Tạp chí Sông Hương - Số 357 (T.11-18)
Giọng điệu văn chương Sơn Nam
09:05 | 07/12/2018

HÀ TRẦN THÙY DƯƠNG - PHẠM PHÚ PHONG   

Giọng điệu khác với ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là cái vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ, và là tài sản chung của một quốc gia, dân tộc, tuân thủ theo một quy luật ngữ pháp nhất định.

Giọng điệu văn chương Sơn Nam
Ảnh: internet

Còn giọng điệu là sản phẩm riêng của cá nhân, là biểu hiện sinh động của ngôn ngữ và ngôn từ, trong đó có cả hơi thở, âm thanh, màu sắc, khẩu khí, phong cách và cá tính riêng của từng người. Nếu mỗi người có một giọng nói khác nhau, thì mỗi nghệ sĩ cũng có một giọng điệu, một cách biểu tỏ riêng. Đối với văn chương, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” (1, tr.91), là nơi biểu hiện đầu tiên của một phong cách, một cá tính sáng tạo. Mỗi nhà văn muốn có một phong cách, thì phải tự tìm cho mình một giọng điệu riêng. Trong tiến trình phát triển của văn chương Việt thế kỷ XX, ở khu vực Nam Bộ, Sơn Nam (1926 - 1992) là một trong những nhà văn thể hiện giọng điệu riêng đặc sắc.

Sơn Nam, tên thật là Phạm Minh Tày, sinh ra ở miệt U Minh Thượng, Rạch Giá, Kiên Giang, học trường Tây đến đíp-lôm, tham gia kháng chiến, rồi suốt cả một đời lăn lộn với Sài Gòn - Nam Bộ, và đã để lại một di sản hơn 60 đầu sách, được tái bản nhiều lần, gồm nhiều thể loại, tiêu biểu có thể kể đến như: tiểu thuyết Bà chúa Hòn (tái bản 1989, những bản dẫn ra ở đây, hầu hết đều là tái bản); truyện ngắn Chim quyên xuống đất (1962), Biển cỏ miền Tây (2000), Hương rừng Cà Mau (3 tập, 1997, 2001); truyện vừa Hình bóng cũ (1964), Truyện ngắn của truyện ngắn (1967), Chuyện tình một người thường dân (1990), Ngôi nhà mặt tiền (1992), Âm dương cách trở (1993); bút ký Người Sài Gòn (1994); hồi ký Từ rừng U Minh đến Cần Thơ (2000), Ở chiến khu 9 (2002), Hai mươi năm giữa lòng đô thị (2004); ghi chép Theo chân người tình (1990), Một mảnh tình riêng (2000), Dạo chơi tuổi già (2002); và nhất là hơn 20 công trình biên khảo đồ sộ, thể hiện sự am tường sâu sắc về lịch sử, văn hóa Sài Gòn - Nam Bộ như Tìm hiểu đất Hậu Giang (1959), Thiên Địa hội và cuộc Minh Tân (1971), Phong trào duy tân ở Bắc, Trung, Nam (1975), Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa (1985), Lịch sử An Giang (1989), Văn minh miệt vườn (1992), Đình miếu và lễ hội dân gian (1994), Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (1994), Giới thiệu Sài Gòn xưa (1995), Nghi thức lễ bái của người Việt Nam (1997), Đất Gia Định xưa (1997), Bến Nghé xưa (1997), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1997), Danh thắng miền Nam (1998), Cá tính miền Nam (2000), …, trong đó, đặc biệt là với công trình Người Việt Nam có dân tộc tính không? (1969) là bản tuyên chiến chống lại những người chủ trương Âu Mỹ hóa mọi sinh hoạt đời sống người Việt, nhằm “đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, chống lại sự xâm lăng về văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới diễn ra ở Sài Gòn trong nửa cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước” (2, tr.8).

Điều dễ nhận ra là, ở bất kỳ thể văn nào, trong sáng tác của Sơn Nam (xin tự giới hạn trong phạm vi văn chương tưởng tượng) cũng thể hiện một giọng điệu văn chương độc đáo, không trộn lẫn với bất kỳ ai khác, nhất là ở thể loại truyện ngắn, bắt đầu từ các truyện Bên rừng Cù lao Dung Tây đầu đỏ, đạt giải Nhất giải thưởng Cửu Long giang do Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ trao tặng (1951 - 1952), được diễn ngôn thông qua những đặc điểm và phương thức biểu hiện đậm đặc bản sắc Nam Bộ và cá tính, phong cách sáng tạo của Sơn Nam.

