Tạp chí Sông Hương - Số 353 (T.07-18)
Tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Phú Đức trong dòng chảy tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX
15:21 | 08/08/2018

DIỆP THỊ THANH THÚY

Những năm 1920 - 1930, tiểu thuyết trinh thám bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, trong bối cảnh cuộc sống đương thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây.

Tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Phú Đức trong dòng chảy tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX
Nhà văn Phú Ðức - Nguyễn Đức Nhuận (1901-1970) - Ảnh: internet

Các bộ truyện trinh thám như Fantomas, các tác phẩm của Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc, Georges Simenon... dịch từ tiếng Pháp, in theo dạng “sách ba xu” (in bằng giấy nhật trình, giá bán ba xu), được bày bán ở các đô thị và thu hút rất đông độc giả thuộc các tầng lớp thị dân. Một số nhà văn Việt Nam theo đó đã mô phỏng các cốt truyện hình sự - điều tra trong truyện trinh thám nước ngoài, làm manh nha một thể loại mới: tiểu thuyết trinh thám. Từ cuối thập niên 1930 đến trước 1945 là thời kỳ phát triển nở rộ của tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam, xuất hiện cùng lúc nhiều tác giả chuyên viết trinh thám.

Tiểu thuyết trinh thám ở cả hai miền Nam - Bắc, nếu tính từ những sáng tác đầu tay của Biến Ngũ Nhy cho đến những sáng tác cuối thập niên bốn mươi của Bùi Huy Phồn, đã trải qua những chặng đường phát triển khác nhau, vừa tiếp thu yếu tố trinh thám nước ngoài vừa cố gắng bảo lưu yếu tố truyền thống của văn hóa dân tộc. Tiểu thuyết trinh thám vốn ra đời trong lòng xã hội thị dân phương Tây, gốc gác hình thức cổ điển của nó nằm ở phương Tây, tuy nhiên các nhà văn Việt Nam khi viết trinh thám đều có ý thức mạnh mẽ về bản địa hóa thể loại. Chính Phạm Cao Củng đã bày tỏ mong muốn bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám trong cuốn Hồi ký của ông: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, mà vai chính cần có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam.”
 

Trong số các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám Việt Nam buổi đầu, Phú Đức là tác giả có số lượng tác phẩm xuất bản khá lớn. Ông để lại cho nền văn học Việt Nam hơn 70 bộ tiểu thuyết ở ba mảng đề tài: tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết xã hội. Tuy nhiên, ông chỉ thành công với mảng tiểu thuyết trinh thám với những đóng góp trên phương diện kết cấu tác phẩm thoát khỏi cách thức kết cấu tiểu thuyết chương hồi, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật… Với tiểu thuyết trinh thám Châu về Hiệp Phố của Phú Đức, có thể khẳng định cho đến những thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỉ XX, ở Nam Bộ vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua được Châu về Hiệp Phố để tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng yêu văn học lúc bấy giờ. Châu về Hiệp Phố vừa mang dáng dấp truyền thống khi xây dựng thành công những nhân vật anh hùng “hảo hán” trọng nghĩa, trọng tình “Kiến nghĩa hữu vi vô dũng dã” lại vừa hiện đại khi khai thác thế giới nội tâm nhân vật bằng những suy nghĩ lãng mạn và không kém phần “hiện đại” của phương Tây. Tiểu thuyết này là minh chứng cho sự giao thoa giữa hai nền văn hóa và những đóng góp lớn của Phú Đức cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Đặc điểm chung của tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đầu thế kỉ XX

Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, do hoàn cảnh lịch sử mà quá trình hiện đại hóa một nền văn học mới viết bằng chữ quốc ngữ đã diễn ra ở Nam Bộ trước. Cuối thế kỉ XIX, người Pháp và tầng lớp trí thức ở miền Nam, nhất là khu vực văn chương Công giáo, đã đưa chữ quốc ngữ thoát ra khỏi bốn bức tường của tu viện để hình thành nên quốc tự mới cho dân tộc. Đầu thế kỉ XX, công chúng Nam Bộ đã dần quen với các tác phẩm văn học đến từ phương Tây thông qua sự phát triển của báo chí. Nền văn học mới với công chúng mới và những nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ mới, khiến cho các nhà văn bắt đầu những thể nghiệm mới: “Văn chương thời điểm này có nhiệm vụ và sứ mạng riêng của nó. Đó là khởi đầu của một nền văn học hướng về đại chúng, lấy đại chúng làm đối tượng sáng tác. Do vậy, đòi hỏi những sáng tác có tầm cỡ, tuyệt tác trong thời điểm này thì thật là không công bằng đối với lịch sử”(1).

Người có công mở đầu cho tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam không ai khác chính là Biến Ngũ Nhy với tác phẩm Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, được in nhiều kì trên báo Công luận từ năm 1917. “Bằng cái tên ấy dường như tác giả muốn “trình chánh” cho người đọc một loại tiểu thuyết mới” (Phan Khôi). Trong khi văn xuôi tự sự quốc ngữ buổi phôi thai ở hai miền Nam - Bắc bị chững lại vì sự tác động của chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), thì Biến Ngũ Nhy vẫn đều đặn sáng tác cho báo, để rồi khai sinh một thể loại mới cho văn học Việt Nam: tiểu thuyết trinh thám. Sau Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Biến Ngũ Nhy còn sáng tác thêm các tiểu thuyết Một người ăn cắp bạc nhà nước, Chủ nợ bất nhơn. Tiếp nối Biến Ngũ Nhy, từ năm 1920 trở đi, ở miền Nam, đã xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết gia chuyên sáng tác tiểu thuyết trinh thám cho các báo như Bí mật phi thường, Cái rương bí mật của Tuấn Anh; Gái trả thù cha của Nguyễn Chánh Sắt; Khép cửa phòng thu, Chén thuốc độc, Giọt lệ má hồng của Nam Đình Nguyễn Thế Phương; Bát cơm chan máu, Chén cơm lạt, Tướng cướp hào hoa của Sơn Vương; Cái thây ma chết oan của Nguyễn Tinh Uyên; Mảnh trăng thu, Cậu Tám lọ của Bửu Đình; Lá huyết thư, Người bán ngọc của Lê Hoàng Mưu… Dễ dàng nhận thấy, do ảnh hưởng của văn học truyền thống, truyện công án của Trung Quốc và điều quan trọng - đánh trúng vào tâm lí thị hiếu của cư dân vùng sông nước, nên tiểu thuyết trinh thám giai đoạn này là sự dung hợp của nhiều yếu tố ái tình, võ hiệp, trinh thám… Người đọc sẽ vô cùng thích thú khi nhân vật chính trong tác phẩm luôn hoàn hảo: vừa đa tình, vừa hào hoa lãng mạn, lại vừa thông minh, võ nghệ cao cường. Khi cần có thể vừa điều tra phá án vừa cảm thán làm thơ. Vì thế, dựa vào các đặc trưng của thể loại tiểu thuyết trinh thám phương Tây, thì người đọc khó có thể xếp các tác phẩm này vào một khuôn khổ nhất định được.

