Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-17)
Hấp hôn tôn nữ
09:34 | 02/02/2018

TRẦN KIÊM ĐOÀN

Chiều nay, chúng tôi được mời tham dự Sinh nhật 80 và 85 của một đôi vợ chồng thuộc thế hệ huynh trưởng được tổ chức tại một biệt thự ở Granite Bay, gần thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California.

Hấp hôn tôn nữ
Ông bà Fred - Tiểu Bích Hodges. Ảnh: Đặng Thị Hậu

Có thể nói đây là một sự kết hợp của hai người rất đặc biệt thành một “cặp đôi hoàn hảo” (một danh từ rất phổ biến tại Việt Nam nội địa hiện nay được dịch ra từ “the perfect couple”) để diễn tả những cặp vợ chồng rất tương xứng và tương hợp với nhau.

Thiệp mời tham dự Tiệc mừng Sinh nhật rất trang trọng và nghệ thuật được gởi trước đến ba tháng. Vừa nhận được thiệp hôm trước, hôm sau bà xã nhà mình đã có bạn học đồng môn trường nữ trung học Đồng Khánh Thành Nội thời những năm sáu mươi gọi, thì thầm trong phone: “Cô mình làm lễ Sinh nhật mừng thọ 80 - 85. Thì cũng coi như ‘hấp hôn’ sau 12 năm chung sống. Trên cả tuyệt vời. Cô và ông Fred thật xứng đáng ‘thiên duyên tình mộng’ mi ơi!”

Tôi chia sẻ niềm vui của những cô nữ sinh Thành Nội một thời. Trường nữ trung học Thành Nội được thành lập ngày 15/9/1964 là một chi nhánh của trường Đồng Khánh phía tả ngạn sông Hương nên còn được gọi là “Đồng Khánh Thành Nội”. Thế hệ học sinh thời kỳ đầu của trường bây giờ đã lên hàng bà nội, bà ngoại cả rồi. Bà xã nhà tôi là thế hệ đầu tiên của trường Thành Nội. Vâng, tôi nghĩ nhân vật “cô mình” mà nhà tôi và người bạn học ríu ra, ríu rít nhắc đến với niềm vui tươi mát đó xứng đáng nhận nguồn cảm tình nồng ấm, pha chút hồn nhiên đầy cảm tính của thế hệ học trò năm mươi năm về trước vì cô là giáo sư, hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Tôi mỉm cười ấm lòng khi nhà tôi hỏi:

“Em không hiểu con H.T. bạn em nói tới chữ ‘hấp hôn’ có nghĩa là gì anh hè?”

Nghe hai… cô nàng 68 xuân xanh còn xưng “tau” gọi “mi” như thuở tóc thề nghiêng nón khiến cho cụ già 72 tôi cũng bồi hồi tấc dạ mà nhớ tới những ngày xưa thân ái.

Nửa đùa vui, nửa thật bụng trong ý nghĩ chân thành của mình, tôi trả lời:

“Cuộc tình của bác sĩ Fred và cô Tiểu Bích đã trải qua chặng đường 12 năm, nhưng ai cũng nói là cô thầy ấy… càng tra (già) gừng tỏi càng cay; càng cao tuổi hạc càng say tình nồng… nên có cần chi phải ‘hấp’ nóng thêm nữa!”

Quả nhiên chiều hôm nay được tham dự ngày lễ Sinh nhật 80 của cô Tiểu Bích và 85 của bác sĩ Fred chúng tôi mới thấy rõ hơn điều đó. Hình ảnh đẹp nhất vẫn là hai người tình “bát tuần”. Chàng lúc nào cũng tỏa ấm nụ cười âu yếm với bàn tay dịu dàng chờ đợi khoác vai hay nắm tay Tôn nương 80 không phải chỉ đặc biệt trong buổi tiệc mừng sinh nhật này mà suốt cả 12 năm qua, từ ngày gặp gỡ.

