Tạp chí Sông Hương - Số 44 (T.1-1991)
Chiều thanh thản
14:56 | 06/03/2018

Tác giả tự giới thiệu:
Sinh 1952. Thuộc thế hệ đi từ trong bưng ra. 10 năm cầm viết. Những tác phẩm chính: "Quãng đời ấm áp" - tập truyện 1986. "Ngày của một đời” - tiểu thuyết 1989. "Con chó và vụ li hôn" - tập truyện 1990. "Chuyến đi của mẹ" - kịch bản phim 1990.
TB: Nếu truyện không vừa ý, BBT hãy ách lại. Tác giả không buồn đâu.

Chiều thanh thản

DẠ NGÂN

Anh còn một bà má. Thật là may mắn, khi giữa cõi đời chộn rộn này, anh còn một bà má.

Anh không còn trẻ nữa. Đã hơn mười năm kể từ cái hôm má anh bất giác nhìn thấy trên đầu anh một sợi tóc bạc. Bà phát hiện nó bằng trái tim nhạy cảm của người mẹ trong khi mắt bà đã kém nhiều, mỗi lần xỏ kim bà phải cậy nhờ một trong ba đứa con anh lúc đó chưa theo anh ra thành. Bà đưa sợi tóc đó ra trước mặt mọi người, giữa bối cảnh trang trọng, nó như lời thông báo bùi ngùi rằng cuộc chiến tranh đã đi suốt thời trai trẻ của người con bà, rằng bà đang cầm trong tay cái thời khắc chinh xế của anh và cái chiều tà của đời mình. Sẽ không bao giờ anh quên gương mặt má mình trong khoảnh khắc bà nhìn thấy trên đầu đứa con trai trụ cột sợi tóc bạc đầu tiên. Đã hơn mười năm, kể từ ngày đó...

Nên anh không còn trẻ nữa. Nhưng anh còn có một bà má. Thật là may mắn, khi trên cõi đời chộn rộn nầy, anh còn có một bà má.

Giờ thì anh hiểu vì sao trong câu chuyện làm quen dọc đường, cửa miệng những người già thường bật ra câu hỏi: "Ông cụ bà cụ chú em còn mạnh giỏi không?". Nghe anh trả lời, người đó liền an ủi: "Vậy ra chú em còn có phước!". Giờ thì anh hiểu rằng, tuổi thọ của người đẻ ra mình là hạnh phúc, thứ hạnh phúc đi cùng với phước đức cho người con. Rằng đối với người có tuổi, những tiếng Người Mẹ và Quê Hương đã thiêng liêng hơn, thiêng liêng đến bùi ngùi. Rằng bây giờ, con người mới nhận ra một lẽ: vợ thì bất kỳ nhưng mẹ chỉ có một.

Giờ thì anh ngồi đó, mệt mỏi ngọt ngào sau chặng đường bộ từ bến tàu đò, đôi chân phất lên mùi cỏ mực ở những vạt ruộng hè thu trên cánh đồng đựng cả tuổi thơ anh, đôi dép da trở thành chướng ngại với đất sình được xỏ thành xâu bằng mấy sợi rơm ướt cho dễ cầm lúc lội bộ đang nằm lăn lóc, lạc lõng ở thềm cửa.

Má anh bước lại chiếc tủ thờ kê sát vách giữa, đôi chân thoăn thoắt. Hai cây nhang được cắm xuống lư hương, một để bà báo với ba anh tin anh về và một cây kia, bà đốt thay cho anh. Rồi bà quày vô buồng. Anh lắng nghe mùi nhang ngậm ngùi trong ngôi nhà đang ấm dần lên, cái mùi nếu không có nó sẽ không làm nên hương vị buổi về thăm của một hoặc những đứa con trong gia đình. Anh nhìn quanh, ngôi nhà vẫn ngăn nắp như khi anh về lần trước cách đây ba tháng, nhưng rêu đã xanh hơn trên nền gạch thềm nhà.

