TRẦN THÙY MAI
(Trích chương 31 của tiểu thuyết Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu)
Lời tác giả:
Nhà tôi ở trên đường lên các lăng vua, ngày còn ở Huế tôi hay vào thăm lăng Xương Thọ, là nơi yên nghỉ của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu.
Khi bước đi trên nền gạch vỡ nát của ngôi lăng cũ, những hình ảnh của một thời xa xưa thường hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi như những thước phim sống động. Nghi Thiên Chương Hoàng hậu - thường gọi là Từ Dụ Thái hậu, là một phụ nữ rất đặc biệt. Tính giản dị, khiêm nhường, lòng nhân và tình thương của bà như một dòng nước dịu mát, giữa sự tàn khốc của những âm mưu chốn cung đình, những khúc quanh đau buồn của lịch sử.
Bà trải qua tất cả mười đời vua: sinh ra trong thời Gia Long và sống cho đến thời Thành Thái. Cho nên, câu chuyện về bà trải ra trên bối cảnh cả một triều đại, từ lúc huy hoàng đến lúc suy vong.
----------------------
Vua Gia Long băng hà, không truyền ngôi cho cháu đích tôn là Hoàng tôn Đán mà chọn con thứ là Hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng. Hoàng tôn Đán phải đổi tên là Tôn Thất Mỹ Đường và cũng kể từ đó, dòng chính của ông không còn được xem là chánh hệ. Trong câu chuyện dưới đây, Anh Duệ Vương phi, Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng là những nhân vật cùng bị hút vào một bi kịch: Bi kịch của quyền lực, đã nhiều lần xảy ra nhưng vẫn tiếp tục lập lại, đời này qua đời khác.
Nhân lễ Nạp phi của Hoàng trưởng tử, Thái hậu cho đặt tiệc lớn trong vườn Ngự, mời tất cả Đại thần và Tôn thất. Các Mệnh phụ cũng được dự, cũng là một dịp để các bà khoác lên người bộ phẩm phục phu nhân rực rỡ vua ban.
Hoàng tôn Đán, Hoàng tôn Kính cũng đến dự tiệc. Tống Thị Quyên đi cùng với hai con. Đán, Kính vừa uống rượu, hơi chếnh choáng. Điệu múa phụng đang còn diễn ra trên bệ cao ngay giữa sân, thì Tống Thị Quyên đã giục con về.
Thấy ba mẹ con đang định bước ra, một cung nữ chạy lại:
- Bẩm vương phi và hai hoàng thân, xin bước sang bên kia nhận quà tặng đã ạ!
Ba mẹ con bước vào nhà Tả vu. Những phần quà được xếp san sát trên những cái bàn thấp. Họ đi tới một bàn ở gian giữa.
Một Thái giám đứng trực vội chỉ dẫn:
- Bẩm, xin mời vương phi và hai hoàng thân sang gian bên kia. Gian giữa này là tặng vật dành cho các vị mang quốc tính Nguyễn Phúc. Các bàn hai bên dành cho các vị mang họ Tôn Thất ạ.
Hoàng tôn Kính, tức là Tôn Thất Mỹ Thùy, đang có chút hơi rượu, nghe nói vậy thì gắt lên:
- Ai bảo ta không phải họ Nguyễn Phúc? Ta là Nguyễn Phúc Kính, Tôn Thất Tôn Thất cái gì?
Tống Thị Quyên cũng phụ họa:
- Các con ta là dòng chính của họ Nguyễn Phúc, sao ngươi dám láo với chúng ta?
Thái giám cúi đầu:
- Bẩm vương phi, tặng vật cũng giống nhau thôi, chỉ có điều ghi tên rõ ràng cho khỏi lẫn lộn thôi mà.
Mỹ Thùy vẫn bực dọc:
- Càng ghi càng lẫn lộn, càng phân biệt lại càng nhập nhằng. Rõ ràng cái gì? Ngươi còn gọi tên ta một tiếng Tôn Thất, ta không cho ngươi yên đâu!
Thái giám vái lia lịa:
- Bẩm, xin hiểu cho con, thân phận kẻ dưới chỉ biết trên bảo sao dưới phải nghe vậy thôi ạ.
