Tạp chí Sông Hương - Số 342 (T.08-17)
Tản Đà - Trích Tiên giữa trần gian
09:43 | 24/08/2017

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG

Tư tưởng văn học của Tản Đà (1889 - 1939) không thuần nhất mà là sự hỗn dung của “tư tưởng Nho gia, tư tưởng Lão Trang và tư tưởng tư sản”1.

Tản Đà - Trích Tiên giữa trần gian
Bìa tạp chí Tao đàn số đặc biệt giới thiệu về nhà thơ Tàn Đà, xuất bản năm 1939 - Ảnh: internet

Xem xét tư tưởng Tản Đà ở khía cạnh Lão Trang, thấy ông có quan niệm vừa dị biệt vừa tương đồng với các nhà văn học khác là những người cũng chịu ảnh hưởng của triết thuyết này. Đó là quan niệm về cuộc đời, về thiên tính, nhà nước vô vi, “tề vật luận”, đặc biệt là về cõi thượng thiên - nơi ông luôn hướng đến trong thế đối lập với cõi trần gian.

Trong thơ văn Tản Đà, thấy có khá nhiều tên các nhân vật, các điển tích Lão Trang, như chim bằng, chim chích, con côn, Hà Bá... Bài thơ Nước thu của ông mượn tứ, nhân vật, một phần cốt truyện của thiên “Thu thủy” (Nam Hoa kinh của Trang Tử). Tên của chương “Tiêu diêu du” trong Giấc mộng con của ông là vay mượn tên của một chương trong sách Trang Tử, đặc biệt chúng giống nhau ở không khí, màu sắc tiêu dao, sự hư tưởng, mộng ảo. Tản Đà có lúc vay mượn cách thức lập luận của Trang Tử. Ở đó, Tản Đà dẫn luận chặt chẽ, phân tích vấn đề nhiều chiều, nhiều góc cạnh, có màu sắc tam đoạn luận cổ đại để thể hiện cái hư huyền của sự việc, cuộc đời. Đây là một đoạn trích trong tản văn “Ở đời thế nào cho phải: “Người ta ở đời thường có một câu nói, một việc làm, phải với mình mà không phải với người, phải với người này mà không phải với người khác, phải với đời này mà không phải với đời sau; thường lại có một câu nói, một việc làm không phải với mình mà phải với người, không phải với người này, mà phải với người khác, không phải với đời này mà phải với đời sau. Ôi, đã gọi là phải thì phải có nhất định, phải mà không nhất định thì còn biết thế nào là phải!”. Đoạn trích này rất gần gũi với cách thức lập luận, lập ý, tranh biện của Trang Tử trong thiên “Tề vật luận” (Nam Hoa kinh)2: “Nếu ta với ngươi cùng tranh kiện. Ngươi thắng được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn đã là phải, mà ta hẳn đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi, ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn đã là phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao?... Sao gọi là hòa hợp với Thiên Nghê? Là phải mà cũng chẳng là phải; phải vậy mà cũng là chẳng phải vậy. Cái phải của ngươi, nếu quả thật là phải thì cái phải đó có khác gì cái không phải, cho nên cũng không biện được. Cái phải vậy của ngươi, nếu quả thật là phải vậy thì cái phải vậy đó có khác nào cái không phải vậy, thành ra cũng không biện được”. Cũng chịu ảnh hưởng của Trang Tử, Tản Đà coi mọi sự trên đời đều ngay bằng nhau, đều là “tề vật”, không có giàu - nghèo, vinh - nhục: “Tiền chôn bạc chứa chưa là giàu, nhà tranh vách đất chưa là nghèo; võng lọng ngựa xe chưa là vinh, xiềng xích gông cùm chưa là nhục” (Khối tình) (Bản chính). Các nhà triết học Lão giáo trong khi coi mọi sự, mọi vật là “tề vật”, ngay bằng nhau, cũng coi sinh tử không khác nhau và đón nhận cái chết một cách bình thản. Bởi “sinh, hình, khí, tử có khác nào xuân hạ thu đông, bốn mùa vận hành” nên Trang Tử không khóc khi vợ chết (“Cổ bồn”, Nam Hoa kinh). Trang Tử cũng coi “sống chết là bạn, thì sao lại lo âu” (“Trí bắc du”, Nam Hoa kinh). Tản Đà cũng có quan niệm tương tự, coi chết là nghỉ ngơi, đương nhiên, nhẹ nhàng: “Giang sơn còn nặng gánh tình/ Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi/ Bao giờ trời bảo thôi đi/ Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi” (Giá trị của sự chết). Trong khi đó, cõi đời nơi mà Tản Đà nói đến trong Giấc mộng con I thực chất là một hình thức nhà nước vô vi mà Lão Tử đã nói đến trong Đạo đức kinh. Đó là nhà nước bé nhỏ, ít người, giản phác, hạnh phúc, không có thiên tai địa biến, không có chiến tranh, không buôn danh bán lợi còn con người có tính linh thanh sạch. Nhà nước vô vi này đối lập với cõi đời cũ mà ở đó có đầy rẫy những tàn bội, giả dối. Như vậy, tổ chức, hình ảnh, tính chất của nhà nước vô vi của Tản Đà lấy cảm hứng từ nhà nước vô vi của Lão Tử. Tản Đà sống trong thời hỗn trọc, nhiều thất vọng hơn là hạnh phúc cho nên Cõi đời mới là khát khao của ông. Nhà nước này do đó mang ý nghĩa nhân đạo và nhân văn. Ở đó con người an vui miên viễn. Nó cũng thể hiện sự bất bình đối với xã hội mà Tản Đà sống, nơi ông không thể tìm thấy sự viên mãn.

