Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-19)
NHÂN 150 NĂM NGÀY KHAI SINH HIỆU ẢNH CẢM HIẾU ĐƯỜNG
10:04 | 25/04/2019

Từ làng quê thuần phác đến tư tưởng vì dân, tư duy cải cách của danh nhân Đặng Huy Trứ

HẠ NGUYÊN

NHÂN 150 NĂM NGÀY KHAI SINH HIỆU ẢNH CẢM HIẾU ĐƯỜNG
Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Từ một làng quê thuần phác

Sự hình thành và phát triển nhân cách suy cho cùng, là do hai nhân tố quyết định: nhân tố bên ngoài - những yếu tố xã hội, tính quyết định xã hội và nhân tố bên trong - tính tích cực của chính cá nhân. Nhân tố xã hội cơ bản có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người.

Đặc điểm xứ sở Thuận Hóa, sách “Ô Châu cận lục”, soạn năm 1553, viết: “đàn ông khá cương cường, đàn bà hơi mềm mại”. Làng Thanh Lương, quê hương Đặng Huy Trứ thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế, xưa có tên Thanh Kệ, là một làng quê thuần phác nằm bên sông Bồ. Từ làng ông nhìn sang bên kia sông Bồ là làng Phước Yên, nguyên căn cứ Phủ Chúa Nguyễn được thành lập từ 1626. Sự tài bồi của  văn  hóa  kinh  kỳ  chúa  Nguyễn,  nơi trưng tập người tài cả nước trong  buổi đầu dựng xây vương triều, phát triển vùng đất  mới chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt,  nếp  nghĩ  của  cộng  đồng  dân  cư  các  làng  xã  xung  quanh.  Những  danh  thần  chúa  Nguyễn  như  Đào  Duy  Từ,  Nguyễn  Hữu  Tấn…  đều  còn  lưu  dấu  tích  một thời hoạt động sôi nổi. Dải đất ven sông Bồ về  sau cũng đã sản sinh nhiều danh nhân văn võ như  Hồ Quang Đại, Nguyễn Hữu Dật, Hồ Đăng Phong,...

Họ Đặng làng Thanh Lương là một thế gia vọng  tộc, nhiều đời nổi tiếng thi thư lễ nghĩa. Họ Đặng ở  Thanh Lương có gốc gác từ Hà Trung (Thanh Hóa),  họ Đặng Hà Trung xuất phát từ Đặng Tảo, con của  hiền sĩ Đặng Nghiêm thời Lý. Con cháu đời sau theo  chúa Nguyễn vào Phú Xuân. Đến đời Đặng Quang  Khang  (1716  -  1765)  theo  mẹ  đến  ở  xã  Dương  Xuân  (Hương  Trà).  Con  ông  là  Quang  Tuấn  (1752  - 1825) gặp lúc quân Trịnh đánh Phú Xuân (1774),  lánh ra làng Thanh Lương ở ẩn dạy học, nhập tịch ở  giáp Đông làng Bác Vọng. Thời Tây Sơn, con cái các  quan  viên  nhiều  người  đến  học,  trong  đó  có  danh  sĩ Phạm Văn Trị. Các đời họ Đặng tiếp nối dùng chữ  lót lần lượt theo hai câu thơ “Quang Văn Huy Hữu  Khánh, Hưng Mậu Như Thanh Xuân” và rất hiển đạt  với các nhân vật như Đặng Văn Hòa (1791 - 1856),  Đặng Văn Cát (1832 - 1899), Đặng Huy Trứ (1825  - 1874), Đặng Hữu Phổ (1854 - 1885)...

