Tạp chí Sông Hương - Số 360 (T.02-19)
Tráng sĩ
14:04 | 15/03/2019

NGUYỄN NHÃ TIÊN   

Đường lên núi Quèn tràn ngập sắc hoa đào. Màu hồng phấn trên những cánh rừng đào phai lớp lớp mái xuôi nghiêng xoay tròn hình chóp, đẹp đến nỗi mây trắng dặt dìu bay qua đỉnh núi cũng ửng lên màu ráng hồng hư ảo quang chiếu cả bầu trời Tam Điệp.

Tráng sĩ
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Đào phai trên núi Quèn không giống như các loài hồng đào, bích đào, liễu đào được trồng trọt và chăm sóc kỳ công như ở các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Yên Phụ từng nổi tiếng trên đất Bắc Hà, mà là giống đào hoang dại mọc thành rừng thành núi tự thuở xa xưa cho đến bây giờ... Đấy là những câu chuyện tưởng như bất tận về loài đào phai do các bô lão ở Sơn Thôn dưới chân núi Quèn chuyện trò cùng Tử Văn vào những ngày quân Tây Sơn hội quân ở Tam Điệp.

Lẽ ra sau buổi chiều mùng 5 tết Kỷ Dậu, cái ngày mà quân dân Bắc Hà đã đánh đuổi hoàn toàn giặc xâm lăng, Tử Văn sẽ tâu lại với nhà vua xin được quay về Tam Điệp như đã thầm hứa với lòng mình. Vậy rồi bầu không khí say sưa chiến thắng quét sạch quân nhà Thanh ra khỏi bờ cõi đã níu chân tráng sĩ ở lại. Vả lại, cái tết tưng bừng say khướt khúc khải hoàn ca ở Thăng Long như vua Quang Trung đã hứa với ba quân tướng sĩ trước giờ xuất quân, không thể không làm xao xuyến trái tim tráng sĩ đầy ắp lãng mạn như Tử Văn.

Là bạn đồng môn thân thiết với người anh hùng áo vải, Tử Văn hiểu trái tim lớn của Nguyễn Huệ đến nhường nào. Trong số các môn sinh ngày đêm vừa lo dùi mài kinh sử vừa rèn luyện kiếm cung tại Trương gia trang ở ấp Tây Sơn ngày ấy, thì Nguyễn Huệ và Tử Văn là hai đệ tử ruột rà yêu quý nhất của Trương sư phụ. Cho dù ông có tự nhận mình không sánh nổi với người xưa “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”, nhưng Trương sư phụ cũng đã sớm đoán định ra bước hoạn lộ thăng trầm mai sau của Tử Văn và Nguyễn Huệ. Vào những lúc thư nhàn thầy trò đàm đạo với nhau, ông thường bảo với hai đệ tử thân yêu của mình: “Hai con là hai nửa yêu thương trong một khối tâm hồn thầy, mỗi người một cung mệnh không phải ai muốn là được. Như thầy đây, mộng đại định như Huệ cũng không xong, mà phiêu bồng hào kiệt như Văn cũng không thành, bởi thế thầy chỉ biết quanh năm quy ẩn trong cái ấp Tây Sơn đìu hiu hút gió này”. Lời thầy linh nghiệm tới đâu mà giờ đây giấc mộng đại định của Nguyễn Huệ đã sở hữu trên đôi tay chinh Nam phạt Bắc của mình. Còn Tử Văn, giá như không vì lòng ngưỡng mộ kẻ anh hùng áo vải mà gia nhập vào đoàn quân Tây Sơn trong cuộc Bắc phạt lần này, thì có lẽ cũng chả biết tâm hồn lang bạt kia đã lưu lạc những đâu cho thỏa giấc mơ phong hoa tuyết nguyệt.

Trong đông đảo hào kiệt quy tụ dưới cờ nghĩa Tây Sơn thì Tử Văn là vị tướng văn võ toàn tài. Vậy mà tên tuổi trong các anh hùng “Tây Sơn thất hổ”, hoặc vang danh trong “Lục kỳ sĩ” không thấy tên tuổi của Tử Văn. Hơn ai hết, Nguyễn Huệ hiểu rõ tâm tính của bạn mình từ những buổi đầu còn chung chăn chiếu văn ôn võ luyện ngày đêm ở ấp Tây Sơn. Với con người trượng nghĩa khinh tài ấy có quàng lên mấy công danh cũng chỉ là chuyện hư huyễn. Cũng chính vì thế mọi cung cách lễ nghi trong đạo vua tôi, Nguyễn Huệ chừng như xem Tử Văn là một trường hợp biệt lệ, gần như xóa nhòa mọi khoảng cách.

