PHÙNG TẤN ĐÔNG
1. Bạn tôi nói nơi đó buồn lắm. Buồn nhất là những ngày mưa.
Trong thời chiến có người lính chế độ cũ “phục” ở Hòn Độc từng than vãn rằng nơi mà suốt ngày suốt đêm “núi ngó anh anh ngó núi - núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu”. Cũng đứa bạn khác từng làm cu li, được thuê đi “mở đường” cho lâm tặc phá rừng, cực quá chửi trời hành xứ đất chi mà nắng mưa tùy tiện. Có lẽ do núi cao, thung sâu, thác dữ, đất độn đá, nắng lửa mưa dầm, đèo nghiêng vực thẳm nên chỉ có dân mót trầm, dân trồng keo lá tràm, dân đi phượt, dân đi hái lá thuốc nam mới thi thoảng xuất hiện trên những lối mòn ở cửa rừng chứ người thành thị chẳng ai bén mảng đến xứ đó làm chi dù phía dưới núi là thị tứ mới hình thành ê hề người là người… Vậy mà tôi - một biên kịch tay ngang - được đài truyền hình tỉnh X. mời cộng tác, mời đi “làm” cái phóng sự cho chuyên mục “Đời sống quanh ta” ở nơi khỉ ho cò gáy đó. Dù là truyền hình thực tế kiểu “Va-ran” nhưng ông chủ nhiệm trưởng đoàn cứ bảo phải có “kịch bản” hay chí ít là “đề cương” sẵn, phòng khi đang tác nghiệp - các nhân sự hay nhân vật bị bệnh tâm thần được phỏng vấn miệng cứ tuôn tất tần tật mọi sự “dây cà ra dây muống” hay phát biểu linh tinh bá láp bá xàm ảnh hưởng đến chính trị, khi về “dựng” phải cắt, cúp mệt lắm, có khi “đứt gãy” lời thoại hay mạch phim thì xôi hỏng bỏng không… Xin được nói rõ ở núi Hòn Độc, nơi lưng chừng núi có một ngôi chùa cổ vốn bỏ hoang hồi chiến tranh. Mấy năm gần đây có một sư thầy hồi xưa từng làm “địu”, lớn lên lưu lạc đâu ở Miên, ở Xiêm mới trở về dựng lại chùa, trồng thảo dược làm thuốc cứu người, vườn chùa còn ươm dưỡng cả trăm giò phong lan sắc hương lộng lẫy. Chùa không những có tiếng bởi cảnh trí đẹp như tranh sơn thủy bên Tàu bởi lưng chùa gối vào lòng núi dựng, một bên non cao, một bên thác đứng, đêm ngày hơi nước trắng tợ khói sương, nơi “mây vùi trong tóc, suối hát điệu nhàn, chim hòa giọng tụng, cá sững nghe kinh…” như thơ nhà chùa tự xưng tụng bằng thư pháp treo ở trà thất mà còn là nơi khách thập phương đến để di dưỡng tinh thần. Chùa có một thiền thất trong hang đá để chữa bệnh nhiễu tâm, tự kỷ, trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực - nghĩa là vừa trầm cảm và liền đó là hưng cảm bởi nghe đồn sư trú trì có thuật thôi miên. Dư luận khen chê bất nhất. Các bệnh nhân lên đây chỉ góp gạo và tiền thức ăn chay cho chùa chứ chữa bệnh thì miễn phí. Bên khen thì ca ngợi chùa hoằng dương chánh pháp, xiển dương đức độ từ bi cứu khổ chúng sinh. Bên chê thì nói sư thầy nhận tiền của đồng đạo ở nước ngoài đang đeo đuổi thuyết âm mưu chi đó hay nhàn hạ quá, sướng quá bèn bày trò “từ thiện” kiếm chút danh thơm chứ làm sao chữa được bệnh điên - chắc họ muốn các bác sĩ ở các bệnh viện tâm thần trên cả nước này “thất nghiệp” hết à?…
Lên đến dốc chùa ai cũng thở bằng miệng vếch lên trời như những chiếc kèn. Người nhà chùa đã được trưởng đoàn điện thoại báo trước nên có cho vị sư trẻ và mấy thiện nam làm “công quả” xuống đón, chủ yếu là mang vác máy móc hộ chứ khỏe như mấy tay quay phim lên được dốc chùa đã thở như cá ngáp.