Má anh trở ra đưa cho anh cây quạt bằng mo cau. Anh đưa chiếc quạt mo lên mũi trong khi má anh ngồi xuống góc ván thư thái têm trầu. Đây rồi, mùi mo cau trong ký ức, cái mùi thơm thơm của chiếc tàu cau vừa rớt xuống gốc cây, mặt trong sạch bong như không có gì sạch hơn nó được. Vậy rồi anh đặt lên đó hai đứa em áp út để nó được "đi xe". Vậy rồi anh cong lưng xuống trong tiếng cười ngất ngây của chúng, âm thanh ràn rạt từ dưới "xe cau" vang lên, bụi bốc lên, mồ hôi mồ kê bốc lên và niềm vui sướng của người anh đã đem sự nghịch ngợm và cơ bắp của mình ra làm nỗi thích thú cho các em mình cũng bay lên. Và đây nữa, mùi cơm nắm anh giắt theo mình mỗi khi ra ruộng, đối với anh, cơm nắm trong mo cau ngọt miệng hơn cơm cất vô cà mèn nhôm hay nhựa.

- Con về được mấy ngày, Hậu?

Vẫn là câu hỏi dò dè dặt và sốt ruột của mọi lần. Vẫn ánh mắt khẩn khoản trước câu trả lời của anh. Ôi, những đứa con đủ lông đủ cánh, những đứa con hiếu hậu của má, má đâu đòi hỏi tụi con gì nhiều, chỉ xin tụi con đôi ngày phép và một ngày nán lại của tụi con giá trị bằng một năm sống của má đó! Lần nào anh cũng đọc thấy ở má lời khẩn cầu và lần nào anh cũng cảm thấy mình là kẻ bất hiếu tệ hại. Nhưng công việc xã hội đâu phải chuyện đùa.

- Má mạnh, nhà cửa không cần sửa sang gì thì con trở lên sớm! - Anh trả lời, theo anh đó là cách trả lời khiến má anh hài lòng chút đỉnh.

- Thì má biết con bận chớ!

Đó không phải là lời nói mát mà là câu nói đồng cảm và hiểu biết đầy bao dung. Với bà, cương vị xã hội của anh, ý thức trách nhiệm lành mạnh trong công việc của anh luôn là niềm tự hào và là một phần cuộc sống của bà. Bà ủng hộ anh trong mọi việc, trừ cái việc anh muốn bà ra thành sống với anh. Bà từ chối lời cầu xin đó với một đống lý do mà càng lớn tuổi, anh càng thấy má mình có lý.

Má anh vẫn nhai trầu ở góc ván và bắt đầu kể lể chuyện xóm giềng. Còn anh thì nhìn thấy cả một góc vườn qua cửa chái bếp. Hàng dừa bờ ranh trồng sau hiệp định Pa-ri giờ đã ra dáng thiếu phụ với những quày trái to mỗi trái chứa đủ nước cho cả ba người uống. Mươi nọc trầu vàng dưới gốc tấp đầy lục bình tươi. Và cây khế ngọt, cây khế với cái chạc ba hồi nào anh hay ngồi để đối đáp với lũ chim tu hú trên đọt mù u gần đó vào những buổi trưa thanh vắng nay đã cao lêu đêu bằng mấy chiều cao đàn ông của anh. Dưới cái tán đường bệ là một bóng râm gợi cảm nhưng lạnh lẽo vì không có dấu chân trẻ con. Lá cây nằm lả tả trên mặt đất ươn ướt và những chùm trái vàng mọng lấp ló giữa những cành nhánh lòa xòa.

- Năm nay khế được mùa má ha? Con nít xóm này chê khế chín rồi sao?

- Ừ! Xoài trúng thì lúa thất. Không biết khế sai thì mất mùa gì? Xóm mình nhà nào hổng trồng khế? Có đem ra chợ bán thì mới mong...

Má anh bỏ lửng câu nói và đứng dậy bước ra thềm nhổ bã trầu xuống rãnh sân. Bà trở vô với vẻ mặt bất chợt buồn. Anh biết, là người sùng bái tổ tiên và say mê vườn tược nên miếng vườn hương hỏa là cuộc đời của bà. Bà buồn bực vì sản vật mọc lên từ vườn nhà, từ hai bàn tay của bà phải bỏ phí, theo bà đó là một trọng tội với đất đai và dù biết vậy, bà cũng đành bất lực.

- Thì đi chợ! - Anh nói, quả quyết đứng dậy như anh vừa quyết định một việc trọng đại - Mơi hai má con mình ra chợ đi!

