Tạp chí Sông Hương - Số 345 (T.11-17)
Phạm Phú Phong - “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”
08:20 | 20/11/2017

HỒ TẤT ĐĂNG

"Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi bỗng nhận ra rằng, cũng như bao người khác, cả gia đình tôi đã góp máu để làm nên cuộc sống hôm nay, nếu còn tồn tại điều gì chưa thỏa đáng, chính bản thân tôi cũng có một phần trách nhiệm trong đó.” (Phạm Phú Phong).

Phạm Phú Phong - “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”
Nhà giáo Phạm Phú Phong

Trong lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của Đại học Huế nói chung, Trường Đại học Khoa học Huế (tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp) nói riêng, nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông được đào tạo tại địa chỉ giáo dục này, và ông đã góp phần tạo nên chính môi trường giáo dục ấy, với gần 40 năm tham gia giảng dạy cho đến Nhà giáo Phạm Phú Phong những ngày “lục thập nhi nhĩ thuận” (tuổi sáu mươi thì không còn điều gì còn cảm thấy chướng tai gai mắt). Xem xét lại lịch sử Đại học Huế và Trường Đại học Khoa học, Phạm Phú Phong và những người bạn đồng trang lứa của ông là thế hệ mang một dấu mốc quan trọng. Phạm Phú Phong thi vào Trường Đại học Tổng hợp năm 1977, khóa của ông chính là K1. K1 là sản phẩm đầu tiên của mái trường xã hội chủ nghĩa, với một ý thức hệ khác, chương trình giáo dục, phương pháp sư phạm khác, mới được hình thành trên mảnh đất Cố đô Huế. Thế hệ ông thật đặc biệt bởi là khóa duy nhất mà những người xuất sắc trong năm cuối được gửi ra Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để “du học”. Họ chính là sản phẩm đào tạo liên kết giữa hai mái trường.

Năm nay tròn sáu mươi tuổi, nhà giáo Phạm Phú Phong đã chạm đến vòng quay của thời gian, của tuổi, khi nhận sổ hưu trí. Với ngòi bút sắc sảo, giọng điệu tự trào, Phạm Phú Phong nhiều khi khiến ta tưởng rằng ông sẽ vượt thoát khỏi cái quy luật “sinh - già” của tạo hóa. Nhà giáo Phạm Phú Phong là một trong những người đặc biệt của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, bởi ông là người gần như dành trọn vẹn cả cuộc đời để hiến dâng những gì tâm huyết và trăn trở nhất cho địa chỉ đào tạo này. Có thể ông không làm lãnh đạo lớn, nhưng hiếm có người sống ở miền Nam như ông, được đào tạo trong cả hai môi trường giáo dục, thu nhận những tinh túy để chắt lọc thành niềm đam mê văn chương trên giảng đường, cả với cương vị người trò lẫn người thầy trong gần 40 năm. Phạm Phú Phong cũng đặc biệt bởi ông là trường hợp điển hình cho một thế hệ trí thức người Việt - thế hệ trí thức đi qua chiến tranh. Sau gần 40 năm giảng dạy liên tục cho đến tận ngày về hưu, và cả sau về hưu, nhà giáo Phạm Phú Phong là một nhân cách giáo dục đáng chú ý, một cây bút lý luận phê bình có tiếng trên văn đàn. Gia sản lớn nhất của ông cho đến ngày nay, không hẳn là lời ca tụng, mà chính là sự yêu quý, hâm mộ, trân trọng của nhiều thế hệ sinh viên đã học ông. Nếu có một đơn vị và công cụ đo lường sự yêu quý của sinh viên đối với giảng viên, tôi tin nhà giáo Phạm Phú Phong luôn là một trong những người thầy có số điểm cao nhất. Trên thực tế, một vài trang fanpage và trang cá nhân facebook trên mạng (Ví dụ Hội những người yêu quý thầy Phạm Phú Phong, Người gieo mầm cho báo chí miền Trung, Mây của trời gió sẽ mang đi…) đã được sinh viên lập ra để tri ân thầy Phạm Phú Phong, với hàng ngàn thành viên tham dự. Để có được một chân dung nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong như hôm nay, cần phải hiểu quá trình được hun đúc, rèn luyện từ quê hương Quảng Nam, tuổi thơ dữ dội và truyền thống gia đình cách mạng.