1. Ngôn từ nghệ thuật trong văn chương được cá thể hóa đến mức trở thành giọng điệu của từng tác giả với những đặc điểm nổi bật riêng. Tác phẩm nghệ thuật là sự kết cấu của những “gam” giọng điệu. Chính điều đó đã làm nên ngôn ngữ chính văn của từng loại hình nghệ thuật và là chỗ để phân biệt đặc trưng của các loại hình. Giọng điệu là yếu tố quan trọng đối với tác giả, bởi nếu thiếu giọng điệu, nhà văn không thể tạo ra tác phẩm. Các nhà văn thường tạo cho mình một giọng điệu chủ đạo, phù hợp với thái độ nghệ thuật của mình. Ví như, Nguyễn Công Hoan nổi bật với giọng điệu châm biếm, hài hước; Nguyên Hồng lại có giọng điệu yêu thương thống thiết, còn Thạch Lam có giọng điệu trữ tình, buồn thương man mác…

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước bị nô lệ, chiến tranh rồi chia cắt, cũng như nỗi lòng của bao người yêu nước khác, trong văn chương Sơn Nam chất chứa giọng điệu trầm buồn, ngậm ngùi trước họa xâm lăng, khi hóa thân vào tâm trạng của nhân vật: sự đau đớn ê chề của phó hương quản Hem khi đua ghe trong ngày hội, đoạt giải nhất là lá cở của kẻ xâm lược, “một lá cở tam sắc to tướng” (Chiếc ghe ngo); là nỗi lòng của ông Tư Châu Xương khi nghe cặp rằng Be nêu một thực tế đau buồn đến chua xót “xứ này, xứ của Tây” (Nhứt phá sơn lâm); là “chú Tư Đức buồn bực vô cùng khi thấy ông kiểm Rốp khinh rẻ người Việt” và tự cho họ có cái quyền khai thác rừng vàng biển bạc của nước ta, trong khi chính chúng ta, những chủ nhân thật sự thì bị chúng bắt bớ, đọa đày (Sông Gành Hào); là nỗi chờ đợi mỏi mòn chàng trai trẻ năm xưa đi cứu nước không về của cô Bảy đưa đò từ thời con gái cho đến tuổi về già (Con Bảy đưa đò), hoặc nỗi buồn thương của ông Từ Thông, yêu nước mà không dám tỏ lòng, tự thấy mình còn thua con chim đỗ quyên nhớ nước: “Một mối buồn len vào tâm não ông Từ Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương tri như rực sáng nhắc nhở ông món nợ gì đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp được gì thì ít ra ông cũng cần biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội. Nước có nguồn. Chim có tổ. Cá có hang. Đôi mắt già của ông Từ Thông ngẩn ngơ nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây đang bay thấp là đà…Ông hổ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con chim đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải” (Hòn Cổ Tron).

Tâm tình, hoài niệm là đặc điểm thứ hai trong giọng điệu văn chương Sơn Nam. Giọng điệu này tạo một sinh quyển rộng lớn để nhà văn thể hiện tình cảm, nỗi lòng của mình đối với con người và cuộc sống, thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở về những quá vãng đã trôi xa trong quá khứ, chưa dễ nguôi ngoai. Trong hầu hết các truyện ngắn của mình, Sơn Nam thường để các nhân vật kể chuyện ẩn mình đằng sau các sự kiện, tạo nên giọng điệu khách quan, lạnh lùng. Nhưng trong giọng điệu bình dị mang hơi thở của đời sống ấy, lại toát ra hơi ấm nồng nàn của những cảm xúc buồn vui, những tình cảm chân thành của chính tác giả đối với nhân vật của mình. Trong truyện của ông, chỉ có hành vi xấu, vì một lẽ nào đó bộc phát, chứ hầu như không có nhân vật xấu. Nhà văn yêu thương con người, mà trước hết là nhân vật của mình, thể hiện thông qua sự cưu mang, đùm bọc giữa những con người, chống lại những hoàn cảnh khắc nghiệt của đời sống, của thiên nhiên và thú dữ (Hết thời oanh liệt) hoặc sự cưu mang của ông Năm Lượng đối với thân phận mồ côi, bơ vơ của Điệu (Vọc nước giỡn trăng); không chỉ cưu mang mà còn tìm cách chôn cất và lập bàn thờ cho cha của Kìm của ông bà Hai (Một cuộc biển dâu), hoặc che chở, cứu sống nhân vật “tôi” trong cuộc chạy Tây, bằng những câu hát ca dao của người thiếu phụ làng Liên Tú, trong chuỗi hoài niệm về quá khứ, trong sự tôn vinh văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc: “Từ đó tôi yêu kính ca dao. Ngoài giá trị văn chương, địa lý, phong tục… nó còn là bùa cứu khổ cứu nạn thời kháng chiến. Vài người đã sáng tác ca dao kim thời cải cách. Trong trường hợp này, nếu thiếu phụ hát loại ca dao cải cách thì chưa chắc tôi dám vào nhà, xin tá túc. Vì biết đâu đó là cạm bẫy của bọn gián điệp. Ca dao sống trong không khí riêng, khó tả. Dầu trí óc ta quên, nhưng nó còn đó. Như trăng sao tạm thời lu mờ chỉ vì mây mưa che phía dưới thấp.” (Ngó lên sở thượng)…

