Tạp chí Sông Hương - Số 361 (T.03-19)
Những bài thơ Tú nói
09:16 | 03/04/2019

ĐỖ QUYÊN

(Thử một cách đọc bản thảo thơ: Trường hợp Những mùa hoa anh nói (*) của Trương Anh Tú)

Những bài thơ Tú nói
Ảnh: internet

“Chất thơ, đó là những gì không thuận lý được thể hiện bằng những lời thuận lý.”
                        V. Nabokov (1899 - 1977) *

“Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại.”

                        Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987)


I. Cùng bạn đọc

Xin gọi là “thử”, vì người viết như chưa thấy loại bài nào với cách làm tương tự. Chứ ở đây những gì chạy tới bàn tay, ánh mắt quý bạn đọc, đều là “thật”. Những gì không thật không thành thơ đã đành, mà cũng không thành những gì về thơ.

Với người viết cùng một số bạn thơ thân thiết của những bản thảo thơ quý mến, cách này vốn đã quen. May sao tới lúc có được tập thơ mến là Những mùa hoa anh nói của bạn thơ thân là Trương Anh Tú, chúng tôi muốn trình làng một lối bình - luận bản thảo thơ với tất cả những gì hay dở phải quấy mang trên mình nó.

II. Tên tập thơ

Có cái lệ cho các nhà biên tập và những ai là bạn thơ: ngay cả với những người đọc lười nhất, ít ý kiến nhất thì nhan đề sách luôn là điều dễ bình bàn nhất, dễ nảy sinh các đề tài thú vị, có ích nhất.

Ngay lúc mở bản thảo tập thơ, lần đầu tiên khi nó còn mang tên khác, lướt Mục lục, mắt tôi đậu luôn ở “Những mùa hoa anh nói”! Thắc mắc, mò xuống tìm bài đọc cho tới khi “thủng văn bản”. Ngẩn ngơ… Đến ngày tác giả quyết định đổi tên tập thơ thành Những mùa hoa anh nói, tôi mường tượng: riêng nhan đề đã đủ lưu danh trong làng thơ Việt đang tràn ngập (đến mức khủng hoảng) sách thơ.

Tôi khoái nhất tên bài thơ, tên tập thơ vì 3 lý do: 1. Mang vẻ thơ ngây, tự nhiên từ câu nói của phái nữ trong đối thoại bình thường, khiến nhớ một điểm quan trọng trong lý luận khi phân biệt thơ điệu nói với thơ điệu kể, điệu ngâm (được xem là thay đổi lớn lao của thơ Việt từ sau thời Thơ mới(1); 2. Toát ra chân dung thơ của tác giả; 3. Từ đây, trong các loài hoa trên đời hay trong làng thơ, thêm một loài hoa, tên là Hoa anh nói: hoa Anh-nói, kiểu như hoa Forget-me-not (Đừng quên tôi/em/anh).

Hình như trên thế giới chưa có giải thưởng cho tên sách hay nhất trong năm của một cộng đồng văn học - văn hóa nào đó? Vậy Việt Nam ta làm lẹ đi! Và nếu kịp năm 2018 thì Những mùa hoa anh nói ắt sẽ đoạt giải. Trong chữ nghĩa, chỉ với sáng tạo kiểu như Hoa-anh-nói, lắm khi đủ định danh tác giả.

III. Về nghệ thuật thơ

Thi pháp: Với tập thơ thứ hai, tác giả đã khẳng định thơ mình cuốn hút trước nhất ở hồn thơ hơn là ngôn ngữ, cách viết, tư tưởng… Cũng có thể xem như một kiểu “thi pháp tình cảm”. Về nghệ thuật sáng tạo văn chương, “thi pháp” này chưa thành… thi pháp. Song, riêng với bộ môn thơ, ở nhiều trường hợp, tâm hồn, tình cảm thắng kỹ thuật, kỹ xảo. Những mùa hoa anh nói là vậy! Nên xem là may mắn lớn, là của quý cho công việc làm thơ đâu phải tác giả nào cũng có được.

Nếu như hồn thơ gồm 2 yếu tố chính là lòng đam mê và chất thơ thì ở Trương Anh Tú, cũng như hầu hết các nhà thơ tương tự, cái đầu trội hơn nhiều cái sau. Ở các thi nhân nổi danh về hồn thơ, cái chất thơ của họ hiển lộ qua mỗi chi tiết mà người đời bảo là tài hoa. “Anh hoa phát tiết ra ngoài”.

