Tạp chí Sông Hương - Số 345 (T.11-17)
Dạng song điệp và song thanh điệp vận của thể thơ Thất ngôn luật Đường
10:07 | 29/11/2017

TRIỀU NGUYÊN

1. Đặt vấn đề
Có lẽ không ít lần chúng ta đã nghe nói đến hai dạng thơ Song điệpSong thanh điệp vận của thể thơ Thất ngôn luật Đường, trên thi đàn Việt. Vậy chúng là những kiểu, dạng thơ như thế nào, và quan hệ giữa chúng ra sao?

Dạng song điệp và song thanh điệp vận của thể thơ Thất ngôn luật Đường
Ảnh: internet

Thử lật một số tài liệu có xem xét, nhìn nhận vấn đề:

[1] Dương Quảng Hàm (2002), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.123: “Song điệp [雙 疊] (song: đôi; điệp: trùng nhau), là lối thơ mỗi câu hoặc ở đầu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lặp lại)”; tài liệu này trích bài “Chuyện đời” (Khuyết danh; dẫn ở mục dưới) để minh họa - Việt Nam văn học sử yếu là sách giáo khoa dùng cho bậc Trung học, thời thuộc Pháp.

[2] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (2003), Thơ ca Việt Nam: hình thức và thể loại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.230 - 231: “Song điệp: Đây là một thể thơ mà trong mỗi câu đều có hai từ trùng điệp”. Tài liệu này đưa hai thí dụ: a) Thí dụ 1, “Nguyệt hoa” (Khuyết danh; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Hoa là quốc sắc, nguyệt hằng nga/ Nguyệt tỏ hoa thơm khéo mặn mà”); b) Thí dụ 2, “Dại khôn” (Nguyễn Bỉnh Khiêm; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Làm người có dại mới nên khôn/ Chớ dại ngây si, chớ quá khôn”).

[3] Lạc Nam (1993), Tìm hiểu các thể thơ (từ thơ cổ phong đến thơ luật), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.166 - 167: “Song điệp là tất cả tám câu đều có 2 điệp từ”. Thí dụ, bài “Chuyện đời” đã nêu ở [1]; bên cạnh đó, tài liệu này còn trình bày kiểu thơ “Song điệp độc vận” với hai thí dụ, bài “Xuân và thơ” (Lạc Nam; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Xuân tự ngàn xưa, bạn với thơ/ Tình xuân là cả vạn bài thơ”), bài “Nghĩa tình” (Lạc Nam; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Chữ nghĩa đi đôi với chữ tình/ Nếu coi thường nghĩa sẽ lơi tình”) - theo đó, thì bài thơ “Dại khôn” trình bày ở [2], thuộc kiểu “Song điệp độc vận” này.

[4] Lãng Nhân (1992), Chơi chữ, Nxb. Văn học, Hà Nội: a) Ở tr.237, gọi tên một dạng thơ là Song điệp và dẫn bài “Chuyện đời” (bài mà [1] và [3] đều dẫn), đồng thời ghi thêm hai bài “Dạo núi” (Nguyễn Khoa Vy), “Rót giọt sầu thâu” (Hoàng Nguyệt Quế) - bài viết này sắp dẫn cả hai; b) Ở tr. 268, lại nêu một dạng thơ khác, là Song thanh điệp vận, đưa bài “Cảnh chiều” (Tuy Lý Vương), có dẫn ở dưới, để minh họa.

[5] Nguyễn Khoa Bội Lan, Nguyễn Khoa Diệu Liên (1991), Thơ Thảo Am, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, tr.32 - 33: ghi cách Song thanh điệp vận, kèm theo giải thích “Hai chữ một vần”, đồng thời chép 4 bài Thất ngôn luật Đường theo cách này, gồm hai bài tứ tuyệt “Trời bão”, “Trời lụt” (có dẫn ở dưới), và hai bài bát cú “Đi dạo miền núi sông cảm tác” (gọi tắt theo [4] là “Dạo núi”), “Đi dạo thuyền với bạn cảm tác”.

