PHẠM NGỌC TÚY
1.
Không biết từ lúc nào chị mất đi khuôn mặt thật của chính mình. Nó chỉ còn là chiếc bóng.
Những sớm mùa xuân chị dậy sớm, xé lá chuối đang còn tươi thành từng đụng nhỏ, gói những bông hoa bưởi thơm ngát còn ướt đẫm sương đêm xếp vào rổ mang ra chợ ngồi bán.
Chị sống nhờ nghề làm vườn, khu vườn rộng cha mẹ để lại cho hai chị em gồm một vườn đào, nhỡn, vú sữa, trứng gà, mít... Bên cạnh đó chị trồng thêm rau màu. Mùa nào thức đó. Đậu cô ve, khoai sọ, khoai lang, hành, su su. Đó là nét đẹp duy nhất còn sót lại bên trong con người của chị, một người quanh năm sống với nghề trồng rau nuôi heo, làm vườn. Chị không đi học từ nhỏ, bản tánh khá ngang ngạnh và nhiều khi hoang dã, chị lại có thiên hướng thờ cúng. Quanh năm lao động làm vườn, niềm vui của chị là nấu nướng cúng quảy khi có dịp. Giá như chị đừng nghe lời cù rủ đi theo cái đạo đó. Là đền cô bóng cậu. Kể từ đó chị trở thành một con người khác. Phải chăng chị thấy hạnh phúc khi tham dự vào trò chơi tốn tiền và phí cả tuổi thanh xuân ấy. Với chị hầu đồng là một nghi lễ thiêng liêng. Sau mỗi lần như vậy Bà Cô sẽ giúp chị, chị tin tuyệt đối điều đó. Các món đồ vườn từ trái chanh, trái ớt, trái bưởi đều bán được nhiều tiền để trang trải cuộc sống thật ra không quá vất vả. Mỗi tháng một lần chị đến đó. Đèn nến sáng trưng. Hương hoa, bánh và trái cây, tất cả quyến rũ và đẹp lung linh mờ ảo. Dưới ánh đèn, chị trang điểm phấn son như những người đàn bà khác. Chỉ duy chị là con gái. Sau một nửa ngày dâng lễ cùng tiếng phách tiếng đàn những người đàn ông còn trẻ trông nhếch nhác, điệu chầu văn đã hết. Chị lại trở về cuộc sống đời thường, quanh quẩn xó vườn với rau heo, cám chó. Ngày rằm mồng một, cái mà chị lưu tâm trước hết là am và cảnh. Lễ Vu Lan chị đi điện Hòn Chén, nếu không tới thăm chủ am rồi dự lễ ở đó. Chị mê cúng, sợ ma quỷ, đốt vàng mã cho người khuất mặt không phải hàng năm mà là vài tháng một lần. Tiền bán đồ vườn dành dụm được chị vung vào các cuộc lên đồng không tiếc.
Ngồi trên cao, Mẫu im lặng. Này con…
Ta sẽ che chở cho con và ban lộc cho con, con ơi. Tuy nhiên chỉ với những trái tim nhân hậu và trí tuệ, sống một cuộc đời trong sạch. Ta không bao giờ che cho bọn ác ma, bọn lưu manh, bọn trắng trợn cướp giật miếng cơm manh áo của người khác hàng ngày. Bọn tham lam ích kỉ...
Những chiếc lá thanh trà, lá chanh, lá bưởi, lá hồng lá sapotier... không gọi chị nữa. Chúng tôi không gọi con người ấy. Bao nhiêu tiền đều dâng vào những cuộc đồng cô bóng cậu, mỗi lần hai chị em xích mích lại đổ tội cho em dâu, là cậu nghe lời mợ hơn tôi.
