Tạp chí Sông Hương - Số 45 (T.3-1991)
Nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Vy qua 'Thảo Am Thi Tập'
09:50 | 24/01/2019

NGUYỄN XUÂN HÒA

Thảo Am Thi Tập của Nguyễn Khoa Vy không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật.

Nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Vy qua 'Thảo Am Thi Tập'

Tài năng nghệ thuật của nhà thơ biểu hiện ở chỗ ông sử dụng thành thạo thể cách thơ Đường, bảo đảm qui tắc về niêm, đối, luật bằng trắc, cách gieo vần nhưng chất lượng thơ là thiên nhiên quen thuộc với người dân xứ Huế, là nỗi niềm tâm sự của nhà thơ đối với thời cuộc.

Rất hiếm thấy một nhà thơ nào sáng tác bằng chữ quốc ngữ trong các thể cách đa dạng của thể thơ Đường đã Việt hóa như Nguyễn Khoa Vy. "Thảo Am Thi Tập" có thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, yết hậu, thủ vĩ ngâm, thủ vĩ liên hoàn, thủ vĩ liên hoàn điệp dụng, có song thất điệp vận, có cách đọc xuôi, đọc ngược, nói lái, hài hước, có thơ hạn vận, độc vận. Trước hết xin nói đến thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Gọi là thơ tứ tuyệt vì bài thơ ngắt bốn câu trên thành ra một bài thơ có bốn câu ba vần, hai câu trên không đối, hai câu dưới đối nhau. Ngắt bốn câu giữa thành ra bài thơ có hai vần mà hai câu trên đối nhau, hai câu dưới đối nhau:

"Oam như tre miễu cao thành thấp
Ngọng bởi xôi chùa dở hóa ngon
Đổi trắng thay đen tiền có sẵn
Vô lòn ra cúi bạc lăn tròn
"
                        (Nhân tình thế thái)

Nếu ngắt bốn câu dưới thì bài thơ có hai vần, hai câu trên đối nhau, hai câu dưới không đối; nếu ngắt hai câu đầu và hai câu cuối thành ra bài thơ có bốn câu ba vần không đối:

"Khi không mà mọc chẳng ai trồng
Dãi nắng dầm mưa đã mấy đông
Mừng đó ở đây, đây có bạn
Lòng đây mến đó, đó hay không?
"
                        (Vịnh cây cổ thụ cạnh nhà)

Thơ thất ngôn bát cú được các nhà thơ cổ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... sáng tác rất thành công, đạt đến mức tuyệt tác. Nguyễn Khoa Vy rất quan tâm đến thể cách này, nó chiếm một tỷ lệ gần bằng một phần ba số bài trong tập Thảo Am Thi Tập. Đề tài thuộc về thể cách này là những bài thơ viết về thiên nhiên giàu chất trữ tình như các bài: Cảnh ở trong rẫy một mình, Đi dạo núi cảm tác, Chiều qua sông ngàn sâu, Vịnh Cảnh Đập đá lở, Cảnh núi Ngự Bình, Cảnh cầu Trường Tiền, Vịnh bến đò Tuần, Cảnh mùa thu, trung thu năm Dậu 45, Cảnh đi đường bộ ở Hương Khê lúc trời tối có trăng non. Bài Họa vần thơ núi Đá bạc của Lam Điền nữ sĩ là một bài thơ tả cảnh rất hay, hai câu 1, 2 là thừa để nói khái quát quang cảnh núi Đá Bạc, hai câu 3,4 là hai câu tả thực về sông nước, về chùa Túy Vân, về núi Bạch Mã, hai câu 5 và 6 là hai câu luận bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài, hai câu 7 và 8 là hai câu kết thâu tóm ý nghĩa của bài thơ và phát biểu ý nghĩ của chính tác giả.