Tổng quản Thái giám Trần đi qua, khẽ liếc mắt, tảng lờ như không nghe thấy gì.
Hoàng tôn Đán, tức Tôn Thất Mỹ Đường, kéo mẹ và em lại, hạ giọng:
- Thôi mẹ à! Cả thiên hạ đã mất về tay người ta, còn một tiếng gọi ấy có làm chi mà phải tranh nhau.
Tống Thị Quyên vùng vằng:
- Thôi về, không cần lấy tặng phẩm làm chi nữa.
Phía trong điện, Thái hậu đang ngồi ở gian giữa cho các phu nhân đến chào ra về.
Tổng quản Thái giám Trần đến gần, thì thầm. Thái hậu cười nhạt:
- Nó không muốn gọi là Tôn Thất à? Cũng được, dễ thôi mà.
Ngoài cổng, Tống Thị Quyên và hai con đang bước lên kiệu.
Một cung nữ chạy đến, đầu đội mâm tặng vật.
- Bẩm vương phi, con xin đội đến tận phủ cho vương phi và hai hoàng thân.
Tống Thị Quyên hơi nguôi nguôi. Tuy vẫn có vẻ giằng hắt, nhưng giọng đã dịu lại:
- Ta đã bảo không lấy, ngươi làm gì cứ làm, mặc kệ ngươi.
Đêm ấy trong phủ Anh Duệ, đã khuya lắm rồi mà Tống Thị Quyên vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Màn đêm càng tĩnh mịch, càng như khơi dậy bao nhiêu xót xa tiếc hận trong lòng bà.
“Đời ta thật bất hạnh, sao cứ gặp toàn những chuyện không may. Ông trời kia ăn ở không cân, chỉ dành cho mẹ con ta cái phần thua kém hẩm hiu… Ôi thật chỉ còn biết trách trời…”.
Vương phi ngồi dậy, chống tay thở dài, quờ chân tìm không thấy giày. Bà gọi:
- Lan Nhi, giày ta đâu rồi?
Lan Nhi, ả tỳ nữ thân tín của Tống Thị Quyên ngủ say sưa trên chiếc nệm nhỏ ở một mé phòng, không nghe tiếng chủ gọi.
Tống Thị Quyên cầm lấy cây đèn trên bàn, chân không bước ra.
Bên ngoài tối thui. Tống Thị Quyên đi qua một khúc quanh ở hành lang. Nhà rộng, cửa sâu, ngọn đèn dầu lạc trên tay leo lét, nên bà không thấy ả cung nữ đang ẩn mình trong một góc khuất, nhìn theo.
Đúng lúc đó có tiếng cú rúc ngoài xa.
Tống Thị Quyên ngoảnh mặt ra ngoài nhìn trời. Bóng tối bao trùm toàn cảnh sân vườn trong phủ.
Bỗng một tiếng la to lanh lảnh trong đêm:
- Ôi trời ơi đất ơi! Làng nước ôi! Dễ sợ quá! Ghê tởm quá! Trời đất ơi… Làng nước ơi…
Trong phủ, gia nhân sực tỉnh, thắp đèn cầm đuốc chạy rầm rầm, va vào nhau. Tiếng hỏi, tiếng kêu xôn xao:
- Cái chi rứa? Chi rứa?
Tiếng la vẫn vang lên chói tai:
- Gian dâm! Gian dâm!
- Mô? Mô? Ở mô? Ai gian dâm? Ai?
Tống Vương phi ngẩn người sợ hãi, không hiểu chuyện gì, vội chạy đến chỗ con trai lớn là Mỹ Đường, định bảo con ra xem có chuyện gì…
*
Cũng đêm đó, trong phủ của Tả quân Lê Văn Duyệt, ông đang ngủ say thì người nhà hơ hãi chạy vào thức dậy. Gia nhân cuống quýt lấy áo, lấy mũ cho ông. Thái giám Trung Trực từ trong cung ra, đang nóng lòng chờ trước sảnh. Thấy Lê Văn Duyệt xốc áo bước ra, Trung Trực đưa liền tờ thánh chỉ, không kịp chờ người nhà đặt bàn đốt hương tiếp đón theo quy lệ.
