Tạp chí Sông Hương - Số 360 (T.02-19)
Kể chuyện ngày xưa
14:36 | 21/02/2019

VÕ THỊ XUÂN HÀ

Đêm qua có một chàng trai nhắn cho tôi: “Có khi em không phải người phàm thật em ạ”.
(Xin phép anh cho tôi nói ra điều này vì độc giả yêu quý).

Kể chuyện ngày xưa
Ảnh: internet

Đơn giản vì chàng trai ấy là một người đàn ông rất giỏi, đức độ, và là người hết mình vì công việc, yêu vợ thương con. Nhưng lại rất yêu chữ của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Ví như bài thơ Tri âm mà tôi viết cũng đã lâu, dĩ nhiên chẳng viết cho riêng ai. Nhưng chàng trai ấy đọc cứ nghĩ như chính mình là nhân vật “chàng” trong bài thơ.

Chợt nhận ra: Con người ta sống tốt hơn, không đơn giản cứ nhằm thẳng một con đường mà tiến tới. Hình như những người giỏi người tốt đều cần tiếp thêm năng lượng sống. Năng lượng được nạp từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn từ những con chữ.

Mà chữ cũng là do tận tâm lao động sáng tạo mà ra...

Cảm động vì tấm chân tình đôn hậu ấy, hôm nay một ngày đầu năm, tôi xin kể đôi câu chuyện đời riêng, gửi tặng tất cả những người đàn ông đức độ, hết mình vì công việc, yêu thương gia đình và bao dung với con người.

Truyện tản mạn thứ nhất

(Hà Nội, 7/5/2017, những ngày nhớ nhà).

Hồi mẹ sinh nó, đúng đợt B52 ném bom Hà Nội và miền Bắc.

Bệnh xá của nông trường cam Xuân Mai, vốn là từ Sư đoàn tập kết 338 của ba chuyển sang nông trường, ở khu vực lân cận Hà Nội.

Ba đi chiến trường. Chị gái xung phong đi bộ đội. Chỉ còn hai em nhỏ, cùng mẹ bụng chửa vượt mặt, tôi coi như chị lớn trong nhà cáng hết mọi việc.

Bụng mang dạ chửa nặng nề thế, nhưng mẹ là y sĩ giỏi (mẹ không thể đi học bác sĩ vì vướng đàn con). Mẹ có thể đỡ đẻ tất cả các ca kể cả khó, mổ cấp cứu khâu vết thương các loại, châm cứu, chữa bệnh theo tây y kết hợp đông y, nạo amidan… Giờ tôi ít thấy có bác sĩ nào cùng lúc phải cáng nhiều việc như thế. Nhưng chuyện về mẹ thì tôi để kể sau. Kể về mẹ bao nhiêu trang giấy cũng không kể xiết…

Là giờ tôi đang nhớ đến cái vụ mẹ sinh ra nó.

Hôm đó là ngày 21 tháng 12 năm 1972, máy bay rải bom B52 kinh hoàng. Trên trời có mấy tốp B52 quần đảo. Nghe các cô chú báo, có một phi công Mỹ rơi xuống khu vực núi Miếu Môn (là cái khu vực Đồng Tâm vừa rồi xảy ra khá nhiều câu chuyện), nên máy bay Mỹ đảo tìm điên cuồng.

Mẹ trở dạ. Cô Sâm dược sĩ chạy về khu tập thể khi ấy còn mỗi mình tôi “trực chiến” (theo cách gọi âu yếm của các cô bác trong bệnh xá) báo tôi biết. Tất cả mọi người đều đổ xô cứu thương. Hai đứa em tôi cùng trẻ em cả khu tập thể được đưa vào hang núi Đầm Lỗ sơ tán. Tôi nhất định đòi ở lại trực mẹ sinh em.

Vừa sáng sớm, mẹ phải cấp cứu khâu cho bác Thanh (Đội trưởng Đội 3 của nông trường), bom xé toang bắp chân của bác. Khâu xong xe cứu thương chuyển ngay lên bệnh viện 103.