Phong cách: Trương Anh Tú đeo đuổi tương đối trung thành dòng thơ trữ tình với lối diễn tả trực diện. Đó cũng là phong cách đại trà của thơ Việt Nam từ Thơ mới đến nay. Chất triết lý suy tư kiểu Âu - Tây hay triết lý tự sự kiểu Bắc Mỹ ở anh thi thoảng, song báo hiệu một nhánh thơ khác khả dĩ mà dường như chính tác giả không biết, hoặc biết cũng không ham.

Đề tài: Mẹ thiên nhiên (trời, đất) là bệ đỡ cho tình đôi lứa, gia đình, mẫu tử, đất nước và Tổ quốc. Đặc biệt, khá khác so với dòng thơ có bàn viết nằm ngoài hình chữ S: thơ Trương Anh Tú viết về quê hương hoài tưởng mà không mặc cảm.

Nếu coi đề tài là hộ chiếu để biết lý lịch văn học của tác giả (trong-ngoài nước, khuynh hướng nghệ thuật, chính kiến, xuất xứ…) thì bạn đọc đang tới với một cây bút hy hữu ở nước ngoài vượt thắng được hộ-chiếu-đề-tài. Chưa biết nhân thân tác giả, người đọc khó đoán anh đang sinh sống ở đâu, làm gì trên cái làng toàn cầu hôm nay. Ngay cả với các bài đầu ở phần Ngẫu hứng sông Hồng viết về tâm trạng xa xứ thiếu quê chung chung, khó có thể tin đây là một cây viết Việt Kiều khi mà toàn tập thơ không thấy một câu, bài về văn hóa - con người - đất nước ở các quốc gia từng qua thời trai trẻ cho tới giờ chừng gần 30 năm.

Chưa kể trong tư cách một nhạc sĩ(2) nhà thơ của chúng ta “dấn thơ” không mạnh vào nhiều sự kiện nóng bỏng của nước nhà, song vẫn phải xem anh là một tác giả lãng mạn của hiện thực. Hiện thực không hẳn là cái đinh, cái bậc cho thơ anh níu vào, trèo lên. Mà là cái nền, cái tường cho chính anh trèo lên, níu vào; để làm thơ. Cũng thấy một số sự kiện ở Việt Nam đã tham dự cụ thể trong thơ anh như lụt lội, các giải thưởng thể thao…

Về nhân vật trữ tình, như ở bao nhà thơ làm con khác trên đời, người mẹ là chủ đề sâu nặng của tác giả; các bài này đều xúc động, khá trở lên.

Giọng điệu: Ca ngợi - lãng mạn là âm hưởng chính. Cây bút này thích “hát”, lại còn mê “xanh”. Chúng tôi đếm được khoảng 90 từ “xanh” và 30 từ “hát” trong suốt tập thơ 90 bài. Tính trung bình, bài nào cũng có 1 lần “xanh”! Sự bi quan hầu như thiếu vắng; nếu phải có như là đối tượng thì bị phủ sóng bởi cái hùng, cái đẹp, cái chân. Có 2 - 3 bài nói về cái bi rất đạt.

Monotone/đơn điệu là âm hưởng chủ đạo của tác giả. Đây là ưu hay nhược điểm, tùy bài thơ cụ thể. Mù về nhạc, chúng tôi đoán mò, có thể rất nhiều bài trong tập thơ dễ phổ nhạc? Nói thêm, monotone/đơn điệu thông thường bị cho là nhược điểm(3). Có loại thơ nào đơn “điệu” bằng dòng thơ Nguyễn Bính (từng bị không ít người cùng thời và hậu thế chê) ấy thế mà cao ngất, sâu thẳm trong lòng người Việt gần tám thập niên nay?

Hình thức thể loại: Tập thơ tuân thủ các thể loại truyền thống (lục bát, vần điệu...) với nỗ lực và không ít thành quả về lục bát; trong khi đa số các bài tự do cũng khá ở hình thức thể loại. Về dung lượng, tỷ lệ bài thành công là cao ở các bài ngắn, nghiêng về triết luận.

Nếu theo định nghĩa “Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các nguyên lý: lạ hóa, có tính nhạc và sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật nhằm truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới mẻ trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo” (4) thì thơ Trương Anh Tú làm khá tốt 2 nguyên lý lạ hóa và có tính nhạc. Hơn thế, lạ hóa một cách tự nhiên; tính nhạc theo kiểu vần điệu chuẩn và lặp lại hình ảnh, câu chữ.