Cảm phục tài ba và khí khái của người bạn đồng môn, trong những ngày luyện quân dưới chân núi Nghĩa Liệt, nhà vua nhân cơ hội này đã phong cho Tử Văn chức Đại Đô đốc để cùng mang quân đi định Bắc. Chỉ có điều, đối với Tử Văn chức gì thì chức, người ta vẫn cứ nghe thấy hầu như tất cả quan quân tướng sĩ Tây Sơn khi nói đến Tử Văn đều gọi cái tên gần gũi thân mật “Tử Văn tráng sĩ” trong mọi cuộc giao tiếp gặp gỡ hàng ngày. Mà thực ra Tử Văn cũng chẳng lưu ý gì đến các danh xưng. Gia nhập đứng vào đội ngũ đoàn quân Tây Sơn giữa lúc thế nước đang dầu sôi lửa bỏng là vì lòng yêu nước, là trả nợ non sông, một thứ tình yêu thiêng liêng gắn bó máu thịt giống như “ơn cha nghĩa mẹ công thầy”, chứ nào phải ham hố danh vọng tranh quyền đoạt lợi gì đâu.

*

Núi Quèn nằm một bên con đường thiên lý cổ, cũng trong hệ thống phòng tuyến Tam Điệp, do tướng Ngô Văn Sở cho lui binh từ Thăng Long về lập nên, giữ thế trận cầm cự với giặc chờ đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân kéo ra hợp sức đại phá quân Thanh. Trong khi chờ đợi xuất quân, Tử Văn được nhà vua giao phó nhiệm vụ dẫn đầu đội quân tiên phong thần tốc ngày đêm tới đèo Tam Điệp, vừa lo hợp sức giữ vững phòng tuyến vừa quan sát thám báo tình hình Thăng Long.

Những cánh rừng đào phai trên núi Quèn nở sớm hơn mọi năm như chào đón những người anh hùng. Nở sớm không phải chỉ lưa thưa cành nọ cành kia dăm ba đóa hàm tiếu dự báo mùa xuân đang tới gần, mà là nở đều khắp cả núi rừng. Từ suối khe thung sâu cho đến đỉnh núi hoa đào đua nhau khoe sắc xua đi cái giá rét thường khi trên đất Bắc, như báo hiệu tin vui đến mọi nhà.

Tử Văn còn nhớ những năm tháng phiêu bạt giang hồ, hoa đào từng là bạn đường sưởi ấm tâm hồn mình vào những mùa xuân tha phương. Ngồi giữa lòng Sơn Thôn bên con đường thiên lý cổ uống chén trà nhạt cùng các bô lão, nghe các cụ bàn về thuật phong thủy xưa nay. Hóa ra thiên nhiên vốn đầy bí ẩn nhưng thiên nhiên cũng hé mở cho con người đọc được những tín hiệu để nuôi dưỡng niềm tin. Một đào hoa khá tốt tươi/ Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong ắt có tình hay nữa/ Kín tiễn mùi hương dễ động người... Cụ Khán Thủ - một chức sắc trông coi công việc dân phòng quanh năm của làng Sơn Thôn, cụ nhìn Tử Văn với ánh nhìn đầy thiện ý. Vừa rót chén trà thơm bốc khói mời Tử Văn, cụ vừa ngâm nga mấy câu “Hoa đào thi” của Ức Trai. Theo cụ Khán Thủ thì hoa đào là tinh túy tinh hoa trong Ngũ Hành. Cây hoa đào có thể khắc trị được bách quỷ. Bởi vậy trên khắp đất Bắc Hà nơi đâu cũng thấy người ta chưng cây hoa đào trước nhà vào mỗi dịp đón năm mới. Mà trên khắp đất Bắc, không ở đâu như vùng núi Quèn này, đào hoang mọc đầy cả một vùng núi non, lại là giống đào phai cho màu hoa hồng phấn hương tỏa bát ngát khắp cả vùng. Trước khi chào các bô lão trở về trại quân, Tử Văn còn được cụ Khán Thủ hứa nay mai sẽ cho người mang lên núi tặng thanh kiếm được làm từ loại gỗ đào cả trăm năm tuổi. Cụ Khán Thủ thân mật khẽ nói với Tử Văn: “Cây đào núi trăm tuổi là cây có thần tráng sĩ ạ, bởi thế thanh kiếm gỗ ấy là linh vật, chúng tôi còn phải làm lễ tạ linh sơn trước khi tặng kiếm cho người anh hùng”.

Lòng nhẹ tênh phơi phới trên đường về trại quân, Tử Văn vừa bước đi vừa lầm thầm: “Dân như vậy thì lo gì không phá được giặc”.

