KHẾ IÊM
(Xem Thơ và không thơ Kỳ 1)
IV. Kiến thức và thực tại
Ảnh: internet |
Nietzsche phủ nhận thực tại và đi vào chủ nghĩa Hư vô (Nihilism), và nếu kiến thức là giải thích, giải thích là kiến thức, vậy thì những triết gia trước Nietzsche, họ giải thích thế nào về thực tại? Thế kỷ 17, triết học phương Tây chia làm hai phái, chủ nghĩa Duy lý (Rationalism) với Descartes, Spinoza và Leibniz thuộc Âu châu, và chủ nghĩa Duy nghiệm (Empiricism) với những nhà triết học Anh, Locke, Berkeley và Hume. Những nhà Duy lý cho rằng kiến thức là bẩm sinh, và độc lập với kinh nghiệm giác quan. Chủ nghĩa thực nghiệm, ngược lại, cho rằng kinh nghiệm giác quan mới là nguồn gốc của kiến thức. Những năm 1700 và sau đó, chủ nghĩa Khai sáng lụi tàn, đặc biệt trong phạm vi triết học. David Hume (1711-1776), chấp nhận chủ nghĩa hoài nghi, và cho rằng phương pháp thực nghiệm không thể cung cấp cho chúng ta kiến thức về tính năng xác định của thực tại. Tương quan nhân quả nối kết giữa những biến cố, chỉ là nhận thức của chúng ta, qua thói quen. Hume đặt câu hỏi, làm sao chúng ta có thể rút ra những khái niệm thuần khiết từ kinh nghiệm, và tự trả lời, chúng ta không thể. Immanuel Kant (1724 - 1804) đồng ý, chúng ta không thể rút ra những khái niệm thuần khiết từ kinh nghiệm, nhưng có thể rút ra kinh nghiệm từ những khái niệm thuần khiết. Hume là người đã đánh thức thiên tài sáng tạo của Kant, nhà triết học lớn nhất thời hiện đại.
Theo Hume, mọi ý tưởng đều bắt nguồn từ một ấn tượng. Ấn tượng là kết quả trực tiếp, sinh động và mạnh mẽ của kinh nghiệm, khi chúng ta nhìn, nghe, cảm thấy, yêu ghét, ham muốn... Và sau đó, những ấn tượng này hình thành ý tưởng. Ví dụ, màu nền của màn hình chúng ta đang nhìn là ấn tượng, còn ký ức về màu tóc của người mẹ là ý tưởng. Như vậy, mọi ý tưởng đều bắt nguồn từ một ấn tượng trước đó, nhưng mỗi ý tưởng và ấn tượng lại hoàn toàn tách rời nhau, theo quan điểm của Hume. Chúng ta sử dụng các hoạt động tâm trí để liên kết ý tưởng với nhau bằng một trong ba cách: giống nhau, tiếp giáp, nguyên nhân và hiệu quả (con vật này trông giống như con vật kia, cuốn sách này nằm trên cái bàn đó, di chuyển công tắc này sẽ làm tắt ánh sáng).
Hume phân chia kiến thức ra “những vấn đề của sự kiện” (matters of fact) và “mối quan hệ về những ý tưởng” (relations of ideas). “Mối quan hệ về những ý tưởng” là toán học, đại số học và số học, là những phần của kiến thức, có trước, không học bởi kinh nghiệm. “Những vấn đề của sự kiện” là những phần của kinh nghiệm, có sau, qua kinh nghiệm. Hume giả sử cho rằng những kinh nghiệm trong quá khứ có liên quan đến các trường hợp hiện tại và tương lai. Nhưng mặc dù chúng ta thực sự tin rằng tương lai sẽ giống như quá khứ, nhưng niềm tin đó không phải hiển nhiên. Trong thực tế, thiên nhiên luôn luôn có thể thay đổi, do đó, các suy luận từ quá khứ đến tương lai không bao giờ chắc chắn. Tất cả các niềm tin trong các vấn đề sự kiện về cơ bản là không hợp lý. Ví dụ của Hume: niềm tin của chúng ta rằng mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Rõ ràng, đây là một vấn đề của sự kiện; nó phụ thuộc vào niềm tin rằng mỗi lần mặt trời mọc là hiệu ứng gây ra bởi sự quay của trái đất. Nhưng niềm tin trong mối quan hệ nhân quả này dựa trên các quan sát trong quá khứ, và niềm tin rằng nó sẽ tiếp tục vào ngày mai, không thể chứng minh bằng cách nhắc đến quá khứ. Vì vậy, chúng ta không có cơ sở hợp lý để tin rằng rằng mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Tuy nhiên, chúng ta tin thế. Đối với Hume, cảm giác kinh nghiệm tương đối đơn giản: các đối tượng bên ngoài tương tác với giác quan, tạo ra những ấn tượng, và sau đó, hình thành những ý tưởng trong tâm trí. Tất cả các ý tưởng bắt đầu từ giác quan, và từ đó, kiến thức chỉ có thể bao gồm những gì thông qua sự nhạy cảm.
Kant không biện hộ cho quan điểm của phái Duy lý rằng tất cả kiến thức được tạo ra bởi lý trí, và cũng không biện hộ cho quan điểm của phái Duy nghiệm rằng tất cả kiến thức được tạo ra bởi kinh nghiệm. Ông đồng ý với những nhà duy nghiệm rằng tất cả kiến thức bắt đầu với kinh nghiệm và không có ý tưởng bẩm sinh trong tâm trí, nhưng ông không đồng ý rằng kinh nghiệm phải là nguồn duy nhất của tất cả kiến thức. Thay vào đó, ông giải thích tại sao lý trí và kinh nghiệm có thể được kết hợp để tạo ra kiến thức vững chắc.
Kant cho rằng khi tâm trí nhìn thế giới, nó không có những chọn lựa, mà chỉ với những ý tưởng đã được cấu tạo từ trong tâm trí. Cách nhìn này Kant gọi là “trực giác” và Leibniz gọi là “công cụ của sự hiểu biết” (tools of understanding). Cả Leibniz và Kant đều biết, những công cụ của sự hiểu biết không có trong một em bé, nhưng chúng đã được lập trình về mặt di truyền để phát triển mà không cần dựa vào kinh nghiệm. Em bé không thể chơi bóng đá vì cơ chân chưa phát triển, nhưng chúng đã được lập trình để phát triển tự nhiên khi trưởng thành. Lock cho rằng tâm trí khi sinh ra là một phiến đá trắng, không có ý tưởng bẩm sinh. Leibiz và Kant, khác với Lock, cho rằng những sự phát triển này là bẩm sinh, và không phải là kết quả của kinh nghiệm. Vì vậy, thế giới đến với chúng ta qua trung gian các công cụ hiểu biết. Kiến thức không phải là cái gì tồn tại trong thế giới bên ngoài, và sau đó đổ vào trong tâm trí như sữa đổ vào bình. Thay vào đó, kiến thức là cái gì đó được tạo ra bởi tâm trí bằng cách lọc cảm giác thông qua các công cụ hiểu biết.