Một khía cạnh ảnh hưởng khác của Lão Trang đối với Tản Đà là tư tưởng coi trọng thiên tính. Tư tưởng này là tư tưởng cơ bản của Lão Trang. Triết thuyết này cho rằng nhờ có thiên tính mà vạn vật có bản chất, đặc trưng khác nhau. Thuận theo thiên tính thì hạnh phúc, sống trái với thiên tính thì đau khổ. Bởi thế, Trang Tử nói trong thiên “Biền mẫu”, Nam Hoa kinh: “Chân vịt thì ngắn, cố mà nối dài, nó khổ. Giò hạc thì dài, cố mà làm cho nó ngắn, nó đau. Cho nên tính mà dài, không phải cái nên chặt bớt; tính mà ngắn, không phải cái nên kéo dài: thì không có chỗ gì còn phải đau khổ”. Thiên tính làm cho vạn vật an ổn theo phận sự, do đó không còn dị - đồng, cao - thấp, đại - tiểu, hạnh phúc - bất hạnh. Tản Đà dùng từ “ý thú” và “tính” để chỉ thiên tính. Ông nói: “Trời sinh vạn vật trong thế gian, vị khác nhau, phận khác nhau, tài khác nhau cho nên ý thú cũng khác nhau. Ý thú của côn kềnh ở bể rộng, con ve có ý thú con ve, con kiến có ý thú con kiến, nhân cái tài, cái phận, cái vị mà đều có ý thú riêng” (Giấc mộng con I). Trong tản văn Khối tình, nhà thơ cũng nói do tính của mỗi loài khác nhau nên hành sự của chúng cũng không giống nhau. Tản Đà do vậy phân tích sự vật theo đặc thù, thiên tính riêng, vốn có của chúng, dấu ấn Lão Trang vì thế có tác động khá lớn đối với ông. Hàm lượng triết học trong cách nhìn nhận thế giới của Tản Đà chịu sự chi phối của triết thuyết này.

Mặc dù chịu ảnh hưởng Lão Trang trên nhiều phương diện nhưng Tản Đà đã tiếp nhận nó trong không khí thời đại mới và phù hợp với phong chất, trải nghiệm cá nhân. Ở cách thức tư duy, lập luận của Tản Đà trong nhiều luận thuyết, tản văn còn có cả tư duy duy lý của triết học phương Tây mà ông tiếp nhận qua Tân văn. Tản Đà có thể chịu ảnh hưởng Lão Trang trong cái nhìn “tề vật luận” đó là bởi Tản Đà xem vạn vật, vạn sự đều phù du, không hơn kém nhau, như trong tản văn “Đánh bạc” chẳng hạn. Ở bài này, không có có - không, hữu - vô, mọi sự đều như nhau. Quan niệm như thế xuất phát từ trải nghiệm riêng của một người thiệp liệp, sau đó mới gặp gỡ quan điểm của Lão Trang. Tản Đà rất trân trọng cá tính. Được tồn tại theo bản tính, sở thích, sở cầu là hạnh phúc của ông trong thực tế cuộc đời. Do đó, ông tâm đắc, tiếp nhận quan niệm về thiên tính của Lão Trang. Trong khi đó, nhà nước vô vi của Tản Đà mang trong nó rất nhiều khát vọng của một người đã sống, đã thất bại, đã thấy bao điều bất đắc ý trong hiện thực. Hình ảnh nhà nước vô vi của Lão Tử do đó là một gợi ý, tương hợp với mong muốn của ông.