Truyện Cây huê xà, như một lời nhắc nhở con người phải sống rộng lượng, mở lòng ra với nhau, đừng vì một chút ganh tị giữa Năm Điền và Hai Rắn dẫn đến cái chết của Năm Điền, giết chết cả hạnh phúc cuộc đời Lài, con gái thầy Hai Rắn. Giọng văn buồn thương, xen lẫn cật vấn nhẹ nhàng, có chút trách móc như một tiếng thở dài: “Cây huê xà là cây gì? Có thiệt hay không? Lắm đêm nó nằm chiêm bao thấy một thứ lốm đốm trắng mọc cheo leo ở chót núi ông Cấm, tiếp với trời xanh. Trên cảnh xa vời nhơ bợn đó, dây huê xà nhởn nhơ uốn éo với gió núi. Giữa lòng từng chiếc lá, hiển hiện kìa trăm ngàn gương mặt của con Lài, tươi tắn, cười riêng với nó, trẻ mãi không già…”.

Đọc truyện Sơn Nam, cảm giác như lạc vào một thế giới cổ tích và hình dung có một người già đang ngồi kể tích xưa, chuyện cũ qua một giọng điệu rề rà, chậm rãi, cứ như nhả từng câu, từng chữ, thể hiện sự điềm đạm, mực thước, chín chắn của ông. Nhà văn luôn làm chủ được vốn liếng ngôn từ, ý thức được tác dụng của những gì mình viết ra. Cho nên, mỗi khi muốn hướng người đọc đến một vấn đề nào đó, ông đều có cách đặt câu, dùng từ và cách kể cho phù hợp với nội dung và đối tượng được nêu, trong đó, nhịp điệu chậm chạp, rề rà trở thành nét đặc trưng trong phong cách sáng tạo của ông. Ngay cả trong những câu chuyện về người nông dân đứng lên làm cuộc khởi nghĩa chống Pháp với không khí thật hào hùng, sôi nổi, thể hiện khí phách của nhân dân ta, nhà văn cũng vẫn dẫn dắt bằng một giọng khoan thai, chừng mực. Bên dưới từng hàng câu chữ thể hiện niềm tin và khát vọng, nhen thêm ngọn lửa vào không khí sục sôi của cuộc kháng chiến, nhưng bên trên bề nổi của vỏ ngữ âm, vẫn là giọng điệu đều đều và chậm rãi: “Năm 1945, cả xóm ngọn Xẻo Bần không nấu xà bông nữa. Họ phải lo những chuyện khác cao cả hơn. Nhưng ý nghĩa của cuộc chiến đấu mới nào có lạ gì hơn là làm cho dân giàu nước mạnh, phát triển nội hóa. Có lẽ vì lý do đó mà họ hăng hái hơn ai hết. Vì họ đã thấy rõ một lần rồi.” (Bác vật xà bông).

Có bao nhiêu sự kiện và con người trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ đậm đặc phẩm chất vùng đất Nam Bộ, đều thong thả bước vào trang văn của Sơn Nam. Chuyện ông Sáu Bộ giỏi võ múa roi đi quyền (Đảng cánh buồm đen); chuyện về tình nghĩa trong sáng, cao quý, tri âm tri kỷ giữa một người nhà quê và một người kẻ chợ (Tình nghĩa giáo khoa thư); chuyện nhiều nghĩa tình nhưng cũng lắm cơ cực của những đứa trẻ chăn trâu cho nhà chủ như Hon, Kia (Lũ trẻ chăn trâu); chuyện ông Năm xay lúa mướn suốt một đời cật lực mưu sinh, mỗi ngày “đứng xay từ hừng sáng tới mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn tươi rói. Bất chấp tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần thì gọi ông đến cho vui nhà vui cửa” (Ông già xay lúa)…