Họ vốn xuất thân là con nhà nông. Hai chị em càng lớn lên bên nhau, cuộc sống đáng lẽ sẽ êm đềm hơn nếu họ không xung khắc vì quan niệm thờ cúng. Một bên anh cho rằng cúng cốt ở lòng thành lễ bạc, một đằng chị không muốn. Đã cúng phải cúng nhiều và mâm ngũ quả phải đầy đủ. Hai chị em hai tánh nết. Anh nói vô lí, khi cha mẹ vất vả làm ra hạt gạo mới có ăn, không việc gì mình lại phung phí cả.
Thời gian trôi. Chị già đi, tánh nết vẫn ngang chướng như ngày nào. Có một lần ham hái sapotier trên cao chị bị té xuống một bụi cây. 6 giờ sáng người thợ nề đang làm nhà bên cạnh chạy qua kêu. Một vết cắt khá sâu phía sau đầu. Ít nhất trong hai mươi ngày kế tiếp anh đem chị về nhà mình, chị không đi vững được, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc. Đứa cháu gái gọi chị bằng dì ruột vẫn ở với chị nay qua Mỹ định cư luôn. Cái con người hàm hồ sắc sảo đó bây giờ sống dưới mái nhà em trai và đứa em dâu chị vẫn ghét nay nấu cho chị ăn. Bệnh già theo đuôi, năm nào chị cũng bị đau và khi trở về nhà mình chị không bao giờ để cho anh được yên. Bất cứ lúc nào chị cũng có thể gọi điện kêu anh dù 12 giờ khuya hay 1 giờ sáng. Những cơn đau lưng, ba lần chị mổ sỏi niệu đạo, họ mệt phờ vì chạy theo chị. Ở bệnh viện nửa đêm chị trốn về đi lạc, 5 giờ sáng anh phải qua mang chị về phòng.
Lần sau cùng, một năm sau. Gần nửa đêm đứa con trai còn ngồi làm việc bên máy tính chạy vào kêu: “Ba, o bị té gãy tay”. Cả hai choàng dậy hầu như một lúc. Đêm nào con ma ấy cũng gọi chị, con ma của tánh tự kỉ. Từ nửa năm nay chị đi ngủ với những ngọn đèn thắp từ sau bếp đến căn trước. Chị theo ngọn đèn đi ra vườn với đôi mắt gần như lòa rồi té xuống. Nghe chó sủa đứa cháu mở cửa ra vườn, đi qua nhà chị và đem chị vào. Nó vừa quay lưng chị lại đi. Lần này chị té vào bụi cây trước nhà họ. Anh đem chị về nhà ngày đêm ấy. Tháng đầu chị luôn đòi về nhà mình, lần nào cũng đánh lừa người giúp việc đi sang nhà khác rồi lạc đường.
Không ai để ý đến chứng bệnh thần kinh tiềm ẩn cho đến khi, chứng mất trí ngày càng nặng khiến chị nói năng lảm nhảm suốt ngày gần như điên. Ba, bốn đêm liền chị mở cửa xách gói quần áo ra khỏi nhà lúc 1 giờ sáng. Anh đưa chị về phòng ngủ, 2 giờ sáng chị đi ra, 4 giờ sáng chị mở cửa đi lần nữa. Họ hết ngủ. Gần một tháng trời chứng bệnh tâm thần không bớt, họ mời một bác sĩ tâm thần đến nhà. Các thứ thuốc uống thay đổi nhưng trí nhớ thì phục hồi rất chậm. Chị không nhớ nổi đường vào phòng vệ sinh, đi tiểu tiện và đổ nước giữa nhà. Chịu hết nổi, cô thuê một người giúp việc, hay nói đúng ra là một người để làm bạn với chị chồng. Người giúp việc chỉ có thể lau nhà, tắm, gội, giặt giũ, làm vệ sinh hàng ngày cho bà chị ngang chướng (trước khi có họ, đó là việc cô làm), cho bà ta ăn. Ngoài ra, việc chợ búa cơm nước hàng ngày cô phải lo. Không phải chị hoàn toàn mất trí. Khi tỉnh chị lại