Có lẽ không chịu nổi, nó đạp mạnh vào bụng mẹ đòi ra.

Tôi tóm con gà nấu cháo đậu xanh cho mẹ. Gian bếp khói um lên. Máy bay thì quần đảo dữ dội trên bầu trời. Khói có thể kéo chúng nhằm hướng mà dội bom. Tôi cời bếp củi, cố sao cho đỡ khói. Mồ hôi nhễ nhại. Sau rồi cũng nấu xong nồi cháo, bỏ vào cà mèn quân dụng, đội cái nón lá rách cài vài cành lá xanh. Tôi chạy bộ trên con đường đồi không có chút cây to che chắn, dưới những cánh máy bay chứa đầy bom B52, mang được ca cháo xuống bệnh xá cho mẹ ăn.

Mẹ vừa ăn được mấy thìa, lại có bệnh nhân cấp cứu. Là hai mẹ con cô Phi bị bom dội trúng nhà. Cô Phi ở bên Đội Thí nghiệm, có chồng đi chiến trường. Bệnh xá bấy giờ chỉ có mẹ và bác sĩ Dưỡng là chuyên môn cao nhất. Có một chú đang đi học nốt bằng bác sĩ. Còn lại toàn y tá và hộ lí. Bác Dưỡng đang cấp cứu cho một ca khác bị mổ ruột thừa. Mới sinh chưa đầy tiếng, mẹ phải đứng dậy lo cứu người.

Máy bay Mỹ ào tới gầm rú trên trời long tai lở óc. Mọi người hốt hoảng bế em tôi đang nằm khóc oe oe trên giường bệnh xá trao cho tôi, giục xuống hầm. Bệnh nhân cũng được đưa xuống các hầm xung quanh khu vườn của bệnh xá. Còn tất cả y bác sĩ y tá hộ lí thì cứ ở trong các phòng cứu bệnh, mặc cho máy bay đang đổ nhào thả từng chùm bom đen trũi xuống mảnh đất nhỏ bé. Mẹ máu huyết đầy người lết ra phòng cấp cứu, người đỡ người choàng áo blu, người đưa dụng cụ đã hấp vô trùng… Mẹ quên mất mình đang là sản phụ mới sinh.

Tôi bế nó trên tay chui xuống cái hầm kèo nhỏ xíu. Tôi ngắm nó. Ôi chao sao mà xấu tệ. Mặt nhăn nhúm như thừa da. Da đỏ rực. Tóc dựng lên như nhím. Nó chưa mở mắt. Vẫn còn đang phiêu du giữa cõi mơ và thực. Miệng ngoác ra gào. Tôi vỗ vỗ, nựng nịu em đừng khóc để mẹ lo cứu người nhé em. Bỗng nhiên nó nín bặt và ngủ thiếp trên tay tôi…

Giờ nó đây. To cao đẹp trai. Dân Vỹ Dạ thậm chí dân xứ Huế (nói dân, có nghĩa là cánh trai trẻ như nó), hầu hết không lạ gì cái tên Lâm Vỹ Dạ. Dẫn quân Huế thi đấu võ các kiểu với Đà Nẵng, mấy lần giật giải. Làm gì cũng khéo, mộc nề, điện nước cứ lầm lũi một mình lo toan. Nhiều cô gái con nhà khóc thầm khi nghe tin nó cưới vợ. Cánh hành chính Học viện Y Huế nhiều năm rồi sau khi nó bỏ việc về kinh doanh, vẫn còn quý mến.

Có lần mấy chị em rủ nhau đi biển Thuận An. Chiều tối mịt phóng xe về, tôi bị mấy thanh niên bám riết theo cả chục cây không chịu buông. Nó im im phóng trước. Đang bực mình vì thằng em vô tâm không bảo vệ chị, thì thấy nó đứng lù lù gần chợ Mai, tay cầm gộc củi. Nó chặn mấy xe kia lại, hất hàm hỏi:

“Tụi bây biết Lâm Vỹ Dạ không? Sao dám động tới bà chị tau?”