Anh bắt gặp cái nhìn nghi ngại của má, cái nhìn làm cho anh thấy tủi thân. Hóa ra, với má, anh cũng là một ông giám đốc sao? Không, anh muốn khi ở bên má, thì anh chỉ là ông con của má thôi, đứa con chỉ có quyền có một thứ thái độ đối với má mình.

- Thì con sẽ ngồi chợ với má! Anh nói để má yên lòng rằng anh không có tí mặc cảm nào trong chuyện đó và để khuấy lên không khí của buổi chợ chắc là thú vị vào ngày mai.

Bắt đầu một cuộc rảo vườn. Má anh đi săng sái phía trước, hai gót chân nhỏ thoăn thoắt như người đàn bà vào độ trung niên. Anh đi sau, tay cắp thúng, tay cầm dao, như đứa con ngoan ngoãn hồi nào. Rồi bắt đầu một cuộc sắp soạn dưới ánh đèn dầu cho buổi chợ khuya. Một thúng khế. Một chục dừa khô. Một mớ chanh và một nhúm ớt hiểm. Vài buồng chuối già hương. Vài quày cau lòng trắng... tất thảy là niềm vui bổ trợ vào giá trị tinh thần mà má anh tưởng đã mất theo tuổi già. Nhu cầu tiền nong và đời sống ở đây đã bị xếp xuống hàng thứ. Anh ngồi nhìn má anh sắp đặt, gói ghém và anh bỗng phát hiện ra rằng quyết định cùng má ra chợ đã trả lại cho bà cuộc sống mà chính bà cũng tưởng nó ngủ yên trong sự già yếu của mình.

- Thôi ngủ sớm, khuya còn dậy, con! Má anh âu yếm ra lịnh.

Trước khi thiếp đi, anh còn thấy một ngọn đèn dầu dừng lại trên đầu nằm của anh, một mái đầu với búi tóc nhỏ như củ tỏi lung linh trên vách lá, một bàn tay nhẹ nhàng luồn dưới chiếu chận sâu thêm mí mùng cho anh.

* * *

Anh bị dựng dậy từ lúc ba giờ. Trong cái xẻo dưới bến đã sẵn một chiếc xuồng khô ráo và cả một cặp quai chèo mới đánh bằng dây chuối xiêm. Má anh để cây đèn con cóc vô cái lồng đèn bằng thiếc để soi đường cho anh xuống đò.

Sông nước Đục trầm mặc với hai biền dừa nước và một dãy lục bình đen ngòm. Bầu trời nhẹ nhõm hứa hẹn một ngày ráo tạnh. Xóm làng khuất sau rừng lá hình răng cưa, đắm mình trong tịch mịch khiến anh có cảm tưởng quê hương anh kín đáo và bí ẩn như một thiếu phụ mà anh chưa hiểu bao nhiêu.

Chiếc xuồng nhỏ rời sông lớn để quẹo vô con kinh tắt ra kinh xáng thị trấn.

Qua khỏi Sóc Sen với đuôi rắn thần cong vót trên mái chùa thếp nước sơn vàng, sao mai đã mọc trước mũi xuồng và anh nghe trong hơi sương có mùi khói bếp, thứ khói quợn trên mái lá dừa nước giác hừng đông tạo thành mùi ngon ngót riêng tư làm nên hương vị đồng bằng trăm năm thân thuộc. Cuối cùng, khi tay anh thấm mỏi thì mặt trời như cái lòng trứng nóng hổi cũng vừa nhô lên cùng lúc với sự xuất hiện của cái chợ dài ngoằng bên ngã ba kinh xáng.


Anh chuyển hàng lên bờ qua mé bãi đầy bã mía. Cuối cùng, hai má con anh cũng chọn được một chỗ vừa ý ở cuối dãy hàng tự tiêu tự sản, cạnh một đệm khóm chín của đôi vợ chồng trung niên. Ở đây, anh đinh ninh mình sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn thời xa vắng. Trừ những người không trở về sau chiến tranh, số còn lại đều đã thành cái gì đó ở khắp nơi, và dĩ nhiên, ở huyện nhà, họ là những người quan trọng.