Qua nhiều dịp trao đổi chuyện trò, dự tiệc vui với cô Tiểu Bích và Fred, chúng tôi vừa thấy rõ, vừa cảm nhận được mối quan hệ nồng nàn, khắng khít của đôi vợ chồng cao niên với hai hoàn cảnh văn hóa, ngôn ngữ, xã hội Việt - Mỹ có muôn vàn điều khác biệt nhưng họ gặp nhau từ căn cơ của suối nguồn hạnh phúc. Tình cờ gặp nhau trên chuyến bay “định mệnh” vào lứa tuổi thất thập. Hình như ở giai đoạn gần cuối một đời thì người trí thức và chuyên môn Hoa Kỳ như bác sĩ Fred Hodges thường có khuynh hướng sống bằng tín hiệu trái tim hơn là qua lớp vỏ phù vân để trang trí bên ngoài. Và, nếp sống có khuynh hướng lắng đọng vào chiều sâu này cũng là nếp sống phát triển tự nhiên của người phụ nữ Huế bản lãnh và nhiều trải nghiệm thực tế thời cao niên như cô Tiểu Bích. Phần giới thiệu Slideshow về nếp sinh hoạt của hai ông bà Fred - Bích Hodges đã thể hiện khá rõ nét điều này: Một cuộc sống vợ chồng Việt Mỹ tương kính, tương đồng và tương tác từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Ngoài không khí sinh hoạt đại gia đình của cả hai bên, sân khấu Birthday có sự tham gia văn nghệ tưng bừng và sống động như một buổi trình diễn văn nghệ của Đồng Khánh Thành Nội năm xưa. Diễn viên và khán giả đều cảm thấy mình đang trẻ lại chừng… 50 năm như ngày xưa quê mẹ. Chỉ có khác là thay tiếng “Huế mền” bằng tiếng Anh và những đuôi mắt kiếm quang lấp lánh của những cô em nữ sinh Thành Nội đã ẩn hiện dấu chân chim về chiều đang bay về tổ ấm.

Tiệc “Happy Birthday” này được tổ chức trang trọng như một lễ hội tư nhân có đẳng cấp cao từ nội dung đến hình thức. Học trò cũ của cô Tiểu Bích đều đã vào hàng thế hệ U (under) - 60 và U-70 ở nhiều miền tiểu bang California và Hoa Kỳ về tham dự khá đông đảo.

Cô giáo Hiệu trưởng và học trò cũ. Ảnh: Ngô Đức Chiến - Huỳnh Trang


Hầu hết những người học trò cũ trường Thành Nội xa Huế đã thành danh, thành phận theo cách này hay cách nọ bằng những lối đi riêng, nhưng tâm hồn và cung cách ứng xử của họ vẫn gần nhau hay rất giống nhau theo nếp cũ và tình tự quê nhà. Đã 35 năm xa Huế rồi mà tôi vẫn ưa chuộng và trân trọng cái nét kiêu sa, quý phái mà chân quê của những người “nữ sinh - bà cụ” Huế. Mở đầu chương trình, trên sân khấu lộ thiên, chàng và nàng Fred - Tiểu Bích cầm tay nhau thưởng thức một người học trò đang hát. Bài hát gợi nhớ “Người Nâng Ta Dậy” (You Raise Me Up), lời Brendan Gram, nhạc RoftLovland để ghi dấu kỷ niệm 12 năm trước khi chàng Fred đang bị chao đảo và đã được nàng Tiểu Bích nâng dậy, đứng vững trên núi tình… chồng vợ tới hôm nay. Người hát là một học trò cũ Thành Nội, cô Lê Thị Huỳnh Trang (bà Ngô Đức Chiến), đang là giáo sư tiến sĩ tại đại học California State University, Fullerton. Hoài niệm cảm động, khung cảnh ấm cúng, dáng vẻ và tiếng hát Huỳnh Trang rất chi là… Sylvie Vartan trong giờ khắc phù du chiều nay đã giúp đưa ký ức và lòng người về sức mạnh tinh thần và tình yêu của thầy trò Thành Nội.
 

