Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Minh họa trên Sông Hương 35 năm: HÀNH TRÌNH CỦA SỰ HÒA ĐIỆU VỚI CHỮ NGHĨA
15:22 | 07/06/2018

PHẠM TẤN XUÂN CAO

Mỹ cảm của một tờ báo hay một tờ tạp chí xuất phát từ đâu? Yếu tố quyết định mỹ cảm của người đọc đối với một tờ báo hay một tờ tạp chí nào đó phải chăng luôn khi nào cũng gắn với cái bìa của nó hay với một thành phần khác của nó hay không?

Minh họa trên Sông Hương 35 năm: HÀNH TRÌNH CỦA SỰ HÒA ĐIỆU VỚI CHỮ NGHĨA
Bửu Chỉ minh họa tác phẩm “Khối trầm” của tác giả Lê Công Doanh
Đinh Cường minh họa tác phẩm “Những mảnh đời đen trắng” của tác giả Nguyễn Quang Lập
Nguyễn Đính minh họa tác phẩm “Taibele và con quỷ” của tác giả Isaac Bashevis Singer
Lê Văn Ba minh họa tác phẩm “Đôi dép” của tác giả Phạm Xuân Phụng
Nguyễn Trọng Tạo minh họa tác phẩm “Nhạc cuốc” của tác giả Nguyễn Thanh Hiện
Nguyễn Hồng Hưng minh họa tác phẩm “Người đoán mộng giỏi nhất thế gian” của tác giả Phạm Thị Hoài
Dương Đình Sang minh họa tác phẩm “Nghề hương” của tác giả Vọng Thảo
Trương Bé minh họa tác phẩm “Tranh lập thể” của tác giả Lê Thị Hoài Nam
Đỗ Kỳ Huy minh họa tác phẩm “Khóc trong cười” của tác giả Dương Phước Thu
Hải Bằng minh họa tác phẩm “Cánh cửa thứ chín” của tác giả Trần Thùy Mai
Nguyên Minh minh họa tác phẩm “Khoảng trống” của tác giả Đoàn Thương Hải
Vĩnh Thái minh họa tác phẩm “Gập ghềnh lối cũ” của tác giả Việt Hùng
Hà văn Chước minh họa tác phẩm “Đi tìm một ngôi mộ” của tác giả Việt Hùng
Lê Quý Long minh họa tác phẩm “Đi đêm” của tác giả Nguyễn Quang Thân
Vĩnh Phối minh họa tác phẩm “Cõi ấy có nghìn trùng” của tác giả Khuê Việt Trường
Phan Chi minh họa tác phẩm “Kama” của tác giả Trần Phương Trà
Mai Văn minh họa tác phẩm “Vườn Chiều” của tác giả Nguyễn Đỗ Phú
Võ Xuân Huy minh họa tác phẩm “Hướng thiện” của tác giả Quốc Thành

Ấn tượng đến từ tờ bìa của một tạp chí có thể quyết định người đọc sẽ mua lấy nó, nhưng nếu như người ấy đọc qua nội dung của tờ tạp chí ấy, thì thành phần có trong tờ tạp chí phần nào quyết định xem liệu người ấy sẽ có thể theo dõi và ủng hộ nó hay không hoặc sẽ tiếp tục mua nó nữa hay không xuất phát nơi một đóng góp không nhỏ đến từ phần minh họa.

Nguồn gốc của từ minh họa trong tiếng Anh “illustration” xuất phát từ chữ “illustratio” trong tiếng Latinh, có nghĩa là một sự khai sáng/soi sáng tinh thần. Cho nên, từ lâu, minh họa không hẳn chỉ được coi như là một sự trang trí cho một câu chuyện hay một văn bản được in ở trên một tờ báo, tờ tạp chí hay một quyển sách nào đó, mà nó còn là một lời giải thích bằng hình ảnh cho câu chuyện hay văn bản đó. Về mặt lịch sử, minh họa gắn liền với quá trình phát triển của ngành công nghiệp in ấn và xuất bản. Bản thân hoạt động minh họa luôn được thiết kế gắn với các tác phẩm truyền thông được công bố bằng hình thức in ấn như các poster, tạp chí, sách vở.