Bày hàng lên mấy tàu lá chuối xong, anh ngồi xuống bên bà má đang như trẻ lại khi những sản vật tươi rói của vườn nhà bày ra giữa thiên hạ và khi trước mắt bà là khung cảnh sôi động mà những người già còn chút ít sôi nổi đều thích gặp lại nó. Còn anh, anh thấy mình hòa nhập một cách dung dị vào đám người chơn chất ở góc chợ, những người đang mời khách mua bằng nụ cười nghiệp dư vụng về. Và anh cũng cảm thấy thú vị khi có những chốc lát ngồi sát mặt đất mà ngắm cuộc đời qua những con người trong thứ quan hệ đơn giản và sòng phẳng.

Cùng lúc với một người đàn bà mặc một cái áo dính đầy mủ trái cây, có vẻ là dân mua đi bán lại ngồi lại bên thúng khế, một chiếc xe thời mới lập lòe phóng vút qua mặt anh. Linh cảm người đàn ông cỡi xe máy vừa vèo qua chỗ anh là người quen, anh nhóng lên dòm. Mắt anh chạm ánh mắt người ấy vừa ngoảnh lại, chắc cũng bằng linh cảm. Đúng rồi, một thằng bạn! - anh reo thầm. Nét mặt người bạn ấy ánh lên vẻ ngạc nhiên và xa cách nhưng anh đã không kịp ghìm bàn tay vừa huơ lên cốt để người đó nhận ra chính anh đang ngồi ở góc chợ nầy. Bây giờ, hai má con anh bỗng bị vây giữa những người đàn bà tranh nhau hỏi giá các thứ hàng, họ thi nhau chê eo chê ỏng để chứng tỏ sự khôn ngoan chợ búa và sự kỹ tính của mình. Dù vậy, anh vẫn không muốn xổng mất bạn mình nên lại nhóng lên xem với hy vọng chiếc xe sẽ quay lại. Quả nhiên, trước mắt anh hiện ra mồn một cái trán đỏ đắn với mái tóc quăn tự nhiên và cái bụng tròn trặn lộ rõ trong dáng ngồi bệ vệ. Mắt người ấy hướng về phía anh nhưng khi bánh xe gần chạm vào cái bảng đề "Khu tự tiêu tự sản", nó liền ngoặt lại. Anh còn kịp thấy vẻ ngạc nhiên kỳ cục đọng trên gương mặt người ấy. Rồi chiếc xe bon về hướng đầu chợ, nơi bên kia cầu là khu hành chánh của huyện, để lại phía sau một làn khói mỏng tang và sự thất vọng ngơ ngác của anh.

- Con mới thấy thằng Thường nè má! Thường con bác Tư Lự ngoài kinh Trâm Bầu. Giờ ăn gì mà nó mập quá trời!

- Bộ nó hổng thấy con sao? - Má anh hỏi trong khi tay vẫn cắt cau để bán cho một cụ già.

- Chắc là thấy - Anh đáp phân vân - Thấy mà chắc nó không ngờ con ngồi chong ngóc ở đây!

Rồi công việc mua bán cuốn anh. Bao giờ người mua cũng thích hàng tươi ở khu tự tiêu tự sản và cả thái độ thiệt tình của người bán nữa. Sau đó, nhân lúc ngơi khách, má anh bảo:

- Con ngồi một mình lát, để má xuống thăm chừng chiếc xuồng!

Trong lúc anh lúi húi thu tiền, một bàn tay sỗ sàng của ai đó lật cái lưỡi trai trước trán của anh lên. Lại một người nữa trong nhóm năm người của họ thời trung học. Thắng-kẹo, biệt danh mà cả lớp hồn nhiên ám chỉ tánh keo kiệt của cậu ta và cậu ta cũng chấp nhận nó một cách hồn nhiên. Anh còn nhớ như in cái góc lớp ẩm thấp, nơi cậu ta thường lánh ra để ăn hết gô cơm một mình trong khi mọi người đều bày cơm của mình ra giữa nền lớp để ăn chung, những túi cơm bằng mo cau hoặc đan từ lá dừa nước. Vậy mà họ vẫn chơi chung với nhau. Ôi, cái tuổi học trò, sao mà dễ dàng gắn bó!

Anh đứng bật dậy trước sự xuất hiện bất thần của Thắng-kẹo. Người này không ôm choàng lấy anh như hồi xưa, cũng không chìa tay cho anh bắt. Hai tay ôm khư khư cái "tép" da trước ngực, ông bạn anh nhìn anh, đôi lông mày sâu rọm châu lại khít rịt, dưới đó là cái nhìn ái ngại thực lòng. Lúc đó anh không hiểu sao cuộc gặp của họ bắt đầu bằng ánh mắt đó. Anh buột miệng:

- Làm gì mày dòm tao như dòm đứa thất trận vậy? Khỏe không? Vợ con thế nào?