Và, chị Oanh hát Love Changes Everything… (Tình Yêu Như Sáng Thế…)

Love, love changes everything
Hands and faces, earth and sky
Love, love changes everything
How you live and how you die

 
(Yêu nhau đi, tình yêu là chuyển hóa
Nhân dáng, đất trời thế giới quanh ta
Yêu nhau đi, tình yêu thay tất cả
Sống thăng hoa và chết cũng tuyệt vời)


Tình yêu nơi đây êm đềm, không bão liệt kiểu “tình yêu như trái phá…” của Trịnh Công Sơn mà “tình yêu như sáng thế”!

*

Được gặp lại người bạn học cũ của nhà tôi ngồi chung nơi bàn tiệc. Hai người nói to nhỏ một hồi và rồi đến lượt nàng nhà tôi lên tiếng; hơi kỳ kèo nhưng không kém phần… lệnh lạc:

“Em muốn biết chính xác tiếng ‘hấp hôn’ có nghĩa là gì mà em nghe mù tịt, không hiểu gì cả rứa!”

Tôi hứa với cả hai là sẽ giải thích rõ hơn bằng một bài viết ngắn.

Vậy, nhân đây, tôi sẽ làm chút phiếm luận bỏ túi về một từ ngữ nhớ nhớ, quên quên; lạ lạ, quen quen… rất thú vị mà không biết các xứ khác có thường dùng hay không. Có lẽ từ ngữ này không xuất phát từ Huế. Tôi thử tra Từ Điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức nhưng không tìm thấy. Nhưng khi lên tìm ở Google thì thấy… “bắt loạn!”

Hấp hôn là gì?

Nhân nói về khái niệm “hấp hôn”, một người bạn - Nguyễn Lan Anh trên trang mạng xã hội - góp ý định nghĩa danh từ là: “Steaming kiss = Hấp hôn”. Một sự suy diễn đầy hình tượng chữ nghĩa khá thú vị nhưng lại lạc ra ngoài mạch văn và ngữ cảnh nên coi như… lạc đề.

Thật ra, “hấp hôn” là một từ ngữ dân gian, không có trong tự điển Việt Nam, nghĩa là không được, hay chưa được, giới học sĩ kinh điển chính thức công nhận!

Theo nhà văn Thái Luân trong “Đèn Nhà Ai Nấy Rạng” (Nước Việt; Tháng Giêng, 1968) thì “Hấp hôn là một khái niệm mang ý nghĩa cảm tính, chúc tụng, mong ước, ghi nhận thân tình có khuynh hướng hòa vui trong quan hệ hôn nhân, nam nữ hơn là một lễ nghi truyền thống trong Văn hóa Việt Nam xưa nay. Vậy nên bất cứ một dịp gặp gỡ, tụ họp nào có ít nhiều liên quan đến đời sống hôn nhân, quan hệ gia đình của bằng hữu, anh chị em hay cha mẹ còn sống như dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, ngày gặp gỡ, đoàn tụ của các cặp vợ chồng đều có thể gọi một cách đùa vui là dịp ‘hấp hôn’…”.

Trước hết, “hôn” ở đây là một từ Hán Việt. Hôn (marry), bộ Nữ, có nghĩa là lấy vợ như thường gặp trong các từ ngữ hôn phối, hôn nhân, hôn lễ... Nó đồng âm nhưng khác nghĩa với “hôn” (kiss) là một từ thuần Việt có nghĩa là hành vi xúc chạm biểu hiện tình cảm âu yếm thương yêu. Và “hấp” (steam) lại là một từ thuần Việt có nghĩa đun lên cho nóng hay làm nóng lại. Nó khác với “hấp” (cuốn hút - attract, absorb), “hấp” (vội - hurry)… là những từ Hán Việt.