Kant phân biệt hiện tượng bề ngoài (phenomena) là những đối tượng có thể kinh nghiệm, còn vật-tự-thân (thing-in-itself-noumena) tạo ra thực tại, không phải là đối tượng của trực giác giác quan. Tất cả những suy diễn tổng hợp của chúng ta chỉ áp dụng cho lãnh vực hiện tượng bề ngoài, không phải cho vật-tự-thân. Như vậy, các định luật cơ bản nhất của thiên nhiên, những chân lý về toán học, chúng ta có thể biết được chính xác vì chúng không dùng để mô tả thế giới thực tại của vật-tự-thân. Bằng cách áp dụng các hình thức trực giác thuần khiết (pure forms of sensible intuition) và khái niệm thuần khiết của sự hiểu biết (pure concept of the understading), chúng ta có thể đạt được cái nhìn hệ thống về lãnh vực hiện tượng bề ngoài, nhưng hoàn toàn không biết gì về noumena, tức vật-tự-thân.
Kant chia kiến thức ra làm hai phạm trù: priori (tiên nghiệm) và posteriori (hậu nghiệm). Kiến thức tiên nghiệm (dựa trên lý trí) và kiến thức hậu nghiệm (dựa trên kinh nghiệm). Kiến thức tiên nghiệm có thể là thuần khiết (nếu nó không có yếu tố kinh nghiệm) hoặc không thuần khiết (nếu nó có một yếu tố kinh nghiệm).
Kiến thức có thể phát sinh nhờ hoạt động kết hợp từ hai nguồn chính: cảm năng (nguồn gốc của trực giác) và sự giác tính (sensibility and understanding). Sự cảm năng tạo ra trực giác, và sự giác tính tạo ra các khái niệm. Do đó, trực giác và khái niệm là những yếu tố của tất cả các nhận thức, cho dù chúng có dựa trên kinh nghiệm hay không.
Đối với Kant, kinh nghiệm được lọc, thông qua trực giác và khái niệm về sự hiểu biết, và trở thành thực tại bên trong chúng ta. Những quan điểm của Hume và Kant về bản chất thực tại, phải đợi hai thế kỷ sau mới được những nhà não bộ học và tâm lý học xác minh.
V. Chức năng não bộ
Não chia làm hai bán cầu, phải và trái. Mỗi bán cầu não lại chia ra làm 4 vùng chính, gọi là thùy (lobe): Thùy trán (Frontal lobe), Thùy đỉnh (Parietal lobe), Thùy thái dương (Temporal lobe), và Thùy chẩm (Occipital lobe). Bán cầu não trái kiểm soát các bắp thịt, nhận được thông tin cảm giác từ phần bên phải của cơ thể, thực hiện các nhiệm vụ về lý luận (logic), như trong khoa học và toán học. Bán cầu não phải kiểm soát các bắp thịt, nhận được thông tin cảm giác từ phần bên trái của cơ thể, và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật. Cả hai bán cầu được kết nối bằng Corpus callosum (cấu trúc kết nối hai bán cầu não). Corpus callosum (hình chai) là một bộ sợi thân thần kinh có chất trắng mỡ myelinin bao quanh sợi trục, tạo thành lớp cách điện, mang xung thần kinh (nerve impulses). Não chia ra làm hai bán cầu, vì đó là cấu tạo tự nhiên của loài động vật có vú, không riêng gì con người, đơn giản chỉ là hệ quả của hệ thống đối xứng song phương. Nếu nhìn vào trong gương, chúng ta thấy phần bên trái và bên phải của cơ thể đối xứng nhau, trong khi nửa trên và dưới hoàn toàn khác biệt.
* Chức năng bán cầu não:
Não trái: lý luận, phân tích, toán học, ngôn ngữ, lời nhạc, khoa học, viết văn, giao tiếp.
Não phải: sáng tạo, tưởng tượng, tư duy tổng thể, trực giác, nghệ thuật, cảm xúc, âm nhạc
Lý thuyết não trái, não phải bắt nguồn từ tác phẩm của Roger W. Sperry, người được trao giải Nobel năm 1981. Trong khi nghiên cứu các tác động của chứng động kinh, Sperry phát hiện ra rằng khi cắt bỏ Corpus callosum có thể làm giảm hoặc loại bỏ cơn co giật. Kết quả điển hình của nghiên cứu này liên quan đến sự hiện diện hình ảnh ở mắt trái (phía tay phải của não), bệnh nhân không thể nói tên của đồ vật (sử dụng các trung tâm ngôn ngữ ở bán cầu não trái), nhưng lại có thể chọn ra một đồ vật tương tự bằng tay trái (bán cầu não phải). Ông nói, “cuộc giải phẩu đã phát hiện con người có hai tâm trí riêng biệt, tức là hai bán cầu riêng biệt của ý thức”. Sperry cho rằng ngôn ngữ được kiểm soát bởi phía bên trái của não.
Con người (không phải tất cả) có khả năng ngôn ngữ ở bán cầu não trái. Và phần lớn những gì chúng ta biết về khả năng này đến từ các báo cáo lâm sàng của những người bị chấn thương sọ não hoặc bệnh tật. Dựa trên những dữ liệu này, ước tính từ 70% đến 95% những người thuận tay phải, có khả năng ngôn ngữ ở bán cầu não trái. Có nghĩa là một số tỷ lệ không rõ (có thể từ 5% đến 30%) bao gồm những người thuận tay trái, có khả năng ngôn ngữ ở bán cầu não phải, hoặc cả hai bán cầu não. Thật ra, thuận tay phải dường như phổ quát, đúng đối với tất cả mọi người, ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy, sự thuận tay có thể bị ảnh hưởng (và thay đổi) bởi các cơ chế xã hội và văn hóa. Ví dụ, giáo viên thường buộc trẻ em thuận tay trái chuyển sang viết bằng tay phải. Theo Dan Eden, các thí nghiệm cho thấy, hầu hết trẻ em thiên về bán cầu não phải trước khi tới tuổi đến trường. Vì hệ thống giáo dục ở đâu cũng vậy, đặt giá trị cao hơn vào các kỹ năng thuộc bán cầu não trái như toán học, lý luận và ngôn ngữ hơn là vẽ hoặc dùng trí tưởng tượng, nên trẻ em đến lúc 7 tuổi, chỉ còn 10% thiên về bán cầu não phải. Và khi trưởng thành, đa số dân số thiên về bán cầu não trái. Nhưng theo Leonard Sommer, hơn 160 ngàn người Mỹ tham gia cuộc kiểm tra não bộ, kết quả cho thấy, 37% thiên về não trái, 29% thiên về não phải, và 34% ảnh hưởng cả hai bán cầu khi quyết định về việc gì. Trong khi cuộc nghiên cứu về người Đức, có 43% thiên về não cầu trái, 24% thiên về não cầu phải, và 33% ảnh hưởng cả hai bán cầu trong các quyết định.
