Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
09:17 | 21/06/2018

ĐẶNG NHẬT MINH   

Anh Trần Đăng Nghi trên tôi 7 tuổi, thuộc thế hệ các dì các cậu tôi ở Huế. Tôi biết anh qua dì tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản và ông anh họ tôi là kỹ sư Lê Đình Cát, những người bạn chí thân của anh từ thuở cắp sách đi học ở Huế cho đến khi đã về già. 

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Chân dung Trần Đăng Nghi lúc 25 tuổi - Ảnh: baothuathienhue

Ở Hà Nội, hồi anh còn ở trên phố Phan Chu Trinh gần nhà tôi ở phố Hàn Thuyên thỉnh thoảng tôi có dịp qua lại gặp anh và mỗi lần như thế tôi đều có cảm giác như gặp người thân trong gia đình. Nhưng từ khi anh chuyển sang ở khu đô thị Long Biên bên kia sông Hồng sau một lần tai biến thì tôi không còn dịp gặp anh nữa, trừ một lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng trước khi anh chuyển hẳn vào Thành phố Hồ Chí Minh để ở với con trai. Lần ấy anh gọi điện trước cho tôi rồi đi xe buýt từ Long Biên sang nhà tôi chỉ để yêu cầu tôi ký vào cuốn Hồi ký điện ảnh của tôi mà anh đã mua từ hiệu sách. Tôi ân hận vì chưa kịp tặng anh sách nay lại để anh phải lặn lội sang nhà tôi để lấy chữ ký. Nhưng anh không trách gì tôi trái lại rất vui khi gặp tôi và cho biết anh thích cuốn hồi ký đó, đọc đi đọc lại nó nhiều lần. Không biết duyên cớ nào mà sau khi anh Nghi mất đúng một tuần tôi nhận được thư của chị Đạm Thư vợ anh từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra yêu cầu tôi viết lời tựa cho cuốn Hồi ký của anh sắp xuất bản, kèm theo bản thảo cuốn Hồi ký đó. Tôi không nghĩ đây là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà như có một sự sắp xếp vô hình nào đó rất đỗi linh thiêng khiến tôi không dám từ chối và dĩ nhiên tôi liền đọc ngay những dòng hồi ức nóng hổi của anh do chị Đạm Thư ghi lại. Thật may mắn cho chúng ta trước khi đi xa anh đã kịp kể để chị Thư ghi lại những gì đã đến với cuộc đời sôi động của anh, nếu không chúng ta không hay biết gì về anh cả, ngay đến cả chị Thư vợ anh từng nói với tôi chị cũng không biết hết về anh, bởi anh là người không hay nói về mình. Anh chỉ lặng lẽ sống và làm việc với phẩm giá và nhân cách được hun đúc từ thuở thiếu thời khi tham gia vào đội Sói con của Hướng đạo sinh ở Huế. Rồi anh đến với cách mạng, tham gia Việt Minh, hoạt động bí mật trong nội thành như một lẽ tự nhiên của một người thanh niên “thời loạn” biết chọn cho mình một chỗ đứng. Cả cuộc đời anh là một chuỗi những sự lựa chọn và sự lựa chọn nào cũng hết sức chính xác. Một trong những sự lựa chọn đó là năm 1956 anh quyết định trở về nước sau 6 năm du học ở Paris, khi ra trường có một công việc làm với mức lương mà nhiều người phải mơ ước. Nhiều bạn bè can ngăn nhưng anh đã quyết không gì thay đổi. Anh nói với họ:

- Tôi mà ở lại thì sau mấy năm làm việc lại như mọi người làm công ăn lương kha khá, mua sắm xe ô tô, rồi mua nhà trả dần, lấy vợ sinh con, an phận thủ thường.

Trong cái quyết định này của anh tôi thấy có gì giống với quyết định của cha tôi Giáo sư Đặng Văn Ngữ năm 1949 khi rời Tokyo về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong con người anh tôi nhận ra rất nhều điểm tương đồng với cha tôi. Cũng người Huế, cũng du học ở nước ngoài rồi theo tiếng gọi của trái tim, từ giã mọi tiện nghi vật chất, đem kiến thức học được để về nước làm những gì có ích cho nhân dân mình… Cũng trải qua biết bao trần ai, nghi kỵ với những dấu hỏi luôn lơ lửng trên đầu những người trở về từ những nước không phải phe ta. Nhưng rồi họ vẫn vượt lên tất cả để góp phần cống hiến vào sự nghiệp chung.

