Tạp chí Sông Hương - Số 344 (T.10-17)
Những bông hoa để lại
09:21 | 25/10/2017

CÂY BÚT TUỔI HỒNG   

Cuộc sống hôm nay, người ta đi tìm những giá trị thực dụng, thì chúng tôi lại đi tìm những mầm non văn chương, hòng kiếm ra những chiếc lá, nhành cây, nụ hoa tâm hồn bé bỏng giữa cuộc đời. Với mong muốn sẽ gầy dựng được một vườn hoa mát lành giữ lại cho cuộc sống một khoảng xanh râm mát. Để lỡ khi ai đó có những vấp váp trong đời mình, sẽ ghé lại ngồi nghỉ ngơi.

Những bông hoa để lại

Vì thế, miệt mài, chúng tôi, những người làm ở Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, cùng các anh chị phụ trách ở Nhà Thiếu nhi Huế, đã tổ chức những cuộc chơi, nhằm tìm ra những chiếc lá non xanh ấy, ươm lên thành chồi, thành nụ, thành hoa.
Năm nay, từ cuộc thi sơ khảo và chung khảo dành cho
Cây bút Tuổi hồng ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, chúng tôi đã gặp được những tâm hồn lấp lánh đến với văn chương. Đó là tình yêu trong veo đầu đời mà các em dành cho văn chương. Nên đọc văn của các em, cảm nhận được ở đó sự hồn nhiên chân thật, sự say mê không ngần ngại của các em dành cho tình yêu đầu đời một cách nhẹ nhõm.
Những tác phẩm dự thi lần này chưa nói lên tài năng, nhưng đã đủ để thể hiện năng khiếu của các em. Các em đã viết, đã vui với những cuộc chơi mà Nhà Thiếu nhi thành phố phối hợp với Hội Nhà văn tỉnh tổ chức. Sau đó, bước vào năm học, các em lại quay trở về với đời sống sách vở của các em. Còn tác phẩm thì các em để lại, hồn nhiên, vô ưu như chính lứa tuổi của mình vậy.
Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc những bông hoa tâm hồn mà các em để lại cho chúng tôi.

Đông Hà giới thiệu
 


LÊ HUỲNH BẢO CHÂU
(Lớp 5 - Trường TH Hương Long)  

Chắc hẳn ai cũng có một giấc mộng riêng của đời mình. Tôi cũng có một giấc mơ, mơ tưởng rằng ngày nào đó sẽ trở thành một nàng công chúa xinh đẹp, dịu dàng bước ra từ một câu chuyện cổ tích. Đó là giấc mơ ngây thơ phải không các bạn? Nhưng tôi vẫn mong rằng, một ngày nào đó, giấc mơ của tôi sẽ trở thành sự thật. Còn các bạn thì sao? Bây giờ tôi xin kể lại giấc mộng của tôi nhé!

Vào một buổi sáng sớm, tôi mới thức dậy, điều bất ngờ đập vào mắt là tôi đang ở trên một tòa tháp cao ngút trời. Nhìn vào trong gương, tôi bỗng thấy mình biến thành một nàng công chúa xinh đẹp với mái tóc vàng óng ả. Tôi tự hỏi: “Dường như mình đang biến thân phải không nhỉ?” Vừa dứt lời, tôi bỗng biến thành nàng tiên với đôi cánh đính nhiều viên đá quý. Thì ra, sau khi hô chữ “Biến thân” thì tôi liền biến thân thành một nàng tiên mang sức mạnh của bầu trời đêm. Tôi vừa cất cánh bay khỏi tòa tháp ấy thì một người chào tôi với vẻ cung kính. Lúc đó tôi mới biết rằng mình là “Công chúa mặt trăng”, con gái của “Nữ thần mặt trăng” đầy quyền năng. Rồi tôi đến gặp mẹ, đến bên mẹ nũng nịu nói: “Mẹ ơi, mẹ cho con xuống trần gian dạo chơi nhé!” Mẹ rất thương tôi, cho tôi đi liền nhưng dặn dò rất cẩn thận:

- Con đi chơi, đừng có la cà khắp nơi và cũng đừng quên bổn phận của con là nàng công chúa mặt trăng.

