Tạp chí Sông Hương - Số 351 (T.05-18)
Lâm Thị Mỹ Dạ - trái tim sinh nở
09:35 | 30/05/2018

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Khóa học đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du do ý tưởng của ai tôi không rõ lắm. Nhưng quả thật, sau 1975, lứa chúng tôi sàn sàn tuổi “băm”, cả dân sự lẫn lính trận đều vừa từ trong rừng ra, đa số học hết cấp III, có người chưa, có người đang học đại học gì đó.

Lâm Thị Mỹ Dạ - trái tim sinh nở

Phải nói cái không khí tụ họp được một “mớ” nhà văn trẻ “sắp” có tên tuổi và một số các anh chị kha khá hơn đã và đang “nổi tiếng” trên văn đàn là một ý tưởng xuất sắc. Thực ra văn đàn hồi đó chỉ có mỗi tuần báo Văn Nghệ và một tờ tạp chí tháng: “Văn nghệ Quân đội” là đáng kể. Nhưng chúng tôi, ai được in đôi ba truyện, đôi ba bài thơ trên hai nơi đó coi như “đã” có tên tuổi rồi. Các anh Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Xuân Đức, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Thu Hương là như vậy. Họ cùng về Hà Nội như chúng tôi, để rồi tới trường lớp hẳn hoi chứ không phải đi dự “trại viết” như thời chiến tranh. Đó là một sự lên “chân kính” đấy ạ. Loại “mầm non văn học” như tôi, Phạm Hoa, Thao Trường hay Ngô Xuân Hội đều là những tay lính tráng, đứng đầu danh sách vô danh tiểu tốt mồ hôi dầu! Khi tập hợp lớp, nhìn qua thì thấy đều tre trẻ. Nhưng nhìn kỹ thấy cũng có đôi ba anh cứng cựa hơn như Thái Vượng, Hữu Thỉnh, Tô Đức Chiêu. Được về đây học, lại cùng được ngồi chung bàn chung lớp với các tên tuổi có số có má là cả một sự ưu ái, chúng tôi thảy đều sướng rên và lòng đầy háo hức. Cánh tôi đầy nhiệt huyết coi văn chương là đấng bậc thiêng liêng cao cả. Sau này, càng lùi xa thời ấy, mỗi khi có dịp ngoái lại thấy hay đáo để. Văn chương là cái chi chi mà cả một thế hệ vừa buông súng, vừa thoát chết, đa số chưa “ổn định” cuộc sống cá nhân mà nhắc đến là thẩy đều nhất tề nhào vô như một cuộc xung trận mới, thí mạng, không nề hà! Ha ha. Niềm khao khát bấy nay từ trong những cánh rừng, trong những buôn làng, trong những truông bồn, những đìa, những địa đạo, trảng tranh, đầm lầy… cùng những cuộc hành quân, ngày nằm hầm, đêm trồi lên phá ấp giành dân đã tạo nên niềm khát khao và từng được ấp ủ với những trang viết, những câu thơ cổ động đầy hào khí của lớp đàn anh. Hòa bình lập lại được dăm năm, cái sự bức xúc thèm được ngồi viết chỉ chờ có giây phút “nháy mắt” một cái của cấp trên là... răm rắp tập hợp! Như những chú chim nhạn di trú bay hàng triệu ki lô mét đến vùng nắng ấm là sà vội xuống để sinh nở!