Có ý kiến phổ biến cho rằng có người “thiên về não trái”, có người “thiên về não phải”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa xác định được quan điểm này. Chúng ta chỉ có thể giải thích, Corpus callosum, về mặt thể chất, tuy là mạng kết nối hai bán cầu, nhưng so với mạng kết nối bên trong mỗi bán cầu, thì lại rất nhỏ. Vì thế, dường như các bán cầu không thể chia sẻ thông tin một cách đầy đủ hoặc hoạt động thống nhất. Một cách giải thích khác, có sự khác nhau giữa nam và nữ, về kích cỡ và sự hoạt động của não bộ. Theo Natalie Angier và Kenneth Chang, các nhà thần kinh học đã chỉ ra rằng bộ não của phái nam lớn hơn phái nữ, trung bình khoảng 10%. Lớn hơn, không có nghĩa là thông minh hơn, mà vì phái nam cần sự kiểm soát bắp thịt nhiều hơn, và cơ thể lớn hơn. Nhưng ngược lại, Corpus collosum của phái nữ có xu hướng lớn hơn phái nam, trung bình cũng khoảng 10%. Việc có một Corpus collosum lớn hơn cho phép phụ nữ có thể dễ dàng truyền dữ liệu giữa bên phải và trái của não. Trong khi phái nữ có khả năng tiếp cận nhiều hơn với cả hai bên bán cầu não, và sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, thì nam giới, vì có Corpus collosum nhỏ, nên chủ yếu chỉ dựa vào bán cầu não trái, trong sinh hoạt và quyết định.
Thật ra, nhu cầu kết hợp giữa hai bán cầu não là điều cần thiết và bình thường. Vì rằng bộ não phức tạp hơn những gì chúng ta biết được cho tới nay. Chẳng hạn, để hiểu ngôn ngữ đầy đủ, chúng ta cần hiểu được ngữ pháp (cấu trúc câu, được thực hiện tốt hơn ở bán cầu não trái), ý nghĩa của những thay đổi trong giai điệu (thực hiện bởi bán cầu não phải) và ý nghĩa của nó được giải mã như thế nào (được thực hiện bởi cả hai bán cầu). Tuy nhiên, thực tế có những nghề nghiệp đòi hỏi xu hướng thiên về bán cầu não phải hay trái. Nghiên cứu với hơn 1.000 sinh viên đại học cho thấy, mặc dù áp lực bên ngoài từ cha mẹ hoặc xã hội, hầu hết sinh viên đều làm theo sự ưa thích của mình - bán cầu não nổi bật - trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Vì có những ngành nghề thiên về bán cầu não phải như quảng cáo, trình bày nội thất, âm nhạc, nghệ thuật, báo chí... hoặc thiên về bán cầu não trái như kinh doanh, kế toán, tài chánh, luật sư... Vì vậy, nghề nghiệp cho chúng ta biết ai là người thiên về bán cầu não nào. Trong đời sống bình thường, người thiên về bán cầu não trái cực đoan hơn, có khả năng ăn nói lưu loát, còn người thiên về bán cầu não phải, chịu đựng hơn, ít có tinh thần ganh đua... Những nghiên cứu về não bộ đã giúp những nhà tâm lý học hiểu rõ tâm lý và tính tình từng người, những nhà văn, nhà thơ nắm bắt được cá tính nhân vật truyện kể, và mỗi người chúng ta hiểu được mình hơn, tìm kiếm nghề nghiệp và hạnh phúc trong đời, khi những kiến thức về não bộ dần dần phổ biến.
Nếu mỗi ngành nghề, muốn thành công, phải chọn lựa theo khả năng của mình, thì đối với thơ, những tiêu chuẩn nào chúng ta phải đáp ứng trong khi sáng tác? Theo một phân tích mới, sáng tạo không hẳn chỉ từ bán cầu não phải mà là khả năng nối kết giữa hai bán cầu não phải và trái với nhau. Một cuộc khảo sát về thành tích trong 10 lĩnh vực bao gồm viết văn, nấu ăn, khoa học, âm nhạc... Kết quả cho thấy những người tham gia đứng đầu 15 phần trăm dựa trên điểm sáng tạo của họ đã có nhiều kết nối hơn giữa bán cầu não phải và trái của não, so với những người ở dưới 15 phần trăm.
* Chức năng bán cầu não (bổ sung cho thơ):
Bán cầu não phải: thể thơ, biểu tượng (symbol), tưởng tượng, ẩn dụ, nghĩa bóng, phép điệp âm (allitreation), vần, phép làm thơ, nhịp điệu, luật tắc, ngữ pháp song song (parallelism), tiếng động (tiếng sấm chớp, còi xe, chó sủa...), truyện kể (narrative), sử thi, văn hóa truyền khẩu, âm nhạc, tôn giáo, triết học, hình ảnh, diễn đạt cảm xúc, trực giác, vô thức, ý tưởng mới, tổng hợp, hiện tại và tương lai.
Bán cầu não trái: nghĩa đen, nhịp điệu, ngôn ngữ nói và viết, phân tích chữ, lý luận, trừu tượng, khả năng viết và đọc, chi tiết, phê bình, dạy học, chữ, văn phạm, ý thức, kiến thức, sự quen thuộc, sự kiện, giải thích, nhận biết, ca từ, phần mảnh, hiện tại và quá khứ.
Ghi chú:
1. Nhịp điệu có thể được tiến hành ở cả hai bán cầu não, tuy nhiên, bán cầu não trái có vẻ tốt hơn với chiều dài của dòng thơ, ngừng lại cuối dòng và ngắt giọng (line length, end-stopping and caesura). Thể thơ, sự lặp lại những cấu trúc thơ, nằm bên não phải.
2. Kinh nghiệm cảm xúc, điều này, theo khẳng định của Nims, hơn bất cứ điều gì khác, là những gì chúng ta cho thơ. “Cảm xúc” của một bài thơ là một hiệu ứng phát sinh từ sự tương tác giữa nội dung và hình thức (thể thơ). Nhưng nội dung ở đây lại liên quan tới những ý tưởng liền lạc trong thơ, và ý tưởng phải được tiếp nhận từ năm giác quan đến từ thực tại, chứ không phải từ kiến thức hoặc những khái niệm trừu tượng.
3. Bán cầu não phải là điều cần thiết cho việc am hiểu cảm xúc trong ngôn ngữ nói, như thể hiện qua giọng hát, âm độ và điều chế, sự chuyển giọng. Bán cầu não trái xử lý nghĩa đen của các từ, nhưng bán cầu não phải xử lý nghĩa bóng.