Cả đám xanh mặt, xin lỗi rối rít.

Giờ ba mẹ đã đi xa. Ông bà đã xa lâu rồi. Các chị thân gái lấy chồng xa hầu hết. Mình nó lo toan việc hương khói cúng giỗ của cả gia tộc.

May mà hồi đó mẹ đã quyết sinh nó ra, và bom Mỹ không nhằm trúng được cái hầm kèo chỉ có hai chị em đơn độc…

Truyện tản mạn thứ hai

(Mùa hoa loa kèn, 9/4/2017)

Mười sáu tuổi đã muốn nhảy xuống sông vì thi Tổng hợp Văn thiếu những 2 điểm.

Hồi học phổ thông, năm nào tôi cũng được chọn đi thi học sinh giỏi Văn của huyện, tỉnh, hoặc miền Bắc. Nếu cho thi học sinh giỏi Toán ở trường, hầu như tôi đều giành giải Nhất. Còn Trí chỉ được giải Nhì. Nhưng khi ra ngoài thi thố, các thầy cô cứ chọn tôi thi Văn, còn Trí thi Toán.

Trí người nhỏ, gương mặt hơi bẹt nhưng hồng hồng xinh xinh. Tóc lúc nào cũng bết dính, tính lanh chanh bậc nhất thiên hạ. Được cái thông minh mẫn tiệp. Không biết cái gì chứa trong cái trán dô bướng bỉnh và nhỏ nhắn kia. Bài toán nào Trí cũng giải nhanh nhất lớp. Phải thừa nhận Trí học giỏi Toán hơn tôi. Nhưng vì cái bệnh lanh chanh nên khi đi thi thường dễ mắc lỗi ở khâu nào đó nên hay bị trừ điểm. Tôi hơn điểm Trí chỉ vì tôi cẩn thận hơn, cứ chắc chắn từng bước một. Chứ khi học cùng nhau, tôi thừa hiểu Trí nhanh tìm ra đáp án hơn tôi.

Nó thường nhìn tôi say đắm đến nỗi tôi phát cáu mấy lần. Nó bảo, tao thích ngắm mày lắm. Tôi bảo, mày bê đê à? Nó bảo, tao không bê đê, nhưng nhìn mày tao còn mê huống gì bọn con trai. Để tao giới thiệu mày với anh Dũng. Ơ, Dũng nào thế? Tôi chưa lớn để hiểu những chuyện ấy. Mới học lớp cuối cấp ba, lại ngắn người hơn tôi mà nó đã hiểu chuyện người lớn.

Nó bảo, tao thích anh ấy mày ạ. Lúc nào tao cũng nghĩ đến anh ấy. Nhưng tao chắc chắn anh ấy không để ý đến tao đâu, nhìn tao loắt choắt thế này. Để tao cho anh ấy xem ảnh mày, chắc chắn anh ấy sẽ mê mày ngay lập tức.

Tôi bĩu môi, tao thích gì cái trò đấy, tao còn phải trông em cho mẹ đi làm.

Thế mà con bé bạn tôi lanh chanh giới thiệu thật.

Kết quả là cứ mỗi tuần vào chủ nhật là tôi hốt hoảng chạy đi sang nhà khác kiếm cớ ngồi lì, hoặc chui vào bếp, mỗi khi nghe tiếng xe honda nổ phành phạch đầu dãy nhà 9 gian, khu tập thể của bệnh xá nơi mẹ tôi làm việc. (Cái sự trốn này, tôi áp dụng sau này nhiều lần ở những bối cảnh khác).

