Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Tiên phong - Con đường đã chọn
10:08 | 07/06/2018


(Lê Minh Phong phỏng vấn các cộng tác viên của Sông Hương)

Tiên phong - Con đường đã chọn

LMP: Trong các chuyên mục như Phê bình lý luận, văn xuôi, thơ, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, hội họa… trên Sông Hương, anh, chị ấn tượng với chuyên mục nào nhất?  

 

Nhà văn Trần Thùy Mai: Khi mở Sông Hương tôi tìm đọc trang truyện ngắn trước nhất. Sông Hương quy tụ được những cây bút trẻ có lối viết rất ấn tượng, có lối viết mới mẻ nhưng rất tinh tế, nhẹ nhàng, không sa vào lối hoa hòe hoa sói. Các truyện ngắn được minh họa rất đẹp, hình minh họa làm tăng cảm giác thú vị khi đọc truyện.

Tôi cũng thích mục Huế - dòng chảy văn hóa, với những phát hiện mới về văn hóa Huế rất đáng lưu tâm. Ví dụ như những phát hiện về các đạo sắc phong của triều Nguyễn mà dân gian còn giữ được. Tôi nghĩ các đạo sắc và các bia mộ xưa ở Huế là cả một kho tư liệu, là trầm tích ngôn ngữ của những con người đã sống trên đất Huế. Chúng là những mảnh đời của người Huế, của người Việt. Cho nên đọc bài nào tôi cũng lưu lại, đó là những thứ rất cần cho trí tưởng tượng của tôi.  

 

Nhà phê bình Văn Giá: Tôi đọc Sông Hương, thường quan tâm nhất tới hai mục: Lý luận phê bình Hội họa (tranh và phê bình về mỹ thuật). Mục thứ nhất là do nghề nghiệp của tôi, nên việc quan tâm là rất tự nhiên. Mục thứ hai là do tôi yêu thích hội họa, rất thích xem tranh và đọc về hội họa.  



 

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Thơ và lý luận phê bình. Các nghiên cứu về văn hóa Huế xưa. Hội họa, nhiếp ảnh. Vì là người làm thơ và viết phê bình thơ nên tôi đọc kỹ hai mục này hơn. Khá mới mẻ, khá vững vàng, nhưng chưa thật khai phá lắm. Tôi cũng chú ý đến truyện ngắn. Nhờ Sông Hương tôi đọc được nhiều nhà thơ như Nguyễn Trọng Tạo, Khế Iêm, Kha Ly Chàm, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Thụy Kha, Trần Tuấn, Nguyễn Lãm Thắng, Mai Văn Phấn, Đông Hà, Ngô Minh, Như Quỳnh de Prelle, Huỳnh Minh Tâm, Trần Nhuận Minh, Đỗ Quyên, La Mai Thi Gia..., các nhà thơ tân hình thức, các nhà nghiên cứu như Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Lê Hồ Quang, Inrasara, Lê Thành Nghị... Mỗi người có cái hay riêng. Dù vậy, truyện ngắn vẫn là trung tâm của một tạp chí văn học. Nhân đây xin nói rằng các bạn nên có truyện dài đăng nhiều kỳ. Tôi từng theo dõi, ví dụ trên Văn, truyện dài của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, các truyện dài ấy giữ độc giả lại với các bạn. Truyện ngắn bây giờ viết kỹ thuật khá cao nhưng hình như chưa xuất sắc đến mức làm tôi nhớ mãi. Những tác giả truyện ngắn trẻ trong vài năm trở lại đây có nhiều kiến thức, viết văn lưu loát hơn, nhưng tôi đọc vẫn thấy cần thêm một cái gì khác nữa.  

 

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Tôi đặc biệt chú ý đến mảng thơ và lý luận phê bình. Những mảng khác theo tôi cũng có nhiều thành tựu, nhưng sự công bố không liền mạch, và cũng có thể không gian tạp chí chưa đủ, chưa phù hợp, (ví dụ nhiếp ảnh và hội họa).

Riêng thơ trên Sông Hương tôi nghĩ đã là một thứ đặc sản tinh thần chứa đầy hơi thở đương đại lẫn giá trị truyền thống, cổ điển. Thơ Sông Hương chứng kiến nhiều cách tân có tính khai phóng, là sự hợp lưu của nhiều giọng thơ, thế hệ thơ, thể loại thơ, hệ hình thơ. Trong đó, thơ của các tác giả trẻ hậu hiện đại và thơ Tân hình thức có lẽ là những điểm sáng đáng ghi nhận nhất.