mắng mỏ và hoạnh họe em dâu, nhưng ai mà để bụng oán trách một người bị thần kinh bao giờ. Kể cả lúc còn mạnh khỏe tỉnh táo, thời điểm ba mươi năm về trước, chị còn chưa bồng ẵm nâng niu con họ nữa thay chỉ vì một quan niệm sống. Những cơn điên nổi lên cứ vài ngày một lần, chị xông bừa ra cổng, đi ra vườn, đâm vào những nơi bụi rậm dù trời đang mưa lớn. Anh chạy theo giữ không lại, chị xô người giúp việc gần té. Họ nói, những người điên thường rất ranh ma và khỏe, đến khi đó cô mới nhận ra. Cơn điên loạn có khi kéo dài gần một ngày cho đến khi người bệnh kiệt sức mới chịu nằm yên. Thuốc trị bệnh thần kinh họ phải dùng theo toa, vả lại nhà họ không phải là dưỡng trí viện để tùy tiện cho thuốc ngủ, là thứ thuốc bác sĩ tâm thần khuyên không nên lạm dụng. Ông cho thứ an thần nhẹ để trấn áp.
Con người đang nằm đó có khi nào biết rằng em trai chị thương chị đến mức nào mới không cho vợ mình ở chung. Đến bây giờ họ đem chị về ở luôn nhà họ, không hy vọng với tình cảm ruột thịt chị sẽ hồi tâm lại. Một phần não đã hỏng rồi, không phương thuốc nào hồi phục lại. Hai năm trước đây chị đau nặng. Bệnh gì cũng không ra bệnh, chỉ là bệnh người già. Chứng loãng xương, đau lưng, mệt... Anh đưa vợ số tiền nhỏ bảo cô đem đến chùa nhờ sư cô tụng kinh cầu an. Chùa thường cúng cầu an vào tháng giêng. Sư cô, một người có mặt trong các công tác từ thiện hàng năm về mùa bão lụt, nghe cô trình bày, chỉ nói nhẹ: “Ai đặt ra sao hạn? Không có sao hạn gì phải cúng cả. Đầu năm chùa tụng kinh cầu an cho chúng sinh, chùa sẽ đọc sớ. Ăn ở cho thật thà ngay thẳng; nhân thiện có quả thiện, nhân xấu có quả xấu, làm con Phật phải nhớ điều đó”!... Chị không bao giờ đến chùa nghe kinh, trước đây và bây giờ lại càng không. Có ngày chị tỉnh táo, chê món này lạt, món kia mặn... Từ nhỏ đến lớn con người đó chỉ nghe tiếng nói bên trong mình, nào biết nghe ai ngoài bản thân. Lời anh buồn bã nói với cô. Tánh hàm hồ, hay tranh phần hơn, hay làm bất cứ điều gì có lợi, không kể điều đó ảnh hưởng tai hại đến người khác hay không. Bây giờ người lãnh quả là anh.
2.
Những năm tháng vất vả của cuộc sống đời thường trôi qua nhanh, mới đó mà tóc trên đầu anh bạc trắng. Vậy ý nghĩa của cuộc đời là gì? Có chăng niềm vui khi mang quà đến cho kẻ khó? Nhiều cuộc họp mặt bạn bè bị bỏ qua, lời mời của người em họ về Nha Trang nghỉ ngơi một tháng cô không hồi đáp. Nhiều người bạn giận cô vì cá tánh đó, sao mày không giải thích, không trả lời. Cô làm thinh. Nói ra chỉ thêm bị hiểu lầm là kiêu hãnh, cao ngạo mà thôi. Sau ba mươi tuổi anh mới lấy vợ, lấy nhau một thời gian, họ ở riêng. Điều này khiến cô bị mang tiếng không ít. Tánh không hay giải thích cho dù điều người khác nói về mình không đúng cô làm thinh. Ráng chịu đựng, chị anh là người cố chấp hẹp hòi, anh chỉ nói có thế. Không còn thì giờ đến chùa, cô tìm đến những trang kinh.
Nam mô a rị da, bà lô yết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da...
Định thức duyên khởi. Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Vậy có thể nói người này là nghiệp của kẻ kia. Trong cái chết đã mấm mồng sự sống, trong sum họp đã nhuốm mùi chia li.
Từ lâu họ không còn thì giờ ở bên nhau tại một nơi nào đó, nếu người này là nghiệp của kẻ kia thì tội cho anh. Anh nói chị là món nợ của mình ở kiếp trước. Lời nói dẫu quen nghe nhiều lần vẫn khiến cô đau thầm.
Một ngày anh nói với cô:
- Em nên về thăm cặp vợ chồng ở Cảnh Dương.
-?
Cô không nghĩ chuyện lại về biển. Lời gợi ý của chồng làm cô suy nghĩ.
- Có thể em sẽ đi. - Cô đáp.
Có lần em trai cô bảo, đến lúc chị hãy sống cho bản thân đi, con gái hai đứa gả chồng rồi, con trai đi làm, còn lo gì nữa?! Vậy còn bà chị dở điên dở dại kia thì sao?
Đêm nào không ngủ, bà chị lại dậy đi phá, có lần mới sáng sớm bà cầm con dao nhọn đưa cho cô. “Tao cất, ăn trộm vào tao chém”! Sợ quá, trước khi đóng cửa bếp cô cất tất cả dao kéo vào tủ đựng chén.
Đang còn chưa quyết thì nhận được lời nhắn của người bạn từ hồi còn đi học, cô nhận lời ngay. Tất cả hai mươi người (số khác đi xe thuê). Họ lên đường từ sáng sớm. Chiếc xe chạy chậm rì, con đường buổi sáng sớm tinh tươm sau trận mưa đêm qua. Du nói:
- Lâu lắm mới thấy chị.
- Bây giờ thấy rồi. - Cô cười đáp.
Họ đang ngồi trên xe Du. Vẫn còn độc thân Du có tánh nghệ sĩ, chụp ảnh rất đẹp song không đem ảnh đi dự thi. Như ngồi cạnh, Cô Cô ngồi ngoài, cô Bích phía trước. Họ vừa mới gặp nhau ở quán cà phê bên kia sông, gặp nhau để ngồi uống với nhau một tách cà phê, dùng món gì đó buổi sáng. Ngày càng hiếm hoi những cuộc gặp gỡ hay tại vì mình ở nhà quá lâu, cô nghĩ thầm. Cô Cô là người đề nghị đi biển, mùa hè sắp hết rồi, biển đã khác. Hãy đến đó chơi một ngày, nghỉ một đêm rồi về, các em. Đường về Cảnh Dương xa, Du là người dẫn chuyện, âm giọng nhẹ nhàng sâu lắng, trong khi Hoàng ngồi im. Nhóm bạn kia năm người, Mân, Diệu, Linh,... đi xe An. Họ mang theo thức ăn và nước uống đủ cho một ngày, rồi về khách sạn. Dầu sao cuộc đi chơi sẽ giúp mình giảm bớt stress một vài giờ ngắn ngủi. Lái xe gần một tiếng rưỡi đồng hồ thì tới biển. Con đường dẫn xuống biển khác lạ. Cảnh Dương cũ giờ đây biến mất, hay nó chỉ thay đổi bộ mặt thôi? Cả một rừng dương mênh mông không thấy, cảnh hoang sơ ngày trước, khi cô và đứa con trai mười bốn tuổi về nghỉ suốt mùa hè đâu rồi? Đây là Tân Cảnh Dương, chỉ có hai khách sạn, chỗ họ dừng chân là một khách sạn nhỏ có sáu phòng, phòng tắm sạch sẽ, chỗ ngủ khá tiện nghi. Người chủ nghe đâu là một vị chức sắc trước đây có làm việc ở đồn biên phòng, bây giờ về hưu mở khách sạn.
