Tạp chí Sông Hương - Số 344 (T.10-17)
Huỳnh Thúc Kháng - trước ngã ba thời đại
08:37 | 09/11/2017

PHẠM PHÚ PHONG

Có những thời đại lịch sử nóng bỏng riết róng, đặt những con người có tầm vóc, có lương tri và nhân cách luôn đứng trước những ngã ba đường, buộc phải có sự chọn lựa, không phải sự nhận đường một cách mơ hồ, thụ động mà là sự chọn lựa quyết liệt mang tính tất yếu và ý nghĩa sống còn của tiến trình lịch sử và số phận của những con người sống có mục đích lý tưởng, có độ dư về phẩm chất làm người.

Huỳnh Thúc Kháng - trước ngã ba thời đại
Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: wiki

Đó chính là những ngã ba đường mà Đặng Dung đã đứng và đã có cuộc chọn lựa để danh thơm muôn thuở. Đó cũng chính ở ngã ba đường mà Nguyễn Trãi đã tìm lối rẽ đúng để trở thành danh nhân văn hóa, một nhân cách tiêu biểu cho cả dân tộc. Với Huỳnh Thúc Kháng, trước sau, lớn nhỏ tùy vào từng thời điểm khác nhau, nhưng ít nhất có đến bốn lần lịch sử đặt ông đứng trước những ngã ba của thời đại, buộc ông phải chọn lựa trước những thử thách như một chất kiểm màu làm nổi rõ những gam màu nóng của một danh sĩ đất Quảng.

Sự hình thành và phát triển của văn chương xứ Quảng gắn liền với các trào lưu yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự hình thành một danh hiệu mà không có bất kỳ vùng đất nào có được, đó là danh sĩ đất Quảng. Tôi ngờ rằng, trước đó, danh hiệu kẻ sĩ Bắc Hà đã hình thành trong một quá trình lịch sử lâu đời, nhằm khẳng định những nhân cách, hoặc cao hơn, là những văn cách từ thuở Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi và được khẳng định bởi những sĩ phu ra giúp Nguyễn Huệ Tây Sơn làm nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Nhưng với vùng đất “phên giậu” Quảng Nam danh hiệu này không chỉ dừng lại ở “kẻ sĩ” (người có học), mà còn là “danh sĩ” (người học hành có tiếng tăm), nó hình thành cùng với bản sắc văn hóa của vùng đất, nó biểu hiện một thái độ dấn thân của người trí thức trước thời cuộc: người có văn hóa phải là người đứng ra nhận lãnh trọng trách trước thời đại. Khi đất nước có xâm lược, người có văn hóa là người yêu nước và bản lĩnh ấy được biểu hiện cao nhất ở hành động chống ngoại xâm. Vì vậy, trào lưu yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo nên tư cách của những danh sĩ, đầu tiên là những người có học, đỗ đạt ra làm quan giúp nước, như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm (gần giống với kẻ sĩ Bắc Hà trước đó), nhưng khi triều đình suy yếu, bạc nhược thì tự mình đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cứu nước như Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Phan Thành Tài, Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp... Hầu hết họ đều là những con người sinh ra ở ngã ba đường, đòi hỏi phải có sự chọn lựa, nên phải tìm đến với văn chương, làm văn chương là chọn lựa một cách thế thể hiện lòng yêu nước, đáp lại lời kêu gọi của lịch sử và Huỳnh Thúc Kháng cũng là một trong những người ưu tú nhất trong số đó.

Cuộc chọn lựa thứ nhất có ý nghĩa quyết định cho cuộc đời và sự nghiệp của Huỳnh Thúc Kháng thể hiện tâm huyết toàn vẹn của một thanh niên yêu nước trưởng thành trong thời đại bão giông của lịch sử dân tộc. Buổi chiều, ngồi trên đỉnh núi Thiên Ấn, nghe tiếng chuông chùa thanh vắng mà buồn đến nao lòng. Tôi đưa tầm mắt bao quát thành phố Quảng Ngãi xa xa với người và xe cộ tấp nập, rộn ràng, những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô như bức tranh đời sống liên hoàn vô tận, nhịp điệu gấp gáp của đời sống thời kinh tế thị trường. Còn ở đây trên bầu trời xanh mùa hạ, miên man những đám mây trôi sà thấp xuống, tưởng như chạm đến, loang thấm vào màu xanh của dòng nước sông Trà, minh chứng cho câu “Thiên Ấn niêm Trà”..., tôi bỗng hình dung ra vóc dáng nhân cách của người nằm dưới mộ, như mảnh vỡ của một thiên thạch xứ Quảng đã rơi xuống, nằm lại nơi đây, bầu bạn với đất trời, mây gió, núi sông. Đó chính là nhà chí sĩ, là học giả, nhà thơ, nhà báo và là một trong những danh sĩ đất Quảng Huỳnh Thúc Kháng.