Tiểu thuyết trinh thám ở miền Bắc ra đời sau tiểu thuyết trinh thám ở miền Nam nhưng lại nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Người có công mở đầu cho tiểu thuyết trinh thám ở miền Bắc chính là Thế Lữ với tác phẩm Vàng và máu (1934). Hai năm sau, trên văn đàn xuất hiện tiểu thuyết Vết tay trên trần (1936) của Phạm Cao Củng. Được công chúng đón đọc, cả hai nhà văn lần lượt trình làng những bộ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng như Một chuyện ghê gớm, Ba hồi kinh dị, Lê Phong làm thơ, Lê Phong phóng viên, Những nét chữ, Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn, Gói thuốc lá… của Thế Lữ; Kho tàng họ Đặng, Máu đỏ lòng son, Chiếc tất nhuộm bùn, Người một mắt, Nhà sư thọt, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát… của “Vua truyện trinh thám Việt Nam” Phạm Cao Củng. Ngoài ra, còn có các tác phẩm của Bùi Huy Phồn như Mối thù truyền kiếp, Gan dạ đàn bà nhưng không tạo được tiếng vang. Học tập, vay mượn mô hình tiểu thuyết trinh thám phương Tây, cả Thế Lữ và Phạm Cao Củng đều xây dựng những series truyện về các thám tử như thám tử Lê Phong (Thế Lữ), thám tử Kỳ Phát (Phạm Cao Củng). Cả hai thám tử đều thông minh, lý trí, giỏi suy luận, phán đoán và lập luận logic để điều tra phá án. Thông qua hai thám tử, người đọc dễ dàng nhận thấy dáng dấp thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle. Điều này cũng không có gì là lạ, khi mà quá trình hiện đại hóa văn học đòi hỏi mọi thể loại phải diễn ra gấp rút, phải nhanh chóng đưa văn học Việt Nam hiện đại bước vào quỹ đạo của văn học thế giới. Thành công của Thế Lữ và Phạm Cao Củng là điều đáng ghi nhận và trân trọng.

Sau năm 1945, đất nước có nhiều biến động. Cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Để phục vụ cho hai cuộc kháng chiến trường kì vĩ đại, văn học đòi hỏi phải thay đổi. Vì thế, Thơ Mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn đến hồi cáo chung. Các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám ở miền Bắc, phần lớn chuyển sang sáng tác những thể loại khác như thơ, kí, kịch. Có chăng chỉ còn lại Phạm Cao Củng với một vài tác phẩm viết về tên tướng cướp Tám Huỳnh Kỳ, nhưng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. “Câu chuyện cảnh giác”, “Chuyện vì an ninh tổ quốc” lên ngôi. Ở miền Nam, nền văn học đô thị với nhiều trào lưu, khuynh hướng mới, khiến tiểu thuyết trinh thám trở nên bơ vơ, lạc lõng. Hầu như không xuất hiện những tác giả, tác phẩm mới. Những nhà văn còn lại, sáng tác không nhiều và lay lắt với cái bóng của một thời đã vang.

Như vậy, tiểu thuyết trinh thám ở cả hai miền Nam - Bắc, nếu tính từ những sáng tác đầu tay của Biến Ngũ Nhy cho đến những sáng tác cuối thập niên bốn mươi của Bùi Huy Phồn đã trải qua những chặng đường phát triển khác nhau, vừa tiếp thu yếu tố trinh thám nước ngoài vừa cố gắng bảo lưu yếu tố truyền thống của văn hóa dân tộc. Mỗi chặng đường phát triển, tiểu thuyết trinh thám đều thỏa mãn được tâm lý của người tiếp nhận. Tiểu thuyết trinh thám miền Nam ra đời trước nhưng sau đó lại nhanh chóng nhường ngôi vị chủ soái cho tiểu thuyết trinh thám miền Bắc, để các nhà văn ở đây tiếp tục đưa tiểu thuyết trinh thám lên những tầng cao mới của lâu đài văn chương dân tộc.

Nhà văn Phú Đức và đặc điểm riêng của tiểu thuyết trinh thám

Có thể khẳng định, trong số các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám nửa đầu thế kỉ XX ở Nam Bộ, Phú Đức là cái tên được “săn đón” nhiều nhất. Hình như các nhà nghiên cứu đều tìm thấy những điều thú vị từ các câu chuyện của nhà văn “phú nhuận ốc, đức nhuận thân” (Phú Đức) này. Và càng nghiên cứu lại càng “giải mã” thêm những điều mới lạ.

Nhà văn Phú Đức tên thật là Nguyễn Đức Nhuận. Ông thường lấy bút danh là Phú Đức (dựa trên câu trong sách cổ “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân” - Giàu làm đẹp nhà cửa, đức làm đẹp bản thân), Huyền Đức, tên thánh là Joseph.