Anh Dũng ấy thực ra là một anh bộ đội mới mười bảy tuổi chưa có lon, nghĩa là mới vào hàng binh nhất. Công bằng thì anh Dũng của Trí rất đẹp trai. Da trắng, sống mũi thanh tú, mắt hơi nâu, tóc đen nhánh đúng kiểu trai Hà thành. Trí bảo ba mẹ anh dân miền Nam tập kết giống chúng mình, ba anh là ông thứ trưởng ngành công nghiệp nặng gì đó. Nhà to lắm, ngay bến xe Kim Mã cũ. Ông gửi anh vào quân ngũ, rồi sẽ cho đi học sĩ quan.

Nói cho công bằng thì cả hai người ấy họ mê tôi. Họ bàn bạc nhau cái gì không biết. Nhưng Trí cứ giả vờ hỏi tôi, mày đang làm gì đấy, mai chủ nhật mày có phải trông em đâu, mai tao sang nhé v.v. Xong Trí nháy anh Dũng một mình tìm đến. Mấy lần đầu tôi mất cảnh giác, hồn nhiên tiếp khách.

Anh Dũng đến một mình tìm được tôi, Trí cứ như đạt thành tựu lớn. Anh Dũng ngồi, tôi cũng ngồi. Anh cứ nhìn tôi cả buổi giống như tôi là bức tượng để anh đến chiêm ngưỡng. Tôi không biết nói gì, trong lòng bứt rứt khó chịu.

Tôi mới gần tròn mười sáu. Soi gương phát hoảng vì thấy một số bộ phận trên cơ thể không như mình mong muốn. Đứng trước gương quay người trước sau, rầu rĩ nghĩ sao mẹ cho mình ăn gì lớn nhanh thế không biết, đến là ngượng với đám bạn. Lại còn tay chân cứ có lớp lông mịn như tơ bao phủ… Tôi đã kịp lớn đâu. Tôi còn rất trẻ con. Chỉ thích leo núi với thằng Bình Lé, hoặc đi kiếm củi lang thang ngoài bìa rừng, nơi bệnh xá mẹ tôi sơ tán đến. Tôi và Bình Lé đi giày ba ta leo lên sườn núi cao, nơi người ta nổ mìn phá đá để trơ ra mảng sườn đầy đá răm trắng. Lên được tít trên cao rồi, nhún chân một cái là trượt xuống lôi theo cơ man đá răm. Đá trôi xuống, chúng tôi phân loại, đống đá to, đống đá nhỏ. Rồi có người đến đo khối và trả cho chúng tôi loại to thì ít tiền, loại nhỏ thì nhiều hơn, hình như 5 ngàn loại nhỏ, 3 ngàn loại to một khối.

Bình Lé bảo: Nom chị giống Trà Giang.

Bình Lé bảo: Mắt chị cũng buồn thế.

Tôi cương quyết: Chị sẽ sửa ánh mắt vui hàng ngày, không cho buồn.

Thế mà cái con bé Trí lanh chanh quấy đảo. Thứ hai nào đến lớp nó cũng hỏi tôi về anh Dũng thế nào? Hôm sau thứ ba lại hỏi tiếp anh Dũng thế nào? Rồi say sưa tụng ca anh Dũng thế nào ra sao. Tai tôi ù đi. Tôi bảo, sao mày không bảo anh thế nào ấy đến chơi nhà mày? Hỏi nhiều lần như thế thì nó bảo, tại anh ấy không thích tao, anh ấy bảo chỉ muốn nhìn thấy mày sau một tuần trong đơn vị vất vả. Tôi nể tình bạn của nó, không nỡ nói những câu phũ phàng (giờ chắc dễ hơn, thảo nào nhiều khi con người ta cứ thích làm người lớn).

Các lần chủ nhật kế tiếp, anh Dũng đến tìm, tôi không trốn đi đâu kịp, đành chui xuống bếp, chỉ kịp dặn mẹ mấy câu: mẹ tiếp khách cho con, bạn của cái Trí lanh chanh đấy.