Sư trú trì người cao to như hộ pháp, giọng nói sang sảng, mặt vuông cằm bạnh hằn vệt gốc râu quai nón xanh già, mày rậm, mắt to. Sau chén trà nóng, sư đã cảm ơn sự quan tâm của nhà đài đến bổn tự và hỏi ngay chư vị cần bao nhiêu thời gian làm phim chứ đã lên đây mùa này thời phải “đánh nhanh rút lẹ” kẻo chừng quá trưa trời hay có giông mà đã mưa thì mưa như cầm chĩnh đổ. Anh em trong đoàn cứ nhìn nhau, rồi cùng thở phào khi trưởng đoàn quyết là “ở lại” mai về sớm.
Phụ trách thiền thất là vị sư trẻ nói giọng Huế. Đất Huế vốn là đất nhiều người thờ Phật. Sư gốc Huế phong thái nhẹ nhàng, chậm rãi… Người nhà chùa ai cũng phơ phất chút ít nữ tính đâu đó trong giọng nói, rồi dáng đi dáng đứng như câu thơ Huy Cận về mấy o ở Huế “người đi chân bước không thành tiếng”. Sư lại hay cật vấn như giỡn như đùa nhiều câu mang ý vị triết lý kiểu có đi đâu mà đến, có đến đâu mà đi, như lai như khứ như như… Chủ nhiệm phim nghe cứ như vịt nghe sấm. Sư trẻ cứ coi mọi người như đã chứng ngộ chân lý và rõ là càng trẻ nói càng hăng. Thư ký đoàn làm phim là tôi ghi vội “bệnh án” nhiễu tâm, bệnh tự ám thị của từng trường hợp sau khi yêu cầu sư phụ trách chữa bệnh, nói vắn tắt bịnh tình của những bệnh nhân đã lấy lại được trạng thái quân bình tâm thân sau khi dùng thiền chữa bệnh như vầy…
2. Trường hợp ông X. vốn trầm cảm nặng, cứ luôn miệng than chán sống thèm chết, nhiều lần tự tử hụt (bị người nhà phát hiện, ngăn chặn kịp thời). X. từng vô viện tâm thần, bệnh có thuyên giảm, xuất viện vài tháng lại “phát” - lần này thì chuyển sang “thể hoang tưởng”. Cứ như chuyện vui về bệnh nhân tâm thần, X. tưởng mình là chim. Mà chim thì phải bay. May mà ở nhà cấp bốn nên chỉ bị gãy chân. Rồi từ chim X. chuyển sang tưởng mình là rắn rết. X. cứ hay trùm chăn, bò lê lết nơi gầm bàn góc tủ… Sư nói vô đây một thời gian đã tĩnh tâm, đã dần thấy “bản lai diện mục”. Chưa đâu, thiền định cần thời gian. Chư vị thấy đó. Miệng anh ta cứ lẩm nhẩm “Ta là ai. Ta là ta, là ta, là ta mà ai là ta…” chứng tỏ còn chưa thực biết mình là ai. Bệnh ni khi tỉnh khi mê, nói năng mạch lạc đó rồi cà tưng cà tửng liền sau đó…
Rốt, căn nguyên ư, nhà chùa chỉ nghe đâu X. bị vợ bỏ, chưa có con, bị vu oan trong công việc, bị tù cũng oan, ra tù thì bệnh…
3. Bà Y. bị nhiễu tâm. Chứng này lạ lắm. Y văn tâm thần Tây y - theo sư trẻ hầu như ít đề cập - đó là bệnh sợ người. Hễ thấy người là bệnh nhân co rúm lại hay bỏ chạy. Cũng theo sư - chắc cũng là một cái khổ trong “bát khổ” (tám cái khổ) kêu là “oán tắng hội khổ”, nôm na là người mà ta không ưa, người ta ghét mà ta cứ phải gặp miết là khổ, càng gặp càng khổ chăng? Anh T. - vốn là tay quay phim kỳ cựu của đài chia sẻ thêm - thật ra chẳng phải “sợ người” mà sợ người ác. Đi làm phim hậu chiến gặp mấy mẹ già hàng chục năm sau chiến tranh, mỗi lần ống kính máy quay hướng đến là thất thần hoảng sợ, dang hai tay, la lên “đừng bắn, đừng bắn…” vì cứ tưởng máy quay phim là súng…
Mất đến ba tháng chữa bệnh, bà Y. mới nhận ra, đúng hơn là phân biệt được sư là sư còn người là người, duy vẫn lảm nhảm chuyện cớ sao sư giống người, người giống sư và thi thoảng la lên sư cũng là người mà tui sợ người quá hà, rồi gặp sư, bà ta cũng bỏ chạy…
Lý lịch ư? A tiền sử bệnh cũng có đó, khi trẻ đi buôn vàng cám trong rừng bị cả đám thanh niên đào vàng say rượu hiếp, liên tục mấy ngày… Sư biết và ghi lại theo lời khai của thân nhân chứ chuyện ô trọc thế gian sư làm sao biết hết.