[6] Lê Đăng Mành (2014), “Thể thơ Song thanh điệp vận”, http://goc- thoduong.blogspot.com, đăng ngày: 08/11/2014; chép bài “Phiêu diêu” (Lê Đăng Mành; hai dòng đầu: “Gieo neo lẩn thẩn giữa trời chơi/ Lận đận trần thân mãi phải tời”), và một số bài họa, như “Lã chã” (Phan Tự Trí; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Ơi trời không lẽ vẽ vời chơi/ Lớt phớt lao xao lớ ngớ tời”), “May thay” (Nguyễn Gia Khanh; thể thơ Thất ngôn bát cú luật Đường, hai dòng đầu: “Thong dong trút bút ghẹo lời chơi/ Đã ngã may thay khéo kéo tời”).

Qua đó, xét riêng về việc gọi tên, có thể thấy:

- Nếu cho việc hiểu Song điệp của [1] là đúng, thì [2] không đúng, [3] nửa đúng nửa sai (đúng vì như [1], sai vì như [2]);

- Nếu hiểu Song điệp như [1], Song thanh điệp vận như [5], thì tài liệu [4] đã lẫn lộn giữa chúng, tài liệu [6] không sai, nhưng có điều cần bàn.

2. Giải quyết vấn đề

Do việc hiểu về “Song điệp” và “Song thanh điệp vận” chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu như đã trình bày, nên để tiện nắm bắt vấn đề, trước tiên, có lẽ cần trích dẫn các văn bản liên quan để biết diện mạo chung, kế đến mới tìm hiểu chi tiết, và bàn về điểm xuất phát, vị trí, vai trò của dạng thơ đang đặt ra (giả sử các việc làm sau có nhầm lẫn, thì diện mạo của sự việc, sẽ không vì thế mà khác đi).

2.1. Diện mạo của dạng thơ Song điệp Song thanh điệp vận

Thử chép lại ở đây một số bài thơ được nhiều nhà nghiên cứu và nhà thơ cho là thuộc dạng thơ Song điệp Song thanh điệp vận. Để tiện kiểm chứng vấn đề, hầu hết các bài thơ được ghi nhận trích từ số tài liệu đã nêu.

CẢNH CHIỀU (Tuy Lý Vương)

Mây xây núi túi, chim tìm tổ
Khách cách đường trường, nôốc cột lau
Lỏng khỏng đào cao, nường phậu xấu
Lơ thơ liễu yếu, chị đàu đau.(1)
        (Nguồn: Lãng Nhân, Chơi chữ, sđd., tr.268).

TRỜI LỤT (Nguyễn Khoa Vy)

Đồng không nước rượt tràn ngang mốc
Rú cũ mưa đừa sạch bách meo
Ết lết sưng chưn ngồi chỏ hỏ
Cò lo lạnh cánh đậu cheo leo.(2)

(Nguồn: Nguyễn Khoa Bội Lan, Nguyễn Khoa Diệu Liên, Thơ Thảo Am, sđd., tr.33).

CHUYỆN ĐỜI (Khuyết danh)

Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại, chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi.

(Nguồn: Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, sđd., tr.123 - Tài liệu này không ghi nhan đề; nhan đề trên, theo: Trần Trung Viên (1968), Văn đàn bảo giám, Nxb. Mặc Lâm, Sài Gòn, tr.68).

DẠO NÚI (Nguyễn Khoa Vy)

Nước bước sa đà ngắm dặm đàng
Thừa ưa tốt một vẻ quan san
Tươi mươi nhụy túy bông trồng bạc
Lổ đổ ngành xanh lá mạ vàng
Lúc ngúc đầu trâu ngồi nhóm xóm
Lau nhau mỏ chó sủa vang làng
Đường trường lải rải dừng chân nghỉ
Lặng lẳng chùa khua lốc cốc tang.

(Nguồn: Nguyễn Khoa Bội Lan, Nguyễn Khoa Diệu Liên, Thơ Thảo Am, sđd., tr.32 - 33 - Nhan đề trên, theo: Lãng Nhân, Chơi chữ, sđd., tr.237).