Cái chất tâm tình hoài niệm, rề rà chậm rãi dường như là đặc điểm chung của nhiều nhà văn Nam Bộ như Phi Vân, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng,… đều có giọng điệu thong thả, kể có ngọn ngành, miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết, từng sự kiện, phân tích từng vấn đề, làm cho người đọc nắm bắt sự vật, hiện tượng một cách tường tận. Nhưng xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, thời điểm lịch sử cụ thể và giao diện với từng vỉa tầng văn hóa, mà mỗi người có cách hành ngôn khác nhau, trên cái chất giọng chung của vùng kênh rạch, sông nước Nam Bộ. Sơn Nam hoài niệm chủ yếu về văn minh miệt vườn, chậm rãi nhưng với nhịp điệu đều đều, mạch văn dàn trải, không có sự đột biến hùng hồn, mạnh mẽ, càng không có sự “lên gân”, mà bình dị, thâm trầm, có ít nhiều suy tư trước những sự kiện diễn ra. Câu văn mộc mạc, chân tình đến mức có khi người đọc tưởng như là văn nói. Ông viết chân phương, ít dùng những từ hoa mỹ, câu văn gọn gàng, dễ hiểu và không đến nỗi trúc trắc như đánh đố người đọc. Chính vì thế, văn chương Sơn Nam tuy nặng về tâm trạng nhưng gần với đại chúng, dễ dọc dễ hiểu, gần gủi với mọi tầng lớp người đọc. Đó vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm của Sơn Nam.

2. Ngôn ngữ là hệ thống tiếng nói, là tín hiệu biểu đạt nhưng nó chỉ là hình thức vật chất tạo nên văn bản. Còn giọng điệu được làm nên bởi ngôn ngữ, song giọng điệu lại lớn hơn ngôn ngữ rất nhiều. Nó không chỉ có giá trị ngữ nghĩa mà còn có giá trị ngữ âm, không chỉ có giá trị từ pháp mà còn có giá trị tu từ, giá trị hiện thực và cả giá trị thẩm mỹ, tùy thuộc vào phương thức thể hiện của từng tác giả. Về phương thức biểu hiện, có thể nhận ra giọng điệu văn chương Sơn Nam tập trung biểu hiện ở mấy phương thức chủ yếu sau đây: giọng điệu trần thuật, giọng điệu miêu tả, giọng điệu nhân vật.

Giọng điệu trần thuật thường thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, dùng từ, các sắc điệu tình cảm, cách diễn đạt tư tưởng trong quá trình giao tiếp, ứng xử. Mỗi lời nói đều chứa nhiều giọng điệu mang sắc thái, ngữ điệu riêng. Hầu hết cấu trúc nghệ thuật truyện ngắn Sơn Nam đều nhằm khám phá và cắt nghĩa ý kiến, lời nói của nhân vật. Nhà văn không chủ trương xây dựng tính cách, hình tượng khách quan của nhân vật mà xây dựng ý kiến của nhân vật về chính nó và thế giới của nó.

Với lối trần thuật ở ngôi thứ nhất, Sơn Nam đã để cho người kể chuyện và nhân vật bình đẳng, dân chủ, cùng tham dự vào cuộc đối thoại, cùng triết lý, tranh biện về một vấn đề, một hiện tượng nào đó trong cuộc sống xã hội gắn với bước chuyển của hoàn cảnh lịch sử/ thời đại. Các điểm nhìn trần thuật luôn di chuyển, có khi tác giả tự tách ra khỏi nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ bằng giọng điệu của chính mình. Tất cả đều hướng tới bản thân nhân vật và được cảm thấy như là “lời nói về người có mặt, chứ không phải là lời nói về người vắng mặt như là lời nói của ngôi thứ hai, chứ không phải ngôi thứ ba” (M. Bakhtin). Trong quá trình dịch chuyển và gia tăng các điểm nhìn không chỉ để mở rộng trường nhìn mà còn làm phong phú thêm các giọng điệu trần thuât thông qua sự trải nghiệm cá nhân và môi trường hội thoại. Khi thì diễn ra trong một không gian rộng lớn như ở hòn Cổ Tron (Hòn Cổ Tron), xóm Xẻo Bần (Bác vật xà bông), làng Long Phú (Ngó lên sở thượng), vùng rạch Cái Cau (Con Bảy đưa đò)… hay trong một không gian khép kín như trong một bữa nhậu, trong một ngôi nhà, hoặc một túp lều… nhưng dù ở đâu, không gian nào, bằng lời thoại trải nghiệm, chứa đầy nỗi niềm suy tư, nhân vật cũng thức tỉnh được người đọc, kéo người đọc ướm tâm hồn mình vào trang văn, trong niềm tâm cảm, giải bày.