4. Q. BỊ BỊNH TỰ KỶ ÁM THỊ. Q. viết chữ in hoa về bịnh của mình trên tấm bìa cứng treo trên tường đối diện trước mặt khi ngồi thiền như khi xưa sư Bồ Đề Đạt Ma nhiều năm “diện bích”. Q. ám ảnh mình có tội. Tội ám hại nhiều người một cách hèn hạ như vu khống, dựng chuyện, viết thư nặc danh, chuyện không nói có kiểu gắp lửa bỏ tay người, ngậm máu phun người… Q. thường trực nhận mình là người bỏ đi, không đáng sống, tất nhiên, luôn đòi tự xử. Khi ở viện, Q. từng bị xích chân tay, miệng luôn ngậm cái khóa ngang thít quanh đầu, cổ vì sợ cắn lưỡi. Mỗi lần ăn phải có hai người, người đút, người canh bằng cây thước ngang nếu có dấu hiệu cắn lưỡi thì thọc ngay vô… Khổ, đứa con gái lớn gởi con cho nhà nội vô đây chăm sóc. Bịnh nhân chừ đã tạm ổn. Một thói tật không bỏ được là việc rửa tay, xúc miệng, mỗi ngày làm hàng chục lần. Lại hay đọc câu Kiều “trót vì tay đã nhúng chàm” hay “nói lời thì giữ lấy lời”…
5. Như một vĩ thanh…
Phim được quay kiểu phỏng vấn “ngầm” - nghĩa là lược bớt chuyện hỏi han của phóng viên - cứ để các nhân vật tự kể về căn bệnh của mình, diễn trình chữa bệnh khi vô chùa Minh Nhật ở Hòn Độc. Ai cũng thấy tâm hồn an định, tự phản tư, tự nhận diện được mình, căn bịnh của mình và rồi Nam mô A Di Đà Phật, ai cũng cảm ơn các sư thầy đã ra tay cứu khổ độ sinh…
Sau khi phim phát rộng rãi trên truyền hình, đoàn làm phim nhận được lá thư gõ ngay ngắn bằng bàn phím, không đề tên kiểu nặc danh mà nội dung hoàn toàn thân thiện. Ông chủ nhiệm chuyển thư cho nhà biên kịch là tôi. Đọc thư xong, tôi có liên lạc với nhà chùa để xin gặp nhân vật ấy - nhân vật “ẩn danh” đã viết thư, thế nhưng các sư hồi đáp rằng không có nhân vật nào trú ngụ trong chùa có nhân thân như vậy. Tôi có dự định chuyển câu chuyện này thành phim truyện mà đã là truyện thì phải hư cấu. Vậy thì cần chi nhân vật có thực trong đời. Thư viết…
Tôi cũng ở trong chùa. Thật xúc động khi xem những hình ảnh trong phim của chư vị. Chắc là khi các vị quay phim tôi đang bận việc phía bên kia núi. Công việc của tôi là đến các nhà xác nhận các thai nhi về chôn ở nghĩa trang Tâm Từ của chùa. Các cháu vô danh thị mới là người khổ nhất trong thập loại chúng sanh vì chưa từng được sống…
Tôi trước đây và cho đến hôm nay vẫn là người khổ nhất trong các bịnh nhân trong chùa. Tôi là đứa giết vợ, giết con, tự hủy hoại đời mình vì dục vọng, vì ba độc tham, sân, si và trong tám cái khổ tôi gieo tiền oan nên rước về đủ đầy nghiệp chướng. Nào là sinh, lão, bịnh, tử khổ, nào là “cầu bất đắc khổ” (cầu mà chẳng được thì khổ), ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải xa rời thì khổ), oán tắng hội khổ (oán ghét mà phải gặp luôn thì khổ) rồi ngũ uẩn xí thạnh khổ (năm uẩn xấu hay tốt quá thì khổ). Khổ như vậy mà tôi chưa điên thì mới thậm khổ. Các vị hẳn chưa tin chứ chuyện tôi hoàn toàn là thực…