"Cầu Hai dải phá rộng thênh thênh
Mỏm núi doi ra đã ghập ghềnh
Trước mặt Túy vân làn sóng cuộn
Trên đầu Bạch Mã bóng trăng chênh
Gió xuôi mát mẻ tình vô hạn.
Nước ngược lao xao giọng bất bình
Tên bạc nhưng nào lòng chẳng bạc
Muôn năm đứng vững giữa trời xanh
"
                        (Họa Vần thơ núi Đá Bạc)

Thủ vĩ ngâm là một bài thơ mà khi đọc ta nghe câu đầu và câu cuối giống nhau. Trần Tế Xương đã từng sáng tác lối thủ vĩ ngâm trong bài "Tết", Trần Cao Vân trong bài "Hỏa xa Huế - Hàn". Nguyễn Khoa Vy cũng vận dụng khá thành công lối thủ vĩ ngâm trong bài "Bệnh tương tư":

"Cái bệnh tương tư bệnh thế nào
Dầu cho lắm thuốc nỏ ra sao
Mưa sầu gió thẳm cơn trời trở
Bể ái nguồn ân ngọn sóng nhào
Cách mặt trở trời cười nước mắt
Thương hình nhớ dạng thức chiêm bao
Có thầy Biển Thước đâu đây hỏi
Cái bệnh tương tư bệnh thế nào
".

Cùng với lối thơ thủ vĩ ngâm, nhà thơ sáng tác lối thơ thủ vĩ liên hoàn (Hai chữ đầu trong câu thứ nhất và hai chữ cuối trùng nhau) qua bài Khuyên đời. Nét sáng tạo của Nguyễn Khoa Vy là thể cách thủ vĩ liên hoàn điệp dụng. Bài "Cưng hoa", "Cũng như không", "Nói chuyện bên tàu", "Hỏi bạn" là những thí dụ tiêu biểu. Từ 14 chữ: Có thương không cũng tính cho xong kẻo ngại lòng đây chưa rõ đó, nhà thơ đã khéo sắp xếp, lấy ý trên xuống ý dưới theo lối móc xích liên hoàn đã viết ra bài "Hỏi bạn" theo cách tứ tuyệt mà vẫn bảo đảm nguyên tác niêm luật và cách gieo vần của bài thơ:

"Có thương không cũng tính cho xong
Cũng tính cho xong kẻo ngại lòng
Kẻo ngại lòng đây chưa rõ đó
Đây chưa rõ đó có thương không
".

Thủ vĩ liên hoàn điệp dụng thuận nghịch được tác giả sáng tạo tài tình tạo nên một sức hấp dẫn đối với chúng ta, Bài "Cảnh trông núi khi trời động", lấy từ một câu 10 chữ: Mây xây gió động lá rừng cây nước giọt đầy, tác giả viết thành hai câu thơ nếu đọc xuôi là:

" Mây xây gió động lá rừng cây
Động lá rừng cây nước giọt đầy


Nếu đọc ngược là:

"Đây giọt nước cây rừng lá động
Cây rừng lá động gió xây mây
"

Thể thơ thất ngôn bát cú thuận nghịch độc là lối thơ quen thuộc thường thấy trong văn học cổ Việt Nam. Lối thơ này đọc xuôi, đọc ngược cũng thành câu có ý nghĩa. Bài "Nghe tiếng đàn nhớ bạn đường xa" của Nguyễn Khoa Vy là một bài thơ giàu chất cảm xúc:

"Ai đàn tiếng văng vẳng nghe xa
Nhớ tưởng thêm lòng nói thiết tha
Lai láng lệ mình khi nghĩ lại
Thụt lùi chân đó lúc đi ra
Tai quen giọng lý câu tình tự
Ý thích lời ngâm khúc nguyệt hoa
Phai lạt nỡ nào lòng chí quyết
Dài lâu ngãi kết bạn cùng ta
".

Cách có hạn: hạn chữ, hạn vần vốn là một thể cách được dùng trong trường thi ngày trước. Tôn Thất Mỹ, nhà thơ hoàng tộc xứ Huế rất sành sõi về thể cách này. Tôn Thất Mỹ có bài thơ mỗi câu có dùng một loại đồ nghề thợ mộc trong bài "Vịnh câu cá"; bài thơ mỗi câu dùng mỗi vị và một loạt trái trong bài "Dưa o Khe". Trong tập Thảo Am Thi Tập có nhiều bài thơ sử dụng rất sắc sảo lối thơ có hạn: hạn vần, hạn thú vật, hạn tên trong cơ thể người, hạn tên trong bát quái. Bài "Hổ phận già" hạn chế ở chỗ mỗi câu thơ là một con thú vật đứng đầu câu:

" Lạc hồng một giống đội chung trời
Hổ phận mình già xếp một nơi
Mang tiếng học hành tài kém họ
Nai lưng gánh vác sức thua đời
".

