Tạp chí Sông Hương - Số 44 (T.1-1991)
Hai bài thơ tả cảnh Huế trên đồ sứ men lam
09:52 | 13/07/2018

TRẦN ANH SƠN

Huế mà chúng tôi nhắc đến ở đây là xứ Huế ngày xưa, thuở còn là "Đô thành Thuận Hóa” của Chúa Nguyễn.

Hai bài thơ tả cảnh Huế trên đồ sứ men lam
Bài thơ "Ải Lĩnh xuân vân" và cảnh núi Hải Vân trên chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu - Ảnh: baotanglichsu.vn

Hai bài thơ vịnh cảnh này được viết trên hai tô sứ men xanh trắng, đường kính miệng đo được 18cm, cao 8cm đáy ghi hai chữ Thanh Ngoạn theo lối triện, trong hai vòng tròn xanh. Đây là đồ sứ "ngự dụng" của vua chúa thời Lê-Trịnh-Nguyễn, đặt làm tại Cảnh-Đức trấn (Giang Tây - Trung Quốc). Tuy đặt làm ở nước ngoài, nhưng kiểu thức, họa tiết vẫn mang đậm phong cách Việt Nam, vì do chính nghệ nhân trong nước thực hiện. Thợ chuyên môn ở Cảnh-Đức trấn chỉ việc sao chép đúng nguyên mẫu đặt hàng.

Đặc biệt nhất là những đề tài vẽ về phong cảnh đất nước, kèm theo thơ văn đề vịnh của vua chúa hay các danh sĩ người Việt, loại đồ sứ này ngày nay gọi chung là "Đồ sứ men Lam Huế".

 

隘嶺春雲

越南衝要此山巔
絕嶺还如蜀道偏
但見雲橫三峻嶺
不知人在幾重天
冷沾鬚髮非同雪
濕濺衣裳豈是泉
惟願海風吹作雨
正宜千里潤桑田
             道人書

Bài l: ẢI LĨNH (1) XUÂN VÂN

Việt Nam xung yếu thử sơn điên (2)
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo (3) thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền
                                             Đạo nhân thư


Dịch: MÂY XUÂN NÚI ẢI

Việt Nam hiểm trở cỏ non này
"Thục-đạo” nghìn trùng giống vậy thay
Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn
Nào hay người ở mấy từng đây
Không khe suối, cũng đầm khăn áo
Chẳng tuyết băng, sao buốt mặt mày
Gió biển nguyện xin thành vũ lộ
Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.
                              Đạo nhân viết

 

順化晚市

暖烟夕照戀江濱
細听鶯啼處處春
晚市只看紅粉女
通衢不斷扆羅塵
時沽白酒能筵客
日用青錢卻便民
交易豈無衡與斗
還餘風俗葛天淳
             道人書

Bài II: THUẬN-HÓA (4) VÃN THỊ

Noãn yên tịch chiếu luyến giang tân
Tế thính oanh đề xứ xứ xuân
Vãn thị chỉ khan hồng phấn nữ
Thông cù bất đoạn ỷ la trần
Thời cô bạch tửu năng diên khách
Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân
Giao dịch khởi vô hành dữ đấu
Hoàn dư phong tục Cát - Thiên (5) thuần
                              Đạo nhân thư


Dịch: CẢNH CHỢ CHIỀU HUẾ

Khói ấm hoàng hôn quyện bến sông
Lắng nghe oanh hót bạt ngàn xuân
Chợ chiều tha thướt đàn con gái
Suối lụa tung hô nẻo bụi trần
Rượu trắng vui vầy mua đãi khách
Tiền đồng trao đổi tiện cho dân
Bán buôn lọ phải cần cân đấu
Nếp Cát - Thiên xưa vẫn thấm nhuần
                                        Đạo nhân viết

Trong sách cũ (Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên phủ do Quốc sử quán triều Nguyễn - Duy Tân ấn hành) có ghi lại được nửa bài "Ải Lĩnh xuân vân", nhưng các câu phá thừa, mỗi một câu lại khác đi hai chữ. Như vậy, hóa ra một sản phẩm nghệ thuật (sành sứ) vô hình chung lại trở thành loại văn bản đặc biệt có khả năng bảo tồn văn học cổ, khiến cho khỏi bị mai một, thất truyền.