RÓT GIỌT SẦU THÂU (Hoàng Nguyệt Quế)

Lá hạ la đà ngõ gió thâu
Chồng không võng lọng thím Ngâu sầu
Sương vương cảnh lặng trăng vàng tủi
Cúc giục lan tàn, vóc ngọc âu
Điệu liễu yêu kiều, con giậu xấu
Dòng sông trống rỗng, nhịp cầu sâu
Duyên tiên quả đã trao vào mộng
Mắt sắc cười tươi vọng bóng câu.

(Nguồn: Lãng Nhân, Chơi chữ, sđd., tr.237 - 238).

BÍU RÍU (Khúc xướng họa tương truyền của ông Phạm Như Xương và bà Phú Lệ(3)).

- Bài Phạm Như Xương gửi Phú Lệ:

Bíu ríu đương thương chớ nỡ lìa
Trong lòng bó rọ khó bề kia
Người đời rối nỗi không đồng bóng
Miệng tiếng dầu đâu để thế chê
Ước trước chưa vừa tình bứt rứt
Sầu lâu đã lỡ bệnh tê mê
Khoan khoan phụ cũ tham lam mới
Thuở nớ vì chi cột thốt thề.

- Phú Lệ đáp:

Lúi xúi lò mò khéo lại thừa
Cười người mặt sắt cũng đong đưa
Khôn ngoan khéo léo xuôi dài chốt
Mặt dạn mày dày bí sí chưa?

- Phạm Như Xương họa lại:

Biết thiệt cùng không cố đổ thừa
Lời chơi nói với gió chưa đưa
Soi coi đã tỏ tờ thơ nớ
Giữ chữ thề tê hẳn đặng chưa?

(Nguồn: Triều Nguyên (2004), Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.105 - 106).

Như vậy, chúng ta có bốn bài thất ngôn tứ tuyệt, và bốn bài thất ngôn bát cú để xem xét. Nếu hiểu “tuyệt” là cắt, thì hai bài đầu cắt từ liên 2 và liên 3, hai bài sau cắt từ liên 1 và liên 4, của bài bát cú. Tất cả chúng (tám bài), các bài tứ tuyệt tính theo gốc là bài bát cú, đều theo luật trắc vần bằng.

2.2. Phân loại, đánh giá các nhóm điệp của dạng thơ Song điệpSong thanh điệp vận

2.2.1. Phân loại các nhóm điệp

Cách điệp của các bài thơ thất ngôn được chia làm hai nhóm: nhóm điệp tiếng (âm tiết); và nhóm điệp vần(4). Nhóm điệp tiếng chỉ một bài, là bài “Chuyện đời” (Khuyết danh; “vất vất”, “vơ vơ”, “chị chị”, “anh anh”, “khôn khôn”, “dại dại”,... thì rõ là từng cặp tiếng đi liền trùng khít nhau); nhóm điệp vần gồm bảy bài còn lại.

Riêng nhóm điệp vần lại có thể chia làm hai tiểu nhóm:

- Tiểu nhóm 1, mỗi dòng thơ có ba cặp điệp vần (các bài “Cảnh chiều”, “Trời lụt”, “Dạo núi”, “Rót giọt sầu thâu”,...). Thí dụ: “mây xây”, “núi túi”, “chim tìm” (dòng 1, bài “Cảnh chiều”); “rú cũ”, “mưa đừa”, “sạch bách” (dòng 2, bài “Trời lụt”); “tươi mươi”, “nhụy túy”, “bông trồng” (dòng 3, bài “Dạo núi”);...

- Tiểu nhóm 2, mỗi dòng thơ có ít nhất hai cặp điệp vần (bài tứ tuyệt của Phú Lệ và bài hoạ của Phạm Như Xương, ở chùm thơ “Bíu ríu”). Thí dụ: “cười người”, “mặt sắt” (dòng 2, bài của Phú Lệ); “soi coi”, “tờ thơ” (dòng 3, bài họa của Phạm Như Xương);...