Cấu trúc: Tác giả tuyệt đối trung thành theo hình thức diễn ngôn chân phương nhất: tuyến tính theo thời gian và không gian; trong mỗi bài thơ cũng như ở từng đoạn, câu...

Ngôn ngữ: Câu chữ và cú pháp giản dị, hồn nhiên; không phá cách. Tiếng Việt chuẩn. Tác giả Những mùa hoa anh nói không có “con chữ” riêng một cách nhân tạo, mà lại có vài “con chữ” trời cho. (Tên sách là một. Và đôi ba trường hợp khác, sẽ nêu dưới đây). Chúng dự phần tạo dấu ấn như một tay thơ có ít nhiều kinh nghiệm.

IV. Vấn đề tác giả “tự biên tập”

“Tự biên tập” (5) là phẩm chất cần có ở mỗi người viết. Ai đó từng nói, trong mỗi văn thi sĩ có một ông lão phê bình gia ẩn náu. Nhưng biết mình hay dở là một chuyện, tự cắt mổ sáng tác của mình lại là chuyện khác.

Tác giả - tôi phải công nhận với sự cân nhắc - là một cao thủ về khả năng tự biên tập. Không kể việc tái cấu trúc tập thơ mà giữa hai chúng tôi chưa cùng cách nhìn, tất cả những bài thơ được Trương Anh Tú sửa chữa đều là “địch thủ” của các bài cũ. Đâu phải nhiều tác giả làm được?

V. “Bài hay xen lẫn với bài vừa”

Lần theo từng bài từng bài trong Những mùa hoa anh nói, chúng tôi sẽ bình bàn các bài, thiển nghĩ, đáng quan tâm(6). Sẽ chỉ điểm kỹ các “bài hay”, rất hay. Riêng với những bài thơ thiếu nhi, tạm chưa bàn tại đây, dù là sở trường của tác giả.

Và chúng tôi cả nghĩ, nếu các tác phẩm văn nghệ cho một nền giáo dục cần 4 tiêu chí (thứ tự tùy theo mỗi quốc gia) - đó là tính giáo dục, chất nghệ thuật, độ nhân bản, tầm dân tộc - thì một số bài hay của tập thơ đã như nhiều bài trong sách giáo khoa hiện nay ở Việt Nam. Đó là các bài Những mùa hoa anh nói, Thơ trong lễ hội hóa trang, Đôi mắt.

1 BÀI THƠ RẤT HAY

CẢM XÚC

Tứ thơ cực lạ lẫm, thân thương. Cái Tây hòa tan vào cái ta. Xứng danh một bài thơ hay và lạ của thơ Việt đương đại!

Một thi ảnh mang chất hiện sinh rõ rệt được lạc giữa tập thơ - một rừng hiện thực, lãng mạn thuần túy. Sự xa lạ tạo “rùng mình” (“Không mang theo da thịt”) điềm nhiên sánh bước cùng cái gần gũi nên thơ (Cánh đồng thơm con gái/ Những chồi non thơ dại”).

Không mang theo da thịt” là câu cách tân nhất về thi pháp, ở ngôn ngữ cũng như trong lối viết, mà với thơ Trương Anh Tú không phải là mục tiêu hoặc phương tiện. Cách tân một cách vô tư?

“Rằng hay thì thật là”… rất hay. Riêng tôi cứ lăn tăn: Câu phá cách “Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt” vẻ như làm lồi ra - về hình thức - sự cách tân rất mỹ mãn về nội dung và tư tưởng. Khi tôi đề nghị thay câu trên bằng câu đúng vần điệu và thể thơ, ví dụ: “Ngôn ngữ không da thịt” để toàn bài vừa giản dị vừa siêu nhiên, tác giả cho biết: “Đó là câu thơ được viết như vô thức, rất lạ. Không thể thay thế!”

Vâng, vô thức vì cả tác giả và có thể không ít người đọc bị cuốn vào nhịp thơ nên cho qua, cứ ngỡ vẫn câu thơ 5 chữ! Đúng, vần điệu và niêm luật không quan trọng nữa khi đôi cánh thi ca bay vào không gian của nghệ thuật, đời thường, cái đẹp.

Chưa biết vốn sống thôn quê, kinh nghiệm nghề nông ở bạn tôi ra sao, chỉ biết trước khi ra nước ngoài, anh là chàng trai có dòng họ sinh sống rất nhiều đời tại các làng hoa sát Hồ Tây nội thành Hà Nội. Để có thể tạo được một thi phẩm chân quê và hiện đại dường ấy. Với bài Cảm xúc, ta chớ ngại ngần khi nói, hình tượng lúa con gái tự ngàn năm của nhà nông Việt Nam thêm một trổ bông!