- Thất trận hay chán đời? - Bạn anh hỏi vặn, ánh mắt không thay đổi - Gặp thằng Thường ngoài quán cà phê, nó nói in là ông ngồi bán khế ở ngoài nầy. Tui nào có tin! Ông đương làm việc sân sẩn mà. Tụi nầy ở tít dưới này nhưng cũng nghe tiếng ông. Chà, hoạt quá chừng ha? Nhưng Thường nó nói chắc là ông. Tui sực nhớ nhà ông có cây khế ngọt nổi tiếng. Hai đứa bàn về ông một hồi, nó cử tui ra đây coi hư thực thế nào. Sao, hưu hả? Chi cho thiệt thòi vậy? Thời buổi này làm được việc cũng không ít kẻ thù, tui biết chớ. Nhưng mà chọn phương án hưu non là hạ sách!

- Thì cũng phải hưu thôi! - Anh nói, cảm thấy hứng thú ban đầu bay biến, chỉ còn cảm giác xa lạ vì bạn anh đang thốt ra những lời lạ lẫm mà không biết anh đang nhận ra rằng, hình như hai người không cùng ngôn ngữ.

- Biết làm sao bây giờ! - Bạn anh nói bằng giọng trách cứ và tiếc rẻ giùm cho anh, đoạn cao giọng - Ông có muốn làm hợp đồng với tụi tui không? Tụi này cũng cần vói tay lên thành phố, giờ có ông thì êm lắm. Nè, sao hổng hưu ở trên, kiếm cái nhà mặt tiền làm ăn ngon hơn? Ừ, kẹt bà già dưới này ha?

- Thôi, mầy để tao yên, Thắng! - Anh đáp buồn bã.

Tưởng anh bực mình vì cuộc sống mà anh đã chấp nhận đang bị quấy rầy, Thắng ngao ngán nhìn anh lần nữa rồi co tay xem đồng hồ:

- Thôi, tùy mầy! Tụi tao uổng cho mầy với sợ mầy buồn. Hưu là buồn lắm, như bị bỏ quên vậy. Tới giờ họp rồi, khi nào về trỏng tao thả bộ ra mầy chơi. Cho kính lời thăm bà má nghen!

Không còn không khí để anh báo với người đó việc má anh cũng có mặt trong buổi chợ nầy. Anh để cho người ấy đi, và nhìn theo hồi lâu dáng tất tả của anh ta, cái tép huơ huơ như một thứ trang sức kệch cỡm.

Vừa lúc má anh trở lên. Bà hỏi:

- Đứa nào mới nói chuyện với con mà má thấy quen quen?

- Thằng Thắng! Thắng con bác Mười Cang ở xóm trong. Nó tưởng con về hưu mới ngồi bán khế!

- Sao tưởng kỳ vậy? Bộ ngồi chợ là chuyện hèn mọn lắm sao?

Má anh đã phản ứng mạnh mẽ bằng cá tính của một thời của bà nhưng lại nhìn sang anh bằng ánh mắt thăm dò. Rồi hai má con anh không có thời gian đi sâu vào chuyện đó nữa. Có mấy người phụ nữ bu quanh mớ hàng và cằn nhằn anh không lo buôn bán gì ráo; một người trong số đó đứng dậy ngoe nguẩy bỏ đi.

Lát sau, trong lúc anh lựa khế giúp một khách hàng tí hon, anh nhìn thấy hai bàn chân nhàn nhã của một người đàn ông trong đôi xăng-đan màu da bò. Đôi chân này dừng lại chỗ anh nãy giờ, nó như nói với anh rằng nó không vô tình đứng lại bên anh. Ngược lên anh bắt gặp một gương mặt quen thuộc nữa. Hãnh - tên người đó - gật đầu chào má anh rồi hiệu cho anh đứng lên. Vẫn vẻ mặt cao đạo như một triết gia chưa thành đạt, vẫn cái nhìn vượt qua đầu thiên hạ và bây giờ lại thêm nước da bệu bạo và đôi môi thâm xì, chứng tích của bia bọt vô độ khiến người ấy có vẻ mặt sửng vửng và ngây độn. Ký ức anh hiện lên một cậu Hãnh hay có khuynh hướng thủ lĩnh trong các cuộc chơi và tranh cãi của nhóm. Và anh ta hay đạt được ý nguyện của mình không phải nhờ tài cán mà nhờ vẻ mặt biết làm ra vẻ lạnh lùng đúng lúc.

