Tạp chí Sông Hương - Số 360 (T.02-19)
Tím độ em về
08:38 | 02/02/2019

LƯƠNG DUY CƯỜNG  

Vợ tôi bảo tết này về Huế chứ, nhớ lắm rồi. Ấy là vì sau những lo toan, gom góp để giải quyết cho xong chuyện nhà cửa, con cái để tạm gọi là an cư ở Sài Gòn, giật mình đã thấy tóc bạc như sương. Mà cũng dễ gần chục năm xa nồi bánh chưng củi lửa của những chiều 30 tết quê nhà.

Tím độ em về

Về Huế! Số anh em gốc vùng Trung Trung Bộ vào ở Sài Gòn như vợ chồng tôi vẫn gọi chung thế dù có đứa quê tận Quảng Bình, đứa quê Quảng Trị hay chính Thừa Thiên Huế. Ờ thì chẳng đã có lúc chung nhau một tên gọi Bình Trị Thiên, cùng nhau chia sẻ bao cơn bão dữ đấy thôi.

Vợ chồng tôi đều dân gốc Quảng Bình, nhưng lâu nay cứ từ Sài Gòn ra, vượt được đèo Hải Vân thì đã gọi là về quê, về đến Huế thì xen như đã về tận nhà. Ấy không chỉ bởi thân thích, nội ngoại nhà tôi và nhà vợ đều có nhiều người an cư ở Huế mà còn bởi những năm từ 17 đến 21 tuổi, cái tuổi mà sau này tôi vẫn tự thấy là đáng nhớ nhất của đời mình, thì tôi ở Huế, ở cái ký túc xá 27 Nguyễn Huệ của Trường Đại học Tổng hợp Huế, nơi ký ức luôn rực màu phượng đỏ những khi hè về rồi lại tím ngát hoa xoan mỗi độ đông tàn, xuân tới.

Và mùa xuân năm ấy, 1985, tôi gặp em cũng ở ngay xứ Huế, rồi như duyên hội ngộ để từ đó gắn kết bên nhau đến tận bây giờ. Rồi vợ tôi cũng lấy hai chữ Tím Huế làm nickname để nhớ mãi những ngày ở Huế.

Mà mùa xuân của Huế lạ lắm, hình như sông Hương sáng hơn khi bình minh đến và thẳm sâu hơn khi đêm về. Tôi và em đã ngồi bên nhau trong đêm chia tay, dưới một gốc xoan già ở chân cầu Trường Tiền. Ở đó, những nụ hoa xoan theo gió lả tả bay xuống, rụng trên mái tóc trinh nữ thoảng một chút hương si mê.

Rồi em đi vào miền Nam, để lại cho tôi những chiều Huế chơi vơi tím. Những chiều Huế u uẩn hay đêm đông se lạnh mưa phùn não nề, sau giờ vào tập luyện Karatedo ở Nghĩa Dũng Đường, chẳng hiểu sao bước chân vô định lại cứ dẫn tôi ra bến đò Thừa Phủ ở bờ Nam sông Hương, bên trên cầu Phú Xuân một chút, để nhìn sang bến Phu Văn Lâu ở bờ bên kia. Không hiểu sao tôi lại thích ngồi chỗ này đến thế. Cũng có thể đây là đoạn mà dòng sông đã cố tình hẹp lại, để nước tạm ngừng trôi, tựa nốt lặng trong khuôn nhạc. Ở chỗ ấy, sông Hương sau một hải trình hào sảng từ thượng nguồn đổ về, đến đây thì muốn dừng một chút để nghiêng mình kính cẩn trước kinh thành trước khi xuôi về cửa biển Thuận An. Người Huế cũng vậy, tôi vẫn thấy họ thường khẽ nghiêng mình một chút để chào nhau.

Rất nhiều chiều và nhiều đêm kiên nhẫn như thế, nhìn sang không gian đậm màu sắc xưa cũ của kinh thành, tôi chợt thấy Huế đẹp lạ lùng với những dải ngân hà chấp chới trên sông. Dải ngân hà ấy có khi là luồng sáng từ những sắc cầu vồng nghiêng từ hướng thượng nguồn đổ về. Có khi chỉ phút chốc sau những ánh chớp trời dông.

Nhưng đẹp nhất, ma mị nhất, đằm thắm nhất có lẽ là khi dòng nước cuốn theo những chùm hoa xoan tím hay bằng lăng tím đâu đó từ phía chùa Thiên Mụ đổ về. Những chùm hoa kết lại với nhau thành chuỗi, quẩn quanh trước bến đò như trút bỏ một chút vấn vương trước khi nhất quyết dứt áo ra đi. Bấy giờ, những đàn cá ở đâu trờ tới, quẫy đuôi rồi đội thơi lơi những chùm hoa lên đầu rồi lại hụp xuống, cứ như đang làm một nghi thức đặc biệt nào đó trước một cuộc chia ly. Không biết nhà thơ Thu Bồn có lần nào ngồi ở chỗ này không, nhưng tôi thì đã nhiều lần ngồi đó và nhớ câu “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” trong bài thơ “Tạm biệt Huế”.