Lý luận phê bình trên Sông Hương thì từ lâu xây dựng được tín thế do có sự cộng tác của nhiều tác giả có tín thế ở Việt Nam và cả ở hải ngoại như Khế Iêm, Nguyễn Đức Tùng, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Lý Hoài Thu, Huỳnh Như Phương... và cả sự góp mặt của những cây viết trẻ đầy nội lực như Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Quang Huy... Lý luận phê bình trên Sông Hương có tính khai phóng, nhưng rất hàn lâm, vượt xa tầm vóc và phạm vi của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương.  

 

Nhà thơ Trần Tuấn: Ấn tượng nhất với tôi trên Sông Hương, đó là chuyên mục Phê bình lý luận. Bởi đây là chuyên mục theo tôi ít “cũ”, ít theo kiểu tư duy “lối mòn” mà ta rất hay gặp ở môi trường sách báo, hội thảo văn chương trong nước hiện nay. Không chỉ là những tác phẩm nghiên cứu dịch thuật, mà bản thân nhiều cây bút LLPB trong nước cũng luôn tìm cách gửi gắm tới Sông Hương những suy tư, khám phá, nhận định thực sự mới mẻ và cởi mở, cho dù có gây tranh cãi. Tất nhiên các chuyên mục khác như truyện ngắn, thơ, nhiều bài viết về hội họa của Sông Hương cũng rất nhiều cái mới. Nhưng với tâm thế của một người viết hiện đại, tôi “chuộng” chuyên mục này hơn cả.




LMP: Trong những năm qua, xu hướng của Sông Hương là “Đứng về phía cái mới”, theo anh, chị, liệu Sông Hương có nên tiếp tục xu hướng này?  

 

Nhà thơ Khế Iêm: Tôi nghĩ, không những tiếp tục, Sông Hương cần thêm bước kế tiếp, đổi mới trong sáng tác, nếu có thể. Ở đây, tôi chỉ muốn góp vài ý nhỏ trong phạm vi thơ. Người xưa nói tri hành hợp nhất, bây giờ là lý thuyết đi đôi với thực hành. Chúng ta thử đặt câu hỏi, tại sao phải đổi mới? Với những bộ môn khác, có thể là do nhu cầu cá nhân, nhưng với thơ, có tính bao quát và cụ thể hơn, dường như chỉ còn những nhà thơ đọc với nhau. Thơ không có người đọc, và hầu như biến mất dưới mắt của công chúng. Một câu nói của nhà thơ Mỹ Walt Whitman, cách đây hơn thế kỷ, “Để có những nhà thơ lớn phải có số người đọc lớn”, cho tới bây giờ vẫn còn được những nhà phê bình nhắc đi nhắc lại. Hay nói theo John Barr, “Sự đột phá đến khi nhà thơ tạo được mối liên hệ với người đọc, nói với người đọc theo một cách mới, và họ hiểu”. Cách mới ở đây có thể qua thể thơ hay cách làm thơ. Nhưng tại sao người đọc lại không muốn đọc thơ nữa? Cũng theo John Barr, thơ tự do hiện nay vẫn sáng tác dưới cái bóng rợp của thơ hiện đại và hậu hiện đại. Và thơ hiện đại và hậu hiện đại khởi sinh từ sự dịch chuyển trong cách viết, nặng về kỹ thuật (technical), mà kỹ thuật lại phục vụ không gì khác hơn ngoài chính nó (its own sake). Muốn có người đọc, thơ phải có nghệ thuật, trong khi những phong trào thơ hậu hiện đại Mỹ như Black Mountain, thơ Ngôn ngữ không hề sáng tác dựa trên bất cứ thể nghệ thuật (art form) nào. Nhưng nghệ thuật cũng chưa đủ mà còn phải chuyên chở được cảm xúc, kinh nghiệm và kiến thức tươi mới của thời đại. Kịch thời Shakespeare, tiểu thuyết cuối thế kỷ trước, điện ảnh và ca nhạc đại chúng hiện nay, đều dựa vào nghệ thuật để tạo nên những thời đại vàng son, hấp dẫn lớp khán thính giả và người đọc bình thường.