Nói tóm lại, hấp hôn là một từ kép làm nên bởi một từ thuần Việt là “hấp” có nghĩa là làm nóng lên và một từ Hán Việt “hôn” có nghĩa là lấy vợ. Theo tinh thần quy ước của ngữ học Việt Nam thì đây là một “tiếng lóng” (slang) dân gian truyền khẩu dùng để nói đến việc “hấp nóng” giúp làm tươi mát, nồng ấm, thăng hoa quan hệ vợ chồng, hôn nhân, nam nữ sau một thời gian dài sống chung. Tại Việt Nam, hiện đang có một phong trào “hấp hôn” trong giới đại gia giàu mới là tổ chức các lễ “hấp hôn” còn xa hoa và rầm rộ hơn cả lễ cưới.

Thời xa xưa, khi quan hệ xã hội và gia đình bị ràng buộc bởi truyền thống theo thói quen phường trên xóm dưới, dần dà trở thành những lối mòn gọi  là “truyền thống văn hóa” khắt khe và nặng nề nghi  thức hôn lễ. Những cặp vợ chồng tuy sống chung  đôi dưới một mái nhà nhưng phải hy sinh cái riêng  cho cái chung của đại gia đình và xã hội. Sau mười  năm, hai mươi năm hay dài hết cả đời, biết bao cặp  vợ chồng đã thành danh, thành phận, nhìn lại bỗng  tiếc nuối một thời yêu đương, lãng mạn, riêng tư  của mình dường như vắng bóng và nguội lạnh. Họ  cần phải hâm, phải hấp… cho tình nóng lên và đời  ấm lại thông qua những hình thức như sinh nhật,  chu niên, lễ hội và gọi một cách nôm na là “hấp  hôn” hay “hâm hôn”.

Vắng đi một thời trong hoàn  cảnh chiến tranh và cuộc sống khó  khăn, khi tuổi càng về già và đời  sống kinh tế tương đối thoải mái  hơn thì hiện tượng “hấp hôn” được  nhắc lại trong giới hạn sinh hoạt  bạn bè hơn là sinh hoạt xã hội.

Sau 1975 tại Huế, đã có rất  nhiều phụ nữ “êm đềm trướng rủ  màn che…” một thời phải lăn mình  ra ngoài chợ đời tranh sống. Xót xa  nhất là những người xuất thân thầy,  cô giáo phải “tháo giày ra lết chợ”  như chúng tôi trong buổi giao thời.  Một lần, vợ chồng người bạn cùng  là giáo sư trong cảnh ăn độn bo bo,  khoai sắn như chúng tôi bỗng một  ngày cao hứng mời nhóm anh chị  em thân tình về nhà ăn tiệc “hấp  hôn” mừng ngày anh chị đã chung sống với nhau 25  năm. Đây là một “sự cố” đáng ngạc nhiên cho giới  nhà giáo chúng tôi vào thời kỳ này, trong cảnh khó  khăn nhất về cuộc sống cơm áo hàng ngày. Anh cao  hứng ngõ lời phi lộ cho bữa tiệc rằng, mục đích là  giúp “ấm lòng chiến sĩ” mừng hai vợ chồng đã sống  chung 25 năm mà không có… nội chiến từng ngày,  nên dẫu cuộc sống khá vất vả mà vẫn thấy êm đềm  hạnh phúc. Và nhóm từ “Hấp Hôn Tôn Nữ”được  chúng tôi đặt bày sáng tác ra từ dạo ấy.  

Sang Mỹ, khái niệm “hấp hôn” hầu như không  còn nghe thấy. Có lẽ văn hóa phương Tây năng  động nên làm biếng “hấp” hay “hâm” mà thường  thích ăn fastfood hay đồ mới nên tại Mỹ, vào những  năm giữa thập niên 60, cứ trung bình 3 trong 7 đứa  trẻ tuổi “teen” là con của những cặp vợ chồng ly dị.  Ly dị trở thành một phong trào nóng bỏng. Nhưng  khuynh hướng ly dị, ly thân ấy có khuynh hướng  nguội dần cho đến vài thập niên đầu thế kỷ 21 thì  chững lại và đời sống hôn nhân có vẻ lâu dài hơn  thời “Baby Boomer”!