Nhà giáo Phạm Phú Phong sinh năm 1955 (tuổi thật) tại Điện Trung, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình khoa bảng mà người thành đạt và nổi danh nhất là nhà Nho, tiến sĩ Phạm Phú Thứ. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Phạm Phú Phong đã tham gia công tác cách mạng và được giao cho nhiệm vụ liên lạc, giao bưu, lúc đó chỉ mới 12 tuổi. Năm 1968, ông ra Huế học và đến năm 1973, tiếp tục tham gia hoạt động trong phong trào tranh đấu của học sinh - sinh viên Huế, một phong trào cách mạng do Thành ủy Huế lãnh đạo. Năm 1974, ông được tổ chức chuyển sang tham gia lực lượng biệt động thuộc thành đội Huế. Tháng 3/1975, ông tham gia chiến dịch giải phóng Huế và sau đó, làm Phường Đội trưởng phường Phú Cát đến tháng 9 năm 1975, ông về lại Thành ủy công tác và được tổ chức cho chuyển ngành về đi học lại.

Năm 1977, Phạm Phú Phong dự tuyển vào khóa K1 trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học). Năm 1980, Phạm Phú Phong là một trong những sinh viên ưu tú được gửi ra Hà Nội học. Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, ông từng lên xe ca chuẩn bị ra chiến trường, để rồi có lệnh gọi lại bởi là cựu chiến binh và đã có hai anh là liệt sĩ. Năm 1981, ông tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường làm giảng viên cho đến nay. Gần 40 năm đứng trên bục giảng, với bao vui buồn của kiếp người và sự nghiệp làm thầy, ông là một nhân cách sư phạm với cấu trúc tam tài ba vai: nhà giáo, nhà báo và nhà lý luận phê bình văn học.

*

Cho đến nay, nhà giáo Phạm Phú Phong đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người. Chỉ tính riêng trong những năm còn tại chức, ông đã góp phần đào tạo được hơn 37 khóa học và với cả hàng ngàn học trò giờ đây công tác khắp mọi miền trên toàn quốc. Phạm Phú Phong là nhà sư phạm giỏi, bởi ông nắm chắc được vấn đề lý thuyết, với phương pháp truyền đạt đầy cảm hứng, năng lực liên hệ thực tiễn, kiến thức đời sống văn học phong phú. Ông là một trong những người dạy mỹ học đầu tiên của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ngoài ra dạy lý luận văn học và lịch sử văn học kháng chiến. Ông cũng tham gia giảng dạy tại nhiều ngôi trường ngoài Trường Đại học Khoa học Huế như Học viện Chính trị Quốc gia, Học viện Phật giáo, Học viện Công giáo, Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Dân lập Phú Xuân…

Nghệ thuật sư phạm của ông đó là nằm lòng kiến thức giảng dạy đến nhập tâm, thuộc lòng. Bất cứ ai là học trò của thầy Phạm Phú Phong đều quen với hình ảnh một người thầy không bao giờ cần đến cặp và bài giảng mỗi khi đến lớp, nhưng vẫn trình bày lớp lang, trình tự, có bài bản. Có một câu chuyện thú vị: có lần lãnh đạo trường và khoa góp ý thầy Phạm Phú Phong đi dạy nên mang theo bài giảng, cặp sách… cho có vẻ hàn lâm, sư phạm, dù ai cũng hiểu bài giảng nằm trong đầu ông. Thế là, để tránh gây phiền cho lãnh đạo, thầy giáo Phạm Phú Phong mỗi lần đi dạy cũng mang theo một cái cặp nhưng hoàn toàn chẳng có gì trong đó, chiếc cặp ấy là để “cho bằng bạn bằng bè”, đồng nghiệp khỏi thắc mắc. Thầy giáo Phạm Phú Phong đã đi sâu vào tâm thức nhiều thế hệ học trò, bởi ông luôn tạo ra sự gần gũi, thân thiện trong một tinh thần “biết cười”, nhằm giải phóng con người khỏi sự giáo điều, đam mê chân lý một cách điên cuồng như quan niệm của Umberto Eco. Phạm Phú Phong luôn có phong thái trào phúng về cuộc đời và về chính mình. Là một người con đất Quảng, có lẽ tư duy đấu tranh, phản biện luôn chảy trong huyết mạch của ông. Nhưng khác với nhiều người, Phạm Phú Phong có khả năng phản tư, tự trào, ông luôn lấy bản thân mình làm đối tượng phê phán, là chủ đề của tiếng cười. Thời nay, có một thầy giáo vừa có râu kẽm, lại vừa sún răng, nhưng lại cuốn hút người khác. Cái răng cửa bị sún vì một tai nạn nào đó mà nhất định ông không chịu trồng lại răng giả như lẽ thường tình. Ông thường đùa rằng, cái răng ấy là do bị vợ đánh gãy…

Tất cả các thế hệ học trò luôn kính trọng, yêu mến và gần gũi thầy Phạm Phú Phong, họ gọi thân thương là “bố”. Khả năng nhớ họ tên, nhớ tính cách, nhớ nét chữ của thầy Phạm Phú Phong cũng khó ai bì kịp. Trong những cuộc giao lưu với cựu sinh viên, thầy Phạm Phú Phong luôn là tâm điểm, bởi ông có thể nói vanh vách về học trò này đến học trò khác. Ở tuổi sáu mươi, trên mái tóc màu muối đã nhiều hơn màu tiêu đen, gia tài của nhà sư phạm Phạm Phú Phong là những thế hệ học trò đã thành danh. Rất nhiều người trong số họ là những thầy giáo đáng kính đang miệt mài sự nghiệp trồng người.