Trở về với thơ Việt, chúng ta thường nghe nói, “một bài thơ có vài câu hay là một bài thơ hay, một tập thơ có vài bài hay là một tập thơ hay”. Như vậy, cái hay là cái hay của ngôn ngữ và biểu cảm. Và nhà thơ ít quan tâm tới tư tưởng truyền đạt, mà thường tâm đắc với những chữ hay đẹp, mới lạ hoặc khó hiểu, dùng như ẩn dụ để người đọc tự diễn giải theo ý riêng. Và như thế, một bài thơ có vài câu hay cũng đã đủ. Đó là cái hay của thơ Việt tồn tại hàng thế kỷ, và người đọc cũng đã quen thưởng thức cái hay của thơ như vậy rồi, không ai có thể phủ nhận. Dĩ nhiên, không có đúng sai trong thơ, chỉ có thích hợp hay không thích hợp giữa thời đại này và thời đại khác, như sự khác biệt giữa các thế hệ. Bây giờ, ở thời đại thông tin, khi thế giới biến thành một ngôi làng với nhiều tiếng nói, chẳng lẽ thơ Việt không cần nói với ai khác ngoài chính mình, trong khi mọi ngành nghề đều đang mở rộng vòng tay, tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài? Đó cũng là lý do thơ cần thay đổi, tìm cái hay mới, phù hợp với thời đại, và đưa tiếng nói thơ Việt ra ngoài thế giới. Nhưng dù là vậy, thay đổi từ thói quen qua thói quen mới cũng không dễ, cần phải có thời gian.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Sông thì phải chảy ra biển. Không những nên tiếp tục đứng về phía cái mới mà đó là con đường duy nhất để sống còn. Nhiều người nghĩ rằng do sự phát triển của kỹ nghệ thông tin, báo giấy sẽ chết. Tôi không nghĩ vậy. Các tờ báo giấy giảm mất nhiều độc giả, cũng như các nhà sách, nhưng đến một mức nào đó thì sự suy giảm ấy dừng lại. Nếu ta biết làm dừng nó lại.

Cũng nên định nghĩa cái mới: thế nào là mới? Tôi nghĩ cái mới phải bắt đầu từ tư tưởng xã hội và lịch sử. Sau đó mới là quan điểm thẩm mỹ. Sau đó nữa mới là phương pháp sáng tác. Tôi xin ví dụ rõ hơn: đề tài chiến tranh trong truyện và tiểu thuyết, là điểm mạnh của văn học trong nước, bốn mươi năm nay, và có lẽ sẽ còn tiếp tục dài lâu. Nhiều người hiện nay viết quá cũ, trong nước cũng như hải ngoại. Có tài thì rất nhiều mà viết quá cũ. Riêng về nội dung, có ba mức độ cũ: ta và địch versus ta với nhân dân - kết thúc có hậu, có đạo lý - câu chuyện và lời văn có thể đoán trước được. Tôi nói về cái cũ là vì các bạn đang đề cập đến cái mới của một tờ báo. Mà cái mới của một tờ báo trước hết là cái mới của văn chương mà nó dung chứa, khuyến khích.

Cho tôi thêm. Muốn thoát ra khỏi cái cũ của văn học chiến tranh thì cần nhớ rằng: trên thế giới không có một dòng văn học nào chỉ thuần viết về chiến tranh không thôi mà có thể lớn cả. “Nỗi buồn chiến tranh” tài năng nhất Việt Nam mà không lớn là vì vậy. Tình yêu trong đó chỉ là vật trang trí. “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” cũng không lớn. Trong khi “Giã từ vũ khí”, khơi khơi, mỏng tang, là cuốn sách lớn.

Nhà văn Trần Thùy Mai: Đã là văn nghệ tất nhiên phải đứng về phía cái mới.

Tuy nhiên “mới” là một từ khá nguy hiểm. Trong những gì mới nhìn thấy, có khi là giá trị thực sự, nhưng cũng có khi chỉ là thời trang lập dị. Với một nhà biên tập, để không bị hù dọa bởi những trò làm dáng ngôn ngữ, luôn cần một cảm quan rất tinh tế và một kiến thức vững vàng.

Muốn sáng tạo ra cái Mới rất cần phải hiểu biết sâu sắc về cái Cổ điển. Tôi rất mừng là Ban biên tập Sông Hương không dung túng cho những kiểu “mới” mang tính dễ dãi thường gặp hiện nay (mà thường gặp nhất là cách sử dụng ngôn ngữ bí hiểm ngô nghê và cách mô tả tình dục thô thiển). Những kiểu viết này đang làm cho người đọc sinh ra chán ghét văn chương…

Nhà thơ Trần Tuấn: Tất nhiên theo tôi không bao giờ nên chối từ, rời xa cái mới, nhất là trong địa hạt sáng tạo và truyền bá sự sáng tạo. Dẫu nhiều lúc tôi biết tòa soạn rất “mệt mỏi” ngoài ý muốn. Sông Hương rất riêng, rất đẳng cấp trong mắt giới văn chương nghệ thuật Việt ngữ trong và ngoài nước cũng chính nhờ sự “chịu chơi” đến cùng với cái mới ấy.

Nhà phê bình Văn Giá: Tôi luôn luôn ủng hộ xu hướng này. Không có thử nghiệm, làm mới sẽ không có thành tựu mới.  

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh:
Rõ ràng trong tình hình báo chí văn nghệ dần đi vào lối mòn, xơ cứng, việc Sông Hương chủ trương “đứng về phía cái mới” là một lựa chọn sáng suốt và “cập thời”. Trong nghệ thuật “cái mới” là một thuộc tính tất yếu, là phương thức tồn tại, một tạp chí nghệ thuật không tìm được cái mới để cổ xúy và ủng hộ sẽ sớm đi vào hồi kết. Nghệ thuật vốn không phải sinh ra để minh họa hay hình thành điển phạm, mà nó là những quá trình thể nghiệm, phủ định (cái cũ) và tự phủ định (chính mình). Do đó, Sông Hương cần duy trì và đẩy mạnh việc ủng hộ cái mới nhằm trở thành một tạp chí có tính tiền phong và khai phóng trong đời sống văn nghệ quá im ắng ở nước ta.

LMP: Song hành với việc đăng tải và quảng bá những sáng tác chất lượng, những bài nghiên cứu phê bình có tính thực tiễn cao, thì gần đây, Sông Hương đã thực hiện một số chuyên đề như: Văn học hậu hiện đại; Phân tâm học và văn học; Thơ tân hình thức; Cái mới trong văn học; Văn học sinh thái… Cùng với đó là những chuyên đề dành riêng cho các tác giả có tầm ảnh hưởng lớn tới nền nghệ thuật của Huế nói riêng và của cả nước nói chung như: Thanh Tịnh, Bửu Ý, Đinh Cường, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Bửu Chỉ… và một số chuyên đề khác về nghiên cứu văn hóa. Theo anh, chị, những chuyền đề này đã tác động như thế nào tới không khí của nền nghệ thuật Việt Nam hiện nay?

Nhà thơ Trần Tuấn:
Đây chính là điểm “độc sáng” rất thú vị của Sông Hương những năm gần đây. Dù khá lạ so với tính cách Huế luôn chậm rãi, trầm mặc và cả bảo thủ nữa. Có lẽ cái chất văn hóa đất kinh kỳ thường là vậy? Tố chất “thủ lĩnh” về học thuật của Sông Hương trên bình diện các tạp chí VHNT hiện thời, đặc biệt đối với một tạp chí của địa phương. Cũng xin nói luôn, tố chất ấy không phải đến bây giờ, mà trước đó nhìn lại lịch sử thăng trầm của tờ tạp chí văn nghệ này đã thấy rất đậm nét.

Để thực hiện được một cách đều đặn và rất sâu những chuyên đề này, tôi nhận thấy ở đây hoàn toàn không phải là sự chạy theo “mốt”, là sự đổi món thông thường. Mà là chủ đích rất rõ ràng, có sự chuẩn bị sâu nhưng chứa đựng tính phổ quát lớn. Ở đây xin ghi nhận tầm nhận thức, am hiểu ở mức cao của mọi thành viên Ban Biên tập Sông Hương trước mọi lĩnh vực văn chương, nghệ thuật trong nước và thế giới. Minh chứng là sự đọc vị rất chính xác các tác phẩm dù “khó” đến đâu, thông qua lời tòa soạn, thư tòa soạn..., cho đến từng tin điểm sách.

Nếu mượn hình ảnh kiểu như “liên kết vùng trọng điểm” thì theo tôi Sông Hương giữ vai trò đầu tàu, là động lực, cũng luôn tạo những cú huých cần thiết kích thích người viết theo đuổi cái Mới.