Giữa bề bộn việc quân, một chiều trên đường quan sát những thành lũy vừa được quân sĩ dựng lên trên núi. Chợt từ cánh rừng hoa đào bên triền con suối vắng xuất hiện một thiếu nữ bước nhẹ nhàng thanh thoát đi về phía Tử Văn. Sững sờ trước thiếu nữ đẹp như từ cõi trời giáng xuống, trong lúc Tử Văn còn ngơ ngác chưa kịp lên tiếng chào thì thiếu nữ đã cất tiếng trong như ngọc: “Thưa tráng sĩ, em theo lệnh cha mang tới dâng lên người linh vật này”. Nói rồi thiếu nữ lấy từ trong bọc vải đỏ đeo trên lưng ra một thanh kiếm gỗ, hai tay cầm lễ phép trao cho Tử Văn. Đã từng dạn dày trước hòn tên mũi đạn, đã dọc ngang cuối bể đầu nguồn, vậy mà đứng trước một thiếu nữ đẹp như nàng tiên giữa rừng hoa đào, Tử Văn bối rối nói không nên lời. Cầm thanh kiếm gỗ trong tay, Tử Văn nhớ lại ý cụ Khán Thủ đã tâm sự với mình dưới chân núi: “Cây trăm tuổi có thần, nên thanh kiếm này là một linh vật”. Chính lúc đó thiếu nữ nhẹ nhàng nói: “Biết tráng sĩ sắp bước vào trận chiến, nên cha em tặng báu vật gia truyền này góp sức cùng tráng sĩ trừ tà ma yêu quái của giặc”. Nói rồi thiếu nữ cúi đầu chào Tử Văn quay quả xuống núi. Tử Văn cũng cúi đầu tạ ơn đáp lại, lúc vừa ngẩng mặt lên thì cô gái tưởng như đã tan biến vào cánh rừng đào mất dạng. Trong màu khói chiều ửng sắc đào phai lõa xõa bay trên triền núi, từ rừng mây khói huyền hoặc kia, Tử Văn mơ hồ nhìn thấy thấp thoáng khói mây lượn lờ theo gió như có bàn tay vô hình khắc họa hình ảnh giai nhân vào núi non này. Bước về doanh trại, Tử Văn bỗng nhớ lại câu thơ cụ Khán Thủ ngâm tràn bên chén trà bốc khói sao nghe giống như một lời hẹn ước... Đông phong ắt có tình hay nữa/ Kín tiễn mùi hương dễ động người!

*

Lời vua Quang Trung trong buổi tiệc linh đình mở ra chiêu đãi tướng sĩ vào ngày 29 tháng chạp tại rừng hoa đào trên núi Quèn, quả là tiên liệu như thần: “Bữa nay ta ăn tết Kỷ Dậu trước, sang xuân vào Thăng Long ngày mùng bảy ta sẽ mở tiệc ăn tết khai hạ”.

Đi trong cánh Trung quân do nhà vua trực tiếp thống lĩnh xuất trận; Đồn Ngọc Hồi vừa hạ xong, đoàn quân Tây Sơn thừa thắng tiến thẳng vào giải phóng Thăng Long. Tử Văn ngước trông lên đỉnh kỳ đài, lá cờ mặt trời vàng trên nền đỏ thắm tung bay phất phới trong gió. Vậy là thời gian xung trận thần tốc đánh tan giặc xâm lăng sớm hơn kỳ hẹn nhà vua nói trước ba quân đến hai ngày. Nhìn chiến bào nhà vua thuốc súng nhuộm đen, cả Tử Văn áo trận cũng khói lửa loang lổ sém cháy. Tất cả vua tôi đi giữa tiếng hò reo tưng bừng của dân chúng cùng ba quân tướng sĩ vang dội cả kinh thành. Giữa khoảnh khắc mà hào khí chiến thắng giặc xâm lăng như một thứ men say làm ngây ngất vạn tâm hồn, Tử Văn rút thanh kiếm gỗ đào đeo trên lưng ra múa theo nhịp bước của đoàn quân. Lạ lùng sao, màu gỗ hồng đào trăm năm bỗng ánh lên ửng hồng thành muôn ánh hào quang. Bất giác từ thanh kiếm gỗ lướt trong gió bay phát ra vô vàn âm thanh như tiếng reo vui thanh bình. Nghe thanh kiếm gỗ phát ra âm thanh ngân dài êm ái trong gió, Tử Văn ngộ ra một ẩn lực diệu kỳ huyền nhiệm, đó là những thanh âm báo hiệu cho hòa bình. Giữa phút giây niềm xao xuyến tràn dâng ấy, Tử Văn nhìn về phía dân chúng cố gắng tìm cho ra hình ảnh của cụ Khán Thủ và của nàng thiếu nữ xinh đẹp như tiên trao kiếm cho Tử Văn trên cánh rừng hoa đào. Thế nhưng giữa muôn lớp người như sóng dâng trào lên thế kia, làm sao Tử Văn tìm cho thấy được. Nhưng mà thôi, binh lửa đã yên rồi, Tử Văn sẽ về lại núi Quèn như đã nguyện với lòng mình. Nơi những cánh rừng đào phai ấy là căn nhà vĩnh cửu cho Tử Văn khuya sớm gieo những giấc mơ cùng phong hoa tuyết nguyệt.  

N.N.T  
(TCSH360/02-2019)




 

 

Các bài mới
Bóng khuyết (21/03/2019)
Đường về (15/03/2019)
Các bài đã đăng
Phố bình yên (15/02/2019)