Sự cân bằng giữa hai bán cầu não: Khi cảm thấy mỏi mệt hoặc căng thẳng, đó là vì chúng ta đã làm việc quá sức với bán cầu não trái. Chúng ta sử dụng 85% thời gian chức năng bán cầu não trái vì nghề nghiệp, hoặc trong cuộc sống như: để hiểu ý nghĩa của sự vật, suy nghĩ về các trình tự, phân tích ngôn ngữ và ý nghĩa, giải thích thông tin và truyền thông, và thu hút các sự kiện xung quanh chúng ta. Nhưng bán cầu não trái có những giới hạn và dùng áp lực để báo cho chúng ta biết, nó cần phải nghỉ ngơi (nghe nhạc không lời, giải trí...) Bởi vậy, khi thơ chỉ sáng tác với bán cầu não trái, không có cảm xúc, bắt người đọc phải vận dụng lý trí để hiểu, sẽ không ai chịu đọc, vì họ đã quá mệt mỏi với đời sống rồi. Để có sự cân bằng, người thiên về bán cầu não phải nên làm việc với những chức năng của bán cầu não trái như kiến thức, lý luận, còn người thiên về bán cầu não trái cũng cần làm việc với những chức năng của bán cầu não phải...
VI. Sáng tạo
Bán cầu não phải thuộc phần sáng tạo, bán cầu não trái thuộc luận lý và phân tích, và điều này là đúng. Nhưng thế nào là sáng tạo? Điều gì xảy ra trong não bộ, khi có tia sáng đột ngột bật lên và một ý tưởng xuất sắc đến từ hư không? Theo Jesper, sáng tạo là khả năng kết nối giữa kiến thức và kinh nghiệm trong tiềm thức, trải qua rất nhiều quá trình khác nhau: khả năng ứng biến, suy nghĩ khác biệt, có ánh sáng lóe lên trong nội tâm (flashes of insight)... Thùy thái dương (Temporal lobe) ở hai bên não, có một nếp cuộn cao cấp (Superior temporal gyrus), và đây là nơi những ánh sáng lóe xuất hiện.
Cũng theo Jesper, “Các tế bào não ở bán cầu trái có những sợi nhánh (dendrites) ngắn, hữu ích cho việc thu thập thông tin gần đó. Nhưng các tế bào bên não phải có những sợi nhánh (dendrites) dài hơn và kéo những ý tưởng xa hơn trong não bộ. Hãy tưởng tượng một cơn lốc xoáy khổng lồ, thu hút xe ô tô và cây cối... trên đường đi của nó. Nhưng thay vì di chuyển về phía trước, như cơn lốc xoáy có thể làm, những ý tưởng được kéo ngược trở lại vào nếp cuộn cao cấp. Trong một chớp lóe của nội tâm, nếp cuộn cao cấp bên trái không thực sự phản ứng, nhưng bên phải thì có phản ứng, và kết quả dựa trên một loạt các thông tin và ý tưởng tìm thấy ở những nơi khác nhau trong não bộ.”
Ánh sáng lóe ra trong nội tâm (flashes of insight) là những khoảnh khắc khi tâm trí được thư giãn, và không suy nghĩ theo phương pháp hay luận lý. Điều này có thể giải thích, khi thư giãn và để cho tâm trí đi lang thang, Thùy trán (Frontal lobe) rơi vào tình trạng ngủ tạm thời, giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc đưa ý tưởng từ tiềm thức vào ý thức và các ý tưởng sáng tạo sẽ xuất hiện. Như vậy, thói quen sáng tác trong lúc ngủ lại thích hợp với thơ, vì lúc đó đầu óc “thư giãn và lang thang”, và thường thì chúng ta ít khi có những giấc ngủ sâu, mà đa phần ở trạng thái mơ mơ màng màng. Khác với văn xuôi, nhà văn cứ ngồi xuống bàn, bắt được với dòng suy nghĩ là có thể viết được, vì viết văn làm việc với bán cầu não trái. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra, nhiều cá nhân sáng tạo có Corpus callosum phát triển hơn. Sau đó, sự sáng tạo dường như liên quan đến hoạt động của toàn thể não bộ. Trong suốt công việc, cả khía cạnh lý trí và cảm xúc phải làm việc toàn diện với nhau. Nhưng mỗi bán cầu cũng có xu hướng độc lập, nếu với một công việc không có nhu cầu kết nối.
Như chúng ta biết, phái nam có Corpus callosum nhỏ, khó kết nối giữa hai bán cầu, còn phái nữ lớn hơn và dễ kết nối hơn, nhưng chỉ với một công việc có nhu cầu và phương pháp kết nối cả hai bán cầu, sáng tạo nghệ thuật chẳng hạn. Cụ thể trong thơ, thơ thể luật tiếng Anh, cách sáng tác kết hợp được những yếu tố như nhạc tính, nhịp điệu, cảm xúc... ở bán cầu não phải, ngôn ngữ và kiến thức ở bán cầu não trái. Luật tắc và thể thơ tạo nhịp điệu và phối hợp giữa các yếu tố thuộc bán cầu não phải. Nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, nên thơ thể luật, dù có vần hay không ở cuối dòng thơ, vẫn có thể vắt từ dòng này qua dòng khác, làm cho ý tưởng được liên tục. Với kỹ thuật này, một câu dài hơn một dòng thơ, vẫn có thể tiếp tục qua một dòng khác, làm cho ý nghĩa được hoàn tất. Kỹ thuật vắt dòng đã có từ thời cổ đại, với Homer, và là một kỹ thuật chủ yếu của thơ thể luật. Chính kỹ thuật này đã giúp cho những nhà thơ thể luật tiếng Anh (và những ngôn ngữ đa âm khác) nối kết hai bán cầu trái và phải, và làm cho thơ phát huy tư tưởng, làm thành những tác phẩm lớn, lôi kéo người đọc.
Với những ngôn ngữ đơn âm, như tiếng Việt, thơ vần điệu, không thể vắt dòng vì có vần ở cuối dòng thơ. Vì thế, một câu thơ không thể dài hơn một dòng thơ sẽ khó tạo cho thơ những ý tưởng liên tục. Chính điều này đã hạn chế sự kết nối, và thơ được sáng tác hoàn toàn bằng não cầu phải. Vần cuối dòng giống như bức tường ngăn cản hai bán cầu não thông thương với nhau (kiến thức là nền tảng tạo tư tưởng trong thơ nằm ở bán cầu não trái). Thơ thuần cảm xúc, và nội dung nếu có, chỉ hạn chế ở loại thơ tâm tình (dù sử dụng ẩn dụ để tạo chiều sâu), ca dao tục ngữ, tình yêu hay đạo giáo, những chủ đề nằm trong bán cầu não phải. Nếu là truyện kể thì nội dung cũng chỉ đơn giản, vì không thể tạo nên tình tiết, lý luận, tư tưởng (nằm trong bán cầu não trái). Với thơ thể luật tiếng Anh, nếu người làm thơ không có kiến thức để kết nối, nội dung cũng sẽ quanh quẩn trong những chủ đề này. Vì thế, trong thời đại, con người thiên về bán cầu não trái, lớp người đọc thơ vần điệu hầu hết quay sang thưởng thức những ca khúc như tình ca hay đạo ca (kinh Thánh chẳng hạn)... Chúng ta có thể liên tưởng tới thơ Mới, với chủ đề tình yêu nam nữ thời mới lớn, bị thay thế bởi nhạc tiền chiến và hàng loạt những nhạc sĩ nổi tiếng về tình ca, đạo ca thập niên 1960s ở miền Nam...