Sự chuyển hóa từ giọng điệu người trần thuật, người kể chuyện sang giọng điệu nhân vật cũng là đặc điểm trong giọng điệu trần thuật của Sơn Nam. Có khi, lời nhân vật không phân biệt với lời tác giả. Tác giả nói thay cho nhân vật, khi trao cho nhân vật nhiệm vụ trần thuật, hoặc người kể chuyện đứng sau nhân vật, không tham gia vào quá trình vận động của câu chuyện. Người kể chuyện không nói giọng quyền uy, trang nghiêm, cao đạo mà bằng ngôn ngữ đời sống, lời ăn tiếng nói bình thường. Suy cho cùng, đó là sự linh hoạt khi tác giả nói thay cho nhân vật: “Tác giả là người điều khiển, nhân vật là con rối. Con rối không có đời sống riêng, giọng điệu riêng. Tác giả nói bằng giọng của mình, phong cách của mình. Tác giả chỉ truyền đạt điều nhân vật muốn nói hoặc có thể nói. Kết quả là nhân vật “câm”, mặc dù bề ngoài thì lắm lời. Tác phẩm hình như là một vở kịch câm do tác giả bình luận và nói hộ” (3, tr.12).

Giọng điệu miêu tả của Sơn Nam nhằm phục dựng một thế giới ngổn ngang những sự kiện, sự vật và con người, bức tranh đời sống làng quê, sông nước đậm đặc sinh chất Nam Bộ. Mạch tả của nhà văn không quá chi tiết, rườm rà mà chỉ tập trung vào những nét chính, tạo nên ấn tượng, từ xa đến gần, từ thấp thoáng đến nguyên hình. Đây là quang cảnh xung quanh cái chòi của Năm Lươn: “Xung quanh chòi, cây mua, cây lức mọc um tùm. Kế bên chòi, một cái đìa khá sâu, nước trong leo lẻo phản chiếu ánh nắng trưa. Thềm đìa quá rậm rạp. Rau muống bò lan tràn. Chuột chạy tới chạy lui như đùa giỡn với mấy con rắn nước đang há mỏ (…). Gió thổi lồng lộng, lướt qua đồng cỏ hoang vu. Ngọn cỏ quá sung sức, quá cứng nên không gợn như bông lúa, vang lên điệu nhạc buồn buồn, như tiếng ve sầu.” (Kéo trúm). Ở xứ kênh rạch, sông ngòi, người dân sống bằng nghề đánh bắt tôm, cua, cá, lươn, thậm chí cả chuột đồng, cá sấu… Và, đây là con rùa khổng lồ có tên là Bà Tám: “Mặt nước lại xao động. Lần này một thân hình to lớn trồi lên, thoạt nhìn qua giống hệt như con trâu nằm vũng. Trên lưng nó, nhiều miếng vảy xanh lè, đầy rong rêu, nhơn nhớt, sắp đặt theo kiểu vảy trên lưng rùa. Từ đầu tới đuôi, thầy Tư Nhu đếm kỹ thấy có tám cái sọc nổi lên cao, chạy song song.” (Con bà Tám). Quan cảnh thiên nhiên buổi chiều tối hiện lên với sắc thái êm ả pha chút rờn rợn: “Mặt trời thoi thóp, gác bóng trên mé rừng tràm. Bóng đêm đổ xuống, pha màu nước rạch đen ngòm. Bầy cò trắng bay về gom lại, lượn vòng quanh mấy ngọn tràm, kêu lên “cót cót”.” (Ngày xưa tháng Chạp)…

Hình tượng con người hiện ra từ trang văn của Sơn Nam càng sinh động và đa dạng hơn, từ quan Tây Henri Nhan (Hình bóng cũ), hội đồng Liệt (Một chuyện khó tin), cò Lơ Hia (Con rắn ri voi), đến các thầy Tư Nhu (Con bà Tám), Hai Rắn (Cây huê xà) hoặc đám trẻ chăn trâu như Kia, Hon (Lũ trẻ chăn trâu)… những con người mang đậm đặc phẩm chất của con người Nam Bộ, được ông quan sát một cách tỉ mỉ, miêu tả hết sức chi tiết và tinh tế, như hình tượng người nông dân A Ốn thật buồn cười, thiểu não, ngộ nghĩnh và đáng yêu, khi “đầu đội kết, gắn ngôi sao trắng kiểu Quốc dân đảng, như ông tứ, hai chân mang loại vớ khá cao tận gối, nhuộm từng khoanh đen đỏ xanh vàng kiểu vớ dành cho “anh chị” múa lân dịp tết. Hai sợi dây tréo quần sắp tuột, còn vướng víu trên vai. Và rõ ràng là không gài nút quần.” (Một người hàng xóm).