Tôi vâng lời mẹ và ghi nhớ rõ ràng không thiếu một chữ.

Vừa đặt chân xuống, tôi đã thấy ngay một thảm họa trước mắt. Ruộng đồng khô héo, rạn nứt, hạn hán kéo dài. Người dân ở đây vô cùng khổ cực. Thấy thế, tôi liền triệu hồi xuống trần gian tinh linh cung Bảo Bình, ra lệnh đem nước xuống trần gian. Đi thêm một đoạn nữa, tôi không thể hiểu được tại sao, miền này lại lạnh như thế. Tuyết phủ trắng xóa, hồ nước đóng băng, không có một bông hoa nào có thể sống sót trong thời tiết giá lạnh này. Người dân ở nơi đây chỉ mong sẽ có được một loài hoa sống sót dưới mùa đông lạnh lẽo này để sưởi ấm trái tim của họ. Thấy thế, tôi liền bay đến chỗ của “Nữ thần mùa đông” cầu xin bà cho nở một loại hoa để sưởi ấm trái tim của người dân. Nữ thần mùa đông vốn rất khó tính, bà muốn tôi trao đổi với bà mái tóc vàng óng ả. Không hề do dự, tôi đồng ý ngay. Bà đưa cho tôi loài hoa huệ băng, hễ dính tuyết là sẽ biến thành băng đẹp tuyệt vời. Không chỉ thế, hoa huệ băng còn có thể sống được trong thời tiết mùa đông giá lạnh. Người dân rất đỗi vui mừng, họ không ngừng reo vang và còn mở một buổi tiệc cảm ơn tôi và cùng mừng vui.

Sau một ngày vui chơi, tôi về lại cung điện của mình trên bầu trời xanh thẳm với niềm vui hân hoan vì đã làm được nhiều việc tốt nhưng cũng tiếc nuối vô cùng vì mất đi mái tóc vàng xinh đẹp. Đến nhà, mẹ tôi và mọi người trong lâu đài vô cùng ngạc nhiên, tại sao mái tóc vàng của tôi lại biến thành màu trắng như thế này. Tôi kể lại hết cho mẹ nghe. Mẹ rất tự hào về tôi và kể cho tôi một bí mật:

- Đến khi một nàng công chúa mặt trăng tròn 15 tuổi, thì mặt trăng sẽ ban cho họ một điều ước. Khi đó con hãy ước cho mái tóc của mình trở lại bình thường nhé!

Tôi nhất quyết không chịu bảo với mẹ rằng:

- Mái tóc này thì có sao đâu chứ, đến lúc đó, con sẽ ước cho thế gian này mãi mãi hòa bình.

Mẹ tôi cười khen tôi đúng là con gái ngoan của mẹ.

Thức dậy, thì ra đó là một giấc mơ, đúng là một giấc mơ tuyệt vời. Đó chính là giấc mơ đẹp nhất của mình, còn các bạn thì sao? Sau này, khi có dịp các bạn hãy kể cho mình nha!

L.H.B.C  



NGUYỄN PHƯƠNG NGHI
(Trường TH Quang Trung)  

Trong cuộc sống, không phải ai cũng được sung sướng như chúng ta. Không phải ai cũng có một gia đình hạnh phúc và êm ấm như chúng ta. Nhưng trên thế giới này, còn có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương mà chúng ta ít khi biết đến. Họ thậm chí còn không có cha mẹ, nhà cửa, kể cả những đứa bé chỉ chừng ba, bốn tuổi mà phải đi bán vé số, thật tội nghiệp! Tuần vừa rồi, em cũng đã gặp một hoàn cảnh tương tự với một cô bé chừng năm tuổi, lúc em đang đi dạo quanh công viên gần nhà.