Lê Văn Duyệt đọc xong, ngỡ ngàng:
- Thánh chỉ đến vào cuối canh ba, chưa bao giờ có chuyện như vậy! Ta thật bán tín bán nghi, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào?
Thái giám Trung Trực gật đầu:
- Vâng, việc này thật không ai ngờ tới! Bên phủ Anh Duệ hiện đang loạn lên như có giặc, ai cũng hãi hùng kinh tởm vì cái tin bà Quyên thông dâm với trai, mà ngài biết thông dâm với ai không, với ngay Mỹ Đường con đẻ của bà ấy đó!
Lê Văn Duyệt cau mày:
- Ta nghe kỳ lạ quá, không thể tin được ông ạ!
- Ụa, thánh chỉ đây, ngài không tin sao?
Lê Văn Duyệt lắc đầu:
- Ta sao dám nói là không tin vua. Nhưng sợ rằng nguồn tin đến tai vua chưa xác đáng!
- Xác đáng hay không tôi cũng không dám quả quyết, chỉ biết Hoàng thượng sai tôi đem kiếm lệnh đến giao cho ông xử tử Thị Quyên ngay trong đêm nay, còn Mỹ Đường thì bắt giam rồi sẽ xét.
Lê Văn Duyệt lắc đầu:
- Không được! Việc này rất hệ trọng, ta phải vào cung gặp Hoàng thượng ngay.
Lê Văn Duyệt gọi lấy ngựa, đang đêm phi nước đại vào cung.
Cổng Hiển Nhơn đêm khuya đã đóng, nay lại mở ra. Lê Văn Duyệt để đoàn tùy tùng lại bên ngoài cổng, giục ngựa sải nhanh vào. Lính canh chạy ra ngăn lại:
- Xin Quốc công để ngựa bên ngoài, có bia hạ mã kia.
Lê Văn Duyệt vung roi quát:
- Lui ra!
Ông cứ việc phóng ngựa chạy ngay đến tận điện Càn Thành.
Trong điện Càn Thành, vua Minh Mạng vẫn chưa ngủ, đang ngồi trên sập.
Nghe Thái giám vào tâu có Lê Quốc công xin yết kiến, vua vội truyền:
- Cho vào ngay.
Lê Văn Duyệt hối hả tiến vào.
- Hoàng thượng!
Vua Minh Mạng nghiêm nghị:
- Trẫm đang nóng lòng chờ khanh đây. Việc Trẫm giao, khanh đã làm xong rồi à?
Lê Văn Duyệt chắp tay, giọng cứng cỏi:
- Tâu, đêm cũng đã khuya, làm ngay có vội vàng quá chăng? Lão thần cảm thấy lo âu nên muốn vào yết kiến để tận tai nghe lệnh Hoàng thượng.
Vua Minh Mạng nhíu mày:
- Sao còn phải hỏi, thánh chỉ Trẫm như vậy chưa rõ ràng sao? Cái tội lăng loàn thất đức ghê tởm hơn cả cầm thú, như vậy chưa đáng chết sao?
- Tâu Hoàng thượng, theo ý lão thần thì nên tạm thời để đó, ngày mai trời sáng ta giao Tam pháp ty và Tôn nhân phủ xét kỹ sự việc xem thực hư ra sao. Tội đến đâu lúc ấy sẽ xử đến đó. Thế thì mới rõ ràng minh bạch chứ ạ!
Vua Minh Mạng lộ rõ vẻ tức giận:
- Khanh lại hồ đồ rồi. Cái việc nhục nhã này, thật là bôi tro trát trấu lên danh giá cả nhà cả họ ta. Khanh lại bảo đưa ra tòa xét xử để cho cả thiên hạ cùng biết sao! - Vua dằn từng tiếng: Không - xử - gì - hết, con yêu phụ ấy vốn đã đáng giết từ hồi nó lén lút giao thiệp với bọn cố đạo, nay lại phạm thêm cái tội tày đình này thì chẳng còn gì để tiếc nữa.
Lê Văn Duyệt cương quyết:
- Tâu Hoàng thượng, lão thần vẫn băn khoăn lắm, nếu Hoàng thượng quyết giết Anh Duệ Vương phi mà không cần xét xử, xin Hoàng thượng sai người khác!