Nhà văn Trần Thùy Mai: Những chuyên đề trên Sông Hương gần đây rất bổ ích. Văn học hậu hiện đại, phân tâm học và văn học, Thơ tân hình thức… là những đóng góp của văn học thế giới mà người đọc văn cần phải biết để cập nhật kiến thức của mình. Tuy nhiên, mục đích của chuyên đề là để mở rộng sự hiểu biết về văn học, chứ không nên xem là những dấu chỉ về sự làm mới mà mình hướng tới. Vì đó không phải điểm độc đáo của Sông Hương. Cũng như thiên nga và bồ câu không bao giờ là nét độc đáo của Hà Nội vậy…

Còn các chuyên đề về Bửu Ý, Đinh Cường, Trần Vàng Sao… là thực sự cần thiết. Đó chính là di sản văn chương nghệ thuật của Huế. Không phải vùng miền nào cũng có những tài năng như vậy. Các chuyên đề này, Sông Hương đã thực hiện rất tốt. Nghiên cứu của Bửu Ý, ngôn ngữ thơ của Trần Vàng Sao, phong cách nghệ thuật của Đinh Cường, Bửu Chỉ… đều là những đóng góp giá trị cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên tính tiên phong của chúng, về chất lượng nghệ thuật cũng như về đấu tranh xã hội.

Sông Hương phải Mới, đồng thời, phải rất Việt Nam và phải rất Huế. Có như vậy thì Sông Hương mới còn là… Sông Hương.

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Những số chuyên đề này, không ít thì nhiều, không trực tiếp thì gián tiếp đã đánh động một vài “tiếng vang” trong đời sống văn nghệ nước nhà. Nó là sự ủng hộ cần thiết với các trào lưu đương đại, với các tượng đài cũ, một cách tập trung và đầy tính khoa học. Một tạp chí có tầm vóc, có chuyên môn sâu phải xây dựng được các chuyên đề, nó thể hiện thị hiếu và trình độ của người biên tập và chủ bút, khác với việc tập hợp một mớ tác phẩm hỗn tạp, phân mảnh đến hẹn lại đăng lên cho đủ số trang xuất bản mà ngày nay ta dễ dàng tìm thấy ở các sạp báo. Tôi nghĩ Sông Hương nên cần duy trì hướng đi đặc thù này.

Nhà phê bình Văn Giá: Tôi thấy Sông Hương tiến hành mấy loạt bài này khá chuyên nghiệp. Về LLPB, tôi thích nơi đây xuất hiện khá nhiều các cây bút trẻ. Họ được đào tạo bài bản, khá ngoại ngữ, và đặc biệt mang một tinh thần khai phóng, vì cách tân, vì sự tiến bộ. Ở Huế, có một lớp những người trẻ (trẻ về tuổi, nhưng chững chạc về năng lực và thành tựu) như Huyền Sâm, Tịnh Thy, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Tuấn Anh, Thái Phan Vàng Anh và một số gương mặt khác. Họ đã có tiếng nói thực sự trong đời sống học thuật và phê bình văn học.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Những chuyên đề các bạn thực hiện rất lý thú, giúp cho bạn đọc có cái nhìn rộng rãi hơn đối với các khuynh hướng nghệ thuật. Các nhân vật được nhắc đến làm cho báo trở thành một tài liệu quý. Công sức của các bạn rất lớn. Tuy nhiên nếu nói về cái mới, thì sự chọn lựa các tác giả vừa qua cũng chưa thật tiêu biểu cho cái mới. Tuy nhiên bước đầu như vậy là hay. Tạp chí là pha tạp. Chủ đề là dùng để khắc phục sự pha tạp ấy. Chỉ cần một hay hai bài review thật hay, thật tâm huyết, là đủ. Các bạn thử coi phim: có phim nào bạn thích coi mà không có một tài tử ngôi sao không? Không có Sophie Marceau thì cũng cỡ Lương Triều Vỹ trở lên.

LMP: Anh, chị có thể nói cảm nhận của mình về chất lượng bài vở trên Sông Hương trong thời gian qua?

Nhà phê bình Văn Giá:
Sông Hương có một hình thức trang nhã, duyên dáng. Hiện nay, đây là tạp chí địa phương có phần LLPB và khảo cứu mạnh nhất nước, vượt thoát khỏi tính địa phương, mang tầm vóc quốc gia.

Nhà thơ Trần Tuấn: Từ kinh nghiệm của bản thân tôi, Sông Hương là địa chỉ hiếm hoi để các tác giả gửi gắm những tác phẩm tâm đắc của mình. Từ cả những giai đoạn trước, khi mọi quan niệm còn chưa cởi mở như bây giờ. Sông Hương đã tạo ra một “hương vị” đặc biệt với giới sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật cả trong và ngoài nước. Chỉ cần nhìn vào danh mục tác giả lưu lại cũng đủ thấy... Vượt ra hẳn vị trí, vai trò của một tạp chí văn nghệ địa phương, những bài vở trên Sông Hương luôn tạo cảm xúc đặc biệt với người đọc và cảm hứng sáng tạo cho người viết.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Sông Hương là một trong vài tạp chí khá nhất về chất lượng, trong nhóm các tạp chí trong nước có tính chuyên nghiệp. Nó trở thành một ấn tượng về tạp chí trung ương. Tôi nghĩ các tạp chí văn học hiện nay đều không thuần túy nghệ thuật, tức là không đi vào cốt lõi, không quyết liệt. Tôi biết lấy ví dụ thế nào đây? Tôi xin tâm sự rằng nhà văn phải viết sao để cho trong vài dòng đầu tiên, người đọc đã không thể buông ra được. Trên bàn của tôi đang có một tập truyện, tôi chọn ngẫu nhiên:

“Joe đá con gái của mình ra khỏi nhà lúc nó lên ba tuổi. Hắn không chịu nổi nữa, con bé hỗn quá. Hắn la hét nhưng con bé lấy sách và ly tách liệng vào đầu hắn. Bây giờ, hai mươi năm sau, đứa con gái kia lại quay trở về, trong buồng tắm xưa của nó - hung tợn, run rẩy, tìm cách đi lộn vào trong chính mình”. Đó là đoạn mở đầu một truyện của Annabel Lyon, nữ văn sĩ Canada. Đọc như thế thì tôi không thể không đọc tiếp cái truyện ấy của bà.

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi, bài vở trên Sông Hương thường sang trọng bởi người viết của nó là những nghệ sĩ, học giả có tên tuổi, hoặc người trẻ có sức sáng tạo dồi dài. Công tác biên tập gần đây rất tốt, ít lỗi trình bày, việc lựa chọn cũng đầy tính định hướng theo các chuyên đề. Nội dung bài vở trên Sông Hương thường có nội dung khai phóng trong sáng tạo và hàn lâm trong nghiên cứu. Dĩ nhiên, vẫn còn đó một vài bài theo tôi không đáng để đăng, nhất là khi nó không dính dáng đến văn nghệ, nhưng số bài này không nhiều, có lẽ những người làm Sông Hương cũng tự biết được giới hạn này của mình.

LMP: Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, báo chí nói chung và các tạp chí về văn học nghệ thuật nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn như: eo hẹp về kinh phí, khó mở rộng việc phát hành báo in, việc thu hút cộng tác viên và bạn đọc cũng không dễ dàng như trước. Theo anh, chị, Sông Hương sẽ phải làm những gì để tiếp tục phát triển, xứng đáng là một tạp chí tiên phong trong nghệ thuật?

Nhà văn Trần Thùy Mai:
Ngày trước, vào giai đoạn Sông Hương mới ra đời, internet chưa có, báo chí trong cả nước còn ít, tờ báo thực sự đã trở thành món ăn tinh thần của bạn đọc, không chỉ ở Huế mà cả nước. Người đọc xong số báo này lại trông chờ có số tiếp, đọc rồi bàn tán, xôn xao về cái truyện ngắn, bài thơ, hoặc một bài nghiên cứu, bút ký… Bây giờ, mỗi người tay đều cầm một cái smart phone, đọc cái gì cũng trên đó, thời gian dành cho nó rất nhiều, nhu cầu được cầm một cuốn sách, một tờ báo trên tay dần dần teo lại (không phải chỉ với người đọc mới vậy, mà người viết cũng thế, nên không có gì đáng ngạc nhiên cái chuyện khó thu hút cộng tác viên).

Thì cũng phải theo xu thế chung, tiếp cận người đọc qua mạng thôi! Tôi mừng vì thấy Sông Hương online có hình thức thanh nhã, bắt mắt, chứng tỏ được Tòa soạn chăm sóc cẩn thận. Có thể nói cách trình bày Sông Hương đẹp nhất, cao sang nhất trong tất cả các báo mạng mà tôi đã đọc.

Nhờ có trang online mà đi đến chân trời góc biển nào bạn đọc cũng xem được, không phải chật vật chở đi xa, tìm người phân phối giúp như trước kia. Để thu hút người đọc và người cộng tác chắc cũng chỉ có một con đường là phải làm cho nội dung càng hay càng tốt: Cố gắng để rất mới, rất Việt Nam và rất Huế.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Tìm cách nâng số lượng bạn đọc mua báo dài hạn. Cần nhắc nhở độc giả thường xuyên, gửi thư cám ơn họ thường xuyên. Tôi giữ mức đọc dài hạn như vậy với các tờ như The NewYorker, The New Quarterly cũng vì sự nhắc nhở ấy. Tờ New Yorker hàng tuần đều cho tôi đọc online một số bài quan trọng trước, nhưng không cho đọc tất cả, sau đó họ gửi báo giấy, tôi đọc cả hai, vì tờ báo giấy có nhiều nội dung hơn, khi nào cần là lôi ra. Thiết lập một danh sách các nhà hảo tâm, bảo trợ, đăng công khai ở phía sau tạp chí, kỳ nào cũng có một vài người mới. Bạn cứ xem các tờ báo ở Mỹ hay châu Âu thì biết.

