Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-19)
Lăng Cô - “Vẻ đẹp giết chết thi sĩ”
15:12 | 24/05/2019


HẠ NGUYÊN

Lăng Cô - “Vẻ đẹp giết chết thi sĩ”
Ảnh: Nguyễn Ngọc Anh

Những kỷ niệm rời trên sóng nước

Năm ấy, mùa đông 1989, đã cách đây 30 năm. Tôi mang trong mình tâm hồn phóng khoáng của một gã sinh viên vừa ra trường bắt đầu tập tành viết báo, với chút ít chữ nghĩa ăm ắp nồng nàn sóng biển, tấp tểnh đạp xe từ Huế về với Lăng Cô. Cùng đi với tôi lúc đó, là nhà thơ Thiệp Đáng, sống trong một phủ đệ dòng dõi triều Nguyễn. Sau gọng kính cận dày cộm, đôi mắt Thiệp Đáng siêu thực hóa mọi hình ảnh thu vào mắt; kiểu như “lá mọc trên đầu tôi vào lúc nửa đêm nguyên tiêu/ từ đó tôi hóa nên một thực thể xanh biếc”. Hình ảnh thì có thể siêu thực hóa, nhưng âm thanh sên xích xe đạp của cả hai cứ rộn ràng dọc đường thì không thể. Vậy mà cái âm thanh rền vang ấy cũng bị lãng quên sau khi vượt qua 60km, chân chạm mép nước, cả hai không nói nhưng lòng đã reo lên: “Đây Lăng Cô, đây Lăng Cô, cả người ta đã ngập trong sóng nước”.

Bãi cát trong nắng vàng chiều thu tuyệt đẹp, một màu vàng như mơ, chưa bao giờ thấy màu vàng ấy hắt lên bức tranh nào thuở đó. Đương nhiên, màu vàng ấy cũng chưa bao giờ hắt vào mắt tôi. Biển xanh, cát và nắng vàng, trên trời mây trắng lang thang. Và sóng biển, như thể cũng muốn chào một đôi lời thân thiện với những kẻ lang thang tìm thú vui hòa cùng thiên nhiên là hai chúng tôi lúc đó.

Chiều cuối ngày, chúng tôi được mời vào căn lều của một người có chức sắc ở vạn chài Lăng Cô. Ở đó nhữngngư dân lực lưỡng đang cạn những chén rượu cuối cùng trước giờ xuống thuyền ra khơi. Họ cạn với chúng tôi vài ly rồi bước ra khỏi căn lều, hè nhau xeo thuyền rồi ngược con nước rời đầm ra biển. Chúng tôi được mời món tiết canh sò huyết được chế biến khéo léo bởi người vợ lão ngư, một phụ nữ già đuôi mắt đã hằn những nếp nhăn. Sò huyết Lăng Cô nổi tiếng ngon nhất là cuối tháng bảy, mùa biển lặng. Người phụ nữ dùng dao chẻ đôi những con sò để lấy huyết tươi vào trong chén, rồi nêm gia vị, tạo nên sự hấp dẫn lạ lùng. Những con sò được tách ra, làm chín trong nước cốt chanh trong đĩa, rưới nước tiết sò huyết, rồi rắc lên trên hành ngò, rau ngò gai. Vị tươi nhưng không tanh, nồng nhưng không gắt, chiêu thêm ngụm rượu đế xem ra ấm dậm như sóng biển lặng mùa thu. Ấm dậm cả vào giấc ngủ không biết đến với tôi lúc nào.

