Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-19)
Đồng vọng những chân trời xanh thẳm
09:45 | 10/05/2019

PHAN TRỌNG HOÀNG LINH 

Chân trời là giới hạn của tầm mắt, dẫn đến ảo tượng về sự giao nối giữa trời và đất. Do vậy, chân trời vừa hữu hạn, vừa vô hạn.

Đồng vọng những chân trời xanh thẳm

Lấy câu ngạn ngữ Do Thái: “Hạnh phúc cho ai nhìn thấy những chân trời” làm lời đề từ cho tập tiểu luận phê bình văn học vừa ra mắt cuối năm 2018 với nhan đề Những chân trời xanh thẳm (Nxb. Hội Nhà văn, 2018), dường như, nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong đồng thời lập ngôn cho sứ mệnh của phê bình văn học theo quan niệm của ông: tìm thấy chân trời của những chủ thể đã sáng tạo nên giá trị văn chương, cũng là người góp phần mở rộng và đẩy xa đến vô tận những chân trời văn hóa.

Cuốn sách là hợp tuyển những tiểu luận được viết trong khoảng 10 năm trở lại đây về các tác giả có liên quan đến đời sống văn học, chủ yếu trên lĩnh vực sáng tác, như Phan Khôi, Hải Triều, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Vĩnh Mai, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Bổng, Võ Hồng, Đào Xuân Quý, Sơn Nam, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ, Lê Văn Ngăn, Thanh Quế, Thái Bá Lợi và Lưu Quang Vũ.

Với khí chất hào sảng, Phạm Phú Phong là người giao tế rộng rãi, luôn chú tâm tìm hiểu hầu như mọi sự kiện và con người văn học quanh ông. Vì thế, không lạ khi trong số 20 tác giả được ông chắp bút, có đến 16 tác giả sinh ra, trưởng thành và hoạt động mật thiết trên địa hạt miền Trung. Ông thường viết rất hay về những tác giả mà ông thật sự gắn bó, không chỉ trên tác phẩm mà còn trong những sự kiện cuộc đời. Bởi lẽ, phê bình văn học của ông là loại phê bình kết hợp vẽ chân dung. Mọi khía cạnh được mất của văn nhân sóng đôi với hành trạng tiểu sử. Trang viết đầy ắp tư liệu, đọc cũng hấp dẫn như thuở được nghe ông giảng trên lớp, hay được nghe kể những lúc hầu ông cuộc rượu. Nhưng đặc sắc trong số đó không phải tư liệu sách vở, mà là thứ tư liệu do chính ông trải nghiệm qua những đoạn sống với văn học cùng thời. Người viết hiếm khi tập trung vào một tác phẩm cụ thể mà luôn hướng đến khái quát mang tính quá trình. Vậy nên, đến cuối, mỗi tiểu luận thành công của ông không chỉ thấu thị một văn nghiệp mà còn khắc đạt một nhân hình. Tôi đã cảm thấy thú vị khi nhận thấy quả thực ông rất mê phác thảo chân dung. Đôi chỗ, ông thậm chí dành riêng đến nửa trang giấy cho những đoạn trữ tình ngoại đề, tựa như: “Sơn Nam là “nhà văn đi chân đất” theo đúng nghĩa của từ này. Với dáng người thấp nhỏ như núi của phương Nam nhưng rắn rỏi, gân guốc. Gương mặt ông khắc khổ, hun hút như được chạm khắc bởi nỗi niềm tù túng của lịch sử có nét hao hao gương mặt của tượng đá Phù Nam. Đôi mắt ông vừa xuyên suốt, vừa u u minh minh, vừa sáng quắc lại vừa lờ đờ, hệt như đôi mắt của quá khứ, nhưng nụ cười hiền lành luôn gắn ở trên môi và đong đầy trong mắt. Ông cứ thế mà đi bộ hơn bảy mươi năm trên những làng quê, những vỉa hè quanh co mỗi sáng cho đến tối mịt mỗi ngày, và, ông thong thả đi vào đáy sâu hun hút của lòng người, đi vào tòa lâu đài lộng lẫy của văn chương, bằng chính hơi thở ấm áp và giọng điệu tự nhiên như tiếng vọng từ trái tim mình” (tr.202 - 203). Đây cũng là những đoạn phát tiết hai phẩm chất nổi bật nhất của ngòi bút phê bình: tài hoa và tràn đầy cảm xúc.

Tôi nhận ra điểm thú vị nữa: Phạm Phú Phong vốn là người rất mực tài hoa trong đặt tiêu đề bài viết, nên với khẩu vị của tôi, bài nào của ông phát lộ được tiêu chí này, đó thường là bài viết hay: “Vĩnh Mai - con chim Phượng Hoàng đã bay qua hòn núi bạc”, “Võ Hồng - người đi đến cuối chân trời không biết mỏi”, “Đào Xuân Quý - người đưa thơ đi hóng gió sông Hồng”, “Nguyễn Minh Châu bên chân trời vỏ đạn”, “Có một đất nước của Trần Vàng Sao”, “Tô Nhuận Vỹ - có một chân trời phía ấy”, “Lê Văn Ngăn - thơ như chiếc bóng cuối chân trời”, “Thanh Quế - người đi vé đứng trên chuyến tàu văn xuôi”,… Hay, tất nhiên không chỉ ở tiêu đề, mà quan trọng còn ở những phát hiện độc sáng. Chẳng hạn, về truyện của Thanh Quế, ông cho rằng tác giả này “có biệt tài tạo nên độ sâu của suy ngẫm, sự lắng đọng của cảm xúc. Bởi lẽ, trước khi đến với văn xuôi, ông là nhà thơ. Truyện của ông là truyện của một nhà thơ. Chất thơ bàng bạc trong các truyện, từ cách chọn lựa đề tài, chủ đề đến kết cấu, diễn biến truyện và tính cách nhân vật” (tr.324). Về thơ của Đào Xuân Quý, ông nhận xét: “Điểm mạnh và là cái riêng của ông là gài cảm xúc lên từng câu thơ rải đều, đọc toàn bài mới thấy được những tình cảm trọn vẹn” (tr.173). Những trang viết giàu cảm xúc nhất của ông, và hay nhất với tôi, là những trang về các nhà văn, nhà thơ từng tham gia phong trào sinh viên tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước 1975. Phạm Phú Phong là tuýp người hoài niệm, có trí nhớ phi thường mọi thứ thuộc về quá khứ. Hiếm ai nhớ nằm lòng mộ của danh nhân và năng lui tới mộ của người thân, của những người mình từng quen biết như ông. Ghét ai thì xúc đổ đi, nhưng đi được với ai đến tận cuối đời thì người ấy với ông mãi không khuất bóng. Ông luôn nặng lòng với những người anh, người bạn cùng chung một thời tranh đấu, nhưng vì cá tính hoặc vì số phận mà đường đời đứt gãy. Sức hấp dẫn trong trang viết của ông ở đó, và nỗi buồn phảng phất suốt đời ông cũng ở đó.