Trước hẳn nói về "Ải Lĩnh xuân vân". Ải Lĩnh, tức là đèo Hải Vân. Một quan ải hiểm trở nhất trên con đường dân Việt về phương Nam: "Việt Nam xung yếu thử sơn điên", cái hiểm trở này làm ta nhớ đến Thục đạo - con đường đất Thục "Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên". Trên "cõi thục đạo” này, người vượt đèo "chỉ thấy mây giăng ba đỉnh núi lớn, nào hay người ở mấy từng đây": thực là hùng, thực là vĩ.

Sau câu luận nói về cái nỗi gay gắt của khí hậu thiên nhiên - sơn lam chướng khí, tác giả thổ lộ tâm tình qua câu kết với một lời nguyện cầu vương giả: "gió biển nguyện xin thành mưa móc, ruộng dâu nghìn dặm tốt tươi bày".
 

Bài "Thuận Hóa vãn thị " (順化晚市) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh bến chợ ở Thuận Hóa xưa- Ảnh: anhsontranduc.wordpress.com

Rồi đến bài: "Thuận Hóa vãn thị", đây là bài thơ chưa được biết đến. Ở "cảnh chợ chiều Huế", tác giả càng để lộ cốt cách và tài năng của một bậc đế vương thi sĩ - hay thi sĩ đế vương cũng thế. Bên cạnh thái độ thưởng thức trọn vẹn - thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên cẩm tú cũng như của nếp nhân sinh thuần hậu, còn là một thái độ ý thức - ý thức về trách nhiệm của bậc minh chúa, nặng lòng lo cho dân, cho nước. Thái độ thưởng thức mà ý thức này thiết tưởng khỏi cần biện giải cho thêm dông dài: tự bài thơ đã nói lên tất cả.

Điều cảm động nhất ở "Thuận Hóa vãn thị" có lẽ là cái chứng tích về một thời, thuần mỹ của nếp sống Huế ngày xưa. Cái vùng đất mà trước khi Nguyễn Hoàng vào còn được gọi là "Ô Châu ác địa”, nơi mà chúa Trịnh đã bằng lòng với ý đồ đẩy em vợ và cũng là đối thủ của mình vào chỗ chết.

Trên đây đã nói về thơ. Nay xin có đôi dòng về tác giả. Hai bài thơ ký "Đạo nhân thư" ở trên, tác giả chính là THIÊN TÚNG ĐẠO NHÂN NGUYỄN - PHƯỚC CHÂU.

Ông là vị chúa thứ 6 ở Đàng Trong, sinh năm 1674. Năm 1691 nối ngôi Nghĩa vương Nguyễn - Phước Thái, tự xưng là Đại Việt Quốc chúa. Là người ham học, tài kiêm văn võ. Dưới thời ông, chiến tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn đã tạm dứt, xã hội ổn định, nông thương nghiệp rất phát triển. Lần đầu tiên ở Đàng Trong bắt đầu tổ chức khoa cử để chọn nhân tài. Đặc biệt, Minh Vương rất sùng mộ đạo Phật, có pháp danh là HƯNG LONG, đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân (Vị đạo nhân hoàn toàn cởi bỏ mọi ràng buộc hạn chế), cho thỉnh kinh tạng và rước danh tăng Trung Quốc qua truyền giáo. Ông mất năm 1724, đời Gia Long truy tôn là Hiển-Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế.

Xứ Huế ngày nay được thấm nhuần đạo Phật, thấm nhuần "nếp Cát Thiên thuần hậu", một phần là do công của ông.

Từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa (1558) đến Định Vương Nguyễn - Phước Thuần, sau khi bị Hoàng - Ngũ Phúc chiếm đô thành - phải bỏ chạy vào Nam (1774), họ Nguyễn truyền nối được chín đời cộng lại 126 năm. Trong hơn hai thế kỷ, Huế là thủ phủ của Đàng Trong nước Việt, dần dần hình thành một trung tâm văn hóa lớn của dân tộc tiếp sau trung tâm văn hóa Thăng Long. Tiếc thay những công trình kiến trúc, văn vật, thư tịch... của thời đại này đến nay đã trải qua hơn 400 năm, sau những cơn binh lửa, thay bậc đổi ngôi phần lớn đã bị tiêu hủy gần hết. Ngay tại cái nôi Thuận Hóa, họa hoằn còn sót lại được vài tấm bia đá, quả chuông đồng... nhờ nương bóng cửa Từ Bi mà thoát được sự tàn phá, tranh chấp của người đời.

Trong cái họa hoằn còn sót lại, chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ đã dẫn có thể nói là tài liệu quý về văn sử cũng như sứ cổ, ngỏ hầu góp chút công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân.

T.A.S
(TCSH44/01-1991)

------------------
Chú thích:

(1) Ải lĩnh: phía nam Thừa Thiên giáp giới với Quảng Nam. Trên núi có đặt cửa ải nên gọi là ải lĩnh; nhân gian còn gọi là Ngãi Lĩnh, vì núi này mọc rất nhiều cây ngãi. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây lại cửa ải, mặt trước đề là Hải Vân quan, mặt sau ghi là Thiên hạ đệ nhất hùng quán, từ đó phổ biến thành tên núi hoặc đèo Hải Vân cho đến nay.

(2) "Việt Nam xung yếu thử sơn diên": theo Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên phủ (tập thượng) do Quốc sử quán triều Nguyễn - Duy Tân ấn hành (1910), ghi: đời vua Hiến Tôn, tuần hành Quảng Nam, qua núi Hải Vân có ngự đề bài thơ:

"Việt Nam hiểm ải thử sơn điên
Hình thế hồn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỹ trùng thiên"

Tu - Trai Nguyễn Tạo dịch: (Nha Văn hóa Bộ QGGD Sài Gòn xuất bản 1961, Tr.54) "Chót núi này là hiểm trở nhất ở Việt Nam...". Trong cuốn "Cố đô Huế” do Thái Văn Kiểm biên soạn (Nha Văn hóa Bộ QGGD Sài Gòn xuất bản 1960, Tr.127), cũng chép lại 4 câu thơ trong ĐNNTC, và dịch: "Núi này quan ải nước Nam". Theo ý chúng tôi thì hai chữ "Việt Nam" mở đầu bài thơ chỉ có nghĩa là vượt về phương Nam của đất nước. Tuy các chúa Nguyễn cát cứ đàng trong nhưng vẫn dùng quốc hiệu là Đại Việt và niên hiệu của vua Lê. Tên nước Việt Nam, kể từ thời Gia Long về sau mới có.

(3) Thục đạo: đường vào đất Thục ở Trung Quốc có 3 cửa ải rất hiểm trở: Dương Bình, Bạch Thủy và Tiên Nhân.

(4) Thuận Hóa:
Sau khi vua Chiêm Chế - Mân dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, gồm đất từ nam sông Gianh qua hết đèo Hải Vân. Thời các chúa Nguyễn, Thuận Hóa dùng để chỉ nơi đóng dinh trấn gọi là đô thành Thuận Hóa (hoặc Huế)

(5) Cát Thiên: "Cát Thiên thị", vị vua thời thượng cổ của Trung Quốc. Theo truyền thuyết thì thời vua này trị vì dân chúng được sống trong cảnh thái bình, phong tục thuần hậu.


 

 

Các bài mới
Người đi dạo (31/01/2019)
Cung đờn (12/09/2018)
Các bài đã đăng