Tạp chí Sông Hương - Số 348 (T.02-18)
Con chó trong đời sống của cư dân Thừa Thiên Huế
08:39 | 13/02/2018

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nơi thờ chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.

Con chó trong đời sống của cư dân Thừa Thiên Huế
Nơi thờ chó đá thôn Trung Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang

Ở miền Bắc, thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Ngoài ra, chúng ta thường bắt gặp tục thờ chó đá ở Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ. Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) thờ chó đá như một vị thần và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. Con chó đá cao 1,4 m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó nhỏ. Quan lớn Hoàng Thạch ngự ở giữa làng, bên cạnh đình và chùa Địch Vĩ. Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn. Chó đá đặt trong đình làng Phù Trung (Thượng Mỗ, Đan Phượng) lại được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu. Chó đá được đặt lên bệ thờ ở bên phải, vừa để trông coi đình, vừa được thờ cúng như một vị thần. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cũng đã nhắc đến nơi thờ chó đá ở điện Lam Kinh như sau: “Ngoài Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng”(1). Theo đó, trong sinh hoạt văn hóa vật chất của người Việt, khi mở cửa ngõ gia chủ thường né tránh những xui xẻo vì thế “cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương để yểm tà khí”(2).

Đối với một số dân tộc thiểu số trên đất nước ta thì truyền thuyết về ông tổ chó có ở người Xêđăng, Stiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô. Trong quan niệm của người Mường, gà và chó đóng vai biểu tượng của Sống (sáng) và Chết (tối) ở hai thế giới đối nghịch nhau trong không gian, đại diện cho các loài sống dưới thấp, trên mặt đất. Con chó Ngao đứng canh gác bên kia cầu Nại Hà (con sông to như cái vạc) mà dòng chảy bọc lấy điện cuối cùng trong Thập điện họp thành Âm ty.

Người Nùng, Tày, Dao vẫn còn lưu giữ tục thờ chó đá (Ma hin) vì chó đá là linh vật trừ tà trong nhà cho nên đồng bào nơi đây còn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma, hầu như nhà nào cũng có một chú chó đá canh cổng, được tạc to như chó thật, dáng được ưa thích nhất chính là thế phục mồi, trông coi nhà cửa. Người Nùng quan niệm chó đá đem lại may mắn, vì vậy họ không bao giờ ăn thịt chó và luôn coi chó là con vật thiêng liêng nhất để tôn thờ. Người Nùng Cháo có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Tục này đã có từ lâu, nó được truyền từ đời này sang đời khác. Ngày xưa núi rừng đang còn hoang vu, dân bản quan niệm thờ chó đá để canh thú dữ vào bản hại người. Người Nùng cho rằng những con ma, con hùm, con chim lợn sợ tiếng chó sủa; những con vật ấy vô tình chạm phải ánh mắt của chó sẽ tránh xa hoặc tìm chỗ khác ẩn nấp. Người Tày lại quan niệm, mỗi khi có tiếng chó sủa là con ma sợ không dám lại gần hại người nên đặt con chó đá trước cửa là để cai quản cõi âm. Dòng họ Bế của người Tày kiêng ăn thịt con chó vì họ cho rằng xưa kia tổ tiên dòng họ này đã được con chó chăm sóc và cho bú lúc gặp hoạn nạn. Đồng bào Dao cũng kiêng ăn và giết chó vì trong tâm thức của họ, con chó thần Long khuyển chính là tổ tiên sinh ra các dòng họ Dao cho nên người Dao thờ vật tổ là con chó cho dân tộc mình. Với người Dao, hình ảnh con chó còn được biểu hiện trên trang phục. Người Dao đỏ trong ngày cưới còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó. Trên trang phục người Dao ta còn bắt gặp hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau.