Điểm sáng đáng chú ý trong sự nghiệp giáo dục của Phạm Phú Phong là công lao đã mở ra ngành Báo chí cho Đại học Huế và Trường Đại học Khoa học Huế. Cho đến nay, báo chí đã trở thành một khoa riêng, độc lập và là khoa thu hút số lượng tuyển sinh nhiều nhất của Trường Đại học Khoa học Huế. Khoa Báo chí hiện nay của Trường Đại học Khoa học Huế cũng là địa chỉ đào tạo báo chí đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng Phạm Phú Phong luôn ý thức sâu sắc về giới hạn của mình, nên ông luôn khuyên học trò phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập nhằm giúp ích cho đời và cho mình.

*

Phạm Phú Phong người thầy đầu tiên của nhiều thế hệ nhà báo ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều nhà báo nổi tiếng trên cả nước từng là học trò của thầy giáo Phạm Phú Phong. Ông la# người xin được mã ngành báo chí, xây dựng những chương trình giảng dạy báo chí đầu tiên và cũng là người trực tiếp đứng lớp sớm nhất. Để làm được điều đó, chỉ tài năng văn chương thôi là không đủ. Chính vốn sống thực tiễn phong phú và kinh nghiệm thực tế làm báo đã giúp ông trở thành người thầy của nhiều thế hệ nhà báo ở miền Trung và Tây Nguyên.

Phạm Phú Phong từ lâu đã là cây bút báo chí chuyên viết kí chân dung và phê bình văn học đương đại có tiếng trên các tạp chí văn nghệ địa phương như Sông Hương, Đất Quảng, Văn hóa Quảng Nam, Nghiên cứu văn học… Cho đến nay, ông đã có hàng trăm bài viết đáng chú ý được in trên các báo. Phạm Phú Phong hoạt động trên nhiều lĩnh vực báo chí khác nhau. Ông từng làm thư kí chương trình phát thanh văn nghệ từ năm 1991 đến năm 1996 của Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế - TRT. Ông cu#ng từng làm Trưởng văn phòng đại diện báo Phụ nữ Việt Nam tại khu vực miền Trung từ năm 1991 đến năm 2005. Những giải thưởng báo chí danh giá dành cho ông có thể kể đến Giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật đất Quảng lần thứ II (2009 - 2013). Chỉ tính riêng ba loại hình báo chí phổ biến nhất là báo in, báo nói và báo hình, nhà báo Phạm Phú Phong đã có những thành tựu nhất định, sớm xác lập cho mình một uy tín nghề nghiệp vững chắc.

Nhà báo Phạm Phú Phong với lối viết điềm đạm, nhưng cương trực và thẳng thắn, sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải và sự thật ở đời. Những bài báo của ông cũng thấm đẫm chất văn hóa, sự hiểu biết về lịch sử văn học và đời sống nghệ thuật. Trong bài báo “Gió theo gió, bay vào trong gió” in trên báo Doanh nghiệp cuối tuần số 24 năm 2006, ông viết về những suy tư của kiếp người, của lòng tri ân khi về thăm lại nghĩa trang liệt sĩ tại quê hương vào những dịp tháng bảy trong năm. Đứng trước ngôi mộ ngẫu nhiên của một liệt sĩ trùng tên họ và quê quán với ông, nhà báo có những chiêm nghiệm sâu sắc: “Chừng nào tôi không còn cảm thấy sức nặng của người đã khuất còn để lại, là tôi đã sống khác đi, như một kẻ vô ơn đáng nguyền rủa. Như một sự ràng buộc vô hình, một món nợ cần phải trả, cứ mỗi lần về thăm, tôi lại đến ngồi bên ngôi mộ kia (ngôi mộ cùng tên - HTĐ) và có cảm giác mình đang nằm dưới mộ. Và, tôi thấy tâm hồn tôi trong sạch, thanh khiết đến lạ thường”.