Trong khi đó, thơ tự do phủ nhận mọi yếu tố thơ truyền thống thuộc bán cầu não phải, và chỉ làm thơ với ngôn ngữ và kiến thức ở bán cầu não trái. Annie Finch, nhà thơ, nhà phê bình, học giả, dịch giả, nhà giáo dục, và là người viết lời kịch - trong sáng tác, pha trộn giữa phong cách thơ tự do và thể luật, bà nói: “Đã có những nghiên cứu khoa học cho rằng khi đọc hoặc làm thơ tự do, họ đang sử dụng não trái, phần não sử dụng cho văn xuôi. Khi làm thơ với thể luật, họ đang sử dụng não phải, đó là nơi có âm nhạc, hình ảnh, không gian, và vô thức.” Bà cũng nói, “Khi Pound bắt đầu cuộc cách mạng thơ tự do cách đây một trăm năm, ông nói công việc đầu tiên là phá vỡ luật tắc pentameter, và điều này, những nhà thơ tự do đã làm. Họ nghĩ rằng họ đã mở đường cho nhịp điệu mới và luật tắc mới, bên cạnh iambic. Và thay vào đó, họ đã bị mắc kẹt với thơ tự do, và không bao giờ có được luật tắc trong tương lai. Con đường cho nền âm nhạc mới cũng không bao giờ xảy ra.”
Trước khi bàn luận về ý kiến của nhà thơ Annie Finch, chúng ta tóm tắt một chút về thơ phương Tây, để có cái nhìn bao quát. Phong trào Lãng mạn chấm dứt vào nửa đầu thế kỷ 19. Tại Mỹ, nhà thơ Walt Whitman, khởi xướng thơ tự do, với tập thơ “Lá Cỏ” (Leaves of Grass), xuất bản năm 1855. Trong khi đó tại Pháp, ảnh hưởng về ngôn ngữ và hình ảnh từ nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe và chủ nghĩa huyền bí (hermeticism) nơi nhà thơ Charles Baudelaire (1821 - 1867), được phát triển bởi Stéphane Mallarmé (1842 - 1898), và Paul Verlaine (1844 - 1896), lơi lỏng thể luật, hình thành phong trào thơ Tượng trưng vào thập niên 1880s. Đó là những thời kỳ nổi bật ở thế kỷ 19.
Bước vào thế kỷ 20, phương Tây phải đối đầu với một cuộc chiến khốc liệt chưa từng thấy, thế chiến thứ nhất (1914 - 1918). Sau chiến tranh, vào những thập niên 1920s, những nhà trí thức Mỹ ít quan tâm tới chính trị và những biến chuyển của đời sống xã hội. Hầu hết những nhà tiểu thuyết, nhà thơ, nhạc sĩ và những nhà khoa học, cảm thấy họ thua kém Âu châu. Và để tiếp thu những kiến thức về văn học, hội họa, những lý thuyết tiên tiến về vật lý và phân tâm học, họ phải tới Luân Đôn, Ba Lê, Bá Linh, Vienna để học hỏi. Đến năm 1929, khủng khoảng kinh tế xảy ra tại Mỹ, sau đó lan ra toàn Âu châu, kéo dài 10 năm. Năm 1933, Franklin Roosevelt đắc cử tổng thống Mỹ. Và vào những năm 1935 - 1939, Chính phủ thời tổng thống Roosevelt đã tạo ra Dự án Nghệ thuật Liên bang (Federal Art Project), trợ giúp văn nghệ sĩ phát huy kỹ năng, hoàn tất sáng tác của họ, qua giáo dục, thiết lập những trung tâm nghệ thuật, tạo công ăn việc làm. Cũng trong khoảng thập niên 1930s, làn sóng hàng ngàn những nghệ sĩ, nhà văn và nhà thơ cũng như những nhà sưu tập và buôn tranh từ Âu châu di cư sang Mỹ để tránh chế độ Quốc xã, trong đó có thể kể Marcel Duchamp, André Breton, Marc Chagall, Piet Mondrian... New York thay thế Paris như một trung tâm nghệ thuật thế giới.
Hết khủng khoảng kinh tế, tiếp theo đến thế chiến II (1939 - 1945), Âu châu kiệt quệ, mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật từ hội họa, âm nhạc, thơ chuyển qua Mỹ. Khởi đầu là trường phái hội họa Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Impressionism), sau đó là Pop Art, Jazz music, Pop music, Hip- hop. Thơ với những phong trào tiền phong, Thế hệ Beat, trường phái New York, Black Mountain, thơ Ngôn ngữ... Thơ chuyển qua thời kỳ hậu hiện đại, và mỗi trường phái thực hành những trầm tư của những nhà thơ thời hiện đại, tìm những phương cách diễn đạt mới cho thơ tự do. Thế hệ Beat, vẫn giữ cách diễn đạt thơ thời Whitman, chú tâm vào chủ đề tính dục, đồng tính, cần sa, phản chiến... (Trường phái New York, ảnh hưởng Siêu thực Pháp, điển hình với nhà thơ John Ashbery.)
Thơ tự do hiện đại và hậu hiện đại nổi tiếng là khó, và là một dòng thơ trí tuệ. Nhưng thơ thể luật cũng có thời kỳ thơ rất khó. Thơ khó làm mất người đọc, đưa tới sự chấm dứt một thời kỳ thơ, đã từng xảy ra với cả thơ thể luật lẫn thơ tự do, cách nhau một thế kỷ. Nửa sau thế kỷ 19 là thời kỳ vàng son của tiểu thuyết hiện thực, thoát thai từ loại văn xuôi viết như thơ - sau một thời gian dài, từ cổ đại tới thời Phục hưng - lấy theo yếu tố truyện kể trong thơ. Khi thơ không còn yếu tố truyện kể, nhà thơ mất đi nhu cầu chuyển tải tư tưởng. Thơ phá vỡ cú pháp, quan tâm tới ngôn ngữ với ẩn dụ, hoặc bóng bảy (thơ tiếng Anh thời Victoria) hoặc bí hiểm (thơ Tượng trưng). Các nhà thơ quay sang sáng tác hoàn toàn với bán cầu não phải, để diễn tả cảm xúc nội tâm. Mà cảm xúc thì luôn luôn bất thường và khó hiểu. Nhưng khi khoa học công nghệ phát triển, phương Tây hình thành xã hội kỹ nghệ hiện đại, bán cầu não trái của con người cũng phát triển theo. Người đọc có nhu cầu tư tưởng trong thơ, thơ thể luật đi vào bế tắc, và đó là lý do tại sao thơ tự do đã trở thành dòng thơ chủ yếu của thế kỷ 20. Đến đây chúng ta mới thấy, truyện kể là yếu tố chính, chẳng phải chỉ trong thơ, mà ở tất cả các bộ môn khác, như kịch nghệ, ca nhạc và điện ảnh... Bởi vì đó là yếu tố tạo nên tình tiết, lôi cuốn người đọc.
