Tạp chí Sông Hương - Số 44 (T.1-1991)
Toa thuốc bổ "Nhất dạ ngũ giao" của vua Minh Mạng
15:34 | 04/10/2018

PHAN THUẬN AN

Cũng như các triều đại quân chủ khác trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) đã lập ra tại kinh đô một cơ quan chuyên trách về y tế, gọi là Thái Y Viện, để chăm lo sức khỏe cho hoàng gia và điều hành công việc chữa bệnh cho mọi người trong nước.

Toa thuốc bổ "Nhất dạ ngũ giao" của vua Minh Mạng
Ảnh: internet

Nguyên tắc chung của thiết chế bộ máy hành chánh nhà nước là như thế, nhưng xem ra trên thực tế, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan y tế trung ương này là trông coi, phục vụ sức khỏe cho vua và hoàng gia. Cho nên, chúng ta không lạ gì khi thấy sử sách của triều Nguyễn còn gọi Thái Y Viện là Ngự Y Viện (1) và viện này đóng ngay trong Tử Cấm Thành là nơi dành riêng cho nhà vua và gia đình ăn ở sinh hoạt hàng ngày.

Viện Thái Y được thiết lập từ thời Gia Long (1802-1819) và tồn tại mãi đến thời Bảo Đại (1926-1945), nhưng trong số 13 vua nhà Nguyễn, có 2 ông vua đã tỏ ra quan tâm nhiều nhất về tổ chức, hoạt động và hiệu quả của cơ quan này, là vua Minh Mạng (1820-1840) và vua Tự Đức (1843-1883)(2). Hai vua có 2 lý do khác nhau.

Vua Tự Đức thì vì thể chất yếu đuối bẩm sinh hay đau ốm, bị bệnh đậu mùa biến chứng trở thành "bất lực", không sinh đẻ được, rất muốn có con để truyền ngôi. Nhưng, sự đời thật oái ăm, trong khi ba ông vua đầu nhà Nguyễn đều có con đàn cháu đống:

- Vua Gia Long sinh được 31 người con (13 hoàng tử, 18 hoàng nữ)

- Vua Minh Mạng sinh được 142 người con (78 hoàng tử, 64 hoàng nữ)

- Vua Thiệu Trị sinh được 64 người con (29 hoàng tử, 35 hoàng nữ) thì vua Tự Đức, ông vua thứ tư, không sinh được một mụn con nào để thừa kế ngai vàng, mặc dù khi vua băng hà, vẫn còn đến 103 cung nữ sống trong Tử Cấm Thành(4).

Trường hợp vua Minh Mạng thì khác hẳn. Nhìn vào những áo quần mà ông vua này mặc lúc sinh thời và hiện nay Viện Bảo Tàng Huế đang gìn giữ và trưng bày, chúng ta thấy rõ vua Minh Mạng là người to béo, vạm vỡ và thể-chất chắc hẳn là rất khỏe mạnh. Đã cường tráng, sung sức như vậy rồi thì cần dùng thêm thuốc bổ làm gì nữa ?

Người ta thường trả lời rằng nhà vua cần tăng lực để thỏa mãn cái thú vui xác thịt với hàng trăm bà vợ trong hoàng cung. Vua Minh Mạng có bao nhiêu bà vợ ? Hiện nay không ai biết được con số ấy một cách chính xác, vì sử sách không ghi rõ. Bộ sách "Minh Mạng chính yếu" của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn chỉ tiết lộ cho biết rằng vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ 6 (tức là tháng 2 năm 1825), "trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua lấy hạn làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo khanh là ông Hoàng Quýnh rằng: "Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ xem vì đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân; có lẽ trong thâm cung, cung nữ nhiều, nên âm khí uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra một trăm người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy"(5) Con số bớt đi đã là 100, vậy số lượng các bà còn lại trong cung chắc hẳn phải vài trăm trở lên. Âm thịnh như thế thì nhà vua quá cần thuốc bổ để cường dương.

Nhưng, theo tương truyền thì đó chưa phải là lý do đầu tiên để các vị "Ngự y" trong triều dâng lên cho vua Minh Mạng thang thuốc bổ mà chúng ta đang nói đến. Một số lương y hiện nay ở Huế có nghe các vị Ngự y tiền bối kể lại rằng vua Minh mạng đã xài phí sức lực vào việc giới tính hơi sớm, ngay từ thời còn là hoàng tử. Một thời gian trước khi lên ngôi vào năm 1820 giữa lúc 29 tuổi, ông rất yếu về đường sinh dục. Cho nên, sau khi đăng quang, vua ra lệnh cho các vị Ngự y phải cố gắng giúp vua lấy lại sức khỏe. Do đó, các Ngự y đã "đối chứng lập phương", làm ra một thang thuốc bổ ngâm rượu để nhà vua dùng hàng ngày và thang thuốc rất hiệu nghiệm.