8 BÀI THƠ HAY

THƠ TRONG LỄ HỘI HÓA TRANG

Bài thơ hay, và về mẹ. Đang trong kịch bản hài, chuyển phắt sang khung trời buồn. Khiến độc giả “cười” qua “nước mắt”. Chỉ với 36 từ, kể cả tên bài, 8 hàng thơ vần điệu, tác giả tới được hàng loạt tiêu chí chính của nhiều quan niệm về thơ hay: hàm súc; chân thật, dễ hiểu/nhớ, cảm động, bất ngờ; nhân bản... Nhưng - chữ Nhưng quái ác! - câu chữ hơi tự nhiên, lối thơ dùng điệu nói bị đẩy quá, nếu không sẽ thành bài thơ rất hay.

ĐÔI MẮT

Giản dị, sâu xa. Nhịp điệu chuẩn. Mới mẻ về hình tượng. Tính giáo dục, rõ ràng mà không khiên cưỡng. Chất nhân bản, minh bạch lại vẫn tự nhiên.

NHỮNG MÙA HOA ANH NÓI

Thơ tự sự, câu chuyện và đối thoại. Lãng mạn kiểu “ngày xưa Hoàng thị”. Ý nghĩa giáo dục rành mạch. (“Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng, anh ơi!”). Tính tư tưởng nhân văn chân phương; nhịp thơ, vần điệu, hình ảnh - tất cả thuộc về truyền thống. Bài thơ hay vì có mắt thơ, là câu thơ “xuất thần” được chọn làm tên bài, tên tập thơ: Những mùa hoa anh nói. Thơ, hệt như mỹ nhân, lạ vậy. Chỉ một nốt son đúng chỗ có thể tôn chủ nhân lên bội phần.

CON ĐƯỜNG MÀU XANH

Các chữ “con đường màu xanh” không mới nhưng đi với nhau ở đây thành cái mới, bên cạnh các câu chữ kinh điển. Toàn bài chỉ là một cặp câu lục bát: “Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể... con đường màu xanh.”. Nhãn tự là chữ “xanh” ở cuối bài, bất ngờ mà không cố ý.

THƠ TẶNG BẠN SINH NHẬT

Toàn bài: “Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ/ Hay bao nhiêu năm cười.” Là kẻ có trí nhớ cá vàng, tôi vẫn thuộc ngay sau lần coi lướt.

Từ “cười” đủ 4 tiêu chuẩn của từ khóa trong một đoản thi: Tạo tứ; Không thể thay thế; Gọn; Bất ngờ (ở cuối bài/câu). Một sáng tác có diễn ngôn đặc trưng cho tác giả và vượt lên sáo, nhạt thường khó tránh ở nhiều bài khác trong tập. Việc chuyển gam thành công và nhanh lẹ từ cái bi sang cái hài - cặp đối lập quan trọng nhất của hệ thống mỹ học - khiến bài thơ tránh được trò đàm tiếu, thú thù tạc của hệ thơ “tặng bạn sinh nhật” mà nhân gian đã ngán trên thi đàn cổ kim. Sau ba cái “Bao nhiêu” vô thưởng vô phạt, dấm dứ người đọc, nhà thơ “thoi” trúng tim hồng nơi chúng ta bằng quả thôi sơn ở câu thứ 4 - câu chót, với cú xoắn vặn của nắm đấm thi ca ở từ chót: “cười”. Và, sẽ thật là đơn điệu về nhịp nếu như câu 4 lại là, tỷ như, “Bao nhiêu năm cả cười.” Từ “Hay” quả là hay! Vừa là nghi vấn, vừa là tương đương. Phụ trợ tốt cho từ khóa “cười”.

Người bình vô tình lãnh cú thôi sơn, ngay lần coi nhanh đầu tiên trong khi xếp tệp bản thảo vào kho. Cùng với tên bài Những mùa hoa anh nói, đấy là một trong các lý do hối thúc bài đi cùng tập thơ.

NGỦ ĐI TRÁI TIM ƠI

Thơ hậu thế về Phùng Cung thường bi quan. Bài nào bài nấy sao cứ tấm ta tấm tức ấm a ấm ức. Cũng phải thôi. Ở đây tác giả làm theo âm điệu lạc quan; vẫn thấy cái đau cái đời của sự kiện, của nhân vật. Tên bài - xưa hơn trái đất - lại mới cho nội dung này. Tác giả an ủi chính mình, chứ không nói với nhân vật trữ tình, với đối tượng thơ. Thơ tự do mà tuôn chảy.