Làng  Thanh  Lương,  một  làng  quê  thuần  phác,  bao quanh bởi con sông Bồ và những lũy tre xanh  nhưng  lại  sinh  ra  và  nuôi  dưỡng  danh  nhân  Đặng  Huy Trứ - một con người đầy nhân cách sống, có tư  tưởng  tiến  bộ  và  đầy  nhiệt  huyết  hành  động  trên  nhiều lĩnh vực của đất nước thời phong kiến, tất cả  vì  dân;  là  cũng  bởi  ngôi  làng  đó,  vào  những  năm  tháng đầu đời của Đặng Huy Trứ, đã có những nền  tảng sinh hoạt xã hội tốt đẹp hun đúc cho việc hình  thành  nhân  cách:  Đó  là  truyền  thống  nhân  văn,  hòa ái, sống tối lửa tắt đèn có nhau của cộng đồng  làng  xã,  họ  tộc  nuôi  dưỡng  tâm  hồn  nhân  ái  cao  thượng; sự trong lành của không gian đồng ruộng,  núi non, phong cảnh hữu tình của cây đa bến nước  nuôi dưỡng tâm hồn thanh sạch. Đó là môi trường giáo dục gia đình qua nhiều đời dạy học; mái tranh nghèo là nơi ông nội và cha nối tiếp nhau ngồi dạy học, khiến ngôi nhà tỏa ra ánh sáng trí tuệ, nhân phẩm. Đó là nết cần cù, chịu thương chịu khó của người dân đã nuôi dưỡng ý chí vươn lên, lòng yêu thương nhân dân, ý hướng vì dân của ông…

Đến tư tưởng vì dân, hành động vì dân
 

Chân dung cụ Đặng Huy Trứ

Đặng Huy Trứ là cháu Đặng Quang Tuấn, con ông Đặng Văn Trọng, tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân và Tĩnh Trai, sinh ngày 19 tháng 3 Ất Dậu (18/5/1825). Thời thơ ấu nhờ thân phụ chăm nom giáo dục, đến tuổi thiếu niên được học với các thầy giỏi, sớm bộc lộ tư chất, được khen là thần đồng. Ông từng dự ân khoa hội Giáp Thìn 1844 song bị phạm trường quy, đến năm 1847 lại đi thi và đỗ cử nhân giải nguyên, từ đó dạy học. Từ 1855 ông bắt đầu ra làm quan với nhiều hoạt động phong phú: 1856 đi kiểm tra tàu thuyền; 1862 vào Nội Các chấm thi hội; 1864 vào Bố chánh Quảng Nam do nhân dân thỉnh cầu; 1865 sang Hương Cảng thám thính tình hình các nước phương Tây; 1866 xin lập Ty Bình chuẩn ở Hà Nội để lo việc buôn bán; 1867 đi Quảng Đông mua vật liệu nhiếp ảnh, máy móc đem về; 1869 mở tiệm ảnh Cảm Hiếu Đường ở Hà Nội; 1871 đánh dẹp biên giới... Cuộc đời làm quan, ông luôn để tâm lo cho dân cho nước, có nhiều sáng kiến được áp dụng như mở nghĩa trang, lập nghĩa thương. Ông cũng để lại nhiều tác phẩm như “Hoàng Trung thi văn sao”, “Tứ thập bát hiếu kỷ sự tân biên”, “Khang Hy canh chức đồ”, “Việt sử thánh huấn diễn nghĩa”, “Nữ giới diễn ca”, “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục”, “Từ thụ yếu quy”... Ông bị bệnh nặng mất ngày 7/8/1874. Đặng Huy Cát đưa thi hài về táng ở Hòn Thông, xã Hiền Sỹ (Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Như đã nói, ông được sống trong bối cảnh làng quê văn vật Thanh Lương, mới tuổi 15 ông đã đọc xong những bộ sách tối thiểu của Nho học nên hiểu sâu, rộng, ứng dụng được các thể văn; tất cả đã hun đúc trong ông từ nhỏ những ý hướng về nhân cách và hành động.

