Tạp chí Sông Hương - Số 360 (T.02-19)
Tìm lại những trò đu ngày xuân ở Thừa Thiên Huế
08:03 | 08/02/2019

NGUYỄN THẾ  

Người Việt từ đất Bắc thiên di vào Thuận Hóa không chỉ mở mang đất đai, phát triển kinh tế mà còn có những hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Tìm lại những trò đu ngày xuân ở Thừa Thiên Huế
Ảnh: Bạch Nguyễn

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Ất Tỵ (1365), mùa xuân, tháng giêng, người Chiêm Thành cướp dân đi chơi xuân ở Hóa châu. Trước đây, theo tục Hóa châu, tháng giêng hằng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu...”. Sự kiện này diễn ra tại châu Hóa vào thời điểm 1365, tức chỉ sau 60 năm kể từ khi triều Trần cử Đoàn Nhữ Hài vào tiếp quản và đổi tên hai châu Ô, Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Như vậy, đu xuân là một lễ hội văn hóa dân gian đặc  sắc xuất hiện khá sớm ở vùng đất Hóa châu.

Trước đây, khi nghiên cứu về trò đu trong lễ hội ngày xuân tại các làng ở Thừa Thiên Huế, tôi được người cậu là ông Nguyễn Đức Doãn ở thôn Tây Phú, làng Phò Trạch, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế kể lại các trò đu trong hội xuân ngày xưa ở Phò Trạch gồm có: đu nhún, đu tiên, đu giàn xay và đu rút. Làng này vẫn còn địa danh Cồn Đu (nơi tổ chức hội đu xuân ngày trước). Gần đây, khi tham gia Trại sáng tác do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tôi đã có dịp về làng Phú Gia, xã Lộc Tiến để nghiên cứu về trò đu tiên sôi nổi một thời ở làng này. Ở Thừa Thiên Huế có hai làng từng tổ chức đu tiên, nhưng đến nay đã mai một. Riêng làng Phú Gia trong hội xuân Ất Hợi năm 1995, vẫn còn tổ chức trò đu tiên kéo dài từ mồng 1 cho đến ngày mồng 6 tết. Nhưng rồi hơn 20 năm qua, trò đu này cũng vắng bóng trong hội xuân của làng.

Ngày xưa hội đu xuân ở Thừa Thiên Huế có 4 trò đu: đu nhún, đu tiên, đu giàn xay và đu rút. Nhưng hiện nay hầu như chỉ còn lại trò đu nhún được tổ chức trong ngày hội xuân của các làng: Gia Viên (xã Phong Hiền), Thế chí Tây (xã Điền Hòa) thuộc huyện Phong Điền; làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Còn lại các trò: đu tiên, đu rút và đu giàn xay đã bị mai một.

1. Đu Nhún:

Để hình dung đầy đủ về trò đu nhún, tôi xin giới thiệu trò đu nhún của làng Gia Viên, huyện Phong Điền:

Từ khoảng ngày 20 tháng Chạp, làng bắt đầu phân công người đi tìm mua tre về làm đu. Tre dựng dàn đu phải là loại tre ngà to, thẳng, dài trên 10 mét, không có tì vết, vì vậy có khi họ phải mất vài ba ngày đi đến các làng ven sông Bồ mới tìm mua được loại tre đủ tiêu chuẩn để làm đu. Thường phải có đủ 6 cây tre ngà loại lớn để làm trụ giàn đu và một cây tre thẳng, lớn hơn dùng làm đà ngang phía trên để móc dây đu. Dây đu làm bằng 2 cây tre cán giáo, phía trên có móc neo nối đà ngang với dây đu (cóng tre giáo), phía dưới có bàn đạp. Móc neo và bàn đạp đều làm bằng gỗ dạ hương (một loại gỗ tốt, bền và không nứt nẽ). Khi đưa tre về họ phải đếm mắt tre và cắt hớt hai đầu cây tre sao cho đúng trực (trực sinh; tính theo sinh, lão, bệnh, tử). Đến khoảng ngày 24 - 25 tháng chạp, dân làng tiến hành dựng đu ngay tại Cồn Đu của làng. Khi dựng đu, họ phải làm lễ cáo tế với Thổ thần, Thành hoàng làng và các Ngài khai canh. Khi dựng đu xong, dây đu được buột lên giàn đu (chưa cho ai động đến), đồng thời chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại vật liệu, kể cả các phương tiện dựng rạp để cho ban tổ chức và các vị bô lão trong làng dự khán và chấm giải trong ngày tổ chức hội đu. Đến sáng mồng 4 tết, các chức sắc của làng xã, ban tổ chức, nam, phụ, lão, ấu trong làng và các khán giả ở khắp các địa phương lân cận tập trung đến dự hội đu.