Phú Đức sinh ngày 24 tháng 9 năm 1901 tại xã Bình Hòa, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh). Cha là Nguyễn Đức Tuấn, xuất thân trường Collège d’Adran, làm giáo viên, sau làm Đốc học tỉnh Gia Định. Mẹ là Nguyễn Thị Hải, sinh được tám người con (năm trai, ba gái), Phú Đức là con thứ tư. Xuất thân trong một gia đình giàu có, quyền thế, nên từ bé Phú Đức đã được giáo dục, đào tạo theo nề nếp gia phong. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm, ông dấn thân vào nghề dạy học và dạy chính ở ngôi trường mà cha của ông làm Hiệu trưởng. Tuy sống bằng nghề dạy học nhưng giấc mộng văn chương, tính phiêu lưu mạo hiểm vẫn luôn sôi sục trong con người ông.

Năm 1926, Phú Đức lập gia đình với bà Nguyễn Thị Khanh - con của một gia đình quyền quý ở Thủ Dầu Một. Và cũng chính trong năm này, Phú Đức quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào làng báo và viết tiểu thuyết cho đến cuối đời: “Người ta nói rằng tuổi đôi mươi chàng công tử con nhà đó bước chân vào môi trường giáo dục, thong dong và sống rất phong lưu: dạy lớp ba trường Marc Ferrando - Gia Định, lương 40 đồng/ tháng, đi làm bằng mô tô. Nhưng nghề gõ đầu trẻ hình như quá tĩnh với một tính cách ưa hành động, khát phiêu lưu, dù chỉ là phiêu lưu trên trang giấy. Có những ngày chàng để mặc học trò, cắm đầu sáng tác. Và thế là thầy giáo Nguyễn Đức Nhuận trở thành tiểu thuyết gia Phú Đức”(2). Và: “Nếu nghề giáo là nếp nhà, và là chuyên môn được đào tạo hẳn hoi thì nghề văn lại là một lựa chọn bất ngờ, vậy mà hai phần ba cuộc đời, ông sống nhờ và sống vì tiểu thuyết”(3).

Dấn thân vào làng báo, khởi đầu Phú Đức cộng tác với tờ Trung lập báo, sau đấy chuyển sang cộng tác rồi làm chủ bút tờ Công luận báo. Vốn là người thích phiêu lưu mạo hiểm, thích thể thao, giỏi võ thuật, ái mộ nhà văn chuyên viết truyện kiếm hiệp ở phương Tây Michel Zévaco, nên trong cuộc đời cầm bút, phần lớn Phú Đức chuyên sáng tác tiểu thuyết trinh thám, võ hiệp. Theo các nhà nghiên cứu, Phú Đức sáng tác nhiều, sáng tác nhanh và số lượng tiểu thuyết chỉ đứng sau hiện tượng Hồ Biểu Chánh.

Phú Đức mất ngày 04 tháng 3 năm 1970 tại Sài Gòn, thọ 70 tuổi.

“Hai phần ba cuộc đời sống nhờ và sống vì tiểu thuyết” (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Dựa trên cuộc đời cầm bút và theo những diễn biến thăng trầm của đất nước, có thể tạm chia hành trình sáng tác văn chương của Phú Đức làm hai giai đoạn: từ 1926 đến 1945 và từ 1945 đến 1970.

* Giai đoạn từ 1926 đến 1945

Năm 1926, Phú Đức chính thức từ giã nghề dạy học để gắn liền với nghiệp cầm bút, nhưng trước đó, ông đã thử sức mình bằng tác phẩm Câu chuyện canh tràng (1925) đăng trên báo Trung Lập được bạn đọc đón nhận, cổ vũ. Nhanh chóng, Phú Đức được ông chủ bút báo Trung Lập mời cộng tác. Sau Câu chuyện canh tràng, Phú Đức cho đăng nhiều kì tiểu thuyết Căn nhà bí mật. Và chính tiểu thuyết này đã khiến cho Trung Lập trở thành tờ báo có số lượng phát hành nhiều nhất miền Nam lúc bấy giờ.