Tinh mơ hôm sau, trời còn tối đen, bỗng bị đánh thức dậy, bị kéo cả cánh tay ra khỏi giường rồi ấn xuống cái bàn đã bày biện sẵn một cái thau lớn được úp đậy bằng một cái nón lá. Trên bàn có mấy chai rượu trắng nút lá chuối để sẵn. Quanh chiếc bàn dài được chiếu sáng bằng mấy ngọn đèn dầu, có chừng mười lăm người đang ngồi, hút thuốc lá vấn, nói cười ồn ào vui vẻ. Tôi lơ mơ nhìn quanh chưa định hồn xem cái gì đang diễn ra, Thiệp Đáng đã thông báo: chuẩn bị ăn gỏi cá me. Thì ra tối qua, ngư dân đánh được nhiều cá, trong đó có thúng cá me. Vào bờ, họ nhón một tí làm gỏi, đưa cay vài chén rượu rồi đi ngủ, lấy sức chiều lại ra khơi. Chừng xoay vòng vài ly, có người giở cái nón lá ra. Ồ, cả một thau cá me tươi roi rói. Gỏi cá me, cũng làm chín bằng chanh, ớt, tỏi, gừng, nhưng mà vị cá nó không tanh, mà bùi lạ. Cho đến khi nắng lên đổ bóng dài, tôi lại ngây ngây trong tiếng sóng vỗ rất gần ngoài kia, cuộc rượu tan ai về nhà nấy, ngủ để lấy sức chiều ra khơi. Lăng Cô đã đón chúng tôi hào sảng như thế.

Đến chiều thì chúng tôi tiễn các ngư dân ra biển. Những con thuyền xếp đều như nêm, mỗi con thuyền là những chắt chiu để nuôi sống gia đình, song lòng thuyền lòng người vô cùng rộng mở. Những nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt những con người cần lao đó, chợt thấy hạnh phúc sao quá đỗi giản đơn. Vạn chài Lăng Cô đẹp một cách thuần khiết như thế, khiến nếu đã đặt chân đến đều bùi ngùi muốn trở lại, đi thêm lần nữa cho thấu lòng nhau.

Sau này tôi có kỷ niệm khó quên, đi dọc đường ray giữa trưa hè gay gắt từ ga Lăng Cô vào Hói Mít để viết về những đứa trẻ con ở đó không có trường để học. Bài báo in xong, trẻ em Hói Mít được các nhà hảo tâm xây lớp học. Tôi nhận ra nụ cười của mình cũng rạng ngời như bọn trẻ nơi đây.

“Vẻ đẹp giết chết thi sĩ”

Ngày đó, rời Lăng Cô về Huế, thi sĩ Thiệp Đáng chép vào sổ tay tôi bài thơ mới làm xong, cái tên rất dịu dàng- “Vẻ đẹp Lăng Cô”, mở đầu như một giai điệu slow dìu dặt:“Điệu slow ru ngủ những ghềnh đá”. Nhưng đến lúc cao trào thì quá sức riết róng: “Lăng Cô! Lăng Cô! Lăng Cô… Vẻ đẹp giết chết thi sĩ”.

Ô, có phải khi thi sĩ bị vẻ đẹp giết chết, thi sĩ sẽ không làm thơ nữa?

Nhìn từ trên cao xuống, Lăng Cô hệt như một hòn đảo nhỏ với bãi cát mịn màng trải dài, được bao bọc bởi thẳm xanh nước biển. Cơ hồ như màu xanh Lăng Cô được phối nên từ xanh lá của núi rừng, xanh dương của bầu trời và xanh ngọc bích của đại dương; màu trắng của Lăng Cô được phối từ màu mây trên cao, màu sóng vỗ nồng nàn lên bãi cát; màu vàng từ dãi cát vàng ngập ngời trong nắng. Màu trắng, màu xanh, màu vàng được tạo hóa pha màu rất riêng, không có trong bảng màu của họa sĩ nào, chính là màu Lăng Cô.

Về sau này, tôi có những buổi chiều về lại đây tìm nhớ ngày xưa. Vạn chài giờ không còn lều cỏ, thay vào là những ngôi nhà cao tầng no ấm. Tôi cũng tìm cho mình những giờ phút thanh thản trong đời. Buổi chiều trở nên thật thoải mái và nhàn hạ hơn khi đặt lưng xuống một cái ghế nào đó có mái che, ngoài kia nắng vàng không vội, tiếng sóng vỗ bờ như nhắc điều chi đó vừa xa xôi, vừa thật gần. Rồi khi nắng chiều buông xuống, toàn Lăng Cô chìm dần trong màu vàng pha sắc đỏ huyền ảo, trời và biển như hòa làm một, những người làng chài lại vác chèo xeo thuyền ra khơi.