Đối với cư dân Thừa Thiên Huế, hình tượng con chó được nhắc đến nhiều qua văn học, ngôn ngữ và tín ngưỡng dân gian. Mỗi lĩnh vực hình tượng con chó được tái hiện ở những góc độ khác nhau. Trong văn học dân gian, ở vùng Thừa Thiên Huế có lưu truyền một câu chuyện kể về con chó đá như sau:

“Ngày xưa có hai anh em nhà nọ, bố mẹ mất sớm để lại cho một gia tài giàu có và nhiều ruộng vườn. Hai anh em ăn ở với nhau trong một thời gian đầu rất hòa thuận ấm êm. Đến khi người anh có vợ ra ở riêng thì giành hết của cải, nhà đẹp, ruộng vườn tốt tươi. Còn người em ba năm sau cũng có vợ họ dựng một cái lều nhỏ ở góc vườn. Cuộc sống của người em cực khổ vô cùng, nhiều lúc người anh thấy thương em nên muốn giúp đỡ vợ chồng em nhưng người chị dâu lại quá quắt đã không cho mà lại còn gây khó dễ. Vợ chồng người em thấy tình cảnh khó mà ăn ở lâu dài được với chị dâu nên trả lại vườn cho anh chị mà đi tìm một nơi khác để ở. Trước đây khi còn nhỏ, người em hay thường theo bố mẹ đi làm ruộng ở chân đồi xa làng nửa ngày đường, giờ thì vùng đất đó trở nên hoang vu rậm rạp không có người ở thì vợ chồng người em giấu anh chị để đi đến đó.

Ngày qua tháng lại, hai vợ chồng người em lao động vất vả, dọn cỏ ruộng vườn sạch sẽ, dựng ngôi nhà tranh để ở, trong khi đào đất đắp bờ ruộng thì họ gặp được một con chó đá, hai vợ chồng mừng lắm, cố đào lên cho bằng được rồi tắm rửa chó đá sạch sẽ đặt lên cao trước hết để thờ, sau nữa là làm bạn. Một ngày nọ, hai vợ chồng người em đi cày ruộng, vì không có trâu nên người chồng phải cong lưng kéo cày, người vợ đi sau đẩy cày, đã gần xế trưa mà hai người mới chỉ có cày được một góc ruộng bằng hai tấm chiếu, mệt quá hai vợ chồng ngồi nghỉ bên cạnh con chó đá để lấy sức rồi cày tiếp. Lần cày này có khá hơn trước, trong khi sắp nghỉ thì tình cờ người vợ quất một roi vào mông người chồng, người chồng ứ lên một tiếng thì bỗng nhiên con chó đá bật cười, há miệng ra to theo đó là bạc, vàng chảy ra rất nhiều, hai vợ chồng người em kinh ngạc quá, vừa mừng, vừa lo. Họ bàn nhau không nên lấy vì sợ thần linh bắt chết vì chắc đó là con chó thần. Để thử chó đá thêm một lần nữa thì người vợ đánh tiếp vào mông người chồng thêm một roi nữa tức thì chó đá sủa ra ba tiếng gâu gâu gâu, vàng ở đâu trong miệng chó ra rất nhiều. Hai vợ chồng mừng quá, nghỉ cày và vái lạy chó đá xin được đem bạc vàng về dùng. Về đến nhà hai vợ chồng sung sướng lắm, quên cả ăn, họ đem bạc vàng đi đổi những thứ mình cần và trong tháng sau thì nhà cửa, vật dụng của vợ chồng người em trở nên đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi nhưng họ vẫn vui với ruộng vườn.

Ngày qua tháng lại, vợ chồng người em siêng năng lao động, ruộng vườn xanh tươi, có thêm của ăn của để. Lâu rồi họ không gặp anh chị của mình, phần vì nhớ mồ mả của cha mẹ nên động lòng trắc ẩn khăn gói về thăm anh chị. Khi đến nhà anh chị, người chị dâu lại tưởng họ đến ăn xin hay vay mượn tiền bạc gì đó nên tỏ thái độ không vui. Sau một hồi anh em hàn huyên tâm sự thì vợ chồng người anh mới biết là em mình giàu to, họ lại thể hiện thái độ niềm nở vui cười. Vợ chồng người em không quên gửi cho anh chị một ít vàng bạc để lo việc hiếu cho bố mẹ rồi từ giã ra về, họ cũng mời anh chị mình khi nào rảnh rỗi thì ghé sang chơi.

