Tạp chí Sông Hương - Số 45 (T.3-1991)
Giai thoại văn học
15:50 | 15/01/2019


NGUYỄN BÙI VỢI

Giai thoại văn học
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi - Ảnh: internet

Nhà thơ Thanh Tịnh nhớ chuyện cũ

Lần ấy, mươi hôm sau cuộc trao giải thưởng thơ, báo Văn Nghệ họp cộng tác viên thơ. Có các nhà thơ cao niên như Khương Hữu Dụng, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, có lớp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có nhà thơ dưới 30 tuổi như Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Thanh Tịnh ngồi cạnh nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Cuộc họp chưa bắt đầu, các nhà thơ nói chuyện phiếm.

Bác Thanh Tịnh bảo:

- Năm 18 tuổi, tôi được giải nhất thơ báo Đông Pháp, giải thưởng chỉ có 8 đồng bạc. 8 đồng bạc lúc ấy mua được mấy cân gạo, anh em?

Chưa ai trả lời thì nhà thơ Lưu Trọng Lư lên tiếng:

- Lúc bấy giờ chỉ có 2 đồng một tạ!

Thanh Tịnh làm ra bộ ngạc nhiên:

- Rứa à? Được những bốn tạ gạo kia à? Cái bài thơ của cậu thanh niên 18 mới tập làm thơ mà được những bốn tạ kia à?

Ông ngoảnh sang nhà thơ Võ Văn Trực hỏi:

- Còn giải nhất thơ của báo Văn Nghệ bây giờ thì được mấy tạ gạo, anh Trực?

- Thưa bác, chỉ được mấy chục cân thôi ạ!

Thanh Tịnh lại làm bộ ngạc nhiên, rồi nhìn nhà thơ Lưu Trọng Lư:

- Ít nhưng còn được nhận, còn tôi được những 4 tạ nhưng có được hột nào đâu, biên tập viên túng bấn quá, "tiêu hộ" mất...

Rồi đột ngột, ông chỉ thẳng vào Lưu Trọng Lư:

- Lư chứ ai!

Nhà thơ Lưu Trọng Lư cười gượng gạo.

Anh em cười ồ.

Tôi hỏi nhà thơ Thanh Tịnh:

- Thưa Bác, chuyện ấy xảy ra năm bác 18, năm nay bác đã 72; 54 năm rồi mà bác vẫn nhớ kỹ thế ạ?

Nhà thơ Thanh Tịnh nháy nháy mắt trêu nhà thơ Lưu Trọng Lư, trả lời:

- Anh bạn trẻ ơi, các cụ bảo: "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" mà!


Tấm lòng của nhà thơ

Thấy có người bảo: Hải Bằng vừa ra điều trị ở viện tai, mũi, họng Bạch Mai, Nguyễn Bùi Vợi đến thăm ngay. Hai người gặp nhau từ những năm sau hòa bình 54, còn từ bấy đến nay chưa gặp lại.

Khi Nguyễn Bùi Vợi chào, Hải Bằng hỏi:

- Mi là thằng Phạm Ngọc Cảnh hí?

- Chỉ cái trán là Phạm Ngọc Cảnh, còn tất cả là Nguyễn Bùi Vợi.

- Ôi trời thằng Vợi, mấy chục năm tau có gặp mi mô!

Cánh tay gầy gò của nhà thơ xứ Huế cứ ôm lấy vai bạn mà lắc. Hải Bằng bảo:

- Đọc thơ nghe chơi. Tau đọc cho mi nghe mười bài sau đó mi đọc cho tau nghe mười bài.

- Chưa đọc thơ vội. Tôi đến thăm xem anh có thiếu gì, tôi lo giúp, nghe nói anh đi vội.

Hải Bằng cười móm mém:

- Tau nhảy ô tô thằng bạn, chỉ mang cái xác không ra đây với một bộ quần áo mặc trên người.

Thế là chiều hôm ấy, anh đã có đủ các thứ lặt vặt cần thiết.

Đêm thứ hai, Nguyễn Bùi Vợi sang, Hải Bằng đọc thơ.

Thấy bạn nghe đến chục bài mà mặt vẫn lạnh băng, Hải bằng giục:

- Mi thấy thơ tau ra răng? Mấy bài tứ tuyệt được đấy hí?

Nguyễn Bùi Vợi dè dặt:

- Tôi không thích, hình như anh viết những điều ngoài anh?

Mặt Hải Bằng không vui.

Năm hôm sau, một đêm Hải bằng mặc áo quần bệnh nhân gõ cửa nhà Nguyễn Bùi Vợi. Uống xong chén nước, anh nói luôn:

- Tau đến đọc cho mi nghe mấy bài mới viết khá lắm!

Mặt chủ nhà thoáng vẻ hồ nghi. Nghe liền một chặp độ chục bài, anh cứ ngồi như mọc rễ.

- Răng, không được bài mô? Cả đời mần thơ của tau không được bài mô? Cả bài "Cồn cỏ” được tặng giải của báo Văn Nghệ cũng vứt. Rứa thì chỉ có thơ mi là hay thôi!

Hải Bằng đùng đùng ra về. Chủ tiễn khách đến chân cầu thang. Cả hai đều không ai giơ tay ra.

Hải Bằng về rồi, bà vợ chủ nhà ở buồng bên bước ra, gay gắt:

- Không ai thô bạo như anh. Anh ấy mặc áo bệnh nhân đến nhà mình đọc thơ. Dù thơ không hay, anh cũng cứ nên khen chiều lòng anh ấy mới phải. Nhà thơ đã là trẻ con, bệnh nhân lại là đứa trẻ con nữa… Nếu đêm nay bị xốc, anh ấy có làm sao thì anh sẽ ân hận suốt đời.

Nguyễn Bùi Vợi lặng đi mấy giây, giọng khản đục:

- Em nói có phần đúng. Nhưng anh không thể dối lòng mình. Rời lầu son gác tía ở cố đô Huế, anh ấy đi kháng chiến mấy chục năm rồi, những năm 60 lại mang ba lô về Quảng Bình; nhiều lần bị thành kiến, bị hiểu sai bị ghét bỏ. Anh ấy khổ như thế mà thơ lại cứ phơi phới như một người được cuộc đời ưu đãi. Trong đời sống anh ấy khổ gấp ba lần mình, còn nghe thơ xong mình lại thấy khổ gấp ba mươi lần vì đã không đưa được những khổ đau đó vào trong trang viết.

Vợ ngắt lời:

- Những điều nghĩ ngợi ấy, lúc khác anh ấy khỏe mạnh rồi hẵng nói có được không, còn bây giờ anh ấy đang bệnh nhân thì...

- Cái chết của anh là sự bộc trực nhưng cái sống của anh cũng chính ở sự bộc trực!

Mấy tháng sau, đại hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên họp. Phòng văn học giới thiệu một chương trình thơ Bình Trị Thiên trên sóng. Vùng đất ấy nhiều nhà thơ quá mà chương trình chỉ chứa được tối đa là 8 bài. Các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ... chỉ được nhắc tên bài và tên người ngâm. Đến Hải Bằng, Nguyễn Bùi Vợi giới thiệu 6 dòng gần như tóm tắt được mọi chìm nổi của tác giả. Trưởng ban biên tập hỏi:

- Sao mấy nhà thơ có tên tuổi thì ông giới thiệu sơ lược thế, mà ông này thì lại kỹ thế?

Nguyễn Bùi Vợi thẳng thắn:

- Anh ạ, ở nước mình, người đã thừa vinh quang rồi, người ta lại đua nhau đắp vòng nguyệt quế lên đầu, người đã thừa tiền rồi chỉ đến hội nghị ọ ẹ vài câu không đâu vào đâu, người ta cũng bỏ phong bì dày cộp. Còn những người thất thế, chả làm gì ai, đi qua nó cũng đá đít cho vài cái, cái thằng đã nghèo có vài chục nhuận bút còm cũng bị quịt. Anh Hải Bằng là người thiệt thòi nhiều nên tôi muốn cho anh ấy "truy lĩnh".

Lần ấy, nhà thơ Trần Phương Trà về Huế họp, khoe với Hải Bằng chương trình thơ Bình Trị Thiên. Hải Bằng bảo:

- Chắc chắn là không có bài của tau. Thằng Vợi chê thơ tau lắm mà.

- Tôi xem giới thiệu rồi, có bài của anh.

Hải Bằng nổi đóa:

- Được tối ni, mi về nhà tau, tau nấu một nồi cháo chân khỉ, đón nghe coi. Nếu không có thơ tau, tau tát mi liền.

Trần Phương Trà đâm lo (biết đâu chương trình có thay đổi) nhưng cũng liều.

Đêm ấy nghe được nửa buổi "Tiếng thơ" thì nghe phát thanh viên giới thiệu thơ Hải Bằng, Hải Bằng ôm lấy Trần Phương Trà "hức hức":

- Rứa là thằng Vợi nó thương tau thiệt. Hiểu sai nó, tội quá.

Lần ấy, Hải Bằng (nhà làm rễ cây nổi tiếng) gửi Trần Phương Trà mang ra cho Nguyễn Bùi Vợi một con ngựa làm bằng rễ cây có cả cái đế rất nặng. Ở đế có bài thơ tứ tuyệt:

Ngựa đã lên cương chờ chi nữa
Vó dồn giục giã gõ theo trăng
Chở thơ đi mãi vào muôn thuở
Để lại lòng nhau một tiếng đàn
.

N.B.V
(TCSH45/03-1991)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)