Mỗi cặp điệp vần đều cùng vần trắc hoặc bằng (như “mây xây”, vần “-ây” bằng; “chim tìm”, vần “-im” bằng; “rú cũ” vần “-u” trắc; “nhụy túy”, vần “-uy” trắc;...).

2.2.2. Đánh giá các nhóm điệp

Chúng ta thấy, nếu muốn vẫn có thể sử dụng Song điệp, với nghĩa “hai tiếng điệp liền nhau, trong nội bộ các dòng thơ”(5), cho cả hai nhóm điệp vừa nêu. Có điều, như đã trình bày, cách thức điệp thì không giống nhau, bên điệp tiếng, đằng điệp vần. Còn khi sử dụng Song thanh điệp vận (hai tiếng/chữ liền nhau, trong nội bộ các dòng thơ, chỉ một vần) thì phù hợp với nhóm sau (tức nhóm điệp vần) nhiều hơn (6).

Mặt khác, ở trước có nói tài liệu [4] đã lẫn lộn, mà chưa nêu rõ lẫn lộn ở đâu. Thì đây: việc trình bày trên cho thấy, bài “Cảnh chiều” (Tuy Lý Vương) mà tài liệu này dùng để minh họa cho dạng thơ Song thanh điệp vận có hình thức điệp thuộc tiểu nhóm 1, không khác gì các bài “Dạo núi” (Nguyễn Khoa Vy) và “Rót giọt sầu thâu” (Hoàng Nguyệt Quế), cũng tài liệu trên, đã dùng để minh họa cho dạng thơ Song điệp. Tức đã lẫn lộn giữa Song điệp Song thanh điệp vận.

Về “vận” (vần) trong Song thanh điệp vận, điều cần nói thêm, là trong luật thơ cổ, “vận” gắn với bằng, hoặc trắc. Tức mỗi cặp tiếng liền nhau trong nội bộ các dòng thơ, được gọi là “điệp vận”, khi chúng hoặc cùng bằng, hoặc cùng trắc, chứ không đứng chân ở cả hai, nửa bằng nửa trắc (7).

Người viết bài này tán thành ý kiến của hai tài liệu [1] và [5], để gọi nhóm điệp tiếng (qua bài “Chuyện đời”), là Song điệp, nhóm điệp vần (qua các bài “Cảnh chiều”, “Trời lụt”, “Dạo núi”, “Rót giọt sầu thâu”, và chùm thơ “Bíu ríu”), là Song thanh điệp vận.

2.3. Bàn thêm về dạng thơ Song thanh điệp vận

Xét tiểu nhóm 1, tiểu nhóm đặc trưng của dạng thơ Song thanh điệp vận, qua ba bài “Dạo núi”, “Rót giọt sầu thâu”, “Bíu ríu” (bài Trần Như Xương gửi Phú Lệ), chúng đều được viết theo thể Thất ngôn bát cú luật Đường, bài luật trắc vần bằng. Có thể dựa vào cấu trúc bằng trắc, để mô hình hoá chúng bằng bảng dưới:

MÔ HÌNH DẠNG SONG THANH ĐIỆP VẬN CỦA THỂ THẤT NGÔN BÁT CÚ LUẬT ĐƯỜNG

(BÀI LUẬT TRẮC VẦN BẰNG)

(Viết tắt: b: bằng; t: trắc; B: bằng kết hợp với vần.

