Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Đôi nét về nghệ thuật múa Huế xưa và nay
09:32 | 21/06/2018

CAO CHÍ HẢI  

Nghệ thuật sân khấu, âm nhạc vô cùng phong phú và đặc sắc, nhiều lễ hội cổ truyền và thuần phong mỹ tục tiêu biểu của người Việt được lưu truyền đến Nghệ thuật múa của dân tộc Việt xuất hiện cách đây khoảng 4000 năm.

Đôi nét về nghệ thuật múa Huế xưa và nay
Tác phẩm múa “Nhớ Huyền Trân công chúa” của Đoàn múa truyền thống Huế - Ảnh: Hoàng Xuân Trí

Truyền thống ấy được phát triển qua quá trình lịch sử và tồn tại đến ngày nay. Đó là một di sản phong phú bao gồm múa tôn giáo, múa cung đình, múa dân gian, múa trong sân khấu truyền thống.

Múa tôn giáo của người Việt phục vụ cho tôn giáo là một phương tiện hành lễ có nội dung tôn giáo. Múa tôn giáo là do những người làm nghề tôn giáo và những người theo đạo biểu diễn như múa Phù Thủy khi làm ma Thuật, múa của Bà Đồng khi “Lên Đồng”, múa trong Phật giáo như múa “Lục cúng”, “Song quan”... Múa tôn giáo sử dụng chất liệu của múa dân gian.

Múa Cung đình cũng dựa trên cơ sở của múa dân gian, sử dụng chất liệu của múa tôn giáo và múa tuồng. Nó là hướng vận động múa của người Việt, múa sinh hoạt của cung đình, múa lễ thức, múa giải trí do các vũ công biểu diễn. Về nội dung và hình thức múa cung đình mang nặng tính chất phong kiến.

Múa trong sân khấu truyền thống cũng là một hướng phát triển của nghệ thuật múa người Việt. Múa chèo trên cơ sở múa dân gian, sử dụng một số chất liệu múa tôn giáo. Múa tuồng dựa trên múa dân gian và võ thuật, sử dụng một số chất liệu múa tôn giáo và múa cung đình. Phát huy tính ước lệ trong kho tàng múa của dân tộc Việt thì múa dân gian là bộ phận quan trọng nhất, là nền tảng của cả di sản nghệ thuật đó.

Bàn và trao đổi về nghệ thuật múa Huế xưa và nay trước tiên cần quan tâm đến đặc điểm về văn hóa.

Các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật đã đánh giá Huế là một vùng văn hóa đặc sắc, có một hệ thống cấu trúc văn hóa vừa thể hiện sắc thái văn hóa địa phương, nhưng lại vừa hòa đồng, dung hợp được với văn hóa của các vùng khác của đất nước, gắn kết được các yếu tố dân gian, bác học và cung đình, gắn kết giữa đạo và đời, truyền thống và hiện đại.

Văn hóa Cung đình Huế

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, Huế còn lưu giữ khá tập trung những giá trị văn hóa nghệ thuật cung đình Việt Nam tiêu biểu một phần đỉnh cao cho sức sáng tạo Việt Nam trong quá khứ. Từ năm 1687, thành Phú Xuân ra đời và tồn tại cho đến năm 1945, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cung đình Việt Nam như những mẫu mực về kiến trúc kinh thành, cung điện, lăng tẩm, về trang trí mỹ thuật cung đình, món ăn ngự thiện, thú chơi tao nhã chốn cung đình hầu như chỉ còn lưu giữ một cách có hệ thống ở xứ Huế.

Văn hóa nghệ thuật Cung đình Huế tồn tại không che lấp, đối kháng hay thủ tiêu những giá trị dân gian của vùng đất mà nó còn làm cho nền văn hóa dân gian ngày càng phong phú tiềm tàng thêm sức sống.

Văn hóa dân gian xứ Huế

Thể hiện sắc thái văn hóa độc đáo của địa phương với những lễ hội truyền thống, ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong cách sinh hoạt ứng xử; người xứ Huế đã xây đắp nên truyền thống văn hóa dân gian rất đa dạng, tạo nên một vùng văn hóa dân gian truyền thống Huế với nhiều giá trị độc đáo. Đó là sản phẩm của một quá trình hơn 700 năm giao thoa và hội tụ văn hóa trong suốt dòng chảy của lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này.

Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, học thuật, tư tưởng, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, mỹ nghệ... đã khẳng định được một vùng văn hóa Phú Xuân - văn hóa Huế hình thành và phát triển; đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của văn hóa dân tộc. Văn hóa Phú Xuân Huế kế thừa xứng đáng truyền thống văn hóa dân tộc phát triển rực rỡ trong giai đoạn trước giai đoạn văn hóa Thăng Long và không ngừng phát triển hoàn thiện dưới thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời các vua Nguyễn.

Huế - một vùng văn hóa đa dạng

Văn hóa Huế vừa bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Việt Nam, nối tiếp truyền thống văn hóa cung đình Tây Sơn - Đông Đô, văn hóa Việt Mường..., tích hợp văn hóa bản địa, văn hóa Chămpa...

Từ những đặc điểm trong văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế chúng ta tìm hiểu về nghệ thuật múa Huế xưa và nay.

Nghệ thuật múa Cung đình Huế

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập, một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh Thự gồm 3 đội, mỗi đội có 20 người thuộc quyền Viên Phó quản điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về ca và vũ. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) diễn viên đoàn múa hát cung đình gọi là Tiểu hầu.

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đoàn múa cung đình Huế là một bộ phận được huấn luyện trong Hòa Thanh Thự. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu và đời Gia Long (1802 - 1820) đoàn có tên là Tiểu hầu trong Việt Tường Đội. Đến thời Minh Mạng, đoàn ở trong biên chế của Thanh Bình Thự với tổng số 381 người (Thanh Bình Thự được xây dựng thời Minh Mạng và ngày nay đã được tu sửa lại).

Năm Thành Thái nguyên niên (1889) đoàn mang tên Võ Can Thự. Đến thời Khải Định, đoàn có tên là đoàn Ba Vũ.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đoàn được duy trì với sự giúp đỡ thường xuyên của bà Từ Cung và hưởng quỹ lương của hội đồng Nguyễn Phước Tộc.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đoàn Ba Vũ đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế với hai nhiệm vụ múa cung đình và diễn tuồng.

Dưới triều đình nhà Nguyễn, múa cung đình đạt đến trình độ chuyên nghiệp cao và có quy mô đồ sộ, trình diễn trong những dịp quốc lễ, quốc khánh và những ngày lễ:

Thánh thọ - Sinh nhật Hoàng Thái Hậu
Tiên thọ - Sinh nhật Hoàng Thái Phi
Vạn thọ - Sinh nhật Vua
Thiên xuân - Sinh nhật Thái tử
Thiên thu - Sinh nhật Hoàng Hậu

Ngoài lễ trên còn diễn vào các ngày lễ tế Giao, tế Xã tắc, lễ Hưng - Quốc Khánh niệm, tết Nguyên đán, lễ kết hôn của các hoàng tử hoặc công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.

Những vũ khúc cổ thất truyền nhiều, đến đời nhà Nguyễn còn 12 vũ khúc

- Múa: Bát dật
- Múa: Lục cúng
- Múa: Tam tinh chúc thọ
- Múa: Bát tiên hiến thọ
- Múa: Trình Tường Tập Khánh
- Múa: Đấu chiến thắng Phật
- Múa: Tứ linh
- Múa: Nữ tướng xuất quân
- Múa: Vũ Phiến (múa quạt)
- Múa: Tam quốc tây du (múa bông)
- Múa: Lục triệt hoa mã đăng
- Múa: Lân mẫu xuất lân nhi


Múa cung đình Huế chỉ phục vụ cho tầng lớp quý tộc triều đình nhà Nguyễn. Sau ngày thống nhất đất nước, từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “phục hồi và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; múa Cung đình Huế là một di sản phong phú, độc đáo và đặc sắc của Huế đã có dịp quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế, phục vụ đông đảo nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đoàn nghệ thuật truyền thống đã phục vụ và tham gia nhiều trong các liên hoan quốc tế tại Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Qua các kỳ Festival, múa Cung đình Huế đã đóng góp vào sự thành công với tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đến công chúng trong nước và thế giới.