Anh đứng lên, dù sao cuộc gặp gỡ cũng làm anh thú vị. Sau khi ban cho anh một ánh mắt xót xa, Hãnh cất giọng quan trọng:

- Nói thiệt tao nghe, Hậu, mầy bị vụ gì? Gái hả? Mầy thì không có chuyện tham lam rồi. Nghe thằng Thắng nói mầy về hưu, tao chớ có tin. Làm ăn giỏi như mầy mà cho về hưu, khác nào xúc lúa đổ vô bồ mầy! Chắc là có chuyện gì mới về bán khế đây, hả cha?

Anh ta cười, nụ cười đùa cợt đầy cảm thông và kẻ cả. Tự dưng anh thấy giận, giận sôi sục và chỉ muốn đấm vô cái miệng đang phả ra cái mùi khê nặng của bia bọt đâu đó hồi đêm. Nhưng anh kịp thấy mình vô lý nên chỉ cúi xuống, trả lời qua loa:

- Thì cũng phải ra dân để qua góc chợ nầy mà nhìn đời với chớ!

Hãnh không nói gì, lẳng lặng nhìn anh, ánh mắt ra chiều thương hại tâm trạng bấn loạn của đối tượng mình an ủi. Bao bọc họ là sự im lặng đầy bất tiện. Cuối cùng, Hãnh chặc lưỡi:

- Vầy đi Hậu! Chừng tan chợ mày tạt qua chỗ tao, tụi mình tâm sự thêm. Tao phải đi, tới giờ họp rồi. - Anh ta nhìn xuống bà má của bạn mình - Con đi, bác! Dù sao Hậu nó cũng được tự do rồi, nó về với bác rồi!

Hãnh đi rồi, khi anh ngồi xuống bên má, bà nhìn anh ái ngại và ôn tồn bảo anh kiếm chỗ nào đó ngồi, ở đây gặp người quen liền liền, người ta coi rẻ anh, bà cũng khó chịu. Anh gạt một cách quyết liệt để má anh hiểu rằng anh không hề thấy bị xúc phạm hay mất giá khi ngồi bên má ở góc chợ này. Anh biết, dù bảo vậy nhưng giá anh bỏ đi, bà sẽ chạnh lòng.

Lát sau khi chợ đã thưa người và trong thúng chỉ còn một ít khế, anh nhìn thấy từ xa một người đàn ông mặc áo lính với khuôn mặt vuông vức quen thuộc. Chỉ có dáng đi hơi khác. Vừa bước những bước cà nhắc khó nhọc, người đó vừa dáo dác tìm ai trong hàng người ngồi sau các khúm hàng. Linh cảm báo cho anh biết rằng người đó đang tìm anh. Luồng mắt họ gặp nhau và anh đứng bật dậy.

- Mầy hả Trạng? Khỏe không?

Trạng không nói không rằng, lầm lầm đi tới như chiếc tàu điện, vẻ mặt tràn đầy xúc động. "Chiếc tàu điện" ấy dừng lại bên anh, nhấc bổng anh lên bằng hai cánh tay sức vóc rồi đặt xuống như một đứa bé:

- Vậy được chưa? Vậy thì khỏe hay yếu?

Lòng tràn ngập cảm xúc, anh nhìn xuống cái chân thương tật của bạn giấu trong ống quần bạc màu.

- Bị hồi nào? Căm-pu-chia hả?

Trạng nói điềm nhiên:

- Ừ, mìn biên giới! Vậy mới bị đưa về đây làm huyện đội. Anh nhìn thấy má của Hậu lúc này cũng bỏ mặc khách hàng, đứng bên cạnh hai người - Má ốm nhưng coi bộ sỏi hơn má con. Con về huyện mấy tháng nay, tính bữa nào ra thăm má với hỏi thăm tin tức thằng Hậu mà mới nhận việc, lu bù quá chưa đi được, má đừng chửi nghen?