Mười năm trước, báo chí đưa tin có một tội phạm, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc của nhiều người, nhiều ngân hàng ra đầu thú sau một thời gian dài hơn mười năm trốn tránh ở một tỉnh miền núi Tây Nguyên. Y. cùng vợ (đã có hai con gởi bên nội ở quê cũ) trong thời gian trốn tránh ngụy tạo là hai anh em ruột. Y. đã làm một việc bất nhẫn là gã vợ mình cho người khác rồi biến mình thành người làm thuê cho gia đình mới của vợ…
Tôi là kẻ ấy. Tôi đã dại dột xui vợ mình đóng vai kịch ấy nhằm thay đổi thân phận. Vợ tôi nằng nặc không chịu. Tôi phải dọa nếu không như vậy thì tôi đi đầu thú, đi tù. Khổ một nỗi, ông chủ trang trại cà phê góa vợ mê vợ tôi như điếu đổ. Vợ tôi có nhan sắc các ông à. Thế mới khổ… Mưa dầm thấm lâu. Vợ tôi xuôi xuôi theo “kịch bản” của tôi, rồi “quyết”… Sau này - trong những trận mưa núi những đêm nằm canh rẫy tôi mới thấy nước mắt vợ tôi trước đêm lấy chồng mới do chính tôi thay mặt nhà gái gả bán bay ngợp một trời. Mưa từ kiếp trước. Mưa như tháo máu làm xác thân làm linh hồn tôi cạn kiệt. Ôi linh hồn tôi đã bán cho quỷ và khi chết tôi lập tức bị quỷ sứ điệu ngay xuống ngục A tì…
Những ngày đầu “gả vợ” cho người khác, người mà tôi gọi là em rể, thi thoảng, hai đứa có thì thụt lén lút trong rẫy những khi em rể vắng nhà. Là đàn ông mà rơi vào tình thế bi kịch như tôi thì các vị biết, mỗi khi gần gụi vợ, con giống đang hưng phấn chợt nỗi tức giận khi nghĩ đến chuyện vợ mình nằm trong vòng tay kẻ khác làm cả linh hồn lẫn thể xác chùng ngay xuống. Nàng càng giục “nhanh cho em về…” con giống tôi càng áo não. Nàng than, sao mà em khổ quá, anh còn hành hạ em đến bao giờ… Mấy lần tôi về nhà vợ ban ngày lấy thực phẩm. Tôi rình họ làm tình. Vợ tôi rồi cũng hân hoan trong cơn ân ái ngất ngây... Tôi vừa sướng vừa đau đớn. Có phải cũng là bệnh rối loạn lưỡng cực. Tôi đau trong nỗi thống khoái của một kẻ thị dâm. Rồi nàng có con với chồng mới… Và một lần nữa tôi vô minh, tôi đi đầu thú, đi tù. Đầu thú chẳng phải vì hối hận tội lỗi - hối hận tội lừa đảo chỉ là phần nhỏ, tôi hận tình, tôi muốn phá nát gia đình mới của nàng.
Các vị sẽ thắc mắc về hai đứa con chung giữa tôi và vợ tôi chứ. May là gia đình bên nội cũng khá giả, giàu lòng yêu thương đã nuôi dạy các con tôi trưởng thành, thay mặt tôi các cô chú “dựng vợ gả chồng” đâu đó tốt đẹp cả. Khổ nỗi - khi câu chuyện vở lỡ - chúng hận tôi không nhìn mặt tôi nữa - chúng nói “chúng tôi căm hận ông”. Còn vợ tôi, sau vụ việc phanh phui bị chồng bỏ, mặc tôi níu kéo, nàng cũng bỏ tôi, nàng lại lấy một Việt kiều lớn tuổi, đưa cả đứa con gái chẳng biết là con của chồng cũ là tôi hay chồng mới là ông chủ trang trại cà phê đi Mỹ từ năm năm trước…
Tôi lẽ ra phải hóa điên nhưng trời hành tôi phải tỉnh. Tỉnh mới thậm khổ. Thà điên. Điên là quên hết sự đời…
P.T.Đ
(SHSDB31/12-2018)