Vâng, mỗi người có khát vọng một kiểu, nhưng viết văn là lý tưởng sống, là niềm vui nỗi buồn chung. Bao nhiêu từ đẹp đẽ cao siêu để chỉ văn học nghệ thuật chúng tôi đã và đang gán cho nó. Mới đầu người ta gọi nó là “trại”, là “lớp”, sau chọn được cái tên kêu hơn, “lớp chuyên tu đại học viết văn”. Vâng chúng cháu nhất trí “chuyên tu”, thực ra chả hiểu mấy cái chữ “chuyên tu” có ý nghĩa gì! Khi tập hợp đủ người, ra lớp ra trường rồi thì gọi là “Trường viết văn Nguyễn Du khóa I”, nghe có kêu hơn, bề thế hơn, “oai” hơn. Lại được mang tên cụ Nguyễn Du không phải chuyện nhỏ. Mặc dù thực ra chỉ có mỗi lớp trên dưới ba chục nhân mạng, mà học viên trẻ nhất cũng đã “băm ngoài”, học viên cứng cứng cũng “bốn năm mươi”. Đa số học viên gọi thầy bằng Anh. Anh Hiến - Hoàng Ngọc Hiến. Anh Cư, anh… Tôi nhớ, có lần đi nhậu với anh Hiến, anh Hiến bảo, các cậu nên nhớ về đây học sẽ được nhiều cái, cái đầu tiên là không khí cuộc sống sinh viên. Đó là một mảng đời sống vô cùng phong phú trong cuộc đời mỗi một tri thức văn nghệ sĩ. Nó sẽ là bệ phóng cho các tài năng bởi nó là nguồn cảm hứng và là kỷ niệm thiêng liêng đồng hành với ta suốt cả cuộc đời.

Quả đúng như vậy. Bây giờ lũ chúng tôi đã đến “U70”, mỗi người đều có dăm ba cuốn sách, dăm ba giải thưởng, nhìn các cháu mới nhập trường văn trận bút mà nhớ lại thời của mình “ngựa non háu đá”. Nó hồn nhiên và náo nức, nó ấu trĩ và đầy chất “anh hùng” “nghệ sĩ”. Tên tuổi các cụ Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài đã quen. Có người được đi lại thân cận, được trò chuyện “suồng sã” thì lấy làm ngưỡng mộ lắm. Mấy bữa giảng bài đầu tiên của Xuân Diệu lớp đi dự đông đủ, rất háo hức và chăm chú lắng nghe. Thậm chí còn kéo thêm các bạn bên Trường đại học Văn hóa sang dự nghe đông chật cứng cả hành lang. Nhưng đến “cua giảng” thứ hai thứ ba của nhà thơ thì người nghe thưa dần, và đến “cua” tiếp theo thì chỉ còn vài ba người, trong đó có học viên… Mỹ Dạ. Dạ đến không phải thích nghe chuyện nghe giảng của Xuân Diệu nữa mà là vì… thương ông. Xuân Diệu thấy anh chị em không đến nghe mình giảng tiếp thì sinh tự ái. Ông tuyên bố rằng, tôi sẽ nói lên với “Bộ”, yêu cầu Bộ giải tán cái lớp ngang ngược này! Mà quả tình hồi ấy cái “lớp” ấy chưa ai xác định rõ nó là “con” của Hội Nhà văn hay của Bộ Giáo dục và đào tạo, hay của Bộ Văn hóa thông tin? Bởi lý đúng trong lớp học thì học viên phải gọi “thầy” là thầy, gọi “cô” là cô. Nhưng ở đây đa số gọi giáo viên là anh là chị với một không khí thân mật gần gũi và thậm chí suồng sã. Đó là cái sau này người ta gọi là cơ chế “đặc thù”. Hễ chuyện gì được đặt cho cái tên theo cơ chế gọi là “đặc thù” thì nghiễm nhiên cộng đồng phải chấp nhận những ưu đãi khác thường. Chúng tôi đến trường đến lớp như là đến cơ quan. Thầy cô với học viên gần như ngang bằng, tự nhiên như nhiên. Học viên có người lương cao hơn thầy. Những ngày mới nhập trường nhập lớp, ngay những hôm đầu tiên đã nổ ra mấy cuộc tranh luận gay gắt: “viết văn là công việc cá nhân, không ai dạy được ai.”. Hoặc “chuyên tu là… gì?”. Hoặc sự đi học đây chỉ là thêm nếm phần thiếu do chiến tranh… giờ nên gọi là… bồi dưỡng hay…” … Lâm Thị Mỹ Dạ đứng giữa các cuộc tranh luận ấy nom rất buồn cười, vẻ mặt ngơ ngác như người ở trên trời rơi xuống. Tôi hỏi trêu Dạ, ý Dạ sao? Dạ bảo có chi mô mà mấy ông lắm lời? Răng thì răng, chừ cứ học rồi ai mần chi người nớ tự lo. Tôi tiếp tục: Người ta bảo làm thơ như đi cày ruộng cũng ừ à? Dạ cười, chớ răng? Mần thơ cực hơn cày ruộng là cái chắc. Tôi khen: Đó! Ý kiến hay đó. Sao mụ cứ cười cười không nói. Dạ bảo có thế răng mà mấy anh cũng nghiêm trọng hóa mất vui. Dạ bao giờ cũng tạo ra không gian hòa hợp hồn nhiên, một phần do cái tính ngơ ngơ tưởng như không biết gì của Dạ, khiến cho cả hai bên đều thấy mình tranh hơn tranh kém trở nên vô nghĩa. Dạ về Hà Nội học khi đã khá nổi tiếng về thơ và về xinh đẹp. Hơn thế nữa, cái cách sống vô tư và cởi mở của Dạ có một câu chuyện khá “đặc thù” được một số anh em trong lớp biết và lưu truyền, ấy là một hôm Dạ tình cờ gặp anh nhà văn nổi tiếng người thủ đô, không phải vì tài văn mà vì tài “cưa” chị em. Anh nhà văn sau một vài bữa qua lại thấy Dạ quả tình dễ ưa, dễ dãi, dễ làm thân bèn ngỏ lời giăng gió. Dạ ta sau một hồi cười như ngặt nghẽo trong bữa cơm thân mật với nhóm bạn “cánh rừng phía Tây” chúng tôi mời. Mà cơm có chi mô: khoản “tai mũi họng” rẻ mà ngon với rau sống cộng tô canh cá mè om dưa mua của mấy chú thiếu niên câu trộm cá ngoài hồ công viên, nhưng rất rôm rả vì có mấy xị “quốc lủi”. Dạ ta hào hứng kể chuyện lần ra thủ đô này gặp anh nhà văn tỏ ra rất “chân thật”với mình, bèn đưa ra câu hỏi:

“Miềng yêu anh ấy có được không hè?”

Một thành viên của nhóm thô bạo nói luôn:

“Mụ mà yêu hắn thì hắn coi mụ như cái rác!”

Dạ quay ngoắt lại:

“Vậy rứa thì mình cũng coi hắn như cái rác chớ có chi mô…”.

Chuyện nửa đùa nửa thật nhưng vẫn thấy cái cách “ghê gớm” của Dạ nó vậy đó!

Khóa Một trường viết văn Nguyễn Du hồi ấy còn sơ sài hoang dã. Anh chị em bên dân chính được phân ở trong dãy nhà cấp 4, nhà tranh vách nứa, hai nhân mạng chung một ngăn, gọi là phòng chừng hai chục mét vuông. Mẹ con Dạ ở một ngăn trong đó. Hình như Dạ được phân ở chung với Đạo Tĩnh, một nữ sĩ có tên tuổi nhờ từng được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo báo Văn nghệ. Tĩnh chưa chồng con, dáng vẻ như cô giáo: hiền và nền nã. Ngăn của Dạ là ngăn ngoài, nồi niêu xoong chảo áo quần chăn màn ngay từ ngày đầu đã thấy nó được để hồn nhiên bừa bãi, có một không khí rất “Mỹ Dạ”, nghĩa là mọi trật tự không cần phải sắp xếp cầu kỳ. Phía trước nhà là một cái ao bèo đầy rác và xú uế. Anh chị em học viên - nhà văn tương lai đang sẵn có tinh thần phấn khích đã lao động xã hội chủ nghĩa vài buổi mới quang quẻ và dễ coi một tí. Sau bữa Tổng vệ sinh ấy là Đại hội Chi bộ. Cả lớp đều là những con người xuất sắc vừa qua cuộc chiến, rất ít ai không là đảng viên. Không là đảng viên ắt phải có “vấn đề”. Hoặc lý lịch gia đình, hoặc bản thân có chi mắc mớ. Với người như Dạ càng không ai nghĩ tới chuyện Dạ chỉ là quần chúng. Nhưng bữa họp hôm ấy ngó lên ngó xuống, chạy đôn chạy đáo không thấy Dạ đâu. Các anh các thầy cho “quân” đi lùng khắp Hà Nội không thấy, nên quá giờ họp cứ họp thôi. Đến mục đề cử người vào cấp ủy, gần như trăm phần trăm đề cử Dạ. Dạ nổi tiếng, tất nhiên. Dạ có nhiều bài thơ xuất sắc trong chiến tranh mà lúc này nói đến Dạ ai cũng xuôi thuận. Thế nhưng… chả biết Dạ từ mô hiện về, mồ hôi mồ kê, hớt hải cùng anh Bùi Công Bính, nhà văn từ Thái Bình được đi học. Cũng là một người được đề cử vô cấp ủy vì cả hai người đều tốt đều… trên cả tốt, đều xứng đáng làm lãnh đạo... Hóa ra cả hai người đều không phải đảng viên. Họ biết thông tin hôm nay Chi bộ họp nên rủ nhau tránh vô nhà chị Duẩn, chủ quán nước ngoài cổng trường. Thông tin về việc Chi bộ đang đề cử cả hai người vào cấp ủy do nhà văn Trúc Phương, người Nam bộ, là “khách” đặc biệt của chị Duẩn. Gần như lúc nào rảnh tí là anh chạy ra chị Duẩn làm tợp rượu. Trúc Phương cũng bất ngờ biết Dạ và Bùi Công Bính đều không đảng viên, đều đang tránh cuộc họp ngồi đây. Biết chuyên Chi bộ đang sôi nổi đề cử hai người, anh Bính kéo Dạ vô lớp chỉ để thông báo cho mọi người biết họ đã đề cử lầm…

Cả phòng họp đang nghiêm trang, đang hào hứng khi thấy hai người xuất hiện. Nhưng họ xuất hiện với cái tin mà Dạ vừa nói vừa cười cười vừa lắc đầu… Đúng là bó tay chấm com!

Quay về với chuyện Dạ ra học đem theo hai cô con gái một hột gà một hột vịt, mũm mĩm, tươi roi rói giữa cao điểm thời bao cấp khó khăn không phải chuyện đùa! Nhưng giời thương. Bé Lim bé Líp đẹp như tranh. Dạ nuôi con nhỏ phải nói là “siêu tài” vì lối sống “siêu” tự nhiên. Một đứa đã đi học, một đứa sắp. Đứa tên Lim, đứa tên Líp. Ba mẹ con Dạ như ba con búp bê. Búp bê mẹ búp bê con. Ơn giời cả hai bé đều có nét xinh tươi hồn nhiên rất dễ thương của mạ, lại nói giọng Huế hay Quảng Bình Quảng Trị chi đó, nghe rất là véo von. Sự véo von chân thực có nét ngây ngô dễ yêu không tả được. Mẹ con Dạ được cả lớp rộn ràng yêu quý, rộn ràng cưng chiều. Dạ cầm tinh con Trâu, bằng tuổi tôi, chúng tôi đã khá thân nhau từ hồi ấy. Nhà Dạ với anh Tường ở Huế cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thường là điểm tập kết của nhóm Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh và tôi. Tôi là thằng đàn em đi theo hầu rượu các ông anh. Năm nào chúng tôi cũng vài lần ra Huế chơi hoặc rủ cánh Huế vô Đà Nẵng nhậu.

Bên trại chúng tôi đã có các anh nhà văn nổi tiếng như Phan Tứ, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Chí Trung, ngoài viết văn còn lập một trại nuôi gà công nghiệp để cải thiện. Mấy trăm chú gà giữa thành phố, sáng sáng có hàng trăm quả trứng hồng. Bạn bè từ Huế vô chơi chúng tôi thết trứng gà. Anh Thanh Thảo là tay hóm hỉnh và hào sảng nhất hội. Hễ có khách là anh sai tôi sang bên 10 Lý Tự Trọng - trụ sở của Trại, mua một hai chục trứng, đem ra chợ “chuyển khoản” thành tiền, mua thịt bò về nhậu. Thỉnh thoảng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Trịnh Công Sơn, Mỹ Dạ, Khánh Linh, Bửu Chỉ vô chúng tôi chơi. Rồi, có khi chúng tôi ra Huế đánh chén có thêm với các anh Ngụy Ngữ, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao. Mỗi lần gặp anh Tường, lần nào về cũng hay bàn tán trong nội bộ, vì đa số lần nào cũng bị anh Tường “cướp diễn đàn”. Tường nói chi cũng hay, cũng nhiều, cũng dài, và cả hấp dẫn...