Cái hiệu nghiệm đầu tiên rất cụ thể là về mặt sinh lý. Trong đời mình, nhà vua đã sinh được 78 người con trai và 64 người con gái như đã nói ở trên. Về sau, vua Thiệu Trị, người con trai trưởng, đã rất tự hào về khả năng to lớn đó của vua cha và đã viết ở trong bài văn bia ở lăng Minh Mạng rằng: "Bách tứ thập nhị, giáo dĩ nghĩa phương" (có 142 người con đều được dạy về đạo nghĩa).

Cái hiệu nghiệm thứ hai là về mặt tinh thần, trí tuệ. Lịch sử cho thấy trong ngót 20 năm trị vì (1820-1840), vua Minh Mạng đã làm việc rất nhiều và đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho đất nước về nhiều phương diện: hành chánh, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v... Có thể nói thời Minh Mạng là đỉnh cao của triều Nguyễn. Làm thành công được nhiều như thế là nhờ có tâm trí sáng suốt. Có lẽ phương thuốc Ngự y mà vua Minh Mạng dùng hàng ngày đã đóng góp hỗ trợ không nhiều thì ít vào trong các hoạt động tâm trí, các tư duy chính trị thường nhật của nhà vua.

Theo nguyên tắc của triều đình, toa thuốc bổ ấy chỉ dành riêng cho vua Minh Mạng dùng mà thôi, không ai được phép bắt chước sử dụng. Nhưng, vì công hiệu rõ ràng và kết quả tốt đẹp của nó, các quan lớn trong triều đã "phạm thượng" một cách bí mật bằng cách sao chép toa thuốc đem về dùng ở nhà, rồi sau đó lan truyền dần ra trong dân gian.

Ngay từ thời Minh Mạng, toa thuốc đã được đặt tên là "Nhất dạ ngũ giao" (Nghĩa là một đêm năm lần gặp), gọi tắt từ một câu thơ tương truyền là nói về hoạt động sinh lý của vua Minh mạng:

- Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử.

- Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử.

(Ngoài ra còn có câu: Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử).

Trong mấy chục năm gần đây, vì nhu cầu phục vụ sức khỏe cho mọi người, một số sách báo Đông y và Y học Dân tộc ở miền Nam, nhất là tại Sài gòn, đã đăng tải toa thuốc đó bằng chữ quốc ngữ với các dị bản khác nhau. Toa này toa kia có thay đổi vài ba vị thuốc. Số lượng vị thuốc cũng không bằng nhau : Có toa gồm 22 vị, có toa lên đến 25 vị.

Dưới đây xin chọn toa thuốc bổ của vua Minh Mạng được chép theo sách "Những phương thuốc bổ và trường xuân trong Y học cổ truyền Đông phương" của lương y Lê Văn Sơn, xuất bản tại tỉnh Sông Bé vào năm 1987:

A.-Thành phần các vị thuốc:

1. Sa Sâm : 5 chỉ
2. Cẩu kỷ tư : 2 -
3. Bạch truật : 3 -
4. Đào nhân : 5 -
5. Đương qui : 3 -
6. Mộc qua : 2 -
7. Thục địa : 5 -
8. Tục đoạn : 2 -
9. Phòng phong : 3 -
10. Nhục quế : 1 -
11. Tần giao : 2 - 
12. Độc hoạt : 2 -
13. Bạch thược : 3 -
14. Trần bì : 3 -
15. Khương hoạt: 2 -
16. Phục linh : 3 -
17. Đại hồi : 2 -
18. Cam thảo : 3 -
19. Đại táo : 2 -
20. Xuyên khung: 3 -
21. Đỗ trọng : 2 -
22 Thương truật: 2 -

Theo toa thuốc "Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử" đăng ở Nhật báo Sống tại Sài gòn số ra ngày 27.4.1968, thì ngoài 22 vị thuốc kể trên, toa thuốc Minh Mạng còn có thêm 3 vị khác nữa:

1. Cao hổ cốt : 1 chỉ
2. Cao ly tử : 3 -
3. Hồng cúc : 2 -

Ở cuối toa thuốc, tài liệu này lưu ý rằng người có máu nóng nên bỏ bớt 2 vị Đại hồi và Nhục quế; còn người có máu lạnh thì thêm vị Ngưu tất, 3 chỉ.

B. - Cách chế và dùng:

Có hai cách chế thuốc là ngâm và chưng.

1.- Ngâm thuốc: Ngâm tất cả các vị thuốc ấy vào 2 lít rượu trắng (loại rượu tốt) trong 5 ngày đêm. Lọc rượu ra, pha thêm nửa lít nước đã đun sôi cùng với 300gr đường phèn. Trộn đều để dùng. Lấy bã thuốc ấy ngấm nước nhì, cũng với 2 lít rượu trắng tốt và ngâm trong 1 tháng. Sau đó, cũng pha với nửa lít nước nấu tan 300 gr đường phèn.