Cô bé tên Hiền, hoàn cảnh gia đình rất rội nghiệp. Cha bé mất sớm, mẹ thì hay đau ốm nên bé phải đi bán vé số phụ mẹ. Tuần trước, khi đang dạo mát quanh công viên em thấy Hiền đang bán vé số thì bị một anh đi gần đó bắt nạt. Lúc đầu, em định bỏ mặc em ấy vì không đủ can đảm để đối mặt với chuyện này. Nhưng nhìn Hiền đang bị đánh đập như thế, em không nhịn được sự tức giận nên đã lao tới mắng cho anh đó vài câu:

- Dừng lại! Anh đang làm gì với đứa trẻ tội nghiệp thế này? Anh có biết em ấy phải một mình làm việc nuôi gia đình không?

Em nói xong, anh ấy cảm thấy ngượng, liền xin lỗi bé Hiền và mua hộ bé ấy năm tờ vé số coi như lời tạ lỗi.

Một lúc sau, em dẫn bé đến ngồi ở một chiếc ghế đá gần công viên và băng bó vết thương cho bé. Em được biết là cả ngày hôm nay Hiền chưa có gì bỏ bụng. Biết vậy, em liền chạy sang bên kia đường mua cho bé một ổ mì. Khi đưa ổ mì, bé rất vui, bé ăn bánh mì một cách say mê, rồi tươi cười nói với em:

- Em cảm ơn chị nhiều! Nhờ chị mà hôm nay em không phải nhịn đói nữa!

- Vậy tức là em thường xuyên phải nhịn đói hả?

Hiền im lặng một hồi rồi nói tiếp:

- Dạ, có nhiều khi em chỉ bán được vài cái vé số. Nhưng em không lấy tiền đó mua đồ ăn cho em mà mà em để mua thịt nấu cháo cho mẹ. Mặc dù trong bụng không có gì, nhưng khi về nhà em vẫn phải tươi cười như đã ăn no rồi để mẹ không phải lo lắng.

Em bỗng rưng rưng nước mắt. Em đã biết Hiền từ lâu nhưng giờ em mới biết bé lại tội nghiệp đến vậy. Em đã về nhà lấy hết tiền tiêu vặt của mình mua áo quần, đồ chơi và cả một đôi dép mới nữa…

Trời cũng đã nhập nhoạng tối. Em dắt Hiền đến trước ngõ và tạm biệt bé. Hôm nay, bé rất vui vì có nhiều đồ mới. Khi đã đi xa em vẫn nghe tiếng em ấy vọng lại:

- Cám ơn chị nhiều!

Hôm nay, em rất vui vì đã làm được một việc tốt. Sau này, em sẽ thực hiện thêm nhiều việc như vậy góp phần nhỏ giúp ích cho xã hội và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như bé Hiền để hy vọng họ cũng có một cuộc sống ấm êm và hạnh phúc như chúng ta.

N.P.N   
 

ĐOÀN NGUYÊN KHÁNH MỸ
(Lớp 9 - trường Trần Cao Vân)  

“Nhím, Chíp! Các con đâu rồi? Nhanh nhanh lên nào! Chúng ta sẽ trễ giờ lên thuyền mất!” “Rồi , các con đây rồi! Chúng ta lên thuyền thôi! Ái chà, trời hôm nay đẹp quá nhỉ. Chắc chắn chuyến về quê của chúng ta sẽ thú vị lắm đây. Từ hồi lọt lòng đến giờ các con chưa được về quê ngoại lần nào. Mẹ cũng vậy thôi rất ít khi ...” - Tôi nói với các con. “Mẹ ơi , ở đó có vui không ạ? - Nhím hỏi. “Vui lắm con. Để mẹ kể cho các con nghe về một trong những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ mẹ để hiểu rõ hơn về quê ngoại các con nhé!