Trước khi Huỳnh Thúc Kháng về “cư ngụ” nơi đây một năm, cũng chính tiếng chuông chùa này đã gội rửa bao muộn phiền, bệnh tật, tạo sự thanh thản những ngày tháng cuối đời cho thi sĩ Bích Khê, con người tài hoa đoản mệnh đã dừng lại ở cõi đời vào tuổi ba mươi. Trước khi qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã để lại di chúc muốn được về nằm lại nơi đây. Đó là sự lựa chọn không mấy dễ dàng vào thời điểm ấy (1947) khi mà cuộc kháng chiến đang diễn ra, phía Bắc cầu An Tân và phía Nam đèo Cù Mông là vùng địch chiếm đóng, vùng tự do Liên khu Năm bị cát cứ trong hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... Nhưng đây không phải là cuộc lựa chọn lần đầu, thể hiện bản lĩnh của một trí thức thời đại, có thể nói, suốt đời ông đều là những cuộc chọn lựa mang đậm đặc cái chất người của con người xứ sở quê ông, không xu thời, lừng khừng cầu vinh, mà quyết liệt thực hiện mục tiêu kiên định. Sinh năm 1876, ở Tiên Giang thượng, Tiên Phước, nhà nghèo, học giỏi, thi đỗ Giải nguyên (1900) rồi đỗ Hoàng giáp (1904) nhưng lại từ chối không ra làm quan, mà chọn con đường cách mạng cứu nước, giao du với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và trở thành một trong những người đứng đầu của phong trào Duy Tân, lãnh đạo cuộc xuống đường chống thuế và lãnh án 13 năm tù ở Côn Đảo (1908 - 1921). Sau khi ra tù, thực dân Pháp thành lập Viện dân biểu Trung kỳ, ông lại chọn con đường đấu tranh nghị trường, đứng ra làm Viện trưởng, liên tục trong hai năm (1926 - 1928) ông dùng diễn đàn này đấu tranh đòi cải cách dân chủ, nhưng không mấy hiệu quả, bèn đứng ra thành lập báo Tiếng dân để tiếp tục tranh đấu, mặc dù bản thân chưa đọc thông báo viết thạo chữ quốc ngữ. Sau Pháp là Nhật cũng đều mua chuộc, dụ dỗ nhưng đều bị ông từ chối, vì ông chọn con đường về với dân, hợp tác với chính quyền nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ông nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội Vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán (1946), mặc cho thù trong giặc ngoài, trong không khí dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn đứng ra làm Quyền Chủ tịch Nước, ông còn là người sáng lập và làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân... Năm đó, ông vào tuổi “thất thập cổ lai hy” và đang được trọng vọng như vậy, ông có quyền nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng ông lại chọn con đường dấn thân về quê hương kháng chiến, từ chối chức tước, bổng lộc, xin làm đặc phái viên của Chính phủ về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Liên khu Năm và qua đời vì già yếu, bệnh tật tại thị trấn Chợ Chùa ngày 21/4/1947.

Ngẫm lại, cuộc đời Huỳnh Thúc Kháng, quả là lúc nào lịch sử cũng đặt ông đứng ở ngã ba đường và yêu cầu bức bách phải có một cuộc chọn lựa quyết liệt và sự chọn lựa của ông bao giờ cũng đúng, có thể nói, cả cuộc đời ông sống theo một quyết định luận, một sự lựa chọn lớn mang tầm thời đại, là luôn đứng về nhân dân, dân tộc và đất nước. Vì vậy, thơ văn của ông cũng chủ yếu “nói về khí tiết của người đại trượng phu, không khuất phục uy vũ, không màng giàu sang, không sờn lòng trước gian khổ (....) những bài báo và thơ văn của Huỳnh Thúc Kháng viết trên Tiếng dân cho thấy ông là người yêu nước nhiệt thành, là bạn thắm thiết của dân nghèo - đặc biệt là của nông dân - sống cực nhọc dưới chế độ thực dân nửa phong kiến”(1). Vậy là, tất cả những cuộc chọn lựa trên đều thể hiện một cách nhất quán cái chất người trong con người của một “danh sĩ đất Quảng”. Điều đó còn thể hiện rõ trong thơ văn ông có một khẩu khí mạnh mẽ, cứng cỏi như chính con người của ông.

Cuộc chọn lựa cuối cùng của Huỳnh Thúc Kháng, cũng là nguyện vọng cuối cùng của ông, là được yên nghỉ tại đây, một ngôi mộ nhỏ, trên một khoảng đất khoảng hơn năm mươi mét vuông, bình thường, giản dị như chính cuộc đời vì dân vì nước của ông, nằm trên đỉnh núi thoáng mát, được mơn man bởi mây chiều và gió thổi từ sông Trà, trong tiếng kinh kệ từ ngôi chùa cổ. Người ta nói rằng, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có nguyện vọng này? Nếu quả đúng như thế, thì đấy là sự gặp nhau của những người tri âm. Tư tưởng mỹ học Phật giáo được Đức Thích Ca Mâu Ni chứng nghiệm qua nguyên lý: “Tôi thanh tịnh, tôi thấy mọi vật đều thanh tịnh” được siêu nghiệm ở chính nơi đây. Hơn sáu mươi năm qua, gió vẫn thổi, mây vẫn trôi, dòng sông vẫn trong xanh xuôi về biển cả, và nhân cách của một sĩ phu, một trí thức của thời đại, vẫn sừng sững với núi Ấn, sông Trà và non sông đất nước. Có lẽ, với ông, chết không phải là hết, là kết thúc, mà là kéo dài sự sống trong tâm tưởng mọi người, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong sự tiếc thương vô hạn, trước sự ra đi của ông, rằng: “Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước của cụ vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn của gần chục triệu đồng bào ta”.(2)

Tôi cúi lạy và giã biệt ông khi trời chiều đã tắt nắng, lấp lánh trên khoảng không những ánh sao sớm đang tỏ dần. Có vì sao nào chọn điểm rơi xuống nơi đây?

P.P.P  
(TCSH344/10-2017)

----------------
1. Lê Chí Dũng, Tự điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới, H.2004, tr.674.
2. Dẫn theo Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học và xã hội H.1991, tr.261.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về làng (31/10/2017)
Nắng hoàng hoa (25/10/2017)