Đã ba mươi lăm năm từ ngày ở Mỹ, tôi chỉ được  nghe vài lần từ ngữ “hấp hôn”. Có lẽ bởi vì thế giới  tâm lý hôn nhân xông xáo nhưng đổi thay quá  nhanh của người Mỹ đã… chật chỗ cho một không  gian làm ấm lại tình yêu. Có những cặp tình nhân  hay vợ chồng tưởng như xa nhau nửa bước sẽ nghẹt  thở nên đứng bất cứ nơi nào cũng âu yếm vuốt ve,  hôn nhau đắm đuối nhưng chỉ qua vài cuộc cãi nhau  ngay sau đó là đã vội vàng ly dị, ly thân. Hai mươi  năm làm ngành tâm lý trị liệu (Psychotherapy)  thuộc lãnh vực Bảo vệ Trẻ em và Gia đình trong  xã hội phương Tây tôi mới cảm thấy trân trọng và  thương quý tình cảm thiêng liêng, đôn hậu và nhân  bản - chữ trung thì để phần cha, chữ hiếu phần mẹ,  đôi ta chữ tình - của một thời đã khuất dáng trên  quê hương Việt Nam.

Hy vọng, đôi dòng giải thích trên đây có thể giúp làm cho nhà tôi và người bạn cùng học ở trường Đồng Khánh Thành Nội một thời thấy rõ hơn ý nghĩa tình cảm vui đùa nhưng không kém phần thú vị khi ứng dụng khái niệm “hấp hôn” cho đúng cảnh, đúng người. Nhất là đối với người phụ nữ Huế còn ở trong nước hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

*

Sau cái “mở ngoặc” hơi dài, giờ tôi sẽ tiếp theo và hết phần ký sự cuộc vui ngày hội ngộ của đại gia đình Nữ trung học Thành Nội Huế nhân ngày sinh nhật thượng thọ của cô hiệu trưởng.

Nói đến Huế, cái nhìn đầu tiên là vẻ đẹp của người con gái Huế. Nhưng cái đẹp bằng xương bằng thịt còn được tô điểm thêm bằng nét duyên từ nguồn âm vang tơ vương qua cái tên kiều mỵ, đẹp một cách Liêu Trai. Nhà văn Dương Như Nguyện đã viết:

“Bà ngoại tôi pháp danh là Tĩnh Tâm. Tên thật của bà là Hương Quế. Xứ Huế đã đặt cho đàn bà những cái tên đẹp lạ lùng: Dạ Khê, Tiểu Bích, Tú Thiềm, Phiến Tuyết, vân vân.”

Có lẽ trong tương lai, xin gợi ý một chuẩn tiến sĩ văn khoa nào đó của đại học Huế thử trình bày một luận án tiến sĩ (doctoral dissertation) về đề tài, đại khái như: “Khảo luận về nét đẹp và cách đặt tên con gái của những gia đình nho phong xứ Huế” chẳng hạn. Có lẽ nên bắt đầu bằng cái tên khai phá tiền phong rất đẹp là Huyền Trân Công Chúa. Như ngày xưa, gia đình Uyên Bác đã đặt tên con gái theo bộ Mộc: Tố Cần, Lục Hà, Phương Thảo, Liên Như, Bạch Lan, Thúy Vy… rất nổi tiếng một thời ở Huế. Đó cũng là khuynh hướng nho phong gia thế rất được trân trọng của một thời vang bóng.

Trong những tên phụ nữ đẹp và độc đáo nhất ở Huế mà Dương Như Nguyện nhắc đến ở trên có một nhân vật mà tôi vừa đề cập là Tiểu Bích: Tôn Nữ Tiểu Bích. Cô là cô giáo của nhà tôi đúng 50 năm về trước, khi cô là hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Thành Nội hay còn gọi là Đồng Khánh Thành Nội để phân biệt bên tê là “Đồng Khánh Quốc Học”!