Hồi đó thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã rất nổi tiếng. Nhưng tôi không phục lắm, nhất là khi được giải, được các ông “đại tướng thơ” “đại tá thơ” kênh kiệu. Nhưng vì tôi là bạn mụ nên cũng âm thầm đọc mụ và mừng cái tánh “ngơ ngơ” của mụ đã dìu mụ vào cõi thơ không bờ bến. Cũng như trong cuộc sống thường ngày rất ngơ ngơ của mụ. Hồi năm 2000 tôi và mụ cùng anh Tô Đức Chiêu được sang Mỹ giao lưu với các bạn cựu chiến binh William Joiner. Lúc đáp xuống sân bay Los Angeles gì đó, chúng tôi xếp hàng để chuyển sang Boston. Đang xếp hàng mụ bảo tôi: Đỉnh coi hộ đồ cho Dạ, Dạ đi toa lét tí nghe. Tôi tất nhiên là ok. Dạ biến vào nhà vệ sinh phía trước. Năm phút. Mười phút. Mười lăm phút. Hai mười rồi ba mươi phút. Không thấy Dạ, tôi và anh Chiêu hoang mang. Trình độ tiếng Anh của ba anh em ngang nhau. Phỏng đoán lung tung. Lạc thì đến chỗ An Ninh nhờ người ta đưa về chỗ xuất phát là được ngay. Anh Chiêu bảo có khi nó bị bọn địch bắt cóc! Tôi bảo địch nào ở đây. Tôi đánh liều đến bên một cảnh sát da đen, nói tiếng Anh: “Pho mi a lô”. Anh ta hỏi lại: “Pho mi a lô?” Tôi nhắc lại. Anh ta không hiểu. Tôi cứ đinh ninh Pho Mi tiếng Anh là cho tôi, còn A Lô là gọi, là nói trên loa chẳng hạn. Lúc lú thành ra lẫn, anh cảnh sát kéo tôi vào một cái “bốt” gần đó, nói điện thoại với ai đó. Một lúc sau có một cô gái người Việt đến, cô ta hỏi: Chú cần gì? Tôi mừng quá trình bày về một người mất tích trong đoàn chúng tôi. Cô ấy là người rất quan trọng, tôi nhấn mạnh. Một nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam, tên Lâm Thị Mỹ Dạ vân vân. Cô gái gọi điện thoại một lúc rồi quay ra bảo tôi: Bà Dạ bay đi Boston chuyến mới rồi. Ông và ông cùng đoàn cảm phiền đem đồ cho bả Dạ cùng đi chuyến sáng mai vậy. Rồi cô ta không nói gì thêm, dẫn chúng tôi đến cửa đi Boston rồi bái bai.

Hôm sau chúng tôi tới sân bay Boston thì đã thấy Dạ ra đón cùng vài người bạn nữa. Tôi cáu sườn quát Dạ rằng mi răng dám bỏ hai anh em và đồ đoàn lại đi một mình. Dạ hồn nhiên cười nói rằng, mình biết chi mô, ra khỏi nhà cầu, thấy người ta xếp hàng mình tìm không thấy anh Chiêu và Đỉnh, có một người Việt hỏi mình đi mô, chìa vé cho ông ta coi, ông ta bảo theo ông ta cùng đi một chuyến, rứa là lên máy bay!

Trời ạ. Việc to như bị bắt cóc mà chúng tôi lo sợ phỏng đoán lung tung. Cả đêm qua hai anh em thức canh đồ cho mụ, còn mụ thì cho là quá đơn giản. Vậy đó.