Khởi đầu, Ban tổ chức hội đu của làng kiểm tra lại giàn đu, điều chỉnh lại vị trí điểm chạm cờ giải (được gắn trên đầu giàn đu). Khi đu, người chơi phải nhún và điều khiển đu lên cao, cho đến lúc với tay chạm vào cờ mới được trúng giải. Trước khi vào cuộc thi, làng phải làm lễ cúng. Chủ lễ là một vị bô lão trong làng có kinh nghiệm chơi đu đồng thời là người phụ trách hội đu. Sau khi khấn vái xong, ông ta lên dàn đu để khởi động, gọi là “khai đu”, mở đầu cho cuộc thi thố tài năng của các vận động viên trong hội thi đu. Thanh niên, trai tráng trong làng và khách thập phương đến xem hội đều có thể đăng ký dự cuộc đu. Hội thi đu bao giờ cũng chia thành 5 - 7 giải tùy theo cơ cấu giải thưởng của làng và các vị mạnh thường quân ủng hộ kinh phí trao giải. Giải đầu tiên gọi là giải cúng, người đạt giải này được các chức sắc trong làng trao giải. Tiếp theo là giải nhất, giải nhì, giải ba, giải tư... thường do đại diện các tổ chức chính quyền, đoàn thể hoặc cá nhân ủng hộ trao giải. Cuối cùng là giải phá, khi dự thi giải này, đòi hỏi người chơi đu phải giật được lá cờ giải xuống mới gọi là thắng giải. Giải phá do bác lão chủ trì hội đu thay mặt làng để trao giải. Ngay sau khi kết thúc hội đu, vị chủ lễ tiến hành lễ tạ các vị thần linh xong, ông ta nâng cao cây rựa dài cán (đã chuẩn bị sẵn từ trước) lên ngang mày vái tạ và chặt hạ ngay dây đu (hai đoạn tre cán giáo làm tay cầm khi đu) để kết thúc hội đu. Dân làng tin rằng, nếu năm nào làng tổ chức hội đu thì năm đó người dân trong làng “ăn ra mần được”, mùa màng bội thu; nếu không tổ chức hội đu đầu năm, thì năm đó làng bị mất mùa, tai ương... Dân làng thường truyền tụng câu:

“Mâm Xôi, Ngòi Bút, Dĩa Nghiên
Hội đu còn đó, mới yên dân làng”.

Mâm Xôi, Ngòi Bút, Dĩa Nghiên
là địa danh của 3 cồn đất trong làng. Người Gia Viên quan niệm đó là những “cuộc đất” phong thủy mang đến sự no ấm, học hành đỗ đạt cho con em trong làng. Duy trì hội đu đầu xuân mới mang lại được sự bình yên cho dân làng. Vì vậy có những năm chiến tranh hoặc gặp khó khăn, làng không tổ chức hội đu được thì phải dựng một dàn đu nhỏ rồi cũng thực hiện các thủ tục cúng bái theo lệ rồi sau đó triệt hạ giàn đu như khi tổ chức hội đu (gọi là đu lệ), thì dân làng mới yên tâm. Hội đu ngày xuân của làng Gia Viên đồng thời được xem như lễ cúng xuống đồng đầu năm để chăm sóc vụ Đông Xuân. Đây là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tâm linh đối với người dân làng Gia Viên trải qua hàng trăm năm.

Đối với các trò đu khác như: Đu tiên, đu giàn xay, đu rút… tôi chỉ nghe các cụ cao tuổi kể lại theo ký ức nên khó có thể hình dung để mô tả lại một cách chính xác được. Vì vậy, tôi phải dẫn các tư liệu xưa và nay giới thiệu về các trò đu này để tiện tham khảo khi có điều kiện phục dựng, tái hiện lại những trò đu ngày xuân ngày xưa trên đất Thừa Thiên Huế.

2. Đu tiên:

Sách Đại Nam quốc âm tự vị (ĐNQÂTV) của Huỳnh Tịnh Paulus Của giải nghĩa về trò đu tiên như sau:

“Đu tiên: Cuộc chơi làm như cái bánh xe, rộng vành, phía trong làm nhiều ghế ngồi treo đòng đưa, phải có nhiều người ngồi mà nhún thì bánh xe chạy vòng, ấy là cuộc chơi phong lưu, cho nên gọi rằng đu tiên”.

Sách Gia Định thành thông chí (GĐTTC) (viết khoảng từ năm 1820 - 1822) của cụ Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825). Chương Phong tục chí, mục phong tục toàn thành (tức tục ở Nông Nại đại phố, sau gọi là Gia Định thành). Nguyên văn câu chữ Hán giới thiệu về đu tiên đã được viết như sau: “又 有 雲 車 鞦 韆 戲 (俗 名

Các bài mới
Bóng khuyết (21/03/2019)
Đường về (15/03/2019)
Tráng sĩ (15/03/2019)
Các bài đã đăng
Vẽ lợn (06/02/2019)
Tâm Xuân (06/02/2019)
Tím độ em về (02/02/2019)