Lê Văn Duyệt quỳ xuống, dâng trả kiếm lệnh.
Vua Minh Mạng không ngờ Lê Văn Duyệt dám chống lại ý mình, ngài khựng lại, chưa biết nói sao. Lê Văn Duyệt thấy rõ nhà vua nao núng, liền đứng thẳng lên, định tiếp lời thuyết phục. Chưa kịp mở lời thì…
Từ sau rèm, Thái hậu đột ngột hiện ra.
“Lê Văn Duyệt, hãy nghe ta nói đây.” Giọng Thái hậu hết sức trầm tĩnh.
Lê Văn Duyệt mặt xạm lại:
- Bẩm lệnh bà, lão thần xin nghe.
Thái hậu cười nhạt:
- Ông có nhớ cách đây mười năm, trong một lần vời ông vào cung, ta đã đề nghị với ông điều gì chăng?
Lê Văn Duyệt im lặng.
Thái hậu hơi nghiêng đầu, nhìn Lê Văn Duyệt bằng cái nhìn của con chim ưng ngắm con mồi:
- Ta biết, ông vẫn nhớ. Khi đó Tiên đế chưa chọn người kế vị, ta đã đề nghị ông tôn phù con trai ta, nhưng ông đã giả cách làm lơ.
Lê Văn Duyệt vẫn im lặng.
Giọng Thái hậu vang lên, từng âm thanh sắc nhọn:
- Hôm nay, chính ta đã xin với Hoàng thượng cử ông vào nhiệm vụ này. Tại sao lại là ông mà không ai khác? Giết một con dâm phụ, chỉ cần một tên đội trưởng cũng làm được. Nhưng ta dành cho ông, có nghĩa là dành cho ông thêm một lần lựa chọn nữa. Hoặc là Mỹ Đường, hoặc là Hoàng thượng. Ta hy vọng lần này ông sẽ lựa chọn khôn ngoan hơn!
Lê Văn Duyệt tay vẫn cầm kiếm lệnh, đứng sững như trời trồng. Mồ hôi rịn ra trên trán ông.
Vua Minh Mạng tiếp lời, giọng đanh thép:
- Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là không thật trung thành. Nay ta không muốn khanh phải chết, - Nhà vua trừng mắt, nhấn mạnh tiếng “chết”- ta chỉ muốn chờ xem lòng trung của khanh đối với ta!
*
Giữa canh năm đêm ấy, lính ập vào phủ Anh Duệ, lôi Mỹ Đường, Mỹ Thùy đi. Một tốp lính khác lôi Tống Thị Quyên theo hướng khác.
Tống Thị Quyên sợ hãi gào khóc:
- Cứu tôi với! Cứu với!
Nhìn thấy Lê Văn Duyệt trên mình ngựa giữa đám quân lính, bà kêu to.
- Trời ơi may quá, có Đức ông Lê Văn Duyệt đây rồi. Đức ông, cứu mẹ con tôi với!
Lê Văn Duyệt đưa cờ lệnh che mặt.
Một tên lính nhét ngay nắm giẻ vào mồm bà Quyên. Tiếng kêu tắt lịm.
Mỹ Đường kêu thét lên:
- Mẹ, mẹ ơi! Thả mẹ ta ra! Thả mẹ ta ra!
Lính lôi hai anh em đi, tra gông vào cổ. Lách cách mấy tiếng khóa gông, hai ông hoàng đã trở thành hai tên tội phạm.
Lính vừa lôi sểnh họ đi vừa quát:
- Dâm dật cho lắm, khi đang sướng sao không kêu.
Chưa rạng sáng, trên bờ sông Hương, một đoàn lính kéo nhau đi dưới ánh đuốc. Họ khiêng một cái sọt lớn trong đựng một người đàn bà bị trói chặt. Đó chính là Tống Vương phi. Họ mở sọt, bỏ vào bốn năm tảng đá lớn rồi đưa cái sọt lên thuyền, chèo ra giữa dòng.
Bũm! Cái sọt bị lao xuống sông.
Mặt nước khoắng lên nhiều vòng.
Những bong bóng sủi hơi nổi lên mặt nước.