Trình bày: chữ in đậm thuộc mô hình của thể, chữ không in đậm thuộc sự bổ sung của dạng)

(1)  t  t  b  b  t  t  B
(2)  b  b  t  t  t  b  B
(3)  b  b  t  t  b  b  t
(4)  t  t  b  b  t  t  B
(5)  t  t  b  b  b  t  t
(6)  b  b  t  t  t  b  B
(7)  b  b  t  t  b  b  t
(8)  t  t  b  b  t  t  B

Thử nêu thêm ở đây mô hình của thể Thất ngôn bát cú luật Đường bình thường, bài luật trắc vần bằng (8)(ghi chú: kí hiệu x nằm ở các vị trí nhất, tam, ngũ của các dòng thơ, không buộc phải theo bằng hay trắc):

(1)  x  t  x  b  x  t  B
(2)  x  b  x  t  x  b  B
(3)  x  b  x  t  x  b  t
(4)  x  t  x  b  x  t  B
(5)  x  t  x  b  x  t  t
(6)  x  b  x  t  x  b  B
(7)  x  b  x  t  x  b  t
(8)  x  t  x  b  x  t  B

So sánh giữa hai mô hình, chúng ta thấy, dạng thơ Song thanh điệp vận, tiểu nhóm 1:

- Đã vận dụng tất cả các tiếng (hay chữ) vốn thuộc “nhất, tam, ngũ bất luận/luật” của thể thất ngôn bát cú luật Đường, bài luật trắc vần bằng; thành ra, cả 56 tiếng của bài thơ đều phải theo luật. Nói khái quát: mô hình của dạng = mô hình của thể + các bổ sung của dạng (9).

- Tạo hai tiếng liên tiếp trên cùng dòng thơ có chung một vần (mỗi dòng được ba cặp), trong suốt bài thơ. Như vậy, không tính 5 vần chân (gieo vào các dòng 1, 2, 4, 6 và 8 - ở mô hình, kí hiệu là B), toàn bài thơ có thêm 24 cặp vần trong nội bộ của các dòng thơ, gồm 12 cặp vần bằng, 12 cặp vần trắc (ở mô hình, chúng được đặt vào các khung hình chữ nhật).

- Ba cặp vần ở mỗi dòng được hình thành theo cách: a) Cặp thứ nhất: các tiếng buộc theo luật ở vị trí thứ hai lấy thêm tiếng ở vị trí thứ nhất cùng thanh với chúng và tạo thành từng cặp vần; b) Cặp thứ hai: các tiếng buộc theo luật ở vị trí thứ tư lấy thêm tiếng ở vị trí thứ ba cùng thanh với chúng và tạo thành từng cặp vần; c) Cặp thứ ba: các tiếng buộc theo luật ở vị trí thứ sáu lấy thêm tiếng cùng thanh với chúng ở bộ phận vần, bấy giờ, tiếng thứ năm của dòng tương ứng phải đổi thanh (để tránh “khổ độc”(10)), nếu tiếng ở bộ phận vần khác thanh thì lấy tiếng thứ năm cùng thanh với chúng, và tạo thành từng cặp vần.

Vậy có kiểu thơ “Song điệp độc vận” như [3] đặt ra không? Nhìn vào mô hình đã trình bày, thì câu trả lời là có, còn theo cách mà tài liệu này làm, khi đã thừa nhận [1] là hợp lẽ, thì không (cách mà tài liệu này làm, là điệp hai tiếng ở nhan đề bài thất ngôn bát cú luật Đường, trong đó, có một tiếng ở vị trí vần - như bài thơ “Dại khôn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã nêu). Nói rõ hơn, Song điệp là một khái niệm hay thuật ngữ dùng để chỉ một dạng của thể thơ luật Đường, ở đó, mỗi câu/dòng có hai cặp điệp tiếng (như [1] đã định nghĩa).

3. Nhận xét, kết luận

3.1. Song điệp Song thanh điệp vận là hai dạng thơ đặc biệt của thể Thất ngôn luật Đường (tứ tuyệt hay bát cú). Cái làm nên sự đặc biệt của chúng, tức để trở thành các dạng thơ của thể này, là vận dụng những tiếng vốn được thể miễn luật (số tiếng ấy có thể là bằng hay trắc, ở vị trí 1, 3, 5 của các dòng) trở nên buộc phải theo luật (luật ở đây là quy ước của dạng), một cách tương đối (dạng Song điệp), hay tuyệt đối (dạng Song thanh điệp vận). Về mặt mô hình, chúng bổ sung vào mô hình của thể những tiếng buộc phải theo vần luật mới, làm nên hình thù của dạng.