1. Đặc điểm của loại hình vẽ minh họa trên báo chí

Tác dụng chủ đạo của hoạt động vẽ minh họa đó chính là nó giúp làm sáng tỏ nội dung câu chuyện trong bài báo bằng hình vẽ. Thông qua các hình minh họa được đặt lồng vào trong phần trình bày ở mỗi truyện hay mỗi bài thơ in trên một tờ báo sẽ giúp cho người đọc có thể thông qua các hình minh họa ấy hình dung được nội dung chính của câu chuyện mà tác giả của nó muốn gửi gắm đến người đọc. Cách thức tiếp nhận ý nghĩa của một câu chuyện thông qua hình minh họa được diễn ra thông qua một hình thức tiếp nhận gián tiếp, tuy cũng bằng thị giác, nhưng với một loại hình truyền đạt thông tin mới, đó chính là đi từ hình ảnh đến từ ngữ. Người đọc thông qua việc bám sát vào những chi tiết có ở hình minh họa, những hình tượng được người họa sĩ hay tác giả bức minh họa vẽ ra để hiểu được đại ý của câu chuyện mà mình đang đọc với những cung bậc cảm xúc được cô đọng hơn.

Minh họa báo chí là một loại hình phụ của mỹ thuật và có quy mô rời rạc. Hoạt động vẽ minh họa thường được các nhà họa sĩ xem như là một công việc làm thêm của mình nhằm đem lại một khoản thu nhập nhất định nào đó để phục vụ cho những sáng tác bài bản hơn của bản thân mình. Chính vì thế, ngoại trừ những họa sĩ xác định theo nghiệp vẽ minh họa, đa phần các họa sĩ đều ít có sự dụng công trong việc thể hiện các hình vẽ minh họa, như là một thành phần bổ trợ của một tác phẩm xét về mặt trình bày của nó. Hơn nữa, minh họa xuất phát từ tuyến mỹ thuật, còn bản thân mỗi bài thơ hay mỗi câu chuyện xuất phát từ tuyến văn chương, cả hai đều thuộc về hai loại hình nhận thức khác nhau, từ đó, việc để tiến hành đem mỹ thuật tái diễn văn chương thường nan giải, và nó luôn khiến cho người họa sĩ cảm thấy việc xác lập phong cách minh họa của riêng mình ở trong phạm vi này đã khó lại càng thêm khó.

Thông thường, người ta hay nhầm lẫm giữa minh họa và ký họa. Ở đây, ký họa được hiểu như là một hoạt động vẽ nhanh nhằm chép lại đối tượng bằng cách phác ra đối tượng ở mức độ bố cục. Sự khác biệt cơ bản giữa minh họa và ký họa đó là việc ký họa có thể trở thành một tác phẩm mỹ thuật độc lập, còn minh họa thì chưa hẳn. Minh họa luôn được đi kèm với một câu chuyện mà nó phóng tác nội dung cho nên ta không thể tách nó ra khỏi phần trình bày của một câu chuyện được trong khi với một bức tranh ký họa, người ta có thể lấy nó để treo lên mà vẫn có thể coi nó như là một tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi. Bởi vậy, hình minh họa và tranh ký họa chính là hai cách gọi đầy đủ cho hai loại hình tác phẩm mỹ thuật riêng biệt này.

