Tạp chí Sông Hương - Số 44 (T.1-1991)
Hành khúc trở về cội nguồn
09:37 | 13/03/2018

NGUYỄN QUANG HÀ
                    Bút ký

Một cuộc hành trình chỉ có thời gian xê dịch. Còn con người thì cứ ở nguyên một chỗ, không đi đâu cả. Vẫn mảnh sân ấy, vẫn ngôi nhà ấy, vẫn khuôn vườn ấy.

Hành khúc trở về cội nguồn
Ảnh: internet

Ngày xuất hành trống rong cờ mở. Trên nét mặt những người lãnh đạo rạng rỡ nụ cười. Mười lăm năm sau, ngày trở về đến đích, tuyên bố, trên gương mặt từng người dân, nước mắt đầm đìa.

Từ nụ cười hy vọng đến nước mắt vui gặp lại chính mình, đó là cuộc hành trình nhập huyện để lại chia huyện. Suốt mười lăm năm mày mò, phải trả một giá cực kỳ đắt cho một cách nhìn.

Sẽ không ít người phản đối ý kiến này của tôi, cho rằng tôi đã phủ định tất cả những gì đã làm được trong 15 năm trời vừa qua. Có thể là như thế chăng? Song thử hỏi tất cả những gì đã làm được ấy có đáng giá với điều đáng kể nhất là LÒNG TIN chúng ta đã để mất mát quá nhiều hay không? Biết đến bao giờ chúng ta mới lấy lại được lòng tin của khí thế những ngày nhập huyện ấy?

Ai đã từng đi con đường liên xã từ An Lỗ về Bao Vinh. Một con đường chiến lược để khai hóa cả một vùng quê rộng lớn của Quảng Điền. Ô tô chạy vo vo. Vậy mà, bây giờ từ thủ phủ của huyện, từ Sịa xuống xã Quảng Thành, chiều dài sáu cây số, đi bộ thì được, song nếu đi xe, thì phải quay ngược chiều, ra đường số 1, qua Phong Điền, Hương Trà, Huế, rồi mới ngoặt về Quảng Thành được. Con đường lẽ ra đi mất 15 phút, phải đi vòng cả tiếng rưỡi đồng hồ, chẳng phải là một ví dụ có đủ âm sắc của cuộc hành trình đó sao?.

Chính vì hiểu như thế, biết như thế, cho nên khi huyện Phong Điền về huyện cũ, Chủ tịch nói trong diễn văn: "Người Phong Điền, đất Phong Điền bây giờ lại trở về lại Phong Điền", câu nói thật đơn giản mà dân òa khóc. Vì vậy, tôi mới dám gọi những giọt nước mắt đó là những giọt vui. Và tôi cũng không gọi việc chia huyện này bằng chữ "tách huyện" như một số người gọi cho nhẹ nhàng hơn, mà tôi bảo đây là một hành khúc trở về. Một cuộc trở về với cội nguồn.

Chẳng thế mà vừa nhận huyện mới hôm nay, ngày mai trời nổi giông bão liền, như đất trời cũng tạo ra cơ hội để khẳng định một thế mới. Trong gió bão đùng đùng, bà con xã Phong Hải thấy có mặt ngay cán bộ huyện chia sẻ gian lao với mình. Họ hỏi: "Các anh là cán bộ huyện Hương Điền à?" Trả lời: "Chúng tôi là cán bộ huyện Phong Điền". Bà con vui ngỡ ngàng: "15 năm nay bây giờ mới có cán bộ huyện về với bà con trong nước sôi lửa bỏng thế này!". Chiều sâu thăm thẳm của câu nói giản đơn ấy oán trách biết bao và cũng mừng vui biết bao.

Đi qua sáu huyện vừa chia ra, tôi đặt chung một câu hỏi:

- Chia huyện được gì, mất gì?

Tôi đã nhận được những câu trả lời rất giống nhau:

- Trước tiên hãy cho chúng tôi nói cái tồn đọng đã. Một là vốn, hai là đội ngũ cán bộ đủ sức cho tương lai. Nghĩa là trước đây, khi huyện chung đã thiếu. Nay chia ra càng thiếu trầm trọng. Còn ở phạm trù được mất, thẳng thắn mà nói, chia huyện, mất ngay thói quan liêu, và cái được cũng rõ ràng, cán bộ huyện được gần với dân của mình.

Tôi hỏi:

- Điều gì đáng được gọi là mừng nhất?

Đáp:

- Sức người mang 50 cân, đặt lên vai 100 cân, vinh quang ở đâu không biết. Song rõ ràng người mang không thể nào chịu nổi. Nay huyện nhỏ, sức quản lý của cán bộ cũng đã là nặng, nhưng cố sức thì cũng làm được.

Tôi cho rằng những ý kiến không hề hoa mỹ một chút nào này là đúng sự thật. Vừa chia huyện xong, các cán bộ huyện đã lao ngay vào phong trào. Nghe ngóng ý kiến quần chúng, từ cái thực tế ấy các huyện đều tìm ra đúng thế mạnh và những khó khăn của mình, biết mình phải tức khắc làm cái gì trước mắt.

Tôi đến huyện Phú Vang vào một ngày mưa. Trong năm dãy nhà vừa sửa sang xong, chỉ có phòng chủ tịch ủy ban và hội trường nhỏ kế tiếp ngay có đủ ánh sáng, không bị dột, và khá ấm cúng, khả dĩ làm việc được nhờ hệ thống cửa kính mới lắp xung quanh. Còn các phòng khác cứ kéo bàn xoay quanh; đóng cửa không nhìn thấy chữ viết. Mở cửa, gió thốc mưa vào khắp phòng. Nhiều phòng ban chưa có chỗ ở, đang tá túc trong các nhà dân quanh đó. Trong hoàn cảnh ấy, huyện đã quyết định việc xây cất tạm dừng lại, những chi phí chưa khẩn cấp tạm dừng lại, dốc vốn vào việc củng cố lại chín cây số đê ven bờ phá Tam Giang vừa bị bão phá nát, phải ngăn mặn lại, để đồng ruộng chuẩn bị vụ đông xuân kịp thời.

Xin kể ngay đây một chi tiết, giống như chuyện lạ có thật, Phú Vang, Hương Thủy hợp nhất thành huyện Hương Phú. Suốt 15 năm chung lưng đấu cật "làm ăn lớn" để "xây dựng huyện Hương Phú giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng", vậy mà khi chia tay nhau mỗi huyện chỉ được chia chín triệu tiền mặt, và gần một tỷ đồng tiền nợ nhà nước! Tính ra cuộc chia mang một số âm rợn người!

Nuôi tôm và trồng rau câu đang là tiềm năng lớn của Tam Giang. Phá Tam Giang dài bảy, tám chục cây số. Khúc phá rộng nhất có tới năm sáu cây số. Tôm nhiều, cá ngon. Cá Tam Giang phải kể tới cá hanh, cá kình. Vừa thơm hương, vừa ngọt thịt. Rau câu chỉ vàng của Tam Giang được coi là một đặc sản, thứ nguyên liệu quý làm a-ga. Tương lai Tam Giang ra sao? Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền đang là người chủ của Tam Giang này. Dân sẽ là mũi nhọn xung kích mở toang cánh cửa tài nguyên này ra. Các huyện triển khai, tiến quân vào phá Tam Giang, dẫu là bước đầu, và xác định Tam Giang là một thế mạnh của huyện mình. Dù sao, đó cũng là tín hiệu mừng vui.

Từ vùng đầm phá; tôi đi thẳng lên rừng. Hương Thủy tương đối ổn định về nông nghiệp. Song 17.117 héc ta rừng là một diện tích đáng kể. Trong đó 700 héc ta đang là đồi trọc. Huyện quyết định xây dựng trung tâm trồng rừng tại Tân Ba. Rồi tiến hành giao đất, giao rừng cho tập thể và cá nhân quản lý. Để đạt tới mục đích ấy, nhân tố con người được tính tới. Huyện cử người về khảo sát các xã vùng núi. Thủy Bằng trước đây là một xã do thành phố Huế quản lý. Mười lăm năm đã qua, Thủy Bằng vẫn tang thương. Toàn xã có 1780 hộ, thì 621 hộ thiếu đói, 158 hộ thật sự đói. Nhà ông Hồ Giá là hộ chính sách, có con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng liệt sỹ treo trên tường bị mạng nhện chằng qua, phủ kín một lớp bụi mờ. Hình như địa phương quên đây là một gia đình chính sách, nên hầu như không có sự quan tâm. Một bữa trưa huyện vào thăm, gia đình ông đang ăn cháo bột sắn khô. Hai mốt gia đình cùng hoàn cảnh như ông Hồ Giá sẽ vượt qua những ngày giáp hạt thế nào đây? Huyện phải chỉ thị ngay cho xã: "Để một người dân đói chết, đảng ủy và ủy ban xã phải chịu trách nhiệm trước Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện".

Tình hình chung của Thủy Bằng thật thảm. Trạm xá xuống cấp, không thể đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho nhân dân. Văn phòng ủy ban lụp xụp. Xã có một hợp tác xã, 13 đội sản xuất. Có đội chủ nhiệm hợp tác chỉ đến được một lần. Cung cách ấy làm sao chỉ đạo sản xuất được. Hương Thủy đang bàn ráo riết xem Thủy Bằng nên tồn tại theo cách nào cho hợp lý nhất. Bộ mặt của xã là trường lớp. Thì rõ ràng lớp có bàn mà không có ghế: Học sinh đến lớp phải đứng. Cháu nào muốn có chỗ ngồi thì vác ghế đi theo. Trước tình hình ấy, huyện quyết định cấp thêm cho các thầy, các cô dạy mấy xã miền núi, mỗi người, mỗi tháng thêm 10.000 đồng, để gọi là yên tâm bước đầu chăm dắt cho thế hệ tương lai nơi vùng đất khá hẻo lánh này.

Anh Hòa thường vụ huyện ủy Hương Thủy tâm sự với tôi: "Cũng may huyện nhỏ nên chúng tôi với tay tới được các hang cùng ngõ hẻm. Chứ không ai biết Thủy Bằng thế nào. Từ những thực tế đắng cay này mình mới lên được phương án hành động đích thực anh ạ".

Dẫu sao cũng gọi là một xã của thành phố đưa về, cuộc gặp gỡ tạm chấp nhận được sự ngỡ ngàng. Có lý do để đổ lẫn sự quan liêu cho nhau. Chứ xã Quảng Lợi của Hương Điền, vẫn trong một huyện với nhau cả, bây giờ chia về Quảng Điền, huyện cũ, vậy mà gặp gỡ Quảng Lợi, như gặp gỡ người đâu xa.

Trong chiến tranh, cái tên Quảng Lợi gần gụi là thế. Muốn đóng quân, về Quảng Lợi. Cần chỗ nuôi dưỡng thương binh, đưa về Quảng Lợi. Muốn qua phá Tam Giang đã có đò Quảng Lợi... Người dân Quảng Lợi nếm đủ đạn bom, tù đầy. Nghèo đi vì chiến tranh. Bệnh tật nhiều hơn vì chiến tranh. Ta thử xem Quảng Lợi 15 năm qua thế nào.

Chỉ xin đơn cử ra đây một con số tôi lấy trong sổ sách của huyện, chứ chưa phải là con số của thực tế đâu. Tính bình quân đầu người mỗi người dân Quảng Lợi mỗi tháng chỉ có 6,5 cân thóc, và cũng ngần ấy nữa sắn khoai chuyển đổi thành thóc. Nếu tính riêng ăn gạo thì Quảng Lợi chỉ có ba tháng ăn trong năm thôi. Đã đành năng suất ở đây rất thấp. Trong lúc năng suất của Quảng Thọ 9 tấn một năm, Đất Quảng Lợi chỉ cho 1,3 tấn thôi. Song, cứ phải nói thẳng ra rằng, nếu Hương Điền chú ý tới Quảng Lợi một cách tận tâm, thì chắc chắn Quảng Lợi đã khác xa rồi. Có lẽ một trong những cái sai của thời ấy là dốc vốn huyện cho những trung tâm. Lấy cái trung tâm ấy làm niềm vinh quang cho mình. Còn các nơi khác, miễn sao thu cho đủ thuế là được. Cung cách ấy có thể gọi: "làm ăn lớn" được sao?

Tôi về Quảng Điền mấy lần đều không gặp chủ tịch huyện. Ông đi xuống Quảng Lợi, để cùng nhân dân ở đây bàn bạc, tìm ra hướng đi cho mình. Quảng Điền đang tập trung suy nghĩ cho Quảng Lợi. Đường đi các anh bắt đầu từ khó khăn. Gian truân đấy, song các anh đã thật sự trở về với đất đai, trở về với nhân dân. Chắc chắn cung cách ấy sẽ được nhân dân ủng hộ.

Ở Hương Trà nhân dân rất ủng hộ chính quyền trong các vụ chống tiêu cực để ổn định lòng dân. Nhân dân đang đòi hỏi công bằng, huyện đang đáp ứng được yêu cầu đó. Vụ xâm phạm tài sản ở Hương An kéo dài cả mấy năm chưa được giải quyết. Ban chủ nhiệm hợp tác xã Hương An tổ chức dịch vụ phục vụ tại xã chiếm dụng 13 triệu đồng của hợp tác xã. Dân làm đơn tố cáo. Thanh tra thành phố về giải quyết, rồi ban thanh tra của ủy ban xã làm việc, những trả lời không thỏa đáng, làm mất lòng tin.

Mâu thuẫn cứ bùng nhùng mãi. Nay Hương Trà đưa ra một phương án giải quyết: Mỗi đội cử một người có năng lực nhất, được dân tín nhiệm nhất, lập thành ban thanh tra nhân dân. Cần hỏi những ai lấy chứng cứ, báo cho hợp tác biết để bố trí gặp mặt. Ban thanh tra nhân dân làm xong, trên cơ sở đó, thanh tra cấp trên sẽ về phúc tra lại, hai bên sẽ cùng bàn bạc để đi đến kết luận cuối cùng.

Xuất phát từ lòng tin vào dân, nên phương án được nhân dân đồng tình ngay. Dân nhất trí, thanh tra cứ thanh tra, song không vì sự thanh tra ấy bỏ bê sản xuất. Huyện đã về tận xã giúp dân bầu ngay một ban quản trị mới, và bắt tay vào kế hoạch sản xuất vụ đông xuân cho kịp thời vụ.

Niềm vui nhất ở Hương An là trước đây, dù không nói ra thành lời, song rõ ràng dân quay lưng lại chính quyền. Bây giờ dân gặp lại chính quyền tay bắt, mặt mừng cùng lo tính chuyện chung. Chẳng là một tín hiệu mới ở Hương Trà đó sao?

Điểm cuối cùng trong chuyến đi này là Phong Điền. Khi tôi đến nơi, Phong Điền vừa mua 18 triệu đồng tiền lương thực để trợ cấp cho bà con trong huyện sau bão lụt. Vừa cho bắt một chủ nhiệm hợp tác xã tham ô 17 triệu đồng. Huyện vừa khẳng định phải tiến hành mở con đường xuống các xã vùng biển, biến các ốc đảo xa vắng thành những làng quê gần gũi.

Nhưng Phong Điền chọn điểm nổ mang tính quyết định cho một khí thế mới là sự thắng lợi tuyệt đối của vụ đông xuân. Phần trời, trời cứ lo. Phần thuộc về nhân thế thì huyện lo. Thường vụ huyện ủy và thường trực ủy ban chia nhau xuống từng hợp tác xã, kiểm tra xem giống má hiện tại ra sao. Nhất là phân, phải được chuẩn bị đầy đủ. Những hợp tác xã có vốn, tự bỏ tiền ra mua. Các hợp nghèo, thiếu vốn, huyện quan hệ với ngân hàng, đứng bảo lãnh cho mua. Ngay từ lúc này đã phải trù tính kỹ càng thời gian làm mạ, thời gian cày, bừa, cấy.

Một thuận lợi của vụ đông xuân là không lo nước. Sợ nhất là những trận rét bất ngờ đổ ụp xuống khi làm mạ, khi cấy, khi lúa trổ cờ. Cả nước, có lẽ không có vùng đất đai nào chịu sự chi phối khắc nghiệt của thiên nhiên như ở miền trung này.

Ý chí quyết giành vụ đông xuân thắng lợi ăn sâu vào từng người dân. Phong Điền đã chuẩn bị đầy đủ tiến quân vào chiến dịch đông xuân đầu tiên của huyện mới đầy hào hứng, náo nức.

Phong Điền, một vùng đất rất có truyền thống cách mạng. Chi bộ Sông Bồ là chi bộ tiến thân đầu tiên phía bắc tỉnh, đi đầu phong trào cách mạng 30-45. Phong Điền mở được vùng giải phóng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ. Những cái tên An-Sơn-Nguyên, Chương-Hóa-Bình mãi mãi là niềm tự hào của đất này. Với tinh thần ấy, tôi tin Phong Điền có thể đi lên được.

Từ bữa lập huyện mới đến nay, các cụ về hưu, các bậc cách mạng lão thành trong huyện, đều đến thăm, động viên chính quyền cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hồ Xuân Mãn, bí thư Huyện tâm sự:

- Các cụ về, đều nhắc nhở, dặn dò chúng tôi. Một là phải đoàn kết nhất trí. Hai là cần tranh thủ mọi sự ủng hộ cho huyện mình. Chúng tôi sẽ thực hiện lời tâm huyết ấy.

Còn một điều nữa không hiểu sao các cụ quên không nhắc đó là mọi việc làm phải nghĩ đến nhân dân. Phải lấy nhân dân làm mục đích cho mọi hoạt động của mình. Nếu không vì mục đích cao cả ấy, chính quyền sẽ trở thành một quái thai.

Lâu nay chúng ta đã căng lên những khẩu hiệu rất kêu: "Do dân, vì dân", "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế thấy rõ đó mới toàn là lời hoa mỹ cả. Ngay một từ rất hay: "Lấy dân làm gốc", thì trong dư luận quần chúng chỉ thay đi một từ "lấy dân làm guốc", ta đủ thấy dân chúng đã ca thán chính quyền biết nhường nào.

Chính quyền nào mới lên cũng đều chăm lo đến dân. Lấy dân làm mục đích của mình. Nhưng sau khi đã củng cố chính quyền chặt chẽ, chỗ ngồi đã yên vị, có lo là lo cái chỗ ngồi của mình. Dân không còn là mục đích nữa, mà trở thành phương tiện. Những gì đã xảy ra trong suốt 15 năm nhập huyện, để lại những di chứng đau buồn cho làng xã hôm nay, là nhân chứng của một thời đã đang lao sâu vào tha hóa.

Mong rằng cuộc hành trình trở về này sẽ không nhằm lại vết xe cũ.

Chuyến đi không dài, tôi đến các huyện mới chia. Hàng loạt việc đã làm được, rất đúng là một hành khúc trở về. Người cán bộ huyện đã thật sự trở lại với nhân dân của mình. Song đó mới chỉ là bước đầu. Không có một sự che đậy khéo léo nào lại dối trá được lịch sử.

Những gì tới đây đã có nhân dân trả lời và thời gian trả lời.

Huế 17.12. 1990
N.Q.H.
(TCSH44/01-1991)




 

 

Các bài mới
Người đi dạo (31/01/2019)
Cung đờn (12/09/2018)
Các bài đã đăng