Tạp chí Sông Hương - Số 358 (T.12-18)
Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu với phong trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939) ở Huế
08:57 | 18/12/2018

NGUYỄN THÁI SƠN*     

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 1939) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu với phong trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939) ở Huế
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Được sinh ra và lớn lên ở Huế, trung tâm cai trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, cũng là cái nôi của cách mạng, đồng chí sớm trưởng thành và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh ở Huế. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí đã có rất nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng tỉnh nhà, đặc biệt là trong phong trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939).

Tháng 6/1936, Nguyễn Chí Diểu ra tù, được phân công về Huế chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong bối cảnh tình hình mới, đồng chí đã sớm tiếp cận thực tiễn, tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện những chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 7/1936).

Xuất phát từ nhận thức về vị trí chiến lược và tầm quan trọng của phong trào cách mạng ở Huế với phong trào chung của cả nước, đồng chí đã vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt Nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, triệt để lợi dụng các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, tích cực tuyên truyền và giác ngộ lý tưởng cách mạng, hướng quần chúng nhân dân ở Huế vào phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến.

* Tham gia vận động phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đông Dương Đại hội và đòi quyền lợi dân sinh dân chủ.

Sau khi trở về Huế, cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San, Nguyễn Chí Diểu đã nhanh chóng móc nối với cơ sở, xây dựng phong trào quần chúng, truyền đạt cho các đảng viên cộng sản Thừa Thiên Huế tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Chỉ trong một thời gian ngắn trên địa bàn thành phố Huế có các tổ chức cộng sản hoạt động dưới hai hình thức công khai và bí mật. Nhóm hoạt động bí mật gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên.

Trong thời gian này, Bộ trưởng thuộc địa của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp là Moutet đã gửi điện thông báo cho phép nhân dân Đông Dương được tự do đề đạt nguyện vọng trong vòng trật tự và pháp luật. Đảng nắm lấy ngay cơ hội này, chủ trương tiến hành Đại hội Đông Dương nhằm thu thập nguyện vọng của nhân dân đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa cùng bè lũ tay sai.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 24/8/1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chủ trì cuộc họp của những người cộng sản và trí thức yêu nước ở Thừa Thiên Huế tại khách sạn Hương Giang để bàn biện pháp tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ. Hội nghị đã bầu ban trù bị gồm Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Trần Công Khanh cùng một số trí thức như Lê Bồi, Nguyễn Cửu Thạnh. Ban trù bị có nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, huy động quần chúng tham gia đại hội, thảo bản “dân nguyện” gửi tới phái đoàn điều tra của Quốc hội Pháp.

Ngày 20/9/1936, Đại hội toàn kỳ được tổ chức tại trụ sở Viện Dân biểu ở Huế, nhưng đã vượt ra khỏi dự kiến ban đầu của những kẻ khởi xướng âm mưu hướng cuộc vận động vào những mục tiêu cải lương. Trên 500 người ở Huế và các tỉnh đã tới Đại hội. Phòng họp không đủ chỗ, quần chúng đứng tràn ra ngoài đường trước Viện. Lần đầu tiên trên diễn đàn Viện Dân biểu Trung Kỳ, tiếng nói của giai cấp công - nông - trí thức và những người tha thiết yêu tự do đã vang lên tố cáo, vạch trần chính sách bóc lột, đàn áp dã man của chế độ thực dân, phong kiến, đòi chính quyền thực dân phải thi hành những quyền tự do dân chủ, cải cách chế độ kinh tế, xã hội. Nguyện vọng do các đại biểu đưa ra được quần chúng nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đại hội Trung Kỳ đã bầu ra Ủy ban Lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đông Dương Đại hội gồm 26 người. Trong đó, có 17 người là tù chính trị, riêng Huế có 4 đại biểu: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh.