Năm 1926, Phú Đức bắt đầu viết tiểu thuyết Châu về Hiệp Phố cho báo Trung Lập, nhưng nửa chừng thì ngưng. Sau đấy, ông tiếp tục viết và cho đăng trên báo Công Luận với tên mới Hoàng Ngọc Ẩn. Báo ra được vài số, ông lại tiếp tục đổi thành Hiệp Phố Châu hườn. Năm 1928, khi tiểu thuyết này được in thành sách mới có tên Châu về Hiệp Phố và tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay. Có thể khẳng định Châu về Hiệp Phố là một trong những tiểu thuyết đầu tay nhưng lại là tiểu thuyết thành công nhất trong cuộc đời cầm bút của ông. Tác phẩm được tái bản đi tái bản lại nhiều lần và được chuyển thể sang những loại hình sân khấu khác. “Trước năm 1945, Châu về Hiệp Phố của Phú Đức có lẽ là bộ tiểu thuyết được độc giả Nam kỳ say mê nhất, và là bộ tiểu thuyết có độ dài kỷ lục mà chưa tác phẩm nào có thể vượt qua”(4).
 

Ngoài tác phẩm này, Phú Đức còn thử sức mình trên những loại tiểu thuyết khác. Từ năm 1926 đến năm 1934, Phú Đức vừa viết tiểu thuyết trinh thám vừa viết tiểu thuyết xã hội và tiểu thuyết lịch sử với những tác phẩm tiêu biểu như Tiểu anh hùng Võ Kiết, Đau đớn phận nghèo, Tình trường huyết lệ, Tơ hồng cay nghiệt, Lửa lòng, Non tình biển bạc, Một mặt hai lòng, Một thanh bửu kiếm, Chẳng vì tình, Căn nhà bí mật, Tổng đốc Hồ Cường,… Dẫu viết về mảng đề tài gì thì tiểu thuyết của Phú Đức vẫn luôn thu hút, lôi cuốn người đọc. Có thể khẳng định đây là giai đoạn sung sức và thành công nhất của tiểu thuyết gia Phú Đức. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân trong bài viết “Phú Đức - một hình mẫu nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỉ XX”, T/c NCVH, số 7/2006 đã dẫn lời nhận định của nhà báo Ngọa Long (Nguyễn Kim Lượng) khi cho rằng, bằng văn chương, Phú Đức đã tạo nên một hình mẫu người đàn ông trong mộng của nhiều người: “giỏi võ nghệ, thừa can trường, khỏe, thông minh, rộng rãi, hào hoa, hoạt động lanh lẹ, chạy xe xì gà ác chiến. Phú Đức ngoài đời cũng có những nét gần như vậy: chạy môtô và xe hơi sport, chơi thể thao, thạo võ nghệ… đồng thời “xài tiểu thuyết, xài tên tuổi và “cái thế” của con nhà văn, xen vào cuộc đời phù phiếm ở Sài Gòn hoa lệ trong thời kì này”.

Từ năm 1935 trở đi, sự nghiệp của tiểu thuyết gia Phú Đức bắt đầu chững lại. Quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX đã hoàn tất. Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn đoàn đã có chỗ đứng trong lòng độc giả trên cả nước. Hơn nữa, sự khủng hoảng nền kinh tế thế giới, chiến tranh lan rộng, khiến cho đời sống báo chí và văn học miền Nam trở nên ảm đạm. Các tác phẩm của Phú Đức tuy vẫn được công chúng tìm đọc nhưng không còn nồng nhiệt như trước.