Đọc những tác phẩm báo chí của Phạm Phú Phong, chúng ta thấy rõ một nhân sinh quan đầy cá tính, nhưng thấm đẫm chất nhân văn. Chất văn chương trong các tác phẩm báo chí của Phạm Phú Phong luôn lấn át tính thời sự, chính luận. Có thể cũng chính vì điều này, nên đa phần những bài báo của ông chuyên viết về mảng văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là kí chân dung những nhà văn hóa, nghệ sĩ lớn. Trong bài báo “Nét chữ Phạm Hầu” đăng trên báo Quảng Nam cuối tuần số 224, ra ngày 25 tháng 5 năm 2008, Phạm Phú Phong cảm thấy xót thương cho sự lãng quên nhanh chóng của lòng người. Không ít những người sống đã đối xử với người chết như thể mọi điều đang có ngày nay chỉ là giá trị được tạo dựng trong thì hiện tại. Thi sĩ Phạm Hầu nằm cô lạnh giữa đồi vắng, cỏ mọc cao quá đầu gối, tuyệt nhiên không có một chân nhang. Trong 56 chữ khắc một đoạn thơ của cố thi sĩ trên bia đã có 18 lỗi chính tả. Một Trương Vĩnh Ký với công lao khai sinh ra nền báo chí Việt Nam, người cùng thời tôn vinh là một trong 18 nhà bác học toàn cầu, cho đến nay, ngay cả những người làm văn hóa, giảng dạy ở quê ông vẫn nhầm tưởng nơi tưởng niệm ngày ra đời của ông là… nơi chôn cất, trong bài báo với tựa đề “Trương Vĩnh Ký - lá rụng về đâu” đăng trên Phụ nữ Việt Nam số 55 năm 2008. Trong bài báo “Nhặt lá trên mộ Phạm Quỳnh” đăng trên báo Quảng Trị cuối tuần tháng 3 năm 2008, Phạm Phú Phong chua xót cho người từng được vinh danh là một trong “tứ trụ” của các nhà văn hóa đương thời là Phạm Quỳnh, nhà văn hóa Việt Nam xuất sắc, vẫn phải chịu cảnh cô quạnh mỗi khi năm hết tết đến bên ngôi nhà vĩnh cửu của mình. Thế mới biết, cái chết đâu chỉ có giản đơn là sự tiếp nối sự sống trong lòng của những người đang sống.

Qua cách lựa chọn đối tượng để phê bình, để xây dựng chân dung, qua cách đặt vấn đề một cách riết róng không ngại va chạm, ta có thể nhận ra cá tính, bản lĩnh và chiều sâu văn hóa của Phạm Phú Phong. Những đối tượng được nhà báo Phạm Phú Phong hướng ngòi bút nhằm khắc họa đều là những vĩ nhân, những nhà văn hóa lớn của dân tộc. Với văn phong sắc sảo, đầy tính phê phán, nhà báo Phạm Phú Phong là người nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với tiền nhân. “Nhưng xét cho cùng, trong cuộc khởi nghĩa này, nhà vua yêu nước chỉ là ngọn cờ, còn toàn bộ sức mạnh và công lao phải đặt Thái Phiên và Trần Cao Vân lên hàng đầu. Vậy mà, 67 năm qua, đã mấy ai tiếp tục nghĩa cử của bà Trương Thị Dương, sửa sang, tu bổ ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước này… Tôi tự hỏi: dăm mười năm nữa, khi tấm bia mỏng manh, sơ sài kia không chịu đựng nổi thử thách của thời gian và mưa nắng, có ai còn nhớ đến hài cốt của hai ông nữa không! Người chết không biết nói, không đòi hỏi, không biết trả lời. Câu trả lời xin dành cho những người lãnh đạo đương chức” [Báo Diễn đàn thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng ra ngày 6 tháng 6 năm 1989]. Sau bài báo ấy, mộ của 2 chí sĩ yêu nước đã được tu sửa cẩn thận.

Năm nay nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Phú Phong vừa tròn 60 tuổi (trên giấy tờ), rất nhiều bạn bè, học trò, đồng nghiệp trong các lễ chia tay đã chúc mừng ông sức khỏe, sống an nhiên tuổi già ở dốc Nam Giao. Ông bắt đầu đi tiếp hành trình thứ hai của cuộc đời với niềm vui khi đã có truyền nhân nối nghiệp, đó là cô con gái rượu đầu lòng - nhà văn Meggie Phạm giờ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là giảng viên đồng nghiệp với ông. Có thể nói Phạm Phú Phong mới đi được một nửa đường trên hành trình cầm bút của mình. Nhiều dự định ông khó làm được, bởi ai cũng chỉ tồn tại trong giới hạn cuộc đời mình, của thời đại mình, nhưng sẽ có nhiều dự định mà với Phạm Phú Phong, đây là lúc thích hợp để ông bắt đầu. “Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết” (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận); chúc cho nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình Phạm Phú Phong sẽ luôn tìm thấy “Đêm qua sân trước một nhành mai” trong sự nghiệp của mình, lúc này, bây giờ, và mãi mãi về sau.

H.T.Đ  
(TCSH345/11-2017)




 

Các bài mới
Trễ giờ (01/12/2017)
Các bài đã đăng
Ơn Thầy (20/11/2017)