Thế là mẹ tôi tha hồ ca ngợi Trí lanh chanh. Nào thông minh (hẳn rồi), nào quý bạn (quý đến nỗi tặng cho bạn cả tấm tình mà mình nâng niu nhất), nào này nọ... Tôi ngồi dưới bếp nghe mẹ nói chuyện, và anh Dũng cứ ấm ứ lúng búng mấy tiếng, chân mỏi dừ, chỉ muốn tìm cái con bé lanh chanh kia mà táng vào cái đầu quá thông minh. Ai lại đem quả tim của mình tặng người khi mình còn đang ham sống cơ chứ...

Sau này tôi mới hiểu kỹ hơn về mối tình của Trí.

Nhưng Trí tâm niệm đó là món quà quý nhất mà cô có thể tặng cho người mình yêu. Mối tình đầu ấy nằm sâu trong tim Trí, day dứt thổn thức, nhưng chứa đầy sự ngạo nghễ cao quý, sự hy sinh để mong đem đến cho người mình yêu thương thứ quý giá nhất mà mình có.

Nhưng Trí nhầm lẫn. Tôi không phải viên kim cương trong tay bạn. Người Trí yêu thương say đắm cũng không phải chàng hoàng tử hay một lãnh chúa, không phải hiền triết hay thánh nhân, để rồi một ngày nhận ra vì sao mình có được viên kim cương trong tay.

Tôi cũng không bao giờ thuộc về chân trời của hai người ấy. Một người tôn sùng một người. Một người lại tôn sùng một người khác. Và người khác ấy vẫn còn chưa biết mình đã lớn. Chưa biết mình khá lạnh lùng với những gì thuộc về thế giới người lớn.

Nhiều năm sau gặp lại, Trí là bác sĩ giỏi công tác tại Khoa Tâm thần bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày ấy, tôi thi trượt Tổng hợp Văn. Cả lớp duy nhất có Trí đỗ ngay vào trường Y. Mặc dù tôi thừa điểm để vào nhiều trường khác trong khối C, như Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội... Nhưng con đường đi của định mệnh lại dẫn dắt tôi theo hướng khác.

Có lần Trí gọi tôi, giọng đầy hứng khởi:

“Này, mày nói chuyện với một người đặc biệt nhé”.

Bên này tôi đang bận họp cuộc họp quan trọng ở cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam. Giọng tôi nhẹ nhàng với bạn cũ:

“Ai vậy? Tao đang họp mày ạ”.

Giọng nó rối rít:

“Ra ngoài nói chuyện đi. Ra đi...”

Tôi a lô. Bên kia, giọng một người đàn ông ấm áp:

“Anh Dũng đây. Em khỏe không?”

Dĩ nhiên là tôi khỏe, và tôi nói rất vui được gặp lại anh sau nhiều năm. Anh ấy bảo, anh cũng vui lắm, không ngờ còn được nói chuyện với em. Được nhìn thấy em trên tivi, đọc báo thấy nhiều truyện của em, thấy hình em trên mạng rất nhiều. Mà lúc đầu, Trí bảo anh, em chính là nhà văn Võ Thị Xuân Hà anh mới biết để tìm đọc...

Hôm nay kể lại câu chuyện này là vì mới hôm qua, Trí nhắn tin cho tôi:

“Mày ơi, gửi tao bài thơ của mày mới làm. Tao buồn lắm. Chồng tao mất vì ung thư hai năm nay rồi”.

Ôi trời. Tôi nhắn lại:

“Khổ thân mày nhưng tao có phải nhà thơ đâu. Hay mày đi tìm anh Dũng đi?”

Không thấy bên kia trả lời.

Tôi không biết, anh Dũng giờ có sống một mình trong Sài Gòn hoa lệ? Không biết anh ấy có nhận ra viên kim cương đích thực của đời mình? Thôi cứ mặc cho hai chữ TÙY DUYÊN của họ.