Khoảng 10 ngày sau, hai vợ chồng người anh bán tín bán nghi họ quyết định đi thăm người em cho thỏa lòng nghi ngờ. Khi đến nơi thì đúng thật, vợ chồng người em sống trong cảnh giàu có mà yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, ruộng vườn xanh ngát. Trong buổi mời cơm, người chị dâu vội nói:

- Chị thấy chú thím làm ăn được chị đây cũng mừng, nhưng mà do siêng năng mà có cả. Nhưng cho chị hỏi, ngoài siêng năng ra, chú thím có trúng lộc gì nữa không? Chứ không thì lấy gì mà mau giàu vậy?

Vợ chồng người em nghe thế nhìn nhau rồi cười và họ kể thật lòng về con chó đá đã giúp người nên mới có được ngày hôm nay. Nhưng không phải vì thế mà vợ chồng người em ỷ lại. Có của để dành vậy thôi để phòng về sau chứ chừ có sức thì vẫn cứ làm.

Vợ chồng người anh nghe em kể vậy thì nảy lòng sân si, người chị dâu bèn thủ thỉ:

- Thôi bây giờ anh chị muốn nhờ em một việc, cho anh chị mượn nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và con chó đá trong vòng năm ngày. Rồi sau đó anh chị sẽ trả công hậu hĩnh cho hai vợ chồng em.

Nghe vậy thì hai vợ chồng người em không đồng ý vì công sức họ bỏ ra rất nhiều, không muốn để lại cho ai. Nhưng vì nể tình khẩn khoản van xin của anh chị nên họ cũng xiêu lòng. Hai vợ chồng người anh dọn đến chỗ người em ở và vợ chồng người em thì làm căn lều nhỏ ở tạm vài ngày. Mới đến ở buổi sáng, dọn dẹp chưa xong thì trưa nắng chang chang hai vợ chồng người anh cùng con cái tập trung ra ruộng để cày, hai vợ chồng cũng tập làm trâu cày, vừa cày vừa quất roi vào mông người chồng tới tấp. Mỗi lần quất roi như vậy thì con chó đá lại há miệng to ra để cười, mỗi lần cười thì không thấy vàng bạc đâu mà chỉ thấy toàn là đá, hai vợ chồng người anh thấy thế tức lắm, cứ nghĩ rằng vợ chồng người em chơi xỏ mình. Để thử thêm vài lần nữa, người vợ cứ quất roi vào mông người chồng; mỗi lần quất là mỗi lần đau, thì con chó lại cứ cười và văng đá ra lấp cả những luống đất đã cày. Người anh thấy thế dừng lại, chạy đến con chó đá thò tay vào miệng chó cố khoét sâu xuống ruột chó đá hy vọng móc lấy vàng ra. Không ngờ người anh khi thò tay vào thì con chó đá ngậm miệng lại cắn tay người anh; người anh đau quá la lên, dãy giụa, trời thì nắng, mồ hôi chảy ra như tắm. Người vợ thấy chồng vậy thì xót ruột khóc lóc, lạy lục van xin chó đá tha tội vì sự tham lam của mình.

Vợ chồng người em thấy vậy chạy lại cố cứu anh nhưng không được, bỗng dưng đứa con gái của vợ chồng người anh đang đau bụng đi đái, nó vừa ngồi xuống thì con chó đá bỗng cười to và bàn tay người anh được thoát ra ngoài. Cả nhà một phen khiếp vía hoảng sợ vội trả nhà lại cho người em mà cùng nhau chạy nhanh về nhà mình. Từ đó vợ chồng người anh không bao giờ nhắc đến chuyện ghen tị về sự giàu có với vợ chồng người em nữa và họ cũng không còn tham lam nữa. Hai vợ chồng người anh và người em cùng còn cái của họ sống với nhau thật hạnh phúc mãi mãi”
(3).

Trong ngôn ngữ dân gian Thừa Thiên Huế có rất nhiều câu thành ngữ có liên quan đến hình tượng con chó nhằm mục đích dạy đời, răn đe những kẻ xấu(4): Ăn như chó mạ; Chạy như chó đạp kiến lửa; Chó ăn đá, gà ăn muối; Chó cỏ rồng đất; Chưởi chó mắng mèo; Gà kêu chó sủa; Hóc mõm chó; Lẻm lẻm như chó liếm cối; Mèo vàng chó vá; Ngồi như chó teng lưỡi; Như chó cắn càn; Như chó với mèo; Nói dai như chó nhai giẻ rách; Rau heo cám chó; Rậm rực như chó tháng bảy; Xịt chó bụi tre; Xút chó vô bụi rậm, v.v.

