Tạp chí Sông Hương - Số 46 (T.4-1991)
Triển lãm Hoàng Đăng Nhuận - Paris, tháng 6 -1990.
09:42 | 08/04/2019

CAO HUY THUẦN

Tôi biết Hoàng Đăng Nhuận hồi 1987- 1988, khi mới bắt đầu nảy ra ý định triển lãm tranh của họa sĩ ở Huế tại Paris.

Triển lãm Hoàng Đăng Nhuận - Paris, tháng 6 -1990.
HS Hoàng Đăng Nhuận - Ảnh: Võ Quang Yến - nguồn: gactholoc

Tôi xem những tấm hình chụp tranh của Hoàng Đăng Nhuận đang triển lãm tại Hà Nội khoảng thời gian đó, và bất ngờ thấy dáng dấp của một tài hoa. Tôi đem những tấm hình này hỏi ý kiến vài người có thẩm quyền hơn tôi về hội họa, và thấy ý kiến của họ không khác với trực giác của tôi bao nhiêu. Từ đó, trong đầu tôi có cái tên Hoàng Đăng Nhuận.

Bút tích của GS Cao Huy Thuần


Vô tình một câu nói của Nhuận khiến tôi để ý đến họa sĩ này hơn. Nhuận nói: chỉ cốt tranh của tôi được triển lãm tại Paris là tôi vui rồi, còn tôi thì sẵn sàng nhường cho người khác đi... Một sự nhường nhịn khiêm tốn, thật thà làm tôi quý người hơn quý cả tranh. Một câu nói mà tôi nghe người khác kể lại, một câu nói đáng lẽ gió đã làm bay đi trước khi đến tai tôi, ấy thế mà chính câu nói thật thà đó đã làm cho tôi nghĩ rằng Hoàng Đăng Nhuận phải qua Paris.

Tháng tư năm ngoái, nghỉ mát với anh Võ Bạt Tụy ở bờ biển, tôi nói với anh Tụy tất cả những chuyện cỏn con đó trong đầu tôi. Từ phút đó, anh Tụy bắt tay quán xuyến mọi chuyện từ lớn đến nhỏ, bắt đầu bằng chuyến bay về Huế gặp Nhuận, gặp anh em nghệ sĩ, và gặp chính quyền để đặt vấn đề tổ chức triển lãm Hoàng Đăng Nhuận tại Paris. Khi thời tiết tốt, mưa nắng điều hòa, vãi ra một hạt thóc, ngũ dậy chưa kịp mở mắt hoa màu đã trổ bông. Chính quyền Huế hân hoan. Chúng tôi làm việc trong khung khổ hạn hẹp của Huế nên chưa dám nghĩ đến việc mời các họa sĩ nổi danh nơi các thành phố khác. Đối với Huế, chúng tôi hy vọng rằng anh em nghệ sĩ không chỉ trích sự chọn lựa của chúng tôi.

Thành phố Huế đồng ý, anh em nghệ sĩ đều biết tin, chị Kim Ba yên tâm chăm chút, lo lắng vận động với UNESCO, trong nhiều tuần, trong nhiều tháng, và thế là một họa sĩ của Huế được chính thức nhận triển lãm tại UNESCO. Chỉ còn lo một vé máy bay với CCFD, và đó là trách nhiệm của anh Võ Quang Yến.

Hoàng Đăng Nhuận qua Paris, không phải tính cách cá nhân, mà là một đại diện của sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ở Huế. Nếu Hoàng Đăng Nhuận thất bại, chúng tôi sẽ có lỗi đối với Huế. Đó là lý do khiến chúng tôi lo ngại cho đến ngày khánh thành triển lãm.

Nhuận thành công! Và thành công vượt qua mọi sự chờ đợi của chúng tôi! Ngay từ khi treo tranh cho bạn bè ngắm thử trước khi đưa tranh lên UNESCO, hơn mười bức đã từ giã quyền sở hữu của họa sĩ. Tại UNESCO, ngay trong buổi khánh thành, tôi chưa kịp trò chuyện với khách tứ phương, ngoảnh đi ngoảnh lại, những bức mà tôi thấy thích thú trong lòng đã lọt vào mắt xanh của người ngoại quốc. Trong buổi khánh thành triển lãm tại Nhà Việt Nam sau đó, tôi vừa bước vào phòng tranh đã gặp ngay một chị bạn thân nhờ cố vấn để lựa chọn giữa hai bức tranh mà chị đều thích... và phải chọn nhanh kẻo mất luôn cả hai bức! Mỗi một bức tranh bay đi, tôi xem như một cánh bồ câu mang một tin vui về Huế. Lạ thật, tôi thấy vui cho Nhuận thì ít, mà thấy vui cho Huế thì nhiều.
 

"Phố" - tranh sơn dầu của Hoàng Đăng Nhuận

Không hẹn mà cả hai bức tranh được chọn để in làm quảng cáo cho hai buổi triển lãm đều là tranh vẽ phố. Một người bạn sành tranh khi xem áp-phích tỏ vẻ e ngại với tôi: chết mất, sau Bùi Xuân Phái, ai còn dám vẽ phố nữa! Đến xem tranh, anh bạn nhẹ lòng: phố của Nhuận toát ra một vẻ lạ. Phố của Nhuận mang một nỗi buồn rất nhẹ mà rất sâu của những con đường dốc chênh vênh, những mái ngói uốn cong như đang gánh thời gian, những khung cửa sổ mở thao láo đôi mắt như đang tìm tiền kiếp của mình trong một quá khứ xa xăm. Phố của Nhuận kín như một tâm sự không nói, vắng teo như một ngôi trường đóng cửa nghỉ hè. Như một bụi xương rồng giữa bãi sa mạc, phố của Nhuận trơ trụi, bơ vơ: tất cả sự sống dồn cả vào một chiếc xe đạp, có một người chở một người, như hai hồn ma đi dạo giữa hoang vắng, hoặc dồn cả vào một chiếc xe bò đứng chờ một linh hồn nào đó không biết để chở đi đâu. Sự sống mong manh và hồ-ly đó cũng hiện ra nơi một hai chấm sáng qua một hai cửa sổ giữa một cõi trống trơn: phía bên kia của những bức vách cô liêu, may quá, ấm lên một hạnh phúc bất ngờ. Tôi rất ngạc nhiên khi so sánh con người của Nhuận và tranh của họa sĩ. Con người bình dị, vui vẻ, chân thật; tranh rất buồn, rất cô đơn.