Lòng thương người bắt nguồn từ giáo dục, từ sinh hoạt cộng đồng, từ thực tế cuộc sống, thể hiện qua thơ văn. Ông thật sự là một nhà thơ xuất sắc, một học giả uyên thâm, một con người liêm trực đấu tranh đến cùng vì lẽ công bằng và hạnh phúc của đồng bào.

Người dân vùng Lựu Bảo (Huế) và sông Bồ quê hương ông vẫn truyền tụng câu chuyện tình đầy chất nhân văn giữa Đặng Huy Trứ và cô lái đò tên Bảo bên sông Lựu Bảo. Cuộc tình ấy, từ khi quen nhau đến khi nàng dâu được vào làm lễ ở từ đường là 10 năm, từ 1844 đến 1854. Năm 1844, Đặng Huy Trứ đã may mắn được ngắm dung nhan Nguyễn Thị Bảo, đang si tình thì một hôm qua đò Lựu Bảo thì bị rớt xuống sông, lại được cô Bảo cứu, từ đó mà nên duyên tiền định. Ông qua lại với cô Bảo có con đến 10 năm, mới được gia đình cho cưới làm vợ, cho yết từ đường. Nếu không phải là kẻ chung tình, trọng nghĩa, khó có chuyện tình thâm sâu đến vậy.

Con người nhân nghĩa ấy, lại là một con người có tư tưởng và hành động hết sức vì lợi ích của nhân dân, với nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn học, văn hóa, giáo dục, kinh tế, kỹ trị, ngoại giao…

Trước hết, ông là người có tư tưởng vì dân. Vấn đề thứ nhất trong việc nhận thức là Đặng Huy Trứ thấy được vai trò và sức mạnh của nhân dân. Nếu Nguyễn Trãi nói về sức mạnh của dân: “chở thuyền cũng là dân mà làm lật thuyền cũng là dân” thì Đặng Huy Trứ cho rằng:

“Ngô nhân tự hữu hồi thiên lục
ngao cực lô khôi vị túc khoa”

(Dân ta đủ sức xoay trời lại
Chẳng đáng khoe chi chuyện vá trời)


Với ông, nhân dân có sức mạnh hết sức lớn, tới mức đủ để “xoay trời lại”. Về vai trò, vị trí của nhân dân, Đặng Huy Trứ nhận thức rất xác thực: “Dân duy huyết mạch hệ an nguy” (nhân dân quyết định sự an nguy). Tình cảm yêu thương nhân dân sâu đậm của ông đưa đến việc xác định trách nhiệm đối với dân khi ông là một quan chức của nhà Nguyễn. Đặng Huy Trứ cho rằng nhiệm vụ của người làm quan là phải giúp dân. “Không giúp được gì cho dân thì đừng làm quan”. Tư tưởng tiến bộ này của Đặng Huy Trứ đã được thể hiện trong cuộc sống làm quan của ông. Tận tụy làm việc vì lợi ích của nhân dân là đạo đức, tiêu chuẩn của người làm quan. Trong mối quan hệ giữa quan với dân, Đặng Huy Trứ đã có được sự nhận thức hết sức đúng đắn, cho đến hôm nay giá trị nhận thức ấy vẫn còn nóng bỏng và thiết thực: “Thiệt cho mình, ích cho dân, dân sẽ tin yêu. Đào khoét dân để cho mình no béo, dân sẽ ta thán. Dân ta thán hay tin yêu đều do mình”. Ông đanh thép khẳng định: “Không muốn làm lợi cho dân thì đừng làm quan” và khi đã làm quan thì phải “Cốt ở yên dân”, “Đừng có nhiễu dân”, “Chí công vô tư”...(1)

Vì dân, Đặng Huy Trứ căm ghét và lên án, thẳng tay trừng trị bọn nha lại đục khoét, nhũng nhiễu dân khi ở cương vị ngự sử: “Bọn chúng vẫn còn tham nhiều lắm, cho dù thân thích bút không dung”. Quyết “Không thể đem bán cái ngay thẳng của mình đi, để trở thành kẻ nịnh hót”.