Cùng với những nét tương đồng về tín ngưỡng dân gian là tục thờ chó đá ở các địa phương trên đất nước ta thì ở một số làng quê Thừa Thiên Huế hiện vẫn còn bảo lưu tục thờ chó đá. Điển hình một số địa điểm:

- Ở làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền có miếu thờ Thần Cẩu hướng ra sông Bồ, cao khoảng 1,5m, trên có khắc ba chữ Hán “Thiên Cẩu Thần”. Tượng được tạo bằng đá, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau ở tư thế ngồi. Cổ tượng chó có đeo một tấm bài. Hằng năm cứ đến ngày 30 tết, dân làng có mâm lễ vật ở miếu Thần Cẩu thường là con gà, đĩa xôi, cau, trầu, rượu và hoa, quả. Trong năm dân làng còn hương hoa đều đặn vào các ngày mười bốn, rằm, ngày ba mươi và mồng 1 (âm lịch) hàng tháng.

- Tại kiệt 11, tổ 4, thôn Trung Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang có thờ 1 con chó đá, qua bao biến thiên của thời gian cũng như do thời tiết, do mở rộng đường nhưng người dân quanh vùng luôn tôn trọng “Ông” bởi vì người già nơi đây kể rằng, con chó đá được thờ từ lâu, lúc đầu là tảng đá hình giống như con chó đang ngồi, qua chiến tranh và lũ lụt, tượng chó đá bị vỡ rồi thất lạc. Người dân trong thôn lại tạo tượng mới bằng xi măng, dáng vẻ con chó uy nghi hơn. Chó đá có mặc áo choàng ngang cổ che hết thân mình. Sau năm 1985 do yếu tố bài trừ mê tín dị đoan, một lần nữa chó đá bị xê dịch đi chỗ khác. Từ năm 2000, người dân bắt đầu xây lại mái che, thêm bát hương và thỉnh chó đá về thờ. Hiện tại nơi thờ chó đá được người dân trong vùng tôn trọng, họ cho đó là thần canh cửa của làng…

Nơi thờ chó đá tổ 11, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy


- Ở tổ 11, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, ngay bên đường Nguyễn Tất Thành, người dân trong tổ cũng có lập nên 1 am nhỏ để thờ chó đá. Theo các cụ già nơi đây kể lại con chó đá này có khá lâu, do đào đất làm vườn mà gặp nên họ đem thờ để mong giữ được sự hòa thuận trong thôn, xóm cũng như canh giữ nhà cửa, chống trộm, xua đuổi thú dữ, tà ma cho mọi người. Hằng tháng cứ đến ngày rằm, mồng 1 thì người dân trong tổ thay nhau lo hương đèn, bánh trái đơm lên cho thần chó đá.

Mỗi nơi đều có cách thờ chó đá riêng kể cả về chất liệu con vật, quy mô am miếu thờ, nhưng lại có điểm chung là người dân coi chó đá như một vị thần bảo hộ cho xóm giềng, xua đuổi tà ma chướng khí, và là nơi tâm linh để người cầu đảo những điều thần bí không giải thích được. Hiện tại những nơi thờ chó đá đều nằm ven đường quốc lộ hoặc ven sông cho nên nguy cơ mở rộng đường hoặc bị xói lở khi mùa lũ khiến những am miếu thờ chó đá này mai một hoặc mất mát.

Quan niệm của người Huế vẫn cho rằng ăn thịt chó đầu năm đầu tháng sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm cả tháng đó. Hoặc khi nào trong nhà có chó đẻ, chủ thường báo cho mọi người biết để tránh bị chó cắn gây phiền hà. Có một điều rất nhân văn đối với những ai chứng kiến khi trong nhà có chó chết, họ thường không ăn thịt mà đem chôn; khi chôn gia chủ bỏ vào huyệt chó 1 nắm gạo, muối và vài đồng tiền lẻ. Với ý nghĩa là sau này gia chủ có qua đời thì con chó đó nhớ đến công ơn mà dẫn hồn chủ nhà qua cầu Nại Hà dưới âm phủ. Thế nên trong tác phẩm Lục súc tranh công có viết:

“Khi sống thì gìn giữ của đời,
Khi thác xuống giữ cầu âm giới,
Người có phước muông đưa ra khỏi,
Ai vô nhân qua chẳng đặng đâu,
Chủ có lòng suy trước xét sau,
Khi lâm tử gạo tiền tống táng,
Chủ đã có công dày ngãi rộng,
Muông không dễ tiếp rước đãi đưa”
(5).