Kể cả tranh thiếu nữ! Người đẹp trong tranh xây lưng với người vẽ, không phải để khoe tấm lưng thon hay mái tóc kẹp, mà như là ngoảnh mặt làm thinh. Với một bức tranh khác, người thiếu nữ lạnh lùng xây mặt nhìn ra cửa sổ, hờ hững với một bó hoa nằm buồn trên ghế, như không muốn nhận lời tỏ tình của một kẻ si mê.

Đối với thời gian, Hoàng Đăng Nhuận cũng là họa sĩ của lưng bởi vì Nhuận say mê vẽ quá khứ. Có thể không khí cổ kính của Huế đã ảnh hưởng đậm đà trên tâm hồn Nhuận. Nhưng cũng có thể con người cô đơn của Nhuận chỉ có thể gặp tri kỷ nơi những bóng dáng phai tàn của lịch sử. Phố Hội An, với những mái nhà cong như thân hình vũ nữ, như đang nằm kể một câu chuyện câm cho những thuyền buôn tưởng tượng của thế kỷ 16. Thành cổ Quảng Trị khom lưng đứng dựa vào một bóng mây chiều, nghe từng viên gạch mệt rã rời thở dài trong tiếng vi vu của một bãi lau mà mỗi ngọn lá sắc như kiếm lấp loáng màu ánh sáng bạc của mây. Ngay cả hai con ngựa ăn cỏ, ngựa cũng có dáng dấp như ngựa của thời Nguyễn Hoàng mới vào Ái Tử, bởi vì đằng sau của bờm và đuôi ngựa thấp thoáng gạch ngói của thành xưa. Và nếu đã không phải là ngựa, nếu đó là hàng rào kẻm gai, thì đó cũng là hàng rào kẻm gai bỏ hoang trước một bức thành hoang. Hoàng Đăng Nhuận là tri kỷ của phế tích.

Bước vào phòng triển lãm ở UNESCO, người thưởng thức ngợp trong màu tím. Cả một loạt tranh của Nhuận được vẽ bằng màu tím. Ảnh hưởng của Huế? Màu của thời gian? Màu của hoàng hôn? Màu của bâng khuâng? Có thể là tất cả, và tất cả đã gợi lên một không khí rất Huế, một nỗi buồn man mác của Nam Ai, và màu tím đã khiến cho Nhuận thành công, bởi vì Nhuận đã tạo ra được một nét lạ nơi những hình dáng rất quen của quê hương.
 

"Tĩnh vật" - tranh sơn dầu của Hoàng Đăng Nhuận

Tôi phải nói ở đây một câu nói thừa: thành công của Nhuận cũng là thành công của anh Tụy, chị Kim Ba, và anh Yến. Bởi lẽ giản dị là nếu không có ba anh chị thì không thể có triển lãm Hoàng Đăng Nhuận ở Paris. Yêu Huế, yêu quê hương, đó là một cách tỏ tình của các anh chị. Trong dự định của chúng tôi, cứ mỗi năm, chúng tôi sẽ cố tạo điều kiện cho một họa sĩ Huế qua triển lãm ở UNESCO. Chúng tôi cũng nghĩ rằng hễ bất cứ có dịp nào thuận tiện là chúng tôi chụp ngay để các anh chị làm văn hóa, văn nghệ cũng có thể mang không khí văn hóa của Huế qua Paris. Nào ngờ một chút tình như vậy cũng mang lại bao nhiêu hệ lụy! Sang năm, sẽ vắng sắc màu của Huế! Trong số tranh của Nhuận mà bây giờ tôi không biết đã bay đi phương nào, tôi còn giữ lại đậm nhất hình ảnh hai bức tranh tuy đó không phải là hai bức tôi thích nhất. Bức thứ nhất là một cây xương rồng đứng trơ vơ giữa sóng nước mênh mông, hứng gió cay độc từ bốn phương dồn đến - nỗi niềm cô đơn muôn thuở của Hoàng Đăng Nhuận. Bức thứ hai là một tĩnh vật: một chiếc giường, một chiếc ghế, một bình hoa cạnh cửa sổ, và bên kia cửa sổ là một thoáng vườn xanh mát. Nhuận thích nhất bức tranh này mà Nhuận cho là tranh vẽ hạnh phúc, một hạnh phúc rất đơn sơ nhưng rất ấm cúng.

Việc gì phải làm cây xương rồng giữa gió táp với mưa sa, giữa một thế giới huênh hoang, khoác lác, cay độc? Tại sao không trở về với chiếc bàn con, với quyển sách, với tờ giấy, với khung cửa sổ mát màu xanh? Đây là năm thứ hai tôi không về Huế. Bạn bè có thương chiếc bàn con của tôi, xin hãy nhẹ nhàng đặt trên đó một phong thư.

Paris, tháng 7-1990
C.H.T
(TCSH46/04-1991)




 

 

Các bài mới
Trang thơ da đen (30/08/2019)
Sử thi buồn (21/08/2019)
Kẻ mồ côi (02/08/2019)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Võ Quê (26/03/2019)