Quê ngoại các con ở trên một vùng đảo rất đẹp mang tên Hoàng Sa. Ông ngoại các con là người lính biển có nhiệm vụ canh giữ vùng đảo quê hương. Gia đình ta từ lúc đó gặp một số sự cố nên ông ngoại các con đã đưa mẹ và bà ngoại về thành phố Huế này cho đến nay. Sống ở nơi đất khách, mẹ và bà ngoại rất nhớ nhà và nhớ cả ông ngoại nữa. Thế nên, trước đêm giao thừa năm 1982 mẹ và bà ngoại lên chiếc thuyền cuối cùng trở về Hoàng Sa - nơi ông ngoại con đang ở đó.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió như thế mà chỉ có biển làm bạn với các chú bộ đội. Cái lạnh đến cắt da cắt thịt. Thế nhưng, các chú vẫn cầm chắc tay súng vững vàng đứng canh giữ vùng biển đảo quê hương. Trong mắt mẹ lúc đó người đẹp nhất chính là những người có hình ngôi sao trên mũ. Thuyền vừa cập bến, từ xa, ông ngoại đã bước đến ôm lấy mẹ vào lòng, bế mẹ trên tay và dẫn bà ngoại vào phòng. Dọn dẹp đồ đạc ngăn nắp, ông ngoại lại đưa mẹ ra gặp các người bạn của mình. Lúc này mẹ có cảm giác vừa lạ nhưng lại vừa quen thuộc, gần gũi, thoải mái một cách lạ thường. Trái tim của mẹ như ấm áp hơn. Mẹ như nghe được tiếng reo vui của “vùng đất mẹ”, giang rộng vòng tay chào đón, ôm ấp đứa con thơ bé bỏng trở về vậy. Mẹ vui vẻ trò chuyện với ông ngoại:

- Ba ơi ba! Ở đây đẹp thật đó! Con muốn ở mãi nơi đây được không ba?

Ông ngoại chẳng nói gì, nhìn mẹ bằng ánh mắt trìu mến, cười và xoa đầu mẹ.

- Ba ơi năm nay con được ở cùng ba đón giao thừa rồi. Đã bao cái tết rồi mà gia đình mình thiếu đi hơi ấm của ba, thiếu đi tiếng cười nói râm ran và... con cũng chưa được ôm hôn, chúc ba một năm mới vui vẻ nữa. Ba ơi, con nhớ ba, nhớ nhiều lắm. Bây giờ con chỉ muốn... chỉ muốn... ở mãi bên ba thôi!

Ông ngoại quay đi lau nước mắt rồi ôm hôn lấy mẹ vào lòng:

- Được rồi con gái yêu! Bây giờ chúng ta đi chơi nhé. Tối nay cả nhà ta sẽ cùng đón giao thừa bên nhau trên mảnh đất quê hương yêu dấu ruột thịt này.

Chao ôi! Ở đây có bao nhiêu là mứt, bánh kẹo, những lá thư mà những con người ở hậu phương gửi ra. Mọi người đang bận rộn sắm sửa. Một nhóm thì thổi lửa nấu bánh chưng, bánh tét. Nhóm kia thì tất bật bày dọn mứt bánh ra đĩa và có cả một nhóm đang quây quần lại bên nhau gảy lên những khúc nhạc tưng bừng, rộn rã. Ngoài kia có những người lính tuần tra canh gác. Mỗi người một công việc tạo nên bầu không khí thật sự ấm cúng. Lúc này, ông ngoại mới dẫn mẹ đến giới thiệu với mọi người.

- Ồ, anh Hưng, con của anh đấy hả? Con bé trông đáng yêu quá! - Một bác chiến sĩ nói.

- Cháu chào bác ạ! - Mẹ trả lời.

- Lại đây chơi với các bác nào.

Bác kéo mẹ đến bên cạnh nồi bánh chưng to. Bên ánh lửa hồng quây quần ấm áp thật thú vị. Mấy chú còn lấy nhọ nồi bôi vào mặt của mẹ rồi cười. Sau đó, ông ngoại đưa mẹ vào rửa mặt. Lâu lắm rồi mẹ mới cảm nhận được hơi ấm từ đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay chai sạn, nhiều vết nứt và thô ráp. Mẹ rất yêu đôi bàn tay ấy. Và lần đầu tiên, mẹ được ông ngoại chải tóc.