Triết thuyết Lão Trang còn có ảnh hưởng sâu đậm đến Tản Đà trong cách thức ông nhìn về cuộc đời và theo sau đó, tác động mạnh đến quan niệm sống của ông. Cuộc đời đối với Tản Đà là hư ảo, “một cuộc say” (Về quê nhà cảm tác), như giấc chiêm bao: “Đời người như giấc chiêm bao/ Mà trong mộng ảo lại sao không nhàn” (Đời lắm việc). Trong khi đó, kiếp người là kiếp phù sinh, nổi nênh: “Khắp nhân thế là nơi khổ ải/ Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai” (Cánh bèo). Tên các tác phẩm của Tản Đà đã cho thấy quan niệm nhân sinh của ông: Giấc mộng con (I, II), Giấc mộng lớn... Dưới Giấc mộng lớn, ông ký tên là Người Mộng. Đời đã là phù sinh mà thời gian lại trôi nhanh: “Tứ mùa ngày tháng thoáng như trôi” (Tiễn năm Đinh Mão), “Tháng ngày lắm lúc như thoi én” (Đêm khuya nhớ bạn). Ngay cả hình tướng con người cũng phù du, sinh hóa và cuối cùng chỉ còn lại cái chết: “Kiếp ở đời là kiếp phù sinh/ Mây vàng chớp nhoáng bên mình/ Sinh sinh hóa hóa cái hình phù du/ Xưa nay ngẫm sang giàu cũng lắm/ Cuộc trăm năm trơ nắm đất vàng” (Vợ chồng người đốt than). Đời theo Tản Đà là hư không, không có gì miên viễn, trường tồn. Tất cả đều biến thiên, thành hư vô: “Các việc năm trước, đến năm nay đã thành không; các việc tháng trước đến tháng này đã thành không; cả như việc mới ngày hôm trước, sang hôm nay đã thành không” (Tựa Giấc mộng con). Trong cõi nhân gian như thế, Tản Đà gọi mình là “Trích Tiên”, là “thiên tiên”. Các nhà thơ cùng thời với ông cũng vậy, xem ông như tiên “bị đày xuống cõi trần gian”3. Trích Tiên Tản Đà ở cõi phù vân có quan niệm, triết lý hành lạc, hưởng lạc riêng. Đời phù vân, nên theo ông, mọi hành tác, lao tâm lao lực đều là vô lý: “Trăm năm một giấc mơ màng/ Nghĩ chi cho bận gan vàng ai ơi” (Đời lắm việc). Đời vì thế, là một cuộc chơi, sống là để “đội trời chơi” (Chúc báo Sống), ngày tháng phải được dùng để “bốn bể rong chơi” (Họa thơ ông Lương Ngọc Tùng). Được tiêu dao du, thi tửu, sống trong mộng mới là hạnh phúc của Tản Đà. Chính trong mộng ông mới được sống một cách đích thực: “Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi/ Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi/ Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng/ Tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời” (Nhớ mộng).