Đọc xong hồi ký của anh Trần Đăng Nghi tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Nga Eptusenco do nhà thơ Bằng Việt, dịch ra tiếng Việt:

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chẳng hành tinh nào đã sánh nổi đâu!
… …
Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ
Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình
Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy
Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh!
Quy luật thiên nhiên thẳng thừng khắc nghiệt,
Mỗi con người ra đi - một thế giới mất đi,
Ta hay nhớ bề ngoài từng đặc điểm trần gian,
xương thịt!
Nhưng thực chất sâu xa, ta nắm bắt được gì?
Cho đến anh em, ruột thịt, bạn bè
Đến cả cha mẹ mình, cả người yêu duy nhất,
Chúng ta tưởng biết kỹ càng, sâu sắc,
Nhưng thử hỏi thực tình, ta đã biết gì đâu…


Thật vậy. Mỗi số phận đều chứa một phần lịch sử và mỗi con người ra đi là một thế giới mất đi. Cuộc đời của Trần Đăng Nghi chứa đựng một phần lịch sử của một thế hệ trí thức Việt Nam từng đồng hành với dân tộc mình qua bao thăng trầm của nó. Thế giới của Trần Đăng Nghi là một thế giới đầy ắp trách nhiệm, lòng yêu thương con người và triết lý sống mình vì mọi người. Thực tình ta sẽ chẳng biết gì về anh nếu không có những trang hồi ký này do anh tự thuật lại.

Tôi là thế hệ đàn em nên không có nhiều kỷ niệm với anh như các dì các cậu tôi. Kỷ niệm sâu sắc mà tôi còn giữ cho đến nay là lần anh kể cho nghe câu chuyện sau:

Đầu giờ học ngày 8 tháng 5 năm 1954, ngay sau ngày Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, tại Đại học Paris, nơi anh Nghi đang theo học, giáo sư bước vào giảng đường đề nghị tất cả sinh viên đứng dậy mặc niệm cho những người lính Pháp đã tử trận. Cả lớp đứng dậy, riêng anh Nghi vẫn ngồi im. Khi mọi người ngồi xuống, giáo sư gọi anh đứng lên hỏi lý do tại sao anh vẫn ngồi. Anh Nghi đáp: Nếu ông nói để mặc niệm cho tất cả những người đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ thì tôi sẽ đứng dậy. Giáo sư bị bất ngờ, lặng đi một lát rồi nói: Vous avez raison (Anh có lý). Câu chuyện đó đối với tôi như một biểu hiện của nhân cách và lòng tự trọng.

Buồn cười thay cái người sinh viên bướng bỉnh ngày ấy, 60 năm sau lại được nước Pháp tặng thưởng Huân chương Cành cọ Hàn lâm về công lao giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam, một công việc mà anh say sưa làm trong những năm cuối đời sau khi đã nghỉ hưu ở nhà máy cao su Sao Vàng. Nước Pháp vẫn là nước Pháp, quê hương của những tư tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái mà Trần Đăng Nghi đã hấp thu được từ trên ghế nhà trường. Có thể nói con người Trần Đăng Nghi được hun đúc bởi những nguyên tắc sống của một hướng đạo sinh luôn trung thực, căm ghét sự giả dối, được hun đúc bởi lòng yêu nước truyền thống của cha ông, cùng những tư tưởng cao cả của Cách mạng Pháp, ngoài ra không có gì khác. Anh mãi mãi là một người như bạn bè thường nói vui: một “Bôn sê vích” ngoài đảng, một “bạch vệ”… nhưng là người luôn trung thành với những lẽ sống mà mình đã chọn, thủy chung với bạn bè và cả người tình nữa… như chị Đạm Thư vợ anh từng nhận xét. Những người như thế ngày càng hiếm trên cõi đời này, họ lần lượt ra đi để lại những khoảng trống không gì bù lấp được.

Đ.N.M  
(TCSH352&SDB29/06-2018)




 

 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng
Nến (19/06/2018)