Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-17)
Dòng họ bốn đời gắn bó với quần thể di sản Phủ Dày
09:42 | 02/02/2018

PHẠM TRƯỜNG AN

Ngày 1/12/2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.

Dòng họ bốn đời gắn bó với quần thể di sản Phủ Dày
Tượng Mẫu Liễu Hạnh

Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân cả nước nói chung cũng như nhân dân Nam Định nói riêng. Đặc biệt với xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, nơi được xem là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong cả nước.

Từ thế kỷ thứ XVII - XVIII (đời Lê Trung Hưng), trải qua hơn bốn trăm năm hình thành và phát triển, cho đến nay Đạo Mẫu Việt Nam đã chính thức được thế giới công nhận. Sự kiện này không chỉ đơn thần là niềm vinh dự, tự hào mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, đó là sự khẳng định quốc tế về một hình thức tôn giáo Việt Nam. Một tôn giáo thuần Việt, không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi các tôn giáo ngoại lai. Liễu Hạnh được tôn là Thánh Mẫu thần chủ, nhưng lại là một con người thực, có tên tuổi, cha mẹ, quê quán rõ ràng. (Tương truyền nàng là tiên nữ từ trên trời giáng thế). Thánh Mẫu là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp, tài sắc vẹn toàn, hiền hậu nết na, hay lam hay làm, và khát vọng yêu đương đôi lứa thủy chung; hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; hết lòng giúp nước, cứu người, thực thi công bằng xã hội. Là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo.

Từ những phẩm chất cao đẹp ấy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được các triều đình nhà Lê, nhà Nguyễn vinh phong là: “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương”, là “Mạ Vàng Công Chúa”, là “Thượng Đẳng Thần” và được xếp là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam. Nhưng cao hơn là được các triều đình và dân chúng tôn vinh là “Mẫu Nghi Thiên Hạ”.

Với lòng cảm phục, tôn kính từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi tới miền ngược, nhân dân đã lập đền thờ phụng. Tập trung nhiều nhất ở tỉnh Nam Định, Thánh địa chính là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản với quần thể gần hai mươi di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có năm di tích từ thời Lê thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tạo thành một quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dày rộng lớn, bao gồm Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, Lăng Thánh Mẫu, Đền Nguyệt Du Cung và Khải Thánh Từ.

Có được một hệ thống đền, phủ thờ Mẫu đẹp đẽ, khang trang trải đều trong cả nước như hiện nay; ngoài công lao gìn giữ, tôn tạo và xây dựng của nhân dân nói chung, không thể không ghi nhận những đóng góp về tinh thần cũng như vật chất của các thủ nhang từ thời xa xưa đến nay. Họ là những người trực tiếp quản lý các đền phủ và tuyên truyền giáo lý Đạo Mẫu tới mọi người. Trong số đó tiêu biểu là thủ nhang đền Nguyệt Du Cung Trần Vũ Toán. Ông là hậu duệ đời thứ tư của dòng họ Trần Vũ liên tục làm thủ nhang của ngôi đền này. Cụ tổ Trần Vũ Đa, nguyên gốc là họ Vũ, đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1783) chuyển từ làng Đại Đồng, huyện Phú Xuyên, trấn Sơn Nam (nay thuộc thành phố Hà Nội) dời cư về sinh sống ở làng An Thái. Làng này xưa chỉ duy nhất có một họ Trần và quy định tất cả những người dân di cư đến đây phải đổi họ, nên họ Vũ được đổi thành họ Trần Vũ. Trần Vũ vốn là dòng họ Nho học, nhiều đời theo nghiệp bút nghiên, đa phần làm nghề dạy học, làm nghề thầy thuốc, thầy cúng. Ông Trần Vũ Đa người có đủ phẩm chất đạo đức của bậc Nho học nên được dân làng cử ra làm thủ nhang đền Nguyệt Du Cung và dân làng gọi ông là ông Đồng Đa.