- Đoạn anh quay lại bạn mình - Sao nghe thằng Thắng, thằng Hãnh nói....

Anh quàng tay qua vai bạn và ngoảnh lại nói với má:

- Tụi con đi cà phê nghe má!

Họ không vào quán cà phê mà tấp lại một xe nước mía lịch sự bên hè phố, đối diện với khu chợ nhóm. Trạng đẩy cho Hậu một cái ghế dưới gầm bàn còn mình thì ngồi xuống chiếc ghế bên kia, cái chân cứng khớp duỗi thẳng trên một chiếc ghế khác.

Lại một cái nhìn chăm chú và sốt ruột, như Trạng muốn đọc ngay cái uẩn khúc mà Hậu đang lâm vào. Người lính biết cái nhìn của mình khiến một người như Hậu không khỏi chạm nọc nên bối rối nhìn xuống ly nước mía mà cô chủ quán nhỏ nhắn vừa để trước mặt anh. Hậu biết bạn mình đang lựa lời và anh chuẩn bị nghe. Trạng máy đôi môi thâm đen vì sốt rét, khó nhọc do di chứng cà lăm hồi nhỏ đã từng khiến cả lớp nhộn lên mỗi khi anh trả bài. Chuyện càng quan trọng anh càng khó bắt đầu cho trơn. Hồi lâu, Trạng mới cất lời:

- Mầy có công nhận mía xứ mình ngọt gắt không Hậu? Hồi ở bên đất bạn, lâu lâu tao nhớ nước mía quá trời. Mầy có thuốc gì trong túi đó? Đà lạt hả, ừ thì bỏ ra - Giám đốc mà hút Đà lạt thì thường quá! Hay là bị cho về vườn nghỉ khỏe rồi?

Quả là một cách trinh sát bất ngờ đầy chất lính. Anh nhìn bạn gởi gắm:

- Nghe đây Trạng! Sở dĩ tao ngồi chợ với má không chỉ vì tao chiều bà già mà qua đó, tao muốn nói với bà rằng hãy còn nguyên đây cái giá trị con người mà má hằng sợ con đánh mất. Má tao có thể sống thêm vài năm nữa nhờ món ăn tinh thần đó!

Anh nhận được một bàn tay ấm nóng đặt trên bàn tay anh đang nắm lại trên bàn. Nó xiết anh một cái. Họ nhìn vào mắt nhau. Vậy cũng đủ tin cậy nhau rồi.

Khi anh trở lại chỗ má, bà cũng vừa đứng dậy, bên chân là cái thúng không và mấy tàu lá chuối đã cuốn bìa dưới nắng trưa. Anh theo má vô chợ, chắc bà tính đãi anh món bánh tằm xiếu mại mà hồi nhỏ anh thích. Cái khoảng cách tuổi tác cố định giữa anh và má một lần nữa khiến anh có cảm giác má anh chưa bao giờ trẻ như bà không hề có tuổi trẻ, má mình lúc nào cũng già vì người ấy là má mình. Và nhìn dáng vẻ gầy gò đang bước thoăn thoắt phía trước bỗng dưng anh lại nghĩ, có phải chính người ấy đã sanh ra ta, đã ẵm bồng ta trong khi ta cứ thấy nao nao khi cơ thể ấy ngày mỗi nhẹ tênh, như là một chút sơ sẩy thì vóc dáng thân thương kia sẽ biến mất, sẽ bay lên cõi trời!

Ăn uống và mua sắm xong, hai má con anh la cà ở mấy nhà người bà con trong thị trấn để trốn nắng và để má anh thỏa mãn tính thích hiếu hỉ đang sống lại trong bà do buổi chợ đầy cảm hứng đem lại.

Trên đường về, anh nhìn thấy trước mũi xuồng một khoảng trời roi rói sau khi mặt trời biến mất dưới mặt nước ngả màu tím sen. Người ta gọi hiện tượng đó là sự hồi quang. Nó chỉ có thể xuất hiện khi hôm nào bầu trời đạt được sự thanh thản tối đa của mình. Nó làm cho trời chiều bỗng đẹp lên, cái đẹp làm cho con người muốn ứa nước mắt.

Cần Thơ, 11/1987
D.N
(TCSH44/01-1991)



 

 

Các bài mới
Người đi dạo (31/01/2019)
Cung đờn (12/09/2018)
Các bài đã đăng