- Mình dọn thức ăn xuống biển, tắm rồi ăn luôn. Cô Cô nói khi xuống xe.
- Dạ.
- Em sẽ gọi thêm hai món của khách sạn nữa, cô nhé.
Hoàng bây giờ mới lên tiếng. Trong nhóm bạn học cũ cùng trường, bao giờ Hoàng cũng là người lo bếp núc với những chuyện hậu cần khác.
- Mi có mang áo đầm mặc để chụp ảnh không đó. - Như bỗng lên tiếng.
- Có. Tao có mang theo một cái.
Chị lúc nào cũng ăn mặc lùi xùi, Hoàng có lần nhận xét. Cô công nhận tánh đãng trí của mình, có khi đi vội còn quên cái này cái khác.
Họ nhận phòng rồi xuống biển. Chỉ có biển không khác. Bờ đã khác với những quán ăn, con đường... Nhóm bạn tắm và nghịch nước, chơi đùa trên biển. Biển lặng và sóng êm. Biển đang ở trong tầm tay và mình đang trong biển. Họ tắm cho đến khi mặt trời chiều vừa xuống. Ráng đỏ một góc trời rồi màu tím hoàng hôn... Bị lạnh, cô là người lên trước với Như. Trở về phòng thay áo quần, họ dọn ăn nơi một nhà hàng ngoài biển. Hoàng gọi thêm hai món nữa, không có món cá, chỉ cháo trìa và mì tôm trộn gỏi. Thức ăn và trái cây nhóm mang theo, còn thừa Hoàng mang gởi nơi tủ lạnh của khách sạn. Biển đêm đẹp với trăng tròn mười sáu. Phía này một nhóm bạn trẻ đang nướng thịt trong lều trại, phía kia đang hát.
Trong những chiếc áo váy mới được thay trước bữa ăn tối rồi xuống biển đêm, bọn họ trông như đang dự cuộc thi thời trang. Người nào trông cũng trẻ đẹp.
- Chị, ra chụp bóng đi nào! Nghĩ chi rứa?
- Ừ.
Cô quàng quanh mình chiếc áo jean cũ, biển đêm lạnh, nhà hàng khách sạn cho mượn cái giường tre và mười người chen chúc nhau trên chiếc giường trước khi tranh nhau chụp bóng. Người nào cũng mặc đồ đẹp cả, chỉ riêng cô thay quần tây với cái áo thun in hình hoa lá khá lạ mắt. Cô đang nhớ đến hai vợ chồng người chủ nhà trọ năm xưa, biển bây giờ khác quá - Tân Cảnh Dương, rừng dương đâu rồi, hay ở phía khác? Họ về phòng lúc đó khoảng 10 giờ đêm, trăng lên cao, bầu trời sao sáng vằng vặc.
Ban ngày Tân Cảnh Dương khác hơn ban đêm. Trơ trụi những nơi bán thức ăn sáng với cà phê. Không còn thấy rừng dương. Cô cùng Như xuống biển sớm cùng với Cô Cô, cô Bích, Du, Hoàng, họ tắm sáng. Nước lạnh, một hồi chụp bóng, đùa giỡn... cô và Như lên trước, lạnh quá. Bất ngờ khi vội vã rẽ vào cổng sau chỗ trọ, cô suýt đụng phải một người đàn ông đi ngược lại. Một hồi lâu, ông ta buột miệng:
- Là cô đó à.
Không biết nói gì, sau cùng cô bật ra.
- Ông đợi tôi... Là tôi đây.
Cô vội vã chạy lên cầu thang khách sạn.
Họ cùng đi về nhà ông ta.