NHÀ THƠ

Phong cách khác so với đa số bài trong tập. Tứ mới, sốc nhưng không phản cảm. Thơ tự do, nhịp như tango. Hình ảnh không mới, tư tưởng cũng vậy. Diễn ngôn mới, mạnh. Ảnh hưởng Chế Lan Viên? Nói về cái ác một cách ác liệt, bài thơ vẫn có hậu.

NHỚ HOÀNG CẦM

Một bông hồng nhỏ cho thơ Hoàng Cầm. Một lần khóc thành tiếng cho đời Hoàng Cầm. Chữ nghĩa, thi ảnh hoàn toàn cũ, vẫn thơm lành. Bốn câu đầu rõ ràng liên văn bản, nhưng toàn bài của riêng tác giả. “Khóc òa thi nhân.”. Từ “òa” như một tiếng reo, vang trong chuỗi khóc đã được giải tỏa, chiêu tuyết. Cầu Trời cho tất cả các văn nghệ sĩ Việt Nam, quá cố hay hiện sống từng một đời đi “tìm lá diêu bông” của mình trong khi “mang bóng… quê nhà” để rồi phải “hóa hạt mưa sa”, “trắng cùng tóc mẹ”, ai ai cũng đến ngày có được tiếng reo trong tiếng khóc như thế từ đồng nghiệp và độc giả!

CÁC BÀI THƠ “SINH SỰ SỰ SINH”

Đó là các “bài vừa” (khá, trung bình, thậm chí chưa đạt) có những- điểm-G, nơi tạo sinh những vấn đề thú vị không dễ cùng một đánh giá của thơ Trương Anh Tú cũng như của thơ ca. Người viết đã trao đổi cụ thể với từng bài trong phiên bản đầy đủ công bố trên các trang mạng. Dưới đây nêu thí dụ qua 2 bài.

ĐỊNH LÝ

Một thi phẩm xinh xẻo, thú vị! Hồn nhiên như thi ca và sang trọng như toán học. Chưa là bài thơ hay, vẫn có cái hay ở nhiều lẽ. Về nghệ thuật, nó vượt lên loại thơ học trò, kiểu “thơ tình toán học” thời thế kỷ trước.

Thử xét về mặt chuyên môn… Trong toán học, chỉ có tiên đề mới được coi là luôn đúng mà không thể và không cần chứng minh. Định lý là loại mệnh đề đã được hoặc cần được chứng minh. (Nếu không thì hết ngày dài rồi lại đêm thâu, thế hệ này qua thời kỳ khác, các nhà toán học chẳng biết làm gì hơn là tìm mọi cách chứng minh định lý). Tán thêm: còn bổ đề càng là thứ đã được chứng minh hoặc chắc chắn sẽ được chứng minh. (Nếu không thì người Việt ta chẳng còn cơ may nào khác để thể hiện mình qua đại diện ưu tú là Giáo sư Ngô Bảo Châu giữa cộng đồng toán học quốc tế).

Logic của bài thơ ở 2 tầng: Mới gặp chàng thấy nàng “xinh như một định lý”, rồi sau nhiều tìm hiểu cho đến lúc chinh phục, chàng thấy sự “xinh” đã tăng từ cấp “định lý” đến cấp… tiên đề! Ấy là logic toán học. Còn logic tình cảm, túm lại, chàng thấy nàng lúc nào cũng xinh, bất kể thuận lợi (“hoa nở”) hay khó khăn (“ẩn số”) chàng cũng yêu nàng. Khỏi cần “chứng minh”. Đó là một định nghĩa của tình yêu mà không ai nỡ phản đối.

Và người thơ của chúng ta đã “chứng minh” được định nghĩa trên. Bằng bài thơ Định lý: “Em xinh như một định lý/ Như hoa nở giữa đất trời/ Mặc đời bao nhiêu ẩn số/ Em xinh không cần chứng minh!”

LÁ ĐỎ VÌ XANH


Toàn bài: “Đêm bạc tóc/ Lặng im cõi vắng/ Lá trở mình/ Lá đỏ vì xanh.”