Nói như vậy có nghĩa, khi một thể có sự biến đổi về ngữ âm, ngữ nghĩa, thì điều kiện để trở thành dạng, là những biến đổi ấy phải được ghi dấu trên mô hình. Nếu điều này không xảy ra, tức mô hình của thể chẳng có gì thay đổi, thì không gọi những biến đổi kia là dạng. Sự nhìn nhận này sẽ gạt ra khỏi dạng các kiểu thơ như “nhất khí”, “phú đắc”, “liên ngâm”, “tập danh”, “họa vận”, “hạn vận”,... Các kiểu thơ này, tuy về ngữ nghĩa có sắc thái riêng nhất định, nhưng về mặt ngữ âm thì không có khác biệt đáng kể (chúng không bổ sung vào mô hình cơ bản của thể những quy ước mới về vần luật)(11).

Mặt khác, tên gọi Song thanh điệp vận có điều cần bàn (như đã đặt ra ở mục đầu, liên quan đến tài liệu [6], và một số tài liệu có sử dụng tên này). Bởi “vận”, “điệp vận” thường được ngành thi luật sử dụng để chỉ vần, điệp vần, thuộc vấn đề chung cho cả bài thơ, khi dùng riêng để chỉ các cặp tiếng trong nội bộ của một dòng/câu thơ, đồng thời, lại được khái quát để gọi tên một kiểu dạng thơ, thì dễ gây nhầm lẫn. Mà sự nhầm lẫn này đã xảy ra khá nặng nề, như chúng ta đã thấy. Do vậy, cần được xem lại. Có điều, việc xem xét này phải có thời gian và sau khi thống nhất thì cần được phổ cập; mà vấn đề như vậy sẽ vượt quá yêu cầu của bài viết, nên đành gác lại.

3.2. Cũng ghi nhận rằng, phần lớn các tác giả của dạng thơ Song thanh điệp vận xuất hiện từ giữa thế kỉ XIX trở về sau ở Huế. Từ giữa thế kỉ XIX, nước ta có những nhà thơ lớn: Nguyễn Công Trứ, Bà Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu,... Thời kì này, ở Huế, có mấy ông hoàng bà chúa làm thơ hay: Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Miên Trinh (Tuy Lý Vương), Mai Am, Huệ Phố(12),... Đặc biệt, có một số kiểu, dạng thơ mới xuất hiện. Như hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn “Vũ trung sơn thủy” và “Phước viên văn hội lương dạ mạn ngâm” của vua Thiệu Trị (1841 - 1847), với chú thích “độc thành thất ngôn, ngũ ngôn lục thập tứ chương” (đọc theo thất ngôn, ngũ ngôn để thành 64 bài). Đến nửa đầu thế kỉ XX, xuất hiện Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968), phó soái Hương Bình thi xã, người sử dụng nhuần nhuyễn nhiều kiểu dạng thơ, như: Tứ tuyệt triệt hậu, Tứ tuyệt lục xuất, Thủ vĩ ngâm, Thủ vĩ liên hoàn điệp dụng, Song thanh điệp vận, Thuận nghịch, Phản thuyết (nói lái),...

Theo đó, có nhiều khả năng để nói rằng, dạng thơ Song thanh điệp vận đã được sinh thành và phát triển ở Huế (có thể nói rộng ra, là địa bàn Thuận Hóa, Thuận Quảng,...), trong khoảng một thế kỉ, từ giữa thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, kèm các tên tuổi: Miên Trinh, Phú Lệ, Nguyễn Khoa Vy,... Hiện nay, ở một số câu lạc bộ thơ Đường (phần lớn có gốc gác đã nêu), vẫn có người còn thích dùng.