*
Cái tin về vụ dâm loạn trong Anh Duệ vương phủ phút chốc làm xôn xao cả kinh thành. Trong chợ Đông Hoa, người ta bàn tán rầm lên.
Một anh bán cỏ cho ngựa ngồi trên đống cỏ khô, nghiêng người sang phía bà bán hàng đậu gạo.
- Thiệt kinh khủng, bà chị có nghe tin chi không? Cái bà phi chi đó lại đi lẹo tẹo với chính thằng con mình đẻ ra. Từ cha sinh mẹ đẻ tui nghe nhiều chuyện tư tình trăng hoa, mà không có chuyện mô dễ sợ như chuyện ni.
Bà hàng đậu gạo tỏ vẻ rành rẽ:
- Biết rồi! Nghe nói người hầu trong phủ bắt gặp, hô rầm lên, bà phi bỏ chạy giả đò không biết. Nhưng mà đôi giày đang còn rành rành dưới gầm giường thằng con nên hết đường cãi.
Một người đi mua hàng cũng kháo chuyện:
- Nghe nói Hoàng thượng sai xử trầm hà dâm phụ rồi!
- Ôi chao, xử cũng đáng kiếp, chuyện lăng loàn như rứa đáng lẽ phải voi giày mới đáng. Thả sông là đang còn nhẹ! Mà cũng lạ, cái ông con cũng là công hầu, muốn mấy chục mấy trăm thê thiếp lại không có, răng lại đi tằng tịu với cả mạ đẻ ra mình.
Ông bán hàng mã kế bên xen vào:
- Ôi, nói thiệt với mụ, cái tụi công hầu nớ, bên ngoài áo mũ xênh xang lên xe xuống ngựa rứa thôi, chứ bên trong rặt là đồ dâm dật biếng nhác, đứa mô cũng rứa hết!
Hạnh Thảo đi vào chợ, lại gần hàng mã. Cô cầm lên một xấp giấy vàng giấy tiền. Ông hàng mã đon đả:
- Dạ, thưa bà mua đồ cúng vong hồn phải không?
Hạnh Thảo gật đầu:
- Tôi có người quen bị đắm đò, muốn mua chiếc thuyền chiêu hồn.
- Dạ, thuyền ni khi mô ai đặt mới làm, bà đặt thì sáng mai ra lấy.
Sáng sớm ngày mai, bên bờ sông Hương, có một người đàn bà luống tuổi đứng trước một mâm cúng có cháo, hạt nổ, giấy tiền giấy vàng, và một chiếc thuyền nhỏ bằng giấy.
Đó chính là công chúa Ngọc Tú, trong chiếc áo tràng lam giản dị lâu nay thường mặc.
Công chúa lâm râm khấn:
- Cháu ơi! Chuyện bỗng đâu như sấm sét vụt tới, ngay gian không rõ, sợ e không khỏi oan tình. Dù oan hay không, cũng một kiếp người bạc phận. Cô cầu cho vong linh cháu siêu thoát. Qua cõi khác cháu hãy nhẹ nhàng mà đi, đừng vướng vít vinh nhục được mất trong cõi trần này nữa.
Hạnh Thảo từ phía sau bước tới. Cô đội nón, trùm khăn che gần khuất hết mặt. Đỡ lấy chiếc thuyền giấy trên tay công chúa, cô lội xuống sông, thả cho trôi đi.
“Cầu vong hồn vương phi nương lấy con thuyền này, khỏi phải chìm đắm trong chín bến sông Mê.” Hạnh Thảo cũng khấn thầm. Dù không phải người thân của Tống Thị Quyên, nhưng cô cũng muốn có nén hương an ủi linh hồn người chết thảm.
Con thuyền trôi đi. Công chúa đứng im lặng trước mâm cúng chờ nhang tàn.
Hạnh Thảo lại gần:
- Xin mẹ về nghỉ, để con ở lại tưới rượu đốt vàng cho.
Công chúa lắc đầu:
- Không, con về ngay đi. Không khí trong triều còn ngột ngạt lắm, con đến đây lỡ có ai nhận diện được thì sẽ phiền lây cho Đăng Hưng đó. Ta thì khác, ai làm gì ta được.