Theo truyền thuyết vào ngày mồng Ba tháng Ba năm Đinh Sửu (1577) đời vua Lê Thế Tông, tại đây: xứ Cây Đa, thôn Tây La Hào, Thánh Mẫu đã hóa thân về trời ở tuổi 21. Tương truyền vào những đêm rằm trăng sáng, Thánh Mẫu thường cùng các tiên nữ về quây quần bên gốc cây đa múa hát, ngâm thơ vịnh nguyệt, gần ngôi mộ đất của mình. Chính vì thế nơi đây đã trở thành vùng đất thiêng, như câu đối chạm đá trong lăng Thánh Mẫu đã ghi rõ:

“Thiên Bản địa linh lưu Thánh tích
Nguyệt Du thủy hoạt tổ tiên nguyên”


Dịch nghĩa:

“Thiên Bản đất thiêng in dấu Thánh
Nguyệt Du nước chảy dõi nguồn Tiên.”

Nhận được sự tín nhiệm, giao phó của dân làng, ông Đồng Đa đã bắt tay ngay vào công việc. Ông cùng ni sư Cao Thị Cẩn thủ từ đền An Thái (tức Phủ Tiên Hương) tiến hành mở rộng các đền phủ trong quần thể Phủ Dày, đặc biệt tôn tạo đền Nguyệt Du Cung từ một ngôi miếu nhỏ đơn sơ thành một ngôi đền lớn, có hậu cung ba gian và cung ngoài năm gian, trùng thềm bằng gạch đỏ. Đền nằm dưới bóng cây đa lớn, cành lá xum xuê, dân quanh vùng quen gọi là Đền Cây Đa Bóng.

Ông Đồng Đa có hai con trai là Trần Vũ Cư và Trần Vũ Thực đều được học nho y, lý số đầy đủ. Ngoài việc hàng ngày dạy học trong làng, hai ông còn phụ giúp cha đèn nhang thờ cúng tại đền.

Khi ông Đồng Đa qua đời, hai con tiếp tục sự nghiệp của cha và đã làm được nhiều việc lớn có ý nghĩa. Tiếp tục tôn tạo, nâng cấp và mở rộng đền Nguyệt Du Cung thành ba cung lớn, lộng lẫy. Xây dựng tam quan có lầu gác chuông hoành tráng, trang nghiêm. Cho đúc tượng đồng Thánh Mẫu Liễu Hạnh để thờ. Với sự giúp đỡ của Tham tá Công chính Hồ Trọng Lẫm về thiết kế và trực tiếp làm đốc công, sự hảo tâm đầu tư ngân phiếu của đệ tử Đào Chi ở Huế, anh em Trần Vũ Cư và Trần Vũ Thực cùng với nhân dân và các đệ tử xa gần đã hoàn thành việc xây dựng lăng Mẫu vào năm 1938. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá đồ sộ, uy nghi với sáu mươi câu đối được khắc trên các cột đá, mang nụ sen ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Khuôn viên xung quanh lăng được trồng nhiều loại hoa và những cây thuốc quý.

Không lâu sau đồng đền Trần Vũ Cư qua đời, công việc được giao lại cho Trần Vũ Thực quán xuyến. Trần Vũ Thực không những tiếp tục tôn tạo mở mang công trình mà còn rất chú trọng thu thập lại những đồ thờ cúng bị thất lạc và mua sắm thêm nhiều đồ thờ cúng mới bằng sứ, bằng đồng như: bát hương, chuông, khánh, trống đồng, v.v. Bản thân Trần Vũ Thực còn dâng cúng ruộng đất và nhiều đồ vật quý cũng như công sức tiền bạc cho các đền phủ trong tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh sách để thấm nhuần hơn về Đạo Mẫu. Chính vì thế tại hội thi Đồng quan tổ chức ở Đền Ghềnh - Thiên Tiên Từ (thuộc xã Lâm Du, huyện Gia Lâm, Hà Nội), ông được tôn là Đồng quan, được ghi phẩm danh trong văn bia tại đền Mẫu Thoải năm Tân Hợi (1911) đời vua Duy Tân. Năm Ất Sửu (1925) ông Trần Vũ Thực được mời vào Huế xây dựng Thiên Đàn Phổ Hóa cung ở chùa Bảo Quốc.