Ngoài ra, việc phóng tác hình minh họa còn phụ thuộc vào khuôn khổ hay kích thước của bức vẽ được dàn dựng. Tùy vào kích thước của hình minh họa được thiết kế trên báo lớn hay nhỏ mà khả năng truyền đạt, chuyển tải của bức hình đó cho nội dung câu chuyện được đầy đủ và cụ thể hơn. Chắc hẳn, một hình minh họa khổ nhỏ được lồng vào trong một đoạn văn nào đó sẽ khó có thể phóng tác được nhiều điều hơn so với một bức hình minh họa chiếm trọn vẹn một trang giấy. Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh hình thức của hình minh họa đối với việc chuyển tải một câu chuyện, ngoài ra, chúng ta còn một khía cạnh quan trọng và quyết định khác nữa, đó chính là minh họa còn phụ thuộc vào khả năng thẩm thấu tác phẩm văn chương của người vẽ. Nếu một tác giả của một bức hình minh họa nào đó hiểu được nội dung của câu chuyện mà người ấy muốn minh họa thì rõ ràng rằng tác phẩm minh họa của họ sẽ lột tả được một cách chân thật tổng thể ý nghĩa của câu chuyện đó. Và ngược lại, nếu như người vẽ trước hết không đọc tác phẩm và không hiểu được nội dung của câu chuyện hay đại thể chỉ đọc tiêu đề của câu chuyện không thôi thì khả năng mà bức hình minh họa của người đó vẽ cho câu chuyện ấy sẽ trở nên hời hợt và đôi khi chẳng liên quan gì cả, giá trị của một bức hình minh họa ở trường hợp này thường không được đánh giá cao. Tóm lại, một bức hình minh họa truyền đạt nội dung câu chuyện thành công cốt ở khả năng lĩnh hội ý nghĩa câu chuyện của người vẽ, còn riêng về sự dụng công trong mỗi bức minh họa nhằm để thể hiện phong cách chuyển tải của từng người phụ thuộc vào năng lực phóng tác từ những ý tưởng được đúc rút và nhào nặn nên bằng một hình hài mới khác với câu từ chữ nghĩa: hình họa.


2. Diễn trình minh họa trên Tạp chí Sông Hương trong 35 năm qua

Lịch sử hoạt động minh họa trên Sông Hương gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tạp chí. Tuy ra đời muộn hơn các tờ tạp chí văn nghệ ở trung ương. Thế nhưng kể từ số ra đầu tiên vào tháng 6, năm 1983, Tạp chí Sông Hương đã từng bước khẳng định được vị thế của mình là một tờ tạp chí tiên phong trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Riêng về mảng minh họa truyện và bút ký trên tạp chí, Sông Hương đã hội tụ được đông đảo các nhà họa sĩ, các tác giả tiến hành vẽ minh họa cho mỗi bài với tần suất xuất hiện đều đặn qua mỗi số.

Minh họa đầu tiên xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương là của cố họa sĩ Bửu Chỉ, minh họa cho truyện ngắn Một chút màu xanh của nhà văn Trần Thùy Mai (số 1, tháng 5 - 6). Cũng trong số báo đầu tiên này, họa sĩ Bửu Chỉ đã minh họa cho truyện Ngoại ô của nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Sau phần “mở màn” minh họa của cố họa sĩ Bửu Chỉ, Tạp chí Sông Hương trong vòng 35 năm qua đã có được các họa sĩ minh họa chính gồm: Phạm Đại, Lê Văn Ba, Đinh Cường, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Quý Long, Phan Xi Păng, Thiệp Đáng, Hà Văn Chước, Trần Thanh Bình, Phan Chi, Đặng Mậu Tựu, Cẩm Ly, Ngô Lan Hương, Thái Ngọc Thảo Nguyên, Nhím. Bên cạnh đó, đồng hành cùng chặng đường phát triển của tạp chí, thực hiện minh họa còn có sự góp mặt của những họa sĩ, các tác giả minh họa khác như Bùi Viết Dũng, Nguyễn Đính, Nguyễn Hồng Hưng, Phạm Lê, Trương Bé, Hải Trung, Thái Vĩnh, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Duy Linh, Tuấn Dương, Đỗ Kỳ Huy, Vĩnh Phối, Vĩnh Hùng, Vĩnh Thái, Nguyên Minh, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Đỗ Kỳ Hoàng, Hà Như Mai, Mai Vinh, Bảo Chi, Trần Miên Thảo, Mai Văn, Hải Bằng, Nguyễn Thiện Đức, Dương Đình Sang, Trần Quốc Tiến, Phan Thanh Bình, Võ Xuân Huy, Thân Văn Huy, Phạm Văn Lập, Phan Hoài Niệm, Hồ Thanh Thọ, Đặng Mậu Triết, Minh Thi, Duy Ninh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lê Minh Phong, Sử Khuất, Phan Ngọc Minh.

