Tạp chí Sông Hương - Số 45 (T.3-1991)
Xây dựng con người - từ giáo dục gia đình đến trách nhiệm xã hội
10:15 | 21/03/2019

NGUYỄN THANH TÙNG

Trong số ra ngày 25 tháng 11 năm 1990, một tờ báo chủ nhật xuất bản ở Hà Nội đăng bài "Giáo dục gia đình - S.O.S" của bạn đọc Lê Hòe.

Xây dựng con người - từ giáo dục gia đình đến trách nhiệm xã hội
Ảnh: internet

Tác giả phân tích tác động quyết định của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người. Tác động đó là hiển nhiên, xưa nay chưa thấy ai phủ nhận. Điều phát hiện của tác giả là ở chỗ ông viết: "Nếu đúng cuộc đời mỗi con người thường khó tránh khỏi tác động của bốn nhân vật quan trọng nhất là người mẹ, người vợ (chồng), người thầy, người bạn, thì rõ ràng người mẹ và người vợ thuộc diện gia đình, còn người thầy thuộc diện nhà trường, người bạn thuộc diện xã hội. Như thế đủ thấy bằng những tình cảm gia đình thiêng liêng để thực hiện tốt sự giáo dục gia đình là quan trọng biết nhường nào. "Điều hơi lạ là tác giả không nói đến người cha. Phải chăng vì ông cho rằng tác động của người cha là hiển nhiên, nhắc đến là thừa? Hay vì ông muốn nhấn mạnh tác động của "tình cảm gia đình thiêng liêng" mà nhân vật đại diện và ban phát là người mẹ chứ không phải là người cha? Nhưng dù nghĩ thế nào đi nữa thì khi nói đến tình cảm gia đình, giáo dục gia đình mà không nhắc đến người cha là không thể được, vì đó là nhân vật trụ cột. Vai trò giáo dục của người cha là hết sức cần thiết, không chỉ khi con cái đang ở tuổi thiếu nhi mà nhất là khi chúng đã trở thành người thanh niên. Trong phương châm giáo dục trẻ con, chúng ta chỉ chú trọng những nhân tố mang tính chất xã hội, bỏ qua các nhân tố có tính chất gia đình, và chúng ta đang gánh chịu hậu quả của sự lệch lạc đó.

Lâu nay chúng ta nói và viết nhiều về thanh thiếu niên hư hỏng mà không thấy, chính không ít bố mẹ của thanh thiếu niên, là những người trong độ trung niên cũng hư hỏng. Tôi chưa nói đến cái hư của họ về mặt xã hội, trước tiên tôi nói đến cái tội bất hiếu của họ đối với cha mẹ. Chắc nhiều người còn nhớ nhân vật trong một vở kịch đã nói với cha đẻ nó: "Ông không phải là bố tôi" chỉ vì hắn muốn cướp cái nhà của ông ta và chắc cũng chưa quên chuyện "Một ông già tội nghiệp" (đăng ở một tờ báo chủ nhật ở Hà Nội) đã uất lên và lăn đùng ra chết vì bị con dâu mất dạy buộc cho ông lấy chiếc nhẫn vàng của nó mà thằng chồng khốn nạn câm miệng hến, không một lời la mắng vợ đã xúc phạm đến cha mình, một ông già trí thức về hưu suốt cuộc đời đã hy sinh tất cả cho con cháu. Và xin đừng tưởng đó chỉ là những chuyện hư cấu hoặc là những chuyện cường điệu. Hàng ngũ những trung niên, nam nữ bất hiếu với cha mẹ ở đâu cũng có và không hiếm lắm đâu. Mất hết lý tưởng chính trị xã hội, không hề biết lý tưởng đạo đức là gì, họ quay quắt chạy theo tiền tài danh vọng, sống ích kỷ cao độ, đầu óc hoàn toàn xa lạ với các khái niệm trung hiếu, biết ơn, không hiếm trường hợp họ phản cha phản mẹ. Và cũng không hiếm những gia đình ở đó phát sinh mâu thuẫn khá gay gắt giữa cha và con - vì quan điểm chính trị tư tưởng: cha thì chống quan liêu, độc đoán chuyên quyền, tiêu cực, tham nhũng, con thì ở trong bộ máy, làm cán bộ, làm cấp ủy, sống buông thả, đầu óc do tư tưởng cơ hội chi phối, động cơ hành động là lợi ích bản thân, xa lạ với khái niệm trách nhiệm chính trị trước dân trước Đảng. Xung đột thế hệ ở đây không phải do thái độ cố chấp của người già trước xu hướng theo cái mới của người trẻ, mà là sự xung khắc giữa quan điểm lập trường cách mạng của các ông cha với chủ nghĩa cơ hội của các đứa con. Có người nói đây là mâu thuẫn đối kháng giữa trung và nịnh. Đã có trường hợp cha không đuổi con ra khỏi nhà mình được đành phải bỏ nhà ra đi. Nhưng cũng cần phải nói điều ngược lại là có những người con đã trưởng thành, đã trở thành người lớn, người cán bộ trong bộ máy Nhà nước, bỏ nhà bố mẹ ra đi, đoạn tuyệt với gia đình. Lôgic của cuộc sống trong một xã hội đang băng hoại mất hết kỷ cương tất yếu phải đẻ ra những sự đổ vỡ, những bi kịch như kia.

Nhìn bao quát xã hội ta hiện nay thì không phải chỉ có tuổi thanh thiếu niên là có nhiều người hư, phạm pháp mà tuổi trung niên cũng có, tầng lớp người lớn cũng có và khó mà nói ở đâu có tỷ lệ hư, phạm pháp cao hơn, và chắc chắn là sự phạm pháp (bị truy tố hoặc không bị truy tố) ở hai tầng sau mang tính chất nghiêm trọng hơn nhiều, vì cái hư của người lớn là thủ phạm gây nên sự băng hoại của xã hội, thanh thiếu niên chỉ là nạn nhân. Và cái nhìn bao quát kia bắt chúng ta phải thấy sự thất bại của mình trong công cuộc xây dựng con người. Cơ thể xã hội gồm có trẻ con, thanh thiếu niên, trung niên, người lớn. Chúng ta báo động, kêu cứu, muốn giáo dục, cứu vớt thanh thiếu niên, cứu riêng bộ phận thanh thiếu niên thì làm sao cứu được! Cho nên vấn đề không phải là cứu thanh thiếu niên, cứu trung niên hay cứu người lớn mà cứu con người, con người chủ thể của xã hội. Trong Chủ nghĩa xã hội dù là ở giai đoạn nào, con người phải là con người làm chủ, con người tự do, con người được tự do phát triển. Đó là một điểm căn bản của Chủ nghĩa Mác. Có thực hiện được điều đó, ta mới thực hiện được tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đó, chưa một nước nào làm được và hậu quả của tình trạng này là hết sức nghiêm trọng. Thảm kịch ở các nước Đông Âu, phân tích cho đến cùng, đó là sự nổi dậy của con người bị nô dịch hóa, không còn là mình nữa, mất hết tính tự nguyện trong sự tham gia vào công việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Con người được tạo hóa sinh ra để hưởng hạnh phúc trong tự do, không thể nào chịu đựng mãi thân phận tha hóa và sớm muộn rồi cũng phải tự giải phóng cho mình. Xã hội ta đã bắt đầu nhận thức được sự tha hóa của con người và không chậm trễ, đã nêu lên yêu cầu dân chủ hóa nền giáo dục. Đó là bước đầu, một bước căn bản, hết sức cần thiết, và cũng là một bước trở về với chủ nghĩa Mác: để cho mỗi con người phát triển tự do, ngay cả những ngày thơ ấu.

Với toàn xã hội ta, ở thời điểm này, khi ta bàn về cương lĩnh xây dựng đất nước, vấn đề chống sự tha hóa của con người, tức vấn đề dân chủ hóa, phải là vấn đề ưu tiên số một. Vấn đề phải được giải quyết không phải bằng một lời tuyên bố bằng câu bằng chữ, mà bằng sự lựa chọn một hình mẫu tổ chức Nhà nước có khả năng thực hiện một nền dân chủ thực sự: Nhà nước pháp quyền. Sự lựa chọn này thực ra cũng chỉ là một sự trở về, trở về với chủ nghĩa Mác, với tư tưởng Hồ Chí Minh, với tư duy pháp quyền đã xuất hiện sớm trong lịch sử xã hội loài người. Ở Trung Hoa cổ đại, ở cổ Hy La, những bộ óc cao cả đã suy nghĩ nhiều để tìm ra phương cách cai quản con người và xã hội tốt nhất, có hiệu lực nhất. Và cho đến nay, con người cũng chưa có cách nào để quản lý xã hội tốt hơn là dựng lên một Nhà nước pháp quyền hoạt động với một hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện để đảm bảo sự phát triển hài hòa của xã hội song hành với sự phát triển của con người. Một Nhà nước phi pháp quyền hoạt động bất chấp luật pháp, đứng trên luật pháp, sớm muộn sẽ thoái hóa thành một Nhà nước chuyên chế cực quyền, đối cực của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

Bến Ngự, tiết lập Xuân 91
N.T.T.
(Cán bộ về hưu - Nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên thời chống Pháp)
(TCSH45/03-1991)



 

 

Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)