Trường phái Tượng trưng, với thơ thể luật, rơi vào bế tắc cuối thế kỷ 19, chuyển dần sang thơ tự do, với nhà thơ Jules Laforgue (1860 - 1887). Nếu thơ tự do Pháp ảnh hưởng Whitman, thì thơ tự do hiện đại, chủ nghĩa Hình tượng (Imagism), 1910, với nhà thơ T. S. Eliot và Ezra Pound, lại ảnh hưởng nhà thơ Pháp Jules Laforgue. Thơ Pháp, tiếp theo đến năm 1920, xuất hiện chủ nghĩa Dada và chủ nghĩa Siêu thực, tuyên ngôn Siêu thực năm 1924, với lối viết tự động (automatic writing). Thơ tự do thoát ra khỏi mọi luật tắc, cắt đứt các yếu tố thơ thể luật như nhạc tính, nhịp điệu cảm xúc... ra khỏi thơ. Yếu tố truyện kể được thay bằng kỹ thuật phân mảnh (fragment), làm đứt đoạn ý tưởng, điều này phù hợp với bán cầu não trái, vì ý nghĩa tổng hợp thuộc bán cầu não phải.
Thơ, nói chung, sẽ không có nội dung với cách diễn đạt những ý tưởng không liên tục, vì người đọc không hiểu ý nghĩa bài thơ, và như vậy, không đáp ứng được nhu cầu tư tưởng của họ. Đối với thơ tự do loại khó, nói không có nội dung cũng không hẳn đúng, vì với những ý tưởng rời rạc, người đọc phải vận dụng lý trí phân tích ra mới hiểu được. Đó là hai phong trào điển hình thời hậu hiện đại, Black Mountain và thơ Ngôn ngữ Mỹ. Trường phái Black Mountain, thập niên 1950s, dùng bài tiểu luận Projective Verse (Thơ Xạ Ảnh) của Charles Olson như một tuyên ngôn, kết hợp sự cô đọng ngôn ngữ, với quan điểm của William Carlos Williams, tìm cấu trúc thơ để thay thế những thể thơ truyền thống. Về nguyên tắc, hình thức không vượt quá sự mở rộng nội dung, và một nhận thức phải ngay lập tức và trực tiếp dẫn đến một nhận thức khác. Câu thơ dựa trên khả năng của hơi thở, chú tâm tới âm tiết nói của ngôn ngữ khi đọc lên. Còn thơ Ngôn ngữ, thập niên 1980s, đi xa hơn, sáng tác một loại thơ vô nghĩa, dựa theo lý thuyết hậu cấu trúc.
Nhưng thật ra, không phải thơ không có ý nghĩa, mà ý nghĩa nằm trong quan điểm sáng tác (Black Mountain), hay lý thuyết của mỗi nhà thơ (thơ Ngôn ngữ). Và vì sáng tác hoàn toàn bằng bán cầu não trái, với ngôn ngữ và kiến thức, nên họ đều là những bậc thầy về ngôn ngữ và kiến thức (với thơ Việt, có thể liên tưởng tới những nhà thơ như Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền). Những bậc thầy như vậy thì không nhiều, và họ mới là những khuôn mặt tiêu biểu cho dòng thơ trí tuệ. Vì nếu nếu làm thơ với ngôn ngữ và kiến thức, mà người làm thơ không có căn bản mang tính nền tảng về kiến thức, thì đó chỉ là trò dối lừa của ngôn ngữ, theo như Nietzsche. Tuy nhiên vì bị cuốn theo cơn lốc làm mới, chìm đắm trong thế giới của riêng họ, nên thơ tự do mất khả năng tiếp cận người đọc, cuối cùng, lặp lại sự bế tắc của thơ thể luật cuối thế kỷ 19, làm thơ theo cách chọn chữ, chọn lời, dựa vào âm thanh ngôn ngữ. Một đằng thì hoàn toàn dựa vào bán cầu não trái, một đằng thì dựa hoàn toàn vào bán cầu não phải. Cả hai đều xa rời bản chất truyền thống của thơ.
VII. Thơ khó
Thơ tự do, khởi đầu với nhà thơ Walt Whitman, chưa phải là dòng thơ khó. Tập thơ “Lá Cỏ” (Leaves of Grass) được viết theo cú pháp song song, rập khuôn theo bản dịch kinh Thánh thời King James, hoàn tất năm 1611. Cú pháp song song là nhịp điệu văn xuôi cổ. Hầu hết lịch sử văn xuôi đều liên quan tới làm sao cho văn xuôi dễ nhớ, nhưng lại không theo nhịp điệu đều đặn của thơ, vì như thế làm người đọc nhàm chán. Nhà văn áp dụng nhịp điệu giống như văn nói truyền thống: dùng câu đẳng lập (parataxis), lặp lại một từ hay nhiều từ đầu của hai hay nhiều mệnh đề hay câu; hoặc cú pháp song song (parallelism), lặp lại cú pháp giống nhau, nhóm từ, mệnh đề hay câu.
“He built the House of the Forest of Lebanon; its length was a hundred cubits, and its breadth fifty cubits, and its height thirty cubits, and it was built upon three rows of cedar pillars, with cedar beams upon the pillars. And it was covered with cedar above the chambers that were upon the forty-five pillars, fifteen in each row”. (1 Kings 7:2).
(Ông ta xây Căn Nhà thuộc Rừng Li-băng; bề dài 800 thước, và bề ngang 400 thước, bề cao 240 thước, và xây trên ba hàng cột bằng gỗ bách hương, với những rầm gỗ bách hương trên các hàng cột. Nó được che phủ bằng những rầm gỗ bách hương trên các căn buồng có bốn mươi lăm cột, mười lăm cột mỗi hàng).
“The aria sinking,
All else continuing, the stars shining,
The winds blowing, the notes of the bird continuous echoing...”
(Walt Whitman, ‘Out of the Cradle Endlessly Rocking’)
(Điệu nhạc chìm xuống,
Tất cả những gì khác tiếp tục, những ngôi sao sáng lên,
Gió thổi, tiếng chim hót liên tục vang vọng...)