Sau hội nghị này, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí đảng viên cộng sản đã tỏa về các địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối, mục tiêu trước mắt của Đảng Cộng sản trong quần chúng nhân dân. Trong quá trình tuyên truyền, vận động ở cơ sở, các đồng chí luôn coi trọng công tác xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt, lưu ý phải tranh thủ hoạt động công khai để đấu tranh trên các diễn đàn, song phải đảm bảo yếu tố bí mật, đảm bảo kỷ luật Đảng, nhất là chống bọn tờrốtxkit1, bọn khiêu khích và bọn chống Đảng. Nhờ đó, phong trào đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ ngày càng phát triển mạnh.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã ra lệnh giải tán các ủy ban hành động, cấm các cuộc hội họp. Đông Dương Đại hội không thành, nhưng những khẩu hiệu “tự do, cơm áo, hòa bình, dân chủ” đã được đồng chí Nguyễn Chí Diểu và các chiến sĩ cộng sản phát động và đã tập hợp được lực lượng đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua phong trào này, ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong quần chúng nhân dân. Nhiều cơ sở đảng được xây dựng và phát triển, đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực, chống thực dân phong kiến.

* Chỉ đạo cuộc vận động tập trung lực lượng đón Godart đưa nguyện vọng, biểu dương sức mạnh của quần chúng

Trước áp lực của dư luận tiến bộ, đầu năm 1937 Chính phủ Pháp cử Justin Godart cầm đầu phái bộ sang Đông Dương điều tra tình hình, qua đó, Chính phủ sẽ có những chủ trương ban hành thêm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam và Đông Dương.

Trung ương chủ trương phát động một phong trào đón tiếp Godart bằng khí thế của một cuộc động viên quần chúng rầm rộ, rộng rãi khắp ba kỳ, thông qua đó tập hợp mọi tầng lớp xã hội vào một mặt trận thống nhất, chĩa mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai...

Ở Huế, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng đồng chí Hải Triều và nhóm các đồng chí hoạt động công khai, hợp pháp tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart. Vào cuối tháng 12/1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã triệu tập đại biểu các giới ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị về họp ở trụ sở báo Nhành Lúa để thảo luận và bàn kế hoạch vận động nhân dân đón Godart. Tham dự cuộc họp có khoảng 50 đại biểu gồm nhiều đảng viên cộng sản, công nhân các nhà máy, tiểu thương chợ Đông Ba, thợ may, học sinh và những thanh niên yêu nước. Các đại biểu thống nhất thành lập Ban tổ chức đón tiếp do đồng chí Nguyễn Chí Diểu2 phụ trách và chủ trương tập trung về Huế để biểu thị sức mạnh, đồng thời, các huyện tích cực chuẩn bị tổ chức việc đi lại, ăn ở cho quần chúng khi huy động về Huế.

Ngay sau hội nghị, Ban Tổ chức đã phân công nhau tỏa về các địa phương tiến hành tổ chức và vận động quần chúng, không khí hết sức sôi động. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được phân công chỉ đạo phong trào nông thôn, xây dựng hệ thống bí mật của Đảng, huấn luyện những đảng viên trẻ tích cực tham gia phong trào, đồng chí đã về các vùng nông thôn Phong Điền, Quảng Điền gặp gỡ và vận động nông dân lên Huế đón Godart. Trong quá trình tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí cũng đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cho những thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng, khát khao tìm đường chống thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn. Trong số đó, có đồng chí Nguyễn Vịnh, sau này là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 24/2/1937 theo lịch trình Godart đến Huế, dưới sự tuyên truyền, vận động của các chiến sĩ cộng sản, hàng vạn người từ các vùng ven thành phố, các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Điền kéo vào trung tâm thành phố, đứng chật hai bên đường từ An Hòa tới Phu Văn Lâu đến cầu Trường Tiền với khí thế sôi sục. Khi được tin về không khí biểu dương lực lượng rầm rộ ở Huế, trên các tuyến đường Godart đi qua, thực dân Pháp và tay sai tìm cách ngăn cản, đưa Godart về Cửa Tùng hòng phá vỡ cuộc biểu tình của ta. Đứng trước tình hình ấy, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã đứng ra vận động, tuyên truyền để củng cố tinh thần cho đồng bào, đồng chí kêu gọi đồng bào phải giữ vững tinh thần, sát cánh bên nhau, quyết đón bằng được Godart để nói lên nguyện vọng chính đáng của những người lao khổ, qua đó, làm thất bại âm mưu của kẻ địch. Lời hô hào, hiệu triệu của đồng chí được nhân dân lắng nghe và đồng tình hưởng ứng. Ban tổ chức đón tiếp đã vận động các tổ chức quyên góp tiền bạc, giải quyết vấn đề ăn, uống cho hàng vạn người, chính vì vậy mà đoàn biểu tình vẫn duy trì được đội ngũ trong suốt hai ngày.