Múa dân gian Xứ Huế

Phản ánh sinh hoạt của người dân Xứ Huế gồm có các điệu múa: múa đèn, múa chén, múa sắc bùa, múa tứ linh, múa sanh tiền, múa chèo cạn, múa bả trạo. Ngày nay các điệu múa còn được lưu truyền qua các làng xã của tỉnh Thừa Thiên Huế như:

- Múa bả trạo: Dùng để diễn xướng trong nghi lễ thờ cúng cá voi và làm nghề của ngư dân vùng biển Thuận An, Vinh Thanh...

- Múa tập chèo: Dùng để diễn lại những hình thức lao động và chiến đấu trên mặt sông nước của ông cha.

- Múa sắc bùa: Đoàn người vừa đi vừa múa và cầm theo vài lá bùa cầu mong cho các gia đình trong làng, hoặc bày biện vào dịp tết nguyên đán. Ở làng Phò Trạch, Phong Thu, Phong Điền thường diễn ra hai loại múa sắc bùa, tập chèo.

- Múa sân khấu: Chủ yếu là múa tuồng kèm theo hát tuồng (ca ra bộ), các làn điệu múa này có chức năng minh họa cho lời hát, khắc họa nội tâm nhân vật trong vai tuồng. Múa tuồng Huế được xem là có hình thức phát triển cao đến trình độ múa cổ điển của môn tuồng.

- Múa tôn giáo tín ngưỡng: Các điệu múa đi kèm với điệu hát hoặc tụng kinh, múa lục cúng và các bài múa trong nghi thức Phật giáo diễn ra trong các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng; múa lên đồng với sự kết hợp của hát chầu văn trong lễ hội điện hòn chén hoặc trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu.

- Múa của đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế: Nếu như đối với ca nhạc, đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế yêu mến, ham thích như thế nào thì đối với nhảy múa, họ có tình cảm và niềm say mê không thể thiếu. Các điệu múa được sáng tạo và tồn tại trong môi trường sống của đồng bào và thể hiện trên các lĩnh vực của đời sống con người, bao gồm:

+ Múa trong lao động: bao gồm nhiều vũ điệu đa dạng, phong phú với nhiều phương thức, dụng cụ và môi trường lao động khác nhau như: đi nương, phát rẫy, săn thú, bắt cá... với các điệu múa: múa xúc cá, múa giã gạo, múa bắn nỏ, múa đi săn,...

+ Múa trong sinh hoạt: múa quạt cho khách, múa bưng nước mời khách, múa múc nước suối...

+ Múa trong thực hành tín ngưỡng: thể hiện trong sinh hoạt cộng đồng thông qua các lễ hội lớn trong năm của các tộc người gồm các điệu múa:

- Múa Padil Ya Yả (padil: người đàn bà, Ya Yả: múa): Nghĩa là người đàn bà múa - điệu múa chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nó vừa là danh từ chỉ một điệu múa vừa là động từ chỉ động tác múa. Múa biểu diễn trong nghi lễ hiến sinh, thể hiện sự vui mừng, biểu lộ lòng biết ơn của dân làng đối với thần linh hay là lời cầu nguyện về sự giúp đỡ cứu vớt. Trong các lễ hội: lễ cơm mới, lễ bỏ mả, lễ cầu an, mừng thú săn... Theo luật tục Cơtu, trong lễ hội nếu có đâm trâu thì mới có múa Padil Ya Yả. Nếu không có đâm trâu mà vẫn múa thì các vị thần linh sẽ bắt linh hồn làm cho dân ốm đau, chết dữ, mất mùa.

Biểu tượng Padil Ya Yả còn được khắc trên gỗ, đẹt vải để trang trí trong nhà (như Apsara).

- Múa Tân Tung là một điệu múa chỉ dành cho đàn ông mô tả cảnh đi săn, biểu diễn trong lễ đâm trâu có khiên, kiếm là đạo cụ.