Không gian mà Tản Đà luôn ao ước, đó là cõi trời, cõi tiên. Xuân Diệu nói “Tản Đà là người thứ nhất yêu dấu cõi tiên”4. Ở cõi trần, Tản Đà chỉ có túng bẩn, thất bại trong tình yêu, văn chương ế ẩm, và những mối lụy trần tục khác. Ở cõi trời, Tản Đà được mãn nhãn trước nhan sắc, và cũng ở đó, ông làm thơ, đọc thơ, bán thơ, chuyện trò với các đại gia văn chương, như ông nói trong Giấc mộng con, Hầu trời, Tản Đà xuân sắc... Cõi tiên đối lập với trần thế ô trọc, phù vân. Đó là cõi Tản Đà được hạnh phúc, sung sướng, có thể có mọi điều mong muốn. Trở về cõi trời là Tản Đà trở về với cội nguồn, bởi ông là Trích Tiên. Cõi hằng mơ ấy có ý nghĩa nhân văn, thể hiện khát vọng được viên mãn, nhất là đối với tài hoa mà nổi nênh. Ông thổ lộ tâm trạng không phải với người trần thế mà là với những nhân vật ở cõi thượng thiên. Cõi trời, do vậy, là nơi tin cậy, nơi có tri âm (Muốn làm thằng Cuội), (Tây Hồ vọng nguyệt). Thơ ông không phải là thứ thơ mà trần gian có thể hiểu được và trân trọng. Nó phải được bán ở “chợ trời” và các chư tiên mới thật là độc giả của nó (Hầu trời). Tản Đà về trời, như ông nói, là khi trần gian “hết thú chơi” (Trông hạc bay). Ông làm khá nhiều thơ văn du tiên thể hiện ước ao được rong chơi ở cõi thượng thanh khí là vậy. Khi không thể đến được cõi trời, ông tìm đến cõi mộng. Xa rời cõi này là ông đau khổ, phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Cõi trời và cõi mộng là hai không gian ưa thích của Tản Đà. Chúng đan hòa vào nhau. Ở cõi trời, ông được sống trong mộng còn ở cõi mộng, ông được du tiên.

Tản Đà là con người Lão Trang, không phải con người Nho gia hay Phật giáo. Con người Nho gia luôn tu thân, khắc kỷ, phục lễ. Con người Phật gia thì tiết độ dục lạc. Bởi họ thấu thoát dục tình là đầu mối của khổ đau, luân hồi. Con người Phật giáo mong rằng trong mọi hành tác phải làm sao cho có thiện nghiệp ngõ hầu đạt tới cõi niết bàn, tránh xa các cảnh giới đau khổ sau kiếp người. Do đó khắc dục là tôn chỉ trong cuộc đời của con người Phật giáo. Tản Đà từng làm trợ bút cho một tạp chí Phật giáo, dù không lâu. Trong một số tác phẩm, ông có nói đến các phạm trù Phật học như hình tướng, chân, giả, luân hồi, kim sinh, lai sinh nhưng ảnh hưởng của Phật giáo đối với Tản Đà chủ yếu nằm ở khía cạnh coi đời là khổ hải: “Than ôi! Con người ta suốt đời chìm nổi trong bể khổ” (Giấc mộng con I). Do đó, văn chương ông chịu ảnh hưởng chủ yếu của các triết thuyết khác, trong đó “màu sắc Lão Trang”5 là rất đậm đà, như đã phân tích. Cũng như các tác giả khác là Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, ảnh hưởng Lão Trang làm cho tư tưởng, con người Tản Đà thêm đa dạng, đa diện. Ông là một trong vài nhà thơ cuối cùng chịu ảnh hưởng của triết thuyết này trong thời hiện đại. Lão Trang trong thơ văn Tản Đà như đã nói, không chỉ có lý luận kinh điển của nó mà còn có cả Đạo giáo thần tiên.

T.N.H.T  
(TCSH342/08-2017)

-----------------
1. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng và các tác giả khác, Văn học Việt Nam 1900 - 1945,  Nxb. Giáo dục, 1997, tr. 179.
2. Trang Tử, Nam Hoa kinh(Nguyễn Duy Cần dịch), Nxb. Trẻ, 2013, tr. 199 - 200.
3. Lưu Trọng Lư, Bây giờ, khi cái nắp quan tài đã đậy lại, Tạp chí Tao Đàn (Số đặc biệt về Tản Đà)  1/7/1939.
4. Xuân Diệu, Công của thi sĩ Tản Đà, trong sách Tản Đà trong lòng thời đại(Nguyễn Khắc Xương  biên soạn), Nxb. Hội nhà văn, 1997, tr. 73.
5. Tầm Dương, Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 174. 






 

Các bài mới
Dáng Thu (25/08/2017)
Các bài đã đăng
Mê cung (18/08/2017)