Đối với phương thức biểu hiện giọng điệu nhân vật, Sơn Nam rất tuân thủ yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa hiện thực: cảnh ngộ nào, ngôn ngữ ấy; tính cách nào lời lẽ ấy. Giọng điệu nhân vật của ông không phụ thuộc vào vị trí xã hội, giai cấp, nghề nghiệp mà là tiếng nói thật xuất phát từ bản năng làm người của con người cụ thể “với tất cả tính tượng thanh, tượng hình của sáu thanh điệu, biểu lộ các cung bậc trầm - bổng, cao - thấp, nặng - nhẹ, và trạng thái cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố… của tiếng Việt” (4, tr.75). Những con người trước nhiều nghịch cảnh phải xót xa, đau khổ, hoặc đi lại nói cười trong trang văn của Sơn Nam hầu hết đều là con người hiền lành, chất phác xứ Nam Bộ, nên trong giọng điệu của họ mộc mạc, bình dị, trực quan, thậm chí cũng có khi sử dụng nhiều đến phương ngữ và cả khẩu ngữ, ngay cả những khẩu ngữ hay đệm tiếng chửi thề trước câu nói, cũng được nhà văn đưa vào một cách chân thực mà không hề tránh né. “Văn hóa chửi thề” không chỉ xuất hiện ở người bình dân mà còn cả ở thầy cai, thầy đội, không chỉ ở người lớn mà cả ở trẻ con, diễn ra ngay trước mặt cha mẹ mình: “Đ.m. Chết hết một con. Đem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Đ.m. Không lẽ bỏ luôn” (Mùa len trâu). Không chỉ đàn ông, mà cả phụ nữ trong trường hợp bộc phát cũng chửi thề trước mặt người yêu: “Cô Tư Hạnh la hoảng: - Anh ơi! Đừng chạy. Đ.m./ Lần đầu tiên giáo Trích nghe người yêu chửi thề. Thế có nghĩa là… chuyện quan trọng sẽ xảy đến. Anh ta hỏi: - Cái gì? Cái gì?/ Cô Tư Hạnh đáp: - Đ.m. Thằng Tám Theo, ông già Hiệt, con mẹ bảy Út… bị bắt ở chợ Rạch Giá hết rồi. Em khôn vong nên chạy hụt hơi về đây. Tụi Nhựt Bổn bắt tất cả những người… xài bạc trăm, đem vô bót rồi nhìn số trên tờ giấy bạc. Tụi nó coi đó là bạc vô giá trị, bạc của Tây bỏ rơi” (Ăn to xài lớn).

3. Giọng điệu văn chương Sơn Nam là sản phẩm của “văn minh miệt vườn”/ văn hóa Nam Bộ, đã ngấm vào máu thịt truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, hiện ra thành câu chữ trên trang sách, dường như luôn có sự đồng hiện giữa ngôn từ với tâm thức và tư duy sáng tạo/ với không gian và thời gian/ với vóc dáng và cốt cách tâm hồn trong hình tượng tác giả.

Tâm thức văn hóa của miền quê sông nước, kênh rạch không chỉ chi phối tư duy sáng tạo mà còn, kéo theo nó, là giọng điệu, ngôn từ biểu hiện trong quá trình tạo nên những sinh thể nghệ thuật sống động. Nhà văn không phản ánh hiện thực, mà luận bàn về hiện thực, luận bàn về sự đời, về cuộc sống, với chính chất giọng của đời sống thường ngày, nên vừa bộc trực, đốp chát, thẳng thừng, vừa mộc mạc, bình dị, chất phác, nhưng vẫn nặng trĩu ưu tư, hàm súc và sâu sắc. Câu văn ngắn gọn, mạch lạc, hầu như rất ít khi ông sử dụng câu phức, mà chủ yếu là câu đơn, phù hợp với tư duy bộc trực, phóng khoáng, hào hiệp, công khai, rành mạch một cách rõ ràng, ngay cách ví von ngộ nghĩnh trong ý nghĩ của Hồng, sau khi nghe Hai Tị giới thiệu con lạch xẻo quê: “Dưới lạch. Nước gần cạn. Cá lóc táp mồi nghe đùng đùng. Xứ này nhiều cá hơn mức tưởng tượng của nàng. Nếu siêng năng, có thể câu hoặc tát mấy vũng cạn, khỏi tốn tiền. Dưới ánh trăng, cá đua nhau đớp bọt như nồi cơm đang sôi.” (Con cá chết dại).