Hạnh Thảo nghĩ đến chồng, không khỏi lo lắng:
- Dạ, con xin nghe lời mẹ.
Cô vái lại lần nữa trước mâm cúng rồi đi.
Còn lại một mình công chúa trầm ngâm trước khói nhang. Con sông vẫn vô tình lãnh đạm xuôi dòng.
*
Cùng lúc ấy, trong phủ Lê Văn Duyệt, lính hầu đã được lệnh không tiếp ai, chỉ trừ trường hợp có Thánh chỉ. Tuy vậy, thấy Phạm Đăng Hưng, biết là chỗ tâm phúc của chủ nhân nên lính phải vào trình.
Nghe báo, Lê Văn Duyệt lắc đầu khước từ. Nhưng bên ngoài, khách đã xăm xăm lên thềm. Tiếng ông vang lên:
- Ta nhất định phải gặp đức ông!
Lính hầu vội thưa:
- Bẩm quan lớn, Đức ông con hôm kia phải đem quân vây bắt vụ gian dâm ở phủ Anh Duệ cả đêm, mấy hôm nay ngài mệt nên đang còn nghỉ ngơi ạ!
Đăng Hưng không chịu, cứ vào cửa, đi xăm xăm đến ngay bên giường Lê Văn Duyệt.
- Đức ông! Tạ ơn Đức ông đã tiếp Hưng. Nhìn thần thái Đức ông, Hưng cũng biết Đức ông trong người không khỏe.
Lê Văn Duyệt đành trở dậy, uể oải:
- Vâng. Thật ra sức khỏe cũng không đến nỗi nào đâu. Chỉ buồn thẹn vì chiến tướng vào ra trăm trận, đương đầu với cọp beo có, giặc cướp có, nay phải thi hành cái nhiệm vụ bắt gian dâm trong chốn khuê phòng, thật uổng cả danh tiếng của ta.
Đăng Hưng nói ngay:
- Cũng vì chuyện đó mà Đăng Hưng phải mạo muội xông vào tư dinh của Đức ông đây! Đăng Hưng muốn hỏi, việc gian dâm ấy có thực hay không?
Lê Văn Duyệt lúng túng:
- Thực hay không? Thực hay không? Câu hỏi ấy…
Đăng Hưng ngắt ngang:
- Câu hỏi ấy, quan trọng lắm!
Lê Văn Duyệt nuốt khan:
- Vâng, câu hỏi ấy quan trọng lắm! Nhưng chính ta… Chính ta cũng không làm sao trả lời được!
Đăng Hưng nghe vậy thụt lùi một bước, cúi đầu:
- Một mạng người, sao có thể vứt đi vì một tội mà ta chưa biết có hay không?
Lê Văn Duyệt lặng im, vẻ mặt như nuốt phải mật đắng.
Đăng Hưng đau xót:
- Và tại sao lại là Đức ông? Việc trị tội trong nội bộ hoàng thất, thì các đội quân Dực Chấn, Hổ Oai… không thể làm được hay sao?
Lê Văn Duyệt chua chát:
- Ông Hưng! Ông đã hỏi, tất là ông đã phỏng đoán được vì sao lại là ta rồi!
Đăng Hưng cúi đầu, hai vai rũ xuống:
- Đăng Hưng hiểu rồi. Hoàng thượng muốn dùng tính mạng của Anh Duệ Vương phi để từ nay mãi mãi cách ly Đức ông với Hoàng tôn Mỹ Đường.
Giọng Lê Văn Duyệt trở nên khàn đục:
- Không phải Hoàng thượng đâu, chính là Thái hậu. Ta đã thua một người đàn bà rồi, Đăng Hưng à. Bà ta ghê gớm lắm, ghê gớm hơn ta tưởng. Ông hãy nhìn lại những chính sách từ khi Hoàng đế lên ngôi. Từ chuyện không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, chuyện ban hành các bài Đế hệ thi và Phiên hệ thi, chuyện bắt dòng dõi các phiên vương đổi từ Nguyễn Phúc thành Tôn Thất, rồi đến chuyện này… Tất cả đều nhắm vào một việc là củng cố quyền lực của Hoàng đế. Là khẳng định tính chính danh của đệ nhị chánh hệ. Tất cả là mưu trí của bà ta. Ta đã phải trả giá vì đánh giá bà ta quá thấp.