Ông còn là một nhà thơ gần gũi với nhân dân. 25 bài thơ viết khi ông đang còn 15 tuổi, đã hé mở từ làng Thanh Lương một nhân cách rạng ngời, dự báo sự phát triển của một tài năng tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực. Phải gắn bó với dân làng, ông mới có bài thơ hay về cảnh trăng sáng trên bến sông lúc hoàng hôn sau mưa, cổ thụ tỏa bóng xuống rung rinh theo chân cô gái ra sông giặt giũ:

“Sau cơn mưa, núi quang mây thu cả ánh nắng chiều
…Bóng cây già đậm đặc theo chân người con gái ra sông giặt.
Chòm râu xanh của cây tùng giãi bóng như đùa với chiếc thuyền câu.
Hương xuân đã hết, chỉ có đêm thu buông xuống với ta
Trước cảnh này khiến lòng dùng dằng về hay ở”


                        (Trăng sáng chiếu rặng tùng)(2)

Thơ ca của Đặng Huy Trứ là tấm lòng yêu thương nhân dân, cảm thông với nổi khó nhọc để kiếm sống của dân lao động như thợ cày, thợ cấy, những ông lão vác than, những cô gái chăn tằm, những ông đồ bán chữ:

“Giờ dần đã tính kế sinh nhai
Ăn vội cơm đèn bữa sáng mau.

Thợ cày thoáng nhận nhau qua bóng
Cơm trắng còn vương dính ở môi”


Ông thông cảm với nỗi bất hạnh của người dân khi thiên tai, đói kém, chết chóc xảy ra:

“Con côi vợ góa ngàn đau xót
Nhà đổ, thuyền trôi, vạn đắng cay.
Thần bảo rửa thù sao lắm vậy
Dân nghèo gặp nạn đáng thương thay”


Và:

“Ngoài kia kêu khóc bao người đói
Cám cảnh dân đen những chạnh lòng”
(3)

Đối với người dân chết vô thừa nhận và những mồ hoang không người thừa nhận, ông xót thương, tìm đất lập nghĩa trang, thu gom hài cốt để mai táng.

Một vị quan thanh liêm, căm ghét tột cùng nạn tham nhũng. Bản thân Đặng Huy Trứ có cuộc sống “cơm chỉ rau dưa, nhà khoe mái dột”. Gắn bó với đời sống cùng khổ của nhân dân, ông sớm nhận ra cái họa tày đình của nạn tham nhũng, hối lộ đang từng ngày đẩy đất nước vào con đường suy vong. Trong đó, tác phẩm “Từ thụ yếu quy” của ông viết năm 1867 được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên chống tham nhũng của nước ta. Tác phẩm bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, đúc kết 104 kiểu hối lộ, tham nhũng điển hình phổ biến trong xã hội, là những lời gan ruột của một trí thức luôn day dứt với vận mệnh của đất nước. “Từ thụ yếu quy” là bản thống kê đầy đủ nhất của nạn hối lộ, tham nhũng trong xã hội Việt Nam xưa, cũng là cuốn sách đầu tiên tổng kết đầy đủ mọi mưu ma, chước quỷ của nạn hối lộ tham nhũng, bây giờ đọc lại cũng không khác hiện nay là bao. Những hình thức tham nhũng được chỉ thẳng mặt như: Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử; Quan bị cách chức hối lộ được phục hồi chức; Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; Hối lộ các quan đi tra xét án kiện tụng; Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ để cầu được che giấu; Kẻ thâu thuế cửa quan, bến đò hối lộ để lạm thu; Con buôn người nước ngoài hối lộ để cầu thân; Hối lộ để chứng nhận ruộng bị thiên tai; Thương nhân hối lộ để tiêu thụ được hàng hóa; Kẻ đi kiện hối lộ để cầu được kiện; Người bị tội hối lộ xin giảm, miễn tội; Người có tội hối lộ để giấu diếm tài sản; Kẻ phạm điều cấm, hối lộ để cầu được miễn truy tội; Quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên… Khi bàn đến các kiểu hối lộ, nêu ra nguyên nhân, tác hại và những điển tích minh chứng, Đặng Huy Trứ đều kiên quyết khẳng định “Thứ hối lộ ấy không thể nhận”. Mặc dù đã gần 150 năm đi qua, nhưng đến nay đọc lại “Từ thụ yếu quy”, ta vẫn thấy tính thời sự nóng hổi của nó.

