Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-17)
“Hội Ngộ” -Bản giao hưởng đa thanh của Mỹ thuật Huế
13:54 | 12/01/2018

PHẠM TẤN XUÂN CAO

Trong những ngày cuối năm 2017, tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị đã diễn ra cuộc triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Hội Ngộ".

“Hội Ngộ” -Bản giao hưởng đa thanh của Mỹ thuật Huế

Với 39 tác phẩm của 37 tác giả, trong đó có các tác phẩm quý của các họa sĩ nổi tiếng ở Huế như Tôn Thất Đào, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Dương Đình Sang, Đỗ Kỳ Hoàng... cũng như nhiều tác phẩm đã đạt giải qua các triển lãm cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia đã được Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) sưu tập để tiến tới thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Bên cạnh đó là các tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu là giảng viên, sinh viên qua các thế hệ của trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Có thể thấy rằng, dịp triển lãm lần này là sự gặp gỡ các giá trị mỹ thuật được giao thoa giữa các thế hệ, trong một quá trình kế thừa và phát triển liên tục nhằm kiến thiết nên một nền mỹ thuật của mảnh đất Cố đô mang dáng vẻ đa sắc, đa thanh và đa hình. Triển lãm còn là dịp để bước đầu xúc tiến cho việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong tương lai.

Khởi đi theo dòng lịch sử, tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào hiện diện ở không gian triển lãm lần này với tác phẩm Phong cảnh, là lát cắt chân thật và bình dị của đời sống nông thôn. Trong tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào người xem có thể nhận ra nét bàng bạc đầy dư vị kiểu Huế. Người xem còn được gặp gỡ với các tác phẩm Nét Huế của Hà Văn Chước, Màu tím Huế của Đỗ Duy Tuấn, Hai thiếu nữ của Phạm Hoàng Anh, Hoàng thành của Đỗ Kỳ Hoàng, Phong cảnh sông Hương của Hồ Văn Hưng.

Màu tím Huế của Đỗ Duy Tuấn hiện lên với ba khuôn hình thiếu nữ lẩn trong màn sương khói vây quanh khối thành quách đầy rêu phong, màu sắc trong bức tranh toát lên bầu không khí mờ mờ nhân ảnh khiến người xem không khỏi rung động trước nét thoáng gợi trầm buồn của tà áo dài tím Huế. Hai thiếu nữ của Phạm Hoàng Anh vẽ hai thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống Huế xưa, điển hình cho phong cách ăn mặc theo đúng với tinh thần của các thiếu nữ thuộc mẫu hình con gái đài các trong những gia đình giàu có thời trước. Phong cảnh Huế hiện lên trong tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào mộc mạc chừng nào thì cũng chính với đề tài đó ở trong tranh của Đỗ Kỳ Hoàng lại trở nên uy nghi đến lạ với chất liệu sơn mài, tác giả vẽ về Hoàng thành Huế lúc trời xế chiều, qua đó toát lên được đường nét có phần vừa cổ kính vừa thâm nghiêm của hoàng cung xưa. Nét Huế của Hà Văn Chước với thiếu nữ trong tà áo dài trắng, và Phong cảnh Sông Hương của Hồ Văn Hưng, Huế hiện lên với dáng vẻ đầy sinh động.


Khía cạnh cuộc sống hiện ra góp vào một thanh âm khác cho không gian của triển lãm lần này. Bức Chợ về của Vũ Dương thực hiện bằng chất liệu tempera trên giấy tái hiện khung cảnh đi chợ về của các bà mẹ miền quê. Nguyễn Lương Sáng cùng bức Về phía trước khắc họa hai lát cắt thật sinh động của người ngư dân trong hành trình bám biển. Khoảng trời bình yên của Nguyễn Thị Hòa, Nắng cao nguyên của Trần Ngọc Bảy, Khoảng không của Nguyễn Văn Hè và Văn Cao và Trịnh Công Sơn của Nguyễn Đại Giang đã thể hiện được những nét riêng của các họa sĩ vẽ chân dung. Bên cạnh đó, Múa lục cúng hoa đăng của Đặng Mậu Triết và Giải Xuân của Lê Hòa cũng gợi lên cho người xem thấy được những khía cạnh khác của đời sống tập trung vào đề tài lễ hội.