Đăng Hưng cay đắng:
- Trời ơi. Đó là sự thật hay sao? Đức ông biết rõ vậy, mà đành phải chấp nhận?
- Đúng vậy. Rồi ngay cả ông nữa, cũng sẽ có lúc như ta, biết rõ sự thực mà không thể nào mở miệng.
“Không thể nào …mở miệng?” Phạm Đăng Hưng nghẹn lời. Trước mặt ông là Lê Văn Duyệt mà trước nay ông vẫn xem như một thần tượng. Giờ phút này, trong tâm hồn ông dường như có tiếng ầm khủng khiếp vang dội trong tâm tư. Một tượng đài đang sụp đổ.
*
Lễ Đại triều tháng ấy, vụ án ở phủ Anh Duệ được tuyên ngay trước sân chầu. Trước điện Thái Hòa, hai anh em Mỹ Đường, Mỹ Thùy bị điệu ra trước văn võ bá quan, quỳ chờ nghe Thánh chỉ.
Thái giám tuyên đọc:
“Tôn Thất Mỹ Đường, lòng dạ cầm thú, phạm tội thất đức từ xưa đến nay chưa từng thấy. Trẫm nghĩ xấu hổ cho giống dòng hoàng tộc, nên đã hạ lệnh xử kín Tống Thị, để đỡ tai tiếng ô nhục. Nhưng nay việc dữ đồn xa, trong triều ngoài chợ ai ai cũng đều biết, không ai không bàn tán sỉ vả. Xét không thể bao che được nữa nên Trẫm phải đưa ra định tội để làm yên công luận trong ngoài. …”
Lê Văn Duyệt đứng gần ngai vua, khuôn mặt im lìm như tượng đá.
“…Nay xét Mỹ Đường đáng tội voi giày ngựa xé, nhưng dù sao theo điều khoản nghị thân cũng có lệ giảm tội cho người trong hoàng thất. Lại nghĩ đến công lao của Anh Duệ Hoàng Thái tử Cảnh ngày trước, nên cũng thương tình dung cho tính mạng, khỏi tội lao tù. Song nếu tha hẳn thì không khỏi công luận phẫn nộ, nay Trẫm lệnh cho cách hết phẩm tước, nạp lại quả ấn và dây thao. Tôn Thất Mỹ Thùy ở cùng một nhà mà không biết can ngăn mẹ và anh, để sinh ra việc dâm loàn xấu hổ, cũng phải chịu hình phạt như vậy. …”
Đăng Hưng đứng trong hàng triều quan tam phẩm. Không giấu được vẻ thương xót, ông đưa ống tay áo lên che mặt.
“…Trẫm đã tính toán đủ đường, khoan hồng cất nhắc nhiều lắm. Từ nay hai anh em hãy yên phận thứ dân, phải vui vì được ơn khoan hồng tha mạng, cố gắng hối cải đừng tái phạm lỗi lầm. Truyền Tôn nhân phủ gạch tên Mỹ Đường, Mỹ Thùy trong sổ tôn thất, con cháu từ nay về sau cũng bị xóa tên.”
Mỹ Đường, Mỹ Thùy quỳ mọp giữa sân triều, ngẩng đầu lên nhìn, ánh mắt mờ đục ngây dại như không còn chút tinh thần nào nữa.
Lính áp giải hô:
- Tạ ơn Hoàng thượng đi!
Hai anh em nhìn quanh, ngật ngưỡng như chẳng còn hiểu gì.
Một võ quan đứng dưới thềm vội quát lính lôi Mỹ Đường, Mỹ Thùy ra. Theo lối cửa Hậu phía sau Đại Nội, họ bị giải ra khỏi hoàng cung.
Hai ông hoàng, nay đã thành hai kẻ dân đen tay trắng, thất thểu dắt dìu nhau về lại nhà xưa.
Mỹ Đường, Mỹ Thùy bước vào Anh Duệ phủ. Vương phủ ngày trước tráng lệ như vậy, bây giờ đã hoang tàn. Những căn phòng trống không, đồ đạc đã bị cướp sạch.