- Tóc con mềm mượt và thật đẹp. Giống y như tóc của mẹ con lúc xưa. Cả cái mùi thơm thoang thoảng của hoa bưởi trên mái tóc này nữa.

- Tóc con đẹp lắm à bố?

- Ừ đẹp lắm cô công chúa bé bỏng ạ.

Bây giờ, chúng ta đi đến ngồi hát với các chú nào. Thế là ông ngoại đưa mẹ đến. Ở đó, có rất nhiều anh trẻ tuổi nhưng đã tham gia vào công việc ở nơi đây. Trong đó, mẹ bắt gặp được anh Tuấn, một sĩ quan mới.

- Em chào anh.

- Ồ, chào cô bé. Em là con của bác Hưng?

- Vâng ạ. Anh ơi, ở đây anh có nhớ nhà không?

- Nhớ nhà lắm cô bé ạ. Đã hai cái tết anh không ở cùng mẹ rồi. Anh nhớ cái nồi bánh chưng mẹ nấu lắm. Nhớ cái hương vị đậm đà của dưa món mẹ làm nữa. Tuy hồi đầu đến đây có vất vả, xa lạ nhưng nhờ các anh em động viên, quan tâm, giúp đỡ nên nỗi buồn cũng vơi đi phần nào. Vả lại vì lời hứa với mẹ sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao nên anh càng quyết tâm hơn.

Lúc này, nghe lời tâm sự của anh, mẹ càng thấy khâm phục và ngưỡng mộ họ hơn. Chắc hẳn ông ngoại của các con cũng nhớ gia đình lắm! “Các con có thấy khâm phục các anh không?”

- Có chứ mẹ. Con yêu các anh bộ đội nhiều lắm! Khi nào đến mẹ dẫn chúng con đi nhé. - Nhím nói với vẻ hào hứng.

- Được rồi con yêu.

Chíp nhăn nhảu:

- Thôi mẹ kể tiếp đi, câu chuyện đang hay mà.

Lúc nghe nói chuyện xong, mọi người ai cũng rưng rưng nước mắt. Nhưng họ nhanh chóng lấy lại tinh thần và hát vang: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng...”. Những câu hát đầy sự lạc quan và tình yêu cuộc sống. Dù hoàn cảnh có ra sao họ vẫn vui vẻ và đoàn kết, sát cánh bên nhau.

- Ba ơi thế hôm nay ba không có nhiệm vụ gì ạ?

- Có chứ con. Hôm nay đến phiên ba gác cổng nhưng có mẹ con con đến thăm nên chú An đã nhận làm thay nhiệm vụ giúp ba rồi.

- Thế thì ba dẫn con đi xem vườn rau nhé.

- Được rồi.

Trước mắt mẹ là một vườn rau xanh mướt, loại gì cũng có cả. Những cây rau tươi ngon nhìn đến mát mắt. Mẹ cũng không ngờ dù được bao bọc xung quanh là biển nhưng ở đó, các chú vẫn có thể trồng thực phẩm lên tươi tốt như thế. Rồi có cả một đàn gà với đủ chủng loại, những chú heo to khỏe nhìn rất vui. Quả thật, sống trên đảo mà chẳng thiếu thốn thứ gì, cứ như là đang ở trong một vương quốc thu nhỏ vậy. Thật tuyệt vời.

- Thôi ba vào với mẹ đi, con ra ngoài kia chơi với các chú ấy. Tạm biệt.

Nói rồi, mẹ chạy một mạch đến vòng tròn ca hát đó để tiếp tục cuộc vui. Bỗng Bùm... Bùm... Bùm... Tiếng pháo hoa vang lên. Mẹ ngước nhìn bầu trời, nhìn những ánh sáng muôn màu muôn vẻ đó và cảm thấy thật hạnh phúc. Thế là một năm mới đã đến. Cùng ở bên gia đình bạn bè trong thời khắc này thật không có gì vui bằng. Mẹ và mọi người cùng hát vang bài Happy New Year cầu chúc một năm mới tốt đẹp.