Hình ảnh những cô hiệu trưởng Đồng Khánh bên tê bến đò Thừa Phủ như Tịnh Nhơn, Giáng Châu, Tường Loan, Bích Đào… đã trở thành những nhân vật “nổi” trong nếp sống học đường vừa thực tế vừa mộng mơ rất phổ biến ở xứ Huế. Nhưng phía “bên ni” thì trường Đồng Khánh Thành Nội, học trò cũng tóc thề, áo trắng, nón bài thơ nhưng chỉ có một vị hiệu trưởng được biết đến từ đầu chí cuối là cô Tôn Nữ Tiểu Bích, nên vô hình chung, cô “nổi” nhiều hơn cả.

Hình như có một số phận kỳ lạ dành cho người con gái Huế là phần đông những người càng đẹp, gia thế càng quý phái, càng có tên đẹp khác người và nhất là tài năng càng phát tiết thì thường gặp số phận long đong về số phận tình duyên. Điểm lại những nữ nghệ sĩ Huế nổi tiếng trong nhiều lãnh vực nghệ thuật cổ điển và tân tiến như Hát Bội, Ca Huế, Ba Vũ, Tân nhạc, Văn chương… thì thấy rõ hiện tượng đó. Nhưng với đôi mắt thường của nhân gian thì phải chờ đến gần hết một đời sau mới dám nói lên và thấy được điều này. Nhưng với những bậc nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Du thì có vẻ như đã thấy rõ “chữ tài liền với chữ tai” níu buộc nhau như bóng với hình.

Nhiều bậc thức giả đi xa hơn khi đưa ra nhận định rằng, thời gian làm quan ở Huế Nguyễn Du đã thấy được: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu…!” (Mảnh trăng gầy guộc sông Hương - Xưa nay hứa hẹn đoạn trường lê thê) nên mới xây dựng được một gia tài ngôn từ thi cá trác tuyệt cho Đoạn Trường Tân Thanh từ một câu chuyện “Kiều Nhi” bình thường của Thanh Tâm Tài Nhân.

Tuy số phận Thúy Kiều đã được Thanh Tâm Tài Nhân đưa đường chỉ lối trên cái khung đại thể, nhưng những nét lãng mạn nhạy cảm và mong manh hư ảo của dòng đời mới là tinh túy Nguyễn Du. Nàng Kiều lúc liều mình quyết liệt vì hiếu, lúc thổn thức đam mê vì tình, lúc quặn thắt mênh mông trên bước đường lưu lạc, lúc ân đền oán trả khi nắm quyền thế trong tay và thái độ “tu giữa bụi trần” lúc tái hợp với tình xưa chỉ còn là kỷ niệm… sao mà thi hào Nguyễn Du đã diễn đạt tài hoa ứng hiện với số phận “tài mệnh tương đố” của mỹ nhân rất Huế đến thế!

Nhưng sự ứng hiện rõ ràng nhất là hậu vận của giới mỹ nhân tài hoa xứ Huế đã được Nguyễn Du tiên đoán rằng, cuối cùng, tất cả đều được rút tên ra khỏi sổ đoạn trường để hưởng: “Còn nhiều hưởng thụ về sau - Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào”.

Càng tìm hiểu về lai lịch của người phụ nữ Huế, tôi càng có sự thâm tín rằng một “happy ending” - như người phương Tây thường dùng để chỉ cho những câu chuyện tình đầy gian nan, khổ ải được kết thúc trong hạnh phúc, đoàn viên - là phần thưởng cuối đời của những người phụ nữ Huế đẹp đẽ tài hoa nhưng gặp duyên tan, phận mỏng của khách hồng nhan.

Những người đẹp xứ Huế đang hạnh phúc thì yên tâm với “còn nhiều hưởng thụ về sau”. Nhưng ai còn một chút long đong thì càng vững tâm lắng lòng thắp sáng niềm vui cho một hướng mong cầu “Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồì dào.”

Huế bên tê, Huế bên ni, Huế khắp mọi miền cũng chỉ mong có được một cuộc đời nhân hậu.

Sacramento. Lập Thu 2017
T.K.Đ  
(SHSDB27/12-2017)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bông hồng nở (19/01/2018)