Tạp chí Sông Hương - Số 45 (T.3-1991)
Ngược xuôi trên những đường phố cũ
08:36 | 04/02/2019

LÊ HÙNG VỌNG
             Bút ký

Buổi chiều sau giờ làm việc, hai chúng tôi thường tha thẩn đạp xe qua những đường phố cũ.

Ngược xuôi trên những đường phố cũ
Ảnh: HỒNG SÁU

Cuộc rong chơi ấy có khi chỉ là một tiếng đồng hồ đạp xe chầm chậm và lặng lẽ lên tận chùa Thiên Mụ để được ngắm cả một vòm trời chiều đỏ rực hắt đổ xuống dòng Hương. Có khi lại chỉ là cuộc viếng thăm tình cờ một vài người bạn cũ. Khách phương xa đến Huế có người tỏ vẻ ngơ ngác trước phong thái ấy. Có lẽ họ đã quen với những cảnh phố chật người đông của đất Hà Thành thanh lịch, hay nếp sống cuồn cuộn chảy kéo theo cả cái nết riêng ở mỗi con người của Sài thành hoa lệ. Nhưng cũng có nhiều người khen cảnh sắc Huế thoáng và người Huế có phong thái ung dung. Xin được mạn phép nhân danh riêng mình, một kẻ có trong người giọt máu thấm đẫm nước sông Hương mà nói cám ơn đối trước những lời khen, cho dẫu đó là lời ngợi khen bộc phát từ trái tim chân thành nóng hổi của một khách viễn phương ngơ ngác, hay là lời khen có kèm theo cả cái mím môi biếm nhẽ của những tay chơi lịch lãm đã từng trải trong Nam ngoài Bắc. Trước những lời khen ấy không phải người Huế không đủ dũng cảm để nhận ra giữa dòng Hương vẫn còn những khuôn mặt hốc hác của con em mình. Không phải không có lý do khi trong những xóm nghèo đông dân khu Bờ Hồ, xóm Chuối, trẻ em người lớn truyền tụng câu hát dân dã mới xuất hiện năm bảy năm trở lại đây, "Huế đẹp Huế thơ Huế mơ Huế mộng, Huế... tộng bộng hai đầu"... Nhìn chúng tôi nhàn nhã đạp xe qua lại trên những đường phố cũ, khách đâu có hay rằng ấy là lúc chúng tôi trốn tránh, ít ra là được phút nào hay phút ấy, nỗi sợ hãi phải đối diện với sự nghèo nàn của chính mình khi mỗi buổi tối ngồi bên mâm cơm đạm bạc. Đó chính là nỗi thống khổ của những đứa con bất lực khi phải nghe lời mắng mỏ của người cha vốn rất mực thương con nhưng nay đã già nua đến độ lẩm cẩm, "Đồ vô tích sự! Các người được ta để lại cơ ngơi đàng hoàng, được học hành tới nơi tới chốn, có văn hóa. Cớ sao lại để cửa nhà hư hao đến thế này?"

Giữa trời đông xứ Huế nắng chói chang, khó tìm cho được một màu áo len, phố phường nhuốm một sắc nắng vàng óng ả bất thường trên mái tóc người qua đường và trên cả những tàn cây long não hai bên đường Lê Lợi. Sau vòm cây xanh mướt màu trời cũng xanh với những đám mây trắng đục. Lại có cả gió nồm hây hây, như thể một bàn tay ai vô tình vuốt nhẹ trên những tà áo mỏng nhiều màu. Giá mà phút này, giữa trời xanh gió mát này mà có thêm đôi chút thanh thản trong lòng, ắt là tôi đã có thể "tức cảnh" mà kiếm được tứ thơ... Tôi đã không làm được thơ, mà chỉ bằng cả ngũ quan để cảm nhận ra chung quanh mình bao điều khác lạ bất thường. Ngay cả những người con của Huế phiêu bạt nhiều phương trời trở lại quê hương điều có nhận xét rằng sao nay thời tiết xứ Huế thay đổi lạ lùng. Một nửa mùa đông ăn chực nằm chờ vẫn chưa tìm lại được những cơn mưa rả rích kéo dài, mưa, mưa "thúi trời thúi đất", mưa hết tuần này sang tuần khác... Hóa ra sự thay đổi về thời tiết lại là điều mà người dân Huế dễ nhận ra nhất. Hóa ra sống ở một xứ sở khí hậu khắc nghiệt ít ra cũng có được cái lợi, ấy là có được làn da nhạy cảm với cơ trời...

Bằng cái quán tính tạo ra từ những năm xửa năm xưa, hai chúng tôi đạp xe về đường Trương Định. So với đường Lê Lợi dài rộng bề thế, đường Trương Định mới khiêm tốn làm sao. Nhưng chính con đường ngắn ngủi với vài chục số nhà ấy đã đi vào lòng người với bao nhiêu chiến tích cùng với bấy nhiêu vết thương qua các cuộc đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh "đô thị miền nam". Tôi cố hình dung trên con đường nầy bóng dáng gầy gò nhỏ bé của thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha, với chiếc cà vạt đeo trễ tràng, ngược xuôi động viên, đốc thúc lớp đàn em. Đây rồi, nơi góc đường này còn nguyên vẹn xác chiếc xe Mỹ bị đốt cháy. Đàng kia anh B.N bị rượt chạy thục mạng, đánh rơi cả kính, không thấy đường té nhủi vô hàng rào kẽm gai. Ôi mới có một đoạn đường ngắn ngủi mà sao đã chứng kiến bao sự kiện hào hùng!...

Dù thích rong chơi, lâu nay tôi cũng ít qua lại trên con đường này. Nhưng cũng có khi tôi thoáng giật mình khi một suy nghĩ nào đó lóe lên trong đầu, có phải là tôi bị cuốn hút theo công việc, hay đó chỉ là cái lý do huyễn hoặc mà tôi vin vào để lẫn tránh việc đối diện với những kỷ niệm của cả một thời. Điều đó quả là dễ hiểu, có ai lại chờ mong cái giây phút tự mặc niệm trước cuộc đời mình.

Ngôi nhà 22 Trương Định nay là văn phòng Thành Đoàn Huế. Một căn nhà khiêm tốn trên một con đường khiêm tốn, ít ai hiểu chính nơi đây đã sản sinh bao lớp Đoàn viên thanh niên, làm hạt nhân cho biết bao cuộc đấu tranh quyết liệt. Chính ở nơi đây, khi chưa đến tuổi trưởng thành, tôi cũng đã được chứng kiến những đêm không ngủ, những buổi hội thảo, "hát cho đồng bào tôi nghe". Và đến khi vào đại học, ở dưới gốc hoa giấy này, ở quày cà phê phía khoảng sân sau căn nhà này, tôi đã biết được mùi vị đậm đà của ly cà phê đặc quánh đã làm cho cả bọn sinh viên nghèo nợ nần chồng chất, phải thế chấp cho chủ quán tất cả giấy tờ tùy thân như giấy hoãn dịch, thẻ sinh viên. Cũng ở nơi này, vào những năm ấy tôi đã biết thế nào là cái cảm giác lạnh gáy khi bất chợt quay lại gặp ánh mắt quan sát cú vọ tọc mạch của bọn cảnh sát chìm.

Những năm sau này chúng tôi vẫn có lệ tụ tập về đây vào ngày truyền thống 9/1. Chẳng có gì ngoài việc gặp mặt nhau, ôn lại những chuyện cũ. Thế nhưng rồi số anh em về họp mặt ngày mỗi ít đi. Sau 30 tháng 4, tất cả phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đã có Đoàn lo tất, đâu có cần gì sự tồn tại của một "phong trào" cục bộ như thế nữa. Mà anh em thì lại không thể dừng lại mãi mãi ở tuổi dưới 30 để được ở trong đoàn, đâu có dễ gì cưa sừng làm nghé.

Mười lăm năm sau, nếu chỉ tính đơn thuần bằng thời gian vật lý với mỗi ngày hăm bốn tiếng đồng hồ chứ chưa nói chi đến thời gian tâm lý với mỗi ngày bằng "ba thu hề", hay cái thời gian... không biện chứng với một ngày bằng cả hai chục năm - thì cũng đủ độ dày để tạo ra biết bao cảnh vật đổi sao dời. Ngôi nhà xưa dù có thu bé lại thì vẫn cứ là điều may mắn, vì còn cái nhà, chứ trong lòng người thì đã biết bao điều ly tán. Nỗi vui sum họp sau ngày 30 tháng 4, khi anh em từ khắp mọi nẻo đường, kẻ ở trong tù ra, kẻ ở Trường Sơn về, kẻ ở Hà Nội vào... sao mà ngắn ngủi. Nỗi vui đoàn tụ chưa được bao ngày thì đã chồng chất bao nỗi lo toan. Cái đận năm 76, 77 với công cuộc hợp tỉnh làm ăn lớn đã chất thêm gánh nặng cho cái thành phố vốn đã nghèo xơ này. Rồi thì trong cái khó khăn của buổi giao thời có người bán xới cả, dắt díu vợ con lên non làm rẫy, có anh em lặn lội ra biển tìm trăng. Và ngay chính cái gian nhà 22 Trương Định nầy cũng phải qua bao cuộc thăng trầm, có khi tưởng đã trắng tay. Trong những năm đầu tiên sau ngày giải phóng, nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hưng thịnh, độc chiếm thị trường, đã chiếm cứ luôn cái trụ sở Tổng hội sinh viên Huế (tất nhiên ngày ấy đã không còn lý do tồn tại tổ chức này). Gã thương nghiệp khổng lồ với cơ man nào là dinh cơ trong thành phố, vẫn không chịu buông tha một gian nhà bé bằng cái hộp quẹt ở ngay trước mắt mình. Gian nhà 22 Trương Định đã được trưng dụng để làm kho chứa muối, mắm. Không hiểu khi ký lệnh trưng dụng căn nhà truyền thống làm kho chứa muối, mắm, "người ta" có nhìn lại cái kiến trúc của ngôi nhà, có biết rằng căn nhà ấy đã có một lịch sử gắn liền với khách sạn Morin, có nghĩa là đã có quá trình ngót bốn phần năm thế kỷ. Có thể họ không hiểu điều ấy do hạn chế về kiến thức lịch sử và kiến trúc. Vậy thì chí ít họ cũng phải biết được rằng căn nhà này mới hôm trước đây thôi là trụ sở Tổng hội sinh viên Huế, là cái nôi, là nguồn gốc sản sinh biết bao lớp thanh niên yêu nước của thành phố Huế, của cả miền Nam, và như vậy nó phải được bảo tồn về mặt truyền thống.

Các bậc cao niên trong thành phố khẳng định rằng chẳng bao lâu sau khi khánh thành khách sạn Morin (được xây dựng từ đầu thế kỷ này), người Pháp đã xây ngôi nhà 22 Trương Định. Đây là nơi làm việc của viên quản lý khách sạn (Maitre d’hôtel) Morin. Sau khi người Pháp về nước, ngôi nhà được giao lại cho ông Nguyễn Văn Hiến (đại diện của Morin). Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60, trong ngôi nhà này đã xuất hiện câu khẩu hiệu "Taylor goes home", đây là câu khẩu hiệu chống Mỹ đầu tiên trên một bức tường ở thành phố Huế...

Chúng tôi lặng yên nhìn lại ngôi nhà và hiểu rằng để giành lại được gian nhà truyền thống ấy, không phải "phong trào" không chịu ít nhiều tổn thất. Anh L.P.T (nguyên bí thư Thành Đoàn Huế từ năm 1972 đến 1976) người đã góp nhiều công sức vào việc ấy, đã chịu biết bao điều tiếng, trong đó có cả lời cáo buộc hàm hồ rằng anh là nhân viên của CIA. Chúng tôi hiểu rằng để giành lại một điều gì, đều phải trả giá. Và bây giờ đứng ở đây, tôi đã có thể hình dung lại cảnh anh em hì hục chế tạo bom xăng đốt xe Mỹ, tôi vẫn có thể nhìn ngắm gian phòng nơi anh V.Q miệt mài làm báo đến thổ huyết. Và ở góc sân kia, tôi hình dung ra cảnh dưới bóng trăng anh T.N.S đang cùng anh B.C luyện tập một thế võ bí truyền...

* * *

Sáng hôm sau, lòng vẫn còn bồi hồi với những kỷ niệm cũ, tôi tìm đến tổ chức Đoàn. Tôi muốn được nghe câu trả lời chính thức của những người có trách nhiệm về lý do tại sao chúng tôi, những kẻ đã từng tham gia trong phong trào sinh viên học sinh, lại không được tổ chức Đoàn quan tâm, ngay cả trong việc mời đến dự gặp mặt nhân ngày truyền thống. Sau đó tôi đã đặt vấn đề có hay không nên duy trì trong đoàn viên, thanh niên, nhất là trong các trường đại học, một tinh thần đấu tranh như của phong trào sinh viên học sinh miền Nam trước năm 1975. Trong những năm 1973, 1974 sinh viên Huế đã làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng, phong trào cứu trợ nạn đói, vậy thì ngày nay, khi Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chủ trương chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm... tại sao lại không vận động để sinh viên Huế tham gia vào những phong trào ấy...?

Cả trong tình hình hiện nay, khi người ta quen đánh giá mọi việc với từ "phức tạp”, tôi vẫn cho rằng thanh niên, sinh viên học sinh Huế hoàn toàn có khả năng làm được điều ấy. Thì có phải xa xôi gì, mới đây khi dòng nước sông Hương đang còn mấp mé ven bờ sau một cơn lụt, một số thanh niên với tre nứa, dao, rựa các thứ, đã khẩn trương về dựng lại những căn nhà của những gia đình bất hạnh vừa bị nước cuốn trôi ở xã Phú Tân. Họ là ai vậy? Xin thưa, họ là những thanh niên, sinh viên, học sinh bình thường như muôn vạn thanh niên khác. Trong điều kiện kinh tế khó khăn ngặt nghèo, Đội công tác xã hội Thanh niên Huế đã ra đời với một mục đích rõ ràng: "Là tổ chức của những thanh niên nhiệt tình, có tấm lòng muốn góp phần giúp đở các trẻ em mồ côi, khuyết tật đang khó khăn, người già neo đơn, tàn tật, bệnh già và những người lâm cảnh thiếu thốn không nơi nương tựa…". Với cái lưng vốn là đôi bàn tay tháo vát và lòng nhiệt tình, với một lực lượng vỏn vẹn có 50 đội viên, trong một năm hoạt động, Đội đã làm được bao nhiêu việc; Dựng lại nhà và cấp phát gạo (630 kg) cho nạn nhân bão lụt xã Phú Tân; khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quần áo cũ cho dân nghèo ở khu định cư Trường An ; cấp phát quà bánh cho các bệnh nhân nhỏ tuổi ở khoa nhi Bệnh viện Trung ương Huế... Công việc của Đội còn nhiều và dự tính của Đội cũng còn đầy ắp. Giá mà trong những ngày đầu năm dương lịch này, giữa những buổi tổng kết mừng làm ăn thắng lợi, mừng hoàn thành vượt mức kế hoạch (?), người ta chạnh nghĩ đến những đồng bào khốn khó của mình, mà bớt đi một phần, một phần nhỏ thôi trong những chiếc "phong bì", hoặc những bàn ăn ê hề, những thùng bia cao chất ngất... thì rồi Đội công tác xã hội Huế sẽ có thêm điều kiện để làm bao nhiêu việc.

Thế nhưng đem so cái số 50 đội viên ấy với số lượng thanh niên toàn tỉnh thì có thấm vào đâu. Và có lẽ do đau đầu vì phải làm bài tính chia để tìm cho ra cái số lượng "Đội công tác" phải thành lập cho 21 vạn thanh niên Thừa Thiên - Huế, nên tổ chức Đoàn cũng phải lắc đầu, "khó lắm, muốn giáo dục được thanh niên phải tập họp được lực lượng. Cái khâu tập họp lực lượng hiện nay đang khó !"... Thì làm sao mà dễ cho được. Trong điều kiện thông tin hiện đại như hiện nay, thanh niên ta rồi cũng phải khôn ra chứ. Là những người có trình độ văn hóa nhất định, họ không thỏa mãn với kiểu hoạt động Đoàn từ "thời xưa". Tổ chức Đoàn đã nhận ra cái chỉ tiêu mấy chục phần trăm thanh niên phải là đoàn viên không còn phù hợp nữa. Tỉnh Đoàn cũng đã nhận ra số lượng 3,5 vạn Đoàn viên trên tổng số 21 vạn thanh niên là quá nhiều. Quí hồ tinh bất quí hồ đa... Mặt khác, nhận thức về Đoàn của thanh niên cũng đã ít nhiều thay đổi. Việc loại bỏ tiêu chuẩn đoàn viên trước ngưỡng cửa đại học và trước việc đi học nước ngoài đã dẫn đến hệ quả tất yếu là một số thanh niên (tôi nhấn mạnh "một số") đã không coi trọng việc vào Đoàn. Tình hình sinh hoạt Đoàn ở 8 huyện nông nghiệp cũng chẳng khả quan gì hơn. Cơ chế khoán 10 đã đưa trả người thanh niên nông thôn về với gia đình họ. Đã không còn nhiều điều kiện để huy động ngàn vạn thanh niên vào những công trình "vĩ đại" với cờ dong trống mở rợp trời, để qua đó tổ chức Đoàn có dịp phát huy tác dụng Vậy là... cả một thành phố với 8 vạn thanh niên, trong năm qua chỉ phát triển, kết nạp được 653 đoàn viên mới. Báo động. Báo động! Số lượng thanh niên vào đoàn giảm rõ rệt.

Thế nhưng chỉ cần một vòng dạo chơi qua những ngôi chùa quanh thành phố vào buổi sáng chủ nhật, người ta thấy rằng vẫn còn một số thanh thiếu niên (tôi lại xin nhấn mạnh "một số" cho dù số ấy lớn hơn hẳn con số 653) yêu thích những sinh hoạt hội đoàn. Họ đến đây để múa hát, kể chuyện, học cách cứu người bị nạn, nghe giảng giáo lý nhà Phật... Tổ chức gia đình Phật tử, một hội đoàn quần chúng hoạt động rất mạnh mẽ và đã có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh chống Ngô Đình Diệm; rồi sau đó là bè lũ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... đã có cả một thời kỳ cả chục năm im hơi lặng tiếng. Nhưng cuộc sống, xét cho cùng phải cần có niềm tin. Và ở một rẻo đất nghèo nàn bé nhỏ mà giáo lý nhà Phật đã để lại dấu ấn ở ngót 100 ngôi chùa với hơn 200 Niệm Phật đường, thì việc một số thanh niên đặt niềm tin nơi cửa Phật nên được xem xét một cách cẩn trọng. Bởi vậy tôi vẫn cảm thấy phân vân trước phát biểu của một cán bộ đoàn, "không nên có nhiều tổ chức thanh niên ngoài Đoàn (như gia đình phật tử), cần phải có biện pháp…". Theo tôi, đó là cách nghĩ vội vàng, hời hợt. Vấn đề là làm sao tổ chức Đoàn cuốn hút được những người bạn trẻ bằng phương thức sinh hoạt của mình. Tôi hỏi anh Tuyên, Bí thư tỉnh Đoàn. "Trong giai đoạn hiện nay, phải làm sao để tập hợp thanh niên?". Đáp: "Phải mang lại quyền lợi thiết thực cho thanh niên, phải tạo công ăn việc làm cho họ". Hỏi, "Thế Đoàn thanh niên tỉnh nhà có phương hướng chi để góp phần giải quyết nạn thất nghiệp cho thanh niên?". Đáp: "Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội. Chúng tôi đang suy nghĩ. Nhưng... khó quá!..."

Ngay lập tức câu trả lời ấy kéo tôi trở lại với câu hát dân dã của những đứa bé trong những xóm lao động Bờ Hồ, Xóm Chuối, "Huế thơ Huế mộng, Huế... tộng bộng hai đầu". Thì có gì nhiều đâu mà không tộng bộng, cả một vùng đất cằn cỗi "chó ăn đá gà ăn muối”, với mấy cái nhà máy bé tẻo teo lấy gì nuôi nổi dân. Từ những năm 76, 77 người thanh niên Huế, cho dù học hành dang dở hay có trong tay mảnh bằng đại học hẳn hoi, kiếm ra được việc làm vừa sức, hoặc phù hợp với sở thích của mình, đã là điều khó. Vậy rồi đến thời kỳ chống bao cấp, người ta khám phá ra rằng cái bộ sậu hành chính gián tiếp của cơ quan mà lên đến gần 30% như thế không chóng thì chầy cũng đưa Nhà nước đến chỗ phá sản. Vậy là khẩn trương giảm biên chế. Mỗi năm hàng vạn thanh niên đến tuổi làm việc còn kiếm đâu được việc làm. Lại nữa, các bộ phận của nhà máy, xí nghiệp bị xem là dôi ra cũng chính là thanh niên, vì không lý gì lại loại ra những người đã có "quá trình cống hiến". Chỉ riêng việc ngừng sản xuất của xí nghiệp dệt Phú Xuân cũng đã bổ sung cho đội quân thất nghiệp lớn lao của tỉnh một con số không nhỏ, trong đó có phần lớn là thanh niên...

Không tìm được giải thoát, tôi đạp xe xuống phố, cố tìm cách khuây khỏa bằng cách ngắm nhìn cái vẻ rực rỡ của trời đất trong một ngày mùa đông tạnh ráo. Trên sân nhà ai hoa mai nở vàng rực. Tiết trời trái tính trái nết đã ép những cành mai phải nở sớm. Cứ cái đà này đến tết hoa sẽ đắt như vàng.

Giữa buổi sáng, các quán cà phê hai bên đường Lê Lợi phóng ra những khúc ca ồn ã. Trong quán đông đảo những vị khách thanh niên nhàn nhả đang giết thì giờ bằng cách thả hồn theo khói thuốc. Chỉ riêng một đoạn đường ngắn một trăm mét trên đường Lê Lợi tôi đã đếm được 7 quán cà phê như vậy. Nhưng vào giờ nầy mà có tiền ngồi quán, hẳn đây phải là thành phần con nhà khá giả. Cũng giờ nầy, còn biết bao nhiêu người cùng lứa tuổi với họ đang lặn lội đãi vàng trên bờ suối hay len lõi tận rừng sâu mong tìm gặp mùi hương của thần tài. Trong những năm qua, với những cơn sốt vàng, cơn sốt trầm, rất nhiều thanh niên, nhất là ở nông thôn và các xã vùng ven thành phố, bỏ ruộng vườn, bỏ cả công ăn việc làm trong biên chế để lên núi. Trong số những người ấy, hàng trăm người đã bị quật ngã bởi những cơn sốt ác tính hay những vụ cướp bóc, thanh toán lẫn nhau hãi hùng như vẫn thường được miêu tả trong những câu chuyện đường rừng.

Nạn thất nghiệp, mà biểu hiện cụ thể nhất của nó là hàng loạt thanh niên thiếu niên mà lại quá nhiều thì giờ rảnh rỗi, đã dẫn đến một hệ quả vô cùng trầm trọng về mặt xã hội. Trên địa bàn của tỉnh, những vụ án hình sự mà trong đó đối tượng phạm pháp là thanh niên đã được báo động nhiều lần. Chỉ cần đọc lướt những tờ báo Công an, người ta dễ dàng nhận ra điều ấy. (Và có phải chăng cũng nhờ những đối tượng thanh niên ấy mà số lượng bản in của mỗi số báo Công an đã lên đến hàng trăm nghìn bản?).

Không phải những người con của Huế không thấy buồn khi phải bán rẻ danh dự của mình. Nhưng "bụng đói đầu gối phải bò", nạn thất nghiệp đã đẩy biết bao người vào bước đường cùng. Và rồi có người đã bước qua cái gọi là lương tâm của mình chỉ bằng một cái tặc lưỡi. Mà có nhiều nhặn gì cho cam, có khi chỉ để kiếm được vài nghìn bạc, họ lại phá đi những di sản vô giá của cha ông. Tháng trước kẻ cắp đã đập phá bốn con rồng phun nước ở cái bể nước trước Phu Văn Lâu, chỉ để lấy mấy cái cuống họng phun nước bằng chì. Chưa hết đâu, những người con vốn rất mộ đạo của xứ Huế, trong lúc túng bấn, còn thò tay vào cả chốn trang nghiêm. Trong hai năm vừa qua, những tên Jean Valjean này đã đột nhập một số đình chùa và hốt đi các loại đồ thờ, các thứ tam sự ngũ sự bị cuỗm sạch. Sau đó họ còn tiến xa hơn nữa. Đầu năm 1990 chùa Phong Lộc (huyện Phong Điền) mất chuông. Đây không phải là cái chuông nhỏ trên bàn thờ, mà là loại chuông lớn treo trên giá, gọi là đại hồng chung. Sau đó nữa là quả chuông nặng 4 tạ ở chùa Thiên Hương gần đồi Thiên An, báo hại sư trụ trì phải hoài công lên tận Lao Bảo để kiếm tìm. Rồi thì quả chuông nặng 4 tạ rưỡi ở chùa Tây Lộc. Người ta không hiểu với một trọng lượng như thế, ở một vị trí không thể gọi là hoang vắng như chùa Tây Lộc, làm sao những kẻ trộm đạo lại có thể tung hoành như chỗ không người. Rồi thì còn quả chuông nặng 4 tạ đúc từ đời Gia Long ở chùa Công Hương (huyện Phú Vang) cũng đã bị kẻ cắp lấy đi. Nhưng lần này họ đã không thành công và quả chuông đã lặn sâu dưới con lạch cả một tuần trước khi nhà chùa đến thu hồi.

Đau lòng hơn hết, vẫn là việc đào phá các lăng tẩm. Trong 3 năm qua đã có mấy phiên tòa xử các tội phạm (mà phần lớn lại là thanh niên) đã đào bới các lăng mộ của các vua chúa và hoàng thân triều Nguyễn. Họ đã tàn phá không thương xót các di tích lịch sử này. Trong số những lăng tẩm bị phá hoại đó phải kể đến lăng của Đức bà Từ Dũ, Lăng của Kiên Thái Vương (phụ thân của ba vua Đồng Khánh, Kiến Phước, Hàm Nghi), lăng của vua Kiến Phước.

Và còn gì nữa ? Buổi hoàng hôn khi trở về sau những cuộc đi rong, khi đang chuẩn bị lòng mình để đối diện với nỗi khổ tâm riêng, tôi lại phải đối diện với một thực tế vô cùng phũ phàng khác. Trên đường về nhà, đi ngang qua trước Phu Văn Lâu, trước bia tiến sĩ, thế nào rồi tôi cũng bị các nàng Kiều xứ Huế chặn xe mời mọc. Một hôm nào đó tôi đã giật mình kinh hãi khi khám phá ra rằng con số những tụ điểm hành nghề của những bạn gái trẻ tuổi này e còn vượt quá con số trước năm 1975. Hồi đó tôi nhớ không lầm thì những kẻ hành nghề chỉ tập trung ở những con đò đỗ ở Phu Văn Lâu, Thương Bạc, ở hai bên bờ sông Gia Hội. Từ dạo 75, những con đò này bị buộc phải dời đi nơi khác, có người mừng rỡ, tưởng đâu tệ nạn xã hội này có thể bị diệt trừ. Ai dè bây giờ nó lại phát triển đến vậy. Trong cái nhập nhoạng giữa đêm và ngày, những người bạn gái đã xuất hiện, rất nhiều cô trên nhiều con đường thành phố: trước Cửa Ngọ Môn, trước Phu Văn Lâu, trước Bệnh Viện, trước bia Tiến sĩ, trước công viên trường Đại Học Sư Phạm, và ngay bên cạnh sở Công An bên đường Bến Nghé... Vậy cho nên tôi cũng chẳng phải lấy làm kinh ngạc khi nghe người ta kháo nhau rằng một nhóm nữ sinh viên của một trường Đại Học trong thành phố cũng đã sa chân vào vũng lầy ấy... Không phải người thanh niên Huế đã không còn biết hổ thẹn, nhưng rồi tính e dè, kín đáo vốn có từ lâu năm nơi người họ e rằng cũng đã phải mất đi để thay vào đó bằng một nét dày dạn, trân tráo khi mà, "gạo thua quá nhà lại đông em". Thôi thì cũng đành nhắm mắt, đánh một chữ liều...

***

Và để kết thúc bài viết ngắn ngủi này, lại một lần nữa, tôi xin mạn phép trích dẫn thêm một câu phát biểu của anh Bí thư Tỉnh đoàn khi chúng tôi đề cập đến những tệ nạn xã hội đang tồn tại hiển nhiên trong giới thanh niên tỉnh nhà. Khi nói về mối đe dọa của hội chứng miễn nhiễm, một căn bệnh đang gieo kinh hoàng tràn lan khắp thế giới, anh đã khẳng định: "Thành phố Huế hoàn toàn có khả năng và có nguy cơ của bệnh Sida". Riêng tôi, một kẻ từ lâu vẫn tin rằng tính lạc quan có được trong người mình là do kết quả của những buổi chiều rong chơi không mục đích, xin được bày tỏ sự đồng ý có chừng mực của mình với một điều kiện duy nhất, ấy là cho tôi thêm vào sau câu nói ấy một chữ "nếu..."

L.H.V
(Tháng Giêng năm chín mốt)
(TCSH45/03-1991)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)