Mỹ Thùy co ro ngồi xuống một góc thềm, cạnh những ngọn cỏ hoang lún phún mọc xuyên qua kẽ gạch.
- Anh, anh và mẹ có làm việc loạn luân đó không?
Mỹ Đường sững sờ, nghẹn ngào:
- Trời ơi, chính em mà cũng nghi ngờ anh sao?
Mỹ Thùy gục mặt xuống, khóc.
- Em có làm gì đâu mà bây giờ mất hết tất cả rồi!
*
Những ngày sau đó, người dân trong thành thường thấy một người đàn ông trẻ tuổi áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù, đi lang thang ngẩn ngơ trên những con đường ven sông. Vừa đi Mỹ Đường vừa cất tiếng gào thảm thiết:
- Mẹ ơi, mẹ ơi!
Sông vẫn lặng lẽ chảy xuôi dòng.
Một tốp đàn bà đi chợ sớm đang băng qua. Thấy Mỹ Đường, họ xì xào:
- Biết ai đó không, cái ông hoàng Mỹ Đường đó!
- Cái ông ngủ cả với mẹ, bị bắt gặp trần truồng tô hô đó hả?
- Nghe nói rứa đó, chao ôi, con vua với cháu chúa, chừ loạn hết cả rồi.
Một bà thì thầm, vẻ khoái trá:
- Nghe nói ông ấy dâm lắm, ghê lắm… Trẻ không tha, già không thương, bạ ai cũng quơ.
Mỹ Đường vô tình đi tha thẩn đến gần. Mấy người đàn bà hốt hoảng:
- Ôi chao, nguy quá, cái lão dâm ấy hắn thấy tụi mình rồi đó, chị em ơi…
Cả bọn hò nhau vắt chân lên cổ chạy.
Mỹ Đường nhìn theo, ngơ ngẩn một lúc mới hiểu. Vừa khóc, ông ta vừa đấm ngực:
- Tha tội chết cho ta, để cho ta mang lấy tội sống, cả đời nhúng mặt xuống bùn.
Đêm ấy trước cổng phủ Phạm Đăng Hưng, Mỹ Đường đấm cửa, gào khan:
- Quan Tổng tài! Quan Tổng tài! Mở cửa cho tôi vào.
Bên trong dường như ai nấy đã đi ngủ cả, chỉ thấy im lặng.
Mỹ Đường vẫn đấm cửa:
- Quan Tổng tài! Tôi nghe nói ông là người trung nghĩa tiết tháo. Ông có dám ra nói chuyện với tôi không, hay cũng như người ta quay lưng núp mặt?
Bên trong phủ, Hạnh Thảo đang buông mùng, quạt muỗi. Nàng thấy đứa bé trong thai đạp mạnh, liền cầm tay chồng đặt lên bụng mình:
- Chàng hãy nghe con của chúng mình đang đạp đây…
Đăng Hưng lòng hơi khuây, mỉm cười:
- Đạp mạnh lắm! Chắc là con trai!
Tiếng gào của Mỹ Đường vọng vào, lần này rõ mồn một:
- Đăng Hưng! Ông cũng tránh không dám tiếp tôi ư? Đăng Hưng!
Đăng Hưng ngồi dậy nghe ngóng. Lính hầu chạy vào:
- Bẩm quan lớn, cái ông Mỹ Đường đến day cửa nhà ta, đòi gặp quan. - Người lính hạ giọng:- Mấy hôm nay ông ấy đến khắp các nhà quan day cửa kêu gào, ai cũng tránh không dám tiếp, rầy rà lắm. Quan lớn cứ ngủ đi, để con đối phó cho.
Đăng Hưng khoác áo, bước ra:
- Chú ra mở cửa, mời ông ấy vào đây.
Hạnh Thảo bước theo ra, lo lắng. Lính hầu cố gắng ngăn lại:
- Không quan nào dám tiếp ông ấy đâu, quan phải nghĩ kỹ kẻo phiền phức lắm đó!
Đăng Hưng nghiêm giọng:
- Ta bảo chú cứ mời ông ấy vào đây!
T.T.M
(TCSH352&SDB29/06-2018)