Cả cuộc đời tâm thành thờ Mẫu của Đồng quan Trần Vũ Thực đã được con cháu phát huy. Hậu duệ của ông là Trần Vũ Toán kế nghiệp thủ nhang đền Nguyệt Du Cung. Nhận vinh dự đó, ông Trần Vũ Toán ý thức được niềm vinh dự và trách nhiệm nặng nề mà ông phải gánh vác.

Trải qua những biến cố lịch sử, thiên tai, địch họa liên miên và từ con người do không nhận thức đầy đủ về Đạo Mẫu mà gây nên khiến cho Nguyệt Du Cung xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy việc cấp thiết phải làm là tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, của đệ tử thập phương khẩn trương tôn tạo, mở rộng đền, trồng thêm vườn hoa, cây cảnh cho xứng với tầm vóc vốn có của công trình. Điều thủ nhang Trần Vũ Toán đặc biệt quan tâm là bằng mọi hình thức tuyên truyền, phổ hóa lịch sử để mọi người hiểu sâu sắc hơn về Đạo Mẫu, về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất về nơi ăn, chốn ở cho du khách gần xa đến thăm viếng, cho các đệ tử an lòng khi về với Nguyệt Du Cung là về với ngôi nhà của Mẹ, được sống trong vòng tay nhân ái chở che của Mẹ. Mọi nghi thức dâng lễ Mẫu được thủ nhang hướng dẫn từng chi tiết cụ thể cho các đệ tử, tránh lãng phí, mê tín dị đoan. Nhà đền không đặt ra một yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc nào, gây khó khăn cho các đệ tử.

Một phần Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung) là nơi thờ Hội đồng các bóng, các giá. Người có đồng phải trình đồng ở đây trước khi hầu đồng ở các phủ trong quần thể Phủ Dày, do vậy mà các đệ tử trong cả nước về đây lễ Mẫu và hầu đồng rất đông, một phần cũng bởi uy tín, đạo đức, thiện tâm của Trần Vũ Toán thủ nhang của ngôi đền này.

Với cảnh quan tâm linh tín ngưỡng rộng rãi trang nghiêm, Nguyệt Du Cung đã trở thành nơi lý tưởng để tổ chức các hội nghị, hội thảo về tâm linh trong nước cũng như quốc tế. Năm 2010, tại đây đã diễn ra Hội thảo quốc tế về đề tài “Nghiên cứu khả năng đặc biệt của con người trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam”. Năm 2012, Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ Thần (Mẫu) - Bản sắc và giá trị”, do Trung tâm bảo vệ Di sản Văn hóa Dân gian Việt Nam tổ chức, có diễn xướng hát chầu văn, hầu bóng. Hơn 10 đoàn đại biểu, các nhà nghiên cứu nước ngoài về Nữ Thần (Mẫu) đã đến dự đánh giá rất cao giá trị văn hóa thờ Mẫu của người Việt. Năm 2012 tỉnh Nam Định tổ chức cuộc thi hát văn, hầu đồng tại đây. Năm 2016, Hội thảo khoa học quốc tế: “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại - trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu.”

Thủ nhang Trần Vũ Toán không giấu điều mà ông tâm niệm là làm sao luôn có sức khỏe dồi dào để ngày đêm hương đăng thờ Mẫu. Giáo dục gia đình, con cháu uống nước phải nhớ nguồn, luôn học hỏi, tu thân để góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc, nối dõi truyền thống của dòng họ Trần Vũ đã bốn đời được nhân dân và các đệ tử tín nhiệm trao giữ cương vị thủ nhang Nguyệt Du Cung, một ngôi đền lớn trong quần thể “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.

P.T.A   
(SHSDB27/12-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bông hồng nở (19/01/2018)