Tác phẩm Đô thị hóa thân (sơn dầu) của họa sĩ Vĩnh Phối


Mảng đề tài người lính và chiến tranh tại cuộc “hội ngộ” lần này chứng kiến sự xuất hiện của các tác phẩm: Du kích miền Tây của Vũ Tấn Bá, Mẹ và Tổ quốc của Trịnh Hoàng Tân, Mùa xuân của Lê Quý Long, Những cô gái Vân Dương của Đặng Mậu Tựu. Những góc cạnh của đề tài này đã được các họa sĩ thể hiện tài tình, nêu bật được tinh thần bất khuất cùng những khía cạnh sinh hoạt thân thương của các chiến sĩ. Du kích miền Tây của Vũ Tấn Bá, Mẹ và Tổ quốc khắc họa những nỗi khó khăn của nữ chiến sĩ cùng các bà mẹ anh hùng có con ra chiến trận. Mùa xuân của Lê Quý Long vẽ về nỗi hân hoan mừng vui của các chiến sĩ trong dịp tết đến xuân về. Những cô gái Vân Dương của Đặng Mậu Tựu tái hiện những lát cắt đầy màu sắc của các nữ quân nhân.

Tác phẩm Biển chết SOS (sơn dầu) của họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai


Một thanh âm đứng tách bạch tại cuộc hội ngộ lần này, điển hình cho những nỗi trăn trở về thân phận con người được khắc họa hết sức đậm nét trong tranh của cố họa sĩ Bửu Chỉ. Người xem tranh của ông có cảm tưởng như đang bị hút vào khoảng không gian đượm buồn thoáng chút mơ hồ. Gam màu chủ đạo có trong hai bức Treo trên thời gian Tĩnh vật bầu sữa của cố họa sĩ Bửu Chỉ thu hút ánh nhìn của người xem vào trong chiều kích thời gian của tồn tại, của nhịp sống lênh đênh theo vòng quay của tạo hóa, của sự chất đầy những nỗi niềm ưu tư về tính chất phi lý của cuộc lữ này.

Tác phẩm Bóng thời gian (sơn dầu) của họa sĩ Nguyễn Duy Linh


Triển lãm dường như đã được cộng hưởng mạnh mẽ từ hai phong cách sáng tác độc đáo của các họa sĩ, đó là: biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism) và trừu tượng (abstract). Riêng về biểu hiện trừu tượng có những khuôn mặt như Ký ức phố của Phan Thanh Bình, Biển chết “SOS” của Cung Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Đàn bà của Dương Đình Sang, Ý niệm cuộc sống của Tô Trần Bích Thúy, Chân dung thi sĩ của Trần Vĩnh Thịnh. Nhóm trừu tượng hội tụ với những cái tên như Đô thị hóa thân của cố họa sĩ Vĩnh Phối, Chứng tích của Ngô Tâm, Thời gian của tôi & Phù sa của Lê Văn Nhường, Nội sinh của Trương Bé, Biển xôVũ điệu thời gian của Nguyễn Thiện Đức, Bóng thời gian của Nguyễn Duy Linh, Vọng Múa của Bảo Thịnh.

Tác phẩm Ký ức phố (acrylic) của họa sĩ Phan Thanh Bình


Dường như ở Ký ức phố, Phan Thanh Bình muốn cách điệu từng mái nhà mỗi con phố ra thành những hình thể hình học nhất định, cùng với đó là những mảng màu trắng sữa làm nền giúp cho người xem có thể hình dung được sự tái hiện độc đáo của tác giả về những góc phố hiện lên trong ký ức. Biển chết “SOS” chẳng vẽ về biển mà trên bức hình khổ khá lớn dày đặc hình những con cá được phân bổ nhập vào nhau, những con cá có màu trắng pha lẫn chút hồng càng khiến cho bức tranh thể hiện thành công được dụng ý mà tác giả muốn nhắm đến. Ở Đàn bà của Dương Đình Sang người xem có thể phần nào cảm nhận được những rung chấn, sự rạo rực bên trong tâm hồn của người phụ nữ. Ý niệm cuộc sống của Tô Trần Bích Thúy khắc họa những hình người được cách điệu trong dáng vẻ mỏng manh và bé nhỏ. Trần Vĩnh Thịnh góp vào dòng này với Chân dung thi sĩ, thể hiện trên nền màu vàng phác họa cách điệu hình mặt người, qua đó chân dung nhà thơ hiện lên dưới khuôn mặt vàng võ, đau đáu trước cuộc đời, trước phận người.
 

