đèn ánh ra mặt nước như gợn thủy ba, ngồi trên thuyền nghe giọng Huế hát rất là ai oán não nùng, cái tiếng ấy có phải là tiếng vong quốc của nước Chiêm Thành còn sót lại đấy không? Tai ta nghe mà vô hạn cảm tình”… Sau cùng, ông đến thăm khu lăng mộ các vua: “Sớm mai nom ra ngoài đường nước ngập không có lối đi, đợi ngày hôm sau nước đã tiêu dần ra bể. Cách hai hôm đường sá khô ráo, đi lại như thường, thuê thuyền đi thăm các chỗ lăng tẩm của tiền triều, thời duy có lăng vua Tự Đức là tráng lệ hơn, có bàn câu cá, có gác quan thư; chỗ ấy có tôn nhân và các mệ nên đi lại không được tự do. Ngày hôm sau tiện dịp đi xem vạn niên cơ của đức Khải Định; ở bên sườn núi bên trong một cái nhà chính tẩm, bên ngoài lại có nhà trồng diêm, xây rất kiên cố, tường cột đắp những con giống và lan cúc trúc mai, dũa mảnh sứ cổ và pha lê chắp lại rất là tinh xảo, rất là công phu. Hiện bây giờ chưa làm xong mà giá đã đến mười ba vạn, so với các lăng tiền triều không đâu đẹp bằng. Ngờ đâu là chỗ chôn hài cốt thế mà cùng xa cực xỉ, lại thành ra một cái nhà đấu xảo của triều Nguyễn ta”…

Sự mới mẻ mang tính khám phá của thông tin đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm du ký trên Nam phong tạp chí. Những thông tin mới lạ về vùng đất, con người, phong tục tập quán được tác giả phát hiện trong quá trình “xê dịch” là nền tảng làm nên giá trị của tác phẩm. Tính riêng tư, chân thật về cảm xúc là đặc điểm quan trọng của thể tài du ký Nam phong tạp chí. Đặc điểm này của du ký Nam phong tạp chí rất giống với nhật ký. Người viết thường thể hiện cảm xúc của mình trong suốt cuộc hành trình. Lúc vui, lúc buồn, lúc mừng rỡ, hân hoan, lúc lo lắng, bồn chồn… Tình cảm của người viết thường khởi phát từ cảnh vật khách quan theo kiểu “tức cảnh sinh tình”. Chính điều đó tạo ra nét riêng cho từng tác phẩm du ký.

Đọc du ký Nam phong tạp chí, người đọc thả trí tưởng tượng của mình đến những cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên, say sưa khám phá sự mới lạ của những vùng đất mới đồng thời phát hiện ra thế giới tâm hồn đầy phong phú của tác giả thể hiện qua ngôn từ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ. Ở tác phẩm du ký trên Nam phong tạp chí, ngôn ngữ thông tin chính xác ngày, giờ, địa điểm, liệt kê sự vật, sự việc, địa danh, tên nhân vật… có vai trò quan trọng, tạo nên giá trị cho tác phẩm. Giá trị thông tin của du ký cuốn hút người đọc tìm đến với tác phẩm. Với ngôn ngữ thông tin chính xác, các tác phẩm du ký cung cấp những tài liệu quan trọng cho nhiều người, nhiều ngành khoa học, có giá trị qua nhiều thời đại như cách nói của Nguyễn Hữu Sơn từ hai mươi năm trước: “Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, đọc lại những trang du ký hồi đầu thế kỷ, dường như ta bắt gặp đâu đây bóng dáng con người và cảnh vật một thời còn chưa xa ấy”(6)…

4. Du ký trên Nam phong tạp chí hội tụ đầy đủ các đặc điểm nội dung và hình thức để trở thành một thể tài có thể tồn tại độc lập không lẫn với các thể tài, thể loại khác. Bằng việc chuẩn bị chất liệu hiện thực phong phú, du ký góp phần nuôi dưỡng chất lượng nội dung cho các thể tài thuộc loại hình ký. Du ký báo hiệu cho sự lên ngôi của các thể loại văn xuôi trong bức tranh thể loại ở thời đại mới, đồng thời tạo được hiệu ứng kích thích người đọc hướng đến xu thế tiếp cận văn chương mới: xu hướng đề cao giá trị hiện thực của văn chương. Ngoài ra, không thể phủ nhận vai trò của du ký trên Nam phong tạp chí đối với quá trình cách tân, hiện đại hóa nền văn học với những hiệu quả cụ thể, thiết thực bắt nguồn từ quá trình sáng tạo tác phẩm du ký của người nghệ sĩ. Du ký góp phần hoàn thiện chữ viết và câu văn Quốc ngữ, mở rộng biên độ và phạm vi phản ánh cho văn chương, mở đường cho sự hình thành của cái tôi cá thể trong văn chương hiện đại.

T.T.T.N - T.T.A.N  
(TCSH341/07-2017)

---------------
(1) Trần Hữu Tá: “Du ký Việt Nam”một bộ sách quý. Phụ nữ TP Hồ Chí Minh,số ra ngày  10/4/2007, tr.10.  
(2) Nguyễn Khắc Xuyên (tái bản): Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, 1917 - 1934. Tái bản.  Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002, tr.33.
(3) Phạm Quỳnh: Pháp du hành trình nhật ký, trong sách Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong  (1917 - 1934), Tập 3 (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2007, tr.346.
(4) Huỳnh Thị Bảo Hòa: Bà Nà du ký, trong sách Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong (1917  - 1934), Tập 2. Sđd, tr.50. Các đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.
(5) Phục Ba: Cuộc đi chơi Huế, trong sách Du ký Việt Nam Tạp chí Nam Phong 1917 - 1934,  Tập 3. Sđd, tr.377 - 378. Các đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.
(6) Nguyễn Hữu Sơn: Phác thảo Hà Nội qua những du ký xưa. Thế giới mới, số 357 - 1998,  tr.27 - 29.







 

Các bài mới
Làng (14/08/2017)
Các bài đã đăng
Chốn xưa (31/07/2017)
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Đêm sông Hương (24/07/2017)