Sau khoản hai ba ngày trên đảo, sáng nào cũng thức dạy sớm lắng nghe những lời kể chuyện của biển khơi, chào đó những tia nắng mặt trời ban mai ló dạng và ngắm hoàng hôn trên biển, cùng các chú vui chơi hết rồng rắn lên mây rồi lại kéo co..., mẹ phải trở về đất liền với bà ngoại.

- Mẹ ơi, con muốn được ở lại với ba, muốn ở lại với các anh chiến sĩ. Con thích ở đây lắm!

- Con yêu à, ba còn phải làm nhiệm vụ. Chúng ta trở về đất liền rồi sau này có dịp quay lại được không con? Dù sao đây cũng là quê hương của con kia mà.

Bà ngoại và các chú dỗ dành mãi mẹ mới đồng ý.

- Đây là món quà biển mà các chú tặng cháu. Những chiếc vỏ ốc xinh xắn, con sao biển ngộ nghĩnh... Hãy giữ cẩn thận và đừng quên các chú nhé! - Chú An nói.

Mẹ chạy đến ôm lấy ông ngoại thật chặt.

- Tạm biệt ba con đi đây. Ba nhớ viết thư gửi về cho con nhé! Con yêu ba, nhớ ba rất nhiều. Chúc ba luôn luôn mạnh khỏe để làm tốt nhiệm vụ.

- Cháu chúc các chú “đá mòn mà dép không mòn”, cố gắng cầm chắc tay súng để giữ gìn biên cương!”

Mẹ tạm biệt họ rồi lên thuyền trở về. Cho đến bây giờ mới có thể trở lại mảnh đất yêu quý đó. Các con ạ, dù thế nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ về quê hương, quê cha đất tổ và hãy nhớ rằng, dòng máu đang chảy trong cơ thể này là dòng máu của chính những con người vùng biển thân yêu. Quê hương! Hai tiếng gọi thiêng liêng. Nó gắn với ta bao kỉ niệm tuổi thơ để khi nhớ lại ta sẽ thấy trái tim như được sưởi ấm, tâm hồn ấm áp đến lạ. Dù mai này có đi đâu, hình ảnh quê hương sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí và không bao giờ phai nhòa.

Đ.N.K.M   


NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUYÊN
(Lớp 8/3 - Nguyễn Du)  

Ba mươi năm xa quê mới trở về
Đi ngang con đường cũ đầy sương
Bao kỷ niệm ùa về trong trí nhớ.

 
Nhớ làm sao ngày đầu tiên đi học
Trên con đường măng mọc hai bên
Nhớ lời ru tiếng hát mẹ mỗi đêm
Ru con vào giấc mơ đầy hạnh phúc

 
Nhớ làm sao những ngọt ngào ca khúc
Lời hò ru của mẹ tới trước nhà
Tiếng ầu ơ đưa tôi vào giấc ngủ
Giấc ngủ say trên chiếc võng đu đưa

 
Nhớ làm sao những ngày mưa tầm tã
Trên con đường mẹ vất vả đội mưa
Nhớ bọn trẻ nô đùa những ngày xưa
Thời thơ ấu giờ đây đâu còn nữa.

 
Giờ tìm đâu những giấc mơ hạnh phúc
Đã xa quê hơn ba mươi năm rồi
Tìm đâu đây những cảm xúc bồi hồi
Kỷ niệm xưa, ôi những kỷ niệm xưa…


 

LÊ TRẦN MINH THƯ
(Lớp 5/2 - Trường TH Xuân Phú)  

Trong kí ức tuổi thơ, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình trưởng thành, tự lập hơn ngày hôm đó. Chắc các bạn sẽ hỏi tôi tại sao không phải ngày khác mà lại là “ngày hôm ấy”. Mọi việc đều có nguyên do của nó…