Các sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định. Đó là không gian, thời gian vật chất mang tính xác định, nhưng khi hiện ra đằng sau những câu, chữ trong trang văn Sơn Nam, nó đã biến thành hình tượng nghệ thuật. Ngay cả tên các tác phẩm cũng đã in bóng thời gian che rợp trong không gian rộng lớn, gắn liền với văn minh sông rạch: Tháng Chạp chim về, Ngày xưa tháng Chạp, Mùa len trâu, Người đi đêm, Một cuộc biển dâu… hoặc tên đất, tên sông như hòn Cổ Tron, hòn Sơn Rái, hòn Tre, rạch Thuồng Luồng, rạch Cái Cau, rạch Cái Tàu, rạch Chà Tre, ngọn Xẻo Bần, ngọn Cái Bắc, sông Cái Lớn, núi Sam, rừng U Minh, ấp Đông Bình, làng Long Phú, kinh xáng Lái Hiếu… Chỉ thống kê trong tập truyện ngắn tiêu biểu nhất của ông là Hương rừng Cà Mau (3 tập), tần số các nhóm từ miêu tả sự vận động của dòng nước và nhóm từ định danh cho các dòng nước đã lên đến 45 lần. Từng con chữ như lắp thành tấm gương phản chiếu, dưới nắng mai ấm áp, kéo gần các sự vật hiện tượng như sông nước, mùa màng, cây trái hiện ra trong cùng một không gian và vận động trong cùng một thời gian ươm đầy những tín hiệu thẩm mỹ đa sắc, cũng bằng lối ngắt câu, ngắt nhịp theo kiểu nhấn mạnh của câu đơn: “Tư Cồ đứng trên mặt đất - tức là đáy nước. Nước cao ngang cổ. Hai tay Tư Cồ cầm dao, chém cỏ, chém gốc dưới nước. Cỏ nổi lên từng về (…). Cỏ bị chặt đứt gốc trôi lều bều. Hai tháng nữa, tức là tháng Hai tháng Ba âm lịch, trời nắng cháy. Vợ chồng Tư Cồ sẽ trở lại đó, đốt cỏ. Rồi gieo lúa giống, loại lúa Xom Mà Ca từ lúc gieo đến lúc trổ bông là bốn tháng.” (Ruộng lò bom). Có thể tìm thấy nhiều hình tượng xuyên thấm giữa thời gian và không gian của vùng đất “muỗi mòng và quanh năm ngập lụt” này trong tâm tưởng của Hai Tị (Con cá chết dại), ông Tư (Tháng Chạp chim về), lão Ngượt và Hai Cần (Vẹt lục bình), dì Bảy (Con Bảy đưa đò).

“Văn học là nhân học” (Gorki). Câu này không phải là định nghĩa đầy đủ về văn học, mà là nhằm nhấn mạnh đến bản chất của văn học, là khoa học khám phá về con người, lấy con người làm đối tượng trung tâm, đồng thời là ưu phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần của con người. Vì vậy, xét cho cùng, cũng như mọi nghệ sĩ khác, tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm và cảm hứng chủ đạo của tác giả Sơn Nam là nhằm khắc họa vóc dáng và cốt cách tâm hồn con người, nhưng với ông, đó là con người Nam Bộ với những phẩm chất hiền lành, chất phác nhưng cũng hết sức mạnh mẽ, cứng cỏi và hào hiệp, nhân văn. Đồng thời, quan trọng hơn, ông thổi hồn mình vào những bức chân dung được khắc họa, bằng chính giọng điệu của riêng ông.

Sơn Nam sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất mà thiên nhiên hào phóng đã cho kênh rạch, sông ngòi nhiều tôm cá, nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt bởi chính thiên tai. Đầm mình trong cuộc sống của cần lao và đi qua hai cuộc chiến tranh, hơn ai hết, nhà văn am hiểu đến tận cùng mọi thăng trầm, hệ lụy của cuộc sống con người và trở thành người phát ngôn cho thổ ngơi nơi mình sinh ra và khôn lớn. Ông viết như nói, như kể về chính những gì có thật đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Không hoa mỹ, màu mè. Cũng không lên gân, lên cốt. Ông kể chuyện về các nhân vật, mà như kể về những gì mình đã trải qua, đã diễn ra trong cuộc sống của chính mình, không thêm, không bớt. Dường như trong văn chương Sơn Nam không cần đến tưởng tượng hoặc hư cấu. Bởi lẽ, “Trí tượng tượng của nhà văn dù có phong phú đến đâu cũng không thể phong phú bằng chính bản thân thực tế. Cho nên không thể không biết cách quan sát những diễn biến tinh vi trong cuộc sống. Bản chất con người và cuộc sống không phải bao giờ cũng bộc lộ rõ ràng qua những hiện tượng dễ thấy. Chỉ có quan sát kỹ lưỡng, nhà văn mới có thể phát hiện được những ý nghĩa sâu xa trong từng chi tiết cùng những diễn biến đa dạng của nó.” (5, tr.202). Ông chẳng cần quan sát gì nhiều, bởi vì ông khắc họa chân dung con người Nam Bộ bằng chính khuôn mặt cuộc đời bản thân ông.