“Lá Cỏ”, tuy không còn dùng thể luật thơ truyền thống, nhưng vẫn còn chất thơ với cú pháp song song và phong cách viết trong Thánh kinh (tôn giáo), quen thuộc với người đọc phương Tây. Nhưng đến thời hiện đại, chủ nghĩa Hình tượng mang phong cách khó hiểu của phái Tượng trưng vào thơ tự do.
Nhưng thế nào là một bài thơ khó? Những nhà nghiên cứu nêu ra một số yếu tố như sau: 1/ Dùng chữ bí hiểm có ý nghĩa không quen thuộc hoặc ngược lại với định nghĩa trong tự điển; 2/ Ám chỉ tới một điều gì chưa ai biết; 3/ Xáo trộn cú pháp, làm bài thơ hoàn toàn không thể giải thích vì chỉ có âm thanh và nghĩa chữ. Riêng với thơ tự do, khi phủ nhận thể thơ và mọi yếu tố thơ thể luật (thuộc bán cầu não phải), đã tạo ra những phong trào tiền phong, đi tìm cho thơ những kỹ thuật và hình thức mới. Dùng kỹ thuật phân mảnh (fragment) làm đứt đoạn ý tưởng, bẻ gãy câu thơ, dàn dựng chữ, nhóm chữ trên trang giấy làm thành những hình thức khó hiểu. Hoặc chỉ quan tâm tới bản chất của chữ, tạo ra thế giới khái niệm, không liên quan tới thực tại bên ngoài. Và cuối cùng, dễ dãi hơn, tự diễn đạt bằng cách ghi xuống giấy những suy nghĩ rời rạc cá nhân.
Bài thơ dài “Waste Land” tiêu biểu cho phong cách phần mảnh.
April is the cruellest month, breeding
Lilacs out of the dead land, mixing
Memory and desire, stirring
Dull roots with spring rain.
Winter kept us warm, covering
Earth in forgetful snow, feeding
A little life with dried tubers.
(Tháng tư là tháng tàn nhẫn nhất, sản sinh
Cây tử đinh hương từ vùng đất chết, pha lẫn
Ký ức và ước muốn, kích thích
Rễ héo úa với mưa xuân.
Mùa đông giữ chúng ta ấm áp, bao phủ
Trái đất trong tuyết lãng quên, nuôi
Cuộc sống nhỏ nhoi với thân củ khô.)
Bài thơ khó hiểu, ngay cả với giới học giả và phê bình, vì nó đã xa lánh những yếu tố truyền thống như nhịp điệu, thể thơ, truyện kể và ý nghĩa. Người đọc không hiểu bài thơ muốn nói gì, vì tác giả sử dụng kỹ thuật phần mảnh, làm đứt đoạn ý tưởng (fragment), với đầy rẫy những ám chỉ (allusion). Theo Pericles Lewis, “Được hỗ trợ bởi các ghi chú và bình luận của riêng Eliot, các học giả đã nhận ra những lời ám chỉ trong 76 dòng đầu tiên: Sách Khôn Ngoan (the Book of Common Prayer), Geoffrey Chaucer, Rupert Brooke, Walt Whitman, Théophile Gautier, Charles-Louis Philippe, James Thomson, Guillaume Apollinaire, Nữ bá tước Marie Larisch, Wyndham Lewis, chín cuốn sách của Kinh thánh, John Donne, Alfred Lord Tennyson, Richard Wagner, Sappho, Catullus, Lord Byron, Joseph Campbell, Aldous Huxley, JG Frazer, Jessie L. Weston, WB Yeats, Shakespeare, Walter Pater, Charles Baudelaire, Dante, Ezra Pound, James Joyce, và John Webster. Những lời ám chỉ này xuyên suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tiền thân của Eliot, nhưng chúng bao gồm một số nguồn thời cổ đại, trung cổ và thời Phục hưng, do đó thiết lập một truyền thống hồi tưởng dường như chạy từ Sappho xuống Pound, Eliot và bạn bè của ông.” Bài thơ như một tòa nhà triển lãm kiến thức.
Những dòng đầu tiên của bài thơ nêu trên, ám chỉ Geoffrey Chaucer, nhà thơ Anh. Trong “Những câu chuyện của Canterbury” (The Canterbury Tales), Chaucer bắt đầu bằng cách mô tả về “cơn mưa rào ngọt ngào” vào tháng 4, làm cho hoa mùa xuân bừng nở. Chu kỳ tự nhiên của sự chết và tái sanh theo truyền thống liên quan đến tháng Tư. Nhưng đối với Eliot, những cơn rào mưa tháng Tư tàn nhẫn, không ngọt ngào. Những câu mở đầu này đặt ra câu hỏi với một truyền thống dường như không còn đủ khả năng nuôi dưỡng “những gốc rễ ngu ngốc” của cảm giác. Nhà thơ sống trong một vùng đất hoang hóa hiện đại, sau thế chiến, trong một xã hội công nghiệp hóa. Những nhà thơ khởi đầu thơ hiện đại như T.S. Eliot và Ezra Pound, họ cũng muốn tạo nhịp điệu mới cho thơ, bằng cách lặp lại những câu chữ, gọi là những chuỗi nhạc tính (compose in the sequence of the musical phrase), nhưng đã thất bại, vì tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, sự lặp lại những câu chữ trở thành dài dòng và không đủ mạnh. Nhưng khi quan niệm về vần, Eliot cũng phần nào có lý, khi ông nhấn mạnh, những nhà thơ hiện đại nên sử dụng vần ở bất cứ đâu hiệu quả nhất.
Ảnh hưởng của Eliot, dẫn tới loại thơ khó với các phong trào Black Mountain (thập niên 1950s) và thơ Ngôn ngữ (thập niên 1980s), và cũng chấm dứt luôn thơ hậu hiện đại. (Hai phong trào này đã được giới thiệu trong bài Cách làm Thơ). Trong một bài viết này, chúng tôi dẫn thêm một số thí dụ trong một tuyển tập tiêu biểu đa phần là thơ khó, “Thơ Hậu hiện đại Mỹ” (Postmodernism American Poetry) do Hoover chủ biên, với 700 trang, 114 tác giả do nhà Norton ấn hành năm 1994. Mỗi tác giả một kiểu khó khác nhau, thí dụ như bài, “25 Mesostics Re and Not Re Mark Tobey” của John Cage:
it was impossible
to do anything:
the door
was locked.
i won the first game.
he won the second.
in boston,
next
year, he’ll be teaching philosophy.
the house is a mess
paintings
wherever
you look.
(không thể/ làm bất cứ điều gì:/ cửa đã khóa.), (tôi thắng bàn thứ nhất/ hắn thắng bàn thứ hai/ ở Boston,/ năm/ tới, hắn sẽ dạy triết học.), (căn nhà bừa bộn/ những bức tranh/ bất cứ đâu/ bạn thấy).