Phần lớn các tác giả minh họa kể trên là các họa sĩ, hội viện Hội Mỹ thuật Huế, giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. Đó có thể là những nhà họa sĩ “nòi”, xác lập đi theo con đường hội họa của mình mà việc vẽ minh họa chỉ là một đoạn trên hành trình sáng tạo của họ mà thôi, nhưng cũng có những tác giả minh họa là những nhà văn tự minh họa cho tác phẩm của mình, cũng như minh họa cho tác phẩm của những người bạn thân thiết với mình.

Thông qua khảo sát của chúng tôi, số lượng các hình minh họa trên Tạp chí Sông Hương trong vòng 35 năm qua khoảng hơn 1.100 hình với khoảng 985 hình ở số thường (ra hàng tháng) và khoảng 115 hình ở số đặc biệt ra hàng quý. Năm có số lượng minh họa nhiều nhất trên tạp chí là năm 1994 với tổng cộng số hình lên đến 65 hình, ít hơn một chút là năm 1995 (61 hình), và năm 1996 (60 hình). Số tạp chí có số lượng hình minh họa nhiều nhất là số tháng 6 năm 1994 với 10 hình minh họa trong một số. Bên cạnh đó cũng có những số tạp chí không có hình minh họa nào như ở những số 127 (tháng 9) và 128 (tháng 10) năm 1999, v.v. Tính đến nay, họa sĩ vẽ minh họa nhiều nhất trên Tạp chí Sông Hương trong vòng 35 năm qua là họa sĩ Đặng Mậu Tựu với khoảng trên 250 hình, ngoài ra còn có họa sĩ Phạm Đại với khoảng 125 hình, Bửu Chỉ khoảng 70 hình, Ngô Lan Hương với khoảng 65 hình và gần đây với tác giả Nhím khoảng hơn 200 hình.

Hướng minh họa trên tạp chí Sông Hương trong thời gian qua chủ yếu vẫn tập trung vào việc minh họa các truyện ngắn, các trích phần tiểu thuyết hoặc kịch bản phim. Bên cạnh đó, ở một số bài bút ký thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy có một số hình minh họa được lồng vào, riêng với mục thơ thì hầu như rất hiếm thấy hình minh họa được đi kèm. Hơn nữa, việc minh họa cho các truyện ngắn không chỉ đối với các truyện ngắn của các nhà văn, các tác giả là người Việt mà ngoài ra, còn có cả những minh họa dành cho các truyện ngắn được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ các sáng tác của các tác giả người nước ngoài.


3. Hai khuynh hướng minh họa chủ đạo

Với đội ngũ đông đảo các nhà họa sĩ vẽ minh họa trên Sông Hương trong 35 năm qua, sự phân hóa trong từng lối vẽ minh họa có ở mỗi họa sĩ là không tránh khỏi. Hơn nữa, thông qua việc vẽ hình minh họa mà khi được in lên giấy chỉ với hai màu đen trắng thì việc xác lập phong cách vẽ mình họa riêng biệt của từng người lại càng nan giải hơn bởi sẽ rất dễ bị trùng ý tưởng với nhiều người khác. Thế nhưng, việc khảo sát theo chiều lịch sử đối với hoạt động minh họa diễn ra trong những năm qua trên Sông Hương có thể cho chúng ta đúc rút lại được hai khuynh hướng minh họa chủ đạo, cụ thể đó là khuynh hướng minh họa tổng thuật và khuynh hướng minh họa điểm xuyết.

Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy khuynh hướng minh họa tổng thuật thường là khuynh hướng minh họa về cơ bản chuyển tải đầy đủ nội dung cốt truyện của một truyện ngắn. Ở đây, thường thì khuynh hướng minh họa này thích hợp với những truyện được viết theo lối trần thuật thiên về việc kể là chính. Việc họa sĩ minh họa cần làm ở đây là “lẫy” ra được một chi tiết trọng tâm thuộc về cốt truyện mà họ muốn vẽ. Như thế, bố cục của bức hình minh họa thuộc khuynh hướng này thường nhiều phân khối, nhiều mảng hơn. Các hình tượng được sắp lớp và được đặt cạnh nhau để khiến cho khi nhìn vào hình minh họa, sự sắp lớp như thế sẽ tạo được một hiệu ứng tương tự với sự vận động của mạch truyện mà nhà văn đang kể cho người đọc. Chúng ta có thể thấy khuynh hướng minh họa tổng thuật này ở các họa sĩ như Đặng Mậu Tựu, Phan Chi, Cẩm Ly, Ngô Lan Hương, Thái Ngọc Thảo Nguyên, v.v. Lợi thế của khuynh hướng minh họa tổng thuật này đó chính là khi nhìn vào hình minh họa, người đọc sẽ có thể hình dung dễ dàng hơn, hiểu sâu hơn về câu chuyện mà mình đang đọc. Sự chọn ra những chi tiết quan trọng có ở trong truyện để rồi phóng tác theo sự sắp xếp bố cục cốt sao cho có thể khơi gợi nơi người xem một sự vận động của mạch truyện được khúc xạ qua các hình tượng có ở trong hình minh họa đòi hỏi bản thân người họa sĩ trước hết phải đọc để nắm rõ được nội dung của câu chuyện đồng thời phải cần đến khả năng hình dung trước một cách đại lược vị trí phân bố của các khối hình mà mình muốn minh họa. Tuy nhiên, chính vì lý do muốn truyền đạt nội dung của câu chuyện được đầy đủ cho nên hình thức của các bức hình minh họa thuộc khuynh hướng tổng thuật này thường đòi hỏi khuôn khổ của bức hình minh họa thường ở vào loại trung bình hoặc lớn (khoảng từ 1/2 đến 1 trang giấy).
 

 

 

 

 

 

Nguyễn Duy Linh minh họa tác phẩm “Sếp và tôi, và...” của tác giả Nguyễn Việt Hà Phan Hoài Niệm minh họa tác phẩm “Góc nhỏ miền cực lạc” của tác giả Nguyễn Hữu Thông
Lê Thừa Tiến minh họa tác phẩm “Người cũ” của tác giả Nguyễn Văn Vinh Đỗ Kỳ Hoàng minh họa tác phẩm “Sương mù” của tác giả Đoàn Thương Hải

Thứ hai, với khuynh hướng minh họa điểm xuyết chúng ta có thể bắt gặp ở các họa sĩ như Bửu Chỉ, Phạm Đại, Đinh Cường, Nguyễn Trọng Tạo, Thiệp Đáng, v.v. Phong cách của khuynh hướng minh họa điểm xuyết là tác giả minh họa chọn những chi tiết đáng chú ý và theo họ là đắt giá ở trong truyện để thể hiện trong bức hình minh họa của mình. Xét về bố cục thì đối với khuynh hướng minh họa điểm xuyết này ít khi có được những sự dàn dựng hoàn chỉnh mà đa phần đều chỉ phóng tác theo lối phác thảo sơ bộ về một hoặc một vài những chi tiết ở trong truyện. Ở đây, cách thức sắp xếp các khối hình và đường nét thường không vươn đến một hiệu ứng gây ra sự vận động, nối kết như ở khuynh hướng minh họa tổng thuật mà nhắm đến một sự ngưng đọng, một lát cắt vắt ngang qua mạch truyện. Thông qua việc “lẫy ra” một số những chi tiết đắt giá có ở trong truyện để tiến hành phóng tác, lợi thế của khuynh hướng minh họa điểm xuyết này đó chính là khi người đọc nhìn vào hình minh họa theo lối này, họ sẽ có ấn tượng mạnh hơn trong việc nắm được nội dung của câu chuyện mà mình đang đọc. Nếu ở khuynh hướng minh họa tổng thuật giúp người đọc bồi đắp khía cạnh nội dung của câu chuyện thì ở khuynh hướng minh họa điểm xuyết, nó giúp bồi đắp khía cạnh cảm xúc nơi người đọc. Một khi người đọc bắt gặp những hình tượng như thép gai, con chim bồ câu ở trong các bức hình minh họa của họa sĩ Bửu Chỉ hay như hình mặt trăng, khối đá trong các bức hình của họa sĩ Phạm Đại, liền đó người đọc sẽ có được một sự rung động được cộng hưởng sâu sắc khi họ đọc đến những hình tượng/chi tiết có ở trong truyện và đồng thời nhìn vào những bức hình của các vị họa sĩ này. Chính vì việc chọn lọc những tình tiết thiên về việc gây ấn tượng khó phai ở trong câu chuyện nên ở khuynh hướng minh họa này, khuôn khổ của mỗi bức hình minh họa thường không cần đòi hỏi phải chiếm cứ một kích thước minh họa quá lớn mà chỉ ở mức vừa phải (khoảng 1/4 trang giấy).