Rồi có lần ngồi tán gẫu chuyện phiếm văn thơ, tôi “dọa”, phụ nữ mần thơ như Dạ là hay bị “lộ” thiên địa lắm. Dạ bảo, lộ chi mô, thiệt răng mình mần rứa, giấu diếm cảm xúc nó không giấu cho mô. Rồi khẳng định, lộ cũng được! Ghê nhỉ? Chớ răng! Tôi bảo tôi nói vậy vì tôi có đọc thơ Dạ, thuộc một ít câu thơ Dạ. Dạ ngạc nhiên: Rứa à? Mi cũng thuộc thơ miềng? Tôi nhại lại giọng Dạ, và tôi đọc cho Dạ nghe: “Làm một người đàn bà/ người ta phải nhỏ bé/ nhỏ bé tựa búp bê/ Mới dễ dàng hạnh phúc! (Nhỏ bé tựa búp bê). Tôi bình thêm: Thơ mụ không diêm dúa, không mắc tội thiệt thà mà lại được của nó cái giản dị dễ thương. Dạ bảo, mi cũng biết đọc thơ nhỉ. Tôi bảo, mụ coi thường ta, ta đọc chêm cho mụ sợ: “Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng”. (Tặng nỗi buồn riêng). Lại bình thêm: Thơ thế mới gọi là thơ. Câu “rơi không thành tiếng” làm nên giọng thơ riêng của mụ ha ha. Dạ bắt đầu trở giọng: Mi răng cũng nói được. Nhưng Dạ khen mi. Tôi bảo, mụ khen ta thì khen cả ngày. Thơ mụ vầy mà mụ có biết nó hay không? “Em là cây mận của em/ Bám vào thẳm sâu đất đai là nỗi buồn/ và trời xanh là lòng kiêu hãnh” (Cây mận của em). Câu cuối “và trời xanh là lòng kiêu hãnh” của mụ, mụ có biết nó làm nên thơ mụ đó nghe. Dạ có vẻ chịu rồi, nhưng vẫn chưa tin tôi sao lại thuộc thơ mụ. Tôi chuyển giọng bảo thơ viết về chiến tranh của mụ, mụ thích nhất bài nào? Câu nào? Dạ bảo “khoảng trời hố bom”. Tôi bảo cũng được vì được nhiều người khen, nhiều người khen theo, còn ta thì khen mụ viết về chiến tranh sau chiến tranh, sau những đau đớn và sau những chiêm nghiệm không còn nhìn đời ngơ ngác nữa. Dạ bảo câu mô bài mô. Tôi đọc: “Tôi thấy mình như bầu trời thấy mình qua dòng sông/ mảnh vỡ các vì sao - triệu thiên thạch lao tung rơi rụng/ Ánh sáng biến thành màu đen/ Ánh sáng chết vạn năm sau mới thấy! (Tôi thấy mình)! Tôi hạ giọng nói với Dạ rằng, mụ không biết mụ làm thơ chiêm nghiệm quá hay mà cánh lý luận phê bình không biết mô. Mụ cũng không biết mô. Mụ không trải qua bao nhiêu nỗi cay cực của cuộc đời, của tình yêu, của số phận thì răng lại viết được: “Ánh sáng biến thành màu đen/ Ánh sáng chết vạn năm sau mới biết!”. Tôi tâng bốc: Câu đó chỉ có thiên tài mới thốt lên được, mụ cũng không biết mô. Dạ im lặng. Tôi cũng im lặng cầu nguyện cho Dạ.

Từ ngày Dạ đau đến giờ tôi có hai ba lần gặp, lần mô về cũng buồn da diết. Thương Dạ đã đành. Nhưng cớ sao số phận lại ác rứa với Dạ tề! Chẳng biết chia sẻ sao với bạn. Mần răng chừ Dạ ơi! Ta ngồi thiền khoanh chân khoanh tay cầu nguyện cho bạn ta, thôi thì thôi vậy. Cầu cho Dạ yên phận như đã và đang không nhớ không nghe không thấy. Cầu cho con cháu Dạ ngoan hiền giỏi giang, phúc nhả dày và may mắn.

Cô đơn thành thói quen mẹ biết gì đau khổ
Bao vết thương trái tim sẹo chai lỳ
Tưởng là vậy tưởng là mình gan góc
Nào đâu ngờ nước mắt cạn đêm nay.

                        (Viết về câu trả lời của con)

T.T.Đ  
(TCSH351/05-2018)






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mầm nhói (30/05/2018)
Chùm thơ Phan Duy (23/05/2018)
Bù nhìn (23/05/2018)