* Giai đoạn từ 1945 đến 1970

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, báo chí ở miền Nam lại tiếp tục khởi sắc, kéo theo những thay đổi mới của đời sống văn học. Nhiều tờ báo mới được ra đời. Số lượng công chúng đến với báo chí ngày càng đông. Những cú hích ngoạn mục ấy, đã tạo điều kiện cho Phú Đức viết thêm nhiều tác phẩm mới đăng trên các báo Thần Chung, Tiếng chuông, Sài Gòn mới, Bình dân, Đuốc Nhà Nam như Ngọc lam điền, Tiếng súng đêm mưa, Bà chúa đền vàng, Bạch Kinh kì… Đồng thời, Phú Đức cho tái bản lại những bộ tiểu thuyết nổi tiếng trước đây, nhất là tiểu thuyết Châu về Hiệp Phố. Chính việc làm này, mà ông được công chúng miền Nam mệnh danh là “tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”. Cụ thể năm 1952, tiểu thuyết Châu về Hiệp Phố được đăng lại trên tờ Thần chung. Vài năm sau nó lại tiếp tục xuất hiện trên tờ Bình dân (là tờ báo do Phú Đức sáng lập (1954 - 1963) chuyên đăng lại các tác phẩm của ông). Đến năm 1970, Châu về Hiệp Phố một lần nữa tái xuất hiện trên tờ Đuốc Nhà Nam. Điều kì lạ, cho dẫu bổn cũ soạn lại bao nhiêu lần, thì Châu về Hiệp Phố vẫn có số lượng công chúng nhất định: “Một bộ tiểu thuyết xưa được đăng đi đăng lại trên báo cách nhau không bao nhiêu năm như vậy mà vẫn có người đọc, thì thật là lạ! Chúng ta có thể nói Châu về Hiệp Phố là bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Phú Đức”(5). Trong bài viết “Văn nghiệp Phú Đức - Tiểu thuyết gia một thời nổi tiếng ở Nam Bộ”, các tác giả Thượng Sỹ, Vũ Bằng, Ngọa Long đã cho rằng “Chỉ với cái tên tác giả Phú Đức là đủ đảm bảo, đủ lôi kéo bạn đọc rồi; nhưng phải nhìn nhận là trong tất cả tiểu thuyết của Phú Đức thì chỉ có bộ Châu về Hiệp Phố là hay hơn hết”(6). Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn đã khẳng định thành công của Phú Đức: “Trước 1945, Châu về Hiệp Phố của Phú Đức có lẽ là bộ tiểu thuyết được độc giả Nam kỳ say mê nhất”(7).

Từ nửa sau thế kỉ XX, khi văn học Việt Nam đã đạt được những thành tựu rực rỡ, đã có thêm nhiều tầng cao mới hòa nhập dễ dàng vào dòng chảy của văn xuôi thế giới, thì những tiểu thuyết gia nổi tiếng một thời ở miền Nam giờ đang từng bước “lụi tàn”. Văn học có những qui luật phát triển riêng của nó mà định lượng chưa hẳn đã là tiêu chí hàng đầu. Ngoại trừ Châu về Hiệp Phố, 69 bộ tiểu thuyết còn lại của Phú Đức, công chúng đương thời không mấy ai mặn mà, khi mà tư duy thẩm mỹ ngày càng cao, đòi hỏi ở nhà văn những tác phẩm thật sự có giá trị về mặt nghệ thuật. Hình thức Feuilleton (đăng nhiều kì) trên báo đã đưa Phú Đức lên đến đỉnh cao của sự nghiệp: “Phú Đức là một trong những người thành công nhất với tiểu thuyết Feuilleton. Vậy nếu không có báo chí, chưa hẳn có một Phú Đức. Và ngược lại Phú Đức cũng làm sôi động báo chí một thời”(8) đồng thời cũng đẩy Phú Đức nhanh chóng đến chỗ lụi tàn, bởi việc “chuyên “sản xuất” tiểu thuyết cho các báo hằng ngày” (Nguyễn Văn Y) khiến ông viết nhanh viết vội, viết không kịp sửa chữa, dẫn đến tình trạng nội dung tác phẩm còn nhiều bất hợp lý, tính nghệ thuật không cao. Dẫu giai đoạn sau, tiểu thuyết gia Phú Đức chỉ còn là cái bóng của một thời đã vang, nhưng không ai có thể phủ nhận công lao khai sơn phá thạch một thời của ông khi đưa tiểu thuyết trinh thám lên đến đỉnh cao của văn học Nam Bộ những thập niên đầu thế kỉ XX. Nhờ có ông, tiểu thuyết trinh thám mới được khẳng định và có những đóng góp nhất định cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Theo các nhà nghiên cứu, Phú Đức đã để lại cho nền văn học Việt Nam hơn 70 bộ tiểu thuyết ở ba mảng đề tài: tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết xã hội. Tiểu thuyết lịch sử có Tiểu anh hùng Võ Kiết; tiểu thuyết xã hội có Tơ hồng cay nghiệt, Đau đớn phận nghèo… Nhưng cả hai mảng đề tài này không làm nên thành công cho Phú Đức. Ông không thể vượt qua được Phạm Minh Kiên, Nguyễn Chánh Sắt về tiểu thuyết lịch sử và cũng không thể nào sánh vai với Hồ Biểu Chánh về mảng tiểu thuyết xã hội, mặc dầu ông từng tâm sự muốn trở thành nhà văn của những mảnh đời cơ cực “Không áo cơm cù bất cù bơ” (Tố Hữu). Phú Đức chỉ thành công với mảng tiểu thuyết trinh thám và cũng chỉ có tiểu thuyết trinh thám mới đem đến cho ông danh vọng, tiền bạc và cuộc sống viên mãn: “Phú Đức không phải là người viết truyện trinh thám đầu tiên ở Việt Nam, nhưng ông là một tiểu thuyết gia sáng tác được nhiều bộ tiểu thuyết trinh thám võ hiệp “ăn khách” vào bậc nhất ở miền Nam, nếu không nói là ở cả nước ta” (Nguyễn Văn Y).

Tuy Phú Đức cũng giống như Sơn Vương, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Bửu Đình… trong cách xây dựng tiểu thuyết trinh thám mang tính đặc trưng của vùng đất Nam Bộ: ái tình xen lẫn với phiêu lưu, võ hiệp, hành động. Tiểu thuyết thiên về hành động chứ không thiên về đời sống nội tâm. Các tình tiết, diễn biến câu chuyện phải gay cấn, hồi hộp nhưng không quá rườm rà, phức tạp. Nhân vật chính luôn thể hiện tinh thần nghĩa hiệp của lữ khách giang hồ ngày xưa “Giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha” (Lục Vân Tiên), dẫu giờ đây các nhân vật ấy đã đoạn tuyệt hẳn với thanh gươm yên ngựa. Và kết thúc tác phẩm bao giờ cũng theo môtip “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”… Mô hình xây dựng tiểu thuyết như vậy, cho thấy các nhà văn cũng như tâm lí tiếp nhận của người dân Nam Bộ còn chịu ảnh hưởng sâu nặng của văn chương, đạo đức truyền thống. Dẫu giống nhau trong mô hình chung nhưng bằng trí thông minh, sáng tạo, Phú Đức vẫn tạo ra được dấu ấn, phong cách riêng của mình trong dòng chảy chung ấy. Và điều ấy giúp ông làm nên thành công: “Phú Đức và Bửu Đình vốn tiến xa hơn Hồ Biểu Chánh ở chỗ câu văn hầu như đã rất ít dấu vết biền ngẫu, và chủ đề đạo lý chính - tà đã có một bước tha hóa khá rõ để trở thành cái kết cấu xoắn quyện, đôi khi có chuyển hóa giữa phe chính - tà trong các tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám - võ hiệp của hai ông”(9).

Nếu như dấu ấn tiểu thuyết chương hồi được thể hiện khá rõ trong các nhà văn Nam Bộ cùng thời, thì Phú Đức ít nhiều đã thoát ra khỏi kết cấu cổ điển ấy. Trong các tác phẩm của mình, Phú Đức không ghi “Hồi thứ…”, “Chương thứ…” với hai câu thơ mở đầu, mà chỉ đánh dấu thứ tự bằng số La Mã với vài từ tóm tắt diễn tiến câu chuyện. Ví dụ trong Châu về Hiệp Phố: I. Dụng sắc giết người; VIII. Câu chuyện của Nguyệt Ánh; IX. Tâm sự li kì… Cách chia chương mục hiện đại như thế này về sau đều được lặp lại trong tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Phạm Cao Củng.

Chính cái kết cấu “xoắn quyện” trong tiểu thuyết trinh thám của Phú Đức, khiến các nhân vật, nhất là nhân vật chính đều mang những nét đặc trưng riêng biệt. Chàng trai hào hoa, nghĩa hiệp Hoàn Ngọc Ẩn trong Châu về Hiệp Phố vừa có óc suy luận, phán đoán mang bóng dáng của nhân vật Sherlock Holmes, lại vừa thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn, tài trí hơn người của tên tướng cướp Arsène Lupin trong truyện trinh thám của Maurice Leblanc. Có lẽ, không có nhà văn nào ở miền Nam cho đến những thập niên bốn mươi, năm mươi của thế kỉ XX lại có thể xây dựng được nhân vật thám tử như Hoàn Ngọc Ẩn trong tiểu thuyết của Phú Đức, khi một mình sống hai cuộc đời đối lập: vừa đóng vai chàng sinh viên trường Y hào hoa, đa tình Hoàn Ngọc Ẩn lại vừa hoàn thành xuất sắc trong vai tên cướp thông minh, quỷ quyệt Hiệp Liệc. Chính điều này làm nên cơn sốt ghiền Hoàn Ngọc Ẩn trong công chúng đương thời: “Độc giả trong Nam chiếm hết 70 phần trăm say mê Hoàn Ngọc Ẩn và Bách Si Ma” (Nguyễn Văn Y).

Hơn các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám đương thời, Phú Đức không chỉ uyên thâm về kiến thức mà còn tinh thông võ nghệ. Việc đam mê võ thuật, được rèn luyện võ thuật từ sớm, khiến võ thuật trở thành sở trường trong tiểu thuyết của ông. Hầu như tác phẩm nào, nhân vật nào trong tiểu thuyết trinh thám của Phú Đức cũng đều tinh thông võ nghệ; từ nhân vật thám tử, đến các mỹ nhân, tên cướp, kẻ hầu phòng… khi cần thiết đều có thể múa gươm đi quyền một cách bài bản. Chính điều này cũng góp phần làm nên thành công cho tiểu thuyết của Phú Đức, khi mà người dân miền Nam ít nhiều đều có tính cách của người anh hùng hảo hán, thích võ hiệp và trọng nghĩa khinh tài.

Tóm lại, những thay đổi của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX cùng với quá trình hiện đại hóa văn học đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các thể loại văn học phương Tây vào Việt Nam gieo trồng và gặt được những vụ mùa bội thu, trong đó có thể loại tiểu thuyết trinh thám. Buổi đầu tiểu thuyết trinh thám vào miền Nam phải có nhiều thay đổi, dung hợp nhiều yếu tố để phù hợp dần với tâm lí thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, khi miền Bắc làm chủ văn đàn, khi quá trình hiện đại hóa kết thúc thì tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về nội dung và nghệ thuật. Và chính chặng đường đầu tiên này đã tạo nhiều thuận lợi cho tiểu thuyết trinh thám Việt Nam ở chặng đường sau vươn lên những tầm cao mới.

D.T.T.T  
(TCSH353/07-2018)

.....................................................
(1), (6), (7) Nguyễn Kim Anh (Chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Nxb. Đại Học Quốc Gia, Tp. HCM.
(2), (3) Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Phú Đức - một hình mẫu nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỉ XX”, T/c Nghiên cứu Văn học, số 7.
(4) Võ Văn Nhơn (2006), “Lê Hoằng Mưu - Nhà văn của những thử nghiệm táo bạo thế kỉ XX”, Tạp chí Văn học, số 37.
(5) Theo Nguyễn Văn Y - Lời giới thiệu tiểu thuyết Châu về Hiệp Phố, Nxb. Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
(8) Trần Hữu Tá (2000), “Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ”, Tạp chí Văn học, số 10.
(9) Nguyễn Huệ Chi (2002), “Thử tìm hiểu vài đặc điểm văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu”, Tạp chí Văn học số 19.
 




 

 

Các bài mới
Giấc mộng (10/08/2018)
Các bài đã đăng
Nhạc hoa (27/07/2018)
Lời ru quá khứ (27/07/2018)