Nguyễn Tuấn minh họa tác phẩm “Dị Mộng” của tác giả Cung Tích Biền


4. Minh họa trên Tạp chí Sông Hương 35 năm qua: một sự hòa điệu bền bỉ
 

Hà Như Mai minh họa tác phẩm “Khoảnh khắc” của tác giả Trương Đức Vỹ Nhật
Hải Trung minh họa tác phẩm “Tên trộm, nhà văn và tổng giám đốc” của tác giả Hoàng Nghĩa Thanh
Trần Miên Thảo minh họa tác phẩm “Con Bướm Trắng” của tác giả Lê Kiếm
Cẩm Ly minh họa tác phẩm “Nàng Hoạn Thư” của tác giả Nguyễn Thị Ấm

Như đã nói ở trên, hoạt động vẽ minh họa thường được coi chỉ như là một hoạt động phụ của mỹ thuật, thế nhưng không vì thế mà các họa sĩ vẽ tranh minh họa lại không xem đó như là một cái nghề. Nghề vẽ hình minh họa xuất phát từ tình yêu minh họa đi liền với tình yêu văn chương. Tình yêu minh họa là thứ keo gắn kết họ với công việc vẽ minh họa trên Sông Hương một cách bền bỉ đến như thế. Và nếu như nhìn vào lịch sử phát triển của Tạp chí Sông Hương 35 năm qua, không khó để nhận ra sự hòa điệu bền bỉ đó thông qua tần suất xuất hiện của các họa sĩ vẽ minh họa. Ở đây, cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy được ở vào mỗi giai đoạn phát triển của công việc minh họa trong vòng 35 năm qua luôn luôn có những họa sĩ tham gia trong khoảng một thời gian khá dài như họa sĩ Bửu Chỉ vẽ minh họa cho Sông Hương trong khoảng từ năm 1983 đến năm 1991; họa sĩ Phạm Đại từ năm 1983 - 1997; họa sĩ Ngô Lan Hương từ năm 1997 - 2005; họa sĩ Đặng Mậu Tựu xuất hiện từ 1992 cho đến nay (2018) và họa sĩ Nhím xuất hiện từ năm 2011 cho đến nay.

Minh họa trên Sông Hương những năm trở lại đây ít có sự thay đổi. Nên chăng Sông Hương cần mời thêm nhiều họa sĩ minh họa để tạo thêm sự phong phú, tăng sinh khí cho mảng này.