Truyện tản mạn thứ ba

Bạn đã bao giờ tin vào tâm linh? Tin vào việc tự lột xác của một con người? Nằm xuống, và từ trên trần nhà, nơi khô ráo không có dấu vết gì của thứ gọi là nước, bỗng nhiên rơi xuống vài giọt nước vào khóe mắt. Như ai đó đang muốn xóa đi những giọt nước mắt trần thế. Nhìn lên tấm ảnh treo ngay trên đầu giường, một giọt nước vẫn còn đọng trên khóe mắt của tấm ảnh chân dung, mà dạo vào Sài Gòn nghệ sĩ Tô Thanh Nghiệp đã chụp và phóng to tặng tôi.

Đấy là tôi đang kể bạn nghe một câu chuyện khá kỳ lạ, vào một hôm tôi đang nằm khóc một mình. Nỗi đau đã chạm vào tận sâu thẳm linh hồn một người đàn bà đã bị đời quật tơi tả, không biết bám víu vào đâu. Trên bàn là hai trăm ngàn tiền lương còm cõi. Phía sau là bóng dáng hai đứa con thơ dại... Dòng nước tâm linh đã dội xuống đôi mắt nhòe nước mắt khiến tôi thảng thốt ngồi dậy, nhìn lên và rồi chỉ còn thấy một giọt đọng trên khóe mắt tấm ảnh của mình.

Tôi nhìn ra cửa sổ. Màu xanh của bàng của dâu da xoan tỏa bóng xuống cái khoảnh sân của khu tập thể Kim Liên. Tiếng nói cười rộn rã dưới kia. Tôi rút khăn lau nước mắt và ngồi vào bàn.

Bài thơ Mười lăm ngày nữa mới hết tháng ra đời như thế.

Như có gì đó thôi thúc, dường như là một thế lực vô hình, một dòng tâm năng, hay một nguồn năng lượng cực lớn đẩy vào sâu trong trí não tâm thức tôi. Vốn dĩ bướng bỉnh không chịu tin vào tâm linh, nhưng như có một cánh cửa đang mở ra mời tôi bước vào. Ánh sáng nhu nhiên soi rọi và mỉm cười dịu dàng.

Tôi quyết định gọi điện xin nghỉ có việc, đóng cửa một tuần ở lì trong nhà. Đợt đó ngày nào cũng có người gõ cửa. Có khi tiếng gõ cửa rất cương quyết gấp gáp. Chắc phần lớn là bạn bè quan tâm đến tìm. Hoặc người thu tiền điện tiền nước... Nhưng tôi đã quyết không mở. Hàng xóm ngạc nhiên lao xao bên ngoài. Tôi coi như câm điếc. Tôi không ăn. Bằng cách nhịn ăn theo hiểu biết của mình. Không giao tiếp. Cách ly hoàn toàn với con người. Nhưng thứ mà tôi không thể cách ly được, đó là thanh âm cuộc sống vẫn vọng vào ào ạt, đọng lại trong căn phòng nhỏ những nỗi trầm luân mà tôi từng phải gánh chịu, những sự ác độc đã giáng xuống tấm thân nhỏ bé một người đàn bà, những thôi thúc giúp tôi phải sống dậy trong một lốt khác. Chỉ ngổi bên bàn với ly nước lọc.

Và viết.

Năm 1996, tôi mở cửa nhìn ra bầu trời xanh trong.

Sau một tuần lột xác, nhìn vào gương, tôi thấy đôi mắt đã không còn mờ đục như trước. Mắt tôi đã trong veo. Mái tóc lại suôn mượt như thời con gái. Chắc tôi đã sút tới năm kí. Nhưng cơ thể nhẹ nhõm. Trí não mạnh mẽ.

Những giọt nước mắt trở thành kỷ niệm chôn vùi.

Một người đàn ông đến. Anh là một trong những bạn viết thân thiết của tôi. Một người đàn ông lịch lãm, đẹp và tài ba. Anh rất giỏi trong nhiều lĩnh vực. Anh nhìn tôi trong bộ dạng mới. Cứ đứng nhìn tôi như thế rất lâu, và rồi anh lao đến ôm chầm lấy tấm thân gầy mỏng mảnh.