Tác phẩm Phù sa (sơn dầu) của họa sĩ Lê Văn Nhường
Tác phẩm Bay lên Việt Nam (sơn dầu, cọ dừa & linh kiện điện tử) của họa sĩ Thân Văn Huy
Tác phẩm sắp đặt Hiệu ứng kính (nhựa & sắt) của họa sĩ Lê Ngọc Thái

Với dòng trừu tượng, Đô thị hóa thân của cố họa sĩ Vĩnh Phối là sự sắp xếp của những khối hình vuông đan xen với những vòng xoáy trên gam màu nâu chủ đạo khiến bức tranh toát lên bầu khí của đời sống đô thị. Chứng tích của Ngô Tâm thể hiện sự phân rã của những kết đọng của thời gian, các sự kiện dần đông đá, hóa thạch thành những màu xám hơn ở hai phần bên trên và bên dưới bức tranh.

Thời gian của tôi của Lê Văn Nhường về vòng quay bốn mùa xuân hạ thu đông. Ở Phù sa, Lê Văn Nhường hòa điệu trong bức hình với màu nâu của bùn đất, của phù sa màu mỡ vun vầy trong những vụ mùa. Nội sinh của Trương Bé là những mảnh ghép được đặt trong một chỉnh thể nhất định, nó là sự sắp lớp theo từng mảng xoắn chạy theo các hướng chồng mắc lên nhau, ở đây, dường như là cả một thế giới bên trong với những nguồn sinh lực đang như kết dính lại, những sự phóng tán của các xung lực bên trong được thể hiện một cách tài tình qua các thớ màu uốn lượn theo những lớp hình sóng, vo tròn, quấn bện với nhau.

Nguyễn Thiện Đức ở Biển xô dường như là cả một phiên bản của  những chập chùng cảm xúc, với các bó màu được  chồng lấn lẫn nhau, mảng này xô mảng kia, cứ  như thể đó là bản hợp tấu giữa dòng cuồng lưu  của các con sóng; thế nhưng, ở Vũ điệu thời gian lại như thể là một sự kìm nén, vọng lên với sự  trầm buồn qua sắc màu nền đen đậm dường như  muốn hút lấy cái nhìn của con người trước những  phút giây ngưng đọng để nghĩ về những sự chắp  vá của từng khoảng thời gian tồn tại. Bóng thời  gian của Nguyễn Duy Linh với một kênh khác là  sự ứ đọng, kết tủa của dòng chảy thời gian, của  quá trình đang không ngừng trôi qua. Vọng Múa của Bảo Thịnh đi trên những sắc điệu có cường độ  màu vừa phải, tạo được sự thanh thoát trong các  đường nét giao cắt của các vệt màu giao cắt với  nhau. Nhìn chung, sự thể hiện qua phong cách  trừu tượng và biểu hiện trừu tượng như ở những  họa phẩm nhắc đến ở trên kia đã đánh dấu được  bước chuyển mình nhất định của mỹ thuật Huế  trong thời gian gần đây.  

Tham gia triển lãm “Hội ngộ” còn có những tác phẩm thể hiện sự sáng tạo và táo bạo trong cách sử dụng chất liệu của các họa sĩ. Bay lên Việt Nam của Thân Văn Huy là sức bật ý tưởng cộng hưởng giữa truyền thống và văn minh. Giác ngạn của Nguyễn Thị Huệ được làm từ chất liệu lụa tổng hợp với kích thước lớn vẽ cầu Trường Tiền cùng chiếc bóng in trên nước khá công phu. Hiệu ứng kính của Lê Ngọc Thái và G…ỡ của Mai Tuấn không chỉ mới về mặt chất liệu mà còn mới về phong cách thể nghiệm qua loại hình nghệ thuật sắp đặt. Ảo thị của Đỗ Văn Lân hiện lên với khuôn mặt hình người đang chìm vào trong những dòng suy tưởng miên man được khắc nên trên nền màu đồng đỏ làm tăng tính chất mộng mị của tác phẩm.

“Hội ngộ” không chỉ là sự gặp gỡ của các thế hệ họa sĩ Huế được ký thác trong từng tác phẩm thể nghiệm thông qua nhiều chất liệu và phong cách sáng tác mà nó còn là một sự kiện đánh dấu những tín hiệu chuyển mình của mỹ thuật Huế đương đại. Qua “Hội ngộ” chúng ta có thể hiểu được những giá trị mỹ thuật, mỹ học từ các lớp họa sĩ đi trước, để rồi củng cố và sáng tạo hơn nữa nhằm tạo ra được những khúc nhạc giao hưởng vĩ thanh của một nền mỹ thuật xứ Huế đa sắc thái!

P.T.X.C  
(SHSDB27/12-2017)





 

Các bài mới