Bài thơ bao gồm 25 đoạn như thế, và cứ 2 đoạn, những chữ viết hoa tạo thành tên Mark Tobey. Mỗi đoạn là một ý, không liên hệ gì với nhau, hình thức bài thơ khó hiểu, và người đọc không biết bài thơ có ý nghĩa gì, cái hay của thơ nằm ở đâu? Có lẽ, như nhà thơ Eliot phát biểu về bài thơ dài, “Blue Closet” của William Morris (1834 - 1896), thời Victoria, “một bài thơ thú vị, mặc dù tôi không thể giải thích ý nghĩa của nó và tôi nghi ngờ tác giả cũng không thể giải thích”, để biện hộ cho sự khó hiểu của bài thơ Waste Land (Đất Hoang) của ông.
DENISE LEVERTOV
The Ache of Marriage
The ache of marriage;
thigh and tongue, beloved,
are heavy with it,
it throbs in the teeth
We look for communion
and are turned away, beloved,
each and each
It is leviathan and we
in its belly
looking for joy, some joy
not to be known outside of it
two by two in the ark of
the ache of it.
Nỗi đau của Hôn nhân
Nỗi đau của hôn nhân;
Đùi và lưỡi, người yêu dấu,
nặng nề với nỗi đau
rộn lên trong răng
Chúng tôi tìm kiếm sự hiệp thông
và bị quay đi, người yêu dấu,
mỗi người và mỗi người
Đó là con thủy quái và chúng tôi
trong bụng nó
tìm kiếm niềm vui, vài niềm vui
không được biết đến bên ngoài nó
từng cặp trong chiếc thuyền lớn của
nỗi đau.
Nếu bài thơ Waste Land của Eliot, phần mảnh kiến thức và đầy những ám chỉ, thì bài thơ của Denise Levertov, thuộc trường phái Black Mountain, phần mảnh ý tưởng và cũng đầy ám chỉ. Bài thơ nổi tiếng được viết vào thập niên 1960, gồm 13 dòng, và 5 đoạn. Đoạn 1: 1 dòng, lặp lại tựa đề bài thơ. Đoạn 2: tác giả liên hệ nỗi đau với những phần trong cơ thể. Lưỡi ám chỉ lời nói, những tranh cãi không ngớt trong hôn nhân. Đùi, ám chỉ hôn nhân giống như cuộc chạy đua đường trường (marathon), phải chịu đựng lâu dài. Và nỗi đau, không khác gì với những cơn đau răng. Đoạn 3: Trong hôn nhân, mỗi người đều muốn chia sẻ cảm giác và ý nghĩ với người phối ngẫu, nhưng đôi khi không thể chia sẻ. Đoạn 4: Hôn nhân giống như con thủy quái ăn thịt những cặp vợ chồng, nuốt vào bụng chúng, và họ không còn biết tới niềm vui, vì niềm vui ở bên ngoài bụng cá. Đoạn 5: Những cặp hôn nhân sẽ kinh nghiệm được nỗi đau hôn nhân.
Đoạn 4 và 5, liên hệ tới kinh Thánh. Câu chuyện về tiên tri Jonah: Chúa sai Jonah tới Nineved khuyên răn dân tránh xa các việc làm tội lỗi. Nhưng Jonah không thích những người Nineveh nên không muốn họ biết tới thông điệp của Chúa. Thế rồi thay vì đi Nineveh, ông đi tới Joppa. Khi tàu vừa ra khơi thì bão tố nổi lên, Jonah bị ném xuống biển và rơi vào bụng cá ba ngày ba đêm. Câu chuyện về Nô-ê (Noah): được chọn bởi Chúa Trời, đóng chiếc tàu Ark, đưa xuống tàu mỗi sinh vật một con đực và một con cái để bảo tồn nòi giống, trước khi Chúa nhận chìm thế giới trong cơn đại hồng thủy.
Dòng 4, “Chúng tôi tìm kiếm sự hiệp thông”, bà muốn nói, khi một cặp vợ chồng trải qua cuộc hôn nhân, họ được kết nối: cơ thể, tâm trí, và linh hồn, chia sẻ với nhau những đau đớn và niềm vui. Hình ảnh là một trong những thiết bị văn học chính mà Levertov sử dụng trong suốt bài thơ của mình. Ví dụ, bằng cách nói “từng cặp trong chiếc tàu lớn”, Levertov ám chỉ chiếc tàu của Nô-ê, tượng trưng cho niềm tin giữa cặp vợ chồng, so sánh mối ràng buộc của hôn nhân với biểu tượng kinh Thánh, con tàu Ark của Nô-ê. Levertov cũng đề cập đến kinh Thánh khi so sánh tình yêu trong hôn nhân với con quái vật biển khổng lồ thường được sử dụng như một biểu tượng của ma quỷ, minh họa những khó khăn. Những rào cản đó sẽ luôn luôn được khắc phục nếu tình yêu giữa hai vợ chồng mạnh mẽ và trung thành.
Bài thơ với những câu, chữ rời rạc, kiệm lời, nhưng đi xa hơn, chỉ còn cô đọng lại những ý tưởng. Nhân nói đến sự kiệm lời, phái Hình tượng chủ trương, dùng ngôn ngữ thông thường và rõ ràng, hạn chế tĩnh từ, dần dần dẫn tới khuynh hướng những nhà thơ cô đọng ngôn ngữ, bỏ thêm các chữ về giới từ, trạng từ, mạo từ, những động từ thụ động như thì, là (to be), trở nên (become), hình như (seem). Nhà thơ Micol kể câu chuyện như sau: khi đứng cạnh cái giếng nước, có cái trục quay lấy nước lên, nay đã đóng rêu, gợi tới ký ức về một người cậu, đã làm nó, 40 năm về trước. Ông viết 3 câu thơ:
For in the soothing sounds of waters’ whisperings
As they turn a moss-encrusted wheel,
He is present.
(Vì trong những âm thanh nhẹ nhàng của những tiếng thì thầm của nước
Khi làm quay cái trục quay đóng rêu
Ông hiện diện.)
Ba dòng thơ tổng cộng 15 chữ - 3 giới từ (for, in, of), 2 mạo từ (the, a), và một trạng từ (as).
Cuối cùng, chỉ còn lại 5 chữ:
“His moss-encrusted waterwheel whisper”
(Cái trục quay đóng rêu của ông thì thầm)
Cách làm thơ quả là thuần lý. Đối với loại thơ toàn phân tích và phân tích này, dường như chỉ là một trò chơi của lý trí, dành cho một số người đọc đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, diễn giải của những nhà thơ và phê bình đang giảng dạy, và sinh viên của họ. Vì người đọc bình thường thưởng ngoạn thơ, với cả cảm xúc lẫn ý tưởng, vừa dễ hiểu vừa có chiều sâu, chứ không chỉ thuần lý và khó hiểu như bài thơ trên của Levertov.
K.I
(Còn nữa)
(TCSH344/10-2017)