Thế giới loài vật đưa vào bài thơ một cách hợp lý, phù hợp với lô gich, ý cảnh của bài thơ. Mỗi con thú: hổ, mang, nai đều nói lên số phận hẩm hiu của mình, dường như qua bài thơ, tác giả muốn tự ám thị về mình lúc tuổi già không đủ sức bay nhảy như thời trai trẻ nữa. Bài "Tâm tướng người xấu” tác giả tự hạn chế mỗi câu thơ bằng hai con thú, mỗi con thú đều gắn chặt với bản chất vốn có của nó như: "Mặt ngựa, đầu trâu", "miệng hùm gan thỏ", "lòng lang dạ hổ" nhằm đả kích bọn quan lại tham nhũng mất hết nhân cách.

Nguyễn Khoa Vy làm thơ rất nhanh, đối cảnh sinh thơ và thơ giàu ý nghĩa. Một hôm Nguyễn Khoa Vy đến thăm lăng vua Thành Thái, thấy người cháu nội vua đang cuốc đất trồng khoai trong vườn, Nguyễn Khoa Vy khen rằng: "Dân mệ, đổ mồ hôi trồng khoai thật đáng khen đấy", người cháu nội vua đáp lại rằng: "Giả sử cháu được làm như ông làm ông Hường, ông Thị thì chắc là phong lưu, khỏi phải lao động vất vả cực nhọc." Nhà thơ Thảo Am cười và bảo rằng: Cháu nghĩ sai rồi, bèn lập tức ngâm hai câu thơ:

" Sắn khoai lắm lúc giúp kẻ đói
Thị Hường mấy thuở đỡ ai no
"

Thật là một câu thơ chí lí, người cháu nội vua Thành Thái vẫn nhớ mãi trong lòng và thường động viên con cháu tăng gia giỏi như lời khuyên của nhà thơ.

Lại một lần khác, Nguyễn Khoa Vy lên chùa gặp đông đảo bạn bè đang đàm đạo thơ văn. Muốn thử tài Nguyễn Khoa Vy, một bạn yêu thơ yêu cầu ông làm một bài thơ: "Tức cảnh ở chùa" hạn ở bốn thanh: huyền, sắc, nặng, hỏi đứng ở đầu câu. Nhà thơ Thảo Am ứng tác rất nhanh:

" Huyền diệu trông lên cửa đạo thiền
Sắc không khôn rõ thấu căn duyên
Nặng nề nghiệp chướng e chưa hết
Hỏi mấy ai đã có thiện duyên
".

Khách làng thơ vẫn chưa đủ lòng tin vào tài năng của Nguyễn Khoa Vy, họ cho rằng Nguyễn Khoa Vy vốn biết tủ một bài thơ kiểu như vậy nên ứng khẩu nhanh. Khách làng thơ yêu cầu Nguyễn Khoa Vy họa lại bài thơ nguyên vận đó mà đổi bốn chữ đầu: huyền sắc nặng hỏi bằng bốn vần chữ cái: a, b, c, d. Thảo Am nhanh trí đọc ngay một bài thơ tứ tuyệt với giọng thơ châm biếm:

" A di đà phật muốn quy thi
B hết lòng tham vẫn cứ nguyên
C xích cho gần nơi cửa tịnh
Đ cầu nguyện dứt mối trần duyên
". Bài thơ vừa ngâm lên được mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Song thất điệp vận là một thể cách truyền thống trong thơ chữ Hán và chữ Nôm thời cổ.

Học tập kinh nghiệm của các bậc tiền bối, Nguyễn Khoa Vy đã sáng tác một loạt bài theo thể cách này như: Trời lụt, Mưa to gió lớn, Trời bão, Chê người đã già còn ham bôn tẩu, Đi dạo thuyền với bạn cảm tác. Có thể xem bài Đi dạo miền núi cảm tác là một bài thơ tả cảnh có giá trị:

" Nước bước sa đà ngắm dặm đàng
Thừa ưa tốt một vẻ quan san
Tươi mươi nhụy túy bông chồng bạc
Lỗ đỗ ngành xanh lá mạ vàng
Lúc ngúc đầu trâu ngồi nhóm xóm
Lau rau mỏ chó sủa vang làng
Đường trường lải rải dừng chân nghỉ
Lẳng lặng chùa khua lộc cốc tang
".

Các từ song thanh điệp vận như: nước bước, sa đà, ngắm dặm, thừa ưa, tốt một, quan san, tươi mươi, nhụy túy, lúc ngúc, đầu trâu, lau rau, mỏ chó... được vận dụng sát với ý của bài thơ. Nội dung bài thơ toát lên cảnh sinh hoạt nông thôn miền núi. Ở đây có bức tranh màu xanh của cánh đồng, màu vàng của lá mạ, có lũ trẻ chăn trâu giắt trâu về làng, xa xa có tiếng cầu kinh văng vẳng của nhà chùa. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Khoa Vy đa dạng phong phú, có ngôn ngữ trữ tình, ngôn ngữ châm biếm.

Ngôn ngữ trữ tình thể hiện qua một số bài viết về cảnh thiên nhiên, ca ngợi thiên nhiên, nói lên nỗi niềm của mình đối với đất nước, con người xứ Huế. Ngôn ngữ trữ tình trước hết trong các bài hò xứ Huế như: Hò nhớ bạn, hò thương tình, hò nhớ cảnh Huế... Ngôn ngữ trữ tình cũng được biểu hiện qua một số bài thơ trong Thảo Am Thi Tập như bài: Sông Hương trong, Nước non đâu cũng nước non nhà, Buổi chiều qua sông, Ngàn sâu... Ví dụ trong bài Đi dạo núi cảm tác, nhà thơ viết:

" Chiều chiều ra dạo ngó đông tây
Ngắm cảnh dầu không rượu cũng say
Mỗi bước mỗi nhìn xem mỗi lạ
Hữu tình sơn thủy có ai hay
.”

Nét nổi bật làm nên phong cách của nhà thơ là ngôn ngữ châm biếm. Thủ pháp biểu hiện được vận dụng trong ngôn ngữ châm biếm: là cách nói lái, cách chơi chữ, cách ám chỉ mượn vật để nói người, cách nói tục giảng thanh.

Hầu hết các bài viết về nhân tình thế thái "Khuyên đời", "Người đời", tác giả sử dụng ngôn ngữ châm biếm nhằm phê phán lối ăn trên ngồi trốc của bọn quan lại tham nhũng. Dưới con mắt nhà thơ đó là hạng người "ngồi trên ăn trước sang như cẩu", "Ở nể nằm không nhác quá heo", là hạng người "đắt thế thì ngoeo ngoao múa mép", "thất thời lót lét chạy cong đuôi”, là người:

"Vẽ rắn vẽ rồng khoe tốt đẹp
Lòng lang dạ hổ có ai dè
".

Nói lái là một vũ khí của văn phong châm biếm, nét đặc trưng trong thơ Nguyễn Khoa Vy, nói lái là phương thức dùng cách đánh tráo phụ âm đầu vần, thanh điệu giữa hai hay nhiều âm tiết để tạo nên một lộng ngữ mới bất ngờ nhằm châm biếm một hiện tượng nào đó trong cuộc sống hằng ngày. Nguyễn Khoa Vy vận dụng ngôn ngữ nói lái trong các bài thơ: "Đêm đi thuyền ở Đập đá", "Nhắc bạn", "Cầu đạo"... Bài "Trách vợ già hay ghen" được viết bằng một giọng văn châm biếm tinh nghịch:

" Mơi tra chiều hỏi chuyện ma trơi
Trời đẻ ghen chi cứ trẻ đời
Cớ sự làm sao mà cứ sợ
Dời chưng không kịp đứng dừng chơi"


Bài thơ hay ở chỗ ngôn ngữ châm biếm, nói lái, dung chứa trong thể cách nói lái (phản thuyết) đạt tới một hài kịch ngắn hấp dẫn; tất cả được toát lên một nụ cười châm biếm, hóm hỉnh. Ngôn ngữ châm biếm "nói lái" được biểu hiện trong một trường hợp khác sinh động hơn, giàu ý nghĩa hơn:

" Lũ quỹ nay lại về lũy cũ
Thầy tu mô phật cũng thù Tây"


Lối nói tục giảng thanh là một biểu hiện của ngôn ngữ châm biếm độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương. Nguyễn Khoa Vy cũng sử dụng lối nói đó trong một số bài thơ của mình như: "Con muỗi kêu", "Thơ ngất ngơ", "Đề cái quạt”. Ví dụ trong bài "Đề cái quạt", nhà thơ viết:

" Mới nắm trăng ra đã thấy duyên
Hèn chi thiên hạ tốn đồng tiền
Trong cơn nóng bực ai ai cũng
Thao thức không thời đố ngủ yên
."

Cũng có khi nhà thơ sử dụng một câu thơ năm chữ cùng vần, kết hợp với lối nói lái để châm biếm cô gái "không chồng trông bông lông" một cách nhẹ nhàng nhưng lột tả được tâm trạng nhân vật:

"Trông khống vô phòng thấy trống không
Chứa chan sầu lệ chán chưa chồng
Dòng châu lai láng dầu chong đợi
Bóng nhạn lưng chừng bạn nhóng trông
Dòm ngó đã cùng nơi ngả đó
Mơ mòng bên cạnh gối mền bông
Đêm thâu mưa gió đâu thêm mãi
Xông lướt đi tìm phải xước lông
".

Nguyễn Khoa Vy còn sử dụng ngôn ngữ châm biếm trong lối thơ độc vận, điệp âm qua các bài: "Vui thú điền viên", "Cầm kỳ thi tửu" sử dụng vần C, trong bài "Si tình mà trách đa tình" sử dụng vần Đ, trong bài "Hai chiếc xuồng bắt le le và lươn" sử dụng vần L. Về thể cách này có lẽ thành công hơn cả là bài: "Trách kẻ đa tình hay đau bệnh tình mà không chừa"

" Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chìu chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chép chơi chung chạ
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ
"

Nghệ thuật chơi chữ của Nguyễn Khoa Vy biểu hiện trong cách nói lái trong cách thủ vĩ ngâm liên hoàn điệp dụng như đã nói trên, nghệ thuật chơi chữ còn được vận dụng trong câu hò chữ công...., hò ông Lưu Bị Gia Cát Lượng đời Hán.

Vận dụng tục ngữ, thành ngữ vào thơ cũng là một đặc điểm trong phong cách sáng tác của Nguyễn Khoa Vy. Phải chăng đó là sự Việt Hóa lối thơ Đường, đưa lời ăn tiếng nói của nhân dân vào trong một thể thơ đài các, trang trọng khiến cho người đọc dễ nhớ, dễ đọc hơn. Theo con số thống kê của chúng tôi thì có khoảng gần một trăm câu tục ngữ, thành ngữ được vận dụng trong toàn bộ sáng tác của ông. Xin nêu ra đây một số câu tục ngữ như: "Hẹp bụng chẳng hẹp chi nhà", "người đời của chẳng đời", "Hết khôn dồn đến dại". "Bán trời không khế" trong bài "Khuyên đời"; "một trăm áo gấm không bằng một tấm áo tơi", "áo rách có cách người thương" trong bài "Vịnh chiếc áo tơi".

Việc vận dụng thành công những thành ngữ tục ngữ trong sáng tác, chứng tỏ tác giả có một mối liên hệ gần gũi nhân dân, học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, vận dụng đúng lúc đúng nơi trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, để mỉa mai những cảnh nhố nhăng trong xã hội, đôi lúc tác giả muốn quay lưng lại, giả "làm câm làm điếc" thì tác giả đã viết trong bài thơ yết hậu:

" Hay ăn thì đói
Hay nói lại hay làm
Lỡ miệng không bưng kịp
Làm câm
".

Rõ ràng tác giả đã vận dụng tục ngữ: "Hay ăn thì đói, hay nói hay làm", "lỡ miệng không bưng, lỡ chân không gượng" một cách nhuần nhụy vào trong sáng tác của mình.

Cần nói thêm rằng, cùng thời với tác giả, có một số người làm thơ chịu ảnh hưởng của thơ Pháp, có không ít câu thơ xa lạ với cách làm nghĩ của nhân dân, thì tác giả tìm về cội nguồn của dân tộc, sáng tác một số câu thơ thuần Việt, lại rất ít dùng điển cố; nên chẳng xem đó cũng là một đóng góp của nhà thơ. Từ thuần Việt thật phong phú, nhiều màu nhiều vẻ trong tập THẢO AM THI TẬP. Ví dụ như các từ ngữ cổ như: "sóng nổi mòi", "ướt loi ngoi" trong bài "Cảnh sông Hương mùa đông"; "Nỏ kể chi" trong bài "Vợ khuyên chồng chớ theo o Liên mà tốn tiền"; "dòm ngó", "mơ mòng" trong bài "Không chồng trống bông lông"; "chết con người", "cơ chi" trong bài "Dặn em"; "Sạch bách meo", "ngồi chò hỏ" trong bài "Trời lụt"; "mỏ đỏ", "lận đận" trong bài "Đi dạo thuyền với bạn cảm tác"...

Những thành công về nghệ thuật thể hiện của thể thơ Đường luật vừa phân tích ở trên chứng minh rằng tài năng sáng tác độc đáo của nhà thơ. Dĩ nhiên, thơ Nguyễn Khoa Vy không sao tránh khỏi những hạn chế như lời thơ có chỗ thiếu trau chuốt, nhiều chỗ lạm dụng từ địa phương, một số lỗi do phát âm của tiếng Huế, đôi chỗ lời thơ có phần tự nhiên chủ nghĩa, làm giảm giá trị, ý nghĩa mỹ học của thơ. Có lẽ do quan niệm sáng tác thiên về nghệ thuật nên có phần xem nhẹ nội dung tư tưởng của tác phẩm; trong mảng sáng tác thiếu đi những vần thơ nói lên nỗi khổ cắt da cắt thịt của nhân dân như trong thơ của Nguyễn Du, Cao Bá Quát. Thơ ông có nhiều bài nói lên tình cảm của mình đối với dân với nước.

(Nhắc bạn, Thất thủ kinh đô, Lưu giản.)

Trong bài "Hò Việt Minh", "Hò cứ tới cứ lui, nhà thơ mơ tưởng đến cảnh tự do độc lập của đất nước:

" Tưởng tới tự do nôn cả ruột
Trông hoài độc lập mỏi con ngươi
"

Nhưng dù sao, những bài thơ có nội dung tư tưởng tiến bộ cũng còn ít so với những bài viết về nhân tình thế thái. Những hạn chế nói trên cũng do hoàn cảnh sáng tác của nhà thơ lúc đó có những điều không thể nói ra hết được. Mặc dù vậy, nhưng chúng ta rất trân trọng tập thơ cả nội dung lẫn nghệ thuật, đặc biệt là tiếng nói nghệ thuật độc đáo, giàu tính sáng tạo thấm đượm tinh thần dân tộc. Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có nhận xét về thơ ông:

Khen rằng thi liệu đủ nghề
Phong tao lắm vẻ hoạt kê khôi hài
Câu thơ nói lái cũng tài
Câu thơ đọc ngược không sai luật vần
.

Nhận xét đó có căn cứ thỏa đáng. Rõ ràng Nguyễn Khoa Vy - Người hậu thế của làng Nho đã góp tiếng nói nghệ thuật đặc sắc của mình vào vườn hoa văn học của nước nhà.

Huế, tháng 12 năm 1990
N.X.H
(TCSH45/03-1991)

-------------
Chú thích: Nguyễn Khoa Vy (1891-1968) quê ở Huế, xuất thân trong một gia đình nho học có truyền thống. Có một thời gian làm công chức trong chính quyền Triều Nguyễn. Năm 1936 về hưu. Có sáng tác tập “Hồng Nhan Mộng", Hò mái đẩy, Tục ngữ ca dao.






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)