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Sông Hương cần duy trì đội ngũ cộng tác viên toàn quốc và quốc tế hiện nay. Tạp chí địa phương nhưng tầm nhìn phải toàn cầu, không được phép cả nể, tư duy ao làng địa phương cục bộ. Cần lấy tiêu chí nghệ thuật làm đầu, tránh/bỏ các quan hệ không cần thiết dẫn đến các bài theo quan hệ. Cũng cần chú ý đẩy mạnh việc mạng hóa tạp chí qua website. Cần tổ chức các hội thảo chuyên môn, các số chuyên đề có chất lượng, ủng hộ cái mới. Tạp chí cũng cần tổ chức các giải thưởng văn học lớn, công tác xét giải hằng năm cần một hội đồng khoa học độc lập và có tín thế, tránh chủ quan, cả nể. Vấn đề nhuận bút cũng cần nâng cao theo khả năng phù hợp.

Nhà phê bình Văn Giá: Đã đến lúc Sông Hương có thể hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học về ngữ văn, mỹ thuật, văn hóa… để ra những số chuyên đề chững chạc. Như vậy, vừa xã hội hóa được sản phẩm, vừa có kinh phí để duy trì.

Nhà thơ Trần Tuấn: Đây là một thực tế không tránh khỏi, trước xu thế công nghệ truyền thông có quá nhiều biến đổi. Theo tôi, trong lịch sử phát triển, Sông Hương đã tạo ra một lượng bạn đọc đích khá đông đảo cho mình. Vấn đề là vẫn giữ vững được “phong độ” để không phụ lòng yêu mến của mọi người. Còn làm như thế nào, thì tôi cho rằng Sông Hương cần đẩy mạnh hơn nữa sự hấp dẫn, cập nhật của trang văn nghệ điện tử. Và nên chọn tổ chức thêm những hội thảo, những bàn tròn tranh luận về những sự kiện văn chương đang gây nhiều tranh cãi trong và ngoài nước. Có thể dưới dạng “bàn tròn điện tử” thảo luận qua mạng/trực tuyến chẳng hạn…

LMP: Xin anh chia sẻ cùng bạn đọc một vài kỷ niệm nào đó của anh, chị với Tạp chí Sông Hương?

Nhà thơ Khế Iêm:
Tôi nhớ khoảng năm 2009, qua anh Đỗ Quyên ở Canada, anh Lê Vũ từ Việt Nam có nhờ tôi viết một bài cho một tờ báo sắp ra, với điều kiện, người bình thường không biết gì về thơ cũng có thể hiểu được. Tôi viết xong bài, “Tân hình thức, nhắc lại 10 năm”, và gửi đi, nhưng vài tháng sau, anh cho biết dự án không thành, và nói tôi tùy nghi sử dụng. Anh Đỗ Quyên đề nghị tôi gửi cho Tạp chí Sông Hương, anh Hồ Đăng Thanh Ngọc là Tổng Biên tập. Cuối cùng, bài viết được đăng trên Sông Hương. Đó là lý do tôi trở thành người cộng tác với Tạp chí Sông Hương. Nhưng không chỉ dừng tại đó, qua bạn văn thân thiết, những sách về thơ Tân hình thức Việt được in ấn: “Vũ Điệu Không Vần”, “Thơ Tân hình thức Tiếp nhận và Sáng tạo” (với nhiều tác giả), “Tân hình thức, Nghĩ về Cách làm thơ”, tuyển tập “Thơ Tân hình thức Việt”... được ấn hành.

Nhà phê bình Văn Giá: Đến giờ nhớ lại, tôi vẫn còn tâm trạng hồi hộp, háo hức đón chờ từng số Sông Hương vào những năm đổi mới. Trong tủ sách của tôi bây giờ vẫn còn giữ được một số Tạp chí Sông Hương ngày đó. Tạp chí Sông Hương, rồi Cửa Việt - người “đồng chí” của Sông Hương ngày đó đã góp phần quan trọng vào tiến trình đổi mới văn học của ta. Mong sao tinh thần tiên phong, ý thức dấn thân đó vẫn còn được duy trì và ngày càng tỏa sáng trong hôm nay và mai sau. Riêng tôi, tuy ít thôi, mỗi lần được đăng bài ở Sông Hương, tôi lấy làm hạnh phúc.