- Cô không nhận ra biển cũng phải, nhiều người đi tìm tôi không ra. Rừng dương… biển giờ đây không còn hoang vu và im lặng nữa.
- Vâng.
Ngôi nhà cũ bây giờ có thay đổi chút ít, hai vợ chồng người ngư dân giấu tiếng thở dài.
- Không phải biển không có cá, mà nước bị ô nhiễm. Mấy cô về đây thoải mái rồi, có điều không dám gọi món cá phải không?
Cô làm thinh. Có, không. Biển không còn im lặng, biển đã lên tiếng ư. Lợi nhuận và tiền của kẻ khác?
Rừng vàng biển bạc của ta ơi...
- Nếu cô muốn, cô đi với ông ấy sang bên kia vịnh. - Chị chủ nhà giờ da đen hơn và tóc ngả muối tiêu nói.
- Chỉ đi chơi nửa giờ thì được, các bạn tôi đang đợi.
- Được.
Chiếc thuyền thúng đưa họ vòng sang bên kia. Giữa hai vách núi tạo thành vịnh biển cảnh càng tĩnh hơn.
- Đây là Cảnh Dương, chỗ này hẹp và đẹp vì ít người tới. Tôi biết cô mà, khi nào cũng thích cảnh tĩnh. Chỉ tiếc chừ hai đứa con tui không làm nghề đi biển nữa, chúng vô Nam, một đứa lên Huế. Chúng hay hỏi thăm cô lắm.
Chiếc thuyền thúng nhỏ được để mặc trôi lênh đênh, có chỗ biển gần như hát, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng quanh mạn thuyền tạo cảm giác thanh bình.
- Cô uống chút rượu cho ấm, rượu ni tui cất. Rượu gạo thôi.
Cô uống một ngụm trong chiếc li nhỏ người đàn ông đưa qua rồi gần như ném trả cái li vào tay ông ta trước khi phun ngụm rượu nồng ra khỏi cổ họng. Từ phía sau, giọng chị chủ nhà nghe như tiếng cười:
- Không can chi, rượu uống không say đâu.
Họ dùng món cá thờn bơn nướng. Khung cảnh yên lặng, phía trên hai vách núi cây mọc chen chúc, tuy không giống cảnh Khe Dài ở Truồi song nó gợi lại trong cô bao hồi ức một lần cùng các đồng nghiệp đi kiếm củi ở đó. Cũng hai vách núi bao quanh con suối nhỏ, nước chảy róc rách trên những tảng đá trời. Bây giờ, vẫn còn cái địa danh đó nhưng hai vách núi có còn không? Vật đổi sao dời đã đành, con người còn thô bạo hơn.
Họ trở về căn nhà hai vợ chồng người chủ nhà trọ của cô năm xưa với bao nhiêu tiếc nuối phía chị chủ nhà. “Tôi ước giá như tôi có khuôn mặt xấu xí dữ dằn, biết đâu số mệnh tôi đã khác”. Cô nói với chị; chị cười nhân hậu. “Thôi mà cô, mỗi người mỗi số trời định, mà tui coi tướng cô thanh nhàn, có cực như tui mô”.
Chia tay chị chủ nhà, cô đi về khách sạn, mọi người đang chụp ảnh. Không biết sao các nàng mê chụp ảnh thế, người nào cũng váy áo sặc sỡ. Nhàn mặc bộ đồ đầm màu ca rốt mới may, Liên áo xanh hoa vàng... những phụ - nữ - trẻ - con không muốn biết đến tuổi già. Giấc mơ là cuộc sống. Cuộc sống là giấc mơ. Để sống không dễ.