Có thể nụ hôn của chúng tôi sẽ rất nồng nàn. Đất trời sẽ nghiêng như chưa từng bao giờ mạnh mẽ và êm đềm như thế. Tôi sẽ được bao bọc trong vòng tay ấm áp của một người đàn ông mà bao nhiêu trái tim mơ ước. Tôi sẽ không phải lao lực thức cạn đêm để viết, như cách rút máu mình ra đi bán nuôi con.

Hôm đó thời tiết khá đẹp. Bầu trời đêm Hà Nội phía ngoài cửa sổ căn nhà nhỏ của tôi chi chít sao. Ánh điện dù có lung linh rực rỡ, vẫn không át nổi ánh sáng những ngôi sao xa xôi trên dải Ngân Hà. Tôi thèm khát vòng tay người đàn ông chở che. Tôi cần anh như cần hơi thở. Trong một khoảnh khắc, tôi gần như muốn quỵ xuống ngả vào lòng anh.

Nhưng tôi đã nhẹ nhàng đẩy anh ra. Như tôi đã đẩy tôi ra chính cuộc đời cũ rích của mình. Tôi đẩy anh ra đầy xa xót yêu thương.

Tôi quay lưng, cúi đầu như cách người ta tạ tội trước vẻ đẹp vĩnh cửu của loài người.

Lúc đó tôi đã nghĩ rằng, tôi sẽ riết róng thân xác mình để tâm hồn được thanh thản. Tôi phải nuôi hai con gái khôn lớn.

Tôi kể lại một vài chuyện trong những chuyện xa xưa, (vào thời khắc này bỗng nhiên tôi mong muốn như thế), chắc rằng để xin lỗi tất cả những ai đã đi qua cuộc đời tôi, đã ngoảnh lại dừng lại trong khoảnh khắc để yêu thương, và rồi lại phải bước tiếp trên con đường thiên lý mà không có tôi bên cạnh.

Cũng để nói với bao người phụ nữ đang nghĩ mình bất hạnh, rằng tôi đã làm thành công một cuộc thí nghiệm tự lột xác mình, để được sống lại một kiếp khác trong chính cuộc đời mình.

Bạn hãy dũng cảm lên. Như tôi đã dũng cảm kể lại câu chuyện này.

Xin tặng bạn đọc yêu quý của nhà văn Võ Thị Xuân Hà bài thơ năm xưa đã được viết trong tâm thức của một người quyết sống lại.  


MƯỜI LĂM NGÀY NỮA MỚI HẾT THÁNG  

Trên bàn là hai trăm ngàn đồng
Cùng sáu cuộn phim chụp rồi nằm lặng lẽ
Còn cả mười lăm ngày
Và bao nhiêu toan tính
Với hai trăm ngàn mỏng manh.

 
Giấu nỗi buồn nước mắt và giấu cả con tim
Thương nhớ thôi cũng đành sắp đặt
Tính cả nụ cười tính từng xu trí tuệ
Ngày nối ngày trang bản thảo lặng im.

 
Nhớ mẹ nhớ cha nhớ quãng đời thơ ấu
Ừ nhỉ, ta sinh ra vì tất cả những điều này
Dứt máu thịt nặn hình hài con trẻ
Rồi tung chúng ra tranh đấu với cuộc đời.

 
Đói thì hạt muối cũng tròn
gừng cay thì nhớ đậm
Riết róng thân mình giữ trọn đạo nhân gian…

 
Cái ác quanh ta mặc bộ com lê
Một sớm mai chạy xe qua trước cửa
Lặng lẽ ta ban nụ cười cháy đỏ
Gã lùi xa rồi


Ta hạnh phúc với ngàn sao

Kim Liên, 4/1996
V.T.X.H  
(TCSH360/02-2019)




 

 

Các bài mới
Bóng khuyết (21/03/2019)
Đường về (15/03/2019)
Tráng sĩ (15/03/2019)
Các bài đã đăng
Phố bình yên (15/02/2019)
Vẽ lợn (06/02/2019)
Tâm Xuân (06/02/2019)