Nhà thơ Trần Tuấn: Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Sông Hương, kể từ khi là sinh viên Văn khoa Tổng hợp Huế cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Chỉ ngắn gọn rằng với tôi, Sông Hương và người Sông Hương như một mái nhà, một gia đình thứ hai của mình. Nhất là những lúc chông chênh giữa bão gió đời sống này…

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Sông Hương để lại cho tôi nhiều ấn tượng không phai. Đầu tiên là loạt bài “Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam”. Loạt bài ấy do một tờ báo nhờ viết nhân dịp Tết, đến khi tôi gởi đi thì họ không thể đăng được vì “quá nhạy cảm”. Tôi nghĩ là cho đến khi ấy, khoảng 2009, không có một nhà văn trong nước nào đã từng có dịp bày tỏ một cách rõ ràng quan điểm của mình như thế, về văn học miền Nam, trên báo chí công khai. Lúc ấy, chỉ có Sông Hương là đăng và đăng ngay, không cắt bỏ, không những thế cuối năm còn phát giải thưởng cho nó. Gần mười năm sau, nhìn lại, những điều tôi nói trong đó về văn học miền Nam, về mối quan hệ giữa thái độ của chúng ta đối với nó và công cuộc dân chủ của đất nước, báo chí trong nước bây giờ đều công khai nói. Phải ghi điểm cho Sông Hương và những người trách nhiệm đối với Sông Hương.

Việc các bạn tổ chức hay làm các kỷ yếu về Thơ Đến Từ Đâu, về Thơ Tân Hình Thức, về Ngô Kha, Bửu Ý, để lại ấn tượng trong lòng tôi đối với một ban biên tập trong sáng, đoàn kết, quanh nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc.

Mỗi lần tôi về Huế, được gặp mặt các anh chị như Bửu Ý, Thái Kim Lan, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Phước Bửu Nam, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà, Võ Thị Quỳnh, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Minh Phong, Đông Hà, Mai Văn Hoan, Lê Vũ Trường Giang và rất nhiều người nữa, đi uống cà phê với nhau, rất tình cảm. Quan hệ trực tiếp là quan trọng nhất. Nhân đây tôi xin cảm ơn chị Phan Thị Thủy, tòa soạn, đã đều đặn gởi báo Sông Hương cho tôi trong gần mười năm qua. Truyền thống của anh chị em Sông Hương có cái đó, tình cảm chân thật, khiêm nhường, nhưng cương quyết, chung thủy. Chúc Sông Hương chảy mãi một dòng tràn ý biếc.

Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Tôi là người xuất hiện lần đầu trên văn đàn nhờ Sông Hương. Số báo đầu tiên có bài của tôi là một kỉ niệm đẹp đầy tự hào mà tôi chia sẻ với mọi người tôi từng quen biết.

Tôi từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Huế do Sông Hương và Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế bảo trợ, những đêm thơ tại Sông Hương là những kỉ niệm một thời tuổi trẻ khó quên.

Nhà văn Trần Thùy Mai: Năm 1983, Sông Hương số 1 đã chọn truyện của tôi cho số đầu tiên ra mắt bạn đọc (Một chút màu xanh). Từ đó, hầu hết những truyện ngắn của tôi đều đăng trên Sông Hương.

Bao nhiêu là kỷ niệm, vui có, buồn có với tờ Tạp chí văn nghệ của quê hương Huế. Cả những trận lụt thời cuộc đã làm cho dòng sông cuộn sóng. Những anh chị em đã cùng viết cho Sông Hương trong những ngày ấy, giờ đây nhiều người đã mất. Như anh Trần Vàng Sao, tác giả bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình”, đã gây nên sóng gió một thời. Bây giờ giở lại những sổ tay cũ, vẫn còn bao nhiêu sự kiện, lời nói…

Nhưng thôi… tất cả đã qua rồi. Kỷ niệm vẫn còn đó nhưng chỉ nên giữ trong lòng, bây giờ điều mình hướng tới là tương lai. Tương lai của một dòng sông…

LMP: Xin cảm ơn những nhiệt tâm của các anh, chị với Sông Hương trong thời gian qua và rất mong nhận được sự cộng tác của các anh chị trong thời gian tới. Cuối cùng, xin chúc các anh, chị mọi điều như ý nguyện.  

(TCSH352&SDB29/06-2018)



 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng