Tạp chí Sông Hương - Số 45 (T.3-1991)
Sự thật trong văn học và văn học trong chức năng khám phá sự thật
10:03 | 20/12/2018


PHONG LÊ

Sự thật trong văn học và văn học trong chức năng khám phá sự thật
Giáo sư Phong Lê thập niên 90

I. Sự thật trong văn học

Yêu cầu cho tự do sáng tác, bao gồm tự do bên ngoài và tự do bên trong, cùng với trách nhiệm xã hội của nhà văn là tinh thần được nêu trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị. Dẫu vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều vướng mắc trong quan niệm và thực tiễn của đời sống văn học cần giải quyết, không tách rời với bối cảnh rộng lớn và phức tạp của sự nghiệp cách mạng, nhưng quả đã có một khí hậu khác trước trong mối quan hệ giữa văn học và hiện thực mà khởi động được bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng với phương châm "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Bây giờ hẳn không còn là lúc người viết băn khoăn: có buộc phải chỉ có ca ngợi và không được phép nói mặt xấu ? Hoặc ngược lại chỉ nên nêu lên cái xấu, và bớt bớt đi sự ca ngợi ! Bây giờ là lúc toàn bộ sự thật phải được nhìn nhận lại, cố nhiên trên lập trường và lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Sự thật và trách nhiệm phải nói thật, cùng với quyền được nói thật như chính Đảng yêu cầu. Không được giả dối, che đậy, xuyên tạc. Không nên "uốn cong ngòi bút" và "viết theo kiểu tùy thời"(1), vì bất cứ lý do gì. Yêu cầu này rồi sẽ gây ngạc nhiên và chấn động cho không ít những ai còn muốn bưng bít, che dấu sự thật vì đủ các loại lý do; và cho tất cả những ai còn "quan liêu" xa rời sự thật. Nó cũng đụng chạm đến cả những ai vẫn còn bị cầm tù trong các quan niệm cũ, định kiến cũ…

Điều dễ hiểu là từ khởi động đó mà sự phát triển mới của văn học được ghi nhận bằng một loại sáng tác đi vào các mặt bề bộn, phức tạp của đời sống, từ quá khứ đến hiện tại. Bức tranh hiện thực bỗng trở nên lung linh, đa sắc như một bản vẽ nhiều mầu, không chỉ được soi chiếu từ nhiều chiều cạnh, mà còn được đặt dưới sự phán xét của các quan điểm không chỉ khác nhau, mà còn là trái ngược nhau. Hệ quả là những tranh cãi đã diễn ra, có mặt thật gay gắt, kéo dài, không dễ phân thắng bại, và cũng không nên sốt ruột trong việc phân xử thắng bại.

Sự thật với khuôn mặt đích thực của nó - đang là mục tiêu kiếm tìm, nhận dạng của văn học chúng ta. Không thể đổ lỗi cho sự thật nếu cuộc sống đã diễn ra như vậy, và có bộ mặt như vậy. Chỉ có thể đổ lỗi cho văn học nếu sự thật trong tác phẩm là nhạt nhẽo, gầy guộc, hoặc chỉ là sự vờn quanh, là nửa vời, là bị che đậy. Nếu có lúc nào đó trước đây người viết còn phải đắn đo trước sự thật vì một lẽ chính đáng hoặc không chính đáng nào đấy, thì bây giờ sự đắn đo, tránh né sự thật lại là sự thiếu bản lĩnh hoặc vô trách nhiệm. Cố nhiên không phải lúc nào con người cũng nói hết được sự thật. Sự thật đang diễn biến, bao hàm nhiều khả năng, phải với khoảng lùi thời gian mới bộc lộ đầy đủ các khía cạnh. Mặt khác, có những qui định của hoàn cảnh mà trách nhiệm công dân-xã hội của nhà văn phải biết giới hạn. Nhưng sự thật chưa được nói hết không phải là sự thật bị che đậy hoặc xuyên tạc. Sự thật chưa được nói hết có nghĩa là rồi sẽ hứa hẹn được nói tiếp. Có vậy mới không gây mơ hồ hoặc thất vọng.

Chân lí nằm trong ý của Biêlinski: "Một dân tộc càng mạnh, càng vươn cao về mặt đạo đức bao nhiêu, thì nó càng dũng cảm nhìn vào những mặt non yếu và những thiếu sót của mình bấy nhiêu. Một dân tộc yếu hèn hoặc già cỗi, tàn tạ đến mức không thể tiến lên được nữa thì chỉ thích ca tụng mình và chúa sợ nhòm vào những vết thương của mình, vì nó biết rằng đó là những vết tử thương, rằng thực tại của nó không phải là một cái gì phấn khởi, rằng nó chỉ có thể tìm thấy những niềm an ủi giả dối trong sự đánh lừa mình thôi. Một dân tộc vĩ đại, đầy sức sống không như vậy được"(2).

Không kiêu mãn để tự nhận dân tộc ta là vĩ đại, nhưng phẩm chất anh hùng trong chiến đấu giữ nước là cái chúng ta có truyền thống hàng ngàn năm, và hai cuộc kháng chiến của ta được thế giới thừa nhận là vĩ đại. Trên vốn liếng ấy, và với bản lĩnh ấy, Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta lẽ nào lại sợ sự thật !

Nhưng cũng phải sau khi chiến tranh kết thúc hàng chục năm, cho đến Đại hội VI, với khẩu hiệu "nhìn thẳng vào sự thật", văn học mới có một chuyển biến thật sự trên hành trình đi vào sự thật. Nếu có một thời, do hoàn cảnh chiến tranh văn học phải nhấn mạnh chức năng giáo dục; thì giờ đây, văn học thật sự muốn đạt chức năng giáo dục lại phải làm sáng tỏ sự thật toàn diện, không được che đậy cả những mặt khuất tối, những bóng đen. Trên bức tranh hiện thực, cái cũ, cái xấu, cái ác cũng phải có vị trí xứng đáng của nó trong văn học để đạt một giá trị nhận thức và hiệu quả cảnh báo và cảnh tỉnh cho con người.

II. Văn học trong chức năng khám phá sự thật.

Một bước chuyển trên hành trình đi vào sự thật với bộ mặt đầy đủ của nó, hoặc với sự nhấn mạnh các mặt phức tạp, tiêu cực của nó, như trong đời sống văn học những năm gần đây quả không khỏi không gây ngạc nhiên hoặc lo lắng cho nhiều người. Thậm chí có người không chấp nhận, không chịu nổi. Và đó là nguyên cớ chính gây nên tranh cãi, gây nên những đánh giá, khen chê trái ngược nhau. Nhưng quả biết nói thế nào khi chính đời sống cũng đang trong một cuộc vật lộn giữa ánh sáng và bóng tối, và có lúc, có nơi, dường như bóng tối lại lấn át hoặc bao trùm. Trong hoàn cảnh ấy, gây và giữ vững niềm tin hoặc kêu gọi cảnh báo, cất lên tiếng kêu cứu, khó có thể nói sứ mệnh nào là quan trọng hơn. Văn học phải là tất cả, để, mục tiêu cuối cùng, nói như J.Bônđarep là "giữ vững tính người trong con người Hoặc nói như Aimatốp là "giáo dục chủ nghĩa nhân đạo", như một khái niệm "toàn năng chưa có gì thay thế", một "ngôn ngữ chung", mà nhờ vào đó "các dân tộc có thể truyền cho nhau nghe được tiếng kêu cứu của thế giới".

Tiếng kêu cứu, những lời cảnh báo không phải đến bây giờ mới cất lên khi chủ nghĩa xã hội của chúng ta đang lâm vào khó khăn và khủng hoảng. Chính do bản thân cuộc sống với những mâu thuẫn bên trong và nhu cầu của nó, và do chức năng tự nhiên của văn học, văn học cảnh báo đó lúc nào cũng có sẵn những khả năng xuất hiện - có điều vì những lý do chính đáng hoặc không lý do chính đáng nào đó cuộc sống đã không cho phép, hoặc kìm hãm sự xuất hiện đó; và những thiệt hại không chỉ riêng về tinh thần, phải nhiều chục năm sau mới bộc lộ. Hôm nay, không riêng văn học chúng ta, mà rộng hơn, văn học của chủ nghĩa xã hội nói chung đang tiến hành một cuộc tổng kiểm tra đó - với các đánh giá khác nhau, các kết quả kiểm tra có khác nhau; nhưng đường hướng chung là sự tất yếu phải nhận thức lại, đánh giá lại, không chỉ bản thân văn học, mà còn là rộng hơn - tất cả những gì chi phối đến văn học, làm nền tảng cho văn học.

Có dễ cũng phải đến hôm nay, trong sự nghiệp đổi mới, trước các biến động của thế giới mà đất nước ta, nhân dân ta không thể là một bộ phận cô lập, chúng ta buộc phải nhận thức lại toàn diện và tận gốc rễ vấn đề, từ quá khứ đến hiện tại, từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng sang xây dựng, từ cộng đồng đến cá nhân, từ giai cấp, dân tộc mà đến với nhân loại... Đòi hỏi của một tư duy mới hôm nay, trên mọi lĩnh vực, là không phân chia, đối lập và tách rời các vế đó. Tư duy mới đó rất cần phải là nền tảng cho sự phát triển mới của văn học. Trong yêu cầu nhận thức lại toàn diện và triệt để đó, ta cũng đồng thời nhận thức lại vị trí, chức năng, đặc trưng văn học như một hoạt động sáng tạo, một nhu cầu tinh thần của con người, trước một đối tượng vừa bao la, vừa bí hiểm là hiện thực. Ta đã hết cái ảo tưởng là có thể khám phá hết mọi chiều cạnh của hiện thực; và như vậy chức năng khám phá hiện thực trong dạng đặc thù của nó vốn vẫn đặt ra cho văn học, nhưng có lúc bị mờ chìm, coi nhẹ, hoặc bị đặt dưới những chức năng khác, bỗng nổi đậm hẳn lên, từ hiện thực lớn đến hiện thực nhỏ, bên ngoài và bên trong, cái ta và cái tôi, dân tộc và nhân loại... cùng biết bao là bí ẩn của thế giới chung quanh rộng lớn, từ vi mô đến vĩ mô vốn là đối tượng của khoa học - nhưng cũng là đối tượng của văn học - nghệ thuật. (Tuy vậy, để nói cho chặt chẽ hơn, do văn học nghệ thuật hướng về con người, và có sứ mệnh khám phá thế giới người, mà chính vì có thế giới này, nên hai chiều vừa bao la vừa sâu thẳm trong đối cực của nó là thế giới vi mô và thế giới vĩ mô mới có lí do hiện hữu và có ý nghĩa).

Đã đến lúc cuộc sống cần đến một sự thật đầy đủ mà sứ mệnh tìm kiếm được đặt ra cho văn học nghệ thuật, và khó có phương thức nào tốt hơn văn học nghệ thuật. Đã và sẽ còn nhiều chức năng khác đặt ra cho văn học nghệ thuật. Đã và sẽ còn nhiều chức năng khác đặt ra cho văn học nghệ thuật trong thế giới mới hôm nay - thế giới của sự bùng nổ thông tin, của các phương tiện tự động hóa, của sự ứng dụng rộng rãi máy vi tính, của các khả năng chinh phục vũ trụ... Nhưng dẫu với bất cứ chức năng gì, kể cả chức năng giáo dục - mà nhiều chục năm nay chúng ta coi trọng, đặt lên hàng đầu, cuối cùng rồi chức năng nhận thức phải trở lại vị trí xứng đáng của nó. Cố nhiên chúng ta vẫn coi trọng chức năng giáo dục như một chức năng thiết yếu của văn học, nhưng trong hoàn cảnh hôm nay, để đảm bảo hiệu quả của nó, lại không thể xa rời sự thật, và xa rời chức năng khám phá sự thật. Sau một hành trình dài của Chủ nghĩa xã hội và văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, ý kiến của Rưbacốp, tác giả Những đứa con của phố Ácbát, trong một cuộc phỏng vấn gần đây đáng cho ta suy nghĩ: "Con người được giáo dục bằng sự thật, đó là một nhân cách có đạo đức. Xã hội cũng thế; nếu nó giáo dục các công dân trẻ của mình bằng sự thật, là một xã hội đạo đức; bằng giả dối, điều đó sẽ không tránh khỏi quay lại chống ngay chính nó bằng thái độ công dân thờ ơ, bằng tính vô trách nhiệm, bằng thái độ trâng tráo vô liêm sỉ"(3)

Rõ ràng kinh nghiệm đã cho ta thấy: tất cả mọi sự che đậy, hoặc bóp méo, xuyên tạc sự thật bất cứ vì động cơ gì, rồi đều phải được đặt lại, phải trả giá; và việc sửa chữa, điều chỉnh bức tranh hiện thực cho dần dần được đầy đủ về sự thật, và đúng với sự thật, là một trách nhiệm lịch sử đặt ra cho mọi thế hệ, trong hành trình con người đi tìm chân lý, và đến gần với chân lý./.

Tháng 12-90
P.L.
(TCSH45/03-1991)

---------------------
(1) Chữ dùng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong bài nói tại buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trong 2 ngày 6 và 7 tháng 11-1987; Văn nghệ số 42, 17-10-1987.
(2) Dẫn theo Lê Sơn: Tiếng cười của một trái tim nổi giận.
(3) Văn học (tiếng Nga), số 14, 19-8-87.




 

 

Các bài mới
Chè hột sen (11/01/2019)
Các bài đã đăng
Cô bé câm lặng (19/10/2018)