Trong tiểu luận về Phan Khôi, khi liệt kê những thứ làm nên khí chất “nhà văn xứ Quảng”, Phạm Phú Phong đặc biệt chú ý phẩm tính “Quảng Nam hay cãi”. Chưa thấy ông tranh cãi kịch liệt với ai bao giờ, nhưng sự thẳng thắn và kiên định trong chính kiến học thuật của ông là không thể phủ nhận, cả khi khen lẫn lúc chê. Chiếu theo câu danh ngôn của R. Gamzatov mà ông vẫn yêu thích: “Chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”, thì đó phải chăng cũng là một nét cá tính mạnh của người đàn ông xứ Quảng. Dành rất nhiều cảm tình cho nhân cách và sáng tác của Tô Nhuận Vỹ, nhưng ông cũng thẳng thắn chỉ ra: “Điều đáng ghi nhận về bước chuyển trên chặng đường sáng tác của Tô Nhuận Vỹ lại là nhược điểm về thể loại, thể hiện rõ trong hai truyện ngắn Bạn bè tôi Làng thức. Đó là sự kéo dài, tản mạn nhồi nhét một dung lượng hiện thực không phù hợp và thiếu chọn lựa, kết cấu truyện không chặt chẽ, cho thấy nhu cầu bức thiết phải đổi thay; là dấu hiệu/ gạch nối chuyển từ truyện ngắn sang tiểu thuyết” (tr.286). Soi sáng hạn chế của tác phẩm từ góc độ thể loại để khẳng định một nhu cầu dịch chuyển bút pháp ở cấp độ vĩ mô và chứng minh thuyết phục thông qua thành tựu của những thể nghiệm sáng tạo về sau của chính tác giả, nhà phê bình đã khiến luận điểm phê bình trở nên dễ chịu và có ý nghĩa xây dựng hơn rất nhiều. Đàn ông Quảng Nam còn hay nói ngược. Có một danh nhân văn hóa đang bị đám đông chụp mũ, vùi dập đủ đường, Phạm Phú Phong lại viết cả tiểu luận gần 30 trang để xác quyết vị ấy là nhà văn [hóa] yêu nước. Khắp nơi từ kỷ yếu hội thảo đến tạp chí văn hóa văn nghệ không nơi nào dám đăng, ông cười nửa miệng lấp ló cái răng sún mà rằng: “Thì tui đăng vô sách của tui!” Nói ngược, mà có lý. Trong tiểu luận ấy, tôi tâm đắc với nhà phê bình về phát hiện mang tên “thi pháp bút danh”: “Người cầm bút chân chính, luôn tự hào về tên tuổi của mình. Phải từ bỏ bút danh từng nổi tiếng của mình để chọn một bút danh mới cũng là hành động yêu nước và văn hóa chọn bút danh cũng là văn hóa yêu nước” (tr. 271). Gần đây, nhiều người có xu thế phủ nhận giá trị nghệ thuật của văn chương cách mạng, Phạm Phú Phong không hoàn toàn phản đối, nhưng ông lưu ý: “Đừng ai có ảo tưởng rằng có thể nói thay cho mọi thời. Mỗi thời đại có một cách biểu tỏ riêng và sản sinh ra một kiểu nhà thơ riêng của thời đại mình” (tr.100). Một giá trị văn hóa chỉ có thể xác định dựa trên đặc trưng của một thời đại văn hóa.

Trong cuốn sách này, số bài về nhà văn nhiều hơn số bài về nhà thơ. Phạm Phú Phong không bao giờ ngâm thơ. Nghe đồn, ông còn viết tiểu thuyết mà không công bố. Ông cũng hay chọc giỡn thơ của người bạn đồng nghiệp thân thiết. Nhưng không biết ông có phiền lòng khi tôi nói điều này, ông viết về thơ hay hơn viết về văn xuôi. Không ngâm thơ, có lẽ, với ông, thơ là để ngẫm, trong thế giới tinh thần.

Ông bảo với lũ trẻ chúng tôi, đây là cuốn sách cuối cùng. Tôi không tin. Sức khỏe phục hồi tốt, ông vẫn đang “chiến đấu” miệt mài. Nhà phê bình Phạm Phú Phong sẽ tiếp tục tìm thấy hạnh phúc nơi những chân trời xanh thẳm.

P.T.H.L  
(SHSDB32/03-2019)



 

 

Các bài mới
Chia (20/05/2019)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)