Bắt đầu từ những bức hình minh họa nhìn chung còn đơn điệu, được thực hiện bằng chì có khi bằng mực nho trên giấy, và được in ra trong tạp chí trên nền giấy vàng, chất lượng giấy in còn thấp đã khiến cho các bức hình minh họa ở giai đoạn đầu này của Sông Hương còn đơn giản, các đường nét minh họa chưa được xử lý một cách kỹ càng, các hình khối, tỉ lệ hình minh họa còn chưa được cân xứng tuy đã phản ánh nội dung của các truyện ngắn một cách khá chân thật. Thế nhưng, trong những năm sau đó, các họa sĩ minh họa đã luôn nỗ lực tìm kiếm và thể nghiệm phong cách vẽ tranh minh họa trên Sông Hương sao cho ngày càng đi đến chỗ tinh tế hơn, lột tả nội dung truyện theo hướng khúc chiết nhưng không kém phần độc đáo bằng những nét vẽ nhỏ và mảnh hơn, cũng như đi sâu vào chi tiết và cách phân lớp bố cục hợp lí hơn, khiến cho khi nhìn vào mỗi bức dường như luôn tạo được một hiệu ứng thị giác cân bằng hơn, dần dần tạo được những kênh tín hiệu khả quan hơn trong việc khắc họa cốt truyện được kể. Bên cạnh đó, điều đáng nói đó là vẫn còn những bức hình minh họa vẽ ra những hình tượng chung chung và lặp đi lặp lại, ít có sự dụng công trong việc mô phỏng sơ bộ đại ý của câu chuyện.

Tận dụng được những sự đột phá về kỹ thuật và công nghệ trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, hoạt động vẽ minh họa trên Tạp chí Sông Hương không chỉ chứng kiến quá trình hoàn thiện các phong cách minh họa đến từ các họa sĩ vẽ minh họa chính trên Sông Hương mà còn có cả sự tiến bộ về mặt phóng tác và dàn dựng thông qua đồ họa cũng như các phần mềm vẽ trên máy tính. Hoạt động vẽ minh họa thông qua việc tận dụng được lợi thế từ các phần mềm này đem lại đã giúp cho người họa sĩ có được tác phong làm việc cẩn trọng hơn và chất lượng hình minh họa được vẽ ra từ đó cũng được cải thiện không ngừng.

5. Những vọng âm của minh họa trên Tạp chí Sông Hương

Phải nói rằng, sự thành công của Tạp chí Sông Hương trong quá trình xác lập thành một trong những tờ tạp chí tiên phong trong lĩnh vực sáng tác và phê bình văn học ở trên cả nước đến từ một phần không nhỏ của hoạt động vẽ minh họa. Sự xuất hiện của các bức hình minh họa có ở trong mỗi số tạp chí sẽ có thể cân bằng được cán cân cảm xúc của người đọc trong việc vừa đọc chữ vừa xem hình, từ sự kết hợp giữa câu từ và hình ảnh, qua đó tạo ra một sự cộng hưởng mạnh trước sự thao diễn ý nghĩa đến từ các bức hình minh họa đặt lồng vào trong bất kỳ một trang nào đó; và cũng chính vì vậy, sẽ khiến cho người đọc có được nhiều gợi hứng hơn trong việc đọc và lĩnh hội nội dung câu chuyện được đăng tải. Đây cũng được xem như là khả năng truyền đạt “ý tại ngôn ngoại” của minh họa. Hàm ý của câu chuyện được xâu chuỗi thông qua những chi tiết nổi cộm có ở trong nó và hình minh họa tiến hành chuyển dịch nó thành một thứ ngôn ngữ mới, một thứ ngôn ngữ mà ý ở ngoài lời, ý nghĩa được trùng ngưng bằng hình tượng, từ đó khiến cho phong vị của câu chuyện càng đạt đến độ lôi cuốn một cách sâu sắc hơn, vừa khiêu khích vừa mời gọi người đọc hơn nữa trong quá trình lĩnh hội và cảm thụ nó. Mỗi câu chuyện được đọc lên và dường như âm hưởng của nó quẩn quanh trong ý nghĩ của người đọc không chỉ đến từ một mình chữ nghĩa, mà một phần nào đó luôn đến từ những vọng âm được ngân lên từ các bức hình đơn sắc nhưng đầy vĩ thanh.

P.T.X.C  
(TCSH352&SDB29/06-2018)




 

 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng