Tạp chí Sông Hương - Số 44 (T.1-1991)
Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong sự nghiệp đổi mới (*)
09:41 | 13/04/2018

ĐẠI HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ NHẤT

(Trích bài phát biểu của đồng chí Vũ Thắng, nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tại Đại Hội)

Đại Hội chúng ta được tổ chức vào thời điểm mà sự nghiệp đổi mới do Đại Hội VI vạch ra đã đạt những bước tiến bộ đầu rất quan trọng, đồng thời chúng ta cũng đang đương đầu với những khó khăn, phức tạp mới. Trong những ngày vừa qua chúng ta đã bắt tay triển khai nghiên cứu và góp ý các dự thảo cương lĩnh và chiến lược do Ban chấp hành Trung ương Đảng soạn thảo, chuẩn bị cho Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Tôi tin rằng những văn kiện quan trọng đó đang gợi cho nhiều đồng chí mối quan tâm sâu sắc về tiền đồ dân tộc và con đường đi lên CNXH của nước nhà. Đối với chúng ta chủ nghĩa xã hội là con đường được lựa chọn, hôm qua bằng máu và nước mắt còn hôm nay bằng tất cả trí tuệ, công sức của mình. Vì Tổ quốc XHCN, vì hanh phúc của nhân dân, khẩu hiệu đó đang thúc giục chúng ta - trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ - những trách nhiệm mới to lớn.

Mấy năm qua nhạy cảm với sự nghiệp đổi mới của Đảng, nhận rõ trách nhiệm mình trước vận mệnh đất nước và quê hương, chúng ta thấy rõ một bầu không khí sáng tạo mới đã được hình thành, thu hút sự say mê, hưởng ứng của giới trí thức, văn nghệ sĩ và cả xã hội. Hàng loạt tập văn, thơ của nhiều tác giả ra mắt, nhiều triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh được tổ chức, nhiều cuộc tọa đàm văn nghệ thu hút nhiều giới tham gia, nhiều số Tạp chí Sông Hương có chất lượng cao được dư luận trong tỉnh và ngoài tỉnh hoan nghênh chào đón.

Thời gian chưa phải là dài đối với quá trình vận động đổi mới trong sáng tác nghệ thuật, nhưng bằng tấm lòng và sự cố gắng ở mỗi nghệ sĩ đã khơi gợi những tình cảm khao khát của chúng ta hướng về sự nghiệp đổi mới đất nước, tô điểm quê hương.

Trên định hướng xây dựng một nền văn nghệ cách mạng, mang bản sắc dân tộc và hiện đại, một nền văn học phục vụ nhân dân, nhân dịp Đại hội hôm nay chúng tôi muốn trao đổi với các đồng chí một số điểm:

Một là, chúng ta cần nhận rõ truyền thống văn hóa đặc sắc của mảnh đất TT-Huế đã từng in dấu trong lịch sử và vị trí của hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đời sống nhân dân ta hiện nay. Không ai từng sống gắn bó với mảnh đất TT-Huế là không cảm nhận sâu sắc và thấm thía niềm tự hào về những giá trị nghệ thuật trong các công trình kiến trúc phong phú, trong các áng văn thơ cổ, trong các câu hò điệu lý, trong lối sống thanh lịch, tinh tế cho đến nền nghệ thuật, âm nhạc cung đình độc đáo, điêu luyện. Một cách vô hình những giá trị văn hóa nghệ thuật đó đã trở thành tâm hồn và bản lĩnh sống hàng ngày của nhân dân qua nhiều thế hệ. Điều đáng mừng là qua thời gian, nhân dân ta vẫn còn giữ gìn được nhiều công trình văn hóa ở mức toàn vẹn. Những giá trị văn hóa đó về nhiều lĩnh vực được coi là tài sản quốc gia và nhân loại. Điều đáng quí hơn là bên cạnh những di sản vật chất chúng ta còn có con người, những lớp văn nghệ sĩ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương mình, trong đó nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ mà tài năng của họ là một bảo tàng sống về văn hóa nghệ thuật. Nghĩa vụ chúng ta là phải giữ gìn và tôn tạo phát huy những truyền thống nghệ thuật đó, không để tàn phá, mai một. Nhận thức đầy đủ về chiều sâu mảnh đất của mình chúng ta càng thấm thía nhiệm vụ công tác văn hóa văn nghệ ở TT-HUẾ chúng ta có một vị trí đặc biệt, đòi hỏi phải xem xét nó ngang như mỗi nhiệm vụ kinh tế hàng ngày.

Thứ hai, là vấn đề Đảng đánh giá văn nghệ sĩ có liên quan đối với việc phê bình Tạp chí Sông Hương số 3 vừa qua.

Như tôi đã có lần nhắc nhở và phát biểu trước các đồng chí Ban biên tập Tạp chí các số trước đó, khi xem xét Sông Hương số 3, Tỉnh ủy không bao giờ phủ nhận quá trình đóng góp tích cực, có tiếng vang xã hội của Tạp chí tỉnh nhà trong suốt mấy năm qua. Tôi cho rằng sự đóng góp đó gắn liền tinh thần đổi mới, tìm tòi tâm huyết của Ban biên tập. Ở số 3 đã xuất hiện những lệch lạc do thiếu tỉnh táo của Ban biên tập trong việc thâu nạp đăng tải một số bài vở. Đành rằng mỗi người sáng tác có quyền bộc bạch tâm trạng buồn vui, cả quan điểm của mình trước cuộc sống. Nhưng việc đăng tải, xuất bản những sáng tác đó không thể không cân nhắc, tính toán hiệu quả tác động xã hội của nó, nói lên trách nhiệm của Ban biên tập người quản lý trong hoàn cảnh chúng ta phải đề cao cảnh giác cần ổn định chính trị để đổi mới đất nước. Đáng ra một số bài vở cần gác lại, sự xuất hiện những bài vở đó đã dẫn tới sự phản ứng khá rộng trong dư luận trong tỉnh và cả nước mặc dù lãnh đạo của tỉnh bình tĩnh xem xét, có tình có lý. Điều đáng tiếc hơn là khi sự việc nổ ra đáng ra cần sự thảo luận, kiểm tra nghiêm túc, chân tình thì đã có lúc xuất hiện một số ý kiến nóng nảy, tạo ra không khí căng thẳng, nặng nề, kéo dài thời gian xử lý, giải quyết. Bây giờ đã có thời gian lùi lại để xem xét những vấn đề chung quanh Sông Hương số 3 chúng ta thấy rõ những kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo quản lý hoạt động Tạp chí cũng như sự chỉ đạo đời sống phê bình văn nghệ như thế nào để đời sống văn nghệ thực sự vươn lên lành mạnh.

Chúng tôi mong muốn sắp tới Tạp chí Sông Hương hoạt động tích cực hơn theo phương hướng đổi mới, theo chỉ thị 61 của Ban Bí thư về quản lý Văn học Nghệ thuật, đem lại món ăn tinh thần lành mạnh không thể thiếu cho nhân dân tỉnh nhà và bè bạn xa gần.

Ba là, tôi muốn đề cập bầu không khí tinh thần trong những người sáng tạo văn nghệ. Trong quá trình tìm tòi những giá trị văn hóa nghệ thuật mỗi văn nghệ sĩ không những cần sự ủng hộ của xã hội mà rất cần bầu không khí hiểu biết, chân tình, thương yêu của đồng nghiệp. Nhân dân ta thường nói "học thầy không tầy học bạn”, có lẽ câu nói đó cũng ứng với mối quan hệ giữa các văn nghệ sĩ trong quá trình tìm tòi, sáng tạo. Chính sự đoàn kết gắn bó, lòng tin cậy lẫn nhau, sự dân chủ trong xử sự các quan hệ nội bộ, ý thức đòi hỏi cao ở nhau, sự chia sẻ trong các mục tiêu chung làm mỗi văn nghệ sĩ có đôi cánh trong công việc sáng tác nặng nhọc đầy trí tuệ, lặng lẽ của mình. Chúng ta không thể chấp nhận sự coi thường hiềm khích cũng như sự tâng bốc dễ dãi, những biểu hiện phe cánh gây thương tổn nội tâm mỗi tác giả, ảnh hưởng đến không khí vươn lên của đội ngũ. Theo tôi, Hội Văn nghệ có một nhiệm vụ rất quan trọng là bằng các công việc cụ thể của mình lôi cuốn mọi người vào trạng thái tình cảm chung, tích cực hăng say, mỗi người ra sức tìm kiếm những giá trị mới, mọi người giúp nhau khẳng định những sáng tạo tốt. Tạo được sự tín nhiệm văn hóa, bầu không khí đoàn kết, chân tình, cách mạng; như vậy là một nhiệm vụ rất lớn của Ban Chấp hành Hội cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, bên cạnh việc tạo ra bầu không khí chính trị, tinh thần thì việc tăng cường các điều kiện làm việc cho mỗi hội viên là một vấn đề cấp thiết. Chúng tôi đề nghị Hội cùng các cơ quan nhà nước xây dựng nguồn ngân sách cần thiết để anh em đầu tư những tác phẩm tâm huyết của mình. Tuy nhiên không thể chỉ trông đợi vào ngân sách nhà nước, Hội cần có những quan hệ xã hội rộng rãi để tranh thủ các nguồn giúp đỡ, đầu tư cho Hội tổ chức các hoạt động có thu để bổ sung cho hoạt động của mình, giúp đỡ các văn nghệ sĩ thâm nhập cuộc sống phong phú, sinh động của nhân dân.

Điều cuối cùng tôi muốn đề cập là yêu cầu đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý công tác văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay. Đối với chúng ta điều hiển nhiên là văn học nghệ thuật phải là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, phải chiến đấu, phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo văn nghệ thông qua sức thu hút của lý tưởng chính trị của Đảng trong mỗi công việc hàng ngày, trong những định hướng của Đảng trước sự nghiệp xây dựng đất nước, bồi dưỡng con người, trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện văn nghệ sĩ hoàn thành thiên chức sáng tạo của mình. Đảng lãnh đạo văn nghệ sĩ bằng sự hướng dẫn thuyết phục, tránh thô bạo, áp đặt, tôn trọng quyền tự do sáng tạo ở mỗi văn nghệ sĩ đồng thời không ngừng đòi hỏi văn nghệ sĩ nâng cao tầm trách nhiệm và bản lĩnh đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân.

Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo quản lý văn nghệ, mỗi cán bộ đảng viên phụ trách trên lĩnh vực này cần nâng cao trình độ nghề nghiệp, tri thức văn hóa để biểu dương cái đúng cái tốt, phê bình uốn nắn kịp thời cái sai, cái xấu một cách có lý có tình, cần hết sức tỉnh táo, sắc bén đấu tranh chống những thủ đoạn của địch lợi dụng công cụ văn hóa nghệ thuật để bôi nhọ cách mạng, lung lạc tinh thần yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Khẩu hiệu "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và sáng tạo” đang đặt ra cho Đại hội văn nghệ lần này nhiều trách nhiệm mới. Mỗi đồng chí đã đến Đại hội lần này từ những công việc riêng, tâm trạng riêng không tránh khỏi sự chênh lệch trong đánh giá tình hình, bàn định nhiệm vụ và xem xét công tác tổ chức bộ máy. Điều quan trọng là tìm đến cái chung nhất của Đại hội liên quan phong trào văn nghệ tỉnh nhà, những lợi ích chung của đội ngũ và mối quan hệ lâu dài tương thân tương ái của những người làm công tác văn nghệ.

V.T.
(TCSH44/01-1991)

---------------
(*) Đầu đề do T.S. chúng tôi đặt.




 

 

Các bài mới
Người đi dạo (31/01/2019)
Cung đờn (12/09/2018)
Các bài đã đăng