Như mọi ngày, tôi thức dậy vào khoảng bảy giờ rưỡi sáng. Lúc ấy tôi vẫn còn mơ màng ngủ, vô tri vô giác ngáp một cái. Kì lạ thay, tiếng ngáp của tôi không phải là tiếng người mà là tiếng… “meo!” Tôi hốt hoảng chạy lại chiếc gương treo trên bàn học. Chuyện gì thế này? Tôi còn không đủ cao để trèo lên trên ghế nữa. Lúc ấy trong lòng tôi hoang mang vô cùng. Không lẽ, tôi đã thực sự biến thành mèo sao? Nhất định không có chuyện đó đâu! Nhưng ai có thể giúp tôi bây giờ? Một ý nghĩ vụt đến trong chốc lát, tôi vui reo: “A! Đúng rồi. Mẹ!” Tôi liền chạy đi kiếm mẹ. Cơ thể tôi lúc chạy mới nhẹ nhàng và thoăn thoắt làm sao. Mẹ kia rồi! Tôi vội chạy đến ôm mẹ. Ôi! Người mẹ xinh đẹp của tôi lúc này sao lại to lớn và đáng sợ đến thế? Tôi chưa kịp gọi mẹ thì mẹ đã la toáng lên:

- Ôi chà! Con mèo hoang này, định ăn vụng nhà ta hả?

Nói rồi mẹ liền đuổi tôi ra khỏi nhà. Lúc này, tôi như mất hồn. Không lẽ tôi đã biến thành mèo thật rồi? Tôi khóc như mưa. Nhưng rồi tôi nghĩ: “Nếu tôi là mèo thì chắc hẳn, mình có thể làm mọi điều mình thích mà không bị ai mắng”. Tôi vui hẳn lên. Nhưng để chạy nhảy, vui chơi, tôi phải có cái gì đó bỏ vào bụng đã. Cả sáng tôi chưa ăn gì hết nên bây giờ đói ơi là đói. Bỗng, một mùi hương bay tới chỗ tôi. Ôi, mùi gì mà thơm quá! Tôi đi theo mùi hương và đích đến của tôi là nhà bác Lâm hàng xóm. Tôi lại tiếp tục đi theo hướng mùi bay. Là một con cá chiên. Thơm quá! Tôi đang định cắn một miếng thì có một cú đánh đau như trời giáng vào bụng. Rồi giọng ồm ồm vang lên: “Quân phá làng phá xóm! Dám bén mảng tới nhà ta. Mày cũng to gan lắm rồi nhỉ?” Là giọng của bác Lâm. Tôi vội vàng chạy đi. Rồi thật may, tôi đã thoát khỏi. Thật là một phen hú hồn. Thật ra thì khi nãy, tôi cũng có cắn một miếng cá và chạy đi trước khi bác Lâm đuổi. Giờ thì đã no rồi. Tôi bèn phiêu du một chuyến. Tôi đi tới nhà bạn Thủy, một cô bé xinh xắn. Mới vào ngang cửa thì đã có tiếng “Grừ… grừ…” vang bên tai. Tôi tái mặt khi thấy con chó của Thủy đứng sát tôi. Tôi chạy, con chó Ren của Thủy cũng chạy theo tôi. Đến một gốc cây si, tôi bèn trèo lên và ở đó đến khi con Ren rời khỏi. Tôi cẩn thận trèo xuống. Lúc xuống thì trời đổ mưa, tôi bèn chạy vào mái hiên để trú. Trong khoảng thời gian đó tôi suy nghĩ lại những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay. “Làm mèo thật khổ! Nếu là người mình sẽ không bị mẹ đuổi đi, sẽ không bị chú Lâm đánh và cũng không bị chó đuổi. Thế mà mình nghĩ nếu làm mèo thì sẽ được làm mọi điều mình muốn”. Nghĩ đến đây, những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má tôi. Một lúc sau, tôi ngủ thiếp đi vì mệt. Rồi không biết sao, lúc tỉnh dậy đã thấy ánh mắt mẹ trìu mến nhìn tôi, nói: “Con không sao chứ? Con ngủ li bì suốt cả buổi sáng đấy!” Tôi vội ôm chầm lấy mẹ khóc òa…

L.T.M.T  
(TCSH344/10-2017)


 

Các bài mới
Về làng (31/10/2017)
Các bài đã đăng
Mười ngày (20/10/2017)