Họ ra khỏi khách sạn. Hoàng đi trước tìm quán bún, mang theo số trái cây gởi tủ lạnh của khách sạn đêm qua ăn thêm cho hết. Bữa ăn sáng thật ngon lành. Ăn xong họ rời quán bún đến quán cà phê. Ai cũng gọi cà phê sữa. Cái quán đang vắng bỗng nhộn lên vì số đông người. Phương kêu sữa ít quá, cà phê đậm quá (mất ngủ). Người chủ quán cao lớn, râu rậm mắt to, dáng vẻ một cao bồi vừa cười vừa mang cho họ hộp sữa mới khui. Mọi người thi nhau trút vào tách của mình. Mới đó, nắng đã lên. Chụp xong vài pô ảnh trong quán, Cô Cô rủ đi thăm thác Bơ, Du bảo về cho rồi kẻo đường xa. Dầu vậy họ vẫn đi. Thác Bơ không đẹp, không lớn, không hùng vĩ bằng thác Mơ ở Nam Đông. Họ chụp thêm một số hình làm kỷ niệm. Trước khi lên xe về. Cô Cô mời họ ăn trưa ở quán Sửu, tiền tui trả. Cả bọn hoan hô. Cô Cô, biệt danh do lũ học trò đặt - theo lời Như trong một lần gởi lời chúc sinh nhật trên mạng - là người thích những cuộc du ngoạn ngoài trời, nấu ăn ngon, rộng bụng, là con người lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, có khi còn có những nhận định sâu sắc. Học trò đều yêu mến kính trọng Cô Cô.
Từ dưới Truồi lên, đi qua hai hai xã Lộc An và Nam Phổ hạ, mới đến quán Sửu. Chính xác, nó là một nhà hàng rộng, với lối xây cất, trang trí kiểu bình dân, giá cả vừa phải với túi tiền mọi người. Cái sân rộng đủ chứa gần mười chiếc xe hơi. Đang đói bụng mọi người ăn uống ngon lành, chuyện nổ như bắp rang. Ra khỏi quán đúng 1 giờ trưa. Trên đường về cô Bích nói, có bữa cô phải chịu tám mươi ngàn tiền phí dọc đường để... uống một tách cà phê ở quán Sửu; chưa có nơi nào cà phê ngon bằng quán đó. Lắng nghe trong im lặng, cô ngạc nhiên về nỗi bây giờ, ở lứa tuổi Thất thập cổ lai hi của cô Bích mà đam mê uống một tách cà phê như vậy. Con đường quốc lộ 1 đầy xe cộ, chỉ có đoạn về phi trường Phú Bài có cây xanh đẹp đẽ, xe chạy với tốc độ vừa phải; thỉnh thoảng cô Bích còn tự lái xe...
3.
Suốt mấy ngày chị hỏi lịch, chị hỏi hôm nay mồng mấy rồi. Chị hỏi em dâu và nói mợ cầm ba chục ra mua vài nải chuối cúng am, cúng bà cô. Anh nói đau mà cúng gì, cúng cha mẹ trước đã. Bao nhiêu tiền đều đem ra đốt. Đốt vàng mã thật nhiều và cúng am bà cô là ý nghĩa cuộc đời chị sao?
Mệt nhoài về việc đi lại trong nhà, đi từ vườn nhà họ sang nhà cũ của chị, chị đi không biết mệt cho đến chập tối, ăn uống xong mới chịu nằm yên.
Cô lên nhà trên thỉnh chuông.
Cô muốn gọi chị bằng tiếng chuông.
Ngồi trên tòa sen, Phật bà Quán Thế Âm với chiếc tịnh bình đang hiền hòa nhìn xuống. Nhiều lần rồi chị làm như không biết không nghe. Bao nhiêu lần cô rủ chị đến chùa vào dịp Vu Lan, chị làm thinh.
Một khoảng trống tối đen đáng sợ vây quanh. Luôn luôn chị sợ bóng tối nên để đèn ngủ sáng đêm. Bây giờ em trai chỉ để cho chị một ngọn đèn ngủ nhỏ. Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát… Chị thầm khấn niệm.
Trên cao, Mẫu còn im lặng.
20/10/2017
P.N.T
(TCSH346/12-2017)