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế, hình ảnh con chó có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng Tà Ôi, Pa Cô, Cơtu và Bru - Vân Kiều. Họ kiêng giết và ăn thịt chó, coi con chó như vật tổ của mình. Ngày xưa, và cả trong ngày nay, vẫn còn một bộ phận người Tà Ôi, Pa Cô, Cơtu có quy định bảo lưu tục lệ không ăn thịt chó, không đánh đập chó và khi chó chết thì thương tiếc lắm. Người họ Vien không bao giờ giết và ăn thịt chó, bởi theo họ chó là con vật đã sinh thành mình. Ngày nay, sự kiêng kỵ đó vẫn được duy trì trong dòng họ Vien của cộng đồng Tà Ôi. Cũng giống như họ Vien, người Cơtu giờ chỉ còn một số dòng họ như Zrâm Acho (chó), Alang là còn kiêng ăn thịt chó. Vì trong tín ngưỡng của người Cơtu, con chó chính là vật tổ của họ. Truyền thuyết Cơtu kể rằng, thuở xưa có một trận đại hồng thủy tiêu diệt muôn loài, chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, đẻ ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cả hai đều cố đi tìm một ai đó để sống chung nhưng không tìm được. Họ lại gặp nhau, và không còn sự chọn lựa nào khác, hai anh em đã phải lấy nhau, đẻ ra một quả bầu.(6).

Con chó có vị trí đặc biệt trong đời sống của người Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơtu và Bru - Vân Kiều, là con vật trung thành với chủ mỗi khi đi rừng, lên nương rẫy; con chó thân thuộc với gia chủ khi canh giữ nhà cửa, nương vườn. Hình tượng con chó cũng được đưa vào trong văn học dân gian của các dân tộc này qua các thể loại câu đố, truyền thuyết, truyện cổ. Còn đối với ngoài đời, đồng bào Cơtu có cách “để tóc mái bằng trước trán theo kiểu chó (à la chien), đó là kiểu để tóc thường thấy ở người Xê Đăng, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều” (các tộc cùng có truyền thuyết về ông tổ chó)(7). Ví như “Trước đây trong ăn uống của người Bru - Vân Kiều kỵ ăn các loại thịt như chó, rắn, hổ, voi. Người Bru - Vân Kiều cho rằng thịt con chó, rắn là những con vật bẩn thỉu ăn vào sẽ gặp xui xẻo”(8). Như vậy, các dân tộc anh em trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều có môtíp kể về sự tích dân tộc mình giống nhau, cùng lấy con chó làm vật tổ và cũng chính từ đó, hình ảnh con chó luôn đi sâu vào đời sống tín ngưỡng cũng như đời sống thường nhật của cộng đồng.

T.N.K.P  
(TCSH348/02-2018)

---------------
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 1. Dư địa chí, Nxb. Trẻ, 2014, trang 73.
2. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2014, trang 164.
3. Trần Nguyễn Khánh Phong: Văn học dân gian huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nxb. Thời Đại, Hà Nội, trang 266 - 270.
4. Triều Nguyên: Từ điển giải thích Thành ngữ tiếng Việt địa phương vùng Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2017, các trang 5, 33, 40, 45, 80, 89, 90, 111, 151, 157, 163, 181, 182, 238, 240.
5. Vô danh thị, Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính: Lục súc tranh công, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1956, trang 21.
6. Tạ Đức: Tìm hiểu văn hóa Katu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 20.  
7. Tạ Đức: Tìm hiểu văn hóa Katu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 22.  
8. Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông: Luật tục của người Tà Ôi,  Cơtu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 222.  




 

Các bài mới
Bến mê (28/02/2018)
Mãi là mùa xuân (22/02/2018)
Điệp khúc xuân (17/02/2018)
Các bài đã đăng