Lăng Cô - “vẻ đẹp giết chết thi sĩ”.Lăng Cô đẹp đến cỡ nào? Ai tìm ra Lăng Cô?

Sách vở nói, người tìm ra Lăng Cô chính là vua Khải Định. Vua lên ngôi vào tháng 5/1916. Sau đó hai tháng, tháng 7/1916, nhà vua mở một cuộc du lãm các thắng cảnh từ Huế đến đèo Hải Vân. Đầu thu năm đó, vua Khải Định đã phát hiện ra bãi biển Lăng Cô được bao quanh tứ bề thắng cảnh: Phía bắc là cửa biển Cảnh Dương ở mũi Chân Mây huyền hoặc, phía nam là Hải Vân Quan chất ngất, phía tây bắc là núi Phú Gia chập chồng, mờ ảo bên kia đầm An Cư, và phía đông là đại dương mênh mông, dập dồn sóng bể. Khi trở lại Hoàng cung, vua ban lệnh xây dựng một “hành cung” ở Lăng Cô để nhà vua nghỉ mát vào mùa hè, và thỉnh thoảng rước hai bà mẹ, là bà Thánh Cung (mẹ đích) và bà Tiên Cung (mẹ ruột), về đây hóng mát. Vua lại đặt tên cho hành cung này là “Tịnh Viêm” (nghĩa đen: làm dịu sự nóng nực). Sau đó gần 3 năm, dừng chân Lăng Cô, vua Khải Định tức cảnh sinh tình viết một bài văn, cho khắc vào bia đá, dựng ở Lăng Cô để kỷ niệm. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An tạm dịch:

“Bài văn bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế.

Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này. Ở đây, đất liền núi Phú, bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía Nam giáp với Hải Vân quan, phía Bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng, bãi hạc đầm cò, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy những cụm mây kỳ ảo bay lên từ hang hốc như các tiên nữ đang múa ở non bồng, nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng chạy, như muôn ngựa cùng chầu về trên biển. Bấy giờ mới dừng xe loan trông ra bốn phía, nhìn rõ càng vui mắt, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình. Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi nghỉ mát giữa mùa hè và thỉnh thoảng rước hai Hoàng Thái hậu về tránh nóng và ngắm cảnh. Khi đến đó, các ngài cũng cảm thấy hài lòng.

Vậy thì đây không phải chỉ là nơi giúp riêng một mình Trẫm vui thú lúc rảnh rang, mà còn cần phải ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc vào bia đá.

Ngày 24 tháng 2 năm Khải Định thứ 4…”.

Phố thị tương lai

Thích thú nhất ở biển Lăng Cô có lẽ vẫn là tản bộ trên bãi cát phẳng dài, cảm nhận từng lớp cát mịn màng sẽ sàng in dấu chân, rồi mặc sóng ùa khỏa lấp. Rồi nghĩ về một tương lai xanh của vịnh đẹp. Lăng Cô, vịnh biển đẹp của Thừa Thiên Huế là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới suốt 10 năm qua, từ 2009-2019.

Với thương hiệu quốc tế này, Lăng Cô đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của cả khu vực miền Trung.

Chỉ vài năm nữa thôi, Làng Cò ngày xưa đã thay áo như hôm nay, lại sẽ thay thêm lớp áo mới, nền nã, đẹp đẽ và sang trọng hơn. Bởi những chủ nhân ở đây đang biết cách gìn giữ và phát huy giá trị vịnh đẹp Lăng Cô, một cách thật sự hài hòa với thiên nhiên…

Ra đầm - Ảnh: Phạm Bá Thịnh



H.N  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Các bài mới
Trăng biển (28/06/2019)
Các bài đã đăng