3.3. Cái khó của dạng thơ này là vừa tuân thủ sự gò bó của niêm luật (không được miễn trừ 24/56 = 42,86% tổng số tiếng, theo lệ “bất luật/luận”), vừa phải tạo được 24 cặp vần nội bộ, trong đó hầu hết là vần chính(13), mà không làm hỏng ý nghĩa của bài thơ. Lãng Nhân (1992), trong Chơi chữ (sđd., tr. 268), đã nhận xét về dạng thơ này, sau khi dẫn bài “Cảnh chiều”: “Lối này ghép vào mỗi câu hai chữ cùng vần [...] Thơ gò bó nên khó làm cho hay. Chúng tôi lục ra đây, chỉ cốt ghi lại một thể văn cầu kì”.

Đã không ít người gọi dạng thơ này (cùng một số dạng khác, có thời gian và địa điểm xuất phát đã nêu), là “cầu kì”, thậm chí, là “tiểu xảo”(14). Thật ra, cảm giác chung khi đọc nó, là âm thanh, chữ nghĩa như đội quân được lập thành một khối gắn liền nhau (việc cùng cách phục trang, mang vác vũ khí, sự rập ràng, ăn khớp nhau trong từng cử chỉ,....), mà chúng ta thường gặp trong các cuộc diễu hành hay diễn tập nghi thức: cái hay, đẹp, thuộc về đội ngũ. Cái hay, đẹp của dạng thơ này cũng vậy, chủ yếu từ tổng thể văn bản.

T.N  
(TCSH345/11-2017)

---------------
Chú thích:

(1) Một số yếu tố địa phương trong bài thơ: “túi”: tối; “nôốc”: thuyền vận tải nhỏ, thường gặp ở nội đồng; “cột”: buộc (trong phát âm của phần lớn người Huế, thì hai vần “-ôôc” và “-ôt” là một); “phậu”: người hầu gái; “đàu”: đào. Có tài liệu ghi tên bài thơ là “Vô đề”.
(2) Một số yếu tố địa phương trong bài thơ: “rượt”: đuổi, nghĩa văn cảnh: (nước) dâng nhanh; “rú”: rừng núi; “đừa”: lùa, đẩy; “meo”: hết sạch, không còn gì (“meo” đối lại với “mốc” của dòng trên, theo lối “xuất đối”); “ết lết”: ếch kéo lê chân để đi (do bị què) - tài liệu Thơ Thảo Am ghi “ếch lếch” (“ết lết” mới đối được với “cò lo” của dòng dưới, còn “ếch lếch” dễ bị hiểu là một dạng láy, thường gặp, là láy phủ định phổ biến trong phương ngữ Huế - tiếng đứng sau lặp lại vần, thanh điệu của tiếng trước và thêm phụ âm đầu l, như “múi lúi”, “xơ lơ”, “hột lột”,...); “chưn”: chân; “ngồi chỏ hỏ”: cũng nói “ngồi chò hỏ”, ngồi xổm trên hai chân.
(3) Phạm Như Xương (1844 - 1917), quê Quảng Nam, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, làm quan chủ yếu ở Huế (nguồn: https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/7/2017). Có thể người này với người có cùng họ tên, là tác giả của các bài thơ đã nêu, là một (riêng bà Phú Lệ, theo tài liệu nguồn, là một công chúa nhà Nguyễn, có điều, người viết chưa tra được hành trạng).
(4) Mỗi tiếng hoặc âm tiết gồm ba bộ phận: phụ âm đầu, vần, và thanh điệu; thí dụ, âm tiết “toán”, có “t-” là phụ âm đầu, “-oan” là vần, “dấu sắc” là thanh điệu. Trong thi luật cổ, “vận” (vần) bao gồm cả bộ phận vần kèm thanh điệu. Mà thanh điệu chỉ được chia làm hai, là bằng (tương ứng với hai thanh: ngang, huyền) và trắc (tương ứng với bốn thanh: hỏi, ngã, sắc, nặng). Theo đó, “toán” có vần “-oan” trắc, “toàn” có vần “-oan” bằng.
(5) Cần chú ý, cách hiểu này khác với cách hiểu của tài liệu [2] - theo tài liệu này, qua hai bài thơ minh họa (tr. 230 - 231), thì Song điệp là hiện tượng mỗi dòng của bài thơ luôn chứa hai từ đơn tiết, là nhan đề của nó.
(6) Thanh [聲], trong Song thanh điệp vận [雙聲疊韻], nghĩa là “tiếng” (khi được viết lên giấy bằng Hán Nôm hay Quốc ngữ, thì mỗi “tiếng” là một chữ) - ở tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Cao Xuân Huy dịch, từ “thanh” cũng được viết và hiểu như đã nêu (theo: Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 265 - 284).
(7) Sở dĩ cần nói điều này, bởi có người đã cho các cặp “song thanh điệp vận” là cùng vần chứ không cùng bằng hay trắc. Thí dụ, các cặp “đau đáu”, “bươm bướm”, “lượn vườn” trong “Ngõ nhỏ ai hoài đau đáu trông/ Kia kìa bươm bướm lượn vườn thông” (“Thơ thẩn”, Ngọc Tiên - Nguồn: http://hoavien.forumvi.com, đăng ngày: 04/01/2013) - các cặp này không thuộc “song thanh điệp vận”, theo cách hiểu đã trình bày.
(8) Có thể dùng bài thơ “Qua đèo Ngang” (Bà HuyệnThanh Quan), viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường, bài luật trắc vần bằng, để minh họa cho mô hình này: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại: trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng, ta với ta”.
(9) Theo cách hiểu, dạng là bậc dưới của thể (hoặc dạng được bao chứa, bao hàm bởi thể - tức dạng Ì thể);{\displaystyle \subset } thí dụ: dạng Song thanh điệp vận là bậc dưới (hoặc được bao hàm) của/bởi thể Thất ngôn luật Đường.
(10) Khổ độc: khó đọc.
(11) Xem thêm: Triều Nguyên (2009), Các thể loại thơ Việt, Nxb. Giáo Dục Việt Nam.
(12) Miên Thẩm, Miên Trinh, Mai Am, Huệ Phố đều là con của vua Minh Mạng. Hai người đầu là hoàng tử, hai người sau là công chúa. Miên Thẩm (1819-1870), là anh của Miên Trinh, Mai Am và Huệ Phố, thường gọi là Tùng Thiện Vương, hiệu Thương Sơn; tác phẩm: Thương Sơn thi tập. Miên Trinh (1820 - 1897), thường gọi là Tuy Lý Vương, hiệu là Vĩ Dã/Dạ; tác phẩm: Vĩ Dã hợp tập. Mai Am tên thật là Trinh Thận, tự Thúc Khanh, thường gọi là Lại Đức công chúa; tác phẩm: Diệu Liên tập. Huệ Phố tên thật là Tĩnh Hòa, tiểu hiệu Quý Khanh; tác phẩm: Huệ Phố thi tập (viết theo: Huỳnh Lý và tgk (1984), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập IV (1858 - 1920), Quyển I, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 153-199).
(13) Vần chính có bộ phận vần giống hệt nhau, như [“-ưa” bằng] trong “mưa đừa”; [“-ươi” bằng] trong “tươi mươi”; [“-ăt” trắc] trong “mặt sắt”; [“-ach” trắc] trong “sạch bách”;... (dẫn ở § 2.2.); phân biệt với vần thông như [“-em - êm”] trong “đem” - “thêm”; [“-ang” - “-an”] trong“lãng” - “mạn”;...
(14) Theo thiển ý của người viết, “cầu kì” là hiển nhiên (không ai nói dạng thơ này đơn giản), còn “tiểu xảo” (khéo vặt) thì nên thay bằng kĩ xảo (kĩ năng đạt đến mức nhuần nhuyễn, thuần thục). Từ kĩ xảo cũng được Đặng Tiến sử dụng khi nói đến bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (vua Thiệu Trị), qua bài “Nguyễn Tài Cẩn trên nền thi học Việt Nam” (Nguồn: http://www.tapchisonghuong.com.vn, đăng ngày 04/6/2009).
 



 

Các bài mới
Trễ giờ (01/12/2017)
Các bài đã đăng
Ơn Thầy (20/11/2017)