Lạ ở ý và hình. Tư duy sâu. Ngặt bởi chưa chín cảm xúc chăng? Như một phác thảo đẹp, chuẩn. Tiện, lạm bàn chuyện chung: Khác hẳn ở văn xuôi, kịch, việc phác thảo và bản thảo trong thơ là điều hiếm được giới sáng tác “nhất trí cao”. Người coi như máu thịt của bản cuối cùng, như công đoạn không thể thiếu trong tiền sáng tác (Chế Lan Viên); người xem là chuyện nhỏ hoặc chỉ phác thảo trong đầu, thậm chí trong mơ (Hoàng Cầm). Chúng tôi xin được ở giữa hai thi bá. Nhất là với thơ dài, trường ca hoặc thơ theo một thi hứng mạnh, dài (trong chuyến đi xa; phục vụ chiến trường; hay… thất tình!)

VI. Vị trí của tập thơ

So với thơ của tác giả: Là bước chuyển mạnh, quyết định đời thơ chuyên nghiệp; chúng tôi tin rằng Những mùa hoa anh nói sẽ là “hộ chiếu” cho tác giả chính thức đi vào làng thơ Việt đương đại.

So với mặt bằng thi ca Việt Nam hiện nay, với chừng mươi bài hay và rất hay, Trương Anh Tú đang thể hiện một hồn thơ bên nguồn nội lực để có thể đi hết đời cùng thơ. Dẫu ít và tản mát, các bài thơ ấy báo hiệu tiềm năng cho một phong cách riêng trong thơ ca đương đại Việt. Đó là dấu son mà có lẽ chính tác giả lại lơ là chăm chút. Điều ta có thể lo (có khi là lo xa) và hơi tiếc (có thể là hơi sớm): Với nhiều bài thường thường bậc trung, lặp lại mình, thi sĩ tự cho phép dễ dàng với bản thân, với dư luận, với Nàng thơ.  

Khó ở chỗ, dù chưa tạo chỗ đứng khác biệt giữa thi đàn Việt hiện nay, thơ Trương Anh Tú có thể được xem đã ổn định về đường hướng cũng như lối viết và thành quả ít nhiều, nếu chưa nói là đang khá thuận lợi trong dư luận. Nếu không mạnh dạn chịu thử thách với chính mình thì tác giả không dễ tách ra phong cách đồng ca/đại trà để tới ngày nào đó đảm nhiệm một giọng lĩnh xướng, dẫu chỉ với một trường khúc nhất định. Âu cũng là nan đề của đại đa số nhà thơ chúng ta lâu nay, trong cũng như ngoài nước. Mà thơ toàn thế giới cũng vậy. Cổ kim… Thế mới là thơ, là làm thơ.

Để ghi được dấu ấn một nhà thơ trong thi ca Việt đương đại, tác giả Những mùa hoa anh nói trong tương lai, hãy biến các bài thơ hay của anh nếu chưa được phủ sóng bởi thi pháp thì cũng phải bằng phong cách riêng!

Vancouver, tháng 8 & 12/2018
Đ.Q  
(TCSH361/03-2019)

-----------
(*) Những mùa hoa anh nói - Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

(1) Trần Đình Sử: “Nguyễn Bính - nhà thơ điệu nói trong phong trào thơ mới lãng mạn 1932 - 1945”, lythuyetvanhoc.wordpress.com, 20/8/2018.
(2) Dù mới sáng tác trong vài năm qua, khi xảy ra vụ Giàn khoan 981 tại biển Đông của Việt Nam,  Trương Anh Tú đã là tác giả ca khúc “Trái tim Việt Nam” được dư luận và truyền thông trong - ngoài nước đánh giá cao.
(3) Có thể do lỗi thường gặp trong đời sống vô thường của ngôn ngữ, nhiều chữ bị tha hóa so với  nghĩa nguyên thủy.
(4) Phạm Quốc Ca; “Thơ là gì?”, trong Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000, Nxb. Hội Nhà văn,  Hà Nội 2003; tacphammoi.net, 13/4/2016.
(5) Tự biên tập được xem như khả năng tự sửa chữa, tu chỉnh, thay đổi, tái sáng tác... toàn bộ bản  thảo tác phẩm của mình mà không bị đòi hỏi nào ngoài vấn đề nghệ thuật.
(6) Như không ít các tập thơ do tác giả tự chọn, Những mùa hoa anh nói cũng cần “quên đau đớn”  tinh lọc nhiều bài trùng về phong cách và đề tài để giảm độ đơn điệu trên toàn tập.  




 

 

Các bài mới
Chị tôi (22/04/2019)
Các bài đã đăng
Bến vắng (03/04/2019)