Và nhà kỹ trị với nhiều cải cách mới mẻ đã khai lập nghề nhiếp ảnh Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Huy Trứ từng được Phan Bội Châu nhắc đến cùng một số người khác để tôn vinh qua bộ sách Việt Nam quốc sử khảo biên soạn năm Mậu Thân 1908: đó là một trong những “người trồng mầm khai hóa” cho nước nhà.

Ông không chỉ quan tâm đến nông nghiệp như đa phần các nhà nho ra làm quan thời bấy giờ, ông còn là người nhìn thấy rất sớm vai trò của kinh tế công nghiệp, thương nghiệp. Xem lại những năm tháng hoạt động của ông: 1866 xin lập Ty Bình chuẩn ở Hà Nội để lo việc buôn bán; 1867 đi Quảng Đông mua vật liệu nhiếp ảnh, máy móc đem về; 1869 mở tiệm ảnh Cảm Hiếu Đường ở Hà Nội… sẽ thấy ông năng nổ trong việc xúc tiến việc giao thương công nghiệp, thương nghiệp như thế nào. Ông tổ chức các nhóm ngành nghề thủ công, tự thân mở hiệu buôn làm việc buôn bán (là một nghề bị coi là “mạt” thời đó). Ông mở xưởng đúc gang, lập cục cơ khí, mời chuyên gia về dạy, cử thanh niên đi học kỹ thuật ở nước ngoài…

Quan điểm đổi mới và cách thức làm giàu của ông là điểm mới, đặc sắc so với các đình thần bảo thủ của triều đình nhà Nguyễn. Bởi lẽ, thời bấy giờ, ngay cả Nguyễn Văn Siêu, một cựu thần nhà Nguyễn, trong “Luận Ngữ trích giảng” đã dạy học trò rằng: “Trong việc vi chính, binh và lương chỉ cần làm thế nào cho đủ là được, chứ không cần phải làm cho giàu mạnh”(4). Hầu hết các đình thần triều Nguyễn (như Nguyễn Xuân Ôn), đều cho rằng, “nếu nói dùng tàu thủy để buôn bán, làm giàu cho nước thì đời xưa chăm nghề nông, trọng lúa gạo đều có thể làm cho nước giàu, chưa từng nghe lấy việc buôn bán làm giàu bao giờ…”(5). Gần như ngược lại, Đặng Huy Trứ khẳng định sự cần thiết phải tìm cách làm giàu, phải coi trọng kinh tế tài chính để có cơ sở phát triển đất nước. Ông quan niệm “làm cho dân giàu, nước mạnh đâu phải là một việc chẳng cần phải lo toan nhiều”(6). Theo ông, đây là một công việc cần kíp, cần phải tạo nên sự giàu có, tạo cơ sở để bảo vệ và xây dựng đất nước. Bởi lẽ, chỉ có thể dựa trên sự tăng cường phát triển kinh tế mới có điều kiện để xây dựng quân đội vững mạnh, có khả năng giải quyết những vấn đề trọng yếu khác của đất nước đang đặt ra.

Từ việc khẳng định nhiệm vụ cấp thiết trong việc tổ chức làm kinh tế cho đất nước, Đặng Huy Trứ đã đề ra hai nhiệm vụ trước mắt mà đất nước ta cần phải thực hiện, đó là: sản xuất và kinh doanh, phải gắn việc tạo hàng hóa với việc buôn bán và lưu thông hàng hóa để hướng đến một mục đích chung là tạo nguồn lực kinh tế vững chắc cho đất nước, rồi tính chuyện giải phóng. Đặng Huy Trứ viết: “khai phá đất hoang vu, cỏ rậm không thể nói có thừa tâm sức, vượt sóng gió tôi đâu có tiếc tóc da. Khai thác mỏ muối, mỏ sắt thì dù là thần đồng cũng tiến cử Quản Trọng, khẩn ruộng vườn thì ngài xứng đáng là tiểu Phàn Tu. Tuy nhiên, làm chín việc tích lũy kiêm thêm việc buôn bán lãi gấp ba, họa chăng khoảng chục năm mới diệt được giặc chăng?”(7). Nhưng theo ông để phát triển kinh tế thì hàng hóa lưu thông phải thuận lợi, do đó cần phải tập trung nâng cấp, phát triển và đầu tư cho cầu cống, đường xá, sông ngòi, kênh rạch phải được khai thông… Một điều đáng lưu ý là Đặng Huy Trứ đã nhìn thấy và nêu ra những yêu cầu đạo đức cần phải có của những người làm kinh tế. Theo ông những chuẩn mực đạo đức của những người làm kinh tế cũng không nằm ngoài những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Nho giáo đã quy định đối với con người như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nhưng nó đã được cụ thể hóa thông qua các hoạt động cụ thể của nghề buôn như cân, đong, đo, đếm, chất lượng sản phẩm…

Đặng Huy Trứ cho rằng xây dựng và phát triển kinh tế, làm giàu cho dân, cho nước là một đạo lý lớn, “làm ra của cải, đạo lý lớn ấy là việc không thể coi nhẹ được”(8). Làm giàu là một việc chính đáng, cần phải khuyến khích để cho nhiều người cùng làm, vì đó là công việc đem lại lợi ích cho cả triều đình và nhân dân, làm cho việc công, việc tư đều được thỏa đáng, “công tư lưỡng lợi, nước thêm bền”, “cái lợi chung cho cả công và tư là như nhau”. Tự mình trở thành gương sáng, ngoài việc lập Ty Bình Chuẩn, ông còn là người đầu tiên đem ngành nhiếp ảnh vào nước ta. Năm 1869, ông khai trương hiệu chụp ảnh “Cảm hiếu đường”, mở hiệu sách và nhà in “Trí trung đường” ở Hà Nội.

Tất cả đó là tầm nhìn rộng của một nhà kỹ trị nhìn thấy con đường tự trị tự cường của đất nước. Và một trong những hoạt động năng động đó của ông, hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường được mở là kết quả tất yếu. Đây chính là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, khiến Đặng Huy Trứ trở thành người khai lập nghề ảnh Việt Nam.

H.N
(SHSDB32/03-2019)

....................................  
(1, 3, 7) Các trích dẫn trên đây theo Nhóm Trà Lĩnh: Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1990.  
(2) Dẫn theo “Thơ ca Đặng Hoàng Trung” - Vũ Khiêu…).  

(4, 5, 6, 8) Viện Triết học.
Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX, t.1. Tài liệu in rônêô, Hà Nội, 1978.  

Một số tài liệu tham khảo:

- Đại Nam thực lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1974.
- Ô Châu cận Lục
- Trương Thị Yến: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam - Những gương mặt tiêu biểu, Nxb. - VHTT, H., 1998.
- Tư tưởng của Đặng Huy Trứ; (Kỷ niệm 187 năm ngày sinh của Đặng Huy Trứ (29/3/1825 - 29/3/2012); TS. Cao Xuân Long, tài liệu PDF.
 



 

Các bài mới
Chia (20/05/2019)
Các bài đã đăng