Một lần cùng thầy tôi là lão võ sư Nguyễn Văn Dũng chinh phục núi Bạch Mã, ngồi giữa lưng chừng thác “Xai Tôi Đó”, ngắm “hoa báo xuân” có cái tên rất đỗi liêu trai là Đỗ Quyên, lắng nghe bản hùng ca đại ngàn từ dải lụa bạc vắt qua chín tầng mây, tôi đã ngẩn ngơ với những luồng sáng ngũ sắc lung linh, ảo diệu, xuyên thẳng từ đâu trên xa ngái về với đại ngàn xanh. Rồi ngay dưới chân những luồng sáng ấy là vô số đàn bướm thoắt xanh, thoắt tím, thoắt vàng trong vũ khúc hoan mê của bất tận khói sương, bất tận hoang sơ. Và từ những bậc đá nơi dòng nước đang lao ầm ầm như ngựa chướng ấy, bỗng đột khởi cả một dải lụa tím đến nao lòng của tầng tầng hoa mua, hoa bằng lăng và cả loài quyên tím chứ không phải quyên đỏ nơi đầu thác.

Cứ thế để tôi tin rằng dòng chính tả trạch để tạo ra sông Hương đã mang trong mình nó một thông điệp của đại ngàn Trường Sơn phủ bởi những bí ẩn của bản hợp xướng sắc tím từ thượng nguồn Bạch Mã. Bản hợp xướng sắc tím ấy từ Bạch Mã xuôi theo hướng Tây Bắc, ngân nga vượt 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông để sau đó hợp lưu với dòng hữu trạch tại ngã ba Bằng Lãng. Rồi từ đây, dòng sông bắt đầu sẻ chia độ lượng sắc tím đại ngàn cho những vườn cây trù mật của vùng hạ lưu.

Nhớ hôm có lần anh bạn ở trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế đưa cho tôi mấy tập luận về màu sắc. Tôi tìm trong đó để biết hóa ra trong thiên nhiên, từ trái cây cho đến hoa, lá, chim, cá đều rất hiếm thứ màu tím. Chính nền văn minh loài người phát triển đã giúp màu tím nhân tạo ngày càng xuất hiện khắp nơi nhờ thuốc nhuộm, mà thuốc nhuộm màu tím đầu tiên đã xuất hiện khoảng 1900 TCN. Rồi lại có chuyện để nhuộm được một bộ áo khoác kiểu La Mã, người xưa từng chích xuất từ 12.000 con sò (shellfish) để lấy được 1,5 gr thuốc nhuộm màu tím tinh khiết. Ôi, đến mức thế thì chỉ các hoàng đế mới có khả năng mặc một bộ đồ màu này.

Trách chi nhiều người nói màu tím đại diện cho sự giàu sang và giới quý tộc. Không thế thì sao có chuyện Hoàng đế La Mã Gaius Julius Caesar Octavianus đưa ra quy định chỉ hoàng đế mới được mặc màu tím. Khi Nero trở thành hoàng đế La Mã cũng quy định những ai bán màu tím đều bị xử chết.

Nhưng nhiều người Huế lại giải thích với tôi rằng các cô gái Huế chọn màu tím là bởi màu ấy biểu tượng cho sự nhẹ nhàng và chung thủy. Những tà áo tím vì thế luôn có một sức hút vô cùng đặc biệt, lãng mạn và mang lại cảm giác yên bình khi ta ngắm nhìn.

Không biết có đúng không, nhưng có dạo tôi hay la cà ở vùng cồn Hến, nơi được gọi là “đảo ẩm thực”. Ban đầu thì chỉ vì say mê những món ăn đặc sản của cồn, rồi vì cuốn hút bởi những khu vườn lúc lỉu quả, sau cùng thì bởi chính những mùa hoa tím. Hoa tím thanh tao từ những gốc xoan già trong các sân đình, miếu dọc đường Ưng Bình mỗi độ xuân về; hoa tím thanh khiết từ những gốc khế trong góc những vườn xưa; hoa tím chơi vơi từ thế giới bằng lăng bonsai trong vườn kiểng ai đó. Rồi tôi sẽ xuống đầu cồn, ngay nơi sông Hương chia đôi dòng nước để ngắm ráng chiều phủ một màu tím bịn rịn, mỏng như khói sương.

Bây giờ thì nơi Sài Gòn náo nhiệt, tôi đang đếm từng ngày để về với Huế, để lại được ngồi trên bến đò Thừa Phủ, được chạy sang cồn Hến để hít đầy lồng ngực hương hoa xoan ngai ngái báo hiệu những ngày Xuân.

L.D.C  
(TCSH360/02-2019)




 

 

Các bài mới
Bóng khuyết (21/03/2019)
Đường về (15/03/2019)
Tráng sĩ (15/03/2019)
Các bài đã đăng