2.- Chưng thuốc: Muốn có thuốc nhanh hơn để uống, thì chế thuốc bằng cách chưng. Cho thuốc và 2 lít rượu tốt vào trong 1 cái thố (tìm) bằng sành. Đậy nắp và bịt mí bằng băng keo cho kín để rượu khỏi bốc hơi ra ngoài. Đặt thố vào trong 1 cái soong nhôm lớn hơn nó. Đổ nước cao lên bằng 1/2 chiều cao của thố, không đậy nắp soong. Đặt soong lên bếp lửa riu riu (lửa nhỏ) trong thời gian khoảng 2 giờ. Sau đó, lấy thố ra, rót riêng rượu, giữ bã thuốc lại. Rồi cho vào bã ấy 1 lít rượu khác, chưng nước nhì trong vòng 1 giờ rưỡi. Xong, lấy rượu, bỏ bã. Dùng từ 100 đến 300 gr đường phèn (tùy theo mức độ thích uống ngọt) nấu cho tan trong 1/4 hoặc 1/2 lít nước (tùy người dùng rượu độ cao hay thấp) rồi hòa chung với rượu đã chưng mà uống.

Uống một ly nhỏ trong mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

C.- Công dụng: Toa thuốc bổ dùng với rượu của vua Minh Mạng có tác dụng đặc biệt như sau:

1. Đại bổ khí huyết. Tăng cường sinh lực. Bồi bổ thần kinh.

2. Trị bịnh đau lưng và nhức mỏi. Bồi bổ cho sản phụ.

3. Người liệt dương uống từ 1 đến 2 tháng có thể có con.

4. Người khản tiếng, nói không nghe rõ, uống vào nói to được.

5. Thận yếu lâu, bán thân bất toại, đi đứng không được, dùng rất tốt.

6. Người già từ 60 tuổi trở lên, uống vào thì tăng tuổi thọ, đêm ngủ không mộng mị, khỏi bị táo bón.

Theo lương y Phan Quật hiện đang hành nghề ở Huế thì thang thuốc này là một tổng hợp của nhiều vị thuốc, gồm có thang Bát trân (sâm, linh, truật, thảo, địa, thược, khung, qui) chủ trị khí huyết suy nhược và một số vị thuốc có tác dụng làm mạnh gân xương, trị nhức mỏi, kích thích tiêu hóa, an thần và nhất là bổ thận, cường dương. Xét kỹ dược tánh của nó có thể kết luận đây là một toa thuốc bổ dùng để trợ lực, sanh tính khí, tạo điều kiện tốt hầu thỏa mãn cho cuộc sống và ý muốn sinh nhiều con cái của một đấng quân vương.

Ngày nay, người thiếu sức khỏe, nhất là người hiếm muộn con cái nên dùng toa thuốc đó. Tất cả những vị thuốc trong toa đều đang thấy bán nhiều ở các hiệu thuốc với giá không đắt lắm. Nhưng, nếu ai có điều kiện dùng thì cũng phải vận dụng số lượng và cân lượng các vị thuốc cho thích hợp với thể trạng của mình. Hay hơn hết là được các lương y "đối chứng lập phương" cho thật chính xác theo y lý để đạt được những hiệu quả tốt đẹp tối đa như mong muốn.

P.T.A.
(TCSH44/01-1991)

---------------
Chú thích:

(1) Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh sư, bản dịch của Nguyễn Tạo, Nhà Văn Hóa Xuất bản, Sài gòn, 1960, trang 25, 71.
(2) Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử Học, Hà nội, tập XIII, trang 329; tập XXVII, trang 254-255; tập XXVIII, trang 285-286, 301; tập XXXI, trang 290, 294; tập XXXIII trang 279, 327; tập XXXV, trang 132.
(3) Richard Orband, Les tombeaux des Nguyễn, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême - Orient, 1914, trang 1-64.
Tôn Thất Cổn, Constitution de la Famille Impériale d’ An-nam, Huế, 1942, trang 22-29.
(4) Ch.Gosselin, L’Empire d’Annam. Dẫn bởi Dr Gaide và H.Pey-sonneaux, Les tombeaux de Huế: Prince Kiến Thái Vương. B.A.V.H. 1925 trang 26.
(5) Minh Mạng chính yếu, quyển I, tờ 7b, bản dịch, tập I của Hoàng Du Đồng và Hà Ngọc Xuyền, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn Hóa xuất bản, Sài gòn, 1972, trang 37.






 

 

Các bài mới
Người đi dạo (31/01/2019)
Các bài đã đăng
Cung đờn (12/09/2018)