Sơn Nam là “nhà văn đi chân đất” theo đúng nghĩa của từ này. Với dáng người thấp nhỏ như núi của phương Nam nhưng rắn rỏi, gân guốc. Gương mặt ông khắc khổ, hun hút như được chạm khắc bởi nỗi niềm tù túng của lịch sử có nét hao hao gương mặt của tượng đá Phù Nam. Đôi mắt ông vừa xuyên suốt, vừa u u minh minh, vừa sáng quắc lại vừa lờ đờ, hệt như đôi mắt của quá khứ, nhưng nụ cười hiền lành luôn gắn ở trên môi và đong đầy trong mắt. Ông cứ thế mà đi bộ hơn bảy mươi năm trên những làng quê, phố xá, những vỉa hè quanh co mỗi sáng cho đến tối mịt mỗi ngày, và, ông thong thả đi vào đáy sâu hun hút của lòng người, đi vào tòa lâu đài cao lộng lẫy của văn chương, bằng chính hơi thở ấm áp và giọng điệu tự nhiên như tiếng vọng từ trái tim mình. Chỉ với người sáng tạo văn chương nghệ thuật, nhất là với Sơn Nam trong giao diện rộng với mảnh đất Sài Gòn - Nam Bộ, người ta mới thấu cảm điều mà R.Gamzatov đã từng thức nhận: “Chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” (6, tr.55).

Tô Hoài đã từng khiêm tốn cho rằng: “Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ rằng Sơn Nam thuộc đến ngóc ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn - Bến Nghé, tôi thì nhớ ít nhiều tên phố tên làng Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trằm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế” (7). Trong khi đó, như người tiên cảm được những vấn đề về lý thuyết tiếp nhận ở người đến sau, chính Sơn Nam lại canh cánh bên lòng rằng cách nói, giọng điệu của mình đã quá xưa cũ sợ không có người nghe, người đọc, nhất là giới trẻ: “Có ai nghe thì nói, lắm khi như nói một mình. Giới trẻ đứng giây lát rồi bỏ đi, gọi lão đó ăn nói nghe cũng hay nhưng dường như lẩm cẩm (…). Họa chăng khi lão mất, người trẻ trở thành người già, nhớ lại bóng dáng lão, rồi đánh giá rằng đó là người có tư cách. Theo ngôn ngữ xưa trước 1945, có tư cách là có đầu óc, tức là người quan tâm ít nhiều đến chính trị, là người biết vinh nhục, có trách nhiệm” (8, tr.2236). Ông ra đi vào tuối 66 (1926 - 1992), nhưng cái nhân cách toàn vẹn/ tư cách lớn của Sơn Nam còn lại là một trí thức yêu nước, một nhà Nam Bộ học, một cuốn tự điển của thời đầu mở đất Đồng Nai - Bến Nghé. Hơn thế nữa, ông còn là nhà văn phong tục của miền Nam, của những huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp. Ở một phương diện nào đó, có thể “xếp” ông vào hàng ngũ những người “mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ) cho cánh đồng văn chương xứ Đàng Trong.

H.T.T.D - P.P.P
(TCSH357/11-2018)


.........................................................
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Tự điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Lời giới thiệu (2009), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
3. Trần Phỏng Diều (2004), “Con người trong truyện ngắn của Sơn Nam”, báo Văn nghệ, số 7, năm 2004, Hà Nội.
4. Xin xem Phạm Phú Phong (1997), Thi pháp và thi pháp truyện ngắn, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Nhiều tác giả (2002), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
6. R.Gamzatov (1980), Daghextan của tôi, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Tô Hoài (1995), “Đọc “Hoa trái quanh tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường”, báo Văn nghệ, số 25, ngày 24/6/1995.
8. Dẫn theo Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.  




 

 

Các bài mới
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Các bài đã đăng
Biển (07/12/2018)
Tình yêu (29/11/2018)
Lời Thầy (20/11/2018)