- Múa Yazơn (Adưn/Azưn): Có nhiều vũ điệu như: Yazơn ti Ria (đâm trâu), Ya zưn ra gióoc (mời khách cùng múa), Yazơn Calơi Agia (múa trên nhà sàn)...

- Múa Aza (của đồng bào Pakô) là điệu múa mừng mùa xuân mới, tạ ơn thần thánh.

- Múa Azakooh (Tà Ôih) thường được trình diễn trong lễ hội cầu mùa.

Nhìn chung các điệu múa của đồng bào dân tộc Tà Ôih, Pakô, Cơtu là những điệu múa tập thể, động tác khá đơn giản ở đôi tay, bờ vai và theo đội hình, nhưng rất sôi động và vui nhộn, không gian diễn xướng gắn liền với tục lệ, lễ hội và thường có các nhạc cụ cồng chiêng, tù và, đạo cụ, dụng cụ binh khí đi kèm cùng với cây nêu được chạm trổ sơn vẽ hoa văn họa tiết đặc trưng và trong các bộ trang phục rực rỡ mang đậm bản sắc văn hóa tộc người của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế.

Trong công cuộc xây dựng đổi mới, hội nhập và phát triển, nghệ thuật múa của dân tộc Việt nói chung và nghệ thuật múa của quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa truyền thống đến các nước trên thế giới, khẳng định nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cho tương lai múa Huế

Để làm tốt và có những định hướng tích cực cho nghệ thuật múa của Thừa Thiên Huế trong tương lai, chúng ta cần quan tâm: Múa hát Cung đình Huế.

* Vốn cổ nghệ thuật truyền thống Cung đình Việt Nam còn đến ngày nay.

Trong thời gian qua nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, đặc biệt là cố NSƯT La Cháu, cố NSND La Cẩm Vân, NSƯT Trần Đại Dũng, NSND Bạch Hạc cùng các nghệ nhân nghệ sĩ đã có công lao lớn trong việc phục hồi các điệu múa cung đình Huế.

Trong thời gian tới cần lưu ý: phục dựng và số hóa các điệu múa cung đình còn lại để tuyên truyền và lưu giữ.

- Các điệu múa: lục triệt hoa mã đăng, bát tiên hiến thọ, tam tinh chúc thọ, vũ phiến. (Trần Kiều Lại Thúy đã cung cấp đủ các bài hát của các điệu múa này).

- Trình thức múa, động tác cơ bản múa

- Âm nhạc trong múa

- Phục trang trong múa

- Không gian diễn múa

- Hệ thống hóa các vũ điệu trình thức múa tuồng Huế.

Về múa dân gian các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế: Hiện nay trong chương trình đào tạo của các trường múa chuyên ngành cả nước không có múa dân gian của dân tộc Tà Ôih - Pakô, chỉ có một phần múa của dân tộc Cơtu. Vì vậy, cần quan tâm những nhiệm vụ sau:

- Các nhà biên đạo: phục dựng trình thức múa hóa trang lễ hội, hệ thống hóa trở thành các động tác múa cơ bản.

- Biên soạn giáo trình múa cơ bản dân gian các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế để đưa vào đào tạo trong các trường chuyên ngành văn hóa nghệ thuật địa phương, trường múa trung ương.

- Các biên đạo múa: Sáng tác các tác phẩm múa dân gian các dân tộc trên cơ sở chất liệu múa dân gian truyền thống.

- Định kỳ tổ chức liên hoan nghệ thuật múa truyền thống và múa dân gian các dân tộc.

- Tăng cường đào tạo diễn viên múa dân gian dân tộc có kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo cao, để phục vụ cho nền nghệ thuật múa của quê hương trong giai đoạn mới, phục vụ nhiều hoạt động lễ hội lớn của tỉnh nhà trong các kỳ Festival đồng thời tăng cường các nghệ sĩ múa tài năng cho các nhà hát nghệ thuật của tỉnh phục vụ tích cực cho nền nghệ thuật múa của quê hương Thừa Thiên Huế.

C.C.H  
(TCSH352&SDB29/06-2018)




 

 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng
Nến (19/06/2018)