Đúng 10 giờ ngày 26/2/1937, đoàn xe chở Godart tới Huế, hàng ngàn lá đơn được đưa tới, nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ với nội dung: “Hoan nghênh Mặt trận Bình dân”, “Tự do báo chí”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Bỏ thuế thân”... được căng lên. Quần chúng diễu hành qua Tòa Khâm với khí thế hào hùng.

Ngày 27/2/1937, 15 đoàn đại biểu các giới do Ban Tổ chức dẫn đầu đến gặp Godart trao các bản Dân nguyện. Bản Dân nguyện với lời lẽ kiên quyết và đanh thép đã nêu rõ tình trạng bi đát của nhân dân Trung Kỳ dưới sự đàn áp, bóc lột của bọn phản động thuộc địa, đồng thời đề nghị Chính phủ Pháp giải quyết 33 vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nhân dân. Trên đường đi Đà Nẵng, 5.000 nhân dân huyện Phú Lộc tiếp tục biểu tình đón Godart và trao các bản Dân nguyện cho phái đoàn.

Đợt biểu dương lực lượng đón Godart ở Huế là cao trào oanh liệt trong cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), đánh dấu bước tiến mới đầy khích lệ về vai trò lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản ở Huế, trong đó, vai trò quan trọng và nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, điều hành của các chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Tôn Quang Phiệt, Lâm Mộng Quang... Các đồng chí đã chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và luôn bám sát phong trào để kịp thời có những bước điều chỉnh cho phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Kinh thành Huế trong những ngày này đã sống trong không khí của những ngày hội của cách mạng. Nó biểu thị cho sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Trong những ngày này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu nổi lên với vai trò của một nhà lãnh đạo tài năng, được toàn thể đồng bào, đồng chí tin tưởng và ủng hộ.

Ngày 20/3/1937, các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ một số tỉnh Trung Kỳ để thành lập Xứ ủy Lâm thời Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư. Đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu là ủy viên Thường vụ. Từ đây, tổ chức đảng ở Thừa Thiên Huế được kiện toàn, là yếu tố quyết định đưa phong trào cách mạng phát triển cao hơn nữa sau phong trào đón tiếp Godart.

* Tích cực tham gia công tác đấu tranh hợp pháp trên báo chí và nghị trường

Việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới, nổi bật trong giai đoạn này. Từ ngày có cuộc vận động dân chủ, Đảng ta chủ trương ra báo công khai và dùng báo chí, sách vở để tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân, phát động mạnh mẽ phong trào dân chủ, vạch mặt bọn phản động trên các hoạt động phá hoại của chúng.

Huế là trung tâm báo chí của Trung Kỳ. Cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên đều là những nhà báo có năng lực trên diễn đàn báo chí. Chủ trương báo chí công khai cũng là điều kiện để các đồng chí cộng sản phát huy năng lực, sở trường của mình phục vụ cuộc đấu tranh của Đảng. Những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là Nhành Lúa3, Sông Hương tục bản, Dân Tiếng Dân. Tham gia Ban biên tập chỉ đạo nội dung Báo Nhành Lúa là các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang...

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc tổ chức hội nghị báo giới Trung Kỳ tại Huế để tập hợp những người viết báo tiến bộ thành một mặt trận thống nhất, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và các quyền dân chủ khác. Ngày 27/3/1937, trong khuôn khổ một cuộc họp công khai, được phép của nhà cầm quyền, Đại hội báo chí Trung Kỳ đã khai mạc tại Đông Pháp Lữ quán (số 7 Đông Ba - Huế). Đại diện cho đội ngũ báo chí cách mạng ở miền Trung và Huế có các đồng chí: Hải Triều, Hải Thanh (Nguyễn Hoàng), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Lâm Mộng Quang... Các đại biểu tham dự hội nghị kêu gọi thành lập một mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương, yêu cầu được tự do xuất bản và thành lập Hội ái hữu báo giới Trung Kỳ. Với sự kiện này, đã góp phần quan trọng cho cuộc vận động mở hội nghị báo giới ở các địa phương khác trong cuộc vận động đấu tranh chung của dân tộc.

Trên cơ sở tác động của công tác tuyên truyền, vận động cách mạng của các chiến sĩ cộng sản yêu nước, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương thành lập lại Tỉnh ủy và phát triển các tổ chức Đảng cơ sở ở Thừa Thiên Huế. Tháng 4/1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ chủ trì đã quyết định thành lập lại Tỉnh ủy Lâm thời do đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy. Việc thành lập lại Tỉnh ủy cũng đã tạo điều kiện cho công tác báo chí trong công cuộc đấu tranh chung của Đảng.

Với trách nhiệm chỉ đạo cuộc đấu tranh khắp các tỉnh Trung Kỳ, Nguyễn Chí Diểu còn tham gia chỉ đạo các tỉnh vận động bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ. Từ khi có Nghị quyết Trung ương hè năm 1936, phong trào đấu tranh bất hợp pháp của quần chúng ngày càng lên mạnh. Ngày 20/3/1937, Trung ương Đảng lại có Thông cáo: “Chúng ta cần lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng vào các cơ quan gọi là lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các lớp dân chúng bị áp bức. Các cấp đảng bộ tương đương phải dự bị những người ra ứng cử trong các Viện Dân biểu, các hội đồng thành phố... thảo ra những chương trình hành động tối thiểu có thể thích hợp chung cho các tầng lớp dân chúng để cho dễ kéo họ đi theo mình”. Tiếp đó, Xứ ủy Trung Kỳ cũng có chủ trương về vận động cho cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa 3 (8/1937).

Ở Huế lúc này là thời gian đang ráo riết vận động cho cuộc tuyển cử đó. Xứ ủy Trung Kỳ giao nhiệm vụ cho Tỉnh ủy Thừa Thiên trên danh nghĩa Mặt trận Dân chủ chọn một số người có tư tưởng tiến bộ ủng hộ họ ra tranh cử trong dịp bầu cử Viện Dân biểu. Mặt trận Dân chủ ủng hộ Hoàng Đức Trạch - một thân sĩ yêu nước ra tranh cử ở khu vực Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy và Nguyễn Đình Diễn - một học sinh bãi khóa năm 1927 bị đuổi học, ở nhà làm ruộng ra tranh cử ở khu vực Phong Điền, Quảng Điền4.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phong trào vận động diễn ra sôi nổi trên các báo chí, truyền đơn, kêu gọi bỏ phiếu cho các ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ. Các đồng chí đảng viên trực tiếp gặp gỡ với từng cử tri để tuyên truyền, vận động cho cuộc tuyển cử. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng các chiến sĩ cộng sản, trí thức, thanh niên yêu nước trực tiếp về tận các làng vận động nhân dân bỏ phiếu bầu cử cho ông Nguyễn Đình Diễn ở khu vực phía bắc. Kết quả, các ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của chế độ phong kiến thực dân, tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, những người do Mặt trận giới thiệu đã giành các ghế quan trọng như Viện trưởng, Phó Viện trưởng, ủy viên thường trực.

Cuối năm 1938, đầu năm 1939 tình hình thế giới có những chuyển biến phức tạp, nguy cơ chiến tranh phát xít đến gần. Tại Pháp, đảng cấp tiến và đảng xã hội bị phái hữu lấn át, giai cấp tư sản phản động chuẩn bị tấn công vào Đảng Cộng sản và nhân dân lao động, các tổ chức phát xít trỗi dậy. Nhân cơ hội này, bọn thực dân phản động thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Phong trào cách mạng cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng bước vào giai đoạn khó khăn. Chính vào thời điểm này thì đồng chí Nguyễn Chí Diểu - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ lâm bệnh nặng rồi qua đời vào ngày 15/9/1939. Đám tang của đồng chí được tổ chức rất trọng thể bất chấp sự khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp. Thi hài của đồng chí được mai táng ở nghĩa trang Phan Bội Châu tại Huế.

Là một nhà lãnh đạo tài năng, có nhãn quan chính trị nhạy bén, được trả tự do và trở về Huế trong bối cảnh tình hình đang có nhiều thuận lợi cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu sớm nắm bắt chủ trương của Trung ương Đảng và trên cơ sở tình hình thực tế ở Huế, đồng chí đã đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn, hình thức phong phú, giàu tính sáng tạo, linh hoạt. Từ đấu tranh công khai hợp pháp trên báo chí, nghị trường, ngoài đường phố, giữa các trung tâm huyện lỵ cho đến các hoạt động tổ chức, xây dựng cơ sở bí mật, tích cực động viên, giác ngộ chính trị cho quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách trong thời kỳ đầu và đưa phong trào cách mạng từng bước đi lên, trở thành trung tâm cách mạng sôi nổi của miền Trung và cả nước.

Những thành tựu rực rỡ từ phong trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939) đã góp phần quan trọng khẳng định bản chất cách mạng và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và cá nhân đồng chí Nguyễn Chí Diểu nói riêng. Với những cống hiến có hiệu quả trong lãnh đạo phong trào cách mạng đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Huế, đồng chí đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng (từ ngày 2 đến ngày 3/9/1937) tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Gần 80 năm kể từ ngày mất của đồng chí, nhưng những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn mãi là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Thừa Thiên Huế. Đồng chí sẽ mãi là tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

N.T.S  
(TCSH358/12-2018)

............................................ 
* Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.  

1. Ở Huế thời kỳ này có một số biểu hiện về sự hoạt động của bọn tờrốtxkit, số này chủ trương  lập mặt trận công nông, phản đối mặt trận Bình dân và tổ chức lập chính quyền vô sản. Các anh Diểu, Lưu nhận thấy đã có bọn tờrốtxkit hoạt động và giao cho anh Hạnh có trách nhiệm giải thích cho số học sinh ảnh hưởng Đảng để chống luận điệu của tờrốtxkit. Cuối cùng bọn tơrốtxkit không bám rễ được ở Huế. - Phát biểu của đồng chí Đào Duy Duyếnh, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
2. Ban tổ chức gồm: Nguyễn Chí Diểu (trưởng ban), các ủy viên gồm: Phan Đăng Lưu, Nguyễn  Xuân Lữ, Hải Triều, Hải Thanh, Tôn Quang Phiệt, Lâm Mộng Quang.
3. Trong phong trào đón Godart, để các biện pháp tuyên truyền, vận động cách mạng có hiệu  quả, những người cộng sản chủ trương phải có một tờ báo trong tay. Được sự nhất trí của Xứ ủy Trung kỳ, các đồng chí cộng sản ở Huế đã vận động Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép ra tờ báo Nhành Lúa; trụ sở đặt trên đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi), báo in ở nhà in Đông Tây, Hà Nội; ra số đầu tiên ngày 15/1/1937. Ngoài nhiệm vụ đóng tòa soạn, trụ sở Nhành Lúa còn là địa điểm hoạt động bí mật của những người cộng sản như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu...
4. Ngô Kha: Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm quê hương và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng  Đức Trạch (1891 - 1952) và Lê Bá Dị (1901 - 1978). - Hội KHLS Thừa Thiên Huế, 2006, tr. 33.  




 

 

Các bài